Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG BÌNH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 25/2017/QĐ-UBND

Quảng Bình, ngày 26 tháng 7 năm 2017

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY ĐỊNH QUẢN LÝ NHÀ HÀNG NỔI DẠNG BÈ KINH DOANH DỊCH VỤ ĂN UỐNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG BÌNH

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG BÌNH

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Giao thông đường thủy nội địa ngày 15 tháng 6 năm 2004; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giao thông đường thủy nội địa ngày 26 tháng 4 năm 2014;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tại Tờ trình số 1483/TTr-SGTVT ngày 17 tháng  7 năm 2017.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định quản lý nhà hàng nổi dạng bè kinh doanh dịch vụ ăn uống trên địa bàn tỉnh Quảng Bình.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 8 năm 2017 và thay thế Quyết định số 28/2014/QĐ-UBND ngày 26 tháng 11 năm 2014 của UBND tỉnh Quảng Bình về việc ban hành Quy định quản lý nhà hàng nổi dạng bè kinh doanh dịch vụ ăn uống trên địa bàn tỉnh Quảng Bình.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải; thủ trưởng các sở, ban, ngành cấp tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Bộ GTVT;
- Cục KTVB - Bộ Tư pháp;
- TT Tỉnh ủy;
- TT HĐND tỉnh;
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Đoàn ĐBQH tỉnh;
- UBMT TQVN tỉnh;
- Báo QB, Đài PT TH QB;
- LĐVP UBND tỉnh;
- Trung tâm tin học - Công báo QB;
- Lưu VT, CV XDCB.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT.
CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Xuân Quang

 

QUY ĐỊNH

QUẢN LÝ NHÀ HÀNG NỔI DẠNG BÈ KINH DOANH DỊCH VỤ ĂN UỐNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG BÌNH
(Ban hành kèm theo Quyết định số           /2017/QĐ-UBND ngày          tháng       năm 2017 của UBND tỉnh Quảng Bình)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Quy định này quy định việc quản lý nhà hàng nổi dạng bè kinh doanh dịch vụ ăn uống trên địa bàn tỉnh Quảng Bình.

Quy định này không áp dụng đối với các nhà hàng nổi được quy định theo Thông tư số 43/2012/TT-BGTVT ngày 23 tháng 10 năm 2012 của Bộ Giao thông Vận tải quy định các yêu cầu kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với tàu thủy du lịch lưu trú ngủ đêm, nhà hàng nổi, khách sạn nổi.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Quy định này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân có hoạt động liên quan đến nhà hàng nổi dạng bè kinh doanh dịch vụ ăn uống.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Nhà hàng nổi dạng bè (sau đây gọi là nhà bè) là phương tiện thủy nội địa có phần chìm dưới nước là các phao nhựa, tre, nứa, gỗ và vật liệu nổi khác được liên kết với nhau, kết nối với khung sườn bằng các biện pháp thủ công; neo đậu cố định tại một địa điểm trên đường thủy nội địa và có thể di chuyển từ địa điểm neo này tới địa điểm neo khác khi cần thiết, có đăng ký kinh doanh phục vụ ăn uống trên phương tiện mà không bố trí các buồng ngủ lưu trú và các dịch vụ khác.

2. Sức chở người của phương tiện là số lượng người tối đa được xếp đủ chỗ ngồi và cân bằng trên phương tiện.

3. Vạch dấu mớn nước an toàn là vạch đánh dấu trên phương tiện để giới hạn phần thân phương tiện được phép chìm trong nước khi hoạt động.

Chương II

QUY ĐỊNH VỀ KỸ THUẬT VÀ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG

Điều 4. Kích thước cơ bản, sức chở, sơn vạch dấu mớn nước an toàn của phương tiện

1. Xác định kích thước cơ bản của phương tiện

a) Chiều dài nhỏ nhất (ký hiệu Lmin), lớn nhất (ký hiệu Lmax) tính bằng mét, đo theo chiều dọc trên boong ở mặt phẳng dọc tâm từ mút sau đến mút trước phương tiện.

b) Chiều rộng nhỏ nhất (ký hiệu Bmin), lớn nhất (ký hiệu Bmax) tính bằng mét, đo theo chiều ngang trên mép boong (mặt sàn), ở mặt cắt rộng nhất của phương tiện.

c) Chiều cao mạn nhỏ nhất (ký hiệu Dmin), lớn nhất (ký hiệu Dmax) tính bằng mét, đo từ đáy phương tiện đến mặt sàn của phương tiện ở vị trí giữa chiều dài Lmax.

d) Chiều chìm nhỏ nhất (ký hiệu dmin), lớn nhất (ký hiệu dmax) tính bằng mét đo từ đáy phương tiện đến mép trên của vạch dấu mớn nước an toàn ở vị trí giữa chiều dài Lmax

đ) Mạn khô nhỏ nhất (ký hiệu Fmin), lớn nhất (ký hiệu Fmax) tính bằng mét đo từ mép trên của vạch mớn nước an toàn đến mặt sàn của phương tiện.

e) Chiều cao toàn bộ nhỏ nhất (ký hiệu Hmin), lớn nhất (ký hiệu Hmax) tính bằng mét đo từ đáy phương tiện đến vị trí cao nhất trên mái của của phương tiện.

- Kích thước phương tiện không nhỏ hơn:

Lmin = 15m;  Bmin = 5m;  Dmin = 0,8m; dmin = 0,3m; Fmin = 0,4 m; Hmin = 4m.

- Kích thước phương tiện không lớn hơn:

Lmax = 33m;  Bmax = 15m; Dmax = 1,8m; dmax = 0,7 m;  Fmax = 1,5 m;  Hmax = 7m.

2. Sức chở người của phương tiện

Nhà bè kinh doanh dịch vụ ăn uống được chứa lượng khách (kể cả người phục vụ) đảm bảo mạn khô tối thiểu và không vượt 1 người trên 1,5 mét vuông sàn nhưng không quá 120 người trên một nhà bè.

3. Sơn vạch dấu mớn nước an toàn của phương tiện

Dấu mớn nước an toàn của phương tiện được sơn bằng một vạch sơn có màu trắng, vạch sơn có chiều rộng 25mm, chiều dài 250 mm nằm ngang trên hai mạn tại vị trí giữa của chiều dài Lmax, cách mặt trên mép boong ít nhất 400mm.

Điều 5. Quy định về vật liệu và kết cấu nhà bè

1. Vật liệu phần thân nhà bè làm bằng gỗ hoặc vật liệu khác như tre, nứa, nhôm; phần chìm phía dưới nước bằng các phao nhựa được liên kết bằng biện pháp thủ công. Nhà bè phải được liên kết ghép nối chắc chắn.

Kết cấu nhà bè:

- Khung sườn đảm bảo chắc chắn, liên kết các thanh ngang và dọc bằng bu lông;

- Các phao nhựa được liên kết với nhau và với khung bằng dây cước ni lông, đảm bảo chắc chắn.

Nhà bè đảm bảo ổn định trong quá trình hoạt động.

2. Phương tiện được đo đạc, xác định kích thước, sức chở và được sơn vạch mớn nước an toàn.

3. Số lượng các nhà bè đơn lẻ được ghép nối chung với nhau để tạo thành một điểm kinh doanh chung không quá 3 nhà bè. Khoảng cách tối thiểu giữa các nhà bè đơn lẻ hoặc giữa các cụm ghép nối là 5m.

Điều 6. Trang bị đảm bảo an toàn

1. Tín hiệu giao thông

Khi hoạt động ban đêm: Tất cả các nhà bè  thắp một đèn đỏ đặt giữa tim nhà bè cao hơn mặt nước ít nhất 1,5m, thắp ở mỗi bên mạn 1 đèn trắng, thắp bốn đèn trắng ở bốn góc nhà bè, các đèn này đặt cao hơn mặt nước ít nhất 1,5m.

2. Nhà bè trang bị phao tròn tối thiểu là 16 chiếc, trong đó 08 chiếc có dây ném (chiều dài dây ném tối thiểu 10 mét); mỗi mạn bố trí 08 chiếc, trong đó 04 chiếc có dây ném. Các phao tròn đạt tiêu chuẩn theo quy định hiện hành và được đặt ở các vị trí thuận lợi, dễ dàng lấy ra sử dụng, không buộc chặt vào thân phương tiện.

3. Trang bị cứu đắm:

a) Nhà bè có phao dự phòng được liên kết, đảm bảo sức nâng không nhỏ hơn 1.000kg. Khi có hiện tượng chìm thì cụm phao dự phòng có thể dễ dàng liên kết với góc chìm của nhà bè để hỗ trợ chống chìm.

b) Trên các hướng có bố trí đường thoát hiểm và hướng dẫn thoát hiểm, khi di chuyển theo đường thoát hiểm không cần chìa khóa để mở.

4. Nhà bè được chằng buộc chắc chắn ở tất cả các hướng. Trụ và dây chằng buộc  đảm bảo cho nhà bè chịu được sức gió cấp 7.

5. Phân khoang, đường dẫn lên nhà bè:

Phân khoang của nhà bè phù hợp và thuận tiện cho việc di chuyển của khách. Các khoang có bố trí tối thiểu một cửa có kích thước 700mm x 1800mm.

Mép ngoài của nhà bè ở khoang khách bố trí lan can bảo vệ có chiều cao tối thiểu tính từ mặt sàn đạt 850mm.

Nhà bè có trang bị cầu dẫn cho khách lên xuống. Cầu dẫn có chiều rộng trong lòng từ 1,4m đến 2m, được lắp ráp chắc chắn, hai bên cầu dẫn có lan can bảo vệ với chiều cao ít nhất 850mm tính từ mép trên sàn cầu dẫn. Cầu dẫn đưa, đón khách lên, xuống nhà bè đảm bảo tuyệt đối an toàn, thuận tiện.

6. Trang thiết bị điện của nhà bè:

- Điện áp không lớn hơn 220V;

- Tất cả các các thiết bị sử dụng điện có dây tiếp đất; có thiết bị bảo vệ bảo đảm chống giật;

- Có thiết bị chống sét.

7. Trang thiết bị phòng, phát hiện và chữa cháy của nhà bè thỏa mãn các yêu cầu của Luật Phòng cháy chữa cháy. Có thiết bị tự động báo cháy ở các buồng bếp, buồng phục vụ.

Điều 7. Bảo vệ môi trường

1.  Nhà bè trong quá trình hoạt động trên đường thủy nội địa tuân thủ các quy định về xả thải các chất thải và nước lẫn dầu theo quy định tại Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về Quy phạm ngăn ngừa ô nhiễm do phương tiện thủy nội địa QCVN 17:2011/BGTVT của Bộ Giao thông Vận tải được ban hành theo Thông tư số 70/2011/TT-BGTVT ngày 20 tháng 12 năm 2011 và Thông tư số 08/2013/TT-BGTVT ngày 06 tháng 5 năm 2013 của Bộ Giao thông Vận tải về sửa đổi, bổ sung một số quy định của Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia QCVN 17:2011/BGTVT và các quy định khác về bảo vệ môi trường trên đường thủy nội địa.

2. Ngoài các quy định tại Khoản 1 Điều này, trên nhà bè có trang bị các thiết bị ngăn ngừa ô nhiễm sau:

a) Trang bị ngăn ngừa ô nhiễm do chất thải và nước thải:

- Nhà bè kinh doanh dịch vụ ăn uống có trang bị thiết bị vệ sinh tự hủy đạt tiêu chuẩn; tối thiểu 01 phòng vệ sinh cho nhà bè có sức chở từ 50 khách trở xuống, 02 phòng vệ sinh với nhà bè có sức chở trên 50 khách;

- Nhà bè kinh doanh dịch vụ ăn uống có trang bị thiết bị xử lý nước thải hoặc các két chứa nước thải để chuyển đến nơi tiếp nhận xử lý; thiết bị xử lý nước thải thỏa mãn QCVN 14:2008/BTNMT: Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải sinh hoạt.

b) Trang bị ngăn ngừa ô nhiễm do chất thải rắn sinh hoạt, chất thải nguy hại:

- Đối với chất thải rắn sinh hoạt: Nhà bè kinh doanh dịch vụ ăn uống có trang bị thiết bị chứa chất thải rắn để chuyển đến nơi tiếp nhận xử lý. Không được đổ, xả rác xuống sông, hồ. Tuân thủ các quy định về thu gom, lưu giữ, vận chuyển đi xử lý tại Nghị định số 38/2015/NĐ-CP ngày 24/4/2015 về việc quản lý chất thải và phế liệu.

- Đối với chất thải nguy hại: Nhà bè kinh doanh dịch vụ ăn uống tuân thủ các quy định về thu gom, lưu giữ, vận chuyển đi xử lý tại Thông tư số 36/2015/TT-BTNMT ngày 30/6/2015 về việc quản lý chất thải nguy hại.

Điều 8. Các quy định khác

1. Nhà bè kinh doanh dịch vụ ăn uống có đăng ký kinh doanh và thực hiện nộp thuế, bảo đảm tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật hiện hành.

2. Việc sơn, treo biển hiệu, quảng cáo, trang trí phương tiện được thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành.

3. Nhà bè có diện tích phục vụ từ 200m2 trở lên phải đăng ký kế hoạch bảo vệ môi trường trình cấp có thẩm quyền xác nhận và hàng năm thực hiện giám sát môi trường theo đúng quy định.

Chương III

QUY ĐỊNH VỀ PHẠM VI HOẠT ĐỘNG CỦA NHÀ BÈ

Điều 9. Phạm vi hoạt động

Nhà bè không hoạt động trên biển và ven bờ biển. Nhà bè chỉ hoạt động trong sông, hồ thủy nội địa tỉnh Quảng Bình cách cửa biển ít nhất 300m tại vị trí được UBND cấp huyện quy định và được cơ quan quản lý có thẩm quyền cấp phép hoạt động vùng nước.

Thời gian hoạt động của nhà bè có kinh doanh dịch vụ ăn uống từ 06h00 đến không quá 22h30 hàng ngày.

Nhà bè hoạt động khi thời tiết không có giông bão với sức gió từ cấp 6 trở xuống. Trước 24 giờ khi có dự báo giông bão đến với sức gió từ cấp 7 trở lên phải đưa phương tiện vào nơi trú ẩn. Nơi trú ẩn do UBND cấp huyện quy định.

Chương IV

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 10. Trách nhiệm của chủ phương tiện

Chủ phương tiện có trách nhiệm duy trì trang thiết bị trên phương tiện và đảm bảo hoạt động theo quy định này.

Điều 11. Trách nhiệm của các sở, ban, ngành có liên quan và UBND cấp huyện

1. Sở Giao thông Vận tải:

Định kỳ hàng năm kiểm tra và hướng dẫn về an toàn kỹ thuật theo quy định này và các quy định của pháp luật có liên quan.

2. Công an tỉnh:

Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan, kiểm tra việc thực hiện về an toàn giao thông đường thủy nội địa theo Quy định này và các quy định của pháp luật có liên quan.

3. Các sở, ban, ngành có liên quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, thực hiện công tác quản lý theo quy định của pháp luật đối với nhà bè hoạt động kinh doanh dịch vụ ăn uống trên địa bàn.

4. Ủy ban nhân dân cấp huyện:

Thực hiện việc quản lý nhà bè; quy định nơi trú ẩn, theo dõi, lập sổ lưu trữ và quản lý hồ sơ, tổng hợp tình hình hoạt động các nhà bè kinh doanh dịch vụ ăn uống trên địa bàn, báo cáo UBND tỉnh.

Trong quá trình tổ chức thực hiện, nếu phát sinh những điểm mới hoặc những quy định không phù hợp, kịp thời phản ánh, báo cáo với UBND tỉnh (qua Sở GTVT) để được điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tế và các quy định của pháp luật./.