BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 2612/QĐ-BGTVT | Hà Nội, ngày 24 tháng 10 năm 2012 |
BỘ TRƯỞNG BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
Căn cứ Nghị định số 51/2008/NĐ-CP ngày 22/4/2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giao thông vận tải;
Căn cứ Quyết định số 2228/QĐ-BGTVT ngày 14/9/2012 cửa Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải bổ sung Chương trình xây dựng các đề án chiến lược, quy hoạch, đề án khác của Bộ Giao thông vận tải năm 2012;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt kèm theo Quyết định này Đề án Nâng cao ý thức trách nhiệm, đạo đức công vụ của cán bộ, công chức, viên chức ngành Giao thông vận tải.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Điều 3. Chánh Văn phòng Bộ, Chánh Thanh tra Bộ, Vụ trưởng các Vụ, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: | BỘ TRƯỞNG |
NÂNG CAO Ý THỨC TRÁCH NHIỆM, ĐẠO ĐỨC CÔNG VỤ CỦA CÁN BỘ, CÔNG CHỨC,
VIÊN CHỨC NGÀNH GIAO THÔNG VẬN TẢI
(Ban hành kèm theo Quyết định số 2612/QĐ-BTGVT ngày 24 tháng 10 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải)
MỤC LỤC
Phần 1 - MỞ ĐẦU
1. Sự cần thiết phải xây dựng Đề án
2. Cơ sở pháp lý để xây dựng Đề án
Phần 2 - NỘI DUNG ĐỀ ÁN
I. ĐÁNH GIÁ THỰC TRẠNG VỀ Ý THỨC TRÁCH NHIỆM, ĐẠO ĐỨC CÔNG VỤ CỦA CB, CC, VC NGÀNH GTV
1. Việc thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật liên quan ý thức trách nhiệm, đạo đức công vụ của cán bộ, công chức, viên chức ngành Giao thông vận tải
2. Thực trạng về ý thức trách nhiệm, đạo đức công vụ
II. NGUYÊN NHÂN CỦA TỒN TẠI, YẾU KÉM
III. MỤC TIÊU, GIẢI PHÁP NÂNG CAO Ý THỨC, TRÁCH NHIỆM, ĐẠO ĐỨC CÔNG VỤ CỦA CB, CC, VC NGÀNH GTVT
1. Mục tiêu của đề án
1.1. Mục tiêu chung
1.2. Mục tiêu cụ thể
2. Nhiệm vụ, giải pháp triển khai trong thời gian tới
2.1. Xây dựng, hoàn thiện các quy định về thực hiện chế độ trách nhiệm của CBCC thuộc Bộ GTVT trong thi hành nhiệm vụ, công vụ; rà soát, bổ sung, sửa đổi các quy định nội bộ về quy trình, thủ tục hành chính
2.2. Sửa đổi, bổ sung một số nội dung trong công tác quản lý cán bộ
2.3. Tăng cường và bổ sung các nội dung đào tạo, bồi dưỡng CB, CC, VC
2.4. Tổ chức các hoạt động tuyên truyền, phong trào thi đua
2.5. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý hành chính
2.6. Tăng cường công tác thanh tra công vụ
Phần 3 - TỔ CHỨC THỰC HIỆN
I. PHÂN CÔNG TRÁCH NHIỆM THỰC HIỆN ĐỀ ÁN
1. Vụ tổ chức cán bộ
2. Vụ Pháp chế
3. Văn phòng Bộ
4. Thanh tra Bộ
5. Trung tâm Công nghệ thông tin
6. Trường Cán bộ quản lý GTVT
7. Các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ GTVT
II. TIẾN ĐỘ THỰC HIỆN ĐỀ ÁN
III. KINH PHÍ THỰC HIỆN ĐỀ ÁN
Phần 4 - KIẾN NGHỊ, KẾT LUẬN
I. Kiến nghị
II. Kết luận
1. Sự cần thiết phải xây dựng Đề án
Giao thông vận tải (GTVT) là một ngành sản xuất đặc biệt của nền kinh tế quốc dân, đáp ứng yêu cầu quan trọng trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội của đất nước. Muốn hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Đảng và nhân dân giao phó, ngành GTVT ngoài việc xác định đúng mục tiêu, có chính sách đúng đắn, trang bị máy móc thiết bị hiện đại thì cần phải nâng cao chất lượng cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của ngành. Đặc biệt, trong giai đoạn hiện nay, khi ngành GTVT đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức thì vai trò của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức (CB, CC, VC) càng phải được quan tâm đề cao.
Tại Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư BCH TƯ Đảng (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” đã đề ra 3 nội dung lớn, trong đó chú trọng việc nâng cao đạo đức cán bộ, đảng viên, vai trò công tác cán bộ và trách nhiệm của người đứng đầu. Mặt khác, Luật Cán bộ, công chức cũng quy định: trong khi thi hành công vụ, cán bộ, công chức có nghĩa vụ thực hiện đúng, đầy đủ và chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao; có ý thức kỷ luật; nghiêm chỉnh chấp hành nội quy, quy chế của cơ quan. Với việc ban hành Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức, chế định công chức và đạo đức công vụ đã góp phần xây dựng các chuẩn mực đạo đức - pháp lý đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nói chung và ngành GTVT nói riêng.
Có thể thấy rằng, đại bộ phận đội ngũ cán bộ, công chức của ngành GTVT đã vượt qua nhiều khó khăn, thử thách, cố gắng thực hiện và phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ, giữ vững đạo đức, phẩm chất cách mạng, có ý thức tổ chức kỷ luật và tinh thần trách nhiệm, chấp hành sự phân công của tổ chức, có lối sống lành mạnh, gắn bó với nhân dân. Mặc dù gặp nhiều khó khăn và chịu tác động phức tạp trong điều kiện chuyển đổi kinh tế - xã hội nhưng đội ngũ cán bộ, công chức đã góp phần đóng vai trò quyết định những thành tựu của ngành, góp phần đáng kể vào sự nghiệp đổi mới đất nước. Tuy nhiên, một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức thiếu tu dưỡng, rèn luyện bản thân, phai nhạt lý tưởng, mất cảnh giác, giảm sút ý chí, kém ý thức tổ chức kỷ luật, tha hóa về đạo đức, lối sống; né tránh, thiếu bản lĩnh đấu tranh với những hành vi quan liêu, tham nhũng, tiêu cực. Một số khác chưa thực sự lấy việc phục vụ nhân dân làm mục tiêu hàng đầu, làm thước đo chủ yếu nhất cho mức độ và kết quả thực hiện nhiệm vụ của mình. Từ đó, dẫn đến tình trạng quan liêu, cửa quyền, sách nhiễu, gây phiền hà đối với nhân dân. Như vậy, cùng với việc nâng cao trình độ, năng lực của cán bộ, công chức, viên chức thì việc đề cao yếu tố đạo đức, tìm các giải pháp nâng cao đạo đức công vụ có ý nghĩa rất cơ bản và quan trọng đối với đất nước nói chung cũng như ngành GTVT nói riêng trong giai đoạn hiện nay.
Từ những vấn đề trên cho thấy, việc xây dựng và triển khai thực hiện Đề án: “Nâng cao ý thức trách nhiệm, đạo đức công vụ của cán bộ, công chức, viên chức ngành Giao thông vận tải” là rất cần thiết.
2. Cơ sở pháp lý để xây dựng Đề án
- Luật Phòng, chống tham nhũng ngày 29/11/2005;
- Luật Thực hành tiết kiệm chống lãng phí ngày 29/11/2005;
- Luật Cán bộ, công chức ngày 13/11/2008;
- Luật Viên chức được Quốc hội thông qua ngày 15/11/2010, có hiệu lực ngày 01/01/2012;
- Nghị định số 71/1998/NĐ-CP ngày 08/9/1998 của Chính phủ Ban hành Quy chế thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan;
- Chỉ thị số 32/2006/CT-TTg ngày 07/9/2006 của Thủ tướng Chính phủ về một số biện pháp cần làm ngay để chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương hành chính trong giải quyết công việc của người dân và doanh nghiệp;
- Quyết định số 129/2007/QĐ-TTg ngày 02/8/2007 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế văn hóa công sở tại các cơ quan hành chính nhà nước;
- Chỉ thị số 05/2008/CT-TTg ngày 31/01/2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc nâng cao hiệu quả sử dụng thời giờ làm việc của cán bộ, công chức, viên chức nhà nước;
- Quyết định số 643/QĐ-BGTVT ngày 26/3/2012 của Bộ trưởng Bộ GTVT ban hành Quy chế làm việc của Bộ GTVT;
- Quyết định số 2534/QĐ-BGTVT ngày 18/8/2008 của Bộ trưởng Bộ GTVT ban hành Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức làm việc trong ngành GTVT.
I. ĐÁNH GIÁ THỰC TRẠNG VỀ Ý THỨC TRÁCH NHIỆM, ĐẠO ĐỨC CÔNG VỤ CỦA CB, CC, VC NGÀNH GTVT
1. Việc thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật liên quan ý thức trách nhiệm, đạo đức công vụ của cán bộ, công chức, viên chức ngành Giao thông vận tải
* Các văn bản quy phạm pháp luật liên quan ý thức trách nhiệm, đạo đức công vụ của cán bộ, công chức, viên chức ngành Giao thông vận tải
Trong những năm qua, Quốc hội đã ban hành các văn bản Luật có liên quan đến vấn đề ý thức trách nhiệm, đạo đức công vụ của cán bộ, công chức, viên chức như:
- Luật Phòng, chống tham nhũng; Luật Thực hành tiết kiệm chống lãng phí ngày 29/11/2005 có quy định:
+ Quy tắc ứng xử là các chuẩn mực xử sự của cán bộ, công chức, viên chức trong thi hành nhiệm vụ, công vụ và trong quan hệ xã hội, bao gồm những việc phải làm hoặc không được làm, phù hợp với đặc thù công việc của từng nhóm cán bộ, công chức, viên chức và từng lĩnh vực hoạt động công vụ, nhằm bảo đảm sự liêm chính và trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức;
+ Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức được công khai để nhân dân giám sát việc chấp hành;
+ Quy tắc đạo đức nghề nghiệp là chuẩn mực xử sự phù hợp với đặc thù của từng nghề bảo đảm sự liêm chính, trung thực và trách nhiệm trong việc hành nghề.
- Luật Cán bộ, công chức ngày 13/11/2008 có quy định:
+ Thực hiện đúng, đầy đủ và chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao;
+ Có ý thức tổ chức kỷ luật; nghiêm chỉnh chấp hành nội quy, quy chế của cơ quan, tổ chức, đơn vị; báo cáo người có thẩm quyền khi phát hiện hành vi vi phạm pháp luật trong cơ quan, tổ chức, đơn vị; bảo vệ bí mật nhà nước;
+ Chủ động và phối hợp chặt chẽ trong thi hành công vụ; giữ gìn đoàn kết trong cơ quan, tổ chức, đơn vị,
- Luật Viên chức được Quốc hội thông qua ngày 15/11/2010, có hiệu lực thi hành ngày 01/01/2012 quy định về viên chức phải:
+ Có ý thức tổ chức kỷ luật và trách nhiệm trong hoạt động nghề nghiệp; thực hiện đúng các quy định, nội quy, quy chế làm việc của đơn vị sự nghiệp công lập. Bảo vệ bí mật nhà nước; giữ gìn và bảo vệ của công, sử dụng hiệu quả, tiết kiệm.
+ Tu dưỡng, rèn luyện đạo đức nghề nghiệp, thực hiện quy tắc ứng xử của viên chức.
Ngoài ra, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quy chế văn hóa công sở tại các cơ quan hành chính nhà nước tại Quyết định số 129/2007/QĐ-TTg ngày 02/8/2007 nhằm mục đích: bảo đảm tính trang nghiêm và hiệu quả hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước; xây dựng phong cách ứng xử chuẩn mực của cán bộ, công chức, viên chức trong hoạt động công vụ, hướng tới mục tiêu xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có phẩm chất đạo đức tốt, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Căn cứ vào các văn bản pháp lý trên, Bộ GTVT đã xây dựng Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức làm việc trong ngành GTVT ban hành kèm theo Quyết định số 2534/QĐ-BGTVT ngày 18/8/2008; Quy chế làm việc của Bộ Giao thông vận tải ban hành theo Quyết định số 643/QĐ-BGTVT ngày 20/3/2012 và nhiều văn bản khác liên quan, nhằm nâng cao ý thức tổ chức kỷ luật của cán bộ, công chức, viên chức, đảm bảo sự nghiêm túc, trách nhiệm, sự chuẩn mực trong giao tiếp và giải quyết công việc, ngăn ngừa và phòng chống tham nhũng, thực hiện thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
* Thực trạng việc triển khai thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật liên quan ý thức trách nhiệm, đạo đức công vụ của cán bộ, công chức, viên chức ngành Giao thông vận tải
Qua thực tế triển khai thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến ý thức trách nhiệm, đạo đức công vụ tại các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Giao thông vận tải; các cơ quan, đơn vị đều đánh giá hệ thống văn bản quy phạm pháp luật này tương đối đầy đủ, tạo hành lang pháp lý cho cán bộ, công chức, viên chức ngành GTVT trong quá trình thực thi công vụ và nhiệm vụ.
Tuy nhiên, các quy định trên vẫn tiếp tục phải hoàn thiện để đáp ứng với yêu cầu, nhiệm vụ và phù hợp với từng cơ quan, đơn vị trong tình hình mới. Cần đánh giá việc tổ chức thực hiện, đề xuất sửa đổi, bổ sung “Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức làm việc trong ngành GTVT” (Quy tắc ứng xử) ban hành kèm theo Quyết định số 2534/QĐ-BGTVT ngày 18/8/2008 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, do căn cứ pháp lý để ban hành quy tắc ứng xử là Pháp lệnh cán bộ, công chức (sửa đổi, bổ sung năm 2003) hết hiệu lực và đã được thay thế bởi 2 văn hóa bản mới, đó là: Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức dẫn đến một số quy định trong quy tắc ứng xử này không còn phù hợp.
Để thống nhất về Quy tắc ứng xử cần phải sửa đổi, bổ sung một số quy định trong quy tắc ứng xử như: bổ sung thêm phần nguyên tắc chung của cán bộ, công chức, viên chức trong thi hành nhiệm vụ, công vụ và trong quan hệ xã hội. Ngoài ra, nên phân biệt rõ phần trách nhiệm và nghĩa vụ của cán bộ, công chức, viên chức cho phù hợp với quy định của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức.
Bên cạnh đó, trong thời gian qua việc quán triệt, hướng dẫn, tổ chức thực hiện Quy tắc ứng xử chưa được đồng bộ; việc kiểm tra, giám sát CB, CC, VC trong cơ quan, đơn vị thực hiện Quy tắc chưa được triệt để và chưa gắn kết được với các chế tài xử lý đối với CB, CC, VC vi phạm.
2. Thực trạng về ý thức trách nhiệm, đạo đức công vụ của CB, CC, VC ngành GTVT
Đạo đức công vụ là những giá trị đạo đức và chuẩn mực pháp lý được áp dụng cho những đối tượng cụ thể - cán bộ, công chức, viên chức trong lĩnh vực hoạt động công vụ. Người cán bộ, công chức, viên chức có đạo đức công vụ là thể hiện lương tâm và trách nhiệm của mình vì lợi ích chung và lợi ích của người khác, ý thức rõ về cái cần phải làm và mong muốn được làm vì những lợi ích đó. Ngay từ khi thành lập Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặt vấn đề phảỉ làm sao cho tất cả cán bộ, công chức từ Chính phủ đến làng xã đều là công bộc của nhân dân, đều phải tận tụy phục vụ nhân dân. Người luôn nhấn mạnh và khẳng định, đạo đức là cái gốc của người cách mạng, của cán bộ, công chức; và đòi hỏi mỗi người, nhất là người cán bộ cách mạng, phải có đạo đức cách mạng, phải kết hợp chặt chẽ phẩm chất và năng lực, hồng và chuyên, đức và tài, trong đó đức là gốc: “Cũng như sông thì có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân”.
Trong điều kiện xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân và tiến hành cải cách hành chính nhà nước, vai trò của đạo đức công vụ là hết sức quan trọng. Do đó, Nhà nước ta đã từng bước xây dựng và hoàn thiện các chuẩn mực đạo đức - pháp lý cho hành vi công chức trong hoạt động công vụ. Tuy chưa có đạo luật về đạo đức công vụ, nhưng đạo đức cán bộ, công chức, viên chức đã được quy định, cụ thể hóa trong các văn bản pháp luật như: Luật Cán bộ, công chức; Luật viên chức, Luật Phòng chống tham nhũng...
Với những quy định pháp lý về đạo đức cán bộ, công chức, viên chức, có thể thấy rằng, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ngành GTVT đã vượt qua nhiều khó khăn, thử thách, cố gắng thực hiện và phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ được giao, giữ vững đạo đức, phẩm chất cách mạng, có ý thức tổ chức kỷ luật và tinh thần trách nhiệm, chấp hành sự phân công của tổ chức, lối sống lành mạnh. Mặc dù, ngành GTVT đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức nhưng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ngành GTVT đã đóng góp vai trò quyết định những thành tựu của sự nghiệp đổi mới đất nước liên quan đến lĩnh vực của ngành.
Tuy nhiên, một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức nói chung và đối với ngành GTVT nói riêng còn biểu hiện thiếu tu dưỡng, rèn luyện bản thân, phai nhạt lý tưởng, mất cảnh giác, giảm sút ý chí, ý thức tổ chức kỷ luật kém. Một bộ pnận cán bộ, công chức né tránh, thiếu bản lĩnh đấu tranh với những hành vi quan liêu, tham nhũng, tiêu cực. Một số cán bộ, công chức nhà nước, chưa thực sự lấy việc phục vụ nhân dân làm mục tiêu hàng đầu, làm thước đo chủ yếu nhất cho mức độ và kết quả thực hiện nhiệm vụ của mình. Từ đó, dẫn đến tình trạng quan liêu, cửa quyền, sách nhiễu và lợi dụng chức trách, thẩm quyền được Nhà nước và nhân dân giao phó, làm biến dạng những giá trị và tiêu chuẩn đích thực của người cán bộ, rơi vào chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, thực dụng. Nghị quyết Trung ương 3, khóa VIII, nhận định: “Một bộ phận cán bộ thoái hóa biến chất về đạo đức, lối sống, lợi dụng chức quyền để tham nhũng, buôn lậu, làm giàu bất chính, lãng phí của công; quan liêu, ức hiếp dân, gia trưởng độc đoán; có tham vọng cá nhân, cục bộ, kèn cựa địa vị, cơ hội, kém ý thức tổ chức kỷ luật, phát ngôn và làm việc tùy tiện, gây mất đoàn kết nội bộ nghiêm trọng”. Đánh giá thực trạng đạo đức cán bộ, đảng viên, Đại hội X khẳng định: “Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, bệnh cơ hội, chủ nghĩa cá nhân và tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí trong một bộ phận cán bộ, công chức diễn ra nghiêm trọng”. Nghị quyết số 12-NQ/TW Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay nêu rõ: “Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với những biểu hiện khác nhau về sự phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc.
Qua khảo sát các số liệu báo cáo của ngành GTVT, trong giai đoạn từ năm 2001 đến 2011, Đảng bộ GTVT đã phát hiện và xử lý kỷ luật 186 cán bộ thuộc Đảng bộ có biểu hiện suy thoái về phẩm chất; trong đó cán bộ là 73 đồng chí (chiếm 39%) với 37 đồng chí là người đứng đầu (chiếm 20%).
Nghiêm trọng hơn, trong thời gian 2006 - 2011 tại các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ đã có 11 vụ/44 người bị khởi tố về tội tham nhũng, trong đó, điển hình là vụ án tham nhũng xảy ra ở Ban quản lý dự án 18 (PMU 18) các cơ quan chức năng đã khởi tố hình sự 11 người, xử lý hành chính kỷ luật 12 người; hơn nữa còn có 8 vụ án đã đưa ra xét xử, bị kết án tham nhũng 32 người; năm 2012 tại các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ, cơ quan điều tra đã khởi tố 33 vụ án, khởi tố 06 bị can, tạm giam 05 bị can, 01 bị can bị truy nã, xử lý hành chính 02 vụ/ 5 người (Theo số liệu của Phòng Thanh tra 4 - Bộ GTVT).
Với đặc thù của ngành GTVT hàng năm được nhà nước giao số lượng vốn rất lớn để thực hiện đầu tư xây dựng, duy trì hoạt động của hạ tầng giao thông...; Bộ GTVT tham gia quản lý nhiều lĩnh vực tiềm ẩn nguy cơ tiêu cực, lãng phí, dễ xảy ra tham nhũng, như: quản lý đầu tư xây dựng; quản lý các nguồn thu, chi ngân sách, quản lý trạm thu phí, trạm kiểm tra trọng tải, đăng kiểm phương tiện, đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe v.v... Chính vì vậy, vấn đề khắc phục tình trạng suy thoái, xuống cấp về đạo đức; xây dựng đạo đức, lối sống lành mạnh trong cán bộ, công chức, viên chức; khích lệ tinh thần yêu mến nghề nghiệp và làm việc với lương tâm, trách nhiệm, danh dự của người cán bộ công chức xã hội chủ nghĩa nhằm đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước của ngành, đang trở thành nhiệm vụ hết sức cấp bách đối với ngành GTVT.
II. NGUYÊN NHÂN CỦA TỒN TẠI, YẾU KÉM
Tìm hiểu thực trạng của những khuyết, nhược điểm về phẩm chất đạo đức của cán bộ, công chức ta thấy có phần do một số nguyên nhân khách quan, trong đó có sự tác động của những nhân tố tiêu cực của tình hình thế giới đến tư tưởng, tình cảm của cán bộ, công chức. Nhưng chủ yếu vẫn là do những nguyên nhân chủ quan, có thể nêu ra một số nguyên nhân chính sau đây:
- Chưa quan tâm đầy đủ đến việc bồi dưỡng, giáo dục về tinh thần trách nhiệm cho cán bộ, công chức cũng như xử lý các vi phạm đạo đức của cán bộ, công chức chưa nghiêm đã dẫn đến hạn chế kết quả răn đe, giáo dục;
- Còn thiếu những quy định cụ thể về chế độ trách nhiệm của cán bộ, công chức phù hợp với đặc thù ngành GTVT;
- Còn một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức xem thường những chuẩn mực đạo đức, nhân cách, nên thiếu nghiêm khắc với bản thân, không thường xuyên rèn luyện, tu dưỡng, dùi mài tinh thần trách nhiệm; mắc bệnh quan liêu, mệnh lệnh, chủ quan, tự tư, tự lợi, tư tưởng cục bộ, địa phương; chưa chú trọng việc nghiên cứu, học tập để nâng cao kiến thức pháp luật; chưa coi đó là một bộ phận hợp thành kiến thức, trình độ, năng lực của người cán bộ, công chức. Điều lưu ý là trong quá trình thực thi công vụ, nhiệm vụ, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của ngành ít được bồi dưỡng, kiểm tra, sát hạch về trình độ hiểu biết và chấp hành pháp luật;
- Cơ chế quản lý, kiểm tra, giám sát của tổ chức và thủ trưởng trực tiếp cũng như của nhân dân đối với hoạt động của cán bộ, công chức còn hạn chế, chưa thường xuyên, nghiêm túc và thiếu đồng bộ, Lãnh đạo của nhiều cơ quan hành chính thiếu tinh thần trách nhiệm trong quản lý cán bộ, công chức;
- Trong tổ chức chỉ đạo thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước, chưa có quy định rõ ràng về trách nhiệm của cơ quan chủ trì và trách nhiệm của các cơ quan phối hợp. Do đó, khi mắc khuyết điểm thiếu tinh thần trách nhiệm, không hoàn thành nhiệm vụ thì không cơ quan nào, không người nào chịu trách nhiệm chính và bị xử lý kỷ luật;
- Công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm cũng như khen thưởng, động viên kịp thời liên quan đến thực thi công vụ của CB, CC, VC chưa thực sự được quan tâm đúng mức.
III. MỤC TIÊU, GIẢI PHÁP NÂNG CAO Ý THỨC, TRÁCH NHIỆM, ĐẠO ĐỨC CÔNG VỤ CỦA CB, CC, VC NGÀNH GTVT
1. Mục tiêu của đề án
1.1. Mục tiêu chung
Nhằm nâng cao nhận thức về ý thức trách nhiệm, đạo đức công vụ và kỹ năng thực thi công vụ và nhiệm vụ của cán bộ, công chức, viên chức ngành GTVT để góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nước nói chung và quản lý ngành GTVT nói riêng, tạo chuyển biến mạnh mẽ và sâu rộng về ý thức tự tu dưỡng, rèn luyện, nâng cao đạo đức công vụ, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tệ nạn tham nhũng, tiêu cực.
1.2. Mục tiêu cụ thể
- Hoàn thiện hệ thống các quy định của ngành và từng cơ quan, đơn vị về đạo đức công vụ, kỹ năng thực thi công vụ và nhiệm vụ; về qui trình, thủ tục hành chính nhằm kiên quyết loại bỏ những khâu trung gian, những thủ tục rườm rà, chồng chéo, những hiện tượng tiêu cực làm suy thoái đạo đức lối sống của cán bộ, công chức, viên chức.
- Thiết lập cơ chế kiểm tra, giám sát một cách thường xuyên, độc lập, khách quan trong nội bộ mỗi cơ quan đơn vị của ngành, khắc phục tình trạng khép kín, thiếu công khai, minh bạch dễ phát sinh tiêu cực trong việc giải quyết các thủ tục hành chính.
- Chấn chỉnh, nâng cao tinh thần, thái độ, ý thức phục vụ của cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi công vụ, nhiệm vụ đặc biệt là người có quan hệ trực tiếp với cá nhân, doanh nghiệp và tổ chức.
- Góp phần thực hiện nghiêm túc việc quy trách nhiệm liên đới đối với người đứng đầu các cơ quan, đơn vị để xảy ra việc cán bộ, công chức, viên chức thuộc quyền quản lý trực tiếp của mình có hành vi gây nhũng nhiễu, phiền hà trong việc tiếp nhận và giải quyết công việc của người dân và doanh nghiệp.
- Góp phần hình thành đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của ngành GTVT có phẩm chất đạo đức công vụ, có kỹ năng nghề nghiệp tốt, có ý thức trách nhiệm cao trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao.
2. Nhiệm vụ, giải pháp triển khai trong thời gian tới
2.1. Xây dựng, hoàn thiện các văn hóa bản quy phạm pháp luật, văn bản hành chính quy định chế độ trách nhiệm của CBCC, các quy định về quy trình, thủ tục hành chính
- Xây dựng các quy định về thực hiện chế độ trách nhiệm của CBCC thuộc Bộ GTVT trong thi hành nhiệm vụ, công vụ. Trong đó, áp dụng các hình thức trách nhiệm đối với công chức trong thi hành nhiệm vụ, công vụ; thực hiện chế độ trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị khi để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý, phụ trách.
- Đánh giá việc tổ chức thực hiện “Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức làm việc trong ngành GTVT” ban hành theo Quyết định số 2534/QĐ-BGTVT ngày 18/8/2008 của Bộ trưởng Bộ GTVT và nghiên cứu sửa đổi bổ sung phù hợp với quy định của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức và các quy định của pháp luật hiện hành.
- Tiếp tục thực hiện triển khai Quy chế thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan được ban hành tại Nghị định số 71/1998/NĐ-CP ngày 08/9/1998 của Thủ tướng Chính phủ nhằm nhằm tạo cơ sở pháp lý cho việc phát huy quyền làm chủ, sức sáng tạo và tinh thần trách nhiệm của cán bộ, công chức trong việc hoàn thành nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị; tăng cường kỷ cương, kỷ luật, phòng ngừa và chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, quan liêu, góp phần xây dựng cơ quan, đơn vị và đội ngũ cán bộ, công chức ngành Giao thông vận tải trong sạch, vững mạnh.
- Tiến hành rà soát, bổ sung, sửa đổi các quy định nội bộ về quy trình, thủ tục hành chính không còn phù hợp, gây phiền hà cho việc tiếp nhận và xử lý công việc; loại bỏ những khâu trung gian, những thủ tục rườm rà, chồng chéo, những loại giấy tờ không cần thiết; công khai hóa, minh bạch hóa các quy định về trình tự, thủ tục hành chính liên quan đến việc giải quyết công việc.
- Tiếp tục nghiên cứu, xây dựng kế hoạch áp dụng tiêu chuẩn ISO trong hoạt động của cơ quan Bộ theo Quyết định số 144/2006/QĐ-TTg ngày 20/6/2006 của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2000 trong các cơ quan hành chính nhà nước, bao gồm các nội dung liên quan đến việc xây dựng hệ thống quản lý chất lượng, thực hiện và đánh giá, cấp giấy chứng nhận đối với cơ quan hành chính nhà nước; Quyết định số 118/2009/QĐ-TTg ngày 30/9/2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 144/2006/QĐ-TTg.
2.2. Sửa đổi, bổ sung một số nội dung trong công tác quản lý cán bộ
Đổi mới công tác quản lý cán bộ, công chức, viên chức theo đúng các nguyên tắc trong thi hành công vụ như: tuân thủ Hiến pháp và pháp luật; công khai, minh bạch đúng thẩm quyền và có sự kiểm tra, giám sát, phối kết hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan,... giảm thiểu tối đa các tiêu cực phát sinh trong các hoạt động công vụ, đặc biệt là các sai sót trong công tác đánh giá, bổ nhiệm cán bộ; trong thời gian tới sẽ tập trung sửa đổi, bổ sung một số nội dung sau trong công tác quản lý cán bộ:
- Tuyển chọn, bố trí, phân công, điều động và luân chuyển cán bộ, phân cấp quản lý cán bộ;
- Đánh giá cán bộ;
- Quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ;
- Bổ nhiệm, miễn nhiệm cán bộ.
2.3. Tăng cường và bổ sung các nội dung đào tạo, bồi dưỡng BC, CC, VC
- Bổ sung các nội dung về đạo đức công vụ, văn hóa công sở vào chương trình đào tạo, bồi dưỡng CB, CC, VC hàng năm; đồng thời, tăng cường bồi dưỡng nâng cao các kỹ năng nghề nghiệp, kỹ năng mềm để nâng cao khả năng thực thi công vụ cho CB, CC, VC ngành GTVT.
- Tổ chức tập huấn, hội thảo chuyên đề về những quy định của pháp luật liên quan đến cán bộ, công chức, viên chức. Tăng cường giáo dục pháp luật cho đội ngũ cán bộ, công chức, trang bị những kiến thức pháp luật để đội ngũ cán bộ, công chức nắm vững và thực hiện nhiệm vụ tốt hơn, góp phần xây dựng một xã hội dân chủ, người dân được làm chủ thực sự, cán bộ, công chức thực sự là công bộc của nhân dân.
2.4. Tổ chức các hoạt động tuyên truyền, phong trào thi đua
- Tổ chức tuyên truyền, giáo dục về các nội dung nâng cao ý thức trách nhiệm, đạo đức công vụ trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thông qua các phương tiện thông tin đại chúng như: báo in, báo điện tử, đài phát thanh, truyền hình, internet, trang thông tin của ngành; xây dựng tin bài, phóng sự về các hoạt động thực hiện Đề án.
- Phát động phong trào thi đua nâng cao ý thức trách nhiệm, đạo đức công vụ trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ngành GTVT; gắn liền việc thực hiện ý thức trách nhiệm, đạo đức công vụ của CB, CC, VC với tiêu chí và kết quả thi đua hàng năm.
2.5. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý hành chính
- Tiếp tục nghiên cứu, đề xuất tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ công tác giám sát kết quả thực thi công vụ, nhiệm vụ của CBCC; triển khai Quyết định số 1605/QĐ-TTg ngày 27/8/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình quốc gia về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước giai đoạn 2011-2015; triển khai Nghị định số 64/2007/NĐ-CP ngày 10/4/2007 của Chính phủ về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước.
- Tăng cường sử dụng văn bản điện tử theo Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 22/5/2012 của Thủ tướng Chính phủ để nâng cao hiệu quả hoạt động, thực hành tiết kiệm trong công việc, gắn với hoạt động cải cách hành chính.
2.6. Tăng cường công tác thanh tra công vụ
- Xây dựng Quy chế thanh tra công vụ nhằm thực hiện tốt hoạt động thanh tra công vụ, phòng ngừa, phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của CB, CC, VC; trong việc chấp hành pháp luật về quản lý, sử dụng CC, VC và các điều kiện đảm bảo cho hoạt động công vụ trong ngành GTVT.
- Hoạt động thanh tra công vụ được thực hiện theo chương trình, kế hoạch hàng năm. Thanh tra công vụ đột xuất được tiến hành khi phát hiện đối tượng thanh tra có dấu hiệu vi phạm pháp luật, theo yêu cầu của việc giải quyết khiếu nại tố cáo.
I. PHÂN CÔNG TRÁCH NHIỆM THỰC HIỆN ĐỀ ÁN
1. Vụ Tổ chức cán bộ:
a) Tham mưu để Lãnh đạo Bộ ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hành chính để triển khai các giải pháp thực hiện Đề án sau đây:
- Chủ trì xây dựng và trình Bộ trưởng ban hành Quyết định sửa đổi, bổ sung Quyết định của Bộ GTVT quy định về phân cấp quản lý cán bộ; quy chế về bổ nhiệm, bổ nhiệm lại cán bộ; thời gian thực hiện: sau khi Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung Quyết định số 27/2003/QĐ-TTg ngày 19/02/2003 về việc ban hành Quy chế bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, luân chuyển, từ chức, miễn nhiệm cán bộ, công chức, lãnh đạo (hiện nay Chính phủ đang dự thảo Quyết định thay thế Quyết định số 27/2003/QĐ-TTg);
- Chủ trì xây dựng và trình Bộ trưởng ban hành Quy định về trách nhiệm của công chức thuộc Bộ GTVT trong thi hành nhiệm vụ, công vụ; thời gian ban hành trước tháng 11/2012;
- Tổ chức đánh giá việc thực hiện “Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức làm việc trong ngành GTVT” ban hành theo Quyết định số 2534/QĐ-BGTVT ngày 18/8/2008 của Bộ trưởng Bộ GTVT và nghiên cứu, đề xuất sửa đổi bổ sung; thời gian hoàn thành trong quý II năm 2013;
b) Xây dựng kế hoạch và hướng dẫn các tổ chức, cá nhân thuộc Bộ GTVT tổ chức kiểm điểm, đánh giá hàng năm; trong đó đối với cá nhân kiểm điểm phải bổ sung tiêu chí cụ thể về số lượng, chất lượng công việc đã hoàn thành nhằm đánh giá được đúng năng lực và ý thức trách nhiệm của CB, CC, VC trong thực thi công vụ.
c) Phối hợp với Công đoàn Ngành GTVT tiếp tục tham mưu cho Lãnh đạo Bộ đẩy mạnh thực hiện Quy chế thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan; hướng dẫn, đôn đốc các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở theo quy định tại Nghị định số 71/1998/NĐ-CP ngày 08/9/1998 của Chính phủ.
d) Hướng dẫn các cơ quan, đơn vị triển khai Đề án Nâng cao ý thức trách nhiệm, đạo đức công vụ của cán bộ, công chức, viên chức ngành GTVT, Tổng hợp, đánh giá kết quả triển khai thực hiện Đề án báo cáo Lãnh đạo Bộ.
2. Vụ Pháp chế:
- Trên cơ sở đề xuất của các cơ quan, chủ trì dự kiến chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến các giải pháp triển khai Đề án để Bộ trưởng quyết định;
- Phối hợp với các cơ quan liên quan trong việc xây dựng các văn bản triển khai nội dung của Đề án.
3. Văn phòng Bộ:
- Chủ trì rà soát, hệ thống văn bản quy định về quy trình, thủ tục hành chính của Bộ GTVT không còn phù hợp và đề xuất xây dựng, sửa đổi, bổ sung; thời gian hoàn thành trong Quý II năm 2013;
- Chủ trì lập kế hoạch triển khai xây dựng và áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2008 đối với các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ theo Quyết định số 144/2006/QĐ-TTg ngày 20/6/2006 và Quyết định số 118/2009/QĐ-TTg ngày 30/9/2009 của Thủ tướng Chính phủ trình Bộ trưởng phê duyệt; theo dõi, đôn đốc, kiểm tra tiến độ triển khai xây dựng và áp dụng hệ thống quản lý chất lượng của các cơ quan, đơn vị trực thuộc theo kế hoạch đã được phê duyệt;
- Chủ trì, phối hợp với các tổ chức đoàn thể, quần chúng, cơ quan báo chí thuộc Bộ GTVT và các cơ quan liên quan tổ chức các đợt tuyên truyền, phát động thi đua nêu cao ý thức trách nhiệm, đạo đức công vụ của cán bộ, công chức, viên chức ngành Giao thông vận tải,…; Thời gian thực hiện: Thường xuyên hàng năm, tập trung vào các ngày truyền thống Ngành, các ngày Lễ lớn trong năm.
4. Thanh tra Bộ:
- Chủ trì xây dựng và trình Bộ trưởng ban hành Quy chế thanh tra công vụ; thời gian hoàn thành trong Quý II năm 2013;
- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện công tác thanh tra công vụ đối với các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Giao thông vận tải; thời gian thực hiện: theo kế hoạch thanh tra, kiểm tra hàng năm.
5. Trung tâm Công nghệ thông tin:
- Trung tâm Công nghệ thông tin khảo sát hiện trạng, nhu cầu tăng cường tin học hóa công tác quản lý của Cơ quan Bộ; xây dựng kế hoạch phối hợp với các cơ quan, đơn vị tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin nhằm phục vụ công tác giám sát kết quả thực thi công vụ, nhiệm vụ của CBCC; hỗ trợ tăng cường sử dụng văn bản điện tử theo Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 22/5/2012 của Thủ tướng Chính phủ; báo cáo Bộ Giao thông vận tải phê duyệt trong Quý II năm 2013.
6. Trường Cán bộ quản lý GTVT:
- Trường Cán bộ quản lý GTVT phối hợp với Vụ TCCB và các cơ quan liên quan xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công chức theo kế hoạch hàng năm, trong đó xây dựng bổ sung các nội dung về đạo đức công vụ của CB, CC, VC ngành GTVT vào chương trình đào tạo, bồi dưỡng;
- Xây dựng chương trình, kế hoạch và tổ chức các khóa bồi dưỡng, hội thảo về đạo đức công vụ, văn hóa công sở, kỹ năng nghề nghiệp, kỹ năng mềm cho cán bộ, công chức, viên chức ngành GTVT; báo cáo Bộ GTVT phê duyệt và triển khai thực hiện theo kế hoạch hàng năm (qua Vụ TCCB).
7. Các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ GTVT:
a) Xây dựng Kế hoạch nâng cao ý thức trách nhiệm, đạo đức công vụ của cán bộ, công chức, viên chức tại các cơ quan, đơn vị:
Trên cơ sở nội dung Đề án, tùy vào đặc điểm tình hình của cơ quan, đơn vị, xây dựng Kế hoạch nâng cao ý thức trách nhiệm, đạo đức công vụ của cán bộ, công chức, viên chức, bổ sung nội dung phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và hoạt động chuyên môn của cơ quan, đơn vị mình; tổ chức cho từng tập thể (bộ phận), cá nhân đăng ký, cam kết các nội dung thực hiện gắn với chức năng nhiệm vụ được giao; trong đó lưu ý một số nội dung cụ thể sau đây:
* Đối với tập thể cơ quan, đơn vị:
- Giữ gìn kỷ cương, kỷ luật hành chính trong quản lý điều hành, trong quản lý hoạt động, quản lý công việc;
- Thực hiện đầy đủ công tác tiếp dân theo quy định của pháp luật; có trách nhiệm giải quyết nhanh và đúng thẩm quyền các khiếu nại, tố cáo thuộc lĩnh vực, nhiệm vụ, trách nhiệm của ngành mình, đơn vị, địa phương mình;
- Tạo nề nếp gọn gàng, sạch sẽ, văn minh trong hoạt động công vụ tại công sở;
- Phối kết hợp chặt chẽ với các tổ chức quần chúng, Công đoàn, Đoàn Thanh niên, Phụ nữ triển khai đồng bộ các biện pháp tuyên truyền, vận động sâu rộng trong cơ quan, đơn vị thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp nâng cao ý thức trách nhiệm, đạo đức công vụ của cán bộ, công chức, viên chức;
- Tiếp tục hoàn thiện và đẩy mạnh thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở.
* Đối với mỗi cá nhân CB, CC, VC trong quá trình thực thi công vụ, nhiệm vụ và trong cơ quan:
- Tăng cường rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống; kiên quyết chống các hành vi quan liêu, tham nhũng, tiêu cực, thiếu trách nhiệm, cửa quyền, nhũng nhiễu, hách dịch đối với nhân dân;
- Chấp hành nghiêm sự phân công của lãnh đạo, nội quy, quy định cơ quan;
- Đeo thẻ chức danh trong quá trình làm việc;
- Thực hiện đúng kỷ luật lao động, không đi muộn, về sớm;
- Sử dụng có hiệu quả thời giờ làm việc; không làm việc riêng, chơi games, đánh bài, uống rượu, bia trong giờ làm việc;
- Đoàn kết với đồng nghiệp, thực hiện tốt trách nhiệm phối hợp trong công việc;
- Trách nhiệm, tận tụy, trung thực, phát huy tính sáng tạo, luôn hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao;
- Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết công việc;
- Không đùn đẩy công việc và chịu trách nhiệm cá nhân đối với công việc mà mình chịu trách nhiệm chính;
- Thái độ tiếp xúc niềm nở, tận tình, lịch sự; hành vi giao tiếp tôn trọng, nhiệt tình;
- Nâng cao trách nhiệm trong việc giải quyết công việc và các đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân; không đùn đẩy, né tránh;
- Giải quyết công việc được giao đúng thời hạn quy định.
Các cơ quan, đơn vị xây dựng, triển khai Kế hoạch nâng cao ý thức trách nhiệm, đạo đức công vụ của cán bộ, công chức, viên chức và báo cáo về Bộ GTVT (qua Vụ Tổ chức cán bộ) trong quý I năm 2013.
b) Trên cơ sở kế hoạch đào tạo bồi dưỡng CBCC của Bộ, các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ GTVT xây dựng kế hoạch nhu cầu bồi dưỡng về đạo đức công vụ, văn hóa công sở, kỹ năng nghề nghiệp, kỹ năng mềm cho cán bộ, công chức, viên chức thuộc đơn vị mình báo cáo về Bộ GTVT (thông qua vụ TCCB).
Thời gian hoàn thành các nhiệm vụ cụ thể đã được nêu chi tiết tại phần phân công trách nhiệm thực hiện Đề án. Về tổng thể, quá trình thực hiện đề án được chia ra thành các mốc thời gian chính như sau:
- Ban hành văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan triển khai thực hiện Đề án: trong tháng 11/2012;
- Các cơ quan, đơn vị xây dựng, triển khai Kế hoạch nâng cao ý thức trách nhiệm, đạo đức công vụ của cán bộ, công chức, viên chức: trong Quý I năm 2013;
- Sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật, văn hóa bản hành chính để triển khai các giải pháp thực hiện Đề án (đối với các văn bản đã đủ cơ sở căn cứ để ban hành): trong Quý II năm 2013;
- Công tác tổng hợp, đánh giá tổng kết, các giải pháp thường xuyên được triển khai theo kế hoạch hàng năm.
Trên cơ sở dự toán do các cơ quan xây dựng để thực hiện các nội dung, nhiệm vụ của Đề án, Vụ Tài chính tổng hợp, tham mưu cho Lãnh đạo Bộ cân đối, bố trí ngân sách hàng năm theo quy định, trong đó bao gồm một số nội dung chính sau:
- Kinh phí rà soát, xây dựng các văn bản QPPL triển khai nội dung của Đề án từ nguồn chi quản lý hành chính;
- Kinh phí xây dựng chương trình đào tạo và tổ chức các khóa đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức từ nguồn sự nghiệp đào tạo;
- Kinh phí tổ chức các hội nghị, hội thảo triển khai Đề án; tuyên truyền, phát động thi đua từ nguồn chi quản lý hành chính;
- Kinh phí khảo sát, xây dựng kế hoạch phối hợp giữa Trung tâm CNTT với các cơ quan, đơn vị tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin nhằm phục vụ công tác giám sát kết quả thực thi công vụ, nhiệm vụ của CBCC từ nguồn chi quản lý hành chính;
Các khoản kinh phí khác theo quy định hiện hành.
I. KIẾN NGHỊ
- Hiện nay, những giá trị về đạo đức công vụ trong cơ quan hành chính nhà nước mới chỉ mang tính thủ tục hoặc như những tập quán tiến bộ được xã hội thừa nhận, mà chưa mang tính bắt buộc chung, chưa thực sự trở thành căn cứ pháp lý để quy định cụ thể về hành vi của mỗi cán bộ, công chức trong khi thi hành công vụ. Trên thực tế, các cơ quan công quyền vẫn còn gây nhiều khó dễ cho người dân, mặc dù đã tiến hành cải cách hành chính trong nhiều năm. Theo như Đề án đã phân tích, nguyên nhân chính đẫn đến tình trạng đó là vấn đề đạo đức và trách nhiệm công chức chưa được luật pháp hóa chặt chẽ, đầy đủ. Do vậy, kính đề nghị Chính phủ xem xét, chỉ đạo hoàn thiện thể chế về đạo đức công vụ, có các quy định cụ thể, đầy đủ về tiêu chuẩn đạo đức cho cán bộ, công chức, xây dựng một hệ thống đạo đức nghề nghiệp.
- Điều chỉnh, sửa đổi hoặc ban hành văn bản thay thế Quyết định số: 129/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 02/8/2007 về ban hành Quy chế văn hóa công sở tại các cơ quan hành chính nhà nước (được căn cứ vào Pháp lệnh cán bộ, công chức sửa đổi, bổ sung năm 2003 đã hết hiệu lực) phù hợp với Luật Cán bộ, công chức năm 2008 và Luật Viên chức năm 2011.
- Tiếp tục quan tâm hơn nữa, có chính sách nâng cao thu nhập, chăm lo đời sống vật chất và điều kiện làm việc cho cán bộ, công chức trong các cơ quan hành chính Nhà nước, cần phải tính toán giữa việc giảm biên chế, xã hội hóa dịch vụ công và chi trả lương cho cán bộ, công chức sao cho nguồn ngân sách của Nhà nước có thể đáp ứng được và mức lương của cán bộ, công chức phải đạt ở mức trung bình khá của xã hội.
II. KẾT LUẬN
Nâng cao ý thức trách nhiệm, đạo đức công vụ của cán bộ, công chức, viên chức ngành GTVT là vấn đề hết sức cần thiết nhằm góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước nói chung và quản lý nhà nước đối với ngành GTVT nói riêng, tạo chuyển biến mạnh mẽ và sâu rộng về ý thức tự tu dưỡng, rèn luyện, nâng cao đạo đức công vụ, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tệ nạn tham nhũng, tiêu cực trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Công việc này cần phải làm thường xuyên, liên tục, các giải pháp nêu trên phải được triển khai đồng bộ, có sự tham gia đầy đủ, kiên quyết của các cơ quan nhà nước và các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ GTVT, đặc biệt phải có sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và sự tham gia tích cực của cán bộ, công chức, viên chức của toàn ngành GTVT./.
- 1 Chỉ thị 15/CT-TTg năm 2012 về tăng cường sử dụng văn bản điện tử trong hoạt động của cơ quan nhà nước do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 2 Quyết định 643/QĐ-BGTVT năm 2012 về Quy chế làm việc của Bộ Giao thông vận tải do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành
- 3 Nghị quyết 12-NQ/TW năm 2012 vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay do Ban Chấp hành Trung ương Đảng ban hành
- 4 Luật viên chức 2010
- 5 Quyết định 1605/QĐ-TTg năm 2010 phê duyệt Chương trình quốc gia về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước giai đoạn 2011 - 2015 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 6 Quyết định 118/2009/QĐ-TTg sửa đổi Quyết định 144/2006/QĐ-TTg quy định áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2000 vào hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 7 Luật cán bộ, công chức 2008
- 8 Quyết định 2534/QĐ-BGTVT năm 2008 về quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức làm việc trong ngành giao thông vận tải do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành
- 9 Nghị định 51/2008/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giao thông Vận tải
- 10 Quyết định 129/2007/QĐ-TTg về Quy chế văn hoá công sở tại các cơ quan hành chính nhà nước do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 11 Nghị định 64/2007/NĐ-CP về việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan Nhà nước
- 12 Chỉ thị 32/2006/CT-TTg về biện pháp cần làm ngay để chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương hành chính trong giải quyết công việc của người dân và doanh nghiệp do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 13 Quyết định 144/2006/QĐ-TTg áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2000 vào hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 14 Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí 2005
- 15 Luật phòng, chống tham nhũng 2005
- 16 Quyết định 27/2003/QĐ-TTg quy chế bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, luân chuyển, từ chức, miễn nhiệm cán bộ công chức lãnh đạo do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 17 Nghị định 71/1998/NĐ-CP về Quy chế thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan