Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH DƯƠNG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 234/2006/QĐ-UBND

Thủ Dầu Một, ngày 13 tháng 10 năm 2006

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI TỈNH ĐẢNG BỘ KHOÁ VIII VỀ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ GIAI ĐOẠN 2006 - 2010

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân ngày 26/11/2003;

Căn cứ Quyết định số 272/2003/QĐ-TTg ngày 31/12/2003 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt “Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ Việt Nam đến năm 2010”;

Căn cứ Quyết định số 67/2006/QĐ-TTg ngày 21/03/2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ khoa học và công nghệ chủ yếu giai đoạn 5 năm 2006 – 2010;

Theo đề nghị của Sở Khoa học và Công nghệ tại Tờ trình số 91/TTr-SKHCN ngày 12/9/2006,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết đại hội Tỉnh Đảng bộ khoá VIII về khoa học và công nghệ, giai đoạn 2006 – 2010 (kèm theo).

Điều 2. Chánh Văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, Thủ trưởng các Sở, Ban, Ngành, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày, kể từ ngày ký./.

 

 

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Nguyễn Hoàng Sơn

 

CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG

THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI TỈNH ĐẢNG BỘ KHOÁ VIII VỀ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ GIAI ĐOẠN 2006 - 2010
(Kèm theo Quyết định số 234/2006/QĐ-UBND ngày 13/10/2006 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Bình Dương)
A. THỰC TRẠNG PHÁT TRIỂN KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ GIAI ĐOẠN 2001 - 2005

I. Những kết quả đạt được

1. Nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ

- Trong giai đoạn 2001 - 2005, các sở, ban, ngành, cơ quan nghiên cứu và phát triển, trường cao đẳng, đại học trong và ngoài tỉnh đã thực hiện 40 đề tài, dự án nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, đến nay đã tiến hành đánh giá nghiệm thu 24 đề tài, dự án. Các đề tài, dự án triển khai trong giai đoạn này hầu hết là các nghiên cứu gắn với ứng dụng, để giải quyết các vấn đề đặt ra từ thực tế. Nhiều đề tài, dự án phát huy hiệu quả ngay trong quá trình thực hiện và đều được ứng dụng vào thực tế sản xuất và đời sống ở các mức độ và phạm vi khác nhau.

- Các đề tài trong lĩnh vực khoa học xã hội nhân văn, y tế, giáo dục đã góp phần cung cấp cơ sở khoa học và thực tiễn để soạn thảo các Nghị quyết, hoạch định chủ trương, chính sách, nâng cao hiệu lực quản lý của các cơ quan Nhà nước.

- Các đề tài, dự án trong lĩnh vực nông nghiệp - phát triển nông thôn, tập trung nghiên cứu, thử nghiệm chuyển giao giống cây trồng, vật nuôi mới có năng suất cao, chất lượng tốt. Công tác chuyển giao áp dụng mô hình kỹ thuật tiến bộ vào nông nghiệp được đẩy mạnh, góp phần tăng năng suất cây trồng từ 8 – 15% so với năm 2001. Tỷ lệ diện tích được trồng giống mới các loại như: cây cao su đạt 93%, bưởi 65%, sầu riêng 70%, mía 85%, điều 58%, đậu phộng 70% và rau đạt 100%. Năng suất và chất lượng giống gia súc, gia cầm được nâng lên, 85% là heo lai 2 - 3 máu ngoại, đàn bò nền được Sind hoá trên 90%. Một số hộ nông dân, tổ chức kinh tế đã áp dụng mô hình sản xuất nông nghiệp, công nghệ cao vào trồng rau, quả sạch.

- Các đề tài, dự án trong lĩnh vực công nghiệp - môi trường tập trung vào điều tra trình độ công nghệ, giải pháp cơ khí hoá nông nghiệp, gắn phát triển kinh tế - xã hội với bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và môi trường, chế biến nông, lâm sản.

- Ngoài các đề tài, dự án cấp tỉnh, trong giai đoạn này, còn có 4 dự án xây dựng mô hình ứng dụng và chuyển giao khoa học và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nông thôn và 01 dự án sản xuất sứ polyme cách điện, được Trung ương hỗ trợ triển khai đạt kết quả trên địa bàn tỉnh.

2. Đổi mới công nghệ

Tiến hành điều tra, đánh giá trình độ về công nghệ tại 200 doanh nghiệp thuộc 6 ngành sản xuất chủ yếu của tỉnh: Chế biến thực phẩm; da - giày da; chế biến nông lâm sản; may mặc; điện - điện tử - thiết bị nghe nhìn; cao su và plastic cho thấy:

- Thiết bị sản xuất còn tương đối mới và còn khá tốt, do đó có khả năng tăng năng lực sản xuất của các doanh nghiệp. 64,5% doanh nghiệp có chú ý đến việc đổi mới và nâng cấp thiết bị, trong đó ngành chế biến lâm sản và cao su - plastic có hệ số đổi mới thiết bị cao.

- 38,3% doanh nghiệp sử dụng hiệu quả trang thiết bị. Thiết bị tự động hóa trong dây chuyền sản xuất ở các ngành không đều nhau, trong đó ngành giày da và da mức độ tự động hóa thấp.

- Khoảng 50% doanh nghiệp có tỷ lệ phế phẩm thấp trong quá trình sản xuất.

- Về môi trường có khoảng 69% doanh nghiệp có môi trường sản xuất tương đối tốt, riêng ngành may mặc, giày da và da cần phải cải thiện môi trường sản xuất.

- Về trình độ tổ chức, quản lý lao động của các doanh nghiệp khá tốt, bộ máy quản lý có hiệu quả. Số lượng doanh nghiệp đạt hệ thống chất lượng ISO 9000 còn thấp (18,83%), hầu hết doanh nghiệp (77,8%) chưa chú trọng hoàn thiện hệ thống quản lý sản xuất. 92,6% doanh nghiệp chưa quan tâm đến công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công nhân.

- Hệ thống thông tin phục vụ sản xuất khá tốt ở các doanh nghiệp, việc áp dụng quản lý bằng máy tính chủ yếu cho bộ phận văn phòng (64,16%).

3. Hoạt động thông tin khoa học và công nghệ

- Sở Khoa học và Công nghệ xuất bản bản tin khoa học và công nghệ định kỳ 2 - 3 tháng/số, phát hành đến cán bộ lãnh đạo, quản lý, khoa học - công nghệ cấp tỉnh, huyện, xã, phường, thị trấn; bản tin khoa học và công nghệ phục vụ cấp cơ sở hàng tháng, phát hành đến lãnh đạo cấp cơ sở, nhằm phục vụ thông tin về khoa học và công nghệ trong sản xuất, bảo vệ môi trường, y tế và đời sống; thông tin chuyên đề về nhiều lĩnh vực khoa học và công nghệ... Sở Y tế, Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn cũng định kỳ phát hành bản tin hoạt động, trong đó có giới thiệu các kết quả nghiên cứu, ứng dụng khoa học chuyên ngành.

- Đài Phát thanh và Truyền hình đã tổ chức các chuyên mục khoa học và đời sống, công nghệ - môi trường, tạp chí công nghệ thông tin để quảng bá kiến thức về khoa học và công nghệ, công nghệ thông tin trên sóng phát thanh, truyền hình. Báo Bình Dương mở các chuyên mục tuần về khoa học - công nghệ - môi trường và tin học.

4. Bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ và phong trào lao động sáng tạo

- Bình quân mỗi năm tư vấn cho 150 doanh nghiệp về các thủ tục xác lập quyền sở hữu công nghiệp, tập trung nhất là nhãn hiệu hàng hóa và kiểu dáng công nghiệp.

- Toàn tỉnh có 1.021 nhãn hiệu hàng hóa, 176 kiểu dáng công nghiệp đã đăng ký bảo hộ độc quyền. Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng và đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp được triển khai từ tháng 10/2004, tính đến tháng 7/2006, có 110 hồ sơ của 73 doanh nghiệp đăng ký tham gia chương trình, trong đó, có 2 đơn đăng ký nhãn hiệu hàng hóa ra nước ngoài của 01 doanh nghiệp.

- Tổ chức hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh lần thứ I/2004 - 2005, lần thứ II/2005 - 2006 và phát động hội thi sáng tạo kỹ thuật lần III/2006 - 2008. Kết quả qua 2 lần hội thi sáng tạo kỹ thuật, 42 tác giả đoạt giải trên các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, giáo dục - đào tạo, công nghệ thông tin, y tế, xây dựng, giao thông.

- Có 28 cá nhân được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tặng bằng khen lao động sáng tạo.

5. Hoạt động tiêu chuẩn - đo lường - chất lượng

- Tổ chức 23 hội nghị và hội thảo về tiêu chuẩn, chất lượng, nhiều doanh nghiệp nhận thức được tiêu chuẩn và chất lượng hàng hóa là một trong các yếu tố cạnh tranh trên thương trường. Đến cuối năm 2005, trên địa bàn tỉnh có 2.613 sản phẩm của 83 lượt doanh nghiệp công bố tiêu chuẩn chất lượng; 7 hồ sơ công bố hàng hóa phù hợp tiêu chuẩn của 7 doanh nghiệp.

- Đã hướng dẫn, tuyên truyền cho các doanh nghiệp nắm vững các văn bản pháp quy về đo lường. Nhiều doanh nghiệp đã tự nguyện đăng ký kiểm định phương tiện đo, vì vậy số phương tiện đo được kiểm định năm sau cao hơn năm trước. Trong giai đoạn 2001 – 2005, đã đầu tư trang thiết bị chuẩn như công tơ điện 1 pha, dung tích để kiểm định xitéc ôtô, quả chuẩn khối lượng 500kg và đã được Tổng cục Tiêu chuẩn – Đo lường - Chất lượng công nhận 7 lĩnh vực khả năng kiểm định.

- Tổ chức thực hiện 2 chương trình hỗ trợ tổ chức áp dụng các hệ thống quản lý tiên tiến và hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ nâng cao năng suất và chất lượng. Đến nay có 151 doanh nghiệp áp dụng hệ thống quản lý tiên tiến, trong đó có 34 doanh nghiệp được hỗ trợ kinh phí Nhà nước, 7 cơ quan quản lý Nhà nước và đơn vị sự nghiệp công áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001:2000.

6. Xây dựng tiềm lực khoa học và công nghệ

- Trên địa bàn tỉnh có 38 cơ quan nghiên cứu và phát triển. Các tổ chức này đã có những đóng góp nhất định trong việc tạo ra các kết quả khoa học và công nghệ, chủ yếu trong các lĩnh vực nông, lâm nghiệp, nhưng chưa phát huy hết nguồn lực để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao cho sản xuất và đời sống.

- Nguồn nhân lực khoa học và công nghệ có trình độ từ cao đẳng trở lên, làm việc trong các sở, ban, ngành, doanh nghiệp Nhà nước, các đơn vị trực thuộc tỉnh, huyện, thị xã, khối Đảng và đoàn thể, tính đến cuối năm 2005 có 8.010 người, gồm: quản lý Nhà nước và doanh nghiệp Nhà nước: 7.665 người, khối Đảng, đoàn thể: 345 người.

- Về trình độ: 98,95% đại học và cao đẳng, 1,05% trên đại học.

- Số lượng cán bộ khoa học và công nghệ ở các cơ quan Đảng, Nhà nước có tăng lên trong các năm qua. Tuy nhiên, cán bộ khoa học và công nghệ chủ yếu tập trung ở cấp tỉnh, tỷ lệ có trình độ cao còn thấp, khối huyện, thị xã chỉ có 3 thạc sĩ, không có tiến sĩ.

- Lực lượng lao động kỹ thuật tại các doanh nghiệp: Đến tháng 6/2006, tổng số lao động tại các doanh nghiệp có 386.356 người, độ tuổi tập trung từ 18 - 40, trong đó lực lượng lao động ngoài tỉnh chiếm 60%. Lao động có trình độ từ cao đẳng trở lên có 18.159 người chiếm 4,7%, trung cấp và công nhân kỹ thuật có 37.090 người chiếm 9,6%, còn lại 85,7% là lao động phổ thông. Tỷ lệ lao động có qua đào tạo năm 2005 chỉ chiếm 23% so với tổng số lao động.

- Chính sách đào tạo và thu hút nguồn nhân lực của tỉnh, sau hai lần bổ sung, sửa đổi đã đi vào thực tiễn, khuyến khích, động viên cán bộ, công chức, viên chức học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, thu hút học sinh, sinh viên học các ngành theo yêu cầu của tỉnh. Các chính sách ưu đãi sự nghiệp giáo dục, y tế đã góp phần thu hút cán bộ y tế, giáo viên về công tác vùng sâu, vùng khó khăn.

II. Các hạn chế và nguyên nhân chủ yếu

1. Các hạn chế

- Số lượng đề tài triển khai trong giai đoạn 2001 - 2005 còn ít, hầu hết có quy mô nhỏ, thường chỉ giải quyết những vấn đề đơn lẻ, phục vụ chủ yếu cho một ngành, một cơ sở, không có đề tài, dự án mang tính tổng hợp, liên ngành. Chế độ và cơ chế tài chính liên quan đến triển khai nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ còn có mặt chưa hợp lý, thủ tục còn rườm rà, chưa thật sự khuyến khích sức sáng tạo, cống hiến của đội ngũ cán bộ khoa học và công nghệ. Kết quả hoạt động nghiên cứu, triển khai khoa học và công nghệ chưa tương xứng với tiềm năng và yêu cầu của phát triển kinh tế - xã hội và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh.

- Sau khi đề tài được đánh giá nghiệm thu, cơ quan chủ trì và chủ nhiệm đề tài có trách nhiệm tổ chức triển khai ứng dụng, nhân rộng kết quả nghiên cứu, nhưng việc triển khai ứng dụng kết quả nghiên cứu vào sản xuất và đời sống gặp nhiều khó khăn, chưa được các ngành, cơ sở chú ý.

- Đội ngũ cán bộ khoa học và công nghệ còn thiếu chuyên gia đầu ngành có trình độ cao trong nhiều lĩnh vực quản lý, kỹ thuật chuyên ngành, đặc biệt là y tế, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, công nghệ - kỹ thuật cao. Chính sách đào tạo và thu hút nguồn nhân lực của tỉnh bước đầu tập trung vào đào tạo, việc gắn đào tạo với bố trí, sử dụng chưa sát với nhu cầu thực tế. Việc đào tạo và thu hút chuyên gia giỏi đầu ngành chưa đạt hiệu quả như mong muốn.

- Thị trường khoa học và công nghệ trên địa bàn chưa được hình thành. Mạng lưới cơ quan nghiên cứu triển khai mỏng, cơ sở vật chất kỹ thuật thiếu và lạc hậu. Nguồn lực thông tin khoa học và công nghệ, nhất là các cơ sở dữ liệu về kinh tế - xã hội ở quy mô cấp tỉnh hầu như chưa được xây dựng.

Do những hạn chế nêu trên, khoa học và công nghệ chưa thật sự có những đóng góp lớn có ý nghĩa tạo ra những chuyển biến mạnh mẽ về năng suất, chất lượng và hiệu quả trong phát triển kinh tế - xã hội, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chưa thực sự trở thành động lực thúc đẩy sự phát triển của các ngành kinh tế - xã hội của tỉnh.

2. Nguyên nhân cơ bản của những hạn chế

- Nhận thức của các ngành, các cấp về khoa học và công nghệ chưa thật đầy đủ, chưa coi khoa học và công nghệ là giải pháp thúc đẩy hoạt động của ngành, địa phương và doanh nghiệp, do vậy, chưa có sự quan tâm thoả đáng đối với hoạt động này ở một số lĩnh vực.

- Cơ chế quản lý kinh tế - xã hội chưa tạo nhu cầu thực sự đối với khoa học và công nghệ. Thiếu các cơ chế, chính sách hỗ trợ đưa kết quả nghiên cứu vào sản xuất và đời sống, đổi mới công nghệ.

- Cơ chế quản lý khoa học và công nghệ chậm được đổi mới, không phát huy được năng lực khoa học và công nghệ hiện có. Hệ thống quản lý khoa học và công nghệ chậm được kiện toàn và củng cố. Bộ máy quản lý hoạt động khoa học và công nghệ ở cấp huyện, thị xã chưa đủ sức thực hiện chức năng, nhiệm vụ quản lý khoa học và công nghệ trên địa bàn. Cơ chế quản lý tài chính đối với hoạt động khoa học và công nghệ còn nhiều bất cập, đặc biệt là việc quy định giá trị công lao động chất xám, các chế độ chi tiêu chưa phù hợp, thủ tục thanh quyết toán rườm rà.

- Cơ chế quản lý, sử dụng, chế độ, chính sách đãi ngộ đối với cán bộ khoa học và công nghệ còn nhiều bất hợp lý, chưa thật sự tạo được động lực để đội ngũ này có sự đóng góp cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh tích cực hơn. Thiếu chiến lược quy hoạch đào tạo và bồi dưỡng cán bộ khoa học và công nghệ.

B. MỤC TIÊU, ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ GIAI ĐOẠN 2006 - 2010

I. Mục tiêu phát triển khoa học và công nghệ

1. Thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ tham mưu, tư vấn, phản biện, xây dựng cơ sở khoa học cho các chủ trương, chính sách, quyết định của các cấp, các ngành trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, an ninh, quốc phòng, đáp ứng yêu cầu của thời kỳ công nghiệp hoá - hiện đại hoá.

2. Nâng cao hiệu quả của hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, gắn hoạt động nghiên cứu, ứng dụng với sản xuất, đời sống và nhu cầu xã hội; góp phần tạo ra sự chuyển biến rõ rệt về năng suất, chất lượng và hiệu quả trong sản xuất công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ. Tổ chức nhân rộng các kết quả nghiên cứu được đánh giá có hiệu quả đối với kinh tế - xã hội, phấn đấu tăng 50% số lượng đề tài, dự án so với giai đoạn 2001- 2005.

3. Đẩy nhanh tốc độ đổi mới công nghệ, phấn đấu bình quân mỗi năm đổi mới 20 – 25%, để trình độ công nghệ của nhiều lĩnh vực cao hơn bình quân chung cả nước, đảm bảo đủ khả năng làm chủ công nghệ tiên tiến nhập từ nước ngoài. Các sản phẩm chủ yếu đạt tiêu chuẩn quốc tế, đủ khả năng cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước. Phấn đấu đến năm 2010 có 500 doanh nghiệp và 100% sở, ban, ngành, huyện, thị xã áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến; 50 doanh nghiệp áp dụng các công cụ quản lý tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng nhằm nâng cao năng suất và chất lượng; hỗ trợ 30 doanh nghiệp đầu tư vào hoạt động khoa học và công nghệ; mỗi năm có 150 nhãn hiệu hàng hóa và kiểu dáng công nghiệp được hỗ trợ bảo hộ trong và ngoài nước; 50% doanh nghiệp có ứng dụng công nghệ thông tin vào sản xuất, kinh doanh.

4. Đổi mới cơ chế quản lý khoa học và công nghệ, nâng cao hiệu quả hoạt động khoa học và công nghệ, củng cố và tăng cường tiềm lực khoa học và công nghệ của tỉnh.

II. Định hướng phát triển khoa học và công nghệ đến năm 2010

1. Lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn

- Cung cấp các luận cứ làm cơ sở khoa học và thực tiễn cho việc hoạch định chiến lược và các chính sách, biện pháp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

- Nghiên cứu các biện pháp huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, giải pháp chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đổi mới cơ chế quản lý kinh tế, biện pháp tăng cường thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước.

- Tập trung nghiên cứu các vấn đề về lịch sử, văn hoá, xã hội, giáo dục. Nghiên cứu xây dựng hệ thống chính sách xã hội đảm bảo phát triển hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế và thực hiện công bằng xã hội.

2. Ứng dụng khoa học và công nghệ trong bảo vệ môi trường

- Đẩy mạnh ứng dụng và chuyển giao công nghệ xử lý ô nhiễm, khắc phục suy thoái và sự cố môi trường, khuyến khích ứng dụng công nghệ thân thiện môi trường, công nghệ sạch vào sản xuất, ứng dụng công nghệ mới để giảm thiểu ô nhiễm môi trường, xử lý chất thải. Nghiên cứu chuyển đổi một số khu công nghiệp hiện có sang mô hình khu công nghiệp sạch - xanh, sinh thái.

- Tổ chức điều tra cơ bản, nhằm cung cấp cơ sở dữ liệu về điều kiện tự nhiên, sinh thái môi trường và tài nguyên của tỉnh, tạo cơ sở quy hoạch khai thác, sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Chú trọng công tác phục hồi cảnh quan môi trường sau khai thác. Dự báo diễn biến môi trường trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội tỉnh theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

3. Phát triển các ngành công nghệ cao

a) Công nghệ thông tin - truyền thông

- Ứng dụng công nghệ thông tin trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội. Từng bước hiện đại hoá quản lý hành chính trên cơ sở ứng dụng rộng rãi công nghệ thông tin trong các cơ quan, đơn vị, các cấp, các ngành. Đến năm 2008, cơ bản hoàn thành chương trình tin học hoá quản lý hành chính Nhà nước.

- Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong doanh nghiệp để đổi mới công nghệ sản xuất, quản lý, điều hành, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, chủ động hội nhập.

- Sử dụng các dịch vụ băng thông rộng, các hệ thống truyền dẫn quang dung lượng lớn, ứng dụng công nghệ quản lý mạng và công nghệ phát thanh và truyền hình số.

b) Công nghệ tự động hóa và cơ điện tử

- Lựa chọn, ứng dụng, làm chủ công nghệ tự động hóa được nhập trong một số ngành công nghiệp chủ yếu và trong những khâu quan trọng quyết định chất lượng sản phẩm. Từng bước tiến tới sản xuất sản phẩm cơ khí thế hệ mới, có lợi thế so sánh cho xuất khẩu.

- Nghiên cứu thiết bị nhập, cải tiến và tiến đến sản xuất các dây chuyền công nghệ phục vụ các ngành công nghiệp của tỉnh và khu vực.

c) Công nghệ sinh học

- Tiếp nhận và làm chủ được các công nghệ sinh học chủ yếu, triển khai ứng dụng có hiệu quả vào các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp chế biến, bảo vệ môi trường, y tế.

- Từng bước hình thành các doanh nghiệp công nghệ sinh học vừa và nhỏ sản xuất, kinh doanh và dịch vụ các sản phẩm công nghệ sinh học phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu.

- Đầu tư trang thiết bị, hiện đại hoá các phòng thí nghiệm trong tỉnh đáp ứng yêu cầu nghiên cứu, triển khai ứng dụng công nghệ sinh học ở địa phương.

4. Nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ phục vụ các ngành công nghiệp chủ lực

a) Ngành chế biến nông, lâm sản, thực phẩm

- Công nghệ sơ chế: Đẩy mạnh áp dụng công nghệ trong sơ chế, phân loại, làm sạch, đóng gói với những loại bao bì thích hợp, nhằm tạo ra các nông phẩm chất lượng cao. Tập trung giải quyết các công nghệ có quy mô nhỏ và vừa phục vụ yêu cầu sơ chế tại chỗ của các hộ, nhóm hộ, nhằm cung cấp nguyên liệu có chất lượng tốt cho các cơ sở chế biến tập trung.

- Công nghệ bảo quản: Áp dụng các công nghệ bảo quản hoa màu sau thu hoạch. Tiếp thu và phổ cập các công nghệ bảo quản lạnh, công nghệ an toàn thực phẩm để bảo quản rau, quả tươi, các sản phẩm chăn nuôi phục vụ tiêu dùng nội địa và xuất khẩu. Sử dụng chất bảo quản sinh học, chất bảo quản có nguồn gốc tự nhiên, từng bước thay thế chất bảo quản hóa học có độc tính cao.

- Công nghệ chế biến: Tận dụng mọi khả năng để tiếp cận các công nghệ chế biến tiên tiến phù hợp để đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao chất lượng và khả năng cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước. Chú trọng nâng cấp, hiện đại hóa công nghệ chế biến đối với một số sản phẩm có lợi thế và có triển vọng xuất khẩu như: hạt điều, cao su, sản phẩm thịt, sữa, rau, quả, nước quả...

b) Ngành hoá chất, cao su, plastic

- Sản phẩm phân bón: Đầu tư chiều sâu, đổi mới công nghệ, thiết bị đối với các cơ sở sản xuất phân hữu cơ sinh học. Ứng dụng công nghệ chế biến phân bón vi lượng, phân nhả chậm. Tận dụng các loại phế thải để sản xuất phân bón hữu cơ sinh học, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

- Phát triển sản xuất dược phẩm, các sản phẩm từ cao su thiên nhiên, nhựa y tế, nhựa kỹ thuật cao phục vụ cho các ngành lắp ráp ô tô, xe máy, điện tử gia dụng.

c) Ngành dệt, may, da giày

- Ngành dệt: Ứng dụng rộng rãi các tiến bộ kỹ thuật về vi mạch điện tử vào hệ thống điều khiển tự động. Lựa chọn và nhập một số thiết bị hiện đại để đồng bộ dây chuyền công nghệ; cải tiến công nghệ, thiết bị hiện có để nâng cao năng lực công nghệ, nhằm tăng năng suất và chất lượng sản phẩm, từng bước đáp ứng cho ngành may xuất khẩu.

- Ngành may: Áp dụng các công nghệ tự động, công nghệ may đứng phù hợp với điều kiện của doanh nghiệp; lựa chọn, đầu tư công nghệ sản xuất một số phụ liệu phục vụ cho ngành may.

- Ngành giày: Sử dụng phụ liệu không độc; lựa chọn, nhập một số thiết bị hiện đại cho dây chuyền giày da, chú ý thiết bị cho các khâu quyết định năng suất và chất lượng sản phẩm. Đầu tư buồng hấp chân không để nâng cao chất lượng sản phẩm.

d) Ngành vật liệu xây dựng và gốm sứ

- Ứng dụng công nghệ vật liệu mới, khai thác các nguồn nguyên liệu sẵn có tại địa phương, tạo ra sản phẩm hàng hóa chất lượng cao, đảm bảo đáp ứng nhu cầu xây dựng trên địa bàn tỉnh. Sản xuất sứ cách điện dùng trong các thiết bị điện và đường dây truyền tải điện cao thế, các vật liệu gốm sử dụng trong xử lý ô nhiễm môi trường.

- Ứng dụng công nghệ sản xuất các chất xúc tác từ nguồn caolanh dùng cho xử lý môi trường nuôi trồng thủy hải sản và sản xuất phân bón.

- Ứng dụng công nghệ, giải pháp tiết kiệm năng lượng trong sản xuất.

- Phát triển mô hình lò gạch liên tục kiểu đứng. Ứng dụng công nghệ nung gốm sứ bằng than đá hoá lỏng.

5. Khoa học và công nghệ phục vụ phát triển các ngành dịch vụ

a) Thương mại

- Ứng dụng thành tựu khoa học và công nghệ trong cải cách thủ tục hành chính phù hợp với xu hướng tự do hóa thương mại, đáp ứng hội nhập WTO, đảm bảo cạnh tranh công bằng, lành mạnh giữa các thành phần kinh tế.

- Phát triển thương mại điện tử. Tiếp thị, mở rộng thị trường cho sản phẩm của tỉnh; giải pháp liên kết thương mại giữa các vùng.

b) Du lịch

- Áp dụng giải pháp, mô hình khai thác có hiệu quả lợi thế và hạn chế những bất lợi của tỉnh về du lịch. Đa dạng hoá các sản phẩm du lịch, phát triển mô hình du lịch sinh thái.

- Đánh giá giá trị các di sản văn hoá địa phương (văn hoá vật thể và phi vật thể); đề xuất giải pháp bảo tồn, phát huy các giá trị văn hoá đó.

c) Tài chính - ngân hàng

- Ứng dụng rộng rãi tiến bộ khoa học và công nghệ hoạt động của ngành tài chính, đặc biệt ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động nghiệp vụ.

- Sử dụng đồng bộ các công cụ tài chính, trên cơ sở có sự hỗ trợ của các tiến bộ khoa học và công nghệ, để huy động nguồn lực từ các thành phần kinh tế, nhằm tập trung vốn cho đầu tư phát triển.

d) Quản lý đô thị, xây dựng hạ tầng cơ sở

- Ứng dụng rộng rãi công nghệ thông tin, hệ thống thông tin địa lý nhằm nâng cao năng lực, chất lượng quy hoạch, quản lý đô thị.

- Ứng dụng các công nghệ tiên tiến, công nghệ vật liệu mới trong thi công đường bộ, cầu, các công trình đô thị.

- Nghiên cứu giải pháp phát triển hạ tầng đô thị, đáp ứng yêu cầu phát triển đô thị của tỉnh.

6. Khoa học và công nghệ phục vụ công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn

- Ứng dụng các thành tựu khoa học và công nghệ tiên tiến vào các khâu sản xuất nông nghiệp để nâng cao năng suất, chất lượng của nông sản, đảm bảo khả năng cạnh tranh trên thị trường. Ứng dụng thành tựu công nghệ sinh học, cơ khí hoá trong nông nghiệp. Phát triển nông nghiệp công nghệ cao, xây dựng các vùng chuyên canh rau, quả an toàn.

- Áp dụng rộng rãi các thành tựu khoa học và công nghệ để phát triển kinh tế hộ, trang trại; ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, nhằm phát triển nền kinh tế hàng hóa tại các vùng nông thôn, khai thác có hiệu quả điều kiện tự nhiên, đồng thời với việc nâng cao mức sống, trình độ dân trí và văn hóa, xã hội vùng nông thôn.

- Chuyển giao các công nghệ sau thu hoạch và chế biến phù hợp với điều kiện thực tế nông thôn của tỉnh.

- Tiếp tục thực hiện cơ khí hóa, điện khí hóa trong sản xuất nông nghiệp, nhất là trong các khâu nặng nhọc, thay thế và giảm bớt sức lao động.

7. Khoa học và công nghệ phục vụ chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cộng đồng

- Ứng dụng tiến bộ y học trong các kỹ thuật chuyên sâu vào chẩn đoán và điều trị. Ưu tiên chẩn đoán hình ảnh, hóa sinh, vi sinh, miễn dịch. Áp dụng các kỹ thuật và công nghệ tiên tiến trong điều trị, phẫu thuật chỉnh hình, phẫu thuật thần kinh, phục hồi chức năng, kết hợp Đông và Tây y, các phương pháp chữa bệnh không sử dụng thuốc.

- Triển khai các nghiên cứu phục vụ việc xây dựng kế hoạch, chiến lược bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân, trong đó chú ý mô hình và các biện pháp phòng chống các dịch bệnh nguy hiểm.

8. Triển khai các chương trình, dự án trọng điểm về khoa học và công nghệ đã được Uỷ ban nhân dân tỉnh phê duyệt

- Tiếp tục triển khai các chương trình hỗ trợ tổ chức và doanh nghiệp ứng dụng và phát triển khoa học và công nghệ, như các chương trình hỗ trợ các tổ chức áp dụng hệ thống quản lý tiên tiến; nâng cao năng suất và chất lượng, xây dựng và bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp; đầu tư vào hoạt động khoa học và công nghệ; ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ hội nhập và phát triển.

- Triển khai chương trình xây dựng mô hình ứng dụng và chuyển giao khoa học và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nông thôn và chương trình phát triển công nghệ sinh học.

C. CÁC GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ GIAI ĐOẠN 2006 - 2010

I. Đổi mới cơ chế quản lý khoa học và công nghệ

- Cụ thể hoá và thể chế hoá trách nhiệm quản lý Nhà nước về khoa học và công nghệ của các ngành, Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã, nhằm tăng cường vai trò và trách nhiệm của các ngành, các cấp trong phát triển và quản lý khoa học và công nghệ. Các ngành, các cấp cần xây dựng và triển khai kế hoạch nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ hàng năm. Triển khai nhiệm vụ quản lý Nhà nước về khoa học và công nghệ ở cấp huyện, thị xã, trước mắt tập trung cho nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ.

- Củng cố tổ chức và bộ máy, tăng cường chức năng, nhiệm vụ, nhân lực và cơ sở vật chất của Trung tâm ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ của tỉnh từng bước theo cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm.

- Đổi mới cơ chế quản lý và cải tiến công tác nghiên cứu khoa học, đảm bảo chất lượng, thiết thực và có tính ứng dụng cao; đẩy mạnh việc ứng dụng các thành tựu và kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ. Các đề tài, dự án nghiên cứu phải có khả năng và địa chỉ ứng dụng cụ thể. Tăng cường thực hiện cơ chế “Đặt hàng” của các ngành, đơn vị, doanh nghiệp đối với các cơ quan nghiên cứu và phát triển và nhà khoa học.

- Đổi mới cơ chế quản lý tài chính đối với hoạt động khoa học và công nghệ trên nguyên tắc: Cải tiến công tác xét duyệt, thẩm định kinh phí, giải ngân đúng tiến độ thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; đảm bảo nguồn tài chính của Nhà nước, đồng thời tăng dần phần đóng góp của các nguồn khác. Mở rộng phương thức tuyển chọn tổ chức, cá nhân thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ. Hình thành quỹ phát triển khoa học và công nghệ của tỉnh. Áp dụng cơ chế khoán kinh phí đối với phần ngân sách Nhà nước cấp cho hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ.

II. Phát triển nguồn nhân lực

- Nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí của nguồn lực khoa học và công nghệ trong phát triển kinh tế - xã hội. Xây dựng quy hoạch cán bộ khoa học và công nghệ đồng bộ.

- Tăng cường công tác đào tạo, đào tạo lại nhân lực khoa học và công nghệ, nhanh chóng tăng cường nguồn lực cán bộ khoa học và công nghệ có trình độ cao cho các ngành. Đặc biệt chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, thu hút nhân tài, những người có trình độ cao, kỹ thuật viên và công nhân lành nghề cho các ngành thuộc hướng ưu tiên phát triển của tỉnh.

- Gửi cán bộ, học sinh, sinh viên ưu tú của địa phương đi đào tạo trình độ đại học, sau đại học ở nước ngoài theo chương trình phát triển nguồn nhân lực của tỉnh. Bảo đảm từ 50% - 70% lực lượng lao động của tỉnh được đào tạo nghề.

- Xây dựng hệ thống chính sách đồng bộ đối với cán bộ khoa học và công nghệ. Trong chính sách thu hút nhân tài, quan tâm hơn đến việc bố trí công tác phù hợp và môi trường, điều kiện làm việc thuận lợi để cán bộ hoàn thành nhiệm vụ, phát huy năng lực sáng tạo.

III. Xây dựng và phát triển hạ tầng cơ sở khoa học và công nghệ

- Tăng cường đầu tư về nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị cho một số tổ chức khoa học và công nghệ trọng điểm của tỉnh như: Trung tâm ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ, Trung tâm khuyến nông, Trung tâm giống cây trồng vật nuôi, Trung tâm khuyến công, Khu kiểm định - kiểm nghiệm về đo lường, chất lượng hàng hóa, Trung tâm quan trắc và phân tích môi trường, Trung tâm kiểm nghiệm dược phẩm, các labo chuẩn tại các bệnh viện đa khoa tỉnh, huyện và Trung tâm y tế dự phòng.

- Tích cực đầu tư ứng dụng khoa học và công nghệ cao vào phát triển sản xuất và dịch vụ; rà soát, điều chỉnh cơ chế, chính sách để khuyến khích các dự án đầu tư nước ngoài và của các thành phần kinh tế khác đưa công nghệ cao, công nghệ mới vào sản xuất, đặc biệt ở các ngành có giá trị gia tăng cao. Hạn chế dần các ngành công nghiệp thâm dụng nhiều lao động, công nghệ trung bình và lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường. Hình thành mô hình khu công nghệ, kỹ thuật cao, sạch - xanh, sinh thái trong một số khu, cụm công nghiệp, khu liên hợp công nghiệp - đô thị - dịch vụ theo mô hình thích hợp với tỉnh. Xây dựng và nhân rộng mô hình nông nghiệp công nghệ cao.

IV. Xã hội hoá hoạt động khoa học và công nghệ

- Có chính sách cụ thể khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ. Khuyến khích doanh nghiệp thành lập quỹ phát triển khoa học và công nghệ, làm cầu nối gắn hoạt động sản xuất kinh doanh với nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ.

- Đẩy mạnh thực hiện các chương trình, đề án, dự án về hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư và phát triển khoa học và công nghệ đã được tỉnh phê duyệt.

- Tranh thủ tối đa các kênh chuyển giao công nghệ hiện đại từ nước ngoài, đặc biệt là kênh đầu tư trực tiếp nước ngoài, qua đó nâng cao trình độ và năng lực công nghệ của tỉnh.

D. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Để đảm bảo tốt việc triển khai thực hiện Chương trình hành động này, Uỷ ban nhân dân tỉnh phân công trách nhiệm cụ thể của các sở, ban, ngành, huyện, thị xã như sau:

1. Sở Khoa học và Công nghệ

- Làm đầu mối, chủ trì, phối hợp triển khai thực hiện Chương trình hành động. Xây dựng kế hoạch 5 năm và hàng năm phù hợp với Chương trình hành động và định hướng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; hướng dẫn, kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện và định kỳ báo cáo Uỷ ban nhân dân tỉnh.

- Chủ trì, phối hợp với Sở Nội vụ, Sở Tài chính tổ chức thực hiện đổi mới cơ chế quản lý hoạt động khoa học và công nghệ.

- Chủ trì đẩy mạnh các hoạt động xã hội hoá hoạt động khoa học và công nghệ trên địa bàn tỉnh.

2. Sở Kế hoạch và Đầu tư

- Chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương đưa kế hoạch phát triển khoa học và công nghệ, đào tạo nhân lực khoa học và công nghệ vào kế hoạch 5 năm, hàng năm của sở, ban, ngành và địa phương.

- Chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Nội vụ huy động các nguồn lực tài trợ trong và ngoài nước cho phát triển khoa học và công nghệ, đảm bảo kinh phí cho đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật, trang thiết bị hiện đại, đào tạo nhân lực cho lĩnh vực khoa học và công nghệ ưu tiên, trọng điểm.

3. Sở Tài chính

- Chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Khoa học và Công nghệ xác định tỷ lệ ngân sách hàng năm chi cho khoa học và công nghệ, đảm bảo việc thực hiện Chương trình hành động.

- Cải tiến cơ chế, chính sách tài chính và chế độ quản lý tài chính đối với hoạt động khoa học và công nghệ theo hướng khoán đối với phần kinh phí ngân sách Nhà nước cấp.

4. Sở Nội vụ

- Chủ trì, phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ và các cơ quan liên quan đề xuất tổ chức bộ máy quản lý khoa học và công nghệ cấp tỉnh và huyện, thị xã phù hợp.

- Chủ trì, phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Khoa học và Công nghệ, các trường đại học, cao đẳng và các ban, ngành có liên quan triển khai Chương trình phát triển nguồn nhân lực khoa học và công nghệ của tỉnh.

- Xây dựng các chính sách, chế độ đối với cán bộ khoa học và công nghệ.

5. Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh

- Huy động lực lượng cán bộ khoa học và công nghệ tham gia các hoạt động khoa học và công nghệ của tỉnh; đẩy mạnh công tác thông tin truyền bá kiến thức khoa học và công nghệ; tăng cường hoạt động tư vấn, phản biện, giám định xã hội đối với các chương trình, dự án phát triển khoa học và công nghệ của tỉnh.

- Phối hợp theo dõi các hoạt động liên quan đến công tác tổ chức và quá trình thực hiện Chương trình hành động.

6. Các sở, ban, ngành, Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã Thủ Dầu Một

- Theo chức năng và nhiệm vụ, tổ chức, chỉ đạo thực hiện Chương trình hành động trong phạm vi thẩm quyền của mình.

- Tổ chức triển khai các chương trình, dự án khoa học và công nghệ trọng điểm được giao trong Chương trình hành động./.

 

PHẦN PHỤ LỤC

TRIỂN KHAI CÁC CHƯƠNG TRÌNH, DỰ ÁN, ĐỀ ÁN TRỌNG ĐIỂM VỀ PHÁT TRIỂN KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ GIAI ĐOẠN 2006 - 2010

Trên cơ sở quan điểm, mục tiêu, phương hướng và nhiệm vụ phát triển khoa học và công nghệ của tỉnh, xây dựng và triển khai thực hiện các Chương trình, dự án, đề án trọng điểm trong giai đoạn 2006 - 2010 như sau:

A. CÁC CHƯƠNG TRÌNH, ĐỀ ÁN ĐANG TRIỂN KHAI

I. Chương trình khoa học xã hội nhân văn (theo chỉ đạo của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tại Công văn số 09 KH/TG ngày 18/11/2004 về kế hoạch thực hiện Chương trình khoa học xã hội và nhân văn 2005 - 2010)

1. Mục tiêu

- Cung cấp các luận cứ làm cơ sở khoa học và thực tiễn cho việc hoạch định chiến lược và các chính sách, biện pháp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

- Nghiên cứu đề xuất đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị; nâng cao năng lực lãnh đạo toàn diện của Tỉnh Đảng bộ.

- Nghiên cứu các biện pháp huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, giải pháp chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đổi mới cơ chế quản lý kinh tế, biện pháp tăng cường thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước.

- Tập trung nghiên cứu các vấn đề về lịch sử, văn hoá, xã hội, giáo dục. Nghiên cứu xây dựng hệ thống chính sách xã hội đảm bảo phát triển hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế và thực hiện công bằng xã hội.

2. Nội dung

- Nghiên cứu đặc trưng văn hóa truyền thống, đặc điểm tâm lý con người Bình Dương xưa và nay.

- Giải pháp sưu tầm, bảo tồn và phát huy đặc trưng văn hóa vật thể và phi vật thể.

- Những vấn đề cần quan tâm về tư tưởng, đạo đức, lối sống trong thanh niên, học sinh, sinh viên và công nhân lao động.

- Giải pháp chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho công nhân lao động vùng công nghiệp tập trung.

- Biện pháp để tiến hành xã hội hóa có hiệu quả trong lĩnh vực văn hóa, thể dục thể thao, y tế, giáo dục.

- Những vấn đề cần quan tâm trong giảng dạy chính trị, đạo đức trong trường phổ thông, cao đẳng, đại học.

- Công tác dạy nghề trong quá trình chuyển đổi một bộ phận lao động nông nghiệp sang các ngành nghề khác.

- Giải pháp để phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững, tăng trưởng kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường.

- Giải pháp tạo việc làm, chống tái nghèo ở địa phương.

- Biện pháp để nâng cao chất lượng giáo dục.

- Phát huy ưu thế địa phương trong nền kinh tế thị trường.

3. Tổ chức thực hiện

a) Trách nhiệm của đội ngũ nghiên cứu về khoa học xã hội và nhân văn

Bên cạnh việc nắm vững các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước, cần nghiên cứu sâu về lý luận, tổng kết thực tiễn để làm rõ những vấn đề bức xúc mà cuộc sống đặt ra. Tìm tòi nghiên cứu, tìm hiểu và ứng dụng những thành tựu của khoa học xã hội và nhân văn vào điều kiện thực tế, góp phần đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hoá - hiện đại hoá của tỉnh trong thời gian tới.

b) Cơ quan chủ trì: Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy.

c) Cơ quan phối hợp: Sở Văn hoá – Thông tin, Sở Giáo dục – Đào tạo, Sở Y tế, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội...

II. Tiếp tục triển khai chương trình hỗ trợ các tổ chức áp dụng hệ thống quản lý tiên tiến (được Uỷ ban nhân dân tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 73/2004/QĐ-UB ngày 25/6/2004).

1. Mục tiêu

a) Khuyến khích các cơ quan hành chính công, đơn vị sự nghiệp công tích cực áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế ISO 9001:2000 vào cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực và hiệu quả quản lý hành chính. Phấn đấu đến năm 2010, 100% các sở, ban, ngành cấp tỉnh và Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001:2000.

b) Khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh tích cực áp dụng hệ thống quản lý tiên tiến, nâng cao năng lực cạnh tranh đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế, đồng thời hướng mạnh đến việc bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.

c) Các tổ chức được hỗ trợ tham gia chương trình sẽ đóng vai trò hạt nhân trong phong trào áp dụng hệ thống quản lý tiên tiến và cũng là nơi để các tổ chức khác tham quan, học hỏi kinh nghiệm.

2. Nội dung

a) Xét chọn, hỗ trợ kinh phí tư vấn và chứng nhận cho các cơ quan hành chính công, đơn vị sự nghiệp công áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 900l:2000 vào cải cách hành chính, nhằm nâng cao hiệu lực và hiệu quả của nền hành chính.

b) Xét chọn hỗ trợ một phần kinh phí cho một số doanh nghiệp thuộc những ngành sản xuất trọng yếu của tỉnh áp dụng hệ thống ISO 9000, SA 8000, HACCP, GMP hoặc ISO 14000, nhằm thúc đẩy khả năng xuất khẩu, tăng thị phần trong nước, như chế biến nông sản, thực phẩm, lắp ráp điện tử, cơ khí, gốm sứ, may mặc, giày dép...

3. Chính sách hỗ trợ

a) Nhà nước hỗ trợ 100% kinh phí tư vấn và chứng nhận cho các cơ quan hành chính công và đơn vị sự nghiệp công.

b) Nhà nước hỗ trợ 20 triệu đồng trong tổng kinh phí tư vấn, đào tạo cho mỗi doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, phần còn lại doanh nghiệp tự lo. Riêng đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chỉ nhận được hỗ trợ kinh phí khi đang xây dựng hệ thống quản lý môi trường theo ISO 14000 và có đăng ký tham dự chương trình.

4. Tổ chức thực hiện

a) Cơ quan chủ trì: Sở Khoa học và Công nghệ.

b) Cơ quan phối hợp: Sở Công nghiệp, Sở Tài chính.

III. Triển khai chương trình hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ nâng cao năng suất và chất lượng (được Uỷ ban nhân dân tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 74/2004/QĐ-UB ngày 25/6/2004)

1. Mục tiêu

a) Khuyến khích các doanh nghiệp vừa và nhỏ đang sản xuất các mặt hàng chủ yếu của tỉnh áp dụng các công cụ quản lý tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng và các kỹ thuật có liên quan khác, nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, ổn định chất lượng sản phẩm, nâng cao năng suất và chất lượng.

b) Các doanh nghiệp được hỗ trợ sẽ là hạt nhân tích cực phát triển phong trào năng suất và chất lượng trong doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

2. Nội dung

a) Xét chọn, hỗ trợ kinh phí tư vấn và đào tạo cho doanh nghiệp vừa và nhỏ các công cụ quản lý như tiêu chuẩn hoá trong doanh nghiệp, các phương pháp thực hành kỹ thuật, các công cụ kiểm soát chất lượng bằng thống kê... để cải tiến chất lượng sản phẩm, các quá trình hoạt động trong doanh nghiệp nhằm hạ giá thành và nâng cao năng lực cạnh tranh.

b) Sản phẩm của chương trình: Hỗ trợ cho khoảng 30 doanh nghiệp vừa và nhỏ áp dụng công nghệ quản lý về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng. Các doanh nghiệp sẽ báo cáo tính hiệu quả từ việc áp dụng công nghệ quản lý trong đó có đánh giá trước và sau khi áp dụng.

c) Chính sách hỗ trợ: Nhà nước hỗ trợ 20 triệu đồng trong tổng kinh phí tư vấn, đào tạo cho mỗi doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh, phần còn lại doanh nghiệp tự lo.

3. Tổ chức thực hiện

a) Cơ quan chủ trì: Sở Khoa học và Công nghệ.

b) Cơ quan phối hợp: Sở Công nghiệp, Sở Tài chính.

IV. Tiếp tục triển khai chương trình hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng và bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp (được Uỷ ban nhân dân tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 7409/QĐ-CT ngày 6/10/2004).

1. Mục tiêu

a) Nâng cao nhận thức cho doanh nghiệp về tầm quan trọng của sở hữu công nghiệp trong xu thế hội nhập kinh tế, để ngày càng có nhiều doanh nghiệp phát triển thương hiệu của mình trên cơ sở phát triển cộng đồng về quyền sở hữu công nghiệp.

b) Nâng cao khả năng phối hợp và thực thi hiệu quả trong việc bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp ở địa phương.

c) Phấn đấu mỗi năm có 150 nhãn hiệu hàng hóa và kiểu dáng công nghiệp được hỗ trợ bảo hộ trong nước và một số nước trên thế giới.

2. Nội dung

a) Thiết lập nhiệm vụ và cơ chế phối hợp của các cơ quan có liên quan trong việc thực thi quyền sở hữu công nghiệp; tổ chức tập huấn nâng cao việc thực hiện quyền sở hữu công nghiệp trong và ngoài nước đối với các đối tượng sở hữu công nghiệp.

b) Hướng dẫn doanh nghiệp xây dựng Tổ theo dõi về sở hữu công nghiệp của đơn vị. Tổ này có nhiệm vụ phát triển thêm các đối tượng sở hữu công nghiệp, theo dõi các đơn vị khác vi phạm các đối tượng sở hữu công nghiệp được bảo hộ của đơn vị mình.

c) Tư vấn cho các doanh nghiệp xác lập quyền sở hữu công nghiệp, kỹ năng chọn lựa, thiết kế nhãn hiệu đáp ứng các quy định của pháp luật và lợi ích của doanh nghiệp.

3. Chính sách hỗ trợ

a) Đối tượng: Các doanh nghiệp có 100% vốn đầu tư trong nước

b) Nhà nước hỗ trợ 100% kinh phí cho doanh nghiệp khi thực hiện thiết lập quyền sở hữu công nghiệp trong nước

c) Nhà nước hỗ trợ 50% kinh phí cho doanh nghiệp khi thực hiện đăng ký nhãn hiệu hàng hóa ở một số nước.

4. Tổ chức thực hiện

a) Cơ quan chủ trì: Sở Khoa học và Công nghệ

b) Cơ quan phối hợp: Sở Thương mại – Du lịch, Sở Tư pháp, Sở Tài chính, Công an tỉnh, Cục Hải quan, Toà án tỉnh, Ban Quản lý các khu công nghiệp, Ban Quản lý khu công nghiệp Việt Nam – Singapore.

V. Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào hoạt động khoa học - công nghệ (đã được Uỷ ban nhân dân tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 5776/QĐ-UBND ngày 16/11/2005)

1. Mục tiêu

a) Hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ (theo các lĩnh vực khoa học, công nghệ và ngành nghề ưu tiên khuyến khích tham gia chương trình) nhằm tạo ra sản phẩm mới; công nghệ mới, vật liệu mới; đổi mới, cải tiến máy móc thiết bị, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh.

b) Hỗ trợ doanh nghiệp nghiên cứu, ứng dụng các thành tựu khoa học - công nghệ vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và hiệu quả sản xuất kinh doanh.

c) Hàng năm tiến hành hỗ trợ từ 4 - 5 doanh nghiệp, nếu có nhiều doanh nghiệp tham gia, chỉ tiêu này có thể tăng thêm.

2. Nội dung

a) Phổ biến các chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với doanh nghiệp trên lĩnh vực hoạt động khoa học - công nghệ, nâng cao nhận thức và tạo sự giao lưu, liên kết giữa cơ quan quản lý về khoa học và công nghệ, doanh nghiệp và các cơ quan nghiên cứu, triển khai.

b) Tổ chức vận động doanh nghiệp tham gia chương trình bằng các đề tài nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ.

c) Khuyến khích doanh nghiệp thực hiện các hoạt động nghiên cứu - triển khai, ứng dụng các kết quả khoa học và công nghệ, đổi mới công nghệ, sản xuất sản phẩm mới và dịch vụ khoa học và công nghệ.

d) Các ngành sản xuất của tỉnh cần quan tâm khuyến khích tham gia chương trình, bao gồm:

- Các ngành nghề truyền thống (sơn mài, sản xuất vật liệu xây dựng, điêu khắc gỗ, chế biến thực phẩm truyền thống...)

- Các ngành công nghiệp có ý nghĩa trong phát triển kinh tế của Bình Dương như: May mặc, giày da, hoá chất, cơ khí, điện - điện tử, giấy, chế biến thực phẩm, chế biến thức ăn gia súc, cao su - nhựa plastic, chế biến gỗ gia dụng...

đ) Kinh phí Nhà nước hỗ trợ không quá 30% tổng kinh phí chi cho việc thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ của doanh nghiệp.

3. Đối tượng doanh nghiệp hỗ trợ tham gia chương trình

a) Các doanh nghiệp hoạt động theo Luật Khuyến khích đầu tư trong nước (sửa đổi).

b) Các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và bên nước ngoài tham gia hợp tác kinh doanh trên cơ sở hợp đồng theo Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.

c) Ưu tiên hỗ trợ: Trong điều kiện kinh phí sự nghiệp khoa học hàng năm hạn chế, chương trình sẽ ưu tiên hỗ trợ cho các doanh nghiệp Nhà nước, các đơn vị thuộc thành phần kinh tế tập thể, doanh nghiệp vừa và nhỏ.

4. Tổ chức thực hiện

a) Cơ quan chủ trì: Sở Khoa học và Công nghệ

b) Cơ quan phối hợp: Sở Công nghiệp, Sở Kế hoạch - Đầu tư, Ban Quản lý các khu công nghiệp.

VI. Chương trình xây dựng mô hình ứng dụng và chuyển giao khoa học và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nông thôn tỉnh Bình Dương (được Uỷ ban nhân dân tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 16/2006/QĐ-UBND ngày 13/01/2006)

1. Mục tiêu

a) Xây dựng các mô hình ứng dụng và chuyển giao khoa học và công nghệ tiên tiến, phù hợp vào các khâu sản xuất, chế biến, bảo quản tại các địa bàn nông thôn nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nông sản hàng hoá trên thị trường trong và ngoài nước; từng bước hình thành thị trường công nghệ và dịch vụ ở nông thôn tạo đà cho việc ứng dụng các thành tựu khoa học và công nghệ vào sản xuất và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội khu vực nông thôn theo hướng công nghiệp hoá - hiện đại hoá.

b) Liên kết và phối hợp giữa chương trình xây dựng mô hình ứng dụng và chuyển giao khoa học và công nghệ với các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương về nông nghiệp, nông thôn, các chương trình nghiên cứu khoa học, các chương trình mục tiêu quốc gia khác để nâng cao hiệu quả đầu tư từ các nguồn lực của Nhà nước và huy động tối đa nguồn lực của xã hội, góp phần phát triển sản xuất hàng hoá, tăng thu nhập, tạo thêm việc làm cho nông dân và xóa đói, giảm nghèo.

c) Thông qua việc triển khai các mô hình ứng dụng, chuyển giao khoa học và công nghệ, kết hợp các hình thức đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn cho cán bộ kỹ thuật cơ sở và nông dân, nhằm hình thành mạng lưới cán bộ kỹ thuật và đội ngũ cộng tác viên cơ sở có trình độ kỹ thuật phù hợp giúp các địa phương chủ động tìm kiếm, lựa chọn và thực thi các dự án ứng dụng công nghệ tiên tiến thích hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

2. Nội dung

a) Triển khai các dự án xây dựng mô hình ứng dụng và chuyển giao khoa học và công nghệ

- Ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp để sản xuất các loại nông sản quý, rau quả, phát triển sản xuất các loại nông sản nhiệt đới có lợi thế so sánh cao (cao su, tiêu, điều, rau quả nhiệt đới...).

- Ứng dụng thiết bị, máy móc hiện đại, công nghệ tiên tiến, công nghệ sinh học vào các khâu sản xuất, chế biến, bảo quản và sử dụng nguyên liệu tại chỗ để có giá thành hạ, chất lượng cao và tạo việc làm, thu hút lao động nông nhàn.

- Phát triển chăn nuôi theo hướng công nghiệp, quy mô trang trại phù hợp, khép kín từ sản xuất đến chế biến và thị trường tiêu thụ.

- Áp dụng các hình thức nuôi trồng thủy sản công nghiệp, bán công nghiệp, nuôi sinh thái gắn với chế biến hiện đại.

- Phát triển ngành nghề nông thôn sử dụng máy móc công cụ cải tiến, cơ khí hoá các khâu sản xuất, nâng cao năng suất lao động.

- Sử dụng tổng hợp tài nguyên nước để cấp nước cho sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, nước sinh hoạt và cải thiện môi trường, phòng chống, giảm nhẹ thiên tai; ứng dụng các công nghệ tiên tiến vào tưới tiêu, tiết kiệm nước cho vùng gò đồi, vùng khô hạn.

- Phát triển công nghệ sử dụng năng lượng mặt trời, năng lượng biogas phục vụ sinh hoạt và đời sống ở nông thôn.

- Ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn.

b) Đào tạo, tập huấn nghiệp vụ ngắn hạn theo hai hình thức

- Đào tạo bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý và tổ chức triển khai các dự án cho đội ngũ cán bộ quản lý khoa học và công nghệ địa phương, cán bộ khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư và cán bộ thuộc các cơ quan khoa học, những người trực tiếp tham gia chuyển giao công nghệ.

- Đào tạo đội ngũ cán bộ kỹ thuật cho địa phương, tập huấn kỹ thuật cho nông dân để tạo mạng lưới cán bộ kỹ thuật và cộng tác viên trực tiếp ở địa phương. Tiếp tục nhân rộng và phổ cập các kết quả của chương trình khi cán bộ chuyển giao công nghệ rút khỏi địa bàn.

c) Các hoạt động thông tin, tuyên truyền

- Xây dựng và triển khai các chuyên đề giới thiệu về hoạt động của chương trình và phổ biến kiến thức khoa học, tập huấn kỹ thuật trên các phương tiện thông tin đại chúng. Mở rộng các hình thức đưa tin, viết bài trên các báo viết...

- Xuất bản các ấn phẩm về tổng kết kinh nghiệm, những bài học từ việc ứng dụng, chuyển giao, phổ biến, triển khai, nhân rộng mô hình khoa học và công nghệ và các vấn đề khác của chương trình.

- Xây dựng cơ sở dữ liệu công nghệ, cơ sở dữ liệu chuyên gia phục vụ phổ biến khoa học, chuyển giao công nghệ vào địa bàn nông thôn.

3. Tổ chức thực hiện

a) Cơ quan chủ trì: Sở Khoa học và Công nghệ

b) Cơ quan phối hợp: Sở Nông nghiệp – Phát triển nông thôn, Sở Kế hoạch - Đầu tư, Sở Tài chính, Liên minh hợp tác xã, Hội nông dân tỉnh.

VII. Chương trình phát triển công nghệ sinh học (được Uỷ ban nhân dân tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 133/2006/QĐ-UB ngày 19/5/2006)

1. Mục tiêu

a) Tiếp nhận và làm chủ được các công nghệ sinh học chủ yếu; triển khai ứng dụng mạnh mẽ, rộng rãi và có hiệu quả các công nghệ này vào các lĩnh vực nông – lâm – thủy sản, công nghiệp chế biến, bảo vệ môi trường, y tế và an ninh, quốc phòng.

b) Từng bước hình thành và phát triển các doanh nghiệp công nghệ sinh học vừa và nhỏ nhằm sản xuất, kinh doanh và dịch vụ các sản phẩm công nghệ sinh học phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu.

c) Thu hút, đào tạo đội ngũ cán bộ có đủ năng lực tiếp nhận, làm chủ và triển khai công nghệ sinh học mới tại địa phương.

d) Đầu tư trang thiết bị, hiện đại hoá các phòng thí nghiệm trong tỉnh đáp ứng được yêu cầu nghiên cứu, triển khai ứng dụng công nghệ sinh học ở địa phương.

2. Nội dung

a) Trong lĩnh vực nông - lâm nghiệp, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn:

- Lựa chọn, tiếp thu, nghiên cứu ứng dụng công nghệ sinh học trong trồng trọt và chăn nuôi để tạo, nhân và triển khai ứng dụng trên diện rộng các giống cây trồng, vật nuôi mới có năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế cao; cải tiến những cây giống, con giống truyền thống của địa phương; sản xuất được các chế phẩm bảo vệ cây trồng, vật nuôi.

- Nghiên cứu, ứng dụng công nghệ bảo quản và chế biến nông, lâm, thủy hải sản nhằm đa dạng hoá và nâng cao chất lượng các sản phẩm xuất khẩu và phục vụ tiêu dùng.

- Xây dựng chiến lược phát triển công nghệ sinh học nông - lâm lâu dài, đẩy mạnh nông nghiệp, lấy điển hình phát triển một số cây trồng vật nuôi làm chương trình phát triển chính, với sự trợ giúp của công nghệ sinh học về nguồn giống, kỹ thuật.

- Nghiên cứu, khai thác hệ vi sinh vật đất để nâng cao độ phì của đất.

b) Trong lĩnh vực y tế - bảo vệ sức khỏe cộng đồng:

- Nâng cao vai trò ứng dụng của công nghệ sinh học trong việc khám chữa bệnh.

- Nghiên cứu nguồn dược liệu địa phương, trong và ngoài nước, kết hợp với y học cổ truyền để phát triển sản xuất một số loại dược phẩm.

c) Trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, phát triển bền vững:

- Tập trung nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao các giải pháp công nghệ sinh học trong xử lý ô nhiễm, khắc phục suy thoái và sự cố môi trường.

- Ứng dụng công nghệ sinh học giải quyết các vấn nạn ô nhiễm do nguồn nước thải công nghiệp, cải tạo tài nguyên đất, nước bị ô nhiễm do nước thải công nghiệp; xây dựng mô hình xử lý nước thải, đảm bảo an toàn trước khi xả bỏ; xử lý các chất thải rắn…

d) Trong lĩnh vực công nghiệp:

- Ứng dụng công nghệ sinh học trong công nghiệp chế biến thực phẩm như công nghiệp sản xuất rượu, bia, nước chấm, nước giải khát…

- Sản xuất chế phẩm sinh học phục vụ sản xuất và đời sống.

3. Tổ chức thực hiện

a) Cơ quan chủ trì: Sở Khoa học và Công nghệ

b) Cơ quan phối hợp: Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn, Sở Công nghiệp, Sở Y tế, Sở Tài nguyên - Môi trường.

B. CÁC CHƯƠNG TRÌNH, ĐỀ ÁN CHUẨN BỊ TRIỂN KHAI

I. Đề án: Thành lập quỹ phát triển khoa học và công nghệ

Thời gian thực hiện: Năm 2006

II. Đề án: Áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn Việt Nam ISO 9001 : 2000 vào hoạt động của các cơ quan hành chính Nhà nước tỉnh Bình Dương (2006 – 2010).

Thời gian thực hiện: Năm 2006 - 2007

III. Đề án: Chuyển đổi hoạt động của Trung tâm ứng dụng tiến bộ Khoa học và Công nghệ theo cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm (theo Nghị định số 115/2005/NĐ-CP ngày 05/9/2005 của Chính phủ).

Thời gian thực hiện: Năm 2006 – 2007

IV. Đề án: Xã hội hoá hoạt động khoa học và công nghệ.

Thời gian thực hiện: Năm 2008

V. Đề án: Xây dựng và phát triển thị trường khoa học và công nghệ.

Thời gian thực hiện: Năm 2008./.