UỶ BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 26/2019/QĐ-UBND | Phú Thọ, ngày 31 tháng 12 năm 2019 |
BAN HÀNH QUY ĐỊNH PHÂN CẤP QUẢN LÝ CÔNG TRÌNH THỦY LỢI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH PHÚ THỌ
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH PHÚ THỌ
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Thủy lợi ngày 19 tháng 6 năm 2017;
Căn cứ Nghị định số 129/2017/NĐ-CP ngày 16 tháng 11 năm 2017 của Chính phủ quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng thủy lợi;
Căn cứ Nghị định số 67/2018/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Thủy lợi;
Căn cứ Nghị định số 114/2018/NĐ-CP ngày 04 tháng 9 năm 2018 của Chính phủ về quản lý an toàn đập, hồ chứa nước;
Căn cứ Thông tư số 05/2018/TT-BNNPTNT ngày 15 tháng 5 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định chi tiết một số điều của Luật Thủy lợi;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 225/TTr-SNN ngày 25 tháng 12 năm 2019.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định phân cấp quản lý công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh Phú Thọ.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 01 năm 2020. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Thủ trưởng các sở, ban, ngành; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã; Giám đốc Công ty TNHH Nhà nước một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Phú Thọ và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: | TM. UỶ BAN NHÂN DÂN |
PHÂN CẤP QUẢN LÝ CÔNG TRÌNH THUỶ LỢI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH PHÚ THỌ
(Ban hành kèm theo Quyết định số 26/2019/QĐ-UBND ngày 31 tháng 12 năm 2019 của Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Thọ)
Quy định việc phân cấp quản lý các công trình thủy lợi được đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước hoặc có nguồn gốc từ ngân sách Nhà nước đã được đưa vào khai thác, sử dụng.
Quy định này áp dụng đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động quản lý công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh Phú Thọ.
Điều 3. Nguyên tắc phân cấp quản lý công trình thủy lợi
1. Đảm bảo theo quy định tại Điều 11, Điều 13 Luật Tổ chức chính quyền địa phương.
2. Việc quản lý công trình thủy lợi phải đảm bảo tính hệ thống từ công trình đầu mối tới hệ thống kênh mương, củng cố vững chắc mối quan hệ giữa các tổ chức, hộ gia đình và cá nhân trong quá trình quản lý công trình thuỷ lợi.
3. Giữ sự ổn định trong quá trình quản lý, khai thác và bảo vệ nhằm đáp ứng được yêu cầu sản xuất nông nghiệp và đời sống kinh tế - xã hội của nhân dân.
4. Phân cấp quản lý công trình thủy lợi thực hiện đồng thời với việc củng cố, kiện toàn, nâng cao năng lực tổ chức thủy lợi cơ sở. Tăng cường vai trò của chính quyền địa phương và người dân trong việc tham gia quản lý, khai thác và bảo vệ, nhằm phát huy hiệu quả công trình thủy lợi.
PHÂN CẤP QUẢN LÝ CÔNG TRÌNH THỦY LỢI
Điều 4. Phân cấp quản lý công trình thủy lợi
1. Ủy ban nhân dân tỉnh quản lý các công trình thủy lợi lớn, công trình thủy lợi mà việc khai thác, bảo vệ liên quan đến 02 đơn vị cấp huyện trở lên.
2. Phân cấp cho Ủy ban nhân dân các huyện, thành, thị (sau đây gọi chung là cấp huyện) quản lý các công trình thủy lợi không thuộc quy định tại khoản 1 Điều này.
3. Đối với các công trình do Công ty TNHH Nhà nước một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Phú Thọ đang quản lý đã tính thành phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp thì thực hiện quản lý theo quy định tại Điều 7 Nghị định số 129/2017/NĐ-CP ngày 16 tháng 11 năm 2017.
4. Tiêu chí phân loại công trình thủy lợi để làm cơ sở cho việc phân cấp quản lý thực hiện theo quy định tại Nghị định số 67/2018/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Thủy lợi và Nghị định số 114/2018/NĐ-CP ngày 04 tháng 9 năm 2018 của Chính phủ về quản lý an toàn đập, hồ chứa nước.
5. Ủy ban nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định phương thức khai thác công trình thủy lợi theo quy định tại Điều 23 Luật Thủy lợi; Điều 15 Nghị định số 129/2017/NĐ-CP ngày 16 tháng 11 năm 2017.
1. Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt phương án bảo vệ và phê duyệt, công bố quy trình vận hành đối với công trình thủy lợi được quy định tại khoản 1, Điều 4 quy định này.
2. Phân cấp cho Ủy ban nhân dân cấp huyện phê duyệt phương án bảo vệ và phê duyệt, công bố quy trình vận hành đối với công trình thủy lợi trên địa bàn quản lý trừ công trình thủy lợi thuộc quy định tại khoản 1 Điều này và công trình thủy lợi nhỏ.
Điều 6. Trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân
1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
a) Là chủ quản lý các công trình thủy lợi do Ủy ban nhân dân tỉnh quản lý; tham mưu giúp Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện quyền, trách nhiệm của Chủ sở hữu công trình thủy lợi theo quy định của Luật Thủy lợi và các quy định khác của pháp luật có liên quan;
b) Hướng dẫn các địa phương, đơn vị có liên quan được giao quản lý, khai thác công trình thủy lợi thực hiện có hiệu quả các quy định của pháp luật.
c) Hằng năm, xây dựng kế hoạch để kiểm tra công tác quản lý, khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh.
d) Đôn đốc các địa phương thành lập, củng cố, kiện toàn, bổ sung năng lực tổ chức thủy lợi cơ sở; đôn đốc Công ty TNHH Nhà nước một thành viên Khai thác công trình Phú Thọ thực hiện củng cố, kiện toàn tổ chức, bộ máy theo quy định.
đ) Phối hợp với Ủy ban nhân dân các cấp, Công ty TNHH Nhà nước một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Phú Thọ trong công tác đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho lực lượng tham gia quản lý, khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi đảm bảo năng lực theo quy định.
e) Xây dựng kế hoạch duy tu, sửa chữa thường xuyên; sửa chữa, cải tạo nâng cấp các công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh hằng năm và từng giai đoạn, trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt.
f) Hằng năm, tổng hợp tình hình quản lý, khai thác, sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng thủy lợi báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo quy định.
g) Thực hiện các nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật.
2. Sở Tài chính
a) Chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh bố trí vốn sự nghiệp để duy tu, sửa chữa, nâng cấp các công trình thủy lợi;
b) Thực hiện các nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật.
3. Sở Kế hoạch và Đầu tư
Chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng hợp danh mục đầu tư xây dựng công trình thủy lợi theo đề xuất của các sở, ngành, địa phương vào danh mục đầu tư công trung hạn và theo từng giai đoạn; tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh lồng ghép các nguồn vốn, đề xuất các chính sách, cơ chế ưu đãi, hỗ trợ thu hút đầu tư để phát triển hạ tầng thủy lợi.
4. Sở Tài nguyên và Môi trường
Chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn các đơn vị lập phương án khai thác, sử dụng và bảo vệ tài nguyên nước theo quy định của pháp luật.
5. Ủy ban nhân dân cấp huyện
a) Thực hiện quyền và trách nhiệm của chủ sở hữu công trình theo quy định của Luật Thủy lợi và các quy định của pháp luật có liên quan.
b) Giao cơ quan chuyên môn có chức năng quản lý Nhà nước về thủy lợi trực thuộc (phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đối với Ủy ban nhân dân huyện; phòng Kinh tế đối với Ủy ban nhân dân thành phố Việt Trì và thị xã Phú Thọ) là chủ quản lý các công trình thủy lợi do Ủy ban nhân dân cấp huyện quản lý.
c) Chỉ đạo triển khai thực hiện các nhiệm vụ quy định tại Nghị định số 129/2017/NĐ-CP ngày 16 tháng 11 năm 2017; hằng năm, tổng hợp tình hình quản lý, khai thác, sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng thủy lợi đối với những công trình được phân cấp quản lý gửi về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trước ngày 20 tháng 02 để tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo quy định.
d) Chỉ đạo, đôn đốc thực hiện công tác lựa chọn, ký kết hợp đồng với các tổ chức, cá nhân khai thác công trình thủy lợi theo phương thức đấu thầu hoặc đặt hàng; giám sát, nghiệm thu việc cung cấp và sử dụng sản phẩm, dịch vụ thủy lợi.
đ) Chỉ đạo, đôn đốc thành lập, củng cố, kiện toàn tổ chức thủy lợi cơ sở theo quy định tại Nghị định số 67/2018/NĐ-CP ngày 16 tháng 11 năm 2017 của Chính phủ, Thông tư số 05/2018/TT-BNNPTNT ngày 15 tháng 5 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các quy định của pháp luật có liên quan.
e) Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các đơn vị khai thác quản lý tốt công trình thủy lợi trên địa bàn; xem xét, đề nghị cấp có thẩm quyền cải tạo, sửa chữa, nâng cấp các công trình thủy lợi theo quy định.
f) Thực hiện các nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật.
6. Công ty TNHH Nhà nước một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Phú Thọ
a) Thực hiện quyền và trách nhiệm của chủ quản lý công trình theo quy định tại khoản 2 Điều 22 Luật Thủy lợi.
b) Tổng hợp tình hình quản lý, sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng thủy lợi đối với những công trình thủy lợi được giao quản lý, khai thác gửi về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trước ngày 20 tháng 02 hằng năm để tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo quy định.
c) Thực hiện củng cố, kiện toàn tổ chức, bộ máy theo quy định tại Chương III Nghị định số 67/2018/NĐ-CP ngày 16 tháng 11 năm 2017.
d) Thực hiện các nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật.
7. Các tổ chức, các nhân khác
a) Tổ chức thủy lợi cơ sở, hộ gia đình, cá nhân được giao khai thác công trình thủy lợi có trách nhiệm quản lý, khai thác công trình thủy lợi đảm bảo theo đúng quy định của pháp luật.
b) Thực hiện củng cố, kiện toàn tổ chức, bộ máy theo quy định tại Chương III Nghị định số 67/2018/NĐ-CP ngày 16 tháng 11 năm 2017; khoản 1 Thông tư số 05/2018/TT-BNNPTNT ngày 15 tháng 5 năm 2018.
c) Thực hiện các nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật.
Đối với các công trình thủy lợi đã giao cho các tổ chức, cá nhân khai thác trước ngày Quy định này có hiệu lực (trừ những công trình do Công ty TNHH Nhà nước một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Phú Thọ đang quản lý đã tính thành phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp) thì có trách nhiệm bàn giao toàn bộ hồ sơ có liên quan cho tổ chức, cá nhân mới tiếp nhận ngay sau khi hợp đồng ký kết giữa các bên hết thời hạn thi hành.
Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu có vướng mắc hoặc có những nội dung cần sửa đổi, bổ sung đề nghị các sở, ngành, Ủy ban nhân dân cấp huyện và các tổ chức, cá nhân có liên quan kịp thời phản ánh về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định./.
- 1 Quyết định 30/2019/QĐ-UBND quy định về phân cấp quản lý công trình thủy lợi và vị trí điểm giao nhận sản phẩm, dịch vụ thủy lợi trên địa bàn tỉnh Yên Bái
- 2 Quyết định 51/2019/QĐ-UBND quy định về phân cấp quản lý công trình thủy lợi, đê điều trên địa bàn tỉnh Long An
- 3 Nghị định 114/2018/NĐ-CP về quản lý an toàn đập, hồ chứa nước
- 4 Thông tư 05/2018/TT-BNNPTNT hướng dẫn Luật Thủy lợi do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
- 5 Nghị định 67/2018/NĐ-CP hướng dẫn Luật Thủy lợi
- 6 Nghị định 129/2017/NĐ-CP về quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng thủy lợi
- 7 Luật Thủy lợi 2017
- 8 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015
- 9 Luật tổ chức chính quyền địa phương 2015
- 10 Quyết định 26/2000/QĐ-UB về phân cấp quản lý công trình thủy lợi và cơ chế chính sách đầu tư xây dựng kiên cố hóa kênh mương do tỉnh Lạng Sơn ban hành
- 1 Quyết định 26/2000/QĐ-UB về phân cấp quản lý công trình thủy lợi và cơ chế chính sách đầu tư xây dựng kiên cố hóa kênh mương do tỉnh Lạng Sơn ban hành
- 2 Quyết định 51/2019/QĐ-UBND quy định về phân cấp quản lý công trình thủy lợi, đê điều trên địa bàn tỉnh Long An
- 3 Quyết định 30/2019/QĐ-UBND quy định về phân cấp quản lý công trình thủy lợi và vị trí điểm giao nhận sản phẩm, dịch vụ thủy lợi trên địa bàn tỉnh Yên Bái
- 4 Quyết định 07/2021/QĐ-UBND quy định về phân cấp quản lý công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh Gia Lai