Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH VĨNH PHÚC
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 24/2014/QĐ-UBND

Vĩnh Yên, ngày 16 tháng 06 năm 2014

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC THỰC HIỆN PHÂN CẤP QUYẾT ĐỊNH ĐẦU TƯ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH VĨNH PHÚC

ỦY BAN NHÂN DÂN

Căn cứ Luật tổ chức HĐND và UBND các cấp ngày 26/11/2003;

Căn cứ Luật Xây dựng ngày 26/11/2003;

Căn cứ Luật Ngân sách ngày 16/12/2002;

Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều liên quan đến xây dựng cơ bản số 38/2009/QH12 ngày 19/6/2009;

Căn cứ Nghị định 12/2009/NĐ-CP ngày 12/2/2009, Nghị định 83/2009/NĐ-CP ngày 15/10/2009 về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình;

Căn cứ Nghị định số 52/1999/NĐ-CP ngày 8/7/1999, Nghị định số 12/2000/NĐ-CP ngày 05/5/2000 và Nghị định số 07/2003/NĐ-CP ngày 30/01/2003 về quy chế quản lý đầu tư và xây dựng;

Căn cứ Nghị định số 15/2013/NĐ-CP ngày 6/2/2013 của Chính phủ về quản lý chất lượng công trình xây dựng;

Xét đề nghị của Sở Tư Pháp tại Báo cáo số 51/BC-STP ngày 27/5/2014 và đề nghị của Sở Kế hoạch và Đầu tư tại Văn bản số 803/TTr-SKHĐT ngày 29 tháng 5 năm 2014,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Thực hiện phân cấp quyết định đầu tư (bao gồm cả dự án đầu tư xây dựng công trình và đầu tư không xây dựng công trình - sau đây gọi tắt là dự án đầu tư) trên địa bàn tỉnh như sau:

1. Thực hiện phân cấp đầu tư xây dựng công trình theo khoản 1 điều 12, Nghị định 12/2009/NĐ-CP ngày 10/2/2009 của Chính phủ (đối với các dự án đầu tư xây dựng công trình):

a) Chủ tịch UBND các huyện, thành, thị (sau đây gọi tắt là cấp huyện) được quyền quyết định đầu tư các dự án đến nhóm B, trong phạm vi ngân sách và khả năng cân đối ngân sách của địa phương sau khi thông qua HĐND cùng cấp (đối với địa phương không tổ chức HĐND sẽ do UBND cùng cấp thông qua).

Nguồn vốn thực hiện đối với các dự án do Chủ tịch UBND cấp huyện phê duyệt gồm:

- Nguồn vốn phân bổ từ ngân sách tỉnh cho cấp huyện theo nguyên tắc và tiêu chí.

- Nguồn thu từ quỹ đất được điều tiết về ngân sách cấp huyện theo quy định của tỉnh;

- Nguồn thưởng vượt dự toán thu hàng năm cấp huyện được hưởng;

- Các nguồn thu được phân chia theo quy định của tỉnh về phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi giữa ngân sách cấp: tỉnh, huyện, xã ổn định được HĐND tỉnh nghị quyết thực hiện theo từng giai đoạn;

- Nguồn hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong nước đầu tư cho địa phương.

- Nguồn hỗ trợ thực hiện các dự án đầu tư theo chương trình xây dựng nông thôn mới.

b) Chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn (sau đây gọi tắt là cấp xã) được quyền quyết định đầu tư các dự án nhóm C trong phạm vi ngân sách và khả năng cân đối ngân sách của địa phương sau khi thông qua HĐND cùng cấp (đối với địa phương không tổ chức HĐND, do UBND cùng cấp thông qua). Riêng đối với các dự án thuộc chương trình xây dựng nông thôn mới Chủ tịch UBND cấp xã được phép phê duyệt Báo cáo kinh tế kỹ thuật (BCKTKT) xây dựng công trình có mức vốn đầu tư đến 3 tỷ đồng có nguồn gốc từ ngân sách.

Nguồn vốn thực hiện đối với các dự án do Chủ tịch UBND cấp xã phê duyệt gồm:

- Nguồn vốn phân bổ từ ngân sách cấp huyện cho cấp xã theo nguyên tắc và tiêu chí. Tùy điều kiện cụ thể của địa phương, UBND cấp huyện áp dụng tiêu chí, định mức phân bổ cho cấp xã thực hiện.

- Nguồn thu từ quỹ đất được điều tiết về ngân sách cấp xã theo quy định của tỉnh;

- Các nguồn thu được phân chia theo quy định của tỉnh về phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi giữa ngân sách cấp: tỉnh, huyện, xã được HĐND tỉnh có nghị quyết thực hiện nhằm ổn định theo từng giai đoạn;

- Nguồn hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong nước đầu tư cho địa phương.

- Nguồn hỗ trợ thực hiện các dự án đầu tư theo chương trình xây dựng nông thôn mới.

c) Các dự án thực hiện theo Nghị quyết số 19/2008/NQ-HĐND ngày 25/8/2008 của HĐND tỉnh (được điều chỉnh theo Nghị quyết số 107/2013/NQ-HĐND ngày 20/12/2013), các dự án GTNT của 17 xã khó khăn và đặc biệt khó khăn quy định tại Nghị quyết số 08/2009/NQ-HĐND về phát triển GTNT đến năm 2015 do Chủ tịch UBND tỉnh quyết định đầu tư theo đề nghị của UBND cấp huyện trên cơ sở cân đối nguồn vốn hỗ trợ theo kế hoạch hàng năm.

2. Phân cấp đầu tư đối với các dự án đầu tư không xây dựng công trình (theo Nghị định số 52/1999/NĐ-CP ngày 08/7/1999, số 12/2000/NĐ-CP ngày 05/5/2003, 07/2003/NĐ-CP ngày 30/1/2003 và Nghị định số 102/2009/NĐ-CP ngày 06/11/2009 của Chính phủ):

a) Đối với dự án công nghệ thông tin:

- Chủ tịch UBND cấp huyện được quyền quyết định phê duyệt dự án đầu tư đến 5 tỷ đồng bao gồm ngân sách cấp mình và cả các khoản hỗ trợ từ ngân sách cấp trên;

- Chủ tịch UBND cấp xã được quyền quyết định phê duyệt dự án đầu tư đến 3 tỷ đồng bao gồm ngân sách cấp minh và cả các khoản hỗ trợ từ ngân sách cấp trên;

b) Đối với các dự án đầu tư không xây dựng công trình khác:

- Chủ tịch UBND cấp huyện được quyền quyết định phê duyệt dự án đầu tư đến 3 tỷ đồng bao gồm ngân sách cấp minh và cả các khoản hỗ trợ từ ngân sách cấp trên;

- Chủ tịch UBND cấp xã được quyền quyết định phê duyệt dự án đầu tư đến 1 tỷ đồng bao gồm ngân sách cấp mình và cả các khoản hỗ trợ từ ngân sách cấp trên;

3. Loại dự án, danh mục dự án Chủ tịch UBND cấp huyện, cấp xã được quyền quyết định phê duyệt (theo phụ lục kèm theo quyết định này).

Điều 2. Tổ chức thực hiện

1. Trình tự phân bổ, giao chỉ tiêu kế hoạch đầu tư xây dựng công trình.

UBND cấp huyện căn cứ quy hoạch và kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của địa phương, lĩnh vực, phạm vi được phân cấp quyết định đầu tư, tổng mức vốn của địa phương được giao theo kế hoạch để xây dựng kế hoạch chuẩn bị đầu tư cho năm sau; xây dựng cơ cấu đầu tư báo cáo UBND tỉnh trước ngày 25/10 hàng năm (thông qua Sở Kế hoạch và Đầu tư) để tổng hợp trình UBND tỉnh báo cáo HĐND tỉnh vào kỳ họp cuối năm. Trên cơ sở Nghị quyết của HĐND tỉnh và Quyết định giao chỉ tiêu kế hoạch của UBND tỉnh, UBND cấp huyện báo cáo HĐND cấp huyện thông qua trước khi quyết định phân bổ và giao chỉ tiêu vốn cho từng dự án, đồng thời gửi báo cáo về UBND tỉnh, HĐND tỉnh (qua Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính) để tổng hợp theo dõi.

Đối với các địa phương không tổ chức HĐND, do UBND cấp đó quyết định và tự chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND cấp trên.

2. Trách nhiệm của Chủ tịch UBND cấp huyện, cấp xã: Chủ tịch UBND cấp huyện, cấp xã thực hiện quyết định đầu tư theo phân cấp quy định tại quyết định này và các quy định của pháp luật về quản lý đầu tư, quản lý đầu tư xây dựng công trình, quản lý ngân sách nhà nước, Chịu trách nhiệm hoàn toàn trước pháp luật, trước Chủ tịch UBND tỉnh về tiến độ, chất lượng và hiệu quả, nợ đọng XDCB và chậm tiến độ thi công đối với các dự án do mình quyết định đầu tư:

a) Phê duyệt kế hoạch chuẩn bị đầu tư theo đúng quy định tại Luật sửa đổi số 38, Nghị định số 52/1999/NĐ-CP và quy định của tỉnh về công tác chuẩn bị đầu tư trước khi thẩm định và phê duyệt dự án đầu tư.

b) Chủ tịch UBND cấp xã xin chủ trương của UBND cấp huyện, Chủ tịch UBND cấp huyện xin chủ trương UBND tỉnh (các nội dung chuẩn bị đầu tư liên quan đến quy hoạch, quy mô và nguồn vốn).

Loại dự án phải xin ý kiến cấp trên gồm: Chủ tịch UBND cấp xã xin ý kiến UBND cấp huyện dự án có tổng mức đầu tư từ 1 tỷ đồng trở lên; Chủ tịch UBND cấp huyện xin ý kiến UBND tỉnh dự án có tổng mức đầu tư từ nhóm B trở lên và các dự án thuộc các chương trình, đề án thực hiện các nghị quyết HĐND tỉnh được hỗ trợ trực tiếp từ NS tỉnh;

c) Chỉ đạo các cơ quan đầu mối thẩm định dự án cấp mình lấy ý kiến về thiết kế cơ sở của các bộ, sở quản lý công trình xây dựng chuyên ngành theo quy định hiện hành của Nhà nước về quản lý đầu tư xây dựng công trình và ý kiến thỏa thuận của sở ban ngành chủ trì thực hiện các đề án hỗ trợ đầu tư theo Nghị quyết HĐND tỉnh (nếu có), trước khi phê duyệt các dự án.

d) Cho ý kiến thỏa thuận danh mục dự án chuẩn bị đầu tư (các nội dung về quy hoạch, quy mô, nguồn vốn) của cấp xã đối dự án thuộc điểm b khoản 2 điều này. Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đầy đủ văn bản, hồ sơ đề nghị của UBND cấp xã, quá thời hạn trên mà không có văn bản tham gia thì coi như đồng ý. Chủ tịch UBND cấp huyện phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về ý kiến tham gia (hoặc việc không tham gia ý kiến coi như đồng ý) của cơ quan mình.

e) Tổ chức thẩm định và phê duyệt dự án đầu tư theo quy định chung của nhà nước và của tỉnh;

g) Tổ chức thẩm định, phê duyệt thiết kế - dự toán dự án đầu tư xây dựng công trình theo quy định tại Điều 20 Nghị định số 15/2013/NĐ-CP ngày 6/2/2014 về quản lý chất lượng công trình xây dựng và các quy định khác của pháp luật có liên quan;

h) Thanh, quyết toán vốn đầu tư theo đúng quy định của nhà nước, trong đó tập trung thực hiện nghiêm chỉ thị số 27/CT-TTg ngày 27/12/2013 của Thủ tướng Chính phủ v/v tăng cường, đẩy mạnh công tác quyết toán vốn đầu tư các DA hoàn thành sử dụng vốn nhà nước.

i) UBND cấp xã có trách nhiệm báo cáo UBND cấp huyện tình hình thực hiện phê duyệt dự án đầu tư theo phân cấp định kỳ hàng quý vào ngày 15 tháng cuối quý. UBND cấp huyện tổng hợp kết quả phê duyệt dự án đầu tư cấp xã và cấp huyện báo cáo Sở Kế hoạch & Đầu tư, Sở Tài chính, Sở xây dựng chuyên ngành (đối với các dự án liên quan đến ngành) và UBND tỉnh định kỳ theo quý vào ngày 20 của tháng cuối quý.

3. Trách nhiệm các Sở quản lý xây dựng chuyên ngành và các cơ quan chủ trì đề án thực hiện các nghị quyết HĐND tỉnh:

a) Tăng cường trách nhiệm, phối hợp giữa ngành với cấp trong quản lý dự án đầu tư được phân cấp;

b) Chủ tịch UBND tỉnh ủy quyền cho Sở Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan chủ trì phối hợp cùng các sở, ngành liên quan cho ý kiến thỏa thuận, danh mục dự án chuẩn bị đầu tư (các nội dung về quy hoạch, quy mô, nguồn vốn) đối với các dự án quy định tại điểm b khoản 2 điều 2 và các dự án thực hiện các chương trình, đề án được HĐND tỉnh nghị quyết được hỗ trợ trực tiếp từ ngân sách tỉnh; Thời gian thẩm định, cho ý kiến không quá 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đầy đủ văn bản, hồ sơ đề nghị của UBND cấp huyện. Thời gian các sở, ngành tham gia ý kiến với Sở Kế hoạch và Đầu tư không quá 5 ngày kể từ ngày nhận được đầy đủ văn bản, hồ sơ. Quá thời hạn trên mà không có văn bản tham gia thì coi như đồng ý. Thủ trưởng các Sở, Ban, Ngành được xin ý kiến phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung tham gia (hoặc việc không tham gia ý kiến) của cơ quan mình.

c) Tham gia ý kiến bằng văn bản về thiết kế cơ sở đối với các dự án nhóm B, C; tham gia ý kiến thỏa thuận kỹ thuật bằng văn bản đối với các dự án có liên quan đến quy hoạch chung của tỉnh, quy hoạch ngành, lĩnh vực trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đầy đủ văn bản, hồ sơ đề nghị của cấp huyện, cấp xã. Nếu quá thời hạn trên mà không có văn bản tham gia thì coi như đồng ý. Thủ trưởng các sở quản lý công trình xây dựng chuyên ngành phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về ý kiến tham gia (hoặc việc không tham gia ý kiến) của cơ quan mình,

d) Cập nhật và công bố quy hoạch ngành, hướng dẫn quy chuẩn, tiêu chuẩn ngành cho UBND cấp huyện, cấp xã thực hiện.

e) Thực hiện chức năng quản lý nhà nước theo ngành, lĩnh vực; thường xuyên giám sát, kiểm tra, thanh tra việc triển khai thực hiện dự án, công trình do cấp huyện, cấp xã quyết định đầu tư.

g) Sở Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm tổng hợp tình hình phê duyệt dự án đầu tư đối với Chủ tịch UBND cấp huyện, xã theo định kỳ 6 tháng và cả năm báo cáo UBND tỉnh: Tổ chức thanh tra, kiểm tra hàng năm đối với công tác thẩm định, phê duyệt và phân bổ vốn đầu tư đối với các dự án do Chủ tịch UBND cấp huyện và cấp xã phê duyệt.

4. Chế tài xử lý:

a) Dừng khởi công hoặc dừng triển khai đối với các dự án phê duyệt không đảm bảo nguồn vốn, dự án không xin ý kiến cấp trên theo quy định tại điểm b khoản 3 điều này.

b) Ngoài chế tài xử lý trên, tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định trong quản lý đầu tư và xây dựng chịu sự xử lý theo các chế tài chung của nhà nước và của tỉnh.

Chủ tịch UBND tỉnh xử lý các dự án vi phạm do Chủ tịch UBND cấp huyện phê duyệt và Chủ tịch UBND cấp huyện xử lý các dự án vi phạm do Chủ tịch UBND cấp xã phê duyệt

5. Xử lý chuyển tiếp

a) Các dự án đã có kế hoạch chuẩn bị đầu tư nhưng chưa thẩm định dự án (chưa có hồ sơ dự án gửi đến cơ quan có thẩm quyền thẩm định và phê duyệt) thì thực hiện theo quy định mới tại Quyết định này.

b) Các dự án đầu tư xây dựng đang thực hiện dở dang (đang thẩm định dở dang từ trước ngày Quyết định này có hiệu lực) thì tiếp tục thực hiện các thủ tục thẩm định, phê duyệt dự án theo quy định cũ nhưng thực hiện kế hoạch đầu tư (phân bổ vốn đầu tư) theo quy định này.

c) Các dự án đã được phê duyệt dự án đầu tư nhưng chưa phê duyệt kế hoạch đầu tư (phân bổ vốn đầu tư) thì tiến hành thực hiện phê duyệt lại theo quy định tại văn bản này.

6. Trong quá trình thực hiện phát sinh những vướng mắc, bất cập, các đơn vị phản ánh kịp thời phản ánh về UBND tỉnh (thông qua Sở Kế hoạch & Đầu tư) để điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 43/2009/QĐ-UBND ngày 8/7/2009 và số 57/2009/QĐ-UBND ngày 06/11/2009 của UBND tỉnh v/v thực hiện phân cấp quyết định đầu tư đối với cấp huyện và cấp xã trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc.

Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Thủ trưởng các Sở, Ban, ngành; Chủ tịch UBND các huyện, thành, thị; Chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn và Thủ trưởng các cơ quan liên quan căn cứ quyết định thi hành./.

 

 

Nơi nhận:
- Bộ KHĐT;
- Cục KTVB-Bộ TP;
- Website Chính phủ;
- TTTU, TT HĐND tỉnh;
- CPCT, CPVP;
- UBMTTQ tỉnh VP;
- Các Sở, Ban, Ngành, Đoàn thể tỉnh;
- TT Công báo; Đài PTTH tỉnh; Báo VP;
- UBND các huyện, thành, thị;
- UBND các xã, phường, thị trấn;
- Chuyên viên NCTH-VPUBND tỉnh VP;
- Lưu VP (70b).

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Phùng Quang Hùng

 

PHỤ LỤC

DANH MỤC DỰ ÁN DO CHỦ TỊCH UBND CẤP HUYỆN, CẤP XÃ ĐƯỢC QUYỀN QUYẾT ĐỊNH ĐẦU TƯ
(Kèm theo Quyết định số 24/2014/QĐ-UBND ngày 16/6/2014, của UBND tỉnh Vĩnh Phúc)

STT

Lĩnh vực

Thẩm quyền Chủ tịch UBND cấp huyện

Thẩm quyền Chủ tịch UBND cấp xã

1

Công cộng, hạ tầng kỹ thuật

- Hạ tầng kỹ thuật khu tái định cư, đất dịch vụ, đất giãn dân, đất đấu giá; điện chiếu sáng công cộng, trạm biến áp và đường dây hạ thế (nếu sử dụng vốn NSNN hoặc vốn huy động của địa phương); hệ thống cấp nước, thoát nước, xử lý môi trường nông thôn và đô thị; cây xanh, vườn hoa, vỉa hè trên địa bàn;

- Bến, bãi đỗ dừng xe phục vụ trong các khu đô thị, khu dân cư; bến xe cấp huyện.

- Hạ tầng kỹ thuật các cụm công nghiệp, cụm kinh tế - xã hội, cụm làng nghề trên địa bàn.

Hạ tầng kỹ thuật khu tái định cư, đất dịch vụ, đất giãn dân, đất đấu giá; rãnh thoát nước thải, xử lý môi trường nông thôn;

2

Giao thông

Cải tạo, nâng cấp và xây dựng mới các công trình giao thông thuộc các tuyến đường huyện; đường nội thị thành phố, thị xã; các công trình cầu, cống và duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa trên các tuyến giao thông nói trên;

Cải tạo, nâng cấp và xây dựng mới các công trình giao thông nông thôn đường xã, đường trục thôn và đường giao thông nội đồng; duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa trên các tuyến giao thông nói trên;

3

Nông nghiệp, thủy lợi

- Các dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật phục vụ cho khu sản xuất, chăn nuôi tập trung.

- Các dự án đầu tư xây dựng công trình phục vụ vệ sinh môi trường nông thôn;

- Các dự án đầu tư xây dựng công trình phục vụ nuôi trồng thủy sản: bờ ao, bờ lô, cống cấp thoát nước.

- Các dự án đầu tư (không xây dựng công trình) thuộc lĩnh vực chăn nuôi, trồng trọt, sản xuất phát triển kinh tế nông nghiệp

Các dự án đầu tư xây dựng công trình phục vụ vệ sinh môi trường nông thôn;

4

Quản lý nhà nước

Cải tạo sửa chữa và xây dựng mới Trụ sở và các công trình phụ trợ của các cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan đoàn thể cấp huyện; Hội trường UBND cấp huyện.

Cải tạo sửa chữa và xây dựng mới Trụ sở cơ quan cấp xã, thôn. Hội trường UBND cấp xã, thôn.

5

Giáo dục và Đào tạo

- Cải tạo, sửa chữa và xây dựng mới nhà lớp học, nhà hiệu bộ, nhà thi đấu thể thao, thư viện, hội trường, thiết bị giáo dục và các công trình phụ trợ của các Trường THCS, Tiểu học, mầm non; Trung tâm dạy nghề, trung tâm chính trị cấp huyện.

Cải tạo, sửa chữa và xây dựng mới nhà lớp học, nhà hiệu bộ, thư viện, hội trường và các công trình phụ trợ của các Trường THCS, Tiểu học, mầm non (nếu đầu tư bằng nguồn NS cấp xã hoặc vốn tự huy động trên cơ sở được đồng thuận của Chủ tịch UBND cấp huyện)

6

Y tế

Cải tạo, sửa chữa, nâng cấp, xây mới Trạm y tế cấp xã và các công trình phụ trợ (nếu đầu tư bằng nguồn NS cấp huyện)

Cải tạo, sửa chữa, nâng cấp, xây mới Trạm y tế cấp xã và các công trình phụ trợ (nếu đầu tư bằng nguồn NS cấp xã hoặc vốn tự huy động trên cơ sở đồng thuận của Chủ tịch UBND cấp huyện)

7

Văn hóa thể thao

Cải tạo, sửa chữa và xây mới trung tâm văn hóa thể thao, sân vận động, nhà luyện tập thi đấu thể thao, sân thể thao, thiết chế thể dục thể thao cấp huyện;

- Làng văn hóa trọng điểm; tu bổ các di tích xuống cấp đã được xếp hạng (trừ các công trình di tích lịch sử cấp quốc gia);

Cải tạo, sửa chữa và xây mới sân thể thao, thiết chế thể dục thể thao cấp cấp xã;

Tu bổ các di tích xuống cấp đã được xếp hạng (trừ các công trình di tích lịch sử cấp quốc gia, cấp tỉnh); Các công trình đình, chùa, công trình tín ngưỡng, tôn giáo; nghĩa trang liệt sỹ, nghĩa trang nhân dân.

8

Thương mại

Cải tạo, sửa chữa, xây mới các công trình chợ cấp huyện, cấp xã.

Cải tạo, sửa chữa, xây mới chợ cấp xã (trên cơ sở quy hoạch được cấp có thẩm quyền quyết định, vốn huy động của xã và được sự đồng thuận của Chủ tịch UBND cấp huyện)

9

Dự án khác

- Dự án công nghệ thông tin; dự án mua sắm thiết bị và các dự án sử dụng nguồn vốn có tính chất chi đầu tư phát triển khác;

- Dự án đầu tư xây dựng công trình thuộc thẩm quyền cấp xã nếu đầu tư bằng nguồn ngân sách cấp huyện hoặc các dự án theo yêu cầu nhiệm vụ.

Dự án đầu tư không xây dựng công trình theo phân cấp tại khoản 3 điều 1 Quyết định này

Ghi chú: Trường hợp phát sinh dự án ngoài danh mục được phân cấp nêu trên, người quyết định đầu tư phải xin ý kiến Chủ tịch UBND tỉnh đối với dự án do Chủ tịch UBND cấp huyện quyết định đầu tư hoặc xin ý kiến Chủ tịch UBND cấp huyện đối với dự án do Chủ tịch UBND cấp xã quyết định đầu tư trước khi quyết định đầu tư.