Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH PHƯỚC
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 26/2014/QĐ-UBND

Đồng Xoài, ngày 09 tháng 12 năm 2014

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY ĐỊNH XỬ LÝ VỀ TRÁCH NHIỆM ĐỐI VỚI CHỦ RỪNG, HẠT KIỂM LÂM, ỦY BAN NHÂN DÂN CẤP XÃ THIẾU KIỂM TRA, PHÁT HIỆN, NGĂN CHẶN HÀNH VI PHÁ RỪNG, PHÁT, ĐỐT RỪNG GÂY THIỆT HẠI RỪNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH PHƯỚC

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Ban hành Văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND ngày 03 tháng 12 năm 2004;

Căn cứ Luật Bảo vệ và Phát triển rừng ngày 03 tháng 12 năm 2004;

Căn cứ Luật Cán bộ, công chức ngày 13 tháng 11 năm 2008;

Căn cứ Luật Viên chức ngày 15 tháng 11 năm 2010;

Căn cứ Bộ luật Lao động ngày 18 tháng 6 năm 2012;

Căn cứ Nghị định số 23/2006/NĐ-CP ngày 03 tháng 3 năm 2006 của Chính phủ về thi hành Luật Bảo vệ và Phát triển rừng;

Căn cứ Nghị định số 157/2007/NĐ-CP ngày 27 tháng 10 năm 2007 của Chính phủ về quy định chế độ trách nhiệm đối với người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị của nhà nước trong thi hành nhiệm vụ, công vụ;

Căn cứ Nghị định số 34/2011/NĐ-CP ngày 17 tháng 5 năm 2011 của Chính phủ Quy định, về xử lý kỷ luật đối với công chức;

Căn cứ Nghị định số 27/2012/NĐ-CP ngày 06 tháng 4 năm 2012 của Chính phủ Quy định về xử lý kỷ luật viên chức và trách nhiệm bồi thường, hoàn trả của viên chức;

Căn cứ Quyết định số 07/2012/QĐ-TTg ngày 08 tháng 02 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ Ban hành một số chính sách tăng cường công tác bảo vệ rừng;

Căn cứ Thông tư liên tịch số 61/2008/TTLT-BNN-BNV ngày 15 tháng 5 năm 2008 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Nội vụ, hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện và nhiệm vụ quản lý Nhà nước của Ủy ban nhân dân cấp xã về Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 243/TTr-SNN ngày 13/11/2014,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1: Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định xử lý trách nhiệm đối với Chủ rừng, Hạt Kiểm lâm, Ủy ban nhân dân cấp xã thiếu kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn hành vi phá rừng, phát, đốt rừng gây thiệt hại rừng trên địa bàn tỉnh Bình Phước.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký và thay thế: Quyết định số 77/2008/QĐ-UBND ngày 25/11/2008 của Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quy định về trách nhiệm và xử lý trách nhiệm của chủ rừng, các cơ quan, tổ chức, cá nhân về bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh; Quyết định số 68/2010/QĐ-UBND ngày 12/11/2010 của Ủy ban nhân dân tỉnh điều chỉnh Quyết định số 77/2008/QĐ-UBND ngày 25/11/2008 của Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quy định về trách nhiệm và xử lý trách nhiệm của chủ rừng, các cơ quan, tổ chức, cá nhân về bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh.

Điều 3. Các ông (bà): Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc Sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Nội vụ; Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp xã có đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất; Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm; Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm; Giám đốc các Chủ rừng là Ban quản lý rừng, Công ty Cao su được giao đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:

- Văn phòng Chính phủ;
- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
- Cục Kiểm tra văn bản (Bộ Tư pháp);
- TTTU, TT HĐND, UBMTTQVN tỉnh;
- Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh;
- Chủ tịch, Phó Chủ tịch;
- Trung tâm Tin học - Công báo;
- Như Điều 3;
- Sở Tư pháp,
- LĐVP, Phòng KTN, NC - NgV;
- Lưu: VT.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
CHỦ TỊCH




Nguyễn Văn Trăm

 

QUY ĐỊNH

XỬ LÝ TRÁCH NHIỆM ĐỐI VỚI CHỦ RỪNG, HẠT KIỂM LÂM, ỦY BAN NHÂN DÂN CẤP XÃ THIẾU KIỂM TRA, PHÁT HIỆN, NGĂN CHẶN HÀNH VI PHÁ RỪNG, PHÁT ĐỐT RỪNG GÂY THIỆT HẠI RỪNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH PHƯỚC
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 26/2014/QĐ-UBND ngày 09 tháng 12 năm 2014 của UBND tỉnh)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Quy định này quy định xử lý về trách nhiệm do thiếu kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn hành vi phá rừng, phát đốt rừng gây thiệt hại rừng (từ đây gọi tắt là trách nhiệm bảo vệ rừng) trên địa bàn tỉnh Bình Phước.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Đối tượng áp dụng quy định này gồm:

1. Giám đốc hoặc Phó Giám đốc phụ trách lâm nghiệp của Chủ rừng là Ban quản lý rừng, Công ty Cao su là doanh nghiệp nhà nước được giao đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất (sau đây gọi tắt là Công ty Cao su), Nông lâm trường trực thuộc Công ty Cao su (sau đây gọi tắt là Nông lâm trường).

2. Công chức, viên chức, người lao động là nhân viên của Ban quản lý rừng, Công ty Cao su, Nông lâm trường được phân công nhiệm vụ là tiểu khu trưởng, cụm trưởng tiểu khu, đội trưởng, chốt trưởng, trạm trưởng (từ đây gọi tắt là Tiểu khu trưởng).

3. Hạt trưởng hoặc Phó Hạt trưởng phụ trách bảo vệ rừng Hạt Kiểm lâm.

4. Công chức Kiểm lâm thuộc Hạt Kiểm lâm cấp huyện được giao nhiệm vụ phụ trách địa bàn xã (từ đây gọi tắt là Kiểm lâm địa bàn).

5. Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch phụ trách lâm nghiệp Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn có đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

1. Thiệt hại về diện tích rừng:

Thiệt hại về diện tích rừng do phá rừng, cháy rừng, mất rừng được xác định qua hồ sơ vụ vi phạm của các cơ quan chức năng thiết lập hoặc kết luận thanh tra, kiểm tra của cơ quan có thẩm quyền.

2. Hành vi phá rừng, phát, đốt rừng gây thiệt hại rừng:

Hành vi phá rừng, phát, đốt rừng gây thiệt hại rừng là hành vi của con người thực hiện hành vi phá rừng trái pháp luật, phát, đốt rừng gây thiệt hại rừng với mục đích chiếm đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất để sản xuất hoặc sang nhượng đất trái phép.

3. Hạt Kiểm lâm: Bao gồm Hạt Kiểm lâm các huyện, thị xã; Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng Vườn Quốc gia.

Điều 4. Nguyên tắc xử lý về trách nhiệm bảo vệ rừng

1. Mọi trường hợp rừng bị thiệt hại do phá rừng trái pháp luật, phát, đốt rừng với mức thiệt hại về diện tích và không thực hiện quy định tại các Điều 7, 8, 9 của Quy định này đều phải xem xét trách nhiệm để xử lý kỷ luật theo Quy định này.

2. Một người chỉ phải chịu 01 hình thức kỷ luật về trách nhiệm đối với 01 vụ rừng bị thiệt hại do phá rừng trái pháp luật hoặc do phát, đốt rừng.

3. Trường hợp đang thi hành quyết định kỷ luật về trách nhiệm bảo vệ rừng mà tiếp tục bị xem xét, xử lý kỷ luật thì áp dụng hình thức kỷ luật mới nặng hơn so với hình thức kỷ luật đang thi hành theo quy định.

4. Miễn trừ xử lý trách nhiệm những trường hợp sau:

a) Rừng bị phá, bị phát đốt khi người có trách nhiệm đang trong thời gian nghỉ việc được thủ trưởng cơ quan đơn vị cho phép.

b) Đối tượng phá rừng, phát, đốt rừng với số lượng đông, người có trách nhiệm đã phát hiện kịp thời, vận động, ngăn chặn nhưng đối tượng phá rừng cố ý chống đối, dùng số đông để áp đảo và tiếp tục thực hiện hành vi phá rừng, phát, đốt rừng.

c) Người có trách nhiệm thực hiện đúng nhiệm vụ được giao, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, lập biên bản vi phạm phá rừng, phát, đốt rừng và báo cáo với cấp trên trực tiếp để tổ chức ngăn chặn, xử lý nhưng người lãnh đạo trực tiếp đã chậm trễ hoặc làm ngơ để mặc cho hành vi vi phạm tiếp diễn.

Điều 5. Tình tiết giảm nhẹ

1. Người có trách nhiệm chậm phát hiện hành vi vi phạm nhưng đã cố gắng thực hiện các biện pháp ngăn chặn, hạn chế hậu quả vi phạm.

2. Việc phá rừng, phát, đốt rừng xảy ra ở vùng sâu, vùng xa, điều kiện giao thông, thông tin, phát hiện có nhiều khó khăn.

3. Vi phạm có tổ chức, thực hiện trong thời gian ngắn, người có trách nhiệm không thể kịp thời ngăn chặn.

Điều 6. Tình tiết tăng nặng

1. Người đã bị xử lý trách nhiệm tái phạm.

2. Vị trí rừng bị phá, phát đốt rừng ở gần trụ sở làm việc, trên đường đi lại hàng ngày mà không kịp thời phát hiện, ngăn chặn.

3. Báo cáo sai sự thật, báo cáo giảm diện tích rừng bị thiệt hại dưới mức quy định nhằm tránh bị xử lý trách nhiệm.

4. Không chấp hành chỉ đạo của cấp trên trong việc thực hiện các biện pháp kiểm tra, ngăn chặn phá rừng, phát đốt rừng.

Chương II

XỬ LÝ VỀ TRÁCH NHIỆM BẢO VỆ RỪNG

Điều 7. Xét xử lý về trách nhiệm bảo vệ rừng đối với Tiểu khu trưởng

Xét xử lý về trách nhiệm bảo vệ rừng đối với Tiểu khu trưởng để rừng bị thiệt hại với mức độ về diện tích như sau:

1. Đối với rừng phòng hộ, rừng sản xuất: Từ 0,3 ha trở lên/1 vụ vi phạm;

2. Đối với rừng đặc dụng: Từ 0,2 ha trở lên/1 vụ vi phạm.

Điều 8. Xét xử lý về trách nhiệm bảo vệ rừng đối với Kiểm lâm địa bàn

Xét xử lý về trách nhiệm bảo vệ rừng đối với Kiểm lâm địa bàn để rừng bị thiệt hại với mức độ về diện tích như sau:

1. Đối với rừng sản xuất, rừng phòng hộ: Từ 0,9 ha trở lên/1 vụ vi phạm;

2. Đối với rừng đặc dụng: Từ 0,6 ha trở lên/1 vụ vi phạm.

Điều 9. Xét xử lý về trách nhiệm bảo vệ rừng đối với Giám đốc hoặc Phó Giám đốc phụ trách lâm nghiệp Ban quản lý rừng, Công ty Cao su, Nông lâm trường; Hạt trưởng hoặc Phó Hạt trưởng phụ trách bảo vệ rừng Hạt Kiểm lâm; Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch phụ trách lâm nghiệp Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn

Xét xử lý về trách nhiệm bảo vệ rừng đối với Giám đốc hoặc Phó Giám đốc phụ trách lâm nghiệp Ban quản lý rừng, Công ty Cao su, Nông lâm trường; Hạt trưởng hoặc Phó Hạt trưởng phụ trách bảo vệ rừng Hạt Kiểm lâm; Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch phụ trách lâm nghiệp Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn không căn cứ vào mức thiệt hại diện tích rừng, mà căn cứ vào ý thức trách nhiệm, công tác chỉ đạo, điều hành hoạt động quản lý, bảo vệ rừng trên lâm phận, địa bàn được giao quản lý, bảo vệ theo từng vụ vi phạm; cụ thể như sau:

1. Không thực hiện đầy đủ nhiệm vụ, chức trách về bảo vệ rừng theo quy định của pháp luật, theo Quy chế, Quy định của cơ quan, đơn vị.

2. Không lập và tổ chức thực hiện kế hoạch, phương án bảo vệ rừng, phòng chống cháy rừng.

3. Không tổ chức, phân công, bố trí lực lượng bảo vệ rừng.

4. Không thường xuyên kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ bảo vệ rừng của công chức, viên chức thuộc quyền.

5. Không kịp thời ứng phó, đối phó với tình hình phá rừng tại các điểm nóng.

6. Để liên tục xảy ra mất rừng do phá rừng trái pháp luật, phát đốt cháy rừng trên lâm phận, địa bàn được giao quản lý, bảo vệ.

7. Bao che, không xử lý kỷ luật về trách nhiệm bảo vệ rừng đối với công chức, viên chức thuộc quyền.

8. Báo cáo không đúng sự thật, báo cáo giảm diện tích rừng bị phá, bị cháy so với thực tế.

9. Không chấp hành chỉ đạo của cấp trên trong việc thực hiện các biện pháp kiểm tra, ngăn chặn phá rừng.

Điều 10. Các hình thức kỷ luật

Khi thiệt hại về diện tích rừng ở mức quy định tại Điều 7, 8 và không thực hiện các quy định tại Điều 9 của Quy định này thì tùy theo tính chất, mức độ và các tình tiết của vụ việc mà xem xét xử lý kỷ luật một hình thức kỷ luật trong các hình thức kỷ luật sau đây:

1. Các hình thức kỷ luật đối với đối tượng quy định tại Điều 2 là cán bộ, công chức, viên chức: Theo quy định của Luật Cán bộ công chức và Luật Viên chức.

2. Các hình thức kỷ luật đối với đối tượng quy định tại Điều 2 là lao động hợp đồng: Khiển trách; kéo dài thời hạn nâng lương không quá 06 tháng.

Điều 11. Thẩm quyền xử lý kỷ luật về trách nhiệm bảo vệ rừng

1. Thẩm quyền xử lý kỷ luật về trách nhiệm bảo vệ rừng đối với cán bộ, công chức, viên chức được thực hiện theo phân cấp thẩm quyền quản lý.

2. Thẩm quyền xử lý kỷ luật về trách nhiệm bảo vệ rừng đối với người lao động theo chế độ hợp đồng lao động do người sử dụng lao động thực hiện.

3. Việc xử lý kỷ luật phải đúng trình tự, thủ tục quy định của pháp luật.

Chương III

TỔ CHỨC THỰC HỆN

Điều 12. Tổ chức thực hiện

1. Các Chủ rừng có trách nhiệm xây dựng quy định, quy chế bảo vệ rừng của đơn vị với nội dung, nhiệm vụ cụ thể, chi tiết cho từng bộ phận gián tiếp trực tiếp bảo vệ rừng nhằm nâng cao trách nhiệm bảo vệ rừng và thuận lợi trong công tác kiểm tra, giám sát và xử lý trách nhiệm. Triển khai thực hiện nghiêm Quy định này; xử lý và đề nghị xử lý trách nhiệm bảo vệ rừng của đơn vị theo thẩm quyền.

2. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã có trách nhiệm chỉ đạo, kiểm tra việc thực hiện Quy định này; theo dõi, chỉ đạo xử lý kỷ luật về trách nhiệm bảo vệ rừng đối với các Ban quản lý rừng trực thuộc, Ủy ban nhân dân cấp xã, Hạt Kiểm lâm.

3. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm phối hợp với UBND các huyện, thị xã theo dõi, đôn đốc thực hiện xử lý kỷ luật về trách nhiệm bảo vệ rừng đối với các chủ rừng, các đơn vị trực thuộc.

4. Chi cục Kiểm lâm

a) Thông qua kết quả theo dõi diễn biến rừng hàng năm, có trách nhiệm thống kê tình hình rừng bị thiệt hại do phá rừng trái pháp luật, phát, đốt rừng; đề nghị cơ quan, đơn vị có chức trách, nhiệm vụ bảo vệ rừng thực hiện xử lý kỷ luật về trách nhiệm bảo vệ rừng theo quy định; Chỉ đạo, thực hiện xử lý kỷ luật về trách nhiệm bảo vệ rừng đối với Kiểm lâm.

b) Định kỳ 06 tháng, tổng hợp, tham mưu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh tình hình xử lý trách nhiệm bảo vệ rừng theo Quy định này.

5. Các Hạt Kiểm lâm.

a) Chỉ đạo, phối hợp với các đơn vị có liên quan thiết lập đầy đủ hồ sơ các vụ phá rừng trái pháp luật, phát đốt rừng gây thiệt hại rừng theo trình tự, thủ tục pháp luật quy định; Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm phải chịu trách nhiệm về các trường hợp vi phạm về bảo vệ rừng nhưng không kịp thời lập hồ sơ hoặc lập hồ sơ không đúng quy định.

b) Thực hiện xử lý kỷ luật về trách nhiệm bảo vệ rừng đối với Kiểm lâm địa bàn và tham mưu Chi cục Kiểm lâm, Ủy ban nhân dân huyện xử lý kỷ luật về trách nhiệm trên địa bàn quản lý.

c) Theo dõi, cập nhật đầy đủ và báo cáo cho UBND huyện, Chi cục Kiểm lâm tình hình xử lý kỷ luật về trách nhiệm bảo vệ rừng trên địa bàn huyện.

6. Trong quá trình thực hiện nếu có những phát sinh, không phù hợp, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng hợp báo cáo và đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định điều chỉnh, bổ sung./.