Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LÂM ĐỒNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2588/QĐ-UBND

Lâm Đồng, ngày 18 tháng 12 năm 2018

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH KẾ HOẠCH TRIỂN KHAI PHƯƠNG ÁN CHUẨN BỊ NGUỒN HÀNG, DỰ TRỮ HÀNG HÓA VÀ CÁC BIỆN PHÁP BÌNH ỔN THỊ TRƯỜNG CÁC MẶT HÀNG THIẾT YẾU PHỤC VỤ NHU CẦU TIÊU DÙNG DỊP CUỐI NĂM 2018 VÀ TẾT NGUYÊN ĐÁN KỶ HỢI NĂM 2019 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LÂM ĐỒNG

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH LÂM ĐỒNG

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương số 77/2015/QH13 ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Chỉ thị số 08/CT-BCT ngày 30/10/2018 của Bộ Công Thương về việc thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường cuối năm 2018 và dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi năm 2019;

Xét đề nghị của Sở Công Thương tại Tờ trình số 2661/TTr-SCT ngày 28 tháng 11 năm 2018,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch triển khai phương án chuẩn bị nguồn hàng, dự trữ hàng hóa và các biện pháp bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng dịp cuối năm 2018 và Tết nguyên đán Kỷ Hợi năm 2019 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các Sở: Công Thương, Tài chính, Thông tin và Truyền thông; Giám đốc Đài Phát thanh truyền hình tỉnh; Tổng biên tập Báo Lâm Đồng; Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh Lâm Đồng; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố Đà Lạt, Bảo Lộc; Giám đốc các Công ty: Công ty cổ phần Thương mại Lâm Đồng, Chi nhánh Công ty cổ phần Espace Business Huế tại Đà Lạt (Siêu thị Big C Đà Lạt), Công ty TNHH Sài Gòn Coop Bảo Lộc (Siêu thị Coop Bảo Lộc); Các thương nhân phân phối hàng hóa; Thủ trưởng các cơ quan và đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- CT, các PCT;
- Như điều 3;
- Lưu: VT, KT, TC.

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Phạm S

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI PHƯƠNG ÁN CHUẨN BỊ NGUỒN HÀNG, DỰ TRỮ HÀNG HÓA VÀ CÁC BIỆN PHÁP BÌNH ỔN THỊ TRƯỜNG CÁC MẶT HÀNG THIẾT YẾU PHỤC VỤ NHU CẦU TIÊU DÙNG DỊP CUỐI NĂM 2018 VÀ TẾT NGUYÊN ĐÁN KỶ HỢI NĂM 2019 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LÂM ĐỒNG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 2588/QĐ-UBND ngày 18 tháng 12 năm 2018 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng)

Thực hiện Chỉ thị số 08/CT-BCT ngày 30/10/2018 của Bộ Công Thương về việc thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường cuối năm 2018 và dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019; Nhằm bảo đảm cân đối cung cầu các mặt hàng thiết yếu, bình ổn thị trường hàng hóa, ổn định đời sống của nhân dân trên địa bàn tỉnh;

Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng ban hành Kế hoạch triển khai phương án chuẩn bị nguồn hàng, dự trữ hàng hóa và các biện pháp bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu dịp cuối năm 2018 và Tết Nguyên đán Kỷ Hợi năm 2019 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Bảo đảm cân đối cung - cầu hàng hóa, ổn định nguồn hàng, nhất là các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong dịp hoạt động kỷ niệm “Đà Lạt 125 năm hình thành và phát triển”, Tết dương lịch năm 2019 và Tết Nguyên đán Kỷ Hợi năm 2019.

- Đảm bảo nguồn hàng đầy đủ, kịp thời đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân và du khách, nhất là người dân vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào thiểu số, với giá cả ổn định trong dịp Tết Nguyên đán, không để tình trạng thiếu hàng, gián đoạn nguồn hàng, tránh tình trạng đầu cơ, tăng giá bất hợp lý, góp phần bảo đảm an sinh xã hội và ổn định tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.

- Vận động, khuyến khích và hỗ trợ các thành phần kinh tế tham gia bình ổn thị trường; theo dõi, kiểm tra và hỗ trợ kịp thời tình hình thực hiện bình ổn thị trường của các thành phần kinh tế, bảo đảm hiệu quả.

2. Yêu cầu

- Hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu mua sắm của nhân dân và du khách phải đảm bảo về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, niêm yết giá và bán theo giá niêm yết, thực hiện đúng các cam kết với khách hàng, ưu tiên dùng hàng Việt Nam.

- Các sở, ngành, địa phương có sự phối hợp chặt chẽ trong quá trình triển khai thực hiện nhằm tuyên truyền tới đông đảo nhân dân về chủ trương bình ổn thị trường hàng hóa và thu hút đông đảo các thành phần kinh tế tích cực tham gia dự trữ hàng hóa.

II. NỘI DUNG

1. Nhóm hàng hóa thiết yếu bình ổn thị trường: Gồm 03 nhóm hàng tiêu dùng thiết yếu ảnh hưởng trực tiếp đến nhu cầu của người dân, du khách; ưu tiên các hàng hóa sản xuất trong nước.

a) Nhóm lương thực: gạo, nếp, đậu xanh.

b) Nhóm thực phẩm: muối, đường, dầu ăn, bột ngọt, sản phẩm chế biến từ thịt (lạp xưởng, giò - chả, nem chua, thịt nguội, xúc xích), bánh, mứt, kẹo, hạt các loại, sữa các loại.

c) Nhóm thực phẩm tươi sống: thịt gia súc, gia cầm, cá - tôm, trứng gia cầm, thực phẩm đông lạnh, rau củ quả, trái cây.

2. Thời gian theo dõi, kiểm soát bình ổn thị trường: Từ tháng 12 năm 2018 đến hết tháng 2 năm 2019.

3. Dự báo nhu cầu tiêu dùng:

Dự báo khách du lịch sẽ đến với Đà Lạt trong các ngày diễn ra hoạt động kỷ niệm “Đà Lạt 125 năm hình thành và phát triển”, Tết dương lịch và Tết Nguyên đán Kỷ Hợi năm 2019 sẽ tăng; nhu cầu mua sắm tết của nhân dân tăng do thu nhập của người dân ngày càng cao. Dự báo nhu cầu tiêu dùng hàng hóa phục vụ dịp cuối năm 2018 và Tết Nguyên đán 2019 tăng so với năm trước khoảng 5-20% tùy nhóm mặt hàng (đặc biệt vào một số thời điểm nhất định như tuần tổ chức hoạt động kỷ niệm “Đà Lạt 125 năm hình thành và phát triển”, những ngày sát Tết cổ truyền nhu cầu có thể tăng cao).

3. Công tác chuẩn bị và cung ứng nguồn hàng:

a) Công tác chuẩn bị nguồn hàng của thương nhân trên địa bàn tỉnh:

- Nguồn hàng phục vụ nhu cầu thiết yếu của nhân dân và du khách trong dịp cuối năm 2018 và Tết Nguyên đán Kỷ Hợi năm 2019, thương nhân trên địa bàn tỉnh đã có kế hoạch dự trữ hàng hóa, ước giá trị dự trữ cho 3 nhóm hàng là 1.472 tỷ đồng, cụ thể như sau:

+ Nhóm lương thực: 30 tỷ đồng.

+ Nhóm thực phẩm: 1.140 tỷ đồng.

+ Nhóm thực phẩm tươi sống: 302 tỷ đồng.

b) Đơn vị, mặt hàng, địa điểm doanh nghiệp tham gia bình ổn thị trường:

- Tham gia đăng ký bán hàng bình ổn thị trường dịp cuối năm 2018 và Tết Nguyên đán Kỷ Hợi năm 2019, gồm có 03 đơn vị: Chi nhánh Công ty cổ phần Espace Business Huế tại Tp. Đà Lạt (Siêu thị Big C Đà Lạt), Công ty TNHH Sài Gòn Coop Bảo Lộc (Siêu thị Coop Bảo Lộc), Công ty cổ phần Thương mại Lâm Đồng. Gồm các mặt hàng: Gạo, đậu xanh, đậu nành, muối, đường, dầu ăn, bột ngọt, lạp xưởng, giò chả, nem chua, thịt nguội, bánh, mứt, kẹo, hạt dưa, thịt, sữa, cá, rau củ quả, trái cây. Với tổng giá trị ước đạt: 6 tỷ đồng. Thời gian thực hiện bình ổn: từ 15/01/2019 - 31/3/2019 tức từ ngày 10/12 năm Mậu Tuất đến ngày 26/02 năm Kỷ Hợi. Các điểm bán hàng bình ổn: khu vực bán hàng bình ổn tại Siêu thị Big C Đà Lạt và Siêu thị Coop Bảo Lộc; tại 03 cửa hàng của Công ty Thương mại Lâm Đồng là: Cửa hàng Bách hóa số 02 Nguyễn Văn Trỗi - Phường 1 - Đà Lạt, Quầy hàng 40-41 khu B chợ Đà Lạt, Quầy hàng Bách hóa 30 Nguyễn Văn Cừ - Phường 1 - Đà Lạt.

- Các mặt hàng bình ổn thị trường sẽ được các doanh nghiệp bán giá ổn định trong suốt thời gian bình ổn, niêm yết giá bán công khai, và cam kết bán đúng giá hoặc thấp hơn giá đăng ký.

(Chi tiết tại Phụ lục 1, 2 đính kèm)

c) Hoạt động bán hàng Việt về nông thôn, cung ứng hàng hóa về địa bàn xã

Trong tháng 12 năm 2018 và tháng 01 năm 2019, Công ty TNHH Sài Gòn Coop Bảo Lộc sẽ tổ chức các chuyến bán hàng Việt về nông thôn tại địa bàn 04 xã của huyện Di Linh và Bảo Lâm. Cụ thể: xã Tân Châu - huyện Di Linh, ngày 30/12/2018; xã Hòa Ninh - huyện Di Linh, ngày 06/01/2019; xã Tân Lâm - Di Linh, ngày 13/01/2019; và xã Lộc Tân - huyện Bảo Lâm, ngày 20/01/2019. Với các mặt hàng nhu yếu phẩm: thực phẩm công nghệ, hoá mỹ phẩm, đồ dùng gia đình và quần áo may sẵn. Nhằm phục vụ nhân dân vùng nông thôn.

4. Biện pháp bình ổn thị trường:

a) Hỗ trợ các doanh nghiệp đăng ký tham gia bình ổn thị trường với 03 nhóm mặt hàng là lương thực, thực phẩm chế biến, thực phẩm tươi sống nêu trên; Tuyên truyền về danh sách các đơn vị tham gia bình ổn thị trường, các mặt hàng bình ổn, địa điểm bán hàng bình ổn, giá bán ổn định,... trên các chương trình của Đài Phát thanh truyền hình Lâm Đồng, Báo Lâm Đồng, trang web Sở Công Thương; In và treo biển nhận diện điểm bán hàng bình ổn để người tiêu dùng nhận diện và tham gia mua sắm, gồm các thông tin: “ĐIỂM BÁN HÀNG BÌNH ỔN”, tên đơn vị/thương nhân, thời gian bình ổn, mặt hàng bình ổn. Yêu cầu các doanh nghiệp phải bán hàng bảo đảm chất lượng, đúng giá đăng ký, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, niêm yết giá và bán theo giá niêm yết, thực hiện đúng các cam kết với khách hàng.

b) Hỗ trợ các doanh nghiệp tổ chức các chuyến bán hàng Việt về nông thôn tại các xã, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa của tỉnh, với 100% là hàng Việt.

- Chính sách: Hỗ trợ 70% chi phí vận chuyển hàng hóa, nhân viên; chi phí nhân công thực hiện bán hàng Việt; chi phí về điện. Tạo điều kiện về mặt bằng cho các doanh nghiệp tổ chức bán hàng Việt.

- Hồ sơ đề nghị hỗ trợ gồm:

+ Văn bản đề nghị thanh toán tiền được hỗ trợ;

+ Bảng kê chứng từ thanh toán;

+ Hợp đồng vận chuyển hàng hóa, nhân viên giữa doanh nghiệp và đơn vị vận chuyển (bản phô tô công chứng);

+ Hóa đơn tài chính về vận chuyển hàng hóa, nhân viên (bản phô tô công chứng);

+ Xác nhận của UBND xã nơi doanh nghiệp đã tổ chức hoạt động bán hàng Việt;

+ Xác nhận của Phòng Kinh tế/Kinh tế Hạ tầng đối với hàng hóa là hàng Việt, được phép lưu thông trên thị trường;

+ Công lệnh của các cán bộ, nhân viên tham gia bán hàng Việt tại từng địa bàn;

+ Chứng từ liên quan về bảo đảm nguồn điện và điện năng tiêu thụ;

+ Báo cáo tình hình và kết quả thực hiện hoạt động bán hàng Việt tại từng địa bàn.

c) Hỗ trợ 100% lãi suất vay vốn cho doanh nghiệp tham gia bình ổn thị trường để mua hàng hóa bình ổn thị trường trong dịp tết Nguyên đán trong thời gian 04 tháng (từ ngày 12/11 âm lịch năm Mậu Tuất đến ngày 14/3 âm lịch năm Kỷ Hợi, tức từ ngày 18/12/2018 đến ngày 18/4/2019), mức lãi suất được hỗ trợ là lãi suất các doanh nghiệp vay vốn tại ngân hàng theo Hợp đồng tín dụng nhưng tối đa không vượt quá lãi suất do Ngân hàng Nhà nước quy định tại thời điểm.

Điều kiện đối với các đơn vị được hỗ trợ lãi suất vay vốn như sau:

+ Doanh nghiệp thực hiện tốt các quy định của pháp luật hiện hành, có kinh doanh mặt hàng bình ổn giá, ổn định và xuyên suốt trong thời gian thực hiện Chương trình.

+ Lựa chọn các doanh nghiệp đang hoạt động hoặc có chi nhánh, đại lý, điểm bán cố định,... trên địa bàn các huyện, thành phố trong tỉnh, đặc biệt là các huyện miền núi, vùng sâu, vùng xa.

+ Có bản đăng ký tham gia dự trữ và cung ứng hàng hóa ra thị trường, gồm mặt hàng, số lượng, giá cả; danh sách các điểm bán hàng bình ổn trên địa bàn tỉnh.

+ Có bản cam kết giá bán hàng hóa do đơn vị tham gia bình ổn xây dựng và đăng ký tại Sở Công thương theo nguyên tắc giá bán ổn định trong thời gian thực hiện.

+ Có phát sinh vay vốn tại các ngân hàng thương mại trong và ngoài tỉnh liên quan đến nguồn vốn mua hàng hóa tham gia bình ổn. Các khoản vay được hỗ trợ lãi suất là các khoản vay trả nợ trước và trong hạn tại thời điểm hỗ trợ lãi suất, không hỗ trợ lãi suất đối với các khoản vay quá hạn.

+ Tại các điểm bán hàng bình ổn thực hiện treo biển nhận diện điểm bán hàng bình ổn giá.

Hồ sơ để xem xét hỗ trợ lãi suất tiền vay ngân hàng bao gồm:

+ Văn bản đề nghị ngân sách nhà nước hỗ trợ lãi suất tiền vay ngân hàng của doanh nghiệp mua dự trữ hàng hóa (trong đó cung cp đầy đủ tên đơn vị, địa chỉ, mã số thuế và số tài khoản để cấp kinh phí hỗ trợ).

+ Bản sao có chứng thực Hợp đồng tín dụng, giấy nhận nợ giữa doanh nghiệp và ngân hàng thương mại nơi doanh nghiệp vay vốn để mua dự trữ hàng hóa tham gia bình ổn thị trường trong dịp tết Nguyên đán; chứng từ rút tiền và hóa đơn mua hàng hóa.

+ Bảng kê dư nợ vay ngân hàng để mua dự trữ hàng hóa và trả lãi vay ngân hàng phát sinh từ thời điểm mua theo quy định đến thời điểm xuất bán nhưng không quá thời hạn hết tháng 3 âm lịch năm Kỷ Hợi 2019, tức ngày 18 tháng 4 năm 2019 (bảng kê phải có xác nhận của Lãnh đạo ngân hàng thương mại nơi doanh nghiệp vay vốn).

+ Bảng tính toán lãi suất tiền vay ngân hàng mua dự trữ hàng hóa đề nghị được hỗ trợ.

III. KINH PHÍ

Tổng kinh phí thực hiện: 65.000.000 đồng, từ nguồn ngân sách tỉnh. Bằng chữ: Sáu mươi lăm triệu đồng. (Chi tiết kèm phụ lục 2).

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Công Thương

- Là cơ quan đầu mối tham mưu triển khai kế hoạch, chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương hướng dẫn các doanh nghiệp có kế hoạch chuẩn bị hàng hóa và tham gia bình ổn thị trường hàng hóa trong dịp Tết, đăng ký số lượng, chủng loại hàng hóa, cam kết giá bán hàng hóa, và các cam kết với khách hàng.

- Thực hiện hỗ trợ các doanh nghiệp tổ chức bán hàng Việt về nông thôn, in ấn và treo băng rôn nhận diện điểm bán hàng Việt; Phối hợp với Sở Tài chính xác định doanh nghiệp tham gia dự trữ hàng hóa để hỗ trợ lãi suất vay vốn cho doanh nghiệp thực hiện bình ổn thị trường hàng hóa thiết yếu trong dịp tết Nguyên đán có phát sinh vay vốn đề nghị hỗ trợ.

- Theo dõi tình hình cung - cầu, dự trữ hàng hóa thiết yếu trên địa bàn tỉnh trong những tháng cuối năm 2018 và Tết Nguyên đán Kỷ Hợi năm 2019 để tham mưu kịp thời các giải pháp điều tiết hàng hóa khi có dấu hiệu mất cân đối cung - cầu cục bộ trên địa bàn tỉnh.

- Theo dõi, kiểm tra, tổng hợp, báo cáo, đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo kịp thời.

- Phối hợp với Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố chỉ đạo Ban quản lý các chợ, các thương nhân kinh doanh hàng hóa trên địa bàn tích cực tham gia bình ổn thị trường hàng hóa trong dịp Tết Nguyên đán năm 2019.

- Phối hợp với các cơ quan truyền thông cung cấp thông tin kịp thời tới nhân dân về chủ trương bình ổn thị trường hàng hóa, các hoạt động bình ổn của các thương nhân, doanh nghiệp, danh sách các điểm bán hàng bình ổn trên địa bàn tỉnh biết, tham gia.

2. Sở Tài chính

- Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh bố trí kinh phí phục vụ chương trình bình ổn thị trường: nhận diện các điểm bán hàng bình ổn thị trường, hỗ trợ lãi suất, hỗ trợ hoạt động bán hàng Việt về nông thôn.

- Thường xuyên theo dõi, nắm bắt diễn biến giá cả thị trường của các mặt hàng thiết yếu trong dịp cuối năm 2018 và Tết Nguyên đán Kỷ Hợi năm 2019, báo cáo và đề xuất các biện pháp xử lý kịp thời các trường hợp biến động giá lớn, bất thường xảy ra.

- Hướng dẫn các doanh nghiệp về hồ sơ, thủ tục đề nghị hỗ trợ lãi suất vay theo hướng đơn giản, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn hỗ trợ lãi suất của tỉnh, thực hiện hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp khi có nhu cầu.

- Phối hợp với Sở Công Thương hướng dẫn, kiểm tra, giám sát, hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia bình ổn thị trường hàng hóa Tết Nguyên đán năm 2019.

3. Sở Thông tin truyền thông

Chỉ đạo các đơn vị thông tấn, báo chí thực hiện tuyên truyền chủ trương của Ủy ban nhân dân tỉnh về bình ổn giá cả thị trường dịp cuối năm 2018 và Tết Nguyên đán Kỷ Hợi năm 2019 trên các phương tiện thông tin đại chúng nhằm thông tin kịp thời tới người dân. Phối hợp với Sở Công Thương, Sở Tài chính và các đơn vị liên quan cập nhật và thông tin về tình hình thị trường, giá cả hàng hóa, các trường hợp vi phạm theo quy định.

4. Đài Phát thanh truyền hình tỉnh, Báo Lâm Đồng

Tăng cường công tác tuyên truyền chủ trương của Chính phủ, UBND tỉnh về chương trình bình ổn thị trường hàng hóa, các hoạt động tác động đến cung cầu trên thị trường, các trường hợp vi phạm như hàng gian, hàng giả,...để phục vụ nhân dân và du khách trong sinh hoạt và sản xuất. Mở chuyên mục thông tin hàng ngày về bình ổn thị trường hàng hóa từ nay đến hết Tết Nguyên đán Kỷ Hợi năm 2019.

5. Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh Lâm Đồng

Chỉ đạo, hướng dẫn các Ngân hàng thương mại tổ chức triển khai các chính sách hỗ trợ cho các thương nhân phân phối, các đơn vị tham gia bình ổn thị trường cho các mặt hàng thiết yếu của tỉnh để tiếp cận nguồn vốn vay với lãi suất ưu đãi.

Báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh thông qua Sở Công Thương về việc hỗ trợ nguồn vốn vay với lãi suất ưu đãi cho các thương nhân phân phối các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn tỉnh.

6. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố Đà Lạt và Bảo Lộc

- Chủ động triển khai công tác bình ổn thị trường hàng hóa tại địa phương; dự báo, theo dõi, đánh giá, và báo cáo tình hình thị trường hàng hóa (cung - cầu - giá cả các mặt hàng thiết yếu) phục vụ nhân dân, du khách dịp cuối năm 2018 và Tết Nguyên đán Kỷ Hợi năm 2019 trên địa bàn.

- Phổ biến, tuyên truyền chủ trương bình ổn thị trường hàng hóa, các hoạt động triển khai bình ổn thị trường, các điểm bán hàng bình ổn trong dịp tết Nguyên đán 2019 để các doanh nghiệp và nhân dân trên địa bàn biết, tham gia, mua sắm.

- Chỉ đạo, hướng dẫn các Ban quản lý chợ tuyên truyền, vận động, khuyến khích các thương nhân có kế hoạch chuẩn bị hàng hóa và đăng ký tham gia bình ổn thị trường hàng hóa trong dịp tết Nguyên đán năm 2019.

- Chỉ đạo, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi như về mặt bằng, an ninh trật tự, ...để các đơn vị tham gia bình ổn thị trường phát triển các điểm bán, bán hàng lưu động đến vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số.

- Kiểm tra, giám sát, phối hợp kiểm tra kiểm soát trong việc thực hiện các quy định của Nhà nước liên quan đến việc bán hàng bình ổn (đăng ký giá, niêm yết giá, bán hàng theo giá niêm yết, treo biển nhận dạng điểm bán hàng bình ổn) kịp thời xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật.

- Tổng hợp, báo cáo tình hình thị trường, cung - cầu, giá cả các hàng hóa thiết yếu trên địa bàn gửi Ủy ban nhân dân tỉnh thông qua Sở Công Thương tổng hợp báo cáo theo quy định. Cụ thể: Công tác dự báo và chuẩn bị hàng hóa dịp cuối năm 2018 và Tết Nguyên đán Kỷ Hợi năm 2019 trên địa bàn trước ngày 28/12/2018; Báo cáo tình hình thị trường, cung cầu giá cả hàng hóa dịp sát Tết Nguyên đán Kỷ Hợi năm 2019 trước ngày 30/01/2019; Báo cáo kết quả phục vụ Tết trước ngày 15/02/2019.

7. Các thương nhân phân phối hàng hóa

- Dự báo nhu cầu tiêu dùng dịp cuối năm 2018 và Tết Nguyên đán Kỷ Hợi năm 2019 (đặc biệt vào tuần tổ chức kỷ niệm “Đà Lạt 125 năm hình thành và phát triển”, Tết dương lịch, Tết nguyên đán 2019) để chuẩn bị hàng hóa đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu của nhân dân và du khách. Với các mặt hàng bảo đảm chất lượng, giá cả hợp lý, nguồn gốc rõ ràng.

- Tổ chức các điểm, khu vực bán hàng bình ổn thị trường để nhân dân và du khách nhận diện và tham gia mua sắm.

- Tích cực tổ chức các chuyến bán hàng Việt về nông thôn, đặc biệt tại các xã, vùng sâu, vùng xa trên toàn tỉnh nhằm tạo điều kiện cho nhân dân tiếp cận hàng hóa Việt uy tín, phục vụ tiêu dùng tết của nhân dân. Đồng thời, là dịp để doanh nghiệp giới thiệu, quảng bá thương hiệu doanh nghiệp và sản phẩm kinh doanh.

- Bố trí nhân lực và thời gian để phục vụ tốt nhất nhu cầu mua sắm của nhân dân và du khách nhất là những ngày sát và sau Tết cổ truyền.

- Thực hiện đăng ký kế hoạch dự trữ hàng hóa, tham gia bình ổn thị trường, giữ giá bán ổn định đối với mặt hàng bình ổn thị trường và báo cáo tình hình và kết quả phục vụ nhu cầu mua sắm của nhân dân và du khách về Sở Công Thương Lâm Đồng để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh.

Trong quá trình thực hiện Kế hoạch này, nếu có vướng mắc, các đơn vị báo cáo về Ủy ban nhân dân tỉnh (qua Sở Công Thương tổng hợp) để xử lý kịp thời.

(Đính kèm 02 phụ lục)./.

 

PHỤ LỤC 1

DANH SÁCH ĐỊA ĐIỂM BÁN HÀNG BÌNH ỔN THỊ TRƯỜNG DỊP TẾT NGUYÊN ĐÁN KỶ HỢI NĂM 2019
(Kèm theo Kế hoạch số 2588/KH-UBND ngày 18 tháng 12 năm 2018 của UBND tỉnh Lâm Đồng)

Stt

Doanh nghiệp

Địa điểm bán hàng

Mặt hàng bình ổn

Thời gian thực hiện

Ghi chú

1

CN Công ty CP Business Huế tại Đà Lạt

Tại Siêu thị Big C Đà Lạt

Đậu xanh, đậu nành, muối, đường, dầu ăn, bột ngọt, lạp xưởng, giò chả, nem chua, thịt nguội, bánh, mứt, kẹo, thịt, sữa, cá, rau củ quả.

20/12/2018-04/02/2019

Bán đúng giá hoặc thấp hơn giá đăng ký

2

Công ty TNHH Sài Gòn Coop Bảo Lộc

Siêu thị Coop Bảo Lộc

 

 

Bán đúng giá hoặc thấp hơn giá đăng ký

3

Công ty CP Thương mại Lâm Đồng

(1) Cửa hàng Bách hóa số 02 Nguyễn Văn Trỗi - Phường 1 - Đà Lạt;

(2) Quầy hàng 40-41 khu B chợ Đà Lạt;

(3) Quầy hàng Bách hóa 30 Nguyễn Văn Cừ - Phường 1 - Đà Lạt.

Lạp xưởng, giò chả các loại, nem chua, thịt nguội, xúc xích, tôm viên, bò viên, cá basa, gạo, sữa các loại.

15/01-31/3/2019

Bán đúng giá hoặc thấp hơn giá đăng ký

 

PHỤ LỤC 2

HỖ TRỢ HOẠT ĐỘNG BÁN HÀNG VIỆT VỀ NÔNG THÔN, HỖ TRỢ LÃI SUẤT VAY VỐN NGÂN HÀNG DỰ TRỮ HÀNG HÓA VÀ IN, TREO BĂNG RÔN NHẬN DIỆN ĐIỂM BÁN HÀNG VIỆT TRONG DỊP TẾT NGUYÊN ĐÁN KỶ HỢI NĂM 2019
(Kèm theo Kế hoạch số 2588/KH-UBND ngày 18 tháng 12 năm 2018 của UBND tỉnh Lâm Đồng)

Stt

Địa điểm bán hàng

Thời gian bán hàng

Ngân sách tỉnh hỗ trợ

Chi tiết nội dung hỗ trợ

I

Hoạt động bán hàng Việt về nông thôn: Công ty TNHH Sài Gòn Coop Bảo Lộc thực hiện

 

70% chi phí: Vận chuyển hàng hóa, nhân công bán hàng, điện (đồng)

 

1

Xã Tân Châu huyện Di Linh

30/12/2018

10.000.000

Theo Quyết định số 20/QĐ-UBND ngày 04/01/2018 của UBND tỉnh, hỗ trợ 70% chi phí cho doanh nghiệp với tổng số các chuyến hàng Việt về nông thôn không quá 10.000.000 đồng

2

Xã Hòa Ninh huyện Di Linh

06/01/2019

3

Xã Tân Lâm huyện Di Linh

13/01/2019

4

Xã Lộc Tân huyện Bảo Lâm

20/01/2019

II

Nhận diện điểm bán hàng bình ổn

 

 

 

 

In, treo băng rôn “ĐIỂM BÁN HÀNG BÌNH ỔN” tại 5 điểm

KT: 1mx8m

5.000.000

5 cái x 1.000.000đ/cái

III

Hỗ trợ lãi suất vay vốn ngân hàng dự trữ hàng hóa

 

50.000.000

 

 

Cộng

 

65.000.000