ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 2417/QĐ-UBND | Hà Nam, ngày 30 tháng 12 năm 2016 |
V/V BAN HÀNH QUY CHẾ VỀ CÔNG TÁC TRỰC PHÒNG, CHỐNG THIÊN TAI TỈNH HÀ NAM
CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH HÀ NAM
Căn cứ Luật tổ chức Chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Phòng, chống thiên tai ngày 19 tháng 6 năm 2013;
Căn cứ Nghị định số 66/2014/NĐ-CP ngày 04 tháng 7 năm 2014 của Chính phủ quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai;
Căn cứ Quyết định số 2174/QĐ-BNN-TCTL ngày 09 tháng 6 năm 2015 của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn về việc ban hành Quy chế về công tác trực phòng, chống thiên tai;
Căn cứ Công văn số 137/TWPCTT ngày 29 tháng 9 năm 2015 của Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai về việc hướng dẫn công tác trực ban phòng, chống thiên tai;
Xét đề nghị của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 137/TTr-SNN ngày 20 tháng 7 năm 2016,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành theo Quyết định này “Quy chế về công tác trực phòng, chống thiên tai tỉnh Hà Nam”.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký. Các quy định trước đây liên quan đến công tác trực phòng, chống thiên tai trên địa bàn tỉnh trái với quy chế này đều bãi bỏ.
Điều 3. Chánh văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Chánh văn phòng thường trực Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: | CHỦ TỊCH |
VỀ CÔNG TÁC TRỰC PHÒNG, CHỐNG THIÊN TAI TỈNH HÀ NAM
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 2417/QĐ- UBND ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh)
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
1. Phạm vi điều chỉnh: Quy chế này quy định công tác trực phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai tại Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) tỉnh, cấp huyện; bộ phận thường trực của Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cấp xã và công tác kiểm tra, xử lý tại hiện trường nơi xảy ra thiên tai trên địa bàn tỉnh Hà Nam.
2. Đối tượng áp dụng: Quy chế này áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân tham gia công tác trực phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai tại Văn phòng thường trực và công tác kiểm tra, xử lý tại hiện trường nơi xảy ra thiên tai.
1. Trực phòng, chống thiên tai.
a) Từ ngày 01 tháng 01 đến hết ngày 04 tháng 5: Trực theo chế độ 12/24 giờ (từ 07h00 sáng đến 19h00 cùng ngày).
b) Từ ngày 05 tháng 5 đến 31 tháng 12: Trực theo chế độ 24/24 giờ (từ 07h00 sáng đến khi kết thúc buổi giao ban của ngày hôm sau).
c) Việc trực, điều chỉnh chế độ trực trong thời gian từ ngày 01 tháng 01 đến ngày 04 tháng 5 và thời gian nghỉ lễ, tết tùy theo tình hình thiên tai và nhiệm vụ đột xuất cần thiết do Trưởng Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh quyết định.
2. Tham gia đoàn công tác của Ủy ban nhân dân (UBND), Ban Chỉ huy PCTT&TKCN để chỉ đạo, kiểm tra và xử lý tại hiện trường.
Điều 3. Thành phần và phân công trực
1. Đối với Văn phòng thường trực Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh
a) Trực chỉ đạo gồm: Lãnh đạo Văn phòng thường trực Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh, lãnh đạo phòng chuyên môn về phòng, chống thiên tai thuộc Chi cục Quản lý đê điều & PCLB.
b) Trực nghiệp vụ gồm: Trưởng ca trực, các cán bộ trực nghiệp vụ, thông tin và hậu cần của Chi cục Quản lý đê điều & PCLB.
c) Số lượng cán bộ tham gia ca trực tại văn phòng thường trực.
+ Từ ngày 01 tháng 01 đến hết ngày 04 tháng 5.
- Ngày làm việc bình thường: gồm 01 cán bộ trực chỉ đạo và 01 cán bộ trực nghiệp vụ.
- Ngày nghỉ, lễ, tết: gồm 01 cán bộ trực chỉ đạo và 02 cán bộ trực nghiệp vụ.
- Trong trường hợp xảy ra thiên tai: ngoài kíp trực bình thường, lãnh đạo văn phòng thường trực quyết định về số người trực tăng cường, thời gian trực của ca tùy theo tình hình thiên tai.
+ Từ ngày 05 tháng 5 đến ngày 31 tháng 12.
- Trong trường hợp bình thường: gồm 01 cán bộ trực chỉ đạo và 02 cán bộ trực nghiệp vụ,
- Trong ngày nghỉ, lễ: gồm 01 cán bộ trực chỉ đạo và 03 cán bộ trực nghiệp vụ.
- Trong trường hợp xảy ra thiên tai: ngoài kíp trực theo chế độ 24/24 giờ, tùy theo mức độ diễn biến của thiên tai lãnh đạo văn phòng thường trực có thể quyết định tăng cường số lượng cán bộ của ca trực.
d) Đối với văn phòng các Hạt Quản lý đê chuyên trách tại các huyện, thành phố trực thuộc chi cục Quản lý đê điều & PCLB: mỗi ca trực gồm 02 cán bộ nghiệp vụ.
e) Trực chỉ đạo, kiểm tra và xử lý tại hiện trường: Thành viên Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh, lãnh đạo văn phòng thường trực và Trưởng đoàn công tác chỉ đạo, kiểm tra, xử lý tại hiện trường.
f) Lãnh đạo văn phòng thường trực căn cứ vào danh sách cán bộ trực và tình hình thực tế, diễn biến của thiên tai để phân trực và bổ sung cán bộ trực.
2. Đối với Văn phòng thường trực Ban chỉ huy PCTT&TKCN các huyện, thành phố, bộ phận thường trực của Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cấp xã.
Căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố; Chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn quyết định số lượng cán bộ trực từ ngày 01 tháng 01 đến ngày 04 tháng 5 đảm bảo 12/24 giờ (từ 07h00 sáng đến 19h00 tối) và từ ngày 05 tháng 5 đến 31 tháng 12 đảm bảo 24/24 giờ (từ 07h00 sáng hôm trước đến 07h00 sáng hôm sau).
Điều 4. Chế độ thông tin, báo cáo.
1. Fax hoặc gửi Mail trực tiếp cho nơi và người cần thông báo tin, sau đó gửi bản gốc bằng đường chuyển công văn để đối chiếu; lưu trữ bản Fax hoặc Mail và cuống Fax, Mail theo thứ tự để kiểm tra khi cần thiết. Đối với các thông tin quan trọng có thể liên lạc bằng đàm thoại để kiểm tra thông tin đã fax hoặc đã gửi Mail (cần ghi rõ thời gian và tên người trả lời điện).
2. Đọc trực tiếp, trao đổi bằng đàm thoại (ghi tên người, ngày, giờ nhận điện).
3. Gửi văn bản, công điện qua đường truyền phát của ngành Bưu điện.
4. Trường hợp có công điện chỉ đạo, cảnh báo của Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh và Văn phòng thường trực đối với các loại hình thiên tai nguy hiểm thì phải đảm bảo chuyển tin tới các cơ quan thông tin đại chúng để kịp thời đưa tin vào bản tin gần nhất.
Điều 5. Nhiệm vụ trực phòng, chống thiên tai tại trụ sở
1. Nhiệm vụ trực chỉ đạo
a) Chỉ đạo công tác trực, theo dõi, tổng hợp các thông tin có liên quan đến tình hình thiên tai, công trình phòng, chống thiên tai và công tác tìm kiếm cứu nạn.
b) Điều chỉnh phân công nhiệm vụ phục vụ công tác trực phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.
c) Chỉ đạo hoặc tham mưu chỉ đạo các biện pháp phòng, chống, ứng phó và khắc phục hậu quả các tình huống thiên tai.
d) Kiểm tra và ký ban hành báo cáo nhanh hàng ngày.
e) Chủ trì giao ban hàng ngày của Văn phòng thường trực; tham gia tổ chức giao ban Ban chỉ huy PCTT&TKCN.
2. Nhiệm vụ trực nghiệp vụ
a) Cán bộ trực phải có mặt liên tục tại trụ sở trực trong suốt thời gian trực; có trách nhiệm thu thập, tiếp nhận đầy đủ, chính xác mọi thông tin; xử lý kịp thời các tình huống xảy ra trong ca trực; báo cáo và tham mưu cho lãnh đạo để chỉ đạo, ứng phó và khắc phục các tình huống thiên tai.
b) Cập nhật tin tức, thường xuyên theo dõi các thông tin có liên quan đến thiên tai như: diễn biến, vị trí, mức độ, khu vực bị ảnh hưởng thông qua các bản tin dự báo, cảnh báo của các cơ quan dự báo khí tượng thủy văn trung ương, khu vực và địa phương, các trang thông tin dự báo, cảnh báo thiên tai quốc tế; thu thập thông tin thiên tai tại hiện trường, thông tin hồ chứa thủy lợi, thủy điện, sự cố công trình, tình hình tổ chức phòng, chống, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai của các cấp, ngành để kịp thời báo cáo và đề xuất phương án xử lý.
c) Dự thảo các công điện, công văn chỉ đạo về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của Ban chỉ huy PCTT&TKCN và Văn phòng thường trực; chuẩn bị các báo cáo nhanh, báo cáo phục vụ họp Ban Chỉ huy PCTT&TKCN. Thực hiện giao ban và các công việc phục vụ họp Ban Chỉ huy PCTT&TKCN.
d) Chuyển các tài liệu, công điện, thông báo, công văn chỉ đạo trong ca trực tới các cơ quan, đơn vị có liên quan; lưu tài liệu trực vào hệ thống cặp file tài liệu của phòng trực; đưa thông tin chỉ đạo, công điện, công văn, báo cáo nhanh hàng ngày lên website của Văn phòng thường trực (nếu có); gửi các thông tin, báo cáo tới các thành viên Ban Chỉ huy PCTT&TKCN.
e) Mọi công việc có liên quan đến công tác trực phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn phải được ghi chép đầy đủ vào sổ nhật ký trực ban và phải được xử lý liên tục, kịp thời. Ca trực sau có trách nhiệm tiếp nối, cập nhật các thông tin từ ca trực trước để xử lý kịp thời, chính xác và liên tục.
f) Ca trực trước bàn giao đầy đủ các thông tin, công việc đang xử lý, các trang thiết bị phục vụ công tác trực cho ca trực sau để theo dõi và xử lý tiếp.
Điều 6. Nhiệm vụ trực hiện trường
1. Cập nhật tin tức, thường xuyên theo dõi, nắm chắc mọi thông tin tại hiện trường để tham mưu báo cáo trưởng đoàn công tác xử lý.
2. Thường xuyên giữ thông tin liên lạc với cán bộ trực phòng, chống thiên tai tại trụ sở để nắm bắt kịp thời các thông tin, chỉ đạo điều hành; cập nhật, cung cấp thông tin về diễn biến thiên tai và tình hình thực tế tại hiện trường về Văn phòng thường trực.
3. Chuẩn bị các báo cáo phục vụ họp tại hiện trường.
4. Xử lý các tình huống tại hiện trường theo chỉ đạo, phân công cụ thể của trưởng đoàn công tác.
CHẾ ĐỘ CHO CÁN BỘ LÀM NHIỆM VỤ TRỰC PHÒNG CHỐNG THIÊN TAI
Điều 7. Chế độ cho cán bộ làm nhiệm vụ trực phòng, chống thiên tai
1. Cán bộ làm nhiệm vụ trực phòng, chống thiên tai (tại trụ sở và tại hiện trường) thực hiện làm đêm, làm thêm giờ trong trường hợp đặc biệt quy định tại Điều 107 của Bộ luật lao động.
2. Cán bộ làm nhiệm vụ trực phòng, chống thiên tai được trả lương làm đêm, làm thêm giờ theo quy định tại Điều 97, 105 của Bộ luật Lao động gồm:
a) Vào ngày thường, thời gian làm thêm giờ được trả lương ít nhất bằng 150% tiền lương giờ của ngày làm việc bình thường.
b) Vào ngày nghỉ hàng tuần, thời gian làm thêm giờ được trả lương ít nhất bằng 200% tiền lương giờ của ngày làm việc bình thường.
c) Vào ngày nghỉ lễ, ngày nghỉ có hưởng lương, thời gian làm thêm giờ được trả ít nhất bằng 300% tiền lương giờ của ngày làm việc bình thường chưa kể tiền lương ngày lễ, ngày nghỉ có hưởng lương đối với người lao động được hưởng lương ngày.
d) Làm việc vào ban đêm tính từ 22h đến 6h sáng hôm sau thì được trả thêm ít nhất bằng 30% tiền lương giờ thực trả làm việc vào ban ngày bình thường.
e) Làm thêm giờ vào ban đêm áp dụng theo khoản 3 Điều 97 Bộ luật Lao động và khoản 4 điều 25 Nghị định số 05/2015/NĐ-CP ngày 12 tháng 01 năm 2015 của Chính Phủ về quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số nội dung của Bộ luật Lao động.
3. Thời gian làm thêm giờ không quá 200 giờ trong một năm, trừ một số trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định thì được làm thêm không quá 300 giờ trong một năm. Riêng đối với Văn phòng ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh thời gian trực từ 05/5 đến 30/11 thực hiện theo Quyết định số 103/QĐ-PCLBTW ngày 04/06/2009 của Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương, thù lao trực thực hiện theo Văn bản số 1696/UBND-KTTH ngày 20/9/2013 của Ủy ban nhân dân tỉnh; thời gian còn lại thực hiện theo Quy chế này, thù lao được tính bằng 1/2 mức trực chống lụt bão được quy định tại Văn bản số 1696/UBND-KTTH ngày 20/9/2013 của Ủy ban nhân dân tỉnh.
Điều 8. Các mức trực phòng chống thiên tai
Công tác trực phòng, chống thiên tai được chia theo 05 mức tùy thuộc vào loại hình và mức độ nguy hiểm của thiên tai, các cấp độ rủi ro thiên tai xảy ra ảnh hưởng đến địa bàn tỉnh như sau:
1. Đối với loại hình thiên tai bão, áp thấp nhiệt đới (ATNĐ), lũ, ngập lụt.
Mức 1: Không có rủi ro thiên tai.
Mức 2: Khi có một trong các tin: bão gần biển Đông, tin ATNĐ trên biển Đông, báo động lũ cấp 1 trên hệ thống sông Hồng, sông Đáy, có báo động lũ cấp 2 trên hệ thống sông nhỏ thuộc địa bàn tỉnh Hà Nam.
Mức 3: Khi có một trong các tin: bão trên biển Đông, tin bão gần, tin ATNĐ gần bờ, báo động lũ cấp 2 trên hệ thống sông Hồng, sông Đáy, có báo động lũ cấp 3 trên hệ thống sông nhỏ thuộc địa bàn tỉnh Hà Nam.
Mức 4: Khi có một trong các tin: bão khẩn cấp, tin bão trên đất liền, tin áp thấp nhiệt đới trên đất liền, báo động lũ cấp 3 trên hệ thống sông Hồng, sông Đáy, có báo động lũ lịch sử trên hệ thống sông nhỏ thuộc địa bàn tỉnh Hà Nam.
Mức đặc biệt: Khi có tin bão khẩn cấp về bão rất mạnh, siêu bão ảnh hưởng đến địa bàn tỉnh hoặc xuất hiện lũ lịch sử trên hệ thống sông Hồng, sông Đáy thuộc địa bàn tỉnh Hà Nam.
2. Đối với các loại hình thiên tai khác (nắng nóng, hạn hán, rét hại, sương muối, mưa đá, lốc, sét...)
Mức 1: Rủi ro thiên tai cấp độ 1 hoặc không có rủi ro thiên tai.
Mức 2: Rủi ro thiên tai cấp độ 2.
Mức 3: Rủi ro thiên tai cấp độ 3 hoặc có sự cố công trình phòng, chống thiên tai.
Mức 4: Rủi ro thiên tai cấp độ 4 hoặc có sự cố nghiêm trọng công trình phòng, chống thiên tai.
Mức đặc biệt: Rủi ro thiên tai cấp độ 5 hoặc có sự cố đặc biệt nghiêm trọng công trình phòng, chống thiên tai có thể xảy ra thảm họa.
Điều 9. Thời gian làm thêm giờ, làm đêm theo các mức trực
Căn cứ vào các mức trực phòng, chống thiên tai, quy định số thời gian làm thêm giờ, làm đêm như sau:
Đối với chế độ trực 12/24 giờ: Số giờ làm thêm được tính 4 giờ.
Đối với chế độ trực 24/24 giờ, số giờ làm thêm, làm đêm theo các mức như sau:
Mức 1: Số giờ làm thêm được tính 8 giờ trong đó có 4 giờ làm đêm.
Mức 2: Số giờ làm thêm được tính 10 giờ trong đó có 5 giờ làm đêm.
Mức 3: Số giờ làm thêm được tính 12 giờ trong đó có 6 giờ làm đêm.
Mức 4: Số giờ làm thêm được tính 14 giờ trong đó có 7 giờ làm đêm.
Mức đặc biệt: Số giờ làm thêm được tính 16 giờ trong đó có 8 giờ làm đêm
Điều 10. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Chánh văn phòng thường trực Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, Chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thực hiện quy chế này.
Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, phát sinh phản ánh về Văn phòng Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh để tổng hợp, báo cáo điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp./.
- 1 Quyết định 2921/QĐ-UBND năm 2016 Quy chế về công tác trực phòng, chống thiên tai do tỉnh Thái Nguyên ban hành
- 2 Quyết định 2876/QĐ-UBND năm 2016 Quy chế về công tác trực phòng, chống thiên tai tỉnh Bình Dương
- 3 Quyết định 97/QĐ.UBND-NN năm 2016 Quy chế về công tác trực phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn do tỉnh Nghệ An ban hành
- 4 Công văn 137/TWPCTT năm 2015 hướng dẫn công tác trực ban phòng, chống thiên tai do Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai ban hành
- 5 Luật tổ chức chính quyền địa phương 2015
- 6 Quyết định 2174/QĐ-BNN-TCTL năm 2015 Quy chế về công tác trực phòng, chống thiên tai do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
- 7 Nghị định 05/2015/NĐ-CP hướng dẫn Bộ luật Lao động
- 8 Nghị định 66/2014/NĐ-CP hướng dẫn Luật Phòng, chống thiên tai
- 9 Luật phòng, chống thiên tai năm 2013
- 10 Bộ Luật lao động 2012
- 11 Quyết định 103/QĐ-PCLBTW năm 2009 về trực ban phòng chống lụt bão của Văn phòng Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão trung ương; Văn phòng Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn các cấp, ngành
- 1 Quyết định 97/QĐ.UBND-NN năm 2016 Quy chế về công tác trực phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn do tỉnh Nghệ An ban hành
- 2 Quyết định 2921/QĐ-UBND năm 2016 Quy chế về công tác trực phòng, chống thiên tai do tỉnh Thái Nguyên ban hành
- 3 Quyết định 2876/QĐ-UBND năm 2016 Quy chế về công tác trực phòng, chống thiên tai tỉnh Bình Dương