Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG BÌNH

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 24/2019/QĐ-UBND

Quảng Bình, ngày 09 tháng 9 năm 2019

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ PHỐI HỢP QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ BIÊN GIỚI QUỐC GIA TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG BÌNH

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG BÌNH

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Biên giới quốc gia ngày 17 tháng 6 năm 2003;

Căn cứ Nghị định số 140/2004/NĐ-CP ngày 25 tháng 6 năm 2004 của Chính phủ về quy định chi tiết một số điều của Luật Biên giới quốc gia;

Căn cứ Nghị định số 34/2014/NĐ-CP ngày 29 tháng 4 năm 2014 của Chính phủ về Quy chế khu vực biên giới đất liền nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

Căn cứ Nghị định số 112/2014/NĐ-CP ngày 21 tháng 11 năm 2014 của Chính phủ về quy định quản lý cửa khẩu biên giới đất liền;

Căn cứ Nghị định số 71/2015/NĐ-CP ngày 03 tháng 9 năm 2015 của Chính phủ về quản lý hoạt động của người, phương tiện trong khu vực biên giới biển nước CHXHCN Việt Nam;

n cứ Nghị định số 22/2016/NĐ-CP ngày 31 tháng 3 năm 2016 của Chính phủ quy định về đối ngoại quốc phòng;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Ngoại vụ tại Tờ trình số 655/TTr-SNgV ngày 23 tháng 7 năm 2019.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế phối hợp quản lý nhà nước về biên giới quốc gia trên địa bàn tỉnh Quảng Bình.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày 20/9/2019 và thay thế Quyết định số 59/2006/QĐ-UBND ngày 25/12/2006 của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Bình về việc ban hành Quy chế phối hợp trong lĩnh vực quản lý biên giới lãnh thổ quốc gia trên địa bàn tỉnh Quảng Bình.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Ngoại vụ, Giám đốc các sở, Thủ trưởng các ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Bộ Ngoại giao;
- Ủy ban Biên giới quốc gia - Bộ Ngoại giao;
- Cục Kiểm tra văn bản - Bộ Tư pháp;
- Thường trực Tỉnh ủy;
- Thường trực HĐND tỉnh;
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Ủy ban MTTQVN tỉnh;
- Báo QB, Đài PT-TH QB, Cổng thông tin điện tử tỉnh;
- Lưu: VT, NC.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Trần Công Thuật

 

QUY CHẾ

PHỐI HỢP QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ BIÊN GIỚI QUỐC GIA TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG BÌNH
(Ban hành kèm theo Quyết định số 24/2019/QĐ-UBND ngày 09/9/2019 của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Bình)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Quy chế này quy định về nguyên tắc, nội dung, trách nhiệm phối hợp giữa các sở, ban, ngành và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố (sau đây gọi là các ngành, địa phương) trong công tác quản lý nhà nước về biên giới quốc gia trên địa bàn tỉnh Quảng Bình.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Các ngành, địa phương và các tổ chức, cá nhân triển khai các hoạt động liên quan đến biên giới, khu vực biên giới (bao gồm biên giới đất liền và biên giới biển).

Điều 3. Nguyên tắc phối hợp

Công tác phối hợp phải tập trung thống nhất dưới sự chỉ đạo, điều hành của Ủy ban nhân dân tỉnh trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các ngành, địa phương và các tổ chức, cá nhân liên quan đảm bảo hiệp đồng và hỗ trợ lẫn nhau, tuân thủ quy định của pháp luật, phù hợp các điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết hoặc gia nhập, nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về biên giới quốc gia trên địa bàn tỉnh.

Điều 4. Cơ quan quản lý nhà nước về biên giới quốc gia trên địa bàn tỉnh

1. Ủy ban nhân dân tỉnh thống nhất quản lý nhà nước về biên giới quốc gia trên địa bàn tỉnh.

2. Ban Chỉ đạo công tác biên giới tỉnh đại diện cho Ủy ban nhân dân tỉnh và chịu trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân tỉnh về công tác biên giới trên địa bàn tỉnh.

3. Sở Ngoại vụ là cơ quan chuyên môn chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân tỉnh triển khai công tác quản lý nhà nước về biên giới quốc gia trên địa bàn tỉnh; là cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo công tác biên giới tỉnh.

4. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh là lực lượng trực tiếp chuyên trách bảo vệ biên giới, cửa khẩu.

5. Các ngành, địa phương liên quan trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ và những quy định của Quy chế này tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh về các vấn đề liên quan đến biên giới quốc gia.

Chương II

NỘI DUNG, TRÁCH NHIỆM PHỐI HỢP

Điều 5. Tuyên truyền, phổ biến và giáo dục pháp luật về biên giới quốc gia

1. Sở Ngoại vụ chủ trì, phối hợp với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Công an tỉnh, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Tư pháp và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến và giáo dục pháp luật về biên giới quốc gia đến cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và nhân dân trong tỉnh.

2. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh chủ trì, phối hợp với Sở Ngoại vụ, các ngành, địa phương liên quan tổ chức tuyên truyền, phổ biến và giáo dục pháp luật về biên giới quốc gia đến cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và nhân dân trong khu vực biên giới.

Điều 6. Xây dựng khu vực phòng thủ biên giới

1. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh chủ trì, phối hợp với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Công an tỉnh, các ngành, địa phương liên quan trong công tác quản lý nhà nước về quốc phòng, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân và nền biên phòng toàn dân; chỉ đạo xây dựng kế hoạch diễn tập khu vực phòng thủ, chiến đấu phòng thủ trong đó có các huyện, xã biên giới. Chủ trì huy động nhân lực, tàu thuyền tham gia bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền trên vùng biển Việt Nam theo Nghị định 30 và 130 của Chính phủ; thường xuyên củng cố, nâng cao chất lượng huấn luyện hoạt động của lực lượng dân quân các xã biên giới; chỉ đạo các lực lượng vũ trang trong tỉnh bảo vệ các công trình quốc phòng, các vị trí có giá trị quốc phòng.

2. Phối hợp liên ngành Quân sự - Công an trong công tác trao đổi, thu thập tin tức về tình hình, âm mưu, phương thức, thủ đoạn hoạt động của các thế lực thù địch, hoạt động của tình báo, gián điệp, phản động và các loại tội phạm khác có hành vi xâm phạm đến lợi ích quốc gia, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên tuyến biên giới của tỉnh, sẵn sàng lực lượng cơ động, chi viện để phối hợp xử lý các vụ việc xảy ra khi có lệnh.

Điều 7. Quản lý, bảo vệ biên giới; đảm bảo an ninh trật tự trong khu vục biên giới

Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh chủ trì, phối hợp với Công an tỉnh, các ngành, địa phương liên quan trong hoạt động quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia; phát động phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia gắn với phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; thực hiện nhiệm vụ đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn khu vực biên giới; chủ động đấu tranh với các hành vi xâm phạm an ninh, chủ quyền lãnh thổ quốc gia, kịp thời phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong khu vực biên giới.

Điều 8. Quản lý, bảo vệ đường biên giới, mốc quốc giới

1. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh chỉ đạo các Đồn Biên phòng chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân các xã biên giới đất liền làm tốt công tác quản lý, bảo vệ nguyên trạng các dấu hiệu về đường biên giới, mốc quốc giới.

2. Sở Ngoại vụ chủ trì, phối hợp với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, các ngành, địa phương liên quan xây dựng phương án, kế hoạch và tổ chức thực hiện công tác sửa chữa, nâng cấp và xây mới các công trình mốc quốc giới trên địa bàn tỉnh.

Điều 9. Phát triển kinh tế - xã hội khu vực biên giới

1. Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các ngành, địa phương liên quan xây dựng quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, cơ sở hạ tầng; cơ chế, chính sách về đầu tư, phát triển; bố trí quy hoạch dân cư và sản xuất trong khu vực biên giới đảm bảo sự kết hợp đồng bộ giữa nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội với củng cố, tăng cường quốc phòng an ninh khu vực biên giới, đồng thời hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện các chương trình, dự án quốc gia và địa phương đầu tư trên địa bàn khu vực biên giới.

2. Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với các ngành, địa phương liên quan triển khai có hiệu quả các Thỏa thuận quốc tế về thương mại biên giới được Việt Nam hoặc tỉnh ký kết, tham gia nhằm thúc đẩy thương mại biên giới phát triển; triển khai các chính sách phát triển công nghiệp, thương mại khu vực biên giới; chủ trì, phối hợp với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Sở Tài chính và Ủy ban nhân dân các huyện biên giới đất liền hướng dẫn hoạt động mua, bán, trao đổi hàng hóa của cư dân biên giới.

3. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các ngành, địa phương liên quan tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt và tổ chức thực hiện các quy hoạch, kế hoạch phát triển các ngành nghề nông thôn trong khu vực biên giới, thực hiện có hiệu quả các chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn khu vực biên giới.

4. Sở Du lịch chủ trì, phối hợp với các ngành, địa phương liên quan nghiên cứu, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh phát triển các sản phẩm, dịch vụ du lịch trong khu vực biên giới.

5. Ban Dân tộc chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các ngành, địa phương liên quan xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện chính sách, pháp luật đối với đồng bào các dân tộc thiểu số khu vực biên giới, đồng thời có biện pháp hỗ trợ đồng bào định canh, định cư, ổn định cuộc sống, góp phần vào việc phòng chống tái di cư tự do và di cư tự do mới trong khu vực biên giới đất liền.

6. Sở Ngoại vụ chủ trì, phối hợp với các ngành, địa phương liên quan vận động, kêu gọi các nguồn tài trợ, dự án của nước ngoài về phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống người dân trong khu vực biên giới.

Điều 10. Quản lý tài nguyên - môi trường khu vực biên giới

1. Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các ngành, địa phương liên quan quản lý, bảo vệ tài nguyên, môi trường trong khu vực biên giới.

2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp các ngành, địa phương liên quan tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng và quản lý lâm sản trong khu vực biên giới; quản lý các hoạt động nuôi trồng, khai thác và đánh bắt thủy hải sản ở khu vực biên giới biển.

Điều 11. Quản lý việc xây dựng các công trình, dự án trong khu vực biên giới

1. Các cơ quan, tổ chức thực hiện việc khảo sát, thiết kế, thi công các công trình, dự án triển khai xây dựng trong khu vực biên giới đất liền; các dự án, công trình liên quan đến quốc phòng, an ninh hoặc có yếu tố nước ngoài trong khu vực biên giới biển phải thông báo bằng văn bản trước ít nhất 03 ngày làm việc cho Đồn Biên phòng, Ủy ban nhân dân cấp xã sở tại về danh sách người, phương tiện, thời gian, phạm vi, nội dung hoạt động.

2. Cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh xin ý kiến bằng văn bản của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao trước khi phê duyệt hoặc trình cấp có thẩm quyền phê duyệt đối với các công trình, dự án triển khai xây dựng trong vành đai biên giới đất liền; các dự án xây dựng khu du lịch, khu kinh tế, giao thông, thủy sản, các công trình cảng, bến đậu, các hoạt động thăm dò, khai thác tài nguyên, các dự án, công trình liên quan đến quốc phòng, an ninh hoặc có yếu tố nước ngoài trong khu vực biên giới biển.

Chủ đầu tư khi thực hiện các công trình, dự án đã được cấp phép phải thông báo bằng văn bản trước ít nhất 03 ngày làm việc cho Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Công an tỉnh, Sở Ngoại vụ và Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã sở tại.

3. Đồn Biên phòng có trách nhiệm hướng dẫn các cơ quan, tổ chức theo quy định tại Khoản 1, Khoản 2 Điều này nhận biết đường biên giới, phạm vi khu vực biên giới, vùng cấm, các quy định có liên quan đến quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia.

Điều 12. Quản lý các dự án nước ngoài trong khu vực biên giới

1. Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Sở Ngoại vụ, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Công an tỉnh, các ngành, địa phương liên quan thực hiện việc thẩm định đối với các dự án nước ngoài (FDI, ODA, NGO) trước khi triển khai trong khu vực biên giới, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét quyết định; theo dõi và quản lý các dự án nói trên sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

2. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh chủ trì, phối hợp với Công an tỉnh, Sở Ngoại vụ và chính quyền địa phương khu vực biên giới thực hiện việc quản lý về an ninh - trật tự đối với các dự án nước ngoài trong khu vực biên giới.

3. Các đối tác địa phương liên quan trong quá trình thực hiện các dự án nước ngoài trong khu vực biên giới định kỳ theo quy định báo cáo nội dung, kết quả thực hiện đến Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Ngoại vụ, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phong tỉnh và Công an tỉnh để tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh.

Điều 13. Mở, nâng cấp cửa khẩu, lối mở biên giới

1. Sở Ngoại vụ chủ trì, phối hợp với các ngành, địa phương nghiên cứu, phân tích, dự báo tình hình phát triển kinh tế trong khu vực để tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng quy hoạch phát triển cửa khẩu; đàm phán với các tỉnh giáp biên của nước CHDCND Lào về việc mở và nâng cấp các cặp cửa khẩu, lối mở biên giới; xây dựng hồ sơ về việc mở, nâng cấp cửa khẩu, lối mở biên giới trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

2. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh chủ trì, phối hợp với Sở Ngoại vụ, các ngành, địa phương liên quan tiến hành khảo sát thực địa và tổng hợp các nội dung liên quan đến việc mở, nâng cấp cửa khẩu, lối mở biên giới báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh.

Điều 14. Thực hiện công tác đối ngoại biên phòng

1. Sở Ngoại vụ chủ trì, phối hợp với các ngành, địa phương liên quan tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh:

a) Tổ chức các cuộc họp giữa Đoàn đại biểu biên giới tỉnh Quảng Bình với Đoàn đại biểu biên giới Lào - Việt Nam hai tỉnh Khăm Muộn và Sạ-vẳn-na-khệt, nước CHDCND Lào để đàm phán, ký kết các biên bản ghi nhớ, giải quyết các vấn đề liên quan đến biên giới quốc gia thuộc thẩm quyền theo quy định của pháp luật và phân cấp của Chính phủ;

b) Chuẩn bị nội dung làm việc cho lãnh đạo tỉnh tham dự Hội nghị thường niên biên giới giữa hai nước Việt Nam - Lào.

2. Ủy ban nhân dân các huyện biên giới đất liền tổ chức các đoàn đi, đón tiếp các đoàn đến thực hiện công tác đối ngoại biên phòng với các huyện giáp biển của nước CHDCND Lào.

3. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh chỉ đạo các Đồn Biên phòng phối hợp với Ủy ban nhân dân các xã biên giới đất liền thực hiện tốt công tác đối ngoại biên giới và ngoại giao nhân dân với chính quyền địa phương cấp tương đương và các đơn vị Biên phòng, Công an đối diện của nước CHDCND Lào đảm bảo việc xây dựng đường biên giới hòa bình, ổn định, hữu nghị, hợp tác và phát triển.

Điều 15. Quản lý người nước ngoài vào khu vực biên giới

1. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh chủ trì, phối hợp với Công an tỉnh, Sở Ngoại vụ và chính quyền địa phương khu vực biên giới thực hiện việc quản lý người nước ngoài vào khu vực biên giới.

2. Cơ quan, tổ chức Việt Nam đưa người nước ngoài vào khu vực biên giới (trừ khu du lịch, dịch vụ, kinh tế biển có quy định riêng) phải thực hiện các thủ tục đề nghị Công an tỉnh cấp giấy phép vào khu vực biên giới cho người nước ngoài, đồng thời thông báo bằng văn bản cho Sở Ngoại vụ và Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh để phối hợp quản lý.

3. Cơ quan, tổ chức Việt Nam mời, làm việc với các đoàn đại biểu, đoàn cấp cao có người nước ngoài tham gia trong đoàn khi vào làm việc trong khu vực biên giới phải thông báo bằng văn bản cho Sở Ngoại vụ, Công an tỉnh và Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, đồng thời cử cán bộ đi cùng để hướng dẫn.

Điều 16. Giải quyết các sự kiện xảy ra trong khu vực biên giới

1. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh chủ trì, phối hợp với Công an tỉnh và các ngành, địa phương liên quan kịp thời phát hiện, chủ động giải quyết các vụ việc gây ảnh hưởng đến sự ổn định về an ninh trật tự trong khu vực biên giới và báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh.

2. Sở Ngoại vụ chủ trì, phối hợp với các ngành, địa phương liên quan tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh đàm phán, trao đổi với các tỉnh của các nước để giải quyết các sự kiện có liên quan đến biên giới quốc gia, các vụ việc có yếu tố nước ngoài xảy ra trong khu vực biên giới.

Điều 17. Bố trí cán bộ phụ trách công tác biên giới

Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố bố trí cán bộ phụ trách tham mưu thực hiện công tác quản lý nhà nước về biên giới quốc gia tại địa phương.

Điều 18. Trao đổi thông tin, báo cáo

1. Các ngành, địa phương có trách nhiệm cung cấp, trao đổi thông tin liên quan đến tình hình biên giới quốc gia trên địa bàn tỉnh nhằm phối hợp thực hiện tốt nhiệm vụ được giao và mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế, tham gia hội nhập kinh tế quốc tế phù hợp với chính sách đổi mới của Đảng và Nhà nước.

2. Sở Ngoại vụ chịu trách nhiệm tiếp nhận, tổng hợp các thông tin từ các ngành, địa phương để báo cáo và tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành các chủ trương, chính sách hoặc các biện pháp xử lý kịp thời các vấn đề về biên giới quốc gia.

3. Định kỳ hàng năm trước ngày 31/10 hoặc đột xuất, các ngành, địa phương báo cáo, cung cấp thông tin về tình hình thực hiện nhiệm vụ quản lý về biên giới quốc gia gửi Sở Ngoại vụ tổng hợp báo cáo Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh và Bộ Ngoại giao.

Điều 19. Sơ kết, tổng kết

Sở Ngoại vụ chủ trì, phối hợp với các ngành, địa phương liên quan tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức hội nghị sơ kết 05 năm và hội nghị tổng kết 10 năm đánh giá việc thực hiện Quy chế này.

Chương III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 20. Trách nhiệm hướng dẫn và thi hành

1. Sở Ngoại vụ chủ trì phối hợp với các ngành, địa phương liên quan tổ chức phổ biến, hướng dẫn, theo dõi và kiểm tra việc thực hiện Quy chế này.

2. Trong quá trình triển khai thực hiện nếu có vướng mắc, phát sinh, các ngành, địa phương phản ánh bằng văn bản về Sở Ngoại vụ để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, điều chỉnh bổ sung./.