ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 2353/QĐ-UBND | TP. Hồ Chí Minh, ngày 26 tháng 5 năm 2010 |
CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Pháp lệnh Phòng, chống lụt, bão ngày 08 tháng 3 năm 1993 và Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Phòng, chống lụt, bão ngày 24 tháng 8 năm 2000;
Căn cứ Quyết định số 04/2008/QĐ-UBND ngày 16 tháng 01 năm 2008 của Ủy ban nhân dân thành phố ban hành Quy định về công tác phòng, chống lụt, bão, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tại thành phố; Quyết định số 44/2009/QĐ-UBND ngày 26 tháng 6 năm 2009 sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định ban hành kèm theo Quyết định số 04/2008/QĐ-UBND ngày 16 tháng 01 năm 2008 của
Ủy ban nhân dân thành phố về công tác phòng, chống lụt, bão, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tại thành phố;
Căn cứ Quyết định số 5745/QĐ-UBND ngày 31 tháng 12 năm 2008 của Ủy ban nhân dân thành phố ban hành Chương trình hành động thực hiện Chiến lược quốc gia phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai đến năm 2020 của thành phố;
Xét đề nghị của Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão thành phố tại Văn bản số 119/ PCLB ngày 13 tháng 5 năm 2010,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Nay ban hành kèm theo Quyết định này Phương án chủ động phòng, chống, ứng phó tình trạng ngập úng do mưa lớn và triều cường trên địa bàn thành phố.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố, Thủ trưởng các Sở - ban - ngành thành phố, Trưởng Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận - huyện, phường - xã - thị trấn chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: | KT. CHỦ TỊCH |
CHỦ ĐỘNG PHÒNG, CHỐNG, ỨNG PHÓ TÌNH TRẠNG NGẬP ÚNG DO MƯA LỚN VÀ TRIỀU CƯỜNG TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ
(Ban hành kèm theo Quyết định số 2353 /QĐ-UBND ngày 26 tháng 5 năm 2010 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố)
Những năm gần đây, trên địa bàn thành phố đã xuất hiện những cơn mưa trên 100 mm và đỉnh triều vượt mức báo động II (trên 1,4 m) và vượt mức báo động III (trên 1,5 m) ngày càng nhiều hơn. Với những cơn mưa trên 100 mm, từ năm 1962 đến 1971 chỉ có 01 cơn, từ năm 1972 đến 1981 có 2 cơn, từ năm 1982 đến 1991 có 2 cơn, từ năm 1992 đến 2001 có 4 cơn, nhưng từ năm 2002 đến nay có tới 17 cơn. Với triều cường, từ năm 1997 đến nay, đỉnh triều tại trạm Phú An ≥ 1,4 m là 29 đợt, ≥ 1,5 m là 04 đợt; đặc biệt ngày 04 tháng 11 năm 2009 đã xuất hiện đỉnh triều lịch sử (kể từ năm 1960) tại trạm Phú An - sông Sài Gòn là 1,56 m (vượt mức báo động III là 0,06 m). Mưa lớn, triều cường đã gây ngập tại nhiều tuyến đường, khu dân cư trên địa bàn thành phố với trên 100 điểm, nhiều khu vực ngoại thành và vùng ven, nhất là tại các vùng trũng thấp, ven sông, rạch thường xuyên bị ngập úng do bể, tràn bờ bao gây ảnh hưởng lớn đến đời sống, sinh hoạt, sản xuất - kinh doanh của người dân và doanh nghiệp. Mặc dù, các sở - ngành, đơn vị, địa phương đã nỗ lực tổ chức ứng phó, xử lý, khắc phục sự cố tình trạng ngập úng; tuy nhiên tần suất ngập do triều cường kết hợp mưa lớn, xả lũ ngày càng tăng cao và địa bàn ảnh hưởng ngày càng rộng, một số địa phương vẫn còn bị động, lúng túng, chưa có sự phối hợp đồng bộ trong việc thực hiện các biện pháp phòng, chống, ứng phó.
Thực hiện Quyết định số 04/2008/QĐ-UBND ngày 16 tháng 01 năm 2008 của Ủy ban nhân dân thành phố quy định về công tác phòng, chống lụt, bão, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tại thành phố và Quyết định số 44/2009/QĐ-UBND ngày 26 tháng 6 năm 2009 sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định ban hành kèm theo Quyết định số 04/2008/QĐ-UBND ngày 16 tháng 01 năm 2008 của Ủy ban nhân dân thành phố; Quyết định số 5745/QĐ-UBND ngày 31 tháng 12 năm 2008 của Ủy ban nhân dân thành phố ban hành Chương trình hành động thực hiện Chiến lược quốc gia phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai đến năm 2020 của thành phố; Chỉ thị số 10/2010/CT-UBND ngày 02 tháng 4 năm 2010 của Ủy ban nhân dân thành phố về công tác phòng, chống lụt, bão, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2010 trên địa bàn thành phố. Rút kinh nghiệm từ thực tiễn công tác phòng, chống, ứng phó với mưa lớn và triều cường trên địa bàn thành phố thời gian qua, Ủy ban nhân dân thành phố ban hành Phương án phòng, chống, ứng phó tình trạng ngập úng do mưa lớn và triều cường trên địa bàn thành phố, như sau:
- Chủ động phòng, chống để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại khi xảy ra ngập úng do mưa lớn, triều cường kết hợp xả lũ nhằm bảo vệ an toàn tính mạng người dân, bảo vệ tài sản, công trình, cơ sở sản xuất của nhân dân, doanh nghiệp và Nhà nước góp phần ổn định xã hội, tiếp tục duy trì, phát triển sản xuất, kinh doanh và đảm bảo an ninh, chính trị và trật tự an toàn xã hội.
- Tất cả các ngành, các cấp quán triệt và thực hiện nghiêm túc phương châm "bốn tại chỗ" (chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; vật tư, phương tiện và kinh phí tại chỗ; hậu cần tại chỗ) và “ba sẵn sàng” (chủ động phòng tránh, đối phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và có hiệu quả) trong quá trình tổ chức thực hiện công tác phòng, chống, ứng phó và khắc phục hậu quả tình trạng ngập úng do mưa lớn và triều cường ngay tại cơ sở.
- Người dân cần tuân thủ các mệnh lệnh, chỉ dẫn của chính quyền, cơ quan chức năng khi xảy ra ngập úng; đồng thời tham gia phòng, chống, ứng phó và khắc phục hậu quả ngập úng cùng với chính quyền,cơ quan chức năng.
1. Giai đoạn phòng, chống ngập úng:
1.1. Thực hiện kịp thời dự báo, cảnh báo:
- Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão thành phố phối hợp với Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước thành phố khẩn trương triển khai xây dựng bản đồ khu vực nguy cơ ngập úng của thành phố tương ứng với vũ lượng mưa và đỉnh triều cường khác nhau để xác định chi tiết thời điểm, khu vực và phạm vi, quy mô ảnh hưởng gây ngập, xác định các vị trí di dời
an toàn, đồng thời hàng năm cập nhật, bổ sung dữ liệu để phổ biến rộng rãi nhằm kịp thời dự báo, cảnh báo sát hợp với tình hình thực tế.
- Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão thành phố liên hệ chặt chẽ với Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ để thường xuyên cập nhật thông tin tình hình thời tiết, khí tượng, thủy văn trong khu vực và thành phố, phát đi các dự báo, cảnh báo trước ít nhất 05 ngày (chủ yếu đối với triều cường) đến các sở - ngành, quận - huyện và thông qua phương tiện truyền thông đến các tầng lớp nhân dân thành phố, trước hết là nhân dân đang sinh sống tại các khu vực xung yếu, ven sông, rạch, vùng trũng thấp.
(Đính kèm Phụ lục 1).
- Khi có dự báo mưa to (từ 51 đến 100 mm) đến mưa rất to (trên 100 mm) và đỉnh triều cường (mực nước đo tại trạm Phú An) vượt mức báo động I (từ 1,30 m trở lên), Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão thành phố phối hợp với Trung tâm Điều hành Chương trình chống ngập nước thành phố xác định các khu vực sẽ bị ảnh hưởng ngập để thông tin cảnh báo đến các cơ quan, đơn vị và nhân dân biết nhằm chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống.
1.2. Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, quán triệt phương châm chủ động phòng, chống ngập úng:
- Các cơ quan thông tin đại chúng kịp thời cập nhật và thông tin đầy đủ các dự báo, cảnh báo về tình hình thời tiết, khí tượng, thủy văn cùng những nội dung khuyến cáo, hướng dẫn của cơ quan chức năng về các biện pháp phòng, chống để các cơ quan, đơn vị, nhân dân biết và chủ động thực hiện.
- Ủy ban nhân dân các quận - huyện, phường - xã - thị trấn trực tiếp quản lý địa bàn phải luôn quán triệt phương châm “bốn tại chỗ” trong giai đoạn phòng, chống ngay tại cơ sở để có kế hoạch tổ chức tốt công tác kiểm tra thực địa trước mùa ngập úng. Thông tin, tuyên truyền, phổ biến kịp thời các phương án, biện pháp chủ động phòng, chống của địa phương đến các cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức và nhân dân trên địa bàn để sẵn sàng thích ứng, tránh tình trạng bị động, lúng túng hoặc bất ổn, hoang mang khi đối phó, xử lý tình huống sự cố thiên tai, nhất là ngập úng kéo dài trên diện rộng.
1.3. Chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống hiệu quả:
a) Đối với các cơ quan chức năng (Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão thành phố, các sở - ngành thành phố, quận - huyện, phường - xã - thị trấn):
- Trước mùa mưa, triều cường (từ tháng 01 đến tháng 6 hàng năm):
+ Ủy ban nhân dân các huyện và quận ven: tập trung đẩy nhanh tiến độ xây dựng, sửa chữa, nâng cấp và gia cố các công trình phòng, chống ngập lụt, cống ngăn triều, bờ bao kết hợp giao thông nông thôn, tiêu thoát nước. Tổ chức nạo vét, khai thông hệ thống kênh, mương, cống tiêu thoát nước, hồ điều tiết trên địa bàn theo kế hoạch đã được thành phố chấp thuận chủ trương ngay từ đầu năm. Đặc biệt, ngay từ quý I phải tổ chức tổng kiểm tra toàn bộ hệ thống bờ bao, đê bao để kịp thời phát hiện các đoạn xung yếu tiến hành xử lý, nâng cấp, gia cố nhằm đảm bảo an toàn trước mùa mưa, triều cường. Chủ động kiểm tra rà soát, xác định bổ sung các khu vực xung yếu cần phải sơ tán, di dời, các địa điểm kiên cố để tiếp nhận số dân được dự kiến sẽ sơ tán, di dời đến tạm cư trong thời gian xảy ra sự cố thiên tai, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của người dân.
+ Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước thành phố, Sở Giao thông Vận tải, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tập trung chỉ đạo các Ban quản lý Dự án, các chủ đầu tư xây dựng các công trình trọng điểm tăng ca, đẩy nhanh tiến độ thi công, đảm bảo thực hiện đúng các biện pháp thi công đã được phê duyệt (nạo vét, khai thông dòng chảy…). Trực tiếp chỉ đạo các đơn vị trực thuộc nạo vét cống rãnh, kênh, rạch tiêu thoát nước, duy tu, sửa chữa các công trình hạ tầng, các công trình ngầm đã xuống cấp, hư hỏng, sửa chữa thay mới các biển báo, cảnh báo.
+ Các sở - ngành, quận - huyện tiến hành kiểm tra và có kế hoạch sửa chữa, khuyến cáo các đơn vị, chủ sở hữu sửa chữa, nâng cấp, gia cố an toàn các kho tàng, công trình xuống cấp, công trình ngầm; đồng thời, rà soát, bổ sung phương án, biện pháp chống ngập khi xảy ra sự cố. Thực hiện chế độ bảo trì định kỳ các phương tiện, trang thiết bị hiện có để đảm bảo công tác vận hành phục vụ việc ứng phó tình trạng ngập úng được kịp thời, hiệu quả.
- Tổ chức trực ban theo quy định để chỉ huy, điều hành công tác chuẩn bị và triển khai kế hoạch, biện pháp ứng phó ngay trước khi sự cố ngập úng xảy ra.
- Chuẩn bị lực lượng, phương tiện: các sở - ngành, quận - huyện, phường - xã - thị trấn khẩn trương chuẩn bị kế hoạch huy động lực lượng, phương tiện, vật tư tại chỗ của đơn vị, địa phương mình để chủ động tổ chức công tác phòng, chống kịp thời. Toàn bộ hoạt động của các sở - ngành, quận - huyện, phường - xã - thị trấn chuyển sang trạng thái sẵn sàng ứng phó.
- Công tác chỉ đạo, chỉ huy:
+ Khi có thông tin dự báo mưa vừa (từ 16 đến 50 mm) đến mưa to tại khu vực thành phố kết hợp với triều cường báo động I (1,30 m) trở lên:
Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão thành phố, Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước thành phố, các quận - huyện, phường - xã - thị trấn trọng điểm thuộc các khu vực trũng thấp, ven sông thực hiện chỉ đạo và chuẩn bị công tác phòng, chống, ứng phó theo phương án.
+ Khi có thông tin mưa to đến mưa rất to tại khu vực thành phố kết hợp với triều cường báo động cấp II (1,40 m) trở lên và xả lũ ở thượng nguồn:
· Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão thành phố, Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước thành phố, Sở Giao thông Vận tải, các sở - ngành thành phố, các thành viên Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão thành phố thực hiện chỉ đạo và triển khai các biện pháp phòng, chống, ứng phó theo phương án. Trực tiếp kiểm tra, đôn đốc các địa bàn trọng điểm tổ chức thực hiện các biện pháp phòng, chống, ứng phó.
Ủy ban nhân dân các quận - huyện, phường - xã - thị trấn tập trung chỉ đạo, chuẩn bị huy động lực lượng, phương tiện, trang thiết bị sẵn sàng cho việc ứng phó theo phương án.
+ Khi dự báo mưa rất to, triều cường vượt mức báo động III (1,50 m) và xả lũ ở thượng nguồn:
Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão thành phố tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố trực tiếp chỉ đạo và triển khai khẩn cấp các biện pháp huy động tổng hợp các nguồn lực trên địa bàn thành phố để thực hiện công tác phòng, chống, ứng phó theo phương án.
b) Đối với người dân:
- Khu vực nội thành:
+ Chủ động dự trữ nước sạch, lương thực, thực phẩm cần thiết, thuốc chữa bệnh thông thường để sử dụng.
+ Cung cấp thông tin về tình trạng ngập úng tại khu vực sinh sống cho cơ quan chức năng; báo, đài và chính quyền địa phương để được trợ giúp, ứng cứu kịp thời.
+ Thường xuyên theo dõi tình hình dự báo, cảnh báo, hướng dẫn của cơ quan chức năng để tự thực hiện các biện pháp phòng, tránh, không đi vào khu vực ngập sâu, nguy hiểm.
+ Quản lý trẻ em, chăm sóc người già, người bệnh, người tàn tật (nếu có) an toàn.
+ Kiểm tra an toàn các thiết bị điện, hàng hóa, vật tư; sắp xếp giấy tờ, đồ đạc và tài sản ở những nơi cao ráo.
- Vùng ven và ngoại thành:
+ Chủ động dự trữ lương thực, thực phẩm cần thiết, nước sạch, thuốc chữa bệnh thông thường để sử dụng.
+ Khẩn trương thu hoạch trước các sản phẩm nông nghiệp, thủy sản đã đến thời vụ, bảo vệ, di chuyển vật nuôi, gia súc, gia cầm đến khu vực an toàn.
+ Kiểm tra an toàn các thiết bị điện, hàng hóa, vật tư; sắp xếp giấy tờ, đồ đạc và tài sản ở những nơi cao ráo.
+ Chấp hành lệnh sơ tán, di dời của chính quyền địa phương đến nơi tạm cư an toàn, không bị ngập úng.
+ Phải tự giác thực hiện mặc áo phao khi đi trên các phương tiện giao thông thủy; hạn chế tối đa việc sử dụng phương tiện có tải trọng nhỏ di chuyển trên sông vào những lúc triều cường dâng cao, nước chảy mạnh, tránh đi vào vùng nước xoáy tại các ngã ba sông, rạch.
c) Đối với các cơ quan, đơn vị, công ty, xí nghiệp, bệnh viện, trường học…:
- Kiểm tra, di dời, kê cao thiết bị, vật tư, hàng hóa, hóa chất, vật dụng… đảm bảo an toàn khi xảy ra ngập úng.
- Tổ chức lực lượng bảo vệ tài sản.
2. Giai đoạn ứng phó ngập úng:
a) Đối với cơ quan chức năng:
- Các sở - ngành, quận - huyện, phường - xã - thị trấn chuyển sang trạng thái chủ động ứng phó.
- Tổ chức trực ban 24/24 giờ để nắm chắc diễn biến tình hình mưa lớn, triều cường và triển khai các phương án ứng phó của địa phương, đơn vị mình.
- Thường trực Ban và các thành viên Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão thành phố trực tiếp xuống địa bàn được phân công phụ trách; lãnh đạo các quận - huyện, phường - xã - thị trấn trực tiếp xuống các khu vực xung yếu để kiểm tra và chỉ đạo triển khai công tác ứng phó ngập úng.
- Một số nhiệm vụ cụ thể của các sở - ngành:
+ Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố, Công an thành phố, Sở Cảnh sát Phòng cháy và Chữa cháy, Sở Giao thông vận tải, Lực lượng Thanh niên xung phong thành phố, Thành Đoàn triển khai lực lượng, phương tiện (xe tải, xe buýt, ca nô, tàu, thuyền, xuồng…) chi viện cho các quận - huyện, phường - xã - thị trấn trọng điểm sơ tán, di dời dân và tài sản của dân tại các khu vực ngập sâu, bị chia cắt đến nơi tạm cư, trợ giúp nhân dân đi lại an toàn và tổ chức việc cứu hộ - cứu nạn, cứu sập khi xảy ra ngập úng, đặc biệt là tại các khu vực bị ngập sâu. Sẵn sàng phối hợp với các đơn vị, hỗ trợ, tiếp ứng cho các địa phương khi cần thiết.
+ Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão thành phố xác định các khu vực bị cô lập, ngập sâu để tập trung huy động lực lượng, phương tiện, vật tư chi viện đúng mức cho quận - huyện, phường - xã thị trấn để xử lý tình huống giảm thiểu ngập úng, sơ tán, di dời, cứu trợ khẩn cấp.
+ Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước thành phố, Sở Giao thông vận tải (Công ty Thoát nước đô thị), Lực lượng Thanh niên xung phong thành phố, Sở Cảnh sát Phòng cháy và Chữa cháy, Công ty Quản lý khai thác dịch vụ Thủy lợi triển khai lực lượng, vận hành trạm bơm, máy bơm (cố định, cơ động) để bơm chống ngập tại các khu vực bị ngập sâu, chú trọng đến các công trình ngầm, khu dân cư tập trung, bệnh viện, trường học, chợ, kho tàng… để tập trung xử lý.
+ Sở Công Thương, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố trợ giúp, cung ứng hàng hóa, chất đốt, lương thực, thực phẩm thiết yếu… cho người dân phải sơ tán, di dời tránh ngập, cứu trợ nhân dân vùng ngập sâu, không để người dân thiếu đói. Sở Công Thương chỉ đạo các công ty thương mại, siêu thị tổ chức các chợ tạm và xe bán hàng lưu động tại các vùng ngập sâu, chia cắt để phục vụ nhu cầu sinh hoạt thiết yếu hàng ngày của người dân.
+ Tổng Công ty Cấp nước thành phố đảm bảo an toàn mạng lưới, nguồn và lượng nước sạch cung cấp cho thành phố; dự kiến các phương án tổ chức cung cấp nước sạch kịp thời cho người dân tại các khu vực bị cô lập.
+ Sở Giao thông vận tải, Công an thành phố triển khai lực lượng phân luồng, điều phối, hướng dẫn giao thông; cắm biển báo tại các khu vực, tuyến đường nguy hiểm, bị ngập sâu để người dân biết và hạn chế đi lại. Huy động và cung ứng phương tiện vận tải để vận chuyển người, hàng hóa qua các khu vực nguy hiểm, ra khỏi vùng ngập sâu, bị chia cắt được an toàn, đảm bảo giao thông huyết mạch tại các tuyến đường quan trọng, cửa ngõ ra vào thành phố, duy trì hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành, chỉ huy thông suốt từ thành phố đến các quận - huyện, phường - xã - thị trấn, phục vụ công tác cứu hộ, cứu nạn, cứu sập, cứu trợ xã hội, cung ứng các dịch vụ cần thiết cho khu vực bị ngập úng, chia cắt; thu dọn nhanh cây xanh bị ngã, đổ.
+ Công ty Điện lực thành phố kịp thời cắt điện tại những nơi bị ngập sâu; bảo vệ hệ thống truyền tải, thiết bị điện, trạm biến thế, hướng dẫn việc sử dụng điện an toàn trong tình trạng ngập nước, đồng thời xử lý khắc phục nhanh chóng sự cố đường dây tải điện bị hư hỏng, bố trí máy phát điện dự phòng để đảm bảo điện sinh hoạt cho khu vực ảnh hưởng.
+ Sở Tài nguyên và Môi trường, Công an thành phố (Phòng Cảnh sát môi trường) kiểm tra, xử lý bảo đảm an toàn, không để phát tán nguồn ô nhiễm, chất độc hại (hóa chất, xăng dầu, rác thải…) ra môi trường.
+ Sở Xây dựng kiểm tra, xử lý đảm bảo an toàn công trình, nhà ở, chung cư cũ, xuống cấp, nhất là những công trình ngầm, công trình có dấu hiệu nứt, lún, nghiêng do bị ngập úng.
+ Công an thành phố, Lực lượng Thanh niên xung phong thành phố triển khai các lực lượng để bảo vệ an ninh trật tự, an toàn xã hội, các công trình trọng điểm, tài sản của nhân dân, Nhà nước và doanh nghiệp, ngăn ngừa các đối tượng xấu lợi dụng tình hình thiên tai để trộm cắp, cướp giật.
+ Sở Y tế, Hội Chữ thập đỏ thành phố huy động lực lượng y - bác sĩ, phương tiện, thiết bị, cơ số thuốc cần thiết để cứu thương, tiêu độc khử trùng, phòng dịch, không để lây lan dịch bệnh từ nguồn nước ngập, tù đọng trong khu dân cư.
+ Sở Giáo dục và Đào tạo khảo sát tình hình ngập úng, chia cắt để thông báo quyết định cho học sinh nghỉ học kịp thời.
+ Sở Thông tin và Truyền thông bảo đảm cho mạng thông tin liên lạc thông suốt, bảo vệ đường dây viễn thông an toàn khi xảy ra ngập úng.
+ Chi cục Kiểm lâm kiểm tra, bắt buộc các chủ trại, cơ sở nuôi động vật hoang dã hung dữ (cá sấu, gấu…) thực hiện phương án gia cố chuồng, trại đảm bảo an toàn hoặc di chuyển đến nơi an toàn, không để động vật hoang dã nuôi sổng chuồng gây nguy hiểm cho cộng đồng và môi trường.
+ Các cơ quan thông tấn, báo chí (Đài Truyền hình thành phố, Đài Tiếng nói nhân dân thành phố, các cơ quan báo chí) kịp thời thông tin và cảnh báo tình hình mưa lớn, triều cường, tình trạng ngập úng tại các khu vực, tuyến đường, thông báo hướng dẫn giao thông của cơ quan chức năng để các tổ chức, nhân dân biết và chủ động tự phòng, tránh và ứng phó.
- Nhiệm vụ cụ thể của các quận - huyện, phường - xã - thị trấn:
+ Chủ động phối hợp với lực lượng vũ trang, lực lượng chi viện, hỗ trợ của cấp trên và huy động lực lượng, phương tiện tại chỗ tổ chức cứu nạn, cứu hộ, cứu sập, sơ tán, di dời dân ở các khu vực ngập sâu, bị chia cắt đến nơi an toàn đã được xác định, đảm bảo cung cấp các dịch vụ hậu cần trước hết là lương thực, nhu yếu phẩm, nước sạch, ánh sáng, thuốc men, chăm sóc sức khỏe cho người dân, vệ sinh môi trường, phòng dịch, bảo vệ an ninh trật tự, an toàn xã hội ở địa phương.
+ Chỉ đạo các Bệnh viện - Trung tâm Y tế dự phòng quận - huyện, Trạm Y tế các phường - xã - thị trấn huy động lực lượng y - bác sỹ tại chỗ, phương tiện, thiết bị, thuốc men để sơ cấp cứu, chữa bệnh cho người dân.
+ Chuẩn bị nhiên liệu, huy động máy bơm nước cơ động của các cơ quan, đơn vị và cá nhân trên địa bàn quận - huyện, phường - xã - thị trấn để thực hiện bơm chống ngập úng.
+ Các quận - huyện có bờ bao loại nhỏ ngăn triều (huyện Củ Chi, huyện Hóc Môn, quận Thủ Đức, quận 12, huyện Bình Chánh …): huy động và bố trí lực lượng xung kích (bộ đội, dân quân, đoàn viên - thanh niên, công nhân Công ty Công ích, HTX, tổ tự quản đê bao…), các loại vật tư (cừ tràm, bao tải cát - đất, vỉ tre, sắt neo…) và dụng cụ, phương tiện cần thiết để thực hiện gia cố ngay các đoạn bờ bao xung yếu, khắc phục các đoạn bờ bao bị bể, tràn, không để xảy ra sự cố tràn, bể bờ bao phát sinh gây ảnh hưởng nghiêm trọng.
b) Đối với người dân:
- Cẩn thận khi đi qua những khu vực ngập nước, kể cả những khu vực quen thuộc, chỉ đi qua khi chắc chắn không có nguy hiểm và có các lực lượng, phương tiện hỗ trợ.
- Tuân theo biển báo nguy hiểm hoặc hướng dẫn của những người có trách nhiệm.
- Không cố cứu vớt tài sản bị nước cuốn trôi, đặc biệt ở ven sông, rạch lớn.
- Ngắt nguồn điện bị ngập nước, cẩn thận kiểm tra khi sử dụng lại đồ điện sau khi bị ngập nước; không tiếp xúc với nguồn điện khi đang ướt hoặc đang đứng dưới nước.
- Sử dụng nước sạch tiết kiệm, phòng khi thiếu nước sạch trong thời gian bị ngập úng kéo dài.
- Thường xuyên theo dõi thông tin, hướng dẫn của cơ quan chức năng, chính quyền địa phương trên phương tiện truyền thông. Chú ý quản lý, chăm sóc trẻ em, người già, người bệnh, người tàn tật an toàn khi nhà ở và khu vực xung quanh nhà ở bị ngập.
- Cung cấp kịp thời tình trạng ngập lụt tại khu vực sinh sống cho các cơ quan chức năng, báo, đài, chính quyền địa phương để được trợ giúp, ứng cứu kịp thời.
c) Đối với các cơ quan, đơn vị, công ty, xí nghiệp, bệnh viện, trường học…:
+ Di dời thiết bị, hàng hóa, hóa chất, vật dụng… đến nơi an toàn.
+ Tạm ngừng sản xuất, hoạt động khi xảy ra ngập sâu, bị cô lập.
+ Bảo vệ tài sản, phòng ngừa các đối tượng xấu lợi dụng ngập úng để trộm cắp, cướp giật.
a) Thủ trưởng các sở - ngành thành phố và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận - huyện theo chức năng, nhiệm vụ triển khai thực hiện các công việc sau:
- Đưa người dân sơ tán, di dời về nơi ở cũ an toàn, trật tự.
- Trợ giúp hàng hóa, lương thực, thực phẩm thiết yếu, nước sạch nhằm đảm bảo điều kiện sinh hoạt, đời sống cho nhân dân.
- Đảm bảo giao thông thông suốt, sửa chữa đường sá, trường học, bệnh viện, công sở, nhà ở, các công trình bị hư hỏng…, tổ chức tiêu độc, khử trùng vệ sinh môi trường, phòng dịch không để dịch bệnh bùng phát, lây lan.
- Tổ chức lực lượng xung kích, tình nguyện giúp nhân dân khắc phục hậu quả, bảo vệ trật tự, trị an và tài sản của nhân dân trong khu vực bị ngập úng.
- Tổ chức thống kê, đánh giá thiệt hại theo quy định và báo cáo về Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão cấp trên.
b) Sở Y tế, Hội Chữ thập đỏ thành phố huy động lực lượng y - bác sĩ, các đội cấp cứu, phương tiện, thiết bị để cứu thương, điều trị bệnh nhân, phòng các bệnh thường mắc phải do ngập úng gây ra.
c) Công ty Điện lực thành phố đảm bảo an toàn mạng lưới điện, huy động lực lượng và các phương tiện, thiết bị để khắc phục sự cố đường dây tải điện bị hư hỏng trong thời gian sớm nhất.
d) Sở Công Thương tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp đầu cơ, nâng giá, nhất là lương thực, thực phẩm thiết yếu, nước sạch, vật liệu xây dựng, nhiên liệu, chất đốt; chỉ đạo các công ty thương mại, siêu thị tổ chức bán hàng lưu động để cung cấp đầy đủ các mặt hàng nhu yếu phẩm cho người dân.
đ) Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố tổ chức cứu trợ, giúp đỡ về lương thực, thực phẩm, thuốc men cho người dân trong vùng thiên tai. Sở Tài chính phối hợp với Sở Lao động Thương binh và Xã hội, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố tham mưu trình Ủy ban nhân dân thành phố bổ sung từ nguồn ngân sách thành phố cho các quận - huyện để hỗ trợ kinh phí cho người dân bị thiệt hại sớm ổn định cuộc sống, nhất là hộ gia đình chính sách, hộ nghèo, khó khăn.
III. Lực lượng, phương tiện, trang thiết bị dự kiến huy động:
1. Lực lượng: Lực lượng dự kiến huy động từ các sở - ngành thành phố đến quận - huyện, phường - xã - thị trấn tham gia công tác ứng phó tình trạng ngập úng do mưa lớn và triều cường trên địa bàn thành phố đảm bảo khoảng 29.000 đến 30.000 người. Trong đó, lực lượng chuyên trách cấp thành phố khoảng 4.000 người; lực lượng của quận - huyện khoảng 9.000 đến 10.000 người và lực lượng của ban ngành, đoàn thể, dân quân, thanh niên xung kích, tình nguyện viên tại các xã - phường - thị trấn khoảng 16.000 người. Tùy theo tình hình diễn biến của mưa lớn, triều cường và mức độ ảnh hưởng ngập lụt, thiệt hại xảy ra ở từng khu vực, Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão thành phố quyết định việc điều động và phân công, bố trí lực lượng để chi viện cho các địa phương theo yêu cầu.
(Đính kèm Phụ lục 2).
2. Phương tiện, trang thiết bị: Phương tiện, trang thiết bị dự kiến huy động để ứng phó với tình trạng ngập úng gồm có phương tiện, trang thiết bị cơ động, chi viện của các sở - ngành, đơn vị thành phố và phương tiện, trang thiết bị tại chỗ của các quận - huyện.
(Đính kèm Phụ lục 3).
1. Ủy ban nhân dân các quận - huyện căn cứ phương án này khẩn trương xây dựng kế hoạch chi tiết công tác điều hành, chỉ huy phòng, chống, ứng phó tình trạng ngập úng do mưa lớn, triều cường xảy ra trên địa bàn quận, huyện mình. Đồng thời, chỉ đạo các phường - xã - thị trấn cụ thể hóa các biện pháp thực hiện trên từng địa bàn dân cư để chủ động triển khai thực hiện.
2. Khi xảy ra ngập úng trên diện rộng, Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão thành phố kịp thời tham mưu cho Ủy ban nhân dân thành phố chỉ đạo, triển khai biện pháp huy động toàn bộ lực lượng chuyên trách của Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng thành phố, Công an thành phố, Sở Cảnh sát phòng cháy - chữa cháy, Công ty Thoát nước đô thị, Công ty Môi trường đô thị, Công ty Quản lý khai thác dịch vụ Thủy lợi, Công ty Vận tải hành khách… và lực lượng xung kích của Thành Đoàn, Lực lượng Thanh niên xung phong thành phố, các quận - huyện, phường - xã - thị trấn để thực hiện các yêu cầu trên.
3. Các Sở - ngành, quận - huyện ưu tiên bố trí kinh phí hàng năm để đầu tư đúng mức cho công tác phòng, chống ngập úng. Trong chỉ đạo, điều hành ứng phó thiên tai cần tập trung lực lượng, phương tiện ứng cứu hiệu quả các địa bàn bị ngập lụt sâu, khu vực ven sông, ven biển, các khu dân cư bị chia cắt, cô lập để tránh xảy ra thiệt hại về người, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về tài sản; tổ chức khoanh vùng, xử lý ô nhiễm môi trường ngay từ lúc phát sinh.
4. Các thành viên Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão thành phố, quận - huyện, phường - xã - thị trấn thực hiện theo nhiệm vụ và địa bàn được phân công phụ trách. Khi ngập úng xảy ra tại các khu vực liên quan đến địa bàn nhiều quận - huyện, phường - xã - thị trấn thì phải phối hợp, hỗ trợ với nhau để cùng ứng phó và khắc phục đạt hiệu quả.
5. Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão các cấp, các ngành thực hiện chế độ thông tin, báo cáo theo quy định.
Bãi bỏ Phương án số 56/PA-PCLB ngày 12 tháng 3 năm 2009 của Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão thành phố; Phương án này được phổ biến đến tận phường - xã - thị trấn; thông tin rộng rãi đến các tầng lớp nhân dân và đăng tải trên trang web của Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão thành phố (địa chỉ: http://www.phongchonglutbaotphcm.gov.vn - mục “Phương án Phòng chống lụt bão, thiên tai”)./.
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ
CÁC KHU VỰC TRỌNG ĐIỂM CẦN TẬP TRUNG PHÒNG, CHỐNG, ỨNG PHÓ KHI XẢY RA MƯA LỚN KÉO DÀI, TRIỀU CƯỜNG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 2353/QĐ-UBND ngày 26 tháng 5 năm 2010 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố)
STT | QUẬN - HUYỆN | KHU VỰC TRỌNG sĐIỂM | |
Số lượng | Xã, phường | ||
1 | Huyện Hóc Môn | 2 | Xã Nhị Bình (đặc biệt là ấp 2, ấp 4), Đông Thạnh |
2 | Huyện Củ Chi | 2 | Xã Bình Mỹ, Trung An (đặc biệt là ấp Bốn Phú, An Hòa) |
3 | Huyện Bình Chánh | 7 | Xã Phong Phú, Đa Phước, Hưng Long, Tân Nhựt, Bình Lợi, Quy Đức, Tân Quý Tây |
4 | Huyện Nhà Bè | 3 | Xã Phước Lộc, Hiệp Phước, Nhơn Đức |
5 | Huyện Cần Giờ | 4 | Xã An Thới Đông, Tam Thôn Hiệp, Lý Nhơn, Bình Khánh (đặc biệt là khu Mỹ Khánh). |
6 | Quận Thủ Đức | 6 | Phường Linh Đông, Tam Phú, Hiệp Bình Chánh, Hiệp Bình Phước, Bình Chiểu, Tam Bình |
7 | Quận Bình Thạnh | 3 | Phường 19, 27 và 28 (đặc biệt là khu Bình Qưới) |
8 | Quận Gò Vấp | 5 | Phường 5, 6, 13, 14 và 15 |
9 | Quận Bình Tân | 2 | Phường An Lạc, Tân Tạo A |
10 | Quận Phú Nhuận | 6 | Phường 1, 2, 7, 12, 14 và 17 |
11 | Quận Tân Bình | 2 | Phường 13 và 14 |
12 | Quận Tân Phú | 5 | Phường Tây Thạnh, Hòa Thạnh, Phú Trung, Tân Thới Hòa, Hiệp Tân |
13 | Quận 1 | 5 | Phường Cầu Ông Lãnh, Cô Giang, Nguyễn Thái Bình, Nguyễn Cư Trinh, Phạm Ngũ Lão |
14 | Quận 2 | 6 | Phường Thảo Điền, Bình An, An Lợi Đông, Thủ Thiêm, An Phú, An Khánh |
15 | Quận 3 | 2 | Phường 3 và 14 |
16 | Quận 4 | 4 | Phường 3, 4, 15 và 18 |
17 | Quận 5 | 3 | Phường 10, 13 và 14 |
18 | Quận 6 | 2 | Phường 11 và 12 |
19 | Quận 7 | 3 | Phường Phú Thuận, Tân Thuận Tây, Bình Thuận |
20 | Quận 8 | 4 | Phường 6, 14, 15 và 16 |
21 | Quận 9 | 2 | Cù lao Bà Xang và phường Long Phước |
22 | Quận 10 | 3 | Phường 12, 14 và 15 |
23 | Quận 11 | 2 | Phường 1 và 3 |
24 | Quận 12 | 3 | Phường Thạnh Lộc, Thạnh Xuân (đặc biệt là khu phố 3, khu phố 4) và An Phú Đông |
Tổng cộng | 86 |
|
Ghi chú: các khu vực được viết chữ in nghiêng và tô đậm là các khu vực có nguy cơ bị cô lập khi xảy ra ngập lụt do mưa lớn và triều cường.
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ
LỰC LƯỢNG DỰ KIẾN HUY ĐỘNG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 2353/QĐ-UBND ngày 26 tháng 5 năm 2010 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố)
STT | LỰC LƯỢNG | THÀNH PHỐ | QUẬN, HUYỆN | PHƯỜNG, XÃ, THỊ TRẤN | TỔNG CỘNG |
1 | Quân sự | 360 | 2.856 | 3.220 | 6.436 |
2 | Bộ đội Biên phòng | 600 |
|
| 600 |
3 | Công an | 100 | 2.000 | 600 | 2.700 |
4 | Cảnh sát PCCC | 1.000 |
|
| 1.000 |
5 | Y tế | 500 | 1.100 |
| 1.600 |
6 | Hội Chữ thập đỏ | 100 | 900 |
| 1.000 |
7 | Doanh nghiệp Công ích |
| 1.000 |
| 1.000 |
8 | Công ty Thoát nước đô thị | 400 |
|
| 400 |
9 | Công ty QL KT dịch vụ Thủy lợi | 200 |
|
| 200 |
10 | Thanh niên xung phong | 800 |
|
| 800 |
11 | Dân quân, Thanh niên xung kích |
|
| 5.900 | 5.900 |
12 | Lực lượng khác |
| 1.500 | 6.300 | 7.800 |
Tổng cộng các lực lượng | 4.060 | 9.356 | 16.020 | 29.436 |
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ
PHƯƠNG TIỆN, TRANG THIẾT BỊ DỰ KIẾN HUY ĐỘNG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 2353/QĐ-UBND ngày 26 tháng 5 năm 2010 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố)
STT | DANH MỤC PHƯƠNG TIỆN, TRANG THIẾT BỊ | SỞ - NGÀNH, ĐƠN VỊ | QUẬN, HUYỆN | TỔNG CỘNG |
1 | Xe tải các loại | 52 xe | 66 xe | 118 xe |
2 | Xe cứu thương | 107 xe | 5 xe | 112 xe |
3 | Xe mô tô |
| 28 xe | 28 xe |
4 | Xe lăn |
| 6 xe | 6 xe |
5 | Xe chuyên dùng các loại | 22 xe | 65 xe | 87 xe |
6 | Ca nô | 30 chiếc | 20 chiếc | 50 chiếc |
7 | Tàu TKCN các loại | 12 chiếc | 6 chiếc | 18 chiếc |
8 | Tàu kiểm ngư | 2 chiếc |
| 2 chiếc |
9 | Ghe cứu hộ | 37 chiếc | 48 chiếc | 85 chiếc |
10 | Xuồng máy các loại | 59 chiếc | 24 chiếc | 83 chiếc |
11 | Phà | 21 chiếc |
| 21 chiếc |
12 | Xà lan | 1 chiếc | 4 chiếc | 5 chiếc |
13 | Trạm bơm | 28 trạm |
| 28 trạm |
14 | Máy bơm | 32 cái | 86 cái | 118 cái |
15 | Máy bộ đàm | 230 máy | 82 máy | 312 máy |
16 | Máy phát điện | 121 máy | 73 máy | 194 máy |
17 | Cưa máy các loại | 83 cái | 78 cái | 161 cái |
18 | Máy khoan cắt bê tông | 15 cái | 56 cái | 71 máy |
19 | Phao tròn | 4.890 cái | 4.637 cái | 9.527 cái |
20 | Phao bè | 147 cái | 203 cái | 350 cái |
21 | Áo phao | 8.584 cái | 6.510 cái | 15.094 cái |
22 | Phao dây | 70 cái | 39 cái | 109 cái |
23 | Nệm phao cứu hộ |
| 3 bộ | 3 bộ |
24 | Thuyền phao | 1 cái | 1 cái | 2 cái |
25 | Nhà bạt các loại | 33 bộ | 207 bộ | 240 bộ |
26 | Ống nhòm | 23 cái | 9 cái | 32 cái |
27 | Súng bắn pháo hiệu | 7 khẩu | 3 khẩu | 10 khẩu |
28 | Xà beng các loại | 65 cái | 142 cái | 207 cái |
29 | Búa các loại | 15 cái | 178 cái | 193 cái |
30 | Cuốc và xẻng | 705 cái | 2.214 cái | 2.919 cái |
31 | Cưa tay | 63 cái | 60 cái | 123 cái |
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ
- 1 Quyết định 2440/QĐ-UBND năm 2011 về Phương án chủ động phòng, chống, ứng phó tình trạng ngập úng do mưa lớn và triều cường trên địa bàn thành phố do Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành
- 2 Quyết định 2440/QĐ-UBND năm 2011 về Phương án chủ động phòng, chống, ứng phó tình trạng ngập úng do mưa lớn và triều cường trên địa bàn thành phố do Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành
- 1 Quyết định 3013/QĐ-UBND năm 2013 về Phương án chủ động phòng, chống, ứng phó tình trạng ngập úng do mưa lớn, triều cường và xả lũ trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh
- 2 Quyết định 3006/QĐ-UBND năm 2012 về Phương án chủ động phòng, chống, ứng phó tình trạng ngập úng do mưa lớn và triều cường trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh
- 3 Chỉ thị 10/2010/CT-UBND về công tác phòng, chống lụt, bão, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2010 trên địa bàn thành phố do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành
- 4 Quyết định 44/2009/QĐ-UBND sửa đổi Quyết định 04/2008/QĐ-UBND về công tác phòng, chống lụt, bão, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tại thành phố Hồ Chí Minh do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành
- 5 Quyết định 5745/QĐ-UBND năm 2008 về Chương trình hành động thực hiện Chiến lược quốc gia phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai đến năm 2020 của thành phố Hồ Chí Minh do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành
- 6 Quyết định 04/2008/QĐ-UBND quy định về công tác phòng, chống lụt, bão, thiên tai, và tìm kiếm cứu nạn tại thành phố Hồ Chí Minh do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành
- 7 Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban Nhân dân 2003
- 8 Pháp lệnh sửa đổi Pháp lệnh Phòng, chống lụt, bão năm 2000
- 9 Pháp lệnh Phòng chống lụt bão năm 1993
- 1 Quyết định 2440/QĐ-UBND năm 2011 về Phương án chủ động phòng, chống, ứng phó tình trạng ngập úng do mưa lớn và triều cường trên địa bàn thành phố do Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành
- 2 Quyết định 3006/QĐ-UBND năm 2012 về Phương án chủ động phòng, chống, ứng phó tình trạng ngập úng do mưa lớn và triều cường trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh
- 3 Quyết định 3013/QĐ-UBND năm 2013 về Phương án chủ động phòng, chống, ứng phó tình trạng ngập úng do mưa lớn, triều cường và xả lũ trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh