Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG BÌNH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 28/2014/QĐ-UBND

Quảng Bình, ngày 26 tháng 11 năm 2014

 

QUYẾT ĐỊNH

V/V BAN HÀNH QUY ĐỊNH QUẢN LÝ NHÀ HÀNG NỔI DẠNG BÈ KINH DOANH DỊCH VỤ ĂN UỐNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG BÌNH

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG BÌNH

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Giao thông đường thủy nội địa ngày 15 tháng 6 năm 2004;

Căn cứ Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND ngày 03 tháng 12 năm 2004;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tại Tờ trình số 2129/TTr-SGTVT ngày 11 tháng 11 năm 2014,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định quản lý nhà hàng nổi dạng bè kinh doanh dịch vụ ăn uống trên địa bàn tỉnh Quảng Bình.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày, kể từ ngày ký ban hành.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải; thủ trưởng các sở, ban, ngành cấp tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Bộ GTVT;
- Cục KTVB - Bộ Tư pháp;
- TT Tỉnh ủy; TT HĐND tỉnh;
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Đoàn ĐBQH tỉnh;
- UBMT TQ tỉnh;
- Báo QB, Đài PT TH QB;
- Trung tâm tin học - Công báo QB;
- LĐVP UBND tỉnh;
- Lưu VT, VP, XDCB.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Trần Văn Tuân

 

QUY ĐỊNH

QUẢN LÝ NHÀ HÀNG NỔI DẠNG BÈ KINH DOANH DỊCH VỤ ĂN UỐNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG BÌNH
(Ban hành kèm theo Quyết định số 28/2014/QĐ-UBND ngày 26 tháng 11 năm 2014 của UBND tỉnh Quảng Bình)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi áp dụng

Quy định này áp dụng đối với nhà hàng nổi dạng bè kinh doanh dịch vụ ăn uống trên địa bàn tỉnh Quảng Bình có phần chìm dưới nước là các phao nhựa được liên kết với nhau và liên kết với khung sườn bằng các biện pháp thủ công.

Quy định này không áp dụng đối với các nhà hàng nổi được quy định theo Thông tư số 43/2012/TT-BGTVT ngày 23 tháng 10 năm 2012 của Bộ Giao thông Vận tải quy định các yêu cầu kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với tàu thủy du lịch lưu trú ngủ đêm, nhà hàng nổi, khách sạn nổi.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Quy định này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân có hoạt động liên quan đến nhà hàng nổi dạng bè kinh doanh dịch vụ ăn uống.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Nhà hàng nổi dạng bè (sau đây gọi là nhà bè) là phương tiện thủy nội địa được kết nối bằng tre, nứa, gỗ và vật liệu nổi khác, neo đậu cố định tại một địa điểm trên đường thủy nội địa và có thể di chuyển từ địa điểm neo này tới địa điểm neo khác khi cần thiết, có đăng ký kinh doanh phục vụ ăn uống trên phương tiện mà không bố trí các buồng ngủ lưu trú và các dịch vụ vui chơi giải trí khác.

2. Sức chở người của phương tiện là số lượng người tối đa được xếp đủ chỗ ngồi và cân bằng trên phương tiện.

3. Vạch dấu mớn nước an toàn là vạch đánh dấu trên phương tiện để giới hạn phần thân phương tiện được phép chìm trong nước khi hoạt động.

Chương II

YÊU CẦU KỸ THUẬT VÀ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG

Điều 4. Kích thước cơ bản, sức chở, sơn vạch dấu mớn nước an toàn của phương tiện

1. Xác định kích thước cơ bản của phương tiện:

a) Chiều dài nhỏ nhất (ký hiệu Lmin), lớn nhất (ký hiệu Lmax) tính bằng mét, đo theo chiều dọc trên boong ở mặt phẳng dọc tâm từ mút sau đến mút trước phương tiện.

b) Chiều rộng nhỏ nhất (ký hiệu Bmin), lớn nhất (ký hiệu Bmax) tính bằng mét, đo theo chiều ngang trên mép boong (mặt sàn), ở mặt cắt rộng nhất của phương tiện.

c) Chiều cao mạn nhỏ nhất (ký hiệu Dmin), lớn nhất (ký hiệu Dmax) tính bằng mét, đo từ đáy phương tiện đến mặt sàn của phương tiện ở vị trí giữa chiều dài Lmax.

d) Chiều chìm nhỏ nhất (ký hiệu dmin), lớn nhất (ký hiệu dmax) tính bằng mét đo từ đáy phương tiện đến mép trên của vạch dấu mớn nước an toàn ở vị trí giữa chiều dài Lmax .

đ) Mạn khô nhỏ nhất (ký hiệu Fmin), lớn nhất (ký hiệu Fmax) tính bằng mét đo từ mép trên của vạch mớn nước an toàn đến mặt sàn của phương tiện.

e) Chiều cao toàn bộ nhỏ nhất (ký hiệu Hmin), lớn nhất (ký hiệu Hmax) tính bằng mét đo từ đáy phương tiện đến vị trí cao nhất trên mái của phương tiện.

- Kích thước phương tiện không nhỏ hơn:

Lmin = 15m; Bmin = 5m; Dmin = 0,8m;        dmin = 0,3m;      Fmin = 0,4 m; Hmin = 4m.

- Kích thước phương tiện không lớn hơn:

Lmax = 33m; Bmax = 15m; Dmax = 1,8m; dmax = 0,7 m; Fmax = 1,5 m; Hmax = 7m.

2. Sức chở người của phương tiện: Nhà bè kinh doanh dịch vụ ăn uống được chứa lượng khách (kể cả người phục vụ) đảm bảo mạn khô tối thiểu và không vượt quá 0,6 người trên một mét vuông sàn nhưng không quá 120 người trên một nhà bè.

3. Sơn vạch dấu mớn nước an toàn của phương tiện: Dấu mớn nước an toàn của phương tiện được sơn bằng một vạch sơn có màu trắng, vạch sơn có chiều dày 25mm, chiều dài 250 mm nằm ngang trên hai mạn tại vị trí giữa của chiều dài Lmax, cách mặt trên mép boong ít nhất 400mm.

Điều 5. Điều kiện an toàn

1. Vật liệu phần thân nhà bè làm bằng gỗ hoặc vật liệu khác như tre, nứa, nhôm; phần chìm phía dưới nước bằng các phao nhựa được liên kết bằng biện pháp thủ công. Nhà bè phải được liên kết ghép nối chắc chắn.

Kết cấu nhà bè phải đáp ứng các yêu cầu cơ bản sau đây:

- Khung sườn đảm bảo chắc chắn, liên kết các thanh ngang và dọc bằng bu lông;

- Các phao nhựa được liên kết với nhau và với khung bằng dây cước ni lông, đảm bảo chắc chắn.

Nhà bè phải đảm bảo ổn định trong quá trình hoạt động.

2. Tín hiệu giao thông: Khi hoạt động ban đêm phải thắp đèn: Tất cả các nhà bè phải thắp một đèn đỏ đặt giữa tim nhà bè cao hơn mặt nước ít nhất 1,5m; thắp ở mỗi bên mạn 1 đèn trắng, thắp bốn đèn trắng ở bốn góc nhà bè, các đèn này đặt cao hơn mặt nước ít nhất 1,5m.

3. Phương tiện phải được đo đạc, xác định kích thước, sức chở và được sơn vạch mớn nước an toàn.

4. Nhà bè phải trang bị phao tròn tối thiểu là 16 chiếc, trong đó 08 chiếc có dây ném (chiều dài dây ném tối thiểu 10 mét); mỗi mạn bố trí 08 chiếc, trong đó, 04 chiếc có dây ném. Các phao tròn phải đạt tiêu chuẩn theo quy định hiện hành và được đặt ở các vị trí thuận lợi, dễ dàng lấy ra sử dụng, không được buộc chặt.

5. Trang bị cứu đắm

a) Nhà bè phải có phao dự phòng được liên kết, đảm bảo sức nâng không nhỏ hơn 1.000kg. Khi có hiện tượng chìm thì cụm phao dự phòng có thể dễ dàng liên kết với góc chìm của nhà bè để hỗ trợ chống chìm.

b) Trên các hướng phải bố trí đường thoát hiểm và hướng dẫn thoát hiểm, các cửa trên đường thoát hiểm phải thiết kế đảm bảo không sử dụng chìa khóa vẫn có thể mở được cửa khi di chuyển theo đường thoát hiểm.

6. Nhà bè phải được chằng buộc chắc chắn ở tất cả các hướng. Trụ và dây chằng buộc phải đảm bảo cho nhà bè chịu được sức gió cấp 7.

7. Phân khoang, đường dẫn lên nhà bè:

Phân khoang của nhà bè phải phù hợp và thuận tiện cho việc di chuyển của khách. Các khoang phải bố trí tối thiểu một cửa có kích thước 600mm x 1800 mm.

Mép ngoài của nhà bè ở khoang khách phải bố trí lan can bảo vệ có chiều cao tối thiểu tính từ mặt sàn đạt 850mm.

Nhà bè phải có trang bị cầu dẫn cho khách lên xuống. Cầu dẫn phải có chiều rộng trong lòng từ 1,4m đến 2m, được lắp ráp chắc chắn, hai bên cầu dẫn phải có lan can bảo vệ với chiều cao ít nhất 850mm tính từ mép trên sàn cầu dẫn. Cầu dẫn đưa, đón khách lên, xuống nhà bè đảm bảo tuyệt đối an toàn, thuận tiện.

Điều 6. Trang thiết bị điện

Trang thiết bị điện của nhà bè phải thỏa mãn các yêu cầu sau đây:

- Điện áp không lớn hơn 220V;

- Tất cả các các thiết bị sử dụng điện phải có dây tiếp đất; phải có thiết bị bảo vệ bảo đảm chống giật;

- Có thiết bị chống sét ;

- Có 01 máy nổ phát điện dự phòng, công suất không nhỏ hơn 5kw.

Điều 7. Phòng và chữa cháy

1. Trang thiết bị phòng, phát hiện và chữa cháy của nhà bè phải thỏa mãn các yêu cầu của Luật Phòng cháy chữa cháy.

2. Phải có thiết bị tự động báo cháy ở các buồng bếp, buồng phục vụ.

Điều 8. Yêu cầu về đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường

1. Nhà bè kinh doanh dịch vụ ăn uống phải bảo đảm tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm và phải có lưu mẫu theo quy định tại Thông tư số 30/2012/TT-BYT ngày 05 tháng 12 năm 2012 của Bộ Y tế quy định về điều kiện an toàn thực phẩm đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, kinh doanh thức ăn đường phố và các quy định khác có liên quan.

2. Nhà bè trong quá trình hoạt động trên đường thủy nội địa phải tuân thủ các quy định về xả thải các chất thải và nước lẫn dầu theo quy định tại Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về Quy phạm ngăn ngừa ô nhiễm do phương tiện thủy nội địa QCVN 17:2011/BGTVT được ban hành theo Thông tư số 70/2011/TT-BGTVT ngày 20 tháng 12 năm 2011 và Thông tư số 08/2013/TT-BGTVT ngày 06 tháng 5 năm 2013 của Bộ GTVT về sửa đổi, bổ sung một số quy định của Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia QCVN 17:2011/BGTVT và các quy định khác về bảo vệ môi trường trên đường thủy nội địa.

3. Ngoài các quy định tại Khoản 1, Khoản 2, Điều này, việc trang bị các thiết bị ngăn ngừa ô nhiễm trên nhà bè có kinh doanh dịch vụ ăn uống phải tuân thủ các yêu cầu sau:

a) Trang bị ngăn ngừa ô nhiễm do chất thải và nước thải:

- Nhà bè kinh doanh dịch vụ ăn uống phải trang bị thiết bị vệ sinh tự hủy đạt tiêu chuẩn; tối thiểu 02 phòng vệ sinh cho nhà bè có sức chở từ 50 khách trở xuống, trên 02 phòng vệ sinh với nhà bè có sức chở trên 50 khách;

- Nhà bè kinh doanh dịch vụ ăn uống phải trang bị thiết bị xử lý nước thải hoặc các két chứa nước thải để chuyển đến nơi tiếp nhận xử lý; thiết bị xử lý nước thải phải thỏa mãn Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải sinh hoạt.

- Nhà bè kinh doanh dịch vụ ăn uống phải trang bị thùng chứa chất thải rắn để chuyển đến nơi tiếp nhận xử lý.

b) Trang bị ngăn ngừa ô nhiễm do rác: Nhà bè kinh doanh dịch vụ ăn uống phải trang bị thiết bị chứa rác để chuyển đến nơi tiếp nhận. Không được đổ, xả rác xuống sông, hồ.

Điều 9. Yêu cầu về thẩm mỹ, tiện nghi

1. Phòng phục vụ ăn uống phải đáp ứng các yêu cầu cơ bản sau đây:

a) Phòng ăn phải thoáng mát, sạch, đẹp, trang nhã; ngăn cách với khu chế biến đảm bảo không bị ảnh hưởng bởi tiếng ồn, khói, mùi; sàn không bị trơn trượt, có độ nghiêng cần thiết để thoát nước; có đủ bàn và ghế ngồi; có thực đơn và bảng giá.

b) Có đủ ghế ngồi theo sức chở của nhà bè và bàn đặt trước các hàng ghế. Ghế ngồi đảm bảo chất lượng, chiều rộng của ghế không nhỏ hơn 50cm/chỗ ngồi; bố trí hành lang đi lại thuận tiện.

c) Cửa sổ đóng mở thuận tiện, có ri-đô che nắng.

d) Trang bị điều hòa hoặc quạt điện.

2. Thân phương tiện phải được sơn màu xanh.

Chương III

ĐIỀU KIỆN VÀ PHẠM VI HOẠT ĐỘNG CỦA NHÀ BÈ

Điều 10. Đăng ký kinh doanh

Các nhà bè hoạt động kinh doanh dịch vụ ăn uống đều phải đăng ký kinh doanh và thực hiện nộp thuế, các khoản phí và lệ phí theo quy định của pháp luật hiện hành.

Điều 11. Phạm vi hoạt động

Nhà bè không được hoạt động trên biển và ven bờ biển. Nhà bè chỉ được phép hoạt động trong sông, hồ thủy nội địa tỉnh Quảng Bình cách cửa biển ít nhất 300m tại vị trí được UBND cấp huyện quy định và được cơ quan quản lý có thẩm quyền cấp phép hoạt động vùng nước.

Thời gian hoạt động của nhà bè có kinh doanh dịch vụ ăn uống từ 06h00 đến không quá 22h30 hàng ngày.

Nhà bè chỉ được hoạt động trong điều kiện không có giông bão với sức gió từ cấp 7 trở xuống. Trước 48 giờ khi có dự báo giông bão đến với sức gió từ cấp 7 trở lên phải đưa phương tiện vào nơi trú ẩn. Nơi trú ẩn do UBND cấp huyện quy định.

Chương IV

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 12. Trách nhiệm của chủ phương tiện

Chủ phương tiện có trách nhiệm trang thiết bị phương tiện, duy trì và đảm bảo hoạt động theo các yêu cầu về an toàn kỹ thuật, bảo vệ môi trường và các điều kiện khác theo quy định này.

Điều 13. Trách nhiệm các ngành, đơn vị có liên quan

1. Sở Giao thông Vận tải

a) Hướng dẫn chủ phương tiện thực hiện các quy định về an toàn kỹ thuật theo Điều 4 và Điều 5 Quy định này.

b) Định kỳ hàng năm kiểm tra lập biên bản và cấp Giấy chứng nhận nhà bè đủ điều kiện an toàn kỹ thuật theo mẫu tại Phụ lục I và Phụ lục II (kèm theo quy định này).

2. Công an tỉnh

Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan, kiểm tra việc thực hiện các quy định về an toàn giao thông đường thủy nội địa theo quy định này.

3. UBND cấp huyện

Thực hiện việc quản lý nhà bè; theo dõi, lập sổ lưu trữ và quản lý hồ sơ, tổng hợp tình hình báo cáo UBND tỉnh các nhà bè đủ điều kiện hoạt động kinh doanh dịch vụ ăn uống trên địa bàn.

4. Sở Công Thương tổ chức kiểm tra việc niêm yết giá bán và thực hiện bán hàng theo giá niêm yết của các nhà bè theo quy định hiện hành.

5. Sở Y tế chủ trì phối hợp với các ban ngành liên quan thực hiện việc kiểm tra công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và vệ sinh môi trường của các nhà bè theo quy định này.

6. Các Sở, ban, ngành có liên quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra theo quy định của pháp luật đối với nhà bè hoạt động kinh doanh dịch vụ ăn uống trên địa bàn.

Trong quá trình thực hiện, nếu phát sinh các vướng mắc, các cơ quan, tổ chức và cá nhân phản ánh kịp thời về Sở Giao thông Vận tải để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh xem xét sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tế và các quy định của Pháp luật./.

 

PHỤ LỤC I

 

ĐĂNG KIỂM QUẢNG BÌNH

 

BIÊN BẢN KIỂM TRA

 

Số:            /BBKT

 

 

Theo yêu cầu của :

 

Vào lúc

 

giờ

ngày

 

tháng

 

năm

201..

Cán bộ kiểm tra

 

Đã có mặt tại

 

Ph­ương tiện đ­ược kiểm tra:

 

Chủ phư­ơng tiện:

 

Địa chỉ:

 

Khi kiểm tra có đại diện của Chủ ph­ương tiện

 

 

NỘI DUNG KIỂM TRA

1. Vật liệu: ……………………………………………………………………………………

2. Tín hiệu giao thông……………………………………………………………………….

3. Kích thư­ớc LmaxxB maxxD = ………     H = ………       F= ………… d = ………

Chiều ngang trong lòng cầu dẫn B =…………………  Sức chở: ………... (người)

4. Số l­ượng phao tròn: …………………………   Số phao có dây: ……………………

5. Trang bị cứu đắm: ………………………………………………………………………..

6. Thiết bị chằng buộc: ………………………………………………………………………

7. Phân khoang: ………………………………………………………………………………

-  Lan can bảo vệ: ………………………………………..…………………………………..

-  Cầu dẫn: ………………………………………………………………………..…………..

8. Dấu sơn mớn n­ước:    …………………………………………………………………..

KẾT LUẬN:

…………………………………………………………………………………………………

…………………………………………………………………………………………………

NHỮNG LƯU Ý VÀ YÊU CẦU CỤ THỂ

…………………………………………………………………………………………………

…………………………………………………………………………………………………

 

Cuộc kiểm tra kết thúc lúc   ..........  (giờ), cùng ngày.

Biên bản được lập thành ............. (bản) có nội dung như­ nhau đã đ­ược các bên tham gia thông qua và mỗi bên ký tên giữ  một bản

 

Lập tại:…………………ngày…....tháng…...năm 201…..

CHỦ PHƯƠNG TIỆN

CÁN BỘ KIỂM TRA

ĐƠN VỊ KIỂM TRA

(Ký tên, ghi rõ họ tên)

(Ký tên, ghi rõ họ tên)

(Ký tên, đóng dấu, ghi rõ họ tên)

 

PHỤ LỤC II

UBND TỈNH QUẢNG BÌNH
SỞ GIAO THÔNG VẬN TẢI
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số:         /GCN-SGTVT

Quảng Bình, ngày     tháng   năm

 

GIẤY CHỨNG NHẬN

Nhà bè đủ điều kiện an toàn kỹ thuật

Căn cứ Quyết định số 21/2009/QĐ-UB ngày 28/9/2009 của UBND tỉnh Quảng Bình về việc ban hành Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Giao thông vận tải tỉnh Quảng Bình;

Căn cứ Quyết định số ……./2014/QĐ-UBND ngày  tháng  năm 2014 của UBND tỉnh Quảng Bình về việc ban hành Quy định quản lý nhà hàng nổi dạng bè kinh doanh dịch vụ ăn uống trên địa bàn tỉnh Quảng Bình;

Căn cứ Biên bản kiểm tra số  …../BBKT ngày    tháng   năm 2014 của Phòng Đăng kiểm công nghiệp Sở GTVT Quảng Bình,

SỞ GIAO THÔNG VẬN TẢI QUẢNG BÌNH CHỨNG NHẬN

1. Phương tiện Nhà Bè có đặc điểm:

- Tên phương tiện: ………………………………………….……………………………

- Chủ phương tiện…………………………………………………..……………………          

- Địa chỉ: …………………………………………………….………………..……………

- Thông số cơ bản:

+ Kích thước:   LMaxxBMaxxD =                           + Chiều cao:   H =

+ Mạn khô:                   F=                                + Chiều chìm:  d =

+ Chiều ngang trong lòng cầu dẫn:        BC =

+ Sức chở:                               (người)

- Trang thiết bị: Phao tròn 16 cái (trong đó phao có dây ném 8 cái)

Phương tiện có đủ điều kiện an toàn kỹ thuật để hoạt động.

 

2. Khi hoạt động chủ phương tiện phải thực hiện đầy đủ các quy định nêu tại Điều 4 và Điều 5 của Quy định ban hành kèm theo Quyêt định số ……./2014/QĐ-UBND ngày  tháng  năm 2014 của UBND tỉnh Quảng Bình. Chủ phương tiện có trách nhiệm duy trì đảm bảo tình trạng kỹ thuật của phương tiện giữa hai kỳ kiểm tra.

 

Giấy chứng nhận này có hiệu lực đến hết ngày      tháng      năm           

 

 

GIÁM ĐỐC