TỔNG CỤC HẢI QUAN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 261/QĐ-HQQN | Quảng Ninh, ngày 11 tháng 05 năm 2016 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC BAN HÀNH NỘI QUY PHÒNG CHỐNG CHÁY NỔ TẠI TRỤ SỞ CỤC HẢI QUAN TỈNH QUẢNG NINH
CỤC TRƯỞNG CỤC HẢI QUAN TỈNH QUẢNG NINH
Căn cứ Luật phòng cháy, chữa cháy số 27/2001/QH10 ngày 29/6/2001; Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật phòng cháy, chữa cháy số 40/2013/QH12 ngày 22/11/2013;
Căn cứ Nghị định 79/2014/NĐ-CP ngày 31/7/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật phòng cháy, chữa cháy và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng cháy, chữa cháy;
Căn cứ Thông tư số 66/2014/TT-BCA ngày 16/12/2014 của Bộ Công an hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định 79/2014/NĐ-CP ngày 31/7/2014;
Căn cứ Quyết định số 1027/QĐ-BTC ngày 11/05/2010 của Bộ Tài chính quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Hải quan tỉnh, liên tỉnh và thành phố trực thuộc trung ương;
Xét đề nghị của Chánh văn phòng,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Nội quy phòng chống cháy nổ tại trụ sở Cục Hải quan tỉnh Quảng Ninh.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.
Điều 3. Chánh văn phòng, Trưởng các đơn vị thuộc Cục, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm tra sau thông quan; Đội trưởng Đội Kiểm soát số 2; toàn thể CBCC, người lao động và khách đến làm việc tại trụ sở Cục chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| KT. CỤC TRƯỞNG |
NỘI QUY
PHÒNG CHỐNG CHÁY NỔ TẠI TRỤ SỞ CỤC HẢI QUAN TỈNH QUẢNG NINH
(Ban hành kèm theo QĐ số 261/QĐ-HQQN ngày 11/05/2016 của Cục Hải quan tỉnh)
Để đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản và an ninh trật tự, an toàn trong cơ quan, Cục Hải quan tỉnh ban hành Nội quy phòng chống cháy nổ tại Trụ sở Cục Hải quan tỉnh như sau:
I. Quy định chung:
1. Công tác phòng chống cháy nổ trong cơ quan là trách nhiệm của toàn thể CBCC, người lao động và khách đến làm việc tại khu vực trụ sở Cục.
2. Cán bộ, công chức, người lao động trong cơ quan có trách nhiệm tham gia xử lý và giải quyết khi có sự cố cháy nổ xảy ra.
3. Tất cả CBCC, người lao động đều có trách nhiệm sắp xếp nơi làm việc gọn gàng ngăn nắp, bảo quản và đảm bảo an toàn về tài liệu, tài sản đã được cơ quan trang cấp phục vụ công tác chuyên môn.
4. Văn phòng Cục có trách nhiệm phối hợp thường xuyên với phòng Tài vụ Quản trị, Tổ chức cán bộ chuẩn bị đầy đủ lực lượng các điều kiện, phương tiện phục vụ công tác phòng chống cháy nổ.
II. Quy định cụ thể:
1. Các trang thiết bị điện, chất đốt, dầu được sử dụng:
- Bao gồm các trang thiết bị được trang cấp gắn với công trình, trụ sở, nơi làm việc; các máy móc, thiết bị điện được trang cấp để phục vụ cho hoạt động công tác chuyên môn của cơ quan, đơn vị.
- Các thiết bị đun nóng nước uống phải là thiết bị chuyên sử dụng trong nhà hoặc trong văn phòng.
- Các thiết bị và phụ kiện dùng ga phải đồng bộ, còn hạn sử dụng, không bị hiện tượng gỉ sét, móp, nứt, khi lắp ghép phải kín, không bị rò rỉ khí ga.
- Khi rót dầu vào máy phát điện phải cách xa mọi nguồn gây lửa, gây nhiệt; nếu để rơi vãi phải thực hiện làm khô sạch ngay; hạn chế tối đa chứa đựng đầu dự trữ trong khu vực làm việc.
2. Nghiêm cấm các hành vi:
- Sử dụng các trang thiết bị như: bếp điện, bàn là, máy sưởi và các dụng cụ cá nhân khác không thuộc thiết bị, tài sản của cơ quan trang cấp tại trụ sở cơ quan, nơi làm việc.
- Để các vật gây cản trở các lối đi lại, các lối thoát nạn hoặc che khuất các biển chỉ dẫn thoát nạn, các phương tiện chữa cháy.
- Mang chất gây nổ, gây cháy vào trong trụ sở làm việc. Trường hợp khi mang bình khí ga vào phục vụ bếp ăn của cơ quan, nạp khí ga bổ sung cho máy điều hòa nhiệt độ, Văn phòng có trách nhiệm giám sát, kiểm tra chặt chẽ, đảm bảo an toàn.
- Sử dụng lửa, các thiết bị, dụng cụ sinh ra lửa, các nguồn nhiệt, hóa chất và các chất dễ cháy nổ tại các khu vực có nguy hiểm về cháy nổ như: nơi lắp đặt tủ điện tổng, phòng lắp đặt máy chủ, kho lưu trữ, khu vực máy phát điện, gara để ô tô, xe máy và những nơi có vật liệu dễ cháy.
- Các hành vi khác về PCCC của pháp luật có liên quan và của ngành, cơ quan.
3. Trách nhiệm của CBCC, người lao động:
3.1. Cán bộ, công chức người lao động làm việc tại trụ sở Cục Hải quan tỉnh có trách nhiệm kiểm tra phát hiện kịp thời các trường hợp hở, dò điện, chập điện, các dây dẫn, ổ cắm, phích cắm điện, không đảm bảo an toàn tại nơi làm việc và báo cho Lãnh đạo Văn phòng để kịp thời xử lý, khắc phục; hết giờ làm việc theo quy định hoặc trong giờ hành chính nhưng không làm việc tại phòng, trước khi ra khỏi phòng, cần kiểm tra và thực hiện ngắt cầu dao điện, Actomatt, công tắc, rút đầu cắm các thiết bị sử dụng điện ra khỏi ổ cắm điện ở bảng điện; tuyệt đối không để các chất dẫn cháy gần phích cắm, ổ cắm và các thiết bị điện như: hồ sơ, tài liệu, thùng đựng rác, vật liệu nhựa, vải...
3.2. Nhân viên kỹ thuật điện nước thuộc Văn phòng: hàng ngày có trách nhiệm kiểm tra ổ cắm công tắc, đóng ngắt các cầu giao điện tổng tại các tầng khi hết giờ làm việc; thường xuyên kiểm tra tình trạng hoạt động của hệ thống báo cháy tự động tại trụ sở cơ quan, kiểm tra mức độ tiêu thụ điện tránh quá tải đường dây, kịp thời phát hiện và xử lý những hiện tượng không bình thường, có thể gây chập cháy do điện gây ra, đồng thời báo cáo Lãnh đạo Văn phòng để chỉ đạo, khắc phục đảm bảo an toàn; khi vận hành hệ thống điều hòa tổng phục vụ các cuộc họp, hội nghị tại Hội trường, phòng hội thảo phải thường trực theo dõi tình trạng hoạt động của máy để kịp thời xử lý khi có sự cố kỹ thuật xảy ra; thường xuyên kiểm tra, theo dõi báo cáo lãnh đạo Văn phòng nguồn điện cung cấp giữa các pha để đảm bảo an toàn đối với tủ điện tổng của cơ quan;
3.3. Nhân viên lễ tân, tạp vụ: sắp xếp bàn ghế, tài sản gọn gàng, khoa học, để xa nơi có khả năng gây cháy; kiểm tra, theo dõi, phát hiện kịp thời các biểu hiện, sự cố liên quan đến sử dụng điện có thể gây chập cháy tại địa điểm, khu vực được phân công quản lý.
3.4. Nhân viên cấp dưỡng cơ quan: thường xuyên kiểm tra an toàn các thiết bị điện tại phòng thờ và khu vực bếp ăn tập thể; các phụ kiện dùng ga, hệ thống van, dây dẫn ga từ bình ga lên bếp ga, kịp thời phát hiện xử lý khi có sự cố xảy ra.
3.5. Bảo vệ trực cơ quan: kiểm soát chặt chẽ người vào cơ quan, tuyệt đối không để mang các chất cháy, chất nổ trái phép vào cơ quan; quản lý kiểm tra hệ thống điện phòng bảo vệ, hệ thống camera giám sát... Có trách nhiệm kiểm tra, theo dõi, phát hiện kịp thời các biểu hiện, sự cố có thể gây chập điện, cháy trong cơ quan; thường xuyên kiểm tra khu vực để phương tiện nhằm sớm phát hiện và ngăn chặn hiện tượng cháy, rò nhiên liệu của phương tiện.
3.6. Công chức được giao trách nhiệm quản lý kho lưu trữ hồ sơ, tài liệu; kho cất giữ tài sản, văn phòng phẩm: phải thường xuyên kiểm tra hệ thống điện, khi ra khỏi kho, phải ngắt cầu dao, tắt công tắc điện, cầu chì để giảm rủi ro gây mất an toàn ở mức thấp nhất.
3.7. Lái xe: không tự ý lắp đặt thêm các thiết bị điện, phụ kiện khác không đúng theo thiết kế; tuân thủ quy trình vận hành bảo trì bảo dưỡng định kỳ đối với xe ô tô được giao quản lý sử dụng; thường xuyên kiểm tra phương tiện, kịp thời phát hiện, xử lý khi có dấu hiệu bất thường xảy ra; trang bị bình chữa cháy cho xe ô tô theo quy định của luật PCCC.
III. Tổ chức thực hiện.
1. Văn phòng Cục có trách nhiệm tham mưu xây dựng các văn bản triển khai các quy định, hướng dẫn về công tác PCCC và đôn đốc, giám sát việc thực hiện Nội quy này.
2. Phòng Tài vụ Quản trị có trách nhiệm phối hợp với Chánh văn phòng chỉ đạo kiểm tra các trang thiết bị phục vụ công tác PCCC tại trụ sở Cục; kịp thời thay thế, trang cấp các thiết bị phòng cháy, chữa cháy, đảm bảo sẵn sàng phục vụ công tác chữa cháy khi có tình huống xảy ra.
3. Trưởng các đơn vị thuộc Cục, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm tra sau thông quan, Đội trưởng Đội kiểm soát Hải quan số 2 có trách nhiệm quán triệt, đôn đốc, kiểm tra CBCC, người lao động nghiêm túc thực hiện nội quy theo quy định.
4. Tổ kiểm tra kỷ luật kỷ cương tại Cục thường xuyên kiểm tra việc chấp hành nội quy về công tác phòng chống cháy nổ của CBCC, người lao động./.
- 1 Quyết định 17/2016/QĐ-UBND quy định mức hỗ trợ thường xuyên và trang bị phương tiện phòng cháy và chữa cháy cho lực lượng dân phòng trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh
- 2 Công văn 3124/UBND-XDGT năm 2015 về rà soát, chấn chỉnh công tác quản lý, giám sát đảm bảo trật tự an toàn giao thông, an toàn lao động, phòng chống cháy nổ và vệ sinh môi trường khi thi công Dự án tuyến đường sắt đô thị do Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội ban hành
- 3 Thông tư 66/2014/TT-BCA hướng dẫn Nghị định 79/2014/NĐ-CP hướng dẫn Luật Phòng cháy và chữa cháy và Luật Phòng cháy và chữa cháy sửa đổi do Bộ Công an ban hành
- 4 Công văn 9187/UBND-CT năm 2014 tăng cường công tác phòng chống cháy nổ trong các Khu công nghiệp và các Cụm Công nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội
- 5 Nghị định 79/2014/NĐ-CP hướng dẫn Luật Phòng cháy và chữa cháy và Luật Phòng cháy và chữa cháy sửa đổi
- 6 Chỉ thị 10/CT-UBND năm 2014 tăng cường thực hiện công tác an toàn, vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ ngành công thương do tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu ban hành
- 7 Luật phòng cháy, chữa cháy sửa đổi 2013
- 8 Quyết định 1027/QĐ-BTC năm 2010 về quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Hải quan tỉnh, liên tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành
- 9 Luật phòng cháy và chữa cháy 2001
- 1 Quyết định 17/2016/QĐ-UBND quy định mức hỗ trợ thường xuyên và trang bị phương tiện phòng cháy và chữa cháy cho lực lượng dân phòng trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh
- 2 Công văn 3124/UBND-XDGT năm 2015 về rà soát, chấn chỉnh công tác quản lý, giám sát đảm bảo trật tự an toàn giao thông, an toàn lao động, phòng chống cháy nổ và vệ sinh môi trường khi thi công Dự án tuyến đường sắt đô thị do Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội ban hành
- 3 Công văn 9187/UBND-CT năm 2014 tăng cường công tác phòng chống cháy nổ trong các Khu công nghiệp và các Cụm Công nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội
- 4 Chỉ thị 10/CT-UBND năm 2014 tăng cường thực hiện công tác an toàn, vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ ngành công thương do tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu ban hành