Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

UỶ BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 24/2011/QĐ-UBND

Đà Nẵng, ngày 22 tháng 8 năm 2011

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY ĐỊNH CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ HỌC NGHỀ, CHUYỂN ĐỔI NGÀNH NGHỀ, GIẢI QUYẾT VIỆC LÀM, ỔN ĐỊNH ĐỜI SỐNG ĐỐI VỚI ĐỐI TƯỢNG THUỘC DIỆN DI DỜI, GIẢI TỎA, THU HỒI ĐẤT SẢN XUẤT TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG

Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Ngân sách Nhà nước ngày 16 tháng 12 năm 2002;

Căn cứ Luật dạy nghề số 76/2006/QH 11 ngày 29 tháng 4 năm 2006;

Triển khai thực hiện Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27 tháng 11 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành Quy định chính sách hỗ trợ học nghề, chuyển đổi ngành nghề, giải quyết việc làm, ổn định đời sống đối với đối tượng thuộc diện di dời, giải tỏa, thu hồi đất sản xuất trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.

Điều 2. Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chịu trách nhiệm tổ chức triển khai, hướng dẫn, kiểm tra việc thực Quy định nêu trên.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 65/2005/QĐ-UB ngày 24 tháng 5 năm 2005 của UBND thành phố về việc ban hành Đề án Hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề, giải quyết việc làm, ổn định đời sống đối với lao động bị thu hồi đất sản xuất, di dời, giải toả trên địa bàn thành phố Đà Nẵng và Quyết định số 31/2008/QĐ-UBND ngày 27 tháng 5 năm 2008 của UBND thành phố sửa đổi, bổ sung Quyết định số 65/2005/QĐ-UB ngày 24/5/2005.

Điều 4. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố; Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội; Thủ trưởng các cơ quan chuyên môn thuộc UBND thành phố; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận, huyện, xã, phường; Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Trần Văn Minh

 

QUY ĐỊNH

CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ HỌC NGHỀ, CHUYỂN ĐỔI NGÀNH NGHỀ, GIẢI QUYẾT VIỆC LÀM, ỔN ĐỊNH ĐỜI SỐNG ĐỐI VỚI ĐỐI TƯỢNG THUỘC DIỆN DI DỜI, GIẢI TỎA, THU HỒI ĐẤT SẢN XUẤT TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 24/2011/QĐ-UBND ngày 22 tháng 8 năm 2011 của Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng)

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Quy định này điều chỉnh về đối tượng, chính sách hỗ trợ, trách nhiệm của các cơ quan có liên quan trong việc thực hiện hỗ trợ đối tượng thuộc diện di dời, giải tỏa, thu hồi đất sản xuất học nghề, chuyển đổi ngành nghề, giải quyết việc làm trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.

Điều 2. Đối tượng điều chỉnh

1. Người lao động: Lao động trong các hộ thuộc diện di dời, giải tỏa, thu hồi đất sản xuất;

2. Học sinh trong các hộ thuộc diện di dời, giải tỏa, thu hồi đất sản xuất;

3. Hộ gia đình thuộc diện di dời, giải tỏa, thu hồi đất sản xuất.

Điều 3. Nguyên tắc hỗ trợ

1. Mỗi lao động là đối tượng của Chính sách chỉ được hỗ trợ học nghề một lần để giải quyết việc làm, chuyển đổi ngành nghề.

2. Việc hỗ trợ kinh phí dạy nghề thông qua cơ sở dạy nghề thuộc mọi thành phần kinh tế đang hoạt động trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, có đăng ký hoạt động dạy nghề và được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động dạy nghề theo quy định hiện hành của Nhà nước, được thành phố lựa chọn tham gia dạy nghề cho người lao động.

3. Trong trường hợp lao động là đối tượng của Quyết định được hưởng chính sách hỗ trợ học nghề của nhiều chương trình thì được hưởng chính sách hỗ trợ thuộc chương trình nào có mức hỗ trợ cao nhất. Trường hợp lao động là đối tượng của Quyết định được hưởng chính sách hỗ trợ bằng nguồn kinh phí Trung ương thì hưởng chính sách hỗ trợ bằng nguồn kinh phí Trung ương.

Điều 4. Nghề đào tạo và mức hỗ trợ eo danh mục và mức hỗ trợ học nghề miễn phí do UBND thành phố quy định tại Quyết định ban hành Quy định chính sách hỗ trợ học nghề trình độ sơ cấp đối với lao động thuộc diện chính sách, xã hội trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.

Chương II

CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ

Điều 5. Hỗ trợ vay vốn giải quyết việc làm

Sử dụng nguồn vốn của Quỹ quốc gia giải quyết việc làm hiện có và nguồn vốn ngân sách thành phố cấp ủy thác hàng năm sang Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội Đà Nẵng theo Nghị quyết HĐND thành phố để giải quyết cho các hộ vay vốn chuyển đổi ngành nghề, giải quyết việc làm theo cơ chế ưu đãi.

1. Mục đích: Cho vay hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề, giải quyết việc làm, ổn định cuộc sống.

2. Đối tượng vay vốn: Hộ gia đình có lao động mất việc làm thuộc diện di dời, giải tỏa, thu hồi đất sản xuất có nhu cầu vay vốn chuyển đổi ngành nghề, giải quyết việc làm.

3. Cơ chế cho vay: Theo quy định hiện hành của Chính phủ về cơ chế quản lý, điều hành vốn vay của Quỹ quốc gia giải quyết việc làm.

Điều 6. Hỗ trợ học nghề

1. Hỗ trợ chi phí học nghề ngắn hạn (trình độ sơ cấp nghề)

Người lao động có hộ khẩu thường trú tại Đà Nẵng, trong độ tuổi lao động, có nhu cầu học nghề để giải quyết việc làm, chuyển đổi ngành nghề, đủ điều kiện xét tuyển vào các khóa học nghề trình độ sơ cấp, được hỗ trợ như sau:

- Hỗ trợ chi phí học nghề ngắn hạn với mức tối đa 03 triệu đồng/người/khóa học;

- Hỗ trợ tiền ăn với mức 15.000 đồng/ngày thực học/người (mức tối đa không quá 450.000 đồng/người/tháng);

- Hỗ trợ tiền đi lại theo giá vé giao thông công cộng với mức tối đa không quá 200.000 đồng/người/khóa học đối với người học nghề xa nơi cư trú từ 15 km trở lên.

2. Hỗ trợ kinh phí dạy nghề trình độ trung cấp nghề và cao đẳng nghề

Hàng năm thành phố bố trí kinh phí để tổ chức dạy nghề trình độ trung cấp nghề và cao đẳng nghề cho 1.000 đến 1.500 lao động là đối tượng thuộc diện di dời, giải tỏa, thu hồi đất sản xuất. Ủy ban nhân dân thành phố giao chỉ tiêu dạy nghề trình độ trung cấp và cao đẳng cho các cơ sở dạy nghề trình độ trung cấp nghề và cao đẳng nghề trên địa bàn thành phố đáp ứng được yêu cầu về chất lượng dạy nghề.

Điều 7. Hỗ trợ học phí

Ngân sách thành phố hỗ trợ học phí cho con của các hộ nông dân (nông, lâm, ngư nghiệp) thuộc diện thu hồi đất sản xuất, di dời, giải tỏa phải chuyển đổi ngành nghề đang học văn hoá tại các trường trung học phổ thông, trung học cơ sở, các trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm kỹ thuật tổng hợp - hướng nghiệp, bao gồm các loại hình công lập và ngoài công lập trên địa bàn thành phố như sau:

- Hỗ trợ 100% học phí trong thời hạn 03 năm cho các hộ thuộc diện thu hồi từ 50% diện tích đất sản xuất trở lên;

- Hỗ trợ 50% học phí trong thời hạn 03 năm cho các hộ thuộc diện thu hồi dưới 50% diện tích đất sản xuất.

Mức học phí hỗ trợ cho học sinh đang học tại các trường ngoài công lập bằng mức học phí các trường công lập cùng địa bàn.

Chương III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 8. Nguồn kinh phí hỗ trợ

Từ nguồn ngân sách Trung ương, ngân sách thành phố và các nguồn vận động tài trợ hợp pháp.

Điều 9. Trách nhiệm của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội

1. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư, các ngành, địa phương liên quan xây dựng kế hoạch hàng năm trình Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt kinh phí để triển khai thực hiện.

2. Chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính hướng dẫn các ngành, địa phương, các cơ sở dạy nghề chính sách hỗ trợ học nghề, giải quyết việc làm cho lao động là đối tượng của Quyết định.

3. Hàng năm căn cứ nguồn vốn ngân sách thành phố cấp ủy thác sang Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội Đà Nẵng (Ngân hàng) phân bổ cho các quận, huyện để Ngân hàng cho các hộ gia đình là đối tượng của Quyết định vay vốn chuyển đổi ngành nghề, giải quyết việc làm.

4. Đề xuất Ủy ban nhân dân thành phố danh sách các cơ sở dạy nghề tham gia dạy nghề miễn phí theo chính sách của thành phố.

5. Phối hợp với Sở Ngoại vụ, các ngành liên quan và các địa phương vận động các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tham gia hỗ trợ các hoạt động dạy nghề, tạo việc làm cho lao động là đối tượng của Quyết định.

6. Phối hợp với các ngành, địa phương, Ban Quản lý các Khu Công nghiệp và Chế xuất, Ban Quản lý các Dự án đền bù giải tỏa, Bản quản lý Khu công nghệ cao vận động các doanh nghiệp được giao đất tại các khu công nghiệp, Khu Công nghệ cao, địa bàn giải tỏa ưu tiên tiếp nhận lao động là đối tượng của Quyết định tại địa phương đủ điều kiện vào làm việc tại doanh nghiệp.

Điều 10. Trách nhiệm của Sở Tài chính

a) Chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố cân đối, bố trí nguồn vốn thực hiện chương trình; trình HĐND thành phố phê duyệt theo quy định.

b) Phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn các địa phương thực hiện chính sách miễn, giảm học phí cho học sinh là con các hộ thuộc diện thu hồi đất sản xuất, di dời, giải toả.

Điều 11. Trách nhiệm của Sở Kế hoạch và Đầu tư

Chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố bố trí kinh phí dạy nghề miễn phí, kinh phí bổ sung cho Quỹ quốc gia giải quyết việc làm hàng năm theo đề xuất của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, bao gồm cả chỉ tiêu dạy nghề ngắn hạn và dài hạn đảm bảo mục tiêu đào tạo nghề của thành phố.

Điều 12. Trách nhiệm của Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội Đà Nẵng

Quản lý và sử dụng vốn ủy thác theo đúng quy định của Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng; thực hiện giải ngân, thu hồi nợ, sử dụng vốn thu hồi để cho vay quay vòng, trích lập quỹ rủi ro; phối hợp với các cơ quan liên quan kiểm tra vốn vay, xử lý nợ rủi ro theo quy định.

Điều 13. Trách nhiệm của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Chủ trì, phối hợp với các sở ban ngành, hội đoàn thể đẩy mạnh các chương trình khuyến nông, lâm, ngư; tăng cường chuyển giao kỹ thuật, mở các lớp huấn luyện kỹ thuật nuôi trồng sinh vật cảnh, dạy nghề ngắn hạn cho nông dân thuộc diện di dời, giải tỏa, thu hồi đất sản xuất.

Điều 14. Trách nhiệm của Sở Giáo dục và Đào tạo

a) Chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính xác định danh sách học sinh trong hộ gia đình thuộc diện thu hồi đất sản xuất, di dời, giải tỏa theo học tại các trường theo phân cấp quản lý trình Ủy ban nhân dân thành phố cấp kinh phí miễn, giảm học phí cho các trường.

b) Thực hiện phân luồng học sinh để phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và các cơ quan có liên quan tuyên truyền, vận động học sinh thuộc đối tượng của Quyết định tham gia học nghề, giải quyết việc làm.

Điều 15. Trách nhiệm của Sở Ngoại vụ

Chủ trì, phối hợp với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, các ngành liên quan và các địa phương vận động các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tham gia hỗ trợ các hoạt động dạy nghề, tạo việc làm cho lao động là đối tượng của Quyết định.

Điều 16. Trách nhiệm của Sở Thông tin và Truyền thông

Chỉ đạo các cơ quan thông tấn, báo chí tuyên truyền về các chính sách hỗ trợ của thành phố cho các đối tượng của Quyết định, vận động người lao động là đối tượng của Quyết định tham gia học nghề, giải quyết việc làm.

Điều 17. Trách nhiệm của Ban Quản lý các Khu công nghiệp và Chế xuất, Ban quản lý các Dự án giải tỏa đền bù, Ban quản lý Khu Công nghệ cao

Vận động doanh nghiệp trong các khu công nghiệp, Khu Công nghệ cao tại Đà Nẵng và doanh nghiệp được giao đất tại các vùng di dời, giải tỏa tiếp nhận lao động là đối tượng của Quyết định vào làm việc.

Điều 18. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các quận, huyện

1. Xây dựng kế hoạch đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho các đối tượng của Quyết định hàng năm và 05 năm để phối hợp với các ngành liên quan triển khai thực hiện có hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.

2. Đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của các ngành, hội đoàn thể và người lao động thuộc diện di dời, giải toả, thu hồi đất sản xuất tại địa phương về vai trò của đào tạo nghề đối với việc tạo việc làm, từ đó vận động người lao động là đối tượng của Quyết định tham gia học nghề, chuyển đổi ngành nghề, giải quyết việc làm.

Điều 19. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố, Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh thành phố trong phạm vi hoạt động của mình vận động các tổ chức, cá nhân tham gia giúp đỡ các hộ gia đình thuộc diện di dời, giải tỏa, thu hồi đất sản xuất gặp khó khăn về việc làm và đời sống nhanh chóng ổn định cuộc sống; đồng thời, hướng dẫn đoàn viên, hội viên học nghề, chuyển đổi ngành nghề, tạo việc làm.

Điều 20. Thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận, huyện và các cơ quan liên quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ được phân công, tổ chức triển khai thực hiện Quyết định; định kỳ 6 tháng (ngày 10/7) và hàng năm (ngày 10/01 năm sau) đánh giá kết quả thực hiện; gửi Sở Lao động - Thương binh và Xã hội để tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố.

Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, các cơ quan, đơn vị phản ánh bằng văn bản về Sở Lao động - Thương binh và Xã hội để phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, tổng hợp, trình Ủy ban nhân dân thành phố xem xét, điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp./.