Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH SƠN LA
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2420/QĐ-UBND

Sơn La, ngày 05 tháng 11 năm 2020

 

QUYẾT ĐỊNH

V/V BAN HÀNH “KẾ HOẠCH PHÒNG, CHỐNG DỊCH BỆNH ĐỘNG VẬT TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH SƠN LA NĂM 2021”

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH SƠN LA

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22/11/2019;

Căn cứ Luật Thú y ngày 19/6/2015;

Căn cứ Nghị định số 35/2016/NĐ-CP ngày 15/5/2016 của Chính phủ Quy định chi tiết một số điều của Luật Thú y;

Căn cứ Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP, ngày 27/12/2008 của Chính Phủ về Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo;

Căn cứ Quyết định số 1632/QĐ-TTg ngày 22/10/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt “Chương trình quốc gia phòng chống bệnh Lở mồm long móng, giai đoạn 2021 - 2025”;

Căn cứ Thông tư số 04/2016/TT-BNNPTNT ngày 10/5/2016 của Bộ Nông nghiệp và PTNT quy định về phòng, chống dịch bệnh động vật thủy sản; Thông tư số 07/2016/TT-BNNPTNT ngày 31/5/2016 của Bộ Nông nghiệp và PTNT quy định về phòng, chống dịch bệnh động vật trên cạn;

Căn cứ Nghị quyết số 89/2014/NQ-HĐND ngày 17/9/2014 của Hội đồng nhân dân tỉnh Sơn La về chính sách hỗ trợ công tác phòng dịch bệnh gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh; Nghị quyết 56/2017/NQ-HĐND ngày 21/7/2017 của HĐND tỉnh Sơn La sửa đổi, bổ sung Khoản 1, Khoản 2, Điều 1 Nghị quyết số 89/2014/NQ-HĐND ngày 17/9/2014;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 523/TTr-SNN, ngày 27 tháng 10 năm 2021.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh động vật trên địa bàn tỉnh Sơn La năm 2021 (có Kế hoạch chi tiết kèm theo).

Điều 2. Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản phối hợp với Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tổ chức thực hiện Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh động vật trên địa bàn tỉnh Sơn La năm 2021.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc các Sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài Chính; Giám đốc kho bạc nhà nước tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố; Thủ trưởng các ngành, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký./.

 


Nơi nhận:
- Bộ Nông nghiệp và PTNT (b/c);
- TT tỉnh ủy (b/c);
- TT HĐND tỉnh (b/c);
- Chủ tịch UBND Tỉnh;
- Các Phó Chủ tịch UBND Tỉnh;
- Cục Chăn nuôi thú y;
- Như điều 3;
- Trung tâm thông tin tỉnh;
- Lưu: VT, MạnhKT, 10 bản.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH THƯỜNG TRỰC




Tráng Thị Xuân

 

KẾ HOẠCH

PHÒNG, CHỐNG DỊCH BỆNH ĐỘNG VẬT TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH SƠN LA, NĂM 2021
(Kèm theo Quyết định số 2420/QĐ-UBND, ngày 05/11/2020 của UBND tỉnh Sơn La)

Trong năm 2020, trên địa bàn tỉnh Sơn La xảy ra các dịch bệnh nguy hiểm trên động vật, cụ thể: Bệnh Dịch tả lợn Châu Phi xảy ra trên địa bàn 10/12 huyện, thành phố, tổng số lợn ốm, chết, tiêu hủy là 2.444 con (tính đến ngày 10/10/2020); Bệnh LMLM gia súc xảy ra tại các xã thuộc các huyện Yên Châu, Sốp Cộp, thành phố Sơn La, tổng số gia súc mắc bệnh là 457 con (trâu, bò, bê, nghé), chết 08 con (02 con trâu, 06 con bê); Bệnh dại không phát hiện trên động vật, tuy nhiên theo số liệu của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh tính đến tháng 9/2020 có 02 trường hợp người tử vong do lên cơn dại tại 02 huyện Yên Châu và Sốp Cộp.

Năm 2021, dự báo tình hình dịch bệnh động vật trên thế giới và trong nước có chiều hướng diễn biến phức tạp (Dịch tả lợn Châu Phi, cúm gia cầm, LMLM gia súc, tai xanh lợn...). Do số lượng đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh lớn là sinh kế, nguồn thu nhập chính của người dân vùng sâu, vùng xa, vùng cao (tổng đàn trâu: 130.044 con; đàn bò: 348.803 con, đàn lợn không tính lợn con chưa tách mẹ: 512.580 con; đàn gia cầm: 6.933 nghìn con), chăn nuôi nông hộ là chủ yếu, chưa có cơ sở giết mổ động vật tập trung. Hoạt động vận chuyển, buôn bán động vật, sản phẩm động vật ngày càng tăng cao; thời tiết khí hậu diễn biến ngày càng phức tạp làm tăng nguy cơ phát sinh dịch bệnh động vật.

Để chủ động triển khai thực hiện đồng bộ công tác phòng, chống dịch bệnh động vật (bao gồm động vật trên cạn và động vật thủy sản) theo đúng quy định Luật Thú y và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật, ngăn chặn có hiệu quả nguy cơ phát sinh và lây lan các dịch bệnh nguy hiểm ở động vật trên địa bàn tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La ban hành Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh động vật trên địa bàn tỉnh năm 2021, như sau:

I. MỤC ĐÍCH YÊU CẦU

1. Mục đích

- Triển khai thực hiện sự chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và PTNT về công tác phòng, chống dịch bệnh động vật.

- Chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh động vật có hiệu quả với phương châm phòng bệnh là chính, kết hợp thực hiện đồng bộ biện pháp quản lý, giám sát dịch bệnh đến tận tổ, bản, tiểu khu hộ gia đình; phát hiện sớm, khoanh vùng khống chế, xử lý kịp thời, triệt để các dịch bệnh nguy hiểm phát sinh ở động vật; đảm bảo sản xuất chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản phát triển ổn định, bền vững, bảo vệ sức khỏe nhân dân.

2. Yêu cầu

- Việc tổ chức thực hiện phòng, chống dịch bệnh động vật cần được sự chỉ đạo thống nhất và phối kết hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các cấp, các ngành từ tỉnh đến cơ sở, phải huy động được hệ thống chính trị và toàn dân tích cực tham gia thực hiện.

- Các biện pháp phòng, chống dịch bệnh động vật tuân theo các quy định của pháp luật về thú y và sự chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương và của tỉnh.

- Tổ chức phòng, chống dịch bệnh động vật kịp thời, phù hợp và hiệu quả, tránh gây lãng phí nguồn lực.

II. NỘI DUNG KẾ HOẠCH

1. Khi chưa có dịch bệnh động vật

1.1. Công tác thông tin tuyên truyền, tập huấn

- Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách, các quy định của nhà nước về công tác phòng, chống dịch bệnh động vật, hướng dẫn kỹ thuật phòng chống dịch bệnh động vật cho người dân thông qua Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, báo Sơn La, hội nghị, hội thảo, tập huấn, tờ rơi,...

- Thông tin đầy đủ, kịp thời, chính xác tình hình dịch bệnh động vật trên thế giới, trong nước và trong tỉnh để mọi người dân được biết và chủ động phòng, chống.

- Hướng dẫn các cơ sở chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản thực hiện các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học; hướng dẫn xây dựng cơ sở chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản an toàn dịch bệnh.

- Tập huấn, đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho hệ thống thú y cơ sở và lực lượng trực tiếp tham gia phòng, chống dịch bệnh động vật; tập huấn cho những đối tượng trực tiếp làm công tác kiểm soát giết mổ; các hộ chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản.

Tập huấn công tác phòng chống dịch bệnh động vật; kiểm soát giết mổ và kiểm tra vệ sinh thú y, lấy mẫu bệnh phẩm cho đối tượng là cán bộ Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp các huyện, thành phố.

Tập huấn về công tác phòng, chống dịch bệnh động vật, đối tượng là nhân viên thú y cơ sở, người chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản.

- Quan trắc, cảnh báo môi trường nuôi trồng thủy sản tại các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung, phù hợp với quy hoạch phát triển nuôi trồng thủy sản của địa phương; những nơi thường xảy ra dịch bệnh hoặc có nguy cơ ô nhiễm môi trường.

1.2. Về giám sát dịch bệnh

- Tổ chức giám sát chặt chẽ dịch bệnh động vật đến tận cơ sở, hộ chăn nuôi, hộ nuôi trồng thủy sản.

- Củng cố, hoàn thiện hệ thống báo cáo dịch từ các hộ chăn nuôi đến xã, huyện, tỉnh.

- Giám sát sự lưu hành của mầm bệnh tại các hộ chăn nuôi, hộ nuôi trồng thủy sản, tại các chợ buôn bán gia súc, gia cầm, chợ buôn bán thủy sản hoặc từ những động vật ốm, chết không rõ nguyên nhân trên địa bàn các huyện, thành phố bằng hình thức lấy mẫu xét nghiệm định kỳ và đột xuất.

1.3. Công tác tiêm phòng

1.3.1 Thời gian tiêm phòng: Tổ chức tiêm phòng 2 đợt chính trong năm: (đợt 1 vào tháng 3-4; đợt 2 vào các tháng 9-10) cho đàn gia súc, gia cầm. Ngoài 2 đợt chính, tổ chức tiêm phòng bổ sung cho gia súc, gia cầm mới sinh, mới nhập đàn.

1.3.2. Đối tượng và loại vắc xin tiêm phòng

- Vắc xin tiêm phòng:

Đối với trâu, bò tiêm phòng vắc xin Lở mồm long móng (LMLM), Tụ huyết trùng (THT); riêng vắc xin Ung khí thán chi tiêm phòng ở những địa phương có ổ dịch cũ.

Đối với lợn tiêm phòng vắc xin Dịch tả lợn cổ điển.

Đối với gà tiêm phòng vắc xin Niu cát xơn.

Đối với chó, mèo tiêm phòng vắc xin dại.

- Các loại vắc xin khác tùy theo nhu cầu phòng bệnh cho vật nuôi, chủ vật nuôi chủ động mua vắc xin để tiêm phòng (THT lợn, THT gia cầm, xon khuẩn, xuyễn lợn, tai xanh lợn, đậu dê, cúm gia cầm,...)

1.3.3. Phạm vi tiêm phòng

Tiêm phòng trên địa bàn 12 huyện, thành phố.

1.3.4. Số lượng và loại vắc xin

- Số lượng và loại vắc xin theo các Chương trình hỗ trợ của Trung ương và của tỉnh:

Tổng số liều vắc xin gia súc 2.261.663 liều (838.630 liều vắc xin LMLM trâu, bò; 838.630 liều vắc xin THT trâu, bò; 190.280 liều vắc xin Ung khí thán; 247.448 liều vắc xin Dịch tả lợn cổ điển; 146.675 liều vắc xin dại chó), vắc xin gia cầm 5.686.262 liều.

(Chi tiết tại Phụ lục 01, 02, 03, 04, 05, 06).

- Số lượng vắc xin các doanh nghiệp và trang trại chăn nuôi động vật tập trung tự mua: Tổng số khoảng trên 1.200.000 liều (gồm các loại vắc xin LMLM, THT trâu, bò; vắc xin dịch tả lợn cổ điển; tai xanh; giả dại; suyễn lợn; vắc xin Niu cát xơn, vắc xin cúm gia cầm,...).

1.4. Công tác lấy mẫu giám sát đối với một số bệnh xảy ra ở động vật

1.4.1. Lấy mẫu theo các chương trình của Trung ương và của tỉnh

- Lấy mẫu giám sát lưu hành vi rút LMLM, cúm gia cầm, tai xanh lợn, dịch tả lợn cổ điển, dịch tả lợn Châu Phi, dại chó:

Địa điểm lấy mẫu: tại 12 huyện, thành phố

Tổng số mẫu: 174 mẫu (mỗi bệnh lấy 29 mẫu/bệnh).

- Lấy mẫu để chẩn đoán bệnh khi có ổ dịch gia súc, gia cầm, thủy sản xảy ra

Dự kiến lấy số mẫu: 752 mẫu/12 huyện, thành phố (LMLM 36 mẫu, Dịch tả lợn cổ điển 36 mẫu, Tai xanh 36 mẫu, Cúm gia cầm 36 mẫu, Niu cát xơn 36 mẫu, Dại chó 36 mẫu, thủy sản 36 mẫu, riêng bệnh Dịch tả lợn Châu Phi lấy 500 mẫu).

- Lấy mẫu giám sát sau tiêm phòng vắc xin

Lấy mẫu giám sát sau tiêm phòng vắc xin LMLM:

Chương trình 30a: Số lượng mẫu 305 mẫu lấy tại các huyện Mường La, Bắc Yên, Sốp Cộp.

Chương trình tiêm phòng theo Nghị quyết 89/2014/NQ-HĐND: Số lượng: 427 mẫu, lấy tại 07 huyện Vân Hồ, Mộc Châu, Yên Châu, Mai Sơn, Sông Mã, Thuận Châu, Thành phố, Quỳnh Nhai, Phù Yên.

Lấy mẫu giám sát sau tiêm phòng vắc xin Dịch tả lợn cổ điển: Lấy mẫu tại 03 huyện, tổng số 183 mẫu (mỗi huyện lấy 61 mẫu).

Lấy mẫu giám sát sau tiêm phòng vắc xin Niu cát xơn: Lấy mẫu tại 03 huyện, tổng số 183 mẫu (mỗi huyện, thành phố lấy 61 mẫu).

1.4.2. Lấy mẫu giám sát tại các cơ sở chăn nuôi (kinh phí lấy mẫu do chủ cơ sở tự chi trả)

- Đối với 03 Trung tâm giống thuộc Trung tâm giống và chuyển giao kỹ thuật của Công ty Cổ phần giống bò sữa Mộc Châu: lấy 183 mẫu kiểm tra kháng thể sau tiêm phòng.

- Đối với các cơ sở chăn nuôi lợn: lấy 122 mẫu/01 cơ sở để kiểm tra kháng thể sau tiêm phòng vắc xin LMLM và dịch tả lợn cổ điển. Tổng số mẫu là 1.464 mẫu. Định kỳ lấy mẫu để kiểm tra phát hiện vi rút DTLCP theo quy định.

- Đối với cơ sở chăn nuôi gia cầm: lấy 244 mẫu để kiểm tra kháng thể sau tiêm phòng vắc xin Niu cát xơn và cúm gia cầm.

1.5. Công tác vệ sinh, khử trùng tiêu độc môi trường

- Hằng năm phát động các đợt tổng vệ sinh, khử trùng tiêu độc môi trường theo chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và PTNT, của UBND tỉnh.

- Số lượng hóa chất, diện tích phun vệ sinh, khử trùng tiêu độc môi trường chăn nuôi (Chi tiết tại Phụ lục 03 kèm theo).

- Phạm vi phun vệ sinh, khử trùng tiêu độc: Các hộ gia đình chăn nuôi, cơ sở buôn bán, giết mổ, chế biến gia súc, gia cầm; các chợ mua bán và phương tiện vận chuyển gia súc, gia cầm.

- Lực lượng tham gia phun: Do tổ, bản, tiểu khu tổ chức thực hiện dưới sự hướng dẫn, giám sát của Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp các huyện, thành phố và chính quyền địa phương.

- Quy trình vệ sinh, khử trùng tiêu độc: theo hướng dẫn của nhà sản xuất.

- Ngoài các tháng vệ sinh, khử trùng tiêu độc môi trường chăn nuôi do Bộ Nông nghiệp và PTNT, UBND tỉnh phát động, các cơ sở chăn nuôi, hộ nuôi trồng thủy sản chủ động mua hóa chất thường xuyên thực hiện vệ sinh, khử trùng tiêu độc chuồng trại, môi trường chăn nuôi, ao nuôi thủy sản theo sự hướng dẫn của cơ quan Thú y.

1.6. Kiểm dịch, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y

- Tổ chức kiểm dịch tận gốc đối với động vật và sản phẩm động vật; kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển động vật, sản phẩm động vật ra, vào địa bàn tỉnh theo hướng dẫn tại Thông tư số 25/2016/TT-BNNPTNT, số 26/2016/TT-BNNTTNT ngày 30/6/2016 của Bộ Nông nghiệp và PTNT quy định về kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật trên cạn và động vật thủy sản và các văn bản khác.

- Thực hiện kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y đối với động vật, sản phẩm động vật tại các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ, các điểm tập kết buôn bán gia súc, gia cầm và thủy sản,...theo Thông tư số 09/2016/TT-BNNPTNT, ngày 01/6/2016 của Bộ Nông nghiệp và PTNT quy định về kiểm soát giết mổ và kiểm tra vệ sinh thú y và các văn bản khác.

- Xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển, buôn bán, giết mổ động vật chưa qua kiểm dịch, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y.

1.7. Quản lý Thuốc thú y và thức ăn chăn nuôi

- Thực hiện công tác quản lý thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y theo các quy định pháp luật.

- Rà soát, thống kê, lập danh sách quản lý các cơ sở sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y trên địa bàn tỉnh.

- Phối hợp kiểm tra, xử lý vi phạm (nếu có) và đánh giá phân loại các cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi, giống vật nuôi trên địa bàn theo Nghị định số 39/2017/NĐ-CP ngày 04/4/2017 của Chính phủ về quản lý thức ăn chăn nuôi, thủy sản; Thông tư số 13/2016/TT-BNNPTNT ngày 02/6/2016 của Bộ Nông nghiệp và PTNT Quy định về quản lý thuốc thú y.

1.8. Xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh động vật

- Tuyên truyền, hướng dẫn, khuyến khích các cơ sở chăn nuôi xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh động vật đối với các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như LMLM, Dịch tả lợn cổ điển, Niu cát xơn, Cúm gia cầm,... theo quy định tại Thông tư 14/2016/TT-BNNPTNT ngày 02/6/2016 quy định về vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh động vật.

- Tổ chức giám sát dịch bệnh, thẩm định, kiểm tra, đánh giá và công nhận cơ sở an toàn dịch bệnh khi đủ điều kiện theo quy định; công bố danh sách cơ sở an toàn dịch bệnh trên Cổng thông tin điện tử của Sở Nông nghiệp và PTNT.

2. Khi xuất hiện dịch bệnh

Thực hiện khẩn trương, đồng bộ các biện pháp bao vây, khống chế, dập dịch theo quy định hiện hành:

2.1. Đối với ổ dịch động vật thủy sản xử lý theo quy định tại Thông tư số 04/2016/TT-BNNPTNT ngày 10/5/2016 Bộ Nông nghiệp và PTNT Quy định về phòng, chống dịch bệnh động vật thủy sản:

- Thu hoạch thủy sản mắc bệnh: Thực hiện thu hoạch đối với thủy sản đạt kích cỡ thương phẩm, có thể sử dụng làm thực phẩm, thức ăn chăn nuôi hoặc các mục đích khác (trừ thủy sản làm giống hoặc thức ăn tươi sống cho thủy sản khác). Chủ cơ sở nuôi thu hoạch thủy sản trong ổ dịch phải thực hiện theo đúng hướng dẫn, chịu sự giám sát của cơ quan thú y đảm bảo an toàn dịch bệnh trong quá trình thu hoạch, vận chuyển đến cơ sở sơ chế, chế biến thủy sản nhiễm bệnh.

- Điều trị thủy sản mắc bệnh: Thực hiện điều trị đối với thủy sản mắc bệnh được Chi cục Chăn nuôi Thú y và Thủy sản xác định có thể điều trị và chủ cơ sở nuôi có nhu cầu điều trị thủy sản mắc bệnh.

- Tiêu hủy thủy sản mắc bệnh: Tiêu hủy đối với thủy sản mắc bệnh chưa đạt kích cỡ thương phẩm, thủy sản giống hoặc thức ăn tươi sống cho thủy sản khác bằng các loại hóa chất trong danh mục được phép lưu hành tại Việt Nam.

- Khử trùng sau thu hoạch, tiêu hủy đối với ổ dịch: Thực hiện khử trùng nước trong bể, ao, vùng nuôi; khử trùng công cụ, dụng cụ, lồng nuôi, lưới; xử lý nền đáy, diệt giáp xác và các vật chủ trung gian truyền bệnh bằng hoá chất sau khi thu hoạch hoặc tiêu hủy thủy sản, đảm bảo không còn mầm bệnh, dư lượng hóa chất và đảm bảo vệ sinh môi trường. Nước trong ao, đầm nuôi nhiễm bệnh phải được tiêu độc, khử trùng bằng hóa chất.

2.2. Đối với ổ dịch động vật trên cạn, đặc biệt là khi xuất hiện bệnh dịch tả lợn Châu Phi xử lý theo quy định tại Thông tư số 07/2016/TT-BNNPTNT ngày 31/5/2016 của Bộ Nông nghiệp và PTNT Quy định về phòng, chống dịch bệnh động vật trên cạn; Quyết định số 972/QĐ-TTg ngày 07/7/2020 của Thủ tướng chính phủ về việc phê duyệt kế hoạch quốc gia phòng, chống bệnh DTLCP, giai đoạn 2020-2025; Công văn số 5319/BNN-TY ngày 11/8/2020 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về tổ chức triển khai kế hoạch quốc gia phòng, chống bệnh DTLCP, giai đoạn 2020-2025 và các văn bản chỉ đạo khác, cụ thể:

- Tổ chức khoanh vùng dịch, xử lý, tiêu hủy gia súc, gia cầm bệnh theo quy định.

- Vệ sinh, khử trùng tiêu độc chuồng trại, môi trường chăn nuôi theo hướng dẫn của cơ quan Thú y. Tổ chức tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm ở vùng dịch, vùng bị dịch uy hiếp và vùng đệm theo hướng dẫn của cơ quan thú y. Số lượng vắc xin, hóa chất để dự phòng chống dịch: 20.000 liều vắc xin LMLM, 5.000 liều vắc xin tai xanh, 5.000 liều vắc xin Dịch tả lợn cổ điển, 10.000 liều vắc xin cúm gia cầm; 50.000 lít hóa chất. Kinh phí chống dịch khi công bố dịch bệnh động vật thực hiện theo quy định của pháp luật.

- Lập các chốt kiểm soát để kiểm soát việc lưu thông vận chuyển động vật, sản phẩm động vật ra, vào ổ dịch nhằm ngăn chặn dịch lây lan.

- Quản lý chặt chẽ đàn vật nuôi trong vùng dịch; nghiêm cấm việc bán chạy, giết mổ hoặc vứt xác động vật mắc bệnh ra ngoài môi trường.

- Thực hiện nghiêm chế độ báo cáo, giám sát dịch bệnh; hướng dẫn người chăn nuôi kiểm tra, phát hiện và chủ động khai báo khi có dịch để được hỗ trợ xử lý kịp thời.

III. KINH PHÍ TRIỂN KHAI

1. Tiêm phòng vắc xin

1.1. Các huyện thực hiện Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP ngày 27/12/2008 của Chính phủ về Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo, gồm các huyện Mường La, Bắc Yên, Sốp Cộp.

- Tiền vắc xin, chi phí bảo quản vắc xin: Trung ương hỗ trợ (Theo chỉ đạo của Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương tại thời điểm triển khai thực hiện).

- Chi phí triển khai: Tiền công tiêm phòng, vật tư, bảo quản, tuyên truyền, cước vận chuyển,...do ngân sách huyện.

1.2. Chương trình hỗ trợ theo Nghị quyết số 89/2014/NQ-HĐND ngày 17/9/2014, Nghị quyết 56/2017/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân tỉnh Sơn La về hỗ trợ công tác phòng dịch gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh.

1.2.1. Tiền vắc xin (LMLM trâu, bò; THT trâu, bò; Ung khí thán trâu, bò; Dịch tả lợn cổ điển; Dại chó, mèo; Niu cát xơn gà) và chi phí triển khai (tiền công tiêm phòng, vật tư, đá bảo quản, tuyên truyền, cước vận chuyển...) do ngân sách tỉnh cấp.

Riêng đối với vắc xin Dại chó:

- Các huyện tiêm phòng theo Nghị quyết 30a và các xã khu vực III thuộc các huyện khác do ngân sách tỉnh hỗ trợ 100% tiền vắc xin và tiền công tiêm phòng theo quy định.

- Các xã thuộc khu vực II ngân sách tỉnh hỗ trợ 50% tiền vắc xin và tiền công tiêm phòng.

- Các xã thuộc khu vực I ngân sách tỉnh hỗ trợ 30% tiền vắc xin và tiền công tiêm phòng.

- Các xã phường thuộc thành phố và thị trấn thuộc huyện do người dân tự chi trả.

1.2.2. Công tác vệ sinh, khử trùng tiêu độc tháng hành động theo phát động của Trung ương và của tỉnh: Tiền hoá chất, chi phí triển khai (tiền công phun khử trùng tiêu độc, cước vận chuyển và các khoản chi phí khác có liên quan) do ngân sách tỉnh cấp.

1.3. Đối với vắc xin, hóa chất chống dịch khi có dịch bệnh động vật xảy ra: Do ngân sách xã, huyện, tỉnh cấp.

2. Lấy mẫu giám sát sau tiêm phòng và giám sát dịch bệnh; Lấy mẫu để chẩn đoán bệnh động vật

2.1. Lấy mẫu giám sát sau tiêm phòng và giám sát dịch bệnh

- Đối với chương trình 30a; chương hình Nghị quyết 89/2014/NQ-HĐND, Nghị quyết 56/2017/NQ-HĐND ngày 21/7/2017 ngân sách tỉnh cấp.

- Lấy mẫu giám sát tại các cơ sở chăn nuôi: chủ cơ sở chăn nuôi tự chi trả (Tổng số mẫu là 1.891 mẫu)

2.2. Lấy mẫu để chẩn đoán bệnh khi có các ổ dịch nguy hiểm gia súc, gia cầm, thủy sản xảy ra: Ngân sách tỉnh, huyện cấp.

3. Công tác vệ sinh tiêu độc khử trùng

- Phun tiêu độc khử trùng tháng hành động theo các đợt phát động của Trung ương và của tỉnh: Tiền hoá chất, chi phí triển khai (tiền công phun khử trùng tiêu độc, cước vận chuyển và các khoản chi phí khác có liên quan) do ngân sách tỉnh cấp.

- Phun tiêu độc khử trùng chống dịch khi có dịch bệnh động vật xảy ra: do ngân sách tỉnh, ngân sách huyện cấp.

5. Tập huấn

- Tập huấn cho cán bộ thú y tỉnh, huyện; người chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản: ngân sách tỉnh.

- Tập huấn cho thú y xã, bản: ngân sách huyện.

6. Tổng kinh phí: 61.900.591 ngàn đồng (Chi tiết Phụ lục 07 kèm theo).

6.1. Ngân sách trung ương: 6.236.534 ngàn đồng: Kinh phí mua vắc xin tiêm phòng chương trình 30a: 6.236.534 ngàn đồng

6.2. Ngân sách tỉnh: 53.597.207 ngàn đồng.

- Kinh phí mua vắc xin, hóa chất: 36.843.748 ngàn đồng.

- Kinh phí trả công TP, công phun KTTĐ: 14.316.623 ngàn đồng.

- Chi phí triển khai: 2.018.796 ngàn đồng.

- Chi phí lấy mẫu giám sát sau tiêm phòng và giám sát lưu hành mầm bệnh, chẩn đoán bệnh: 418.040 ngàn đồng.

6.3. Ngân sách huyện: 2.066.850 ngàn đồng (gồm: Kinh phí trả công tiêm phòng; Chi phí triển khai; Chi phí lấy mẫu giám sát sau tiêm phòng thuộc chương trình 30a).

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. UBND các huyện, thành phố

1.1. Thông tin, tuyên truyền trên hệ thống phát thanh, truyền hình của địa phương để nâng cao nhận thức của người dân về công tác phòng, chống dịch bệnh động vật và tích cực hưởng ứng tham gia.

1.2. Chỉ đạo UBND xã, phường, thị trấn phối hợp với Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp các huyện, thành phố triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh động vật; kiểm tra việc triển khai thực hiện kế hoạch phòng, chống dịch bệnh động vật theo kế hoạch đã được phê duyệt.

1.3. Chủ động lực lượng, nguồn kinh phí để kịp thời phục vụ cho công tác phòng, chống dịch bệnh động vật trên địa bàn.

1.4. Chủ tịch UBND các huyện, thành phố chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh nếu để dịch bệnh gia súc, gia cầm lây lan ra diện rộng do chủ quan, lơ là, thiếu sự phối hợp trong công tác phòng chống dịch và chậm tiến độ trong việc triển khai công tác phòng chống dịch bệnh trên địa bàn quản lý.

2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

2.1. Tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch đảm bảo hiệu quả, đúng quy định.

2.2. Hằng năm trên cơ sở chỉ đạo của Trung ương và căn cứ Kế hoạch này xây dựng kế hoạch cụ thể để triển khai thực hiện tháng vệ sinh, khử trùng tiêu độc môi trường.

2.3. Chủ trì, phối hợp với các cấp, các ngành liên quan, kiểm tra việc tổ chức thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và thủy sản ở các huyện, thành phố. Theo dõi, tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

2.4. Phối hợp Sở Y tế trong việc hướng dẫn các địa phương giám sát và phòng chống các bệnh động vật lây sang người theo Thông tư liên tịch số 16/2013/TTLT-BYT-BNNPTTT ngày 27/5/2013 của liên Bộ Y tế và Bộ Nông nghiệp và PTNT về hướng dẫn phối hợp phòng, chống bệnh lây truyền từ động vật sang người.

2.5. Chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản:

- Phối hợp với các cơ quan truyền thông, thông tin kịp thời, chính xác về tình hình dịch bệnh và các biện pháp phòng, chống dịch; các biện pháp chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản an toàn dịch bệnh. Tham mưu xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch phòng, chống dịch bệnh hằng năm.

- Phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm soát chặt chẽ hoạt động kinh doanh, vận chuyển động vật, sản phẩm động vật nhập vào địa bàn tỉnh (đặc biệt là kiểm tra đối với động vật làm giống của các chương trình, dự án trên địa bàn); Chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện tốt công tác kiểm soát giết mổ động vật, kiểm tra vệ sinh thú y đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trước khi cho phép lưu hành trên thị trường; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

- Chỉ đạo, hướng dẫn Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện, thành phố, phối hợp với UBND các xã, phường, thị trấn kiểm tra, phát hiện sớm các ổ dịch nhằm kịp thời bao vây, khống chế không để dịch lây lan; Thực hiện giám sát dịch bệnh động vật đến tận tổ, bản, hộ chăn nuôi, hộ nuôi trồng thủy sản; phun tiêu độc, khử trùng môi trường chăn nuôi; tổ chức tiêm phòng vắc xin cho đàn gia súc, gia cầm và cấp giấy chứng nhận tiêm phòng theo quy định tại điểm b, khoản 1, Điều 3 Thông tư 07/2016/TT-BNNPTN.

- Thực hiện cung ứng đầy đủ, kịp thời các loại vắc xin, hóa chất và vật tư thú y thuộc các chương trình theo kế hoạch được giao để phòng, chống dịch bệnh động vật; hướng dẫn kiểm tra việc tuân thủ quy trình, kỹ thuật trong quá hình thực hiện phòng, chống dịch, định kỳ báo cáo Sở Nông nghiệp và PTNT.

3. Sở Tài chính: Tham mưu cho UBND tỉnh nguồn kinh phí để kịp thời phục vụ cho công tác phòng, chống dịch bệnh động vật theo kế hoạch đã được UBND tỉnh phê duyệt; hướng dẫn việc quản lý, sử dụng, thanh quyết toán kinh phí phục vụ công tác phòng, chống dịch theo quy định.

4. Cục Quản lý thị trường: Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tăng cường kiểm tra, kiểm soát vận chuyển động vật, sản phẩm động vật lưu thông trên địa bàn đặc biệt là nhập từ tỉnh ngoài vào; xử lý vi phạm trong việc buôn bán, vận chuyển động vật và sản phẩm động vật theo quy định.

5. Sở Y tế

5.1. Giám sát, phát hiện, chia sẻ thông tin, tuyên truyền, phối hợp phòng, chống dịch bệnh lây từ động vật sang người.

5.2. Phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn phòng, chống bệnh lây truyền từ động vật sang người theo quy định tại Thông tư liên tịch số 16/2013/TTLT-BYT-BNNPTNT ngày 27/5/2013 của liên Bộ Y tế- Bộ Nông nghiệp và PTNT.

6. Sở Thông tin và Truyền thông: Chỉ đạo cơ quan báo chí tổ chức thông tin, tuyên truyền đầy đủ, chính xác, kịp thời về tình hình dịch bệnh và công tác phòng, chống dịch bệnh động vật; nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp chính quyền, người dân về phòng chống dịch bệnh cho động vật.

7. Sở Tài nguyên và Môi trường: Thực hiện quản lý nhà nước về tài nguyên, môi trường trong các hoạt động chăn nuôi, giết mổ, chế biến động vật, sản phẩm động vật; Kiểm tra, hướng dẫn các địa phương thực hiện việc tiêu hủy gia súc, gia cầm bệnh theo quy định, đảm bảo vệ sinh môi trường; xử lý nghiêm các trường hợp gây ô nhiễm môi trường.

8. Công an tỉnh: Chỉ đạo Phòng Cảnh sát giao thông, Phòng Cảnh sát môi trường, Công an các huyện, thành phố phối hợp với Cục Quản lý thị trường, Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản kiểm soát chặt chẽ động vật và sản phẩm động vật nhập vào, địa bàn tỉnh, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm.

Yêu cầu các Sở, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch này và thường xuyên báo cáo về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh kịp thời chỉ đạo./.

 

 

FILE ĐƯỢC ĐÍNH KÈM THEO VĂN BẢN