Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH PHÚ THỌ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2620/QĐ-UBND

Phú Thọ, ngày 17 tháng 10 năm 2016

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH ĐỀ ÁN THU GOM, VẬN CHUYỂN, XỬ LÝ RÁC THẢI SINH HOẠT TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH GIAI ĐOẠN 2016-2020

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH PHÚ THỌ

Căn cứ Luật tổ chức Chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;

Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường số 55/2014/QH13 ngày 23/6/2014;

Căn cứ Nghị định số 38/2015/NĐ-CP ngày 24/4/2015 của Chính phủ về quản lý chất thải và phế liệu;

Căn cứ Quyết định số 2149/QĐ-TTg ngày 17/12/2009 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050;

Căn cứ Quyết định số 2032/QĐ-UBND ngày 17/6/2011 của UBND tỉnh Phú Thọ về việc phê duyệt Quy hoạch hệ thống thu gom và xử lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh Phú Thọ đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; Quyết định số 382/QĐ-UBND ngày 14/02/2015; Quyết định số 1936/QĐ-UBND ngày 18/8/2015 của UBND tỉnh Phú Thọ về điều chỉnh Quy hoạch hệ thống thu gom và xử lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh Phú Thọ đến năm 2020, định hướng đến năm 2030;

Căn cứ Nghị quyết số 26-NQ/ĐH Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Phú Thọ lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2015 - 2020;

Căn cứ Kết luận số 340-TB/TU ngày 14/7/2016 thông báo Kết luận của Thường trực Tỉnh ủy tỉnh Phú Thọ về Đề án thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt giai đoạn 2016-2020;

Xét đề nghị của Sở Tài nguyên và Môi trường tại Tờ trình số 624/TTr-TNMT ngày 26/8/2016,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Đề án thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016-2020.

Điều 2. Giao Sở Tài nguyên và Môi trường, các Sở, ban, ngành liên quan và UBND các huyện, thành, thị tổ chức triển khai thực hiện Đề án.

Điều 3. Chánh văn phòng UBND tỉnh, thủ trưởng các Sở, Ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thành, thị và các tổ chức, cá nhân liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH

PHÓ CHỦ TỊCH




Hoàng Công Thủy

 

ĐỀ ÁN

THU GOM, VẬN CHUYỂN, XỬ LÝ RÁC THẢI SINH HOẠT TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH PHÚ THỌ GIAI ĐOẠN 2016-2020
(Ban hành Kèm theo Quyết định số: 2620/QĐ-UBND ngày 17/10/2016 của UBND tỉnh Phú Thọ)

MỞ ĐẦU

I. SỰ CẦN THIẾT XÂY DỰNG ĐỀ ÁN.

Thực hiện chủ trương phát triển kinh tế - xã hội của Đảng và Nhà nước, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Tỉnh ủy - HĐND tỉnh - UBND tỉnh, kinh tế của tỉnh Phú Thọ đã có những chuyển biến tích cực. Đời sống của nhân dân ngày một cải thiện và nâng lên đáng kể. Bên cạnh những lợi ích về kinh tế đem lại, môi trường đang phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm do rác thải sinh hoạt không được thu gom, xử lý gây ra. Rác thải sinh hoạt phát sinh ngày càng đa dạng về số lượng và chủng loại, xuất hiện ngày càng nhiều loại khó xử lý, trong khi công tác phân loại, thu gom, vận chuyển, xử lý còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu, tình trạng xả rác thải không đúng nơi quy định tại các khu vực công cộng vẫn còn diễn ra khá phổ biến, gây ô nhiễm môi trường, mất vệ sinh, đặc biệt là khu vực nông thôn. Đại hội Đảng bộ tỉnh Phú Thọ lần thứ XVIII đã đánh giá, giai đoạn 2010-2015 đã cơ bản giải quyết một số điểm nóng về môi trường. Tuy nhiên, việc thu gom, xử lý rác thải khu vực nông thôn cải thiện còn chậm.

Để từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, thực hiện tổ chức thu gom và xử lý rác thải phát sinh, Đại hội Đảng bộ tỉnh Phú Thọ lần thứ XVIII đã ban hành Nghị quyết với mục tiêu: “Tỷ lệ rác thải được thu gom, xử lý ở đô thị đạt 100%, khu dân cư tập trung ở nông thôn đạt 65%”.

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Phú Thọ lần thứ XVIII đã đề ra, UBND tỉnh xây dựng “Đề án thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016-2020”, nhằm đánh giá thực trạng công tác thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn, đề ra mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp và phân công nhiệm vụ cụ thể, trách nhiệm cho các sở, ban, ngành, đoàn thể, các cấp chính quyền địa phương và tổ chức, cá nhân để thực hiện.

II. CĂN CỨ PHÁP LÝ XÂY DỰNG ĐỀ ÁN.

- Luật Bảo vệ môi trường ngày 23/6/2014;

- Nghị định số 38/2015/NĐ-CP ngày 24/4/2015 của Chính phủ về quản lý chất thải và phế liệu;

- Nghị định số 19/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường;

- Nghị định số 69/2008/NĐ-CP ngày 30/5/2008 của Chính phủ về chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường; Nghị định số 59/2014/NĐ-CP ngày 16/6/2014 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều số 69/2008/NĐ-CP ngày 30/5/2008 của Chính phủ.

- Nghị định số 179/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường;

- Quyết định số 2149/QĐ-TTg ngày 17/12/2009 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050;

- Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Phú Thọ lần thứ XVIII nhiệm kỳ 2015-2020;

- Nghị quyết số 34/2011/NQ-HĐND ngày 12/12/2011 của Hội đồng nhân dân tỉnh Phú Thọ quy định về một số chính sách khuyến khích phát triển các cơ sở thực hiện xã hội hóa hoạt động trong các lĩnh vực giáo dục, đào tạo, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường trên địa bàn tỉnh Phú Thọ;

- Quyết định số 2032/QĐ-UBND ngày 17/6/2011 của UBND tỉnh Phú Thọ về việc phê duyệt Quy hoạch hệ thống thu gom và xử lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh Phú Thọ đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; Quyết định số 382/QĐ-UBND ngày 14/02/2015; Quyết định số 1936/QĐ-UBND ngày 18/8/2015 của UBND tỉnh Phú Thọ về điều chỉnh Quy hoạch hệ thống thu gom và xử lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh Phú Thọ đến năm 2020, định hướng đến năm 2030;

- Kế hoạch số 3723/KH-UBND ngày 7/9/2015 của UBND tỉnh Phú Thọ về thực hiện Quyết định số 458/QĐ-TTg ngày 9/4/2015 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch thực hiện Kết luận số 97-KL/TW ngày 15/5/2014 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, giải pháp tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 7, khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

- Chương trình hành động số 209/CTr-UBND ngày 18/01/2016 của UBND tỉnh Phú Thọ về thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 07/01/2016 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán NSNN năm 2016;

- Kế hoạch số 1645/KH-UBND ngày 05/5/2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh về Kế hoạch triển khai thi hành Luật Phí và Lệ phí.

III. PHẠM VI ĐỀ ÁN.

Thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt đô thị và rác thải sinh hoạt tại khu dân cư tập trung ở nông thôn trên địa bàn tỉnh Phú Thọ.

Phần thứ nhất

THỰC TRẠNG CÔNG TÁC THU GOM, VẬN CHUYỂN, XỬ LÝ RÁC THẢI SINH HOẠT TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH

1. Thực trạng phát sinh, công tác phân loại rác thải sinh hoạt.

Phú Thọ là tỉnh thuộc khu vực miền núi, trung du phía Bắc có tổng diện tích tự nhiên là 3.519,56 km2 và có 13 huyện, thành, thị gồm 277 xã, phường, thị trấn được chia thành 2.887 khu dân cư, trong đó có 313 khu dân cư ở đô thị và 2.574 khu dân cư ở nông thôn; quy mô dân số, tính đến 01/01/2015 là 1.454.828 người.

Cùng với sự phát triển kinh tế xã hội, hàng ngày môi trường đang phải tiếp nhận một lượng lớn chất thải từ các hoạt động của con người, trong đó có chất thải rắn. Chất thải rắn được hiểu là chất thải ở thể rắn hoặc sệt được thải ra từ quá trình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, sinh hoạt hoặc các hoạt động khác. Chất thải rắn sinh hoạt (còn gọi là rác sinh hoạt) là chất thải rắn phát sinh trong hoạt động thường ngày của con người.

Theo thống kê đánh giá giai đoạn hiện nay, tỷ lệ phát sinh rác thải sinh hoạt trung bình đối với khu vực đô thị loại I (TP.Việt Trì) là 1,2 kg/người/ngày, khu vực đô thị loại III (thị xã) là 1 kg/người/ngày, khu vực đô thị loại V (các thị trấn) là 0,8 kg/người/ngày, khu vực nông thôn là 0,35 kg/người/ngày. Theo tính toán, lượng rác thải sinh hoạt phát sinh trên địa bàn tỉnh vào khoảng 628 tấn/ngày, trong đó ở khu vực đô thị là 271 tấn/ngày, ở khu vực nông thôn 357 tấn/ngày.

Rác thải sinh hoạt có lượng và thành phần đa dạng, có sự khác nhau phụ thuộc vào mức sống người dân và sự phát triển công nghiệp, thương mại của từng địa phương, trong đó rác thải hữu cơ chiếm 70-75%, rác thải vô cơ (như thủy tinh, kim loại) chiếm 25-30%; rác có thành phần nhựa chiếm 8-16% và rác thải nguy hại chiếm 1-2%.

Trên cơ sở rà soát, thống kê đánh giá thực trạng các khu dân cư về mật độ dân số, địa hình, giao thông và khối lượng, thành phần rác thải sinh hoạt phát sinh trên địa bàn toàn tỉnh cho thấy cần tập trung thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải sinh hoạt tại 313/313 khu dân cư ở đô thị và 1.579/2.574 khu dân cư ở nông thôn (Khu dân cư tập trung ở nông thôn). Còn lại các khu dân cư ở vùng sâu, vùng xa nơi mật độ dân cư thấp, khối lượng phát sinh rác thải ít, địa hình và giao thông không thuận lợi được xử lý tại chỗ, chưa cần thu gom, xử lý tập trung.

(Chi tiết khối lượng rác thải sinh hoạt phát sinh của từng huyện, thành, thị tại Bảng 1.1 - Phụ lục 01).

Theo khảo sát, đánh giá cho thấy, công tác phân loại bước đầu đã được hình thành trong các khu dân cư, người dân tự phân loại một phần rác thải có thể tái chế (giấy, kim loại, nhựa) được thu gom, bán cho cơ sở thu mua phế liệu; thức ăn thừa, sản phẩm thừa sau sơ chế rau, củ quả,... được tận dụng cho chăn nuôi. Tuy nhiên, việc phân loại rác thải tại nguồn chưa được thực hiện triệt để và phù hợp với công tác xử lý, chủ yếu rác thải sau khi được vận chuyển về Nhà máy xử lý hoặc lò đốt rác mới được phân loại sơ bộ để xử lý.

2. Công tác thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt.

2.1. Hình thức thu gom, vận chuyển:

- Khu vực đô thị: Đã tổ chức thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt phát sinh tại 299/313 khu dân cư, đạt 95,5%. Người dân thực hiện tập kết rác thải tại các điểm tập kết ven các trục đường, khu trung tâm, hàng ngày có công nhân vệ sinh đi thu gom bằng xe đẩy tay và tập kết lên xe chuyên dụng vận chuyển rác thải về nơi xử lý. Đơn vị thực hiện thu gom, vận chuyển rác thải khu vực đô thị được giao cho Công ty môi trường đô thị ở thành phố Việt Trì, thị xã Phú Thọ và 08 Ban quản lý công trình công cộng của các huyện.

- Khu vực nông thôn: Hiện tại, mạng lưới thu gom rác thải ở khu vực nông thôn đã tổ chức thu gom tại 630 khu dân cư trong tổng số 1.579 khu dân cư tập trung ở nông thôn, đạt 40% số khu dân cư phải thu gom, xử lý rác thải tập trung (còn 949 khu dân cư tập trung cần thu gom, xử lý rác thải tập trung). Việc thu gom mới tập trung chủ yếu ở khu vực đồng bằng, khu ven đô thị và gần các khu vực trung tâm xã. Các khu dân cư còn lại được nhân dân sử dụng hố chôn lấp tại hộ gia đình theo hướng dẫn của chính quyền địa phương hoặc tự phát. Công tác thu gom được người dân tập kết rác thải ven trục đường chính, định kỳ HTX, tổ vệ sinh đi thu gom về điểm tập kết của xã, khu. Tại Việt Trì, thị xã Phú Thọ, Lâm Thao, Phù Ninh, Công ty môi trường đô thị, Ban quản lý công trình công cộng đến thu gom bằng xe chở rác chuyên dụng về Nhà máy xử lý. Tại các huyện khác, Ban quản lý công trình công cộng đến thu gom hoặc các xã xử lý tại chỗ bằng lò đốt hoặc chôn lấp. Ngoài các lực lượng thu gom nói trên, tại huyện Lâm Thao có Công ty Cổ phần Supe Phốt phát và hóa chất Lâm Thao tham gia thu gom, vận chuyển và xử lý rác cho 7 khu dân cư của huyện.

2.2. Phương tiện thu gom, vận chuyển:

Rác thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh được thu gom, vận chuyển bằng các phương tiện xe chở rác chuyên dụng, xe ôtô tải, xe đẩy tay. Tuy nhiên, do số lượng xe được trang bị vẫn chưa đáp ứng nhu cầu nên một số huyện vẫn còn phải sử dụng xe tải loại nhỏ, xe công nông hoặc các phương tiện thô sơ khác.

Theo thống kê, hiện nay trên địa bàn toàn tỉnh tổng số các phương tiện thực hiện thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt có: 24 xe ép rác (loại từ 2,5 đến 7 tấn); 14 xe ô tô (loại từ 1,5 đến 7 tấn); 22 xe công nông; 1.090 xe đẩy tay, xe lam, xe 3 bánh và các phương tiện thô sơ khác được trang bị cho 02 Công ty môi trường đô thị, 08 Ban quản lý công trình công cộng, 29 Hợp tác xã và 92 tổ, đội vệ sinh môi trường thực hiện nhiệm vụ thu gom, vận chuyển rác thải.

3. Công tác xử lý rác thải sinh hoạt.

3.1. Rác thải ở đô thị:

Tại thành phố Việt Trì, thị xã Phú Thọ, thị trấn Phong Châu (huyện Phù Ninh), thị trấn Lâm Thao và thị trấn Hùng Sơn (huyện Lâm Thao) rác thải được thu gom, vận chuyển về Nhà máy chế biến phế thải đô thị Việt Trì xử lý. Tại đây, rác hữu cơ được chế biến thành phân compost theo công nghệ hiếu khí phục vụ cho việc phát triển nông lâm nghiệp; nilon được rửa sạch tái chế lại làm nguyên liệu sản xuất hạt nhựa; nhựa không tái chế, cao su… và rác thải trơ khác được đem chôn lấp; gạch đá, sạn sỏi, vỏ sò, hến, thủy tinh xử lý nghiền sàng theo công nghệ hóa rắn sản phẩm thu hồi gạch không nung phục vụ cho xây dựng. Tại các thị trấn: Cẩm Khê, Hưng Hóa, Thanh Ba và Thanh Thủy rác thải được thu gom, vận chuyển, xử lý bằng 04 lò đốt cỡ nhỏ được đầu tư; các thị trấn còn lại, rác thải đang thực hiện chôn lấp tạm thời bằng các bãi chôn lấp của địa phương không đảm bảo hợp vệ sinh, gây ô nhiễm môi trường.

Như vậy, rác thải ở khu vực đô thị cơ bản đã có biện pháp xử lý. Tuy nhiên, các biện pháp xử lý nói trên không đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường, Nhà máy đang phải hoạt động vượt công suất thiết kế gần 4 lần, trong khi nhà xưởng, trang thiết bị xuống cấp, hệ thống xử lý nước thải hoạt động không hiệu quả; bãi chôn lấp chưa đảm bảo hợp vệ sinh, lò đốt rác chưa đáp ứng yêu cầu quy chuẩn cho phép đang là các tác nhân gây ô nhiễm môi trường khu vực, ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất của nhân dân.

3.2. Rác thải ở nông thôn:

Tại khu vực nông thôn, rác thải sinh hoạt đang được xử lý bằng ba hình thức chủ yếu như sau:

- Hình thức vận chuyển về Nhà máy xử lý: Tại các xã nông thôn của thị xã Phú Thọ, thành phố Việt Trì, huyện Lâm Thao và một số xã của huyện Phù Ninh, rác thải được vận chuyển về Nhà máy chế biến phế thải đô thị Việt Trì để xử lý.

- Hình thức chôn lấp rác thải: Hình thức chôn lấp đang diễn ra phổ biến trên địa bàn các huyện miền núi với biện pháp chôn lấp chưa đảm bảo hợp vệ sinh. Ngoài ra, ở các khu dân cư tại các xã vùng sâu, vùng cao nhân dân đang sử dụng hố chôn lấp tại hộ gia đình theo hướng dẫn của chính quyền địa phương hoặc tự phát.

- Hình thức xử lý rác thải bằng phương pháp đốt: Hiện nay, khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh đã được trang bị 04 lò đốt để xử lý rác thải sinh hoạt phát sinh đặt tại các xã Vô Tranh (Hạ Hòa), Ngọc Lập (Yên Lập), Hoàng Xá (Thanh Thủy), Phú Lộc (Phù Ninh). Ngoài ra, còn có Công ty TNHH MTV hóa chất 21 hỗ trợ xử lý rác thải bằng lò đốt (của Nhà máy) cho xã Phú Hộ, thị xã Phú Thọ và một số khu của huyện Phù Ninh. Tại một số nơi còn sử dụng lò đốt mini quy mô hộ gia đình hoặc đốt rác thải lộ thiên.

(Chi tiết công tác thu gom, phương tiện vận chuyển và hình thức xử lý rác thải của từng huyện, thành, thị tại Bảng 1.2 - Phục lục 01).

4. Công tác đầu tư, thu và sử dụng phí vệ sinh.

4.1. Công tác đầu tư cho hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải:

Hàng năm, UBND tỉnh đã phân bổ kinh phí sự nghiệp môi trường để thực hiện các nhiệm vụ về bảo vệ môi trường. Trong năm 2015, đã phân bổ 68,706 tỷ đồng cho khối tỉnh (trong đó có 10 tỷ đồng kinh phí xử lý rác thải), và 47,302 tỷ đồng cho 13 huyện, thành, thị.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh đã đề xuất ngân sách trung ương hỗ trợ tỉnh xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, trong đó có 03 dự án cải tạo, nâng cấp bãi chôn lấp rác thải sinh hoạt hợp vệ sinh tại các huyện Đoan Hùng, Yên Lập, Cẩm Khê, số tiền được hỗ trợ là 40,883 tỷ đồng, trong đó: Bãi rác Yên Lập:

12,804 tỷ đồng; Bãi rác Đoan Hùng: 14,885 tỷ đồng và Bãi rác Cẩm Khê: 13,193 tỷ đồng. Đồng thời, Sở Tài nguyên và Môi trường đã đề xuất hỗ trợ các địa phương thực hiện các mô hình về xử lý rác thải nông thôn. Đến nay, từ nguồn kinh phí sự nghiệp môi trường tỉnh đã hỗ trợ 11,895 tỷ đồng cho các mô hình xử lý rác thải sinh hoạt tại một số huyện. Ngoài ra, các huyện cũng đã được hỗ trợ kinh phí đầu tư phương tiện thu gom, vận chuyển và thiết bị xử lý rác thải sinh hoạt từ nguồn đầu tư phát triển, chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới.

4.2. Công tác thu và sử dụng phí vệ sinh:

Các huyện, thành, thị đã chỉ đạo tổ chức thu phí vệ sinh theo quy định với mức thu từ 4.000 đồng đến 6.000 đồng/khẩu/tháng, một số nơi khu vực miền núi, các xã chỉ tổ chức thu từ 2.000 - 4.000 đồng/khẩu/tháng. Số phí thu được sử dụng để chi trả lương cho công nhân, bảo hộ lao động, sửa chữa máy móc, phương tiện, nhiên liệu góp phần đảm bảo hoạt động thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt. Trong năm 2015, công tác thu phí vệ sinh tại các huyện, thành, thị đã đạt được kết quả cụ thể như sau:

Thành phố Việt Trì mới tổ chức thu phí được 30% số đối tượng phải nộp (thu được 8 tỷ đồng/năm), với mức thu 6.000 đồng/khẩu/tháng, đáp ứng được 34,8% chi phí cho hoạt động thu gom, vận chuyển rác thải (23 tỷ đồng/năm).

Tại thị xã Phú Thọ, Công ty CP môi trường và dịch vụ đô thị Phú Thọ tổ chức thu phí tại 3 phường được số phí là 929 triệu đồng/năm, tỷ lệ thu phí đạt 80-85%; tại 5 xã và 2 phường tự tổ chức thu gom rác thải đã tự thu phí, tỷ lệ khu dân cư tập trung đạt 60-70% (mức thu 5.000 đồng/khẩu/tháng), khu dân cư không tập trung đạt 30-40% (mức thu 30.000-50.000 đồng/hộ/năm). Phí vệ sinh thu được cơ bản đáp ứng được việc duy trì, vận hành tổ đội thu gom; ngân sách thị xã phải cân đối, hỗ trợ cho việc vận chuyển và xử lý rác thải.

Huyện Lâm Thao tổ chức thu phí với mức thu 5.000 đồng/khẩu/tháng, thu được 3,5 tỷ đồng/năm, trong đó Ban Quản lý công trình công cộng trực tiếp thu phí tại thị trấn Lâm Thao và xã Hợp Hải được 450,8 triệu đồng/năm; các xã, thị trấn thu được 3 tỷ đồng/năm, được giữ lại để tự cân đối thực hiện nhiệm vụ thu gom, vận chuyển rác thải là 2,13 tỷ đồng, còn lại nộp về Ban Quản lý các công trình công cộng để vận chuyển rác thải và thuê xử lý là 913,92 triệu đồng/năm. Kinh phí thu được đã đảm bảo cho hoạt động thu gom, vận chuyển rác thải, một phần hỗ trợ cho chi phí xử lý, ngân sách huyện phải bổ sung để chi trả cho xử lý rác thải là 3,2 tỷ đồng/năm.

Huyện Thanh Thủy tổ chức thu phí với mức thu 4.000 đồng/khẩu/tháng, thu được 1,48 tỷ đồng/năm, trong đó có HTX vệ sinh môi trường xã Bảo Yên đã tự cân đối được cho hoạt động thu gom rác thải, các HTX còn lại UBND huyện Thanh Thủy vẫn phải cân đối ngân sách hỗ trợ 115 triệu đồng/năm.

Các huyện còn lại mới chỉ thu phí ở khu vực thị trấn, tỷ lệ thu phí đạt kết quả rất thấp, chưa đảm bảo cho công tác thu gom, vận chuyển, xử lý theo yêu cầu như: Yên Lập, Hạ Hòa, Thanh Sơn, …

5. Đánh giá chung.

5.1 Những kết quả đạt được:

Trong thời gian qua, công tác thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải sinh hoạt đã được quan tâm, đầu tư, tổ chức thực hiện đạt được các kết quả đáng khích lệ. Hàng năm, UBND tỉnh đã phân bổ ngân sách sự nghiệp môi trường cho các cấp thực hiện nhiệm vụ theo quy định; tranh thủ sự giúp đỡ của ngân sách trung ương hỗ trợ cho đầu tư bãi chôn lấp rác thải sinh hoạt hợp vệ sinh, mô hình thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt; hỗ trợ phương tiện vận chuyển cho các huyện, thành, thị nhằm góp phần thực hiện nhiệm vụ thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, cụ thể:

- Các cấp chính quyền đã quan tâm, chỉ đạo thực hiện công tác thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải sinh hoạt;

- Nhận thức của người dân đối với công tác bảo vệ môi trường nói chung, công tác thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt nói riêng đã được nâng lên;

- Bước đầu đã hình thành được hệ thống thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải từ tỉnh đến huyện, xã và khu dân cư;

- Rác thải sinh hoạt ở khu vực đô thị cơ bản đã được thu gom, xử lý; ở khu vực nông thôn bước đầu được quan tâm xử lý;

- Nguồn lực đầu tư cho công tác thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải đã được tăng cường; phương tiện thu gom, vận chuyển, thiết bị xử lý rác thải đã được đầu tư; tranh thủ được sự hỗ trợ của ngân sách trung ương đầu tư 03 bãi chôn lấp rác thải sinh hoạt hợp vệ sinh; đầu tư được 08 lò đốt rác thải sinh hoạt, giải quyết tạm thời các bức xúc do rác thải gây ra tại địa phương.

5.2 Những tồn tại, hạn chế:

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, hiện nay việc thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số tồn tại, cần được quan tâm giải quyết:

- Mạng lưới thu gom, cơ sở hạ tầng thiết yếu cho xử lý rác thải theo quy hoạch thu gom, xử lý rác thải đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 chưa được đầu tư đồng bộ (chưa hoàn thiện việc đầu tư các điểm tập kết trung chuyển rác thải và Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt tập trung của tỉnh).

- Phương tiện, trang thiết bị và lực lượng tham gia công tác thu gom, vận chuyển còn thiếu, chưa đảm bảo nhu cầu.

- Bước đầu hình thành mạng lưới, tổ dịch vụ vệ sinh môi trường, tuy nhiên còn mang tính tự phát, chưa có mô hình thống nhất để giao trách nhiệm, quyền lợi và nghĩa vụ trong công tác thu gom, vận chuyển rác thải.

- Công tác tuyên truyền về thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt và bảo vệ môi trường còn hạn chế, chưa tạo được sự chuyển biến trong nhận thức và hành động của người dân, chưa có sự vào cuộc tích cực của cấp ủy, chính quyền và các tổ chức chính trị tại địa phương.

- Các huyện, thành, thị đã quan tâm, chỉ đạo công tác thu phí vệ sinh theo quy định. Tuy nhiên, tỷ lệ thu phí còn rất thấp nên chưa đáp ứng duy trì mạng lưới thu gom, vận chuyển rác thải. Theo rà soát, đánh giá cho thấy, nếu tổ chức thu phí vệ sinh đầy đủ sẽ đảm bảo duy trì hiệu quả hoạt động thu gom, vận chuyển rác thải, thậm chí có thể hỗ trợ cho chi phí xử lý rác thải như ở huyện Lâm Thao.

- Tỷ lệ thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt ở khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh còn đạt tỷ lệ thấp (đạt 40%); các biện pháp xử lý rác thải sinh hoạt tại địa phương đều chưa đảm bảo yêu cầu về môi trường, gây ô nhiễm môi trường tại khu vực xử lý, cụ thể:

+ Khu vực Nhà máy xử lý phế thải đô thị Việt Trì: Nhà máy xử lý phế thải đô thị Việt Trì được xây dựng và đi vào hoạt động từ năm 1998, với công suất thiết kế là 60 tấn/ngày. Hiện nay, Nhà máy đang hoạt động quá tải (vượt công suất thiết kế hơn 3 lần), gây ô nhiễm môi trường, dự kiến đến hết 2016 bãi chôn lấp chất thải trơ của Nhà máy không còn khả năng đáp ứng.

+ Khu vực các lò đốt rác thải đang hoạt động trên địa bàn tỉnh: Các lò đốt rác đã được lắp đặt tại các địa phương chưa đáp ứng đủ yêu cầu về bảo vệ môi trường, chưa được đầu tư đầy đủ các công trình phụ trợ như: Nhà phơi rác, hệ thống xử lý nước rác, chôn lấp chất thải trơ hoặc tro xỉ, phun chế phẩm diệt côn trùng, … nên còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ô nhiễm môi trường khu vực xung quanh, đặc biệt là mùi và khí thải. Sau một thời gian hoạt động, theo dõi đánh giá cho thấy, lò đốt chỉ hoạt động tốt và ổn định khi thời tiết khô ráo, độ ẩm của rác thải sinh hoạt dưới 30%. Do rác thải trước khi đưa vào lò đốt chưa được phân loại nên phát sinh một lượng lớn tro xỉ phải đem đi chôn lấp (chi tiết đánh giá 08 lò đốt đang hoạt động tại các huyện tại Bảng 1.3 - Phụ lục 1).

Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành QCVN 61-MT:2016/BTNMT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về lò đốt chất thải rắn sinh hoạt, yêu cầu không đầu tư mới lò đốt rác thải sinh hoạt có công suất nhỏ hơn 300 kg/giờ; lò đốt phải đáp ứng yêu cầu kỹ thuật cơ bản và giá trị tối đa cho phép của các thông số ô nhiễm trong khí thải, đồng thời yêu cầu các lò đốt đang hoạt động phải rà soát, kiểm tra, đánh giá để xây dựng phương án, lộ trình cải tạo, nâng cấp nhằm đáp ứng đầy đủ quy định tại QCVN 61-MT:2016/BTNMT.

+ Biện pháp chôn lấp rác thải: Hình thức chôn lấp không hợp vệ sinh đang diễn ra phổ biến trên địa bàn các huyện miền núi. Các bãi chôn lấp của huyện Yên Lập, Đoan Hùng, Cẩm Khê theo thiết kế phải đầu tư hạ tầng kỹ thuật, phân ô chôn lấp, chống thấm bằng lớp lót vải địa kỹ thuật, xây dựng hệ thống thu gom, xử lý nước rỉ rác và chôn lấp theo quy trình kỹ thuật. Tuy nhiên, đến nay chưa được đầu tư đảm bảo yêu cầu, tiến độ dự án đã ảnh hưởng đến công tác xử lý rác thải của các huyện. Tại các huyện, xã vùng sâu, vùng cao (mật độ dân cư thưa, lượng rác thải phát sinh ít) việc người dân đào hố thủ công để đổ đầy rác sau đó lấp đất đang là giải pháp góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường cần được chính quyền các cấp phổ biến, hướng dẫn, nhân rộng trong điều kiện việc thu gom, xử lý đối với khu vực này còn gặp nhiều khó khăn, tốn nhiều kinh phí.

Vì vậy, việc đầu tư Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt, các công trình, biện pháp xử lý rác thải sinh hoạt là yêu cầu cấp bách đảm bảo việc xử lý rác thải sinh hoạt cho cả khu vực đô thị và nông thôn đảm bảo yêu cầu về bảo vệ môi trường.

5.3. Nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế.

5.3.1. Nguyên nhân chủ quan:

- Các cấp, các ngành chưa thực sự quan tâm, đầu tư đúng mức, bố trí nguồn lực, kinh phí đáp ứng yêu cầu cho công tác thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt.

- Cơ chế khuyến khích, thu hút xã hội hóa còn hạn chế, chưa có cơ chế hỗ trợ công tác thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt, chưa tạo động lực để các doanh nghiệp đầu tư vào xử lý rác thải.

- Chưa nghiên cứu, xây dựng mô hình tổ chức của mạng lưới thu gom, vận chuyển hiệu quả cho từng khu vực để nhân rộng, chưa có phương thức quản lý chung đối với tổ chức mạng lưới thu gom, vận chuyển rác thải; các tổ chức vệ sinh môi trường hoạt động còn mang tính tự phát, chưa có cơ chế phân công trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền lợi của tổ chức hoạt động.

5.3.2. Nguyên nhân khách quan:

- Rác thải sinh hoạt phát sinh ngày càng đa dạng về số lượng và chủng loại, xuất hiện ngày càng nhiều loại khó xử lý, trong khi công tác phân loại, thu gom, vận chuyển, xử lý còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu, tình trạng xả rác thải sinh hoạt không đúng nơi quy định tại các khu vực công cộng vẫn còn diễn ra phổ biến làm mất cảnh quan sinh thái, gây ô nhiễm môi trường.

- Do suy thoái kinh tế toàn cầu, nguồn thu ngân sách tỉnh hạn chế nên kinh phí đầu tư cho công tác thu gom, xử lý rác thải còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu; chưa bố trí kinh phí để đầu tư xây dựng Nhà máy xử lý chất thải tập trung tại Trạm Thản, huyện Phù Ninh theo tiến độ quy hoạch; kinh phí đối ứng cho 03 bãi chôn lấp rác thải sinh hoạt hợp vệ sinh tại các huyện: Yên Lập, Đoan Hùng, Cẩm Khê theo Quyết định 58/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ còn chậm, chưa đủ đảm bảo tiến độ dự án; một số mô hình thu gom, xử lý rác thải được xây dựng hoạt động không hiệu quả (mô hình ủ rác tại xã Sơn Dương, huyện Lâm Thao và xã Đồng Luận, huyện Thanh Thủy).

- Nhận thức của người dân về công tác bảo vệ môi trường và thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt tuy đã được nâng lên nhưng chưa tạo được sự chuyển biến tích cực. Công tác tuyên truyền chưa thực sự phát huy hiệu quả, chưa gắn trách nhiệm của cộng đồng và người dân về bảo vệ môi trường trong sinh hoạt cộng đồng.

Phần thứ hai

PHƯƠNG HƯỚNG, NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP CHỦ YẾU GIAI ĐOẠN 2016-2020

I. DỰ BÁO TÌNH HÌNH.

Đến năm 2020, rác thải sinh hoạt phát sinh trên địa bàn không thay đổi nhiều về đặc trưng, tính chất mà chủ yếu là thay đổi về khối lượng do thay đổi cơ cấu kinh tế, mức sống và sự gia tăng dân số.

Theo nghiên cứu, định mức phát sinh rác thải sinh hoạt đến năm 2020 đối với khu vực đô thị loại I (TP.Việt Trì) là 1,2-1,4 kg/người.ngày, đô thị loại III (thị xã) là 1,0-1,2 kg/người.ngày, đô thị loại V (các thị trấn) là 0,8-1 kg/người.ngày và khu vực nông thôn là 0,5 kg/người.ngày. Trên cơ sở định mức phát thải, dự báo khối lượng rác thải sinh hoạt phát sinh đến năm 2020 là khoảng 983 tấn/ngày (tăng so với năm 2015 là 355 tấn/ngày), trong đó: Rác thải ở khu vực đô thị là 354 tấn/ngày, rác thải ở khu vực nông thôn là 629 tấn/ngày.

Như vậy, cùng với sự gia tăng về dân số, sự phát triển kinh tế xã hội, đời sống nhân dân ngày càng được nâng cao thì lượng rác thải phát sinh ngày càng nhiều, áp lực lên môi trường sống ngày càng cao. Vì vậy, việc đầu tư hệ thống thu gom, xử lý rác thải trên địa bàn toàn tỉnh là nhu cầu cấp bách đảm bảo môi trường, chất lượng cuộc sống của người dân.

(Chi tiết dự báo khối lượng rác thải phát sinh của các huyện, thành, thị tại Phụ lục 02).

II. PHƯƠNG HƯỚNG, MỤC TIÊU.

1. Phương hướng chung.

- Tập trung sự lãnh đạo, huy động sự vào cuộc của các cấp, các ngành; tăng cường sự chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải, nâng cao nhận thức, ý thức người dân tham gia bảo vệ môi trường.

- Triển khai xây dựng đồng bộ hệ thống quản lý, thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh nhằm kiểm soát ô nhiễm, bảo vệ môi trường, cảnh quan sinh thái, sức khỏe người dân, góp phần thực hiện tốt mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội bền vững;

- Công tác quản lý, thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt là trách nhiệm chung của toàn xã hội, của chính quyền các cấp và các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh. Việc thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của chính quyền các cấp.

- Quản lý rác thải sinh hoạt phải từng bước hướng đến đảm bảo theo nguyên tắc “người gây ô nhiễm phải trả tiền”.

2. Mục tiêu.

2.1. Mục tiêu tổng quát:

- Xây dựng hệ thống quản lý rác thải sinh hoạt từ khu dân cư đến huyện theo các nguyên tắc: Nguồn rác thải phải được thu gom, vận chuyển và xử lý phù hợp với điều kiện hoàn cảnh của địa phương, hạn chế tối đa việc gây ô nhiễm môi trường do rác thải gây ra.

- Nâng cao nhận thức của cộng đồng dân cư và hiệu quả công tác quản lý nhà nước về thu gom xử lý rác thải, tiến đến cải thiện môi trường cuộc sống ngày càng bền vững và thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Phú Thọ lần thứ XVIII nhiệm kỳ 2015-2020 đã đề ra.

- Hoàn chỉnh mạng lưới phân loại, thu gom rác thải tại nguồn phù hợp với điều kiện của tỉnh Phú Thọ.

- Xây dựng, hoàn chỉnh mạng lưới và tăng cường trang thiết bị cho việc thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải cho các khu dân cư, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ theo hướng mô hình 3R (giảm thiểu, tái chế, tái sử dụng các loại rác thải), hạn chế chôn lấp, đảm bảo vệ sinh môi trường.

2.2. Mục tiêu cụ thể:

- Tổ chức thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải sinh hoạt đạt 100% khu dân cư ở đô thị và trên 65% khu dân cư tập trung ở nông thôn. Các khu dân cư còn lại thực hiện thu gom, phân loại, một phần tái sử dụng, một phần xử lý tại chỗ bằng phương pháp đào hố trong vườn, đồi của mình để xử lý theo hướng dẫn của chính quyền địa phương.

- Tăng cường đầu tư các phương tiện, thiết bị để thu gom, vận chuyển rác đến khu vực xử lý, phấn đấu trang bị xe chở rác chuyên dụng cho tất cả các huyện đảm bảo nhu cầu thu gom, vận chuyển rác thải.

- Cải tạo, khắc phục tình trạng ô nhiễm và giảm tải cho Nhà máy chế biến phế thải đô thị Việt Trì.

- Hoàn thành đưa vào sử dụng Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt tại xã Trạm Thản, huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ.

- Hoàn thành bãi chôn lấp rác thải sinh hoạt hợp vệ sinh tại các huyện: Yên Lập, Cẩm Khê và huyện Thanh Sơn để đưa vào hoạt động;

- Hoàn thành đầu tư mô hình xử lý rác thải theo cụm xã bằng lò đốt.

III. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP.

1. Công tác tuyên truyền, chỉ đạo, trách nhiệm của hệ thống chính trị:

- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến thường xuyên hướng dẫn về công tác thu gom xử lý rác thải sinh hoạt trên các phương tiện thông tin đại chúng để nâng cao nhận thức, trách nhiệm tạo ra những thay đổi trong nhận thức và hành động của nhân dân; nâng cao ý thức tự giác thực hiện phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn, đổ rác thải sinh hoạt đúng giờ, đúng nơi quy định, tạo điều kiện tối đa cho phương tiện, người thực hiện thu gom.

- Nâng cao vai trò, trách nhiệm của cấp ủy đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị, chính trị xã hội các cấp theo thẩm quyền, chịu trách nhiệm trước cấp trên trong tổ chức, chỉ đạo thực hiện và các tồn tại, vi phạm trong hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn.

- Hướng dẫn các hộ gia đình phân loại tại nguồn phù hợp với mục đích quản lý, xử lý phù hợp.

2. Hoàn thiện mạng lưới thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt.

- Kiện toàn tổ chức mạng lưới thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt tại các huyện, xã, thị trấn đã có; bổ sung mạng lưới thu gom rác thải tại 14 khu dân cư ở đô thị và 435 khu dân cư tập trung ở nông thôn để đảm bảo 100% khu dân cư ở đô thị và trên 65% khu dân cư tập trung ở nông thôn được thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt.

- Rà soát, đầu tư bổ sung phương tiện, thiết bị phù hợp với hoạt động thu gom, vận chuyển của địa phương như: thùng chứa rác, xe gom rác và các phương tiện, thiết bị chuyên dụng khác.

- Vận chuyển rác thải sinh hoạt từ vị trí tập kết của các xã về cơ sở xử lý của huyện hoặc của tỉnh theo nội dung của Đề án; chỉ đạo và giao trách nhiệm cho UBND cấp xã, các khu dân cư thực hiện quản lý, thu gom rác thải sinh hoạt trên địa bàn, tập kết tại nơi quy định của địa phương.

3. Tiếp tục đầu tư các công trình, biện pháp xử lý rác thải sinh hoạt.

- Trước mắt, đầu tư cải tạo, khắc phục ô nhiễm Nhà máy Chế biến phế thải đô thị Việt Trì; đầu tư kho lưu giữ rác thải tạm thời (đảm bảo yêu cầu về môi trường) tại Trạm Thản để tiếp nhận rác thải sinh hoạt của thành phố Việt Trì, thị xã Phú Thọ, huyện Lâm Thao và huyện Phù Ninh chờ xử lý.

- Để xử lý rác thải sinh hoạt phát sinh, đảm bảo yêu cầu và mục tiêu đề ra trong giai đoạn 2016-2020, các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành, thị tập trung nguồn lực, tham mưu đề xuất thực hiện các công trình xử lý rác thải sinh hoạt gồm:

+ Đầu tư xây dựng Nhà máy xử lý chất thải rắn tập trung của tỉnh tại xã Trạm Thản, huyện Phù Ninh để tiếp nhận và xử lý rác thải sinh hoạt cho thành phố Việt Trì, thị xã Phú Thọ và các huyện: Lâm Thao, Thanh Ba, Đoan Hùng, Phù Ninh.

+ Đầu tư hoàn thiện bãi chôn lấp rác thải sinh hoạt hợp vệ sinh tại các huyện: Yên Lập, Cẩm Khê.

+ Nghiên cứu đầu tư bãi chôn lấp rác thải sinh hoạt hợp vệ sinh tại huyện Thanh Sơn (để thu nạp, xử lý rác thải sinh hoạt tại địa phương).

+ Đầu tư bổ sung 7 lò đốt rác thải sinh hoạt có công suất từ 300 kg/giờ trở lên, đáp ứng yêu cầu kỹ thuật về bảo vệ môi trường theo QCVN 61-MT:2016/BTNMT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về lò đốt chất thải rắn sinh hoạt tại các huyện Tam Nông, Thanh Thủy, Hạ Hòa, Tân Sơn chưa có biện pháp xử lý đảm bảo lộ trình xây dựng nông thôn mới đến năm 2020.

- Nghiên cứu điều chỉnh, bổ sung một số nội dung của Quy hoạch thu gom và xử lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh Phú Thọ đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.

4. Về nguồn lực tài chính và cơ chế chính sách.

Kêu gọi đầu tư, xây dựng cơ chế, chính sách thu hút, xã hội hóa đầu tư về công tác thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt, tạo động lực để các tổ chức, cá nhân đầu tư vào xử lý rác thải. Tiếp tục tăng cường và đổi mới công tác xúc tiến đầu tư cho xử lý rác thải sinh hoạt. Xây dựng kế hoạch và ưu tiên phân bổ hợp lý nguồn vốn ngân sách, nguồn vay dài hạn với lãi suất ưu đãi, vốn ODA và các nguồn vốn khác để đầu tư cho công tác thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt.

Tăng cường huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn về đầu tư cho công tác bảo vệ môi trường và thu gom rác thải; tăng cường nguồn lực tài chính, tranh thủ các nguồn ngân sách trung ương hỗ trợ thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về nông thôn mới, nguồn hỗ trợ xử lý ô nhiễm triệt để cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng của Chính phủ, viện trợ của Chính phủ các nước, các tổ chức phi chính phủ và các nguồn tài trợ quốc tế; vốn vay quỹ môi trường và khuyến khích các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đầu tư cho lĩnh vực này.

Xây dựng và điều chỉnh giá dịch vụ thu gom, vận chuyển rác thải; giá dịch vụ xử lý rác thải sinh hoạt thay thế phí vệ sinh, phí bảo vệ môi trường đối với chất thải rắn theo Luật Phí và Lệ phí năm 2015 nhằm đảm bảo cho hoạt động thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải trên địa bàn tỉnh.

Hàng năm, bố trí phân bổ kinh phí sự nghiệp môi trường để đảm bảo thực hiện nhiệm vụ theo nguyên tắc:

- Ngân sách cấp tỉnh bố trí chi trả cho việc xử lý rác tại Nhà máy xử lý rác thải Trạm Thản; hỗ trợ phương tiện vận chuyển (xe chuyên dụng) cho một số huyện phương tiện vận chuyển chưa đảm bảo nhu cầu; hỗ trợ một phần cho công tác xử lý của một số huyện có các công trình xử lý còn khó khăn.

- Ngân sách cấp huyện, xã và nguồn thu từ giá dịch vụ bố trí đảm bảo công tác thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải sinh hoạt tại cơ sở xử lý của huyện.

5. Về tăng cường đôn đốc, kiểm tra và nhân rộng mô hình.

Phát huy vai trò trách nhiệm của các cấp, các ngành, các địa phương, các tầng lớp nhân dân và các tổ chức trong công tác xã hội hóa về bảo vệ môi trường; đưa công tác thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt trở thành tiêu chí thi đua của các cấp, các ngành, các địa phương và các hộ gia đình.

Tiếp tục đẩy mạnh hoạt động thu gom, vận chuyển thông qua việc thành lập các tổ, đội vệ sinh trên địa bàn các xã, thị trấn kết hợp với việc hướng dẫn người dân thực hiện tốt công tác phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn.

Đẩy mạnh công tác đôn đốc, kiểm tra hiệu quả việc triển khai thực hiện các mô hình thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn, kịp thời sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm để nhân rộng mô hình.

Có hình thức tuyên dương, khen thưởng tập thể, cá nhân thực hiện tốt công tác thu gom, xử lý rác thải; đồng thời cũng có biện pháp xử lý các tập thể, cá nhân có tồn tại, vi phạm trong việc thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt.

6. Về khoa học công nghệ.

Đẩy mạnh việc ứng dụng khoa học kỹ thuật về công nghệ xử lý rác thải; lựa chọn, tổ chức triển khai mô hình xử lý rác thải sinh hoạt phù hợp, hiệu quả và nhân rộng các mô hình hiệu quả trên địa bàn.

Tập trung nghiên cứu công nghệ xử lý rác thải sinh hoạt đối với khu dân cư không tập trung, vùng sâu, vùng xa phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương góp phần bảo vệ môi trường.

Các nhiệm vụ cụ thể được giao theo Phụ lục số 03, Cơ quan được giao chủ trì có trách nhiệm xây dựng nhiệm vụ và dự toán chi tiết, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt để thực hiện theo quy định.

IV. LỘ TRÌNH TRIỂN KHAI THỰC HIỆN.

1. Giai đoạn 2016 - 2018.

- Duy trì công tác thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải tại 299 khu dân cư ở đô thị và 630 khu dân cư tập trung ở nông thôn. Thành lập các tổ, đội vệ sinh thực hiện công tác thu gom, vận chuyển rác thải tại 14 khu dân cư ở đô thị và 224 khu dân cư tập trung ở nông thôn, nâng tổng số khu dân cư được thu gom, xử lý rác thải ở đô thị là 313/313 khu dân cư (đạt 100%), ở nông thôn là 854/1.579 khu dân cư (đạt 54%).

(Chỉ tiêu khu dân cư ở đô thị và khu dân cư tập trung ở nông thôn được thu gom, xử lý đến năm 2018 tại Bảng 4.1 và 4.2 - Phục lục 04).

- Trước mắt, ưu tiên đầu tư, cải tạo Nhà máy chế biến phế thải đô thị Việt Trì để khắc phục tình trạng ô nhiễm (cải tạo nhà xưởng, bổ sung máy móc, thiết bị, hạ tầng kỹ thuật, tăng cường các biện pháp xử lý và xây dựng hệ thống xử lý nước thải đảm bảo quy chuẩn kỹ thuật). Đầu tư kho lưu giữ rác thải tạm thời (đảm bảo yêu cầu về môi trường) tại Trạm Thản để tiếp nhận rác thải sinh hoạt của thành phố Việt Trì, thị xã Phú Thọ, huyện Lâm Thao và huyện Phù Ninh chờ xử lý.

- Tập trung nguồn lực đầu tư hoàn thiện, đưa vào vận hành Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt tại xã Trạm Thản, huyện Phù Ninh.

- Đầu tư hoàn thiện bãi chôn lấp rác thải sinh hoạt hợp vệ sinh tại các huyện: Yên Lập, Cẩm Khê để xử lý rác thải phát sinh trên địa bàn huyện theo dự án đã được phê duyệt.

- Xúc tiến đầu tư, tranh thủ hỗ trợ nguồn vốn trung ương (50% theo Quyết định số 58/2008/QĐ-TTg) để đầu tư bãi chôn lấp rác thải sinh hoạt hợp vệ sinh tại huyện Thanh Sơn.

- Thực hiện đầu tư 3 lò đốt rác thải sinh hoạt theo mô hình cụm xã tại các huyện: Tam Nông (01 lò), Thanh Thủy (01 lò), Hạ Hòa (01 lò) nhằm đảm bảo lộ trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2018. Rà soát các lò đốt rác thải sinh hoạt đang hoạt động chưa đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường để có kế hoạch, lộ trình cải tạo, nâng cấp theo quy định.

- Rà soát, bổ sung quy hoạch các điểm tập trung chất thải rắn để thực hiện thu nạp trước khi đưa về Nhà máy xử lý chất thải rắn tại Trạm Thản để xử lý. Nghiên cứu điều chỉnh, bổ sung một số nội dung của Quy hoạch thu gom và xử lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh Phú Thọ đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 cho phù hợp trong giai đoạn tới, trong đó cần nghiên cứu lựa chọn vị trí xây dựng và đầu tư Khu liên hợp xử lý chất thải rắn để thu nạp, xử lý rác thải sinh hoạt các huyện phía nam sông Hồng.

- Tổ chức tập huấn, hướng dẫn phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn cho cán bộ môi trường cấp huyện, địa chính xã, các đơn vị thu gom, vận chuyển rác trên địa bàn và người dân. Hướng dẫn kỹ thuật đối với các khu dân cư không tập trung tự xử lý rác thải sinh hoạt phát sinh.

- Xây dựng và ban hành quy định một số cơ chế, chính sách hỗ trợ thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh đến năm 2020.

- Xây dựng giá dịch vụ thu gom, vận chuyển rác thải; dịch vụ xử lý rác thải sinh hoạt thay thế phí vệ sinh, phí bảo vệ môi trường đối với chất thải rắn theo Luật Phí và Lệ phí năm 2015 (có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2017).

2. Giai đoạn 2019-2020.

- Duy trì công tác thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải tại 313 khu dân cư ở đô thị và 854 khu dân cư tập trung ở nông thôn. Thành lập các tổ, đội thực hiện công tác thu gom và vận chuyển rác thải tại 211 khu dân cư tập trung ở nông thôn, nâng tổng số khu dân cư được thu gom, xử lý rác thải ở nông thôn là 1.065/1.579 khu dân cư (đạt 67%).

(Chỉ tiêu khu dân cư tập trung ở nông thôn được thu gom, xử lý đến năm 2020 tại Bảng 4.2 - Phục lục 04).

- Thực hiện đầu tư 4 lò đốt rác thải sinh hoạt theo mô hình cụm xã tại các huyện: Tam Nông, Thanh Thủy, Hạ Hòa, Tân Sơn nhằm đảm bảo lộ trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2019-2020.

- Quản lý và vận hành hiệu quả bãi chôn lấp rác thải sinh hoạt hợp vệ sinh tại các huyện, các mô hình lò đốt rác thải sinh hoạt và Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh đã được đầu tư.

- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật về bảo vệ môi trường, kiểm tra đánh giá hiệu quả hoạt động của mô hình về thu gom, phân loại, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt nông thôn trên địa bàn.

- Xóa bỏ các điểm tập kết rác thải sinh hoạt tự phát tại các khu vực công cộng (ven đường giao thông, ao, hồ, kênh, mương,...), chấm dứt tình trạng vứt rác thải sinh hoạt bừa bãi trên địa bàn.

- Tổ chức tổng kết việc thực hiện đề án, báo cáo UBND tỉnh.

V. KINH PHÍ THỰC HIỆN.

1. Nhu cầu kinh phí.

Dự kiến nhu cầu kinh phí thực hiện đề án là 868,2 tỷ đồng. Trong đó:

* Ngân sách cấp tỉnh là 667,4 tỷ đồng, thực hiện các nhiệm vụ:

1. Đầu tư, cải tạo khắc phục ô nhiễm Nhà máy chế biến phế thải đô thị Việt Trì và xây dựng kho lưu giữ rác thải tạm thời (đảm bảo yêu cầu về môi trường) tại Trạm Thản để tiếp nhận rác thải sinh hoạt của thành phố Việt Trì, thị xã Phú Thọ, huyện Lâm Thao và huyện Phù Ninh chờ xử lý. Nhu cầu kinh phí dự kiến: 10 tỷ đồng.

2. Đối ứng thực hiện hoàn thiện các dự án cải tạo, nâng cấp bãi chôn lấp rác thải sinh hoạt hợp vệ sinh tại các huyện Yên Lập, Cẩm Khê đã được Chính phủ hỗ trợ 50% kinh phí từ ngân sách trung ương theo Quyết định 58/QĐ-TTg: Tổng: 42,5 tỷ đồng (trong đó: Yên Lập: 12,8 tỷ đồng; Cẩm Khê: 14,8 tỷ đồng).

3. Hỗ trợ đầu tư 7 mô hình xử lý rác thải sinh hoạt bằng lò đốt để xử lý cho các xã tại 5 huyện theo kế hoạch xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020. Kinh phí dự kiến trung bình: 7 tỷ/mô hình (bao gồm: khu tập kết rác, bãi chôn lấp an toàn, hệ thống thu gom và xử lý nước rỉ rác, lò đốt rác thải sinh hoạt có hệ thống xử lý khí thải, …); Nhu cầu kinh phí dự kiến: 49 tỷ đồng.

4. Hoàn thiện xây dựng Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt tại xã Trạm Thản, huyện Phù Ninh. Tổng mức đầu tư dự kiến: 300 tỷ đồng.

5. Đối ứng thực hiện bãi chôn lấp rác thải sinh hoạt hợp vệ sinh tại huyện Thanh Sơn (tùy theo thực tế của Dự án khi được duyệt, dự kiến khoảng 10 tỷ đồng).

6. Hỗ trợ kinh phí mua sắm các phương tiện, thiết bị thu gom vận chuyển rác thải (xe chở rác chuyên dụng), dự kiến 10 tỷ đồng;

7. Chi phí xử lý (cơ sở xử lý tại Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt tại Trạm Thản): Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt tại Trạm Thản tiếp nhận và xử lý rác thải sinh hoạt cho thành phố Việt Trì, thị xã Phú Thọ, các huyện: Phù Ninh, Thanh Ba, Đoan Hùng, Lâm Thao, dự kiến mức chi phí xử lý dự kiến khoảng 380.000-400.000 đồng/tấn thì chi phí xử lý là 65,2 tỷ đồng/năm. Kinh phí xử lý giai đoạn 2016-2020 (04 năm, tính từ năm 2017) là 260,8 tỷ đồng.

(Chi tiết kinh phí xử lý của các huyện, thành, thị xử lý tập trung tại Nhà máy xử lý rác thải Trạm Thản tại Bảng 5.1 - Phụ lục số 05).

Hàng năm căn cứ khối lượng rác thải sinh hoạt được xử lý thực tế, UBND tỉnh sẽ bố trí kinh phí để thực hiện.

* Ngân sách cấp huyện, xã là 200,8 tỷ đồng, thực hiện các nhiệm vụ:

1. Đối với các huyện được đầu tư lò đốt hoặc bãi chôn lấp theo nội dung của Đề án, hàng năm phải bố trí kinh phí để xử lý lượng rác thải phát sinh đảm bảo yêu cầu. Theo tính toán, chi phí xử lý trung bình khoảng 12,6 tỷ/năm. Kinh phí xử lý giai đoạn 2016-2020 (04 năm, tính từ năm 2017) 50,4 tỷ đồng

(Chi tiết kinh phí xử lý tại cơ sở xử lý của các huyện tại Bảng 5.2 - Phụ lục số 05).

2. Đảm bảo hoạt động thu gom, vận chuyển rác thải về nơi xử lý của tỉnh hoặc cơ sở xử lý của huyện. Theo tính toán, chi phí vận chuyển trung bình khoảng 37,6 tỷ/năm. Giai đoạn 2016-2020 (04 năm tính từ 2017) là 150,4 tỷ đồng.

(Dự toán chi phí vận chuyển của từng huyện tại Bảng 5.3 - Phụ lục số 05).

2. Nguồn vốn.

- Nguồn kinh phí ngân sách trung ương (hỗ trợ theo Quyết định số 58/2008/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ);

- Nguồn kinh phí sự nghiệp môi trường;

- Nguồn vốn xây dựng nông thôn mới;

- Nguồn vốn đầu tư phát triển;

- Nguồn thu từ giá dịch vụ;

- Nguồn xã hội hóa và các nguồn huy động khác.

VI. TỔ CHỨC THỰC HIỆN.

1. Sở Tài nguyên và Môi trường:

Chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành, thị, các đơn vị liên quan phổ biến tuyên truyền, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện Đề án đảm bảo tiến độ, mục tiêu đề ra; định kỳ hàng năm tổng hợp báo cáo UBND tỉnh; là cơ quan đầu mối hướng dẫn về chuyên môn, tổng hợp xây dựng kế hoạch, nhiệm vụ và tổng hợp dự toán chi sự nghiệp môi trường của các cơ quan, đơn vị gửi cơ quan tài chính xem xét, báo cáo Ủy ban nhân dân xem xét, quyết định.

Chủ trì phối hợp với các Sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành, thị, các đơn vị liên quan trong quá trình xác nhận bảo đảm yêu cầu bảo vệ môi trường đối với cơ sở xử lý rác thải sinh hoạt.

Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì phối hợp với Sở Tài chính tham mưu UBND tỉnh phân bổ nguồn kinh phí sự nghiệp môi trường thực hiện Đề án theo quy định.

2. Sở Xây dựng:

Nghiên cứu, xác định công nghệ xử lý rác thải phù hợp với quy định, định hướng phát triển kinh tế, xã hội của Chính phủ, phù hợp với tình hình địa phương; Ban hành hướng dẫn việc lựa chọn, bố trí hạ tầng kỹ thuật đối với các điểm tập kết, khu xử lý rác thải sinh hoạt đảm bảo khoảng cách an toàn và yêu cầu về bảo vệ môi trường theo quy định.

Phối hợp với UBND huyện, thành, thị rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch hệ thống thu gom và xử lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh Phú Thọ đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 đảm bảo yêu cầu quy định.

3. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

Nghiên cứu, tham mưu đề xuất phương án xử lý rác thải nhằm đảm bảo tiêu chí về môi trường cho các xã phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2016-2020.

4. Sở Khoa học và Công nghệ:

Chủ trì, phối hợp với cơ quan liên quan nghiên cứu, tham mưu cho UBND tỉnh trong việc lựa chọn công nghệ xử lý rác thải sinh hoạt tại các khu xử lý và các biện pháp xử lý tại chỗ của các khu dân cư không tập trung. Đánh giá công nghệ lò đốt rác thải sinh hoạt đang áp dụng trên địa bàn, thống nhất với Sở Tài nguyên và Môi trường đề xuất mô hình thu gom, phân loại, xử lý rác thải sinh hoạt hiệu quả để nhân rộng trên địa bàn tỉnh.

5. Sở Tài chính:

Chỉ đạo xây dựng và thẩm định giá dịch vụ thu gom, vận chuyển rác thải; giá dịch vụ xử lý rác thải sinh hoạt trình cấp có thẩm quyền theo quy định.

Phối hợp Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu UBND tỉnh phân bổ nguồn kinh phí để triển khai thực hiện các nội dung của Đề án.

6. Sở Kế hoạch và Đầu tư:

Tham mưu UBND tỉnh kêu gọi đầu tư, xây dựng cơ chế, chính sách thu hút, xã hội hóa đầu tư về công tác thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt; xây dựng cơ chế hỗ trợ cho cấp huyện, cơ sở trực tiếp thực hiện công tác thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt để thực hiện.

Chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính và các sở có liên quan cân đối và phân bổ kinh phí thực hiện quy hoạch, đề án, các bãi chôn lấp hợp vệ sinh, Nhà máy xử lý rác thải;

7. Sở Thông tin và Truyền thông:

Chủ trì, phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Phú Thọ và các cơ quan thông tin đại chúng tổ chức tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng về công tác vệ sinh môi trường nông thôn; tuyên truyền thông qua hệ thống panô, áp phích, tờ rời về công tác vệ sinh môi trường tại các tuyến đường, nơi công cộng. Chỉ đạo, hướng dẫn các Đài truyền thanh - Truyền hình cấp huyện và hệ thống Đài truyền thanh cấp xã dành thời lượng để tuyên truyền tại địa phương.

8. Đề nghị UBMTTQ tỉnh và các tổ chức, thành viên:

Tăng cường phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, các cơ quan quản lý nhà nước và chính quyền địa phương, thường xuyên tuyên truyền vận động, nâng cao nhận thức của mỗi người dân, từng gia đình, cộng đồng dân cư, các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất kinh doanh, nắm vững và thực hiện nghiêm túc việc thu gom, phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn, ủng hộ chủ trương xây dựng các điểm tập kết, trung chuyển rác thải sinh hoạt và khu xử lý; tham gia tích cực vào công tác xã hội hóa về công tác thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt trên địa bàn.

9. UBND các huyện, thành, thị:

- Chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện nội dung Đề án tại địa phương; chỉ đạo, hướng dẫn UBND các xã tổ chức thành lập các tổ, đội thu gom rác thải, xây dựng các điểm tập kết, trung chuyển rác thải sinh hoạt đưa vào hoạt động theo đúng lộ trình, kế hoạch đã được phê duyệt.

- Giao trách nhiệm cho UBND cấp xã thực hiện quản lý, thu gom rác thải sinh hoạt trên địa bàn xã, Khu dân cư chịu trách nhiệm quản lý, thu gom tập kết rác thải phát sinh trên địa bàn và tập kết tại nơi quy định của địa phương.

- Chỉ đạo khẩn trương xây dựng, trình thẩm định giá dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn để tổ chức thu theo giá dịch vụ do Nhà nước định giá theo Luật phí và lệ phí có hiệu lực từ 01/01/2017. Ưu tiên bố trí kinh phí để thực hiện đề án, kinh phí vận chuyển và xử lý rác thải sinh hoạt hàng năm.

- Chỉ đạo UBND cấp xã ban hành quy định cụ thể về trách nhiệm, nghĩa vụ của các tổ chức, hộ gia đình trong việc thực hiện công tác bảo vệ môi trường lồng ghép trong quy ước, hương ước của các làng, thôn, bản. Có cơ chế chính sách nhằm động viên các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia bảo vệ môi trường, đưa công tác bảo vệ môi trường trở thành một trong những tiêu chí quan trọng để xét công nhận gia đình văn hóa, các thôn, khu phố, khu dân cư, cơ quan, đơn vị văn hóa. Định kỳ hàng năm UBND các cấp, phối hợp với UBMTTQ và các tổ chức đoàn thể đánh giá phong trào quần chúng về công tác bảo vệ môi trường, đề xuất chính quyền biểu dương, khen thưởng những tổ chức cá nhân có tích xuất sắc trong bảo vệ môi trường.

- Rà soát, phê duyệt quy hoạch các điểm, khu vực tập kết rác thải sinh hoạt của địa phương. Chỉ đạo UBND các xã xóa bỏ các điểm tập kết, tồn lưu rác thải sinh hoạt không đúng quy định, chấm dứt tình trạng xả rác thải sinh hoạt bừa bãi trên địa bàn.

- Hướng dẫn biện pháp xử lý rác thải đảm bảo môi trường đối với các khu dân cư không tập trung, vùng sâu, vùng xa.

- UBND huyện Cẩm Khê, Yên Lập khẩn trương hoàn thiện dự án bãi chôn lấp rác thải của địa phương. UBND huyện Thanh Sơn xây dựng dự án và thực hiện đầu tư bãi chôn lấp rác thải sinh hoạt hợp vệ sinh theo lộ trình Đề án; UBND huyện Tam Nông, Thanh Thủy, Hạ Hòa, Tân Sơn xây dựng và thực hiện mô hình lò đốt rác thải sinh hoạt cụm xã của huyện theo đề án, đảm bảo lộ trình xây dựng nông thôn mới, trình cấp có thẩm quyền thẩm định, thực hiện theo quy định.

10. Công ty TNHH Nhà nước một thành viên xử lý và chế biến chất thải Phú Thọ:

Xây dựng phương án cải tạo, khắc phục ô nhiễm Nhà máy Chế biến phế thải đô thị Việt Trì; Lập dự toán đầu tư xây dựng kho lưu giữ rác thải tạm thời (đảm bảo yêu cầu về môi trường) tại Trạm Thản để tiếp nhận rác thải sinh hoạt của thành phố Việt Trì, thị xã Phú Thọ, huyện Lâm Thao và huyện Phù Ninh chờ xử lý trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, triển khai thực hiện theo quy định.

VII. KIẾN NGHỊ.

Đề án thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016-2020 được xây dựng trên cơ sở thực tiễn, phù hợp với quy hoạch thu gom và xử lý rác thải sinh hoạt của tỉnh nhằm từng bước giải quyết những vấn đề bức xúc về môi trường, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, đảm bảo thực hiện hiệu quả chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Phú Thọ lần thứ XVIII đề ra: “Tỷ lệ rác thải được thu gom, xử lý ở đô thị đạt 100%, khu dân cư tập trung ở nông thôn đạt 65%”.

Để đề án được triển khai hiệu quả, Ủy ban nhân dân tỉnh kính đề nghị:

- Ban thường vụ Tỉnh ủy xem xét, có thông báo kết luận và quán triệt đảng bộ, chính quyền, tổ chức chính trị - xã hội các cấp thực hiện nghiêm túc các nội dung đề án; tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân nâng cao nhận thức sử dụng tiết kiệm, hiệu quả và giảm thiểu phát sinh rác thải sinh hoạt, thực hiện công tác phân loại, xử lý sơ bộ theo đúng quy định.

- Công tác xử lý rác thải sinh hoạt là nhiệm vụ cần thực hiện liên tục và tốn nhiều kinh phí. Vì vậy, kính đề nghị HĐND tỉnh xem xét, phân bổ kinh phí sự nghiệp môi trường hàng năm phù hợp để duy trì hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý đảm bảo yêu cầu. Đồng thời, tạo mọi điều kiện để có chính sách thu hút các tổ chức, cá nhân tích cực đầu tư cho hoạt động bảo vệ môi trường.

 

PHỤ LỤC 01

Bảng 1.1. Khối lượng phát sinh rác thải sinh hoạt trên địa bàn các huyện, thành, thị (tính đến năm 2015)

TT

Tên huyện, thành, thị

Tổng số khu dân cư (khu)

Khối lượng rác thải phát sinh (tấn/ngày)

Đô thị

Nông thôn

Đô thị

Nông thôn

1

TP Việt Trì

130

95

159

20,7

2

Thị xã Phú Thọ

38

69

29,4

13,3

3

Huyện Đoan Hùng

10

266

6

32,0

4

Huyện Hạ Hòa

11

283

7

32,4

5

Huyện Thanh Ba

12

244

7,1

33,3

6

Huyện Phù Ninh

23

176

13,3

26,5

7

Huyện Yên Lập

15

208

6,3

25,0

8

Huyện Cẩm Khê

13

292

5

39,7

9

Huyện Tam Nông

7

165

3,3

24,5

10

Huyện Lâm Thao

29

170

16

27,4

11

Huyện Thanh Sơn

16

269

4,9

34,2

12

Huyện Thanh Thủy

9

142

13,7

23,3

13

Huyện Tân Sơn

-

195

-

24,7

 

Tổng

313

2.574

271

357

 

Bảng 1.2. Công tác thu gom, phương tiện vận chuyển và hình thức xử lý rác thải của các huyện, thành, thị

TT

Tên huyện, thành, thị

Công tác thu gom

Phương tiện vận chuyển

Hình thức xử lý

1

Tp. Việt Trì

Công ty Cổ phần Môi trường và Dịch vụ đô thị Việt Trì.

10 tổ vệ sinh môi trường, tổ tự quản

02 Xe ép rác loại 9 m3, 09 xe ép rác loại 6 m3, 630 xe đẩy tay và xe tự chế

Vận chuyển về Nhà máy chế biến phế thải đô thị Việt Trì xử lý.

2

Huyện Phù Ninh

Ban quản lý các công trình công cộng huyện.

02 tổ vệ sinh môi trường.

01 ôtô ép rác loại 6m3; 01 ôtô 4 tấn và 30 xe đẩy tay.

Vận chuyển về Nhà máy chế biến phế thải đô thị Việt Trì xử lý. Xí nghiệp xử lý chất thải Trạm Thản và Nhà máy Z121 tham gia hỗ trợ xử lý cho các khu của xã trên địa bàn.

3

Huyện Lâm Thao

Ban quản lý các công trình công cộng huyện.

12 Hợp tác xã.

Công ty CP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao tham gia thu gom, xử lý một số khu xung quanh nhà máy.

02 xe Ô tô ép rác loại 6-6,5 tấn, 01 xe ô tô ép rác loại 5 tấn, 02 xe ô tô, 06 xe công nông, 05 xe lam 03 bánh, 88 xe gom rác 03 bánh, 32 xe cải tiến; 01 xe ép rác của Công ty CP supe phốt phát và hóa chất Lâm Thao tổ chức thu gom, vận chuyển cho 7 khu dân cư.

Vận chuyển về Nhà máy chế biến phế thải đô thị Việt Trì xử lý.

4

Thị xã Phú Thọ

Công ty CP môi trường đô thị Phú Thọ; 06 tổ thu gom.

03 Xe ép rác chuyên dụng; 06 công nông;

Vận chuyển về Nhà máy chế biến phế thải đô thị Việt Trì xử lý và một số khu được Nhà máy Z121 hỗ trợ xử lý bằng lò đốt.

5

Huyện Tân Sơn

Người dân tự vận chuyển

Xe chở rác tự chế

Tự xử lý tại các gia đình, khu dân cư

6

Huyện Tam Nông

7 hợp tác xã; 35 tổ vệ sinh môi trường; 6 tổ thu gom.

01 Xe ô tô; 04 xe công nông; 91 xe đẩy tay

Đốt bằng lò đốt tại Hương Nộn, tự xử lý bằng chôn lấp, đốt thủ công

7

Huyện Thanh Thủy

8 Hợp tác xã; 7 tổ vệ sinh môi trường

04 Xe ô tô, xe công nông.

08 xe đẩy tay

Xử lý tại 02 lò đốt thị trấn Thanh Thủy và xã Hoàng Xá; tự xử lý tại gia đình

8

Huyện Thanh Sơn

Ban quản lý các công trình công cộng huyện.

01 xe ép rác chuyên dụng, 50 xe đẩy tay.

Thu gom về khu xử lý rác của thị trấn, điểm tập kết và xử lý của xã

9

Huyện Yên Lập

01 Trung tâm phát triển cụm công nghiệp và công trình công cộng; 02 hợp tác xã; 06 tổ tự quản môi trường

03 Ô tô;

21 xe đẩy tay.

Xử lý bằng lò đốt tại xã Ngọc Lập, thu gom về khu xử lý rác thải của huyện để chôn lấp và tự xử lý bằng cách đốt tại các điểm tập kết rác thải tập trung

10

Huyện Cẩm Khê

Ban quản lý các công trình công cộng; 02 tổ vệ sinh môi trường

01 Xe ô tô 3,5 tấn; 05 xe đẩy tay, xe bò

Xử lý bằng lò đốt tại thị trấn Sông Thao, tự xử lý tại các khu dân cư, hộ gia đình

11

Huyện Hạ Hòa

Ban quản lý các công trình công cộng 05 tổ dịch vụ

Xe tải 5 tấn, xe tải nhỏ, xe công nông, xe trâu, xe bò

Xử lý bằng lò đốt tại xã Vô Tranh, tự xử lý tại các khu dân cư, hộ gia đình

12

Huyện Đoan Hùng

Ban quản lý các công trình công cộng 04 tổ dịch vụ

04 Ô tô, 35 xe đẩy tay

Thu gom về bãi chôn lấp rác của huyện; chôn lấp thủ công tại các xã và hộ gia đình.

13

Huyện Thanh Ba

Ban quản lý các công trình công cộng huyện

9 tổ đội vệ sinh môi trường

Xe tải hạng nhẹ, xe cải tiến

Xử lý tại lò đốt, hố chôn tạm thời và tự xử lý tại gia đình

Nguồn: Tổng hợp từ UBND các huyện, thành, thị.

 

PHỤ LỤC 02

DỰ BÁO KHỐI LƯỢNG RÁC THẢI PHÁT SINH CỦA CÁC HUYỆN, THÀNH, THỊ ĐẾN NĂM 2020

STT

Tên huyện, thành, thị

Dự báo dân số năm 2020 (người)

Dự báo khối lượng rác thải sinh hoạt năm 2020 (tấn/ngày)

Đô thị

Nông thôn

Đô thị

Nông thôn

1

Thành phố Việt Trì

140678

73369

197

37

2

Thị xã Phú Thọ

31194

46836

37

23

3

Huyện Đoan Hùng

7898

112606

8

56

4

Huyện Hạ Hòa

9470

114505

10

57

5

Huyện Thanh Ba

9659

117911

12

59

6

Huyện Phù Ninh

17597

93654

21

47

7

Huyện Yên Lập

8294

88437

8

44

8

Huyện Cẩm Khê

6560

140445

7

70

9

Huyện Tam Nông

4509

86596

5

43

10

Huyện Lâm Thao

21202

96954

21

48

11

Huyện Thanh Sơn

18311

120947

22

60

12

Huyện Thanh Thủy

6606

82548

7

41

13

Huyện Tân Sơn

-

87541

-

44

 

Tổng số

281.978

1.262.349

354

629

1.544.327

983

 

PHỤ LỤC 03

MỘT SỐ NHIỆM VỤ, DỰ ÁN, KẾ HOẠCH CHỦ YẾU TRIỂN KHAI THỰC HIỆN ĐẾN NĂM 2020

1

Thành lập và duy trì hoạt động của các công ty, HTX, tổ, đội hoặc tổ tự quản vệ sinh môi trường tại các xã

Nhiệm vụ

UBND huyện; UBND các xã

Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng, UBND các huyện, thành phố và các tổ chức, đoàn thể

2016-2018

2

Tuyên truyền nâng cao nhận thức về giảm thiểu, tái chế, tái sử dụng, phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn cho Phòng TN&MT các huyện, thành, thị trên địa bàn;

Kế hoạch

Sở Tài nguyên và Môi trường

Sở Tài chính, UBND các huyện, thành, thị.

2016-2020

3

Đầu tư hoàn thiện bãi chôn lấp rác thải sinh hoạt hợp vệ sinh tại các huyện Yên Lập, Cẩm Khê

Nhiệm vụ

UBND các huyện, thành, thị

Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài chính, UBND các huyện, thành, thị

2016-2018

4

Đầu tư xây dựng bãi chôn lấp rác thải sinh hoạt hợp vệ sinh tại các huyện: Thanh Sơn

Dự án

UBND các huyện Thanh Sơn

Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài chính

2016-2018

5

Đầu tư mô hình xử lý rác thải theo mô hình cụm xã bằng lò đốt

Nhiệm vụ

UBND các huyện

Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài chính

2016-2020

6

Ban hành quy định một số cơ chế, chính sách hỗ trợ thu gom, xử lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh đến năm 2020

Quyết định

Sở Kế hoạch và Đầu tư

Sở Tài chính, Sở Tài nguyên và Môi trường và UBND các huyện, thành phố

2016-2018

7

Xây dựng giá dịch vụ thu gom, vận chuyển rác thải; dịch vụ xử lý rác thải sinh hoạt thay thế phí vệ sinh, phí bảo vệ môi trường đối với chất thải rắn theo Luật Phí và Lệ phí năm 2015

Quyết định

Sở Tài chính

Các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành, thị và các đơn vị dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt

2017

8

Đánh giá hiệu quả hoạt động các mô hình thu gom, phân loại, xử lý rác thải sinh hoạt triển khai trên địa bàn; xem xét đề xuất UBND tỉnh

Nhiệm vụ

Sở Tài nguyên và Môi trường

Sở Xây dựng, Sở Khoa học và Công nghệ và cơ quan liên quan

2016-2018

9

Hoàn thiện xây dựng Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Trạm Thản tại xã Trạm Thản, huyện Phù Ninh

Dự án

Sở Kế hoạch và Đầu tư

Sở Tài chính, Sở Tài nguyên và Môi trường, Công ty TNHH NN MTV Xử lý và Chế biến chất thải Phú Thọ

2016-2018

10

Xây dựng phương án cải tạo, khắc phục ô nhiễm Nhà máy chế biến phế thải đô thị Việt Trì; Kho lưu giữ tạm thời chất thải sinh hoạt tại Khu liên hợp xử lý chất thải Trạm Thản trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, triển khai thực hiện theo quy định đảm bảo mục tiêu đã đề ra

Dự án

Công ty TNHH NN MTV Xử lý và Chế biến chất thải Phú Thọ

Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Kế hoạch vả Đầu tư, Sở Tài chính, Sở Xây dựng

2016-2017

11

Đầu tư trang bị xe thu gom rác chuyên dụng cho các huyện để vận chuyển chất thải rắn trên địa bàn.

Nhiệm vụ

UBND các huyện, thành, thị

Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư

2016-2020

12

Tổ chức tuyên truyền, tập huấn, phổ biến công tác thu gom, phân loại rác thải sinh hoạt đối với cộng đồng;

Nhiệm vụ

UBND các huyện, thành, thị

Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng

2016-2020

13

Nghiên cứu điều chỉnh, bổ sung quy hoạch hệ thống thu gom và xử lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh Phú Thọ đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, trong đó cần nghiên cứu lựa chọn vị trí và xây dựng Khu liên hợp xử lý chất thải rắn để thu nạp và xử lý rác thải sinh hoạt đô thị và rác thải sinh hoạt các huyện phía nam sông Hồng;

Nhiệm vụ

Sở Xây dựng; Sở Kế hoạch và Đầu tư

Sở Tài nguyên và Môi trường và UBND các huyện, thành, thị.

2019-2020

(Kinh phí của từng nhiệm vụ, dự án, kế hoạch nêu trên do cơ quan chủ trì xây dựng dự toán chi tiết, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt để thực hiện theo đúng lộ trình)

 

PHỤ LỤC 04

Bảng 4.1 Chỉ tiêu khu dân cư ở đô thị được thu gom, xử lý đến năm 2018 của các huyện, thành, thị

TT

Tên huyện, thành, thị

Tổng số khu dân cư (khu)

Số khu đã được thu gom xử lý (khu)

Số khu phải tổ chức thu gom, xử lý đến 2018 (khu)

Biện pháp xử lý đề xuất

1

TP Việt Trì

130

130

130

Vận chuyển về NM rác tại Trạm Thản

2

Thị xã Phú Thọ

38

38

38

Vận chuyển về NM rác tại Trạm Thản

3

Huyện Đoan Hùng

10

10

10

Vận chuyển về NM rác tại Trạm Thản

4

Huyện Hạ Hòa

11

8

11

Đầu tư lò đốt rác tạm thời

5

Huyện Thanh Ba

12

11

12

Vận chuyển về NM rác tại Trạm Thản

6

Huyện Phù Ninh

23

23

23

Vận chuyển về NM rác tại Trạm Thản

7

Huyện Yên Lập

15

10

15

Chôn lấp tại bãi chôn lấp của huyện

8

Huyện Cẩm Khê

13

13

13

Chôn lấp tại bãi chôn lấp của huyện

9

Huyện Tam Nông

7

2

7

Đầu tư lò đốt rác tạm thời

10

Huyện Lâm Thao

29

29

29

Vận chuyển về NM rác tại Trạm Thản

11

Huyện Thanh Sơn

16

16

16

Chôn lấp tại bãi chôn lấp của huyện

12

Huyện Thanh Thủy

9

9

9

Đầu tư lò đốt rác tạm thời

13

Huyện Tân Sơn

-

-

-

Chôn lấp tại bãi chôn lấp của huyện

 

Tổng

313

299

313

 

 

Bảng 4.2 Chỉ tiêu khu dân cư tập trung ở nông thôn được thu gom, xử lý đến năm 2020 của các huyện, thành, thị

TT

Tên huyện, thành, thị

Tổng số khu dân cư nông thôn (khu)

Số khu nông thôn tập trung cần thu gom, xử lý đến năm 2020 (khu)

Số khu đã được thu gom xử lý (khu)

Chỉ tiêu số khu phải tổ chức thu gom, xử lý năm 2017 (khu)

Chỉ tiêu số khu phải tổ chức thu gom, xử lý năm 2018 (khu)

Chỉ tiêu số khu phải tổ chức thu gom, xử lý năm 2018 (khu)

Chỉ tiêu số khu phải tổ chức thu gom, xử lý năm 2020 (khu)

1

TP Việt Trì

95

95

60

86

95

95

95

2

Thị xã Phú Thọ

69

69

38

69

69

69

69

3

Huyện Đoan Hùng

266

170

20

25

30

78

90

4

Huyện Hạ Hòa

283

120

31

35

40

51

60

5

Huyện Thanh Ba

244

113

54

60

80

80

80

6

Huyện Phù Ninh

176

83

15

20

30

47

60

7

Huyện Yên Lập

208

123

34

37

40

60

80

8

Huyện Cẩm Khê

292

180

47

50

50

57

75

9

Huyện Tam Nông

165

145

42

47

50

55

60

10

Huyện Lâm Thao

170

170

170

170

170

170

170

11

Huyện Thanh Sơn

269

120

4

19

34

41

48

12

Huyện Thanh Thủy

142

135

96

122

135

135

135

13

Huyện Tân Sơn

195

56

19

22

31

37

43

 

Tổng

2.574

1.579

630
(Đạt 40%)

762
(Đạt 46%)

854
(Đạt 54%)

975
(Đạt 62%)

1.065
(Đạt 67%)

 

PHỤ LỤC 05

Bảng 5.1 Dự toán kinh phí xử lý rác thải sinh hoạt của các huyện, thành, thị xử lý tập trung tại Nhà máy xử lý rác thải Trạm Thản

TT

Tên huyện, thành, thị

Khối lượng rác thải được thu gom, xử lý năm 2020 (tấn/ngày)

Đơn giá (đồng/tấn)

Chi phí xử lý (đồng/ngày)

Tổng

Đô thị

Nông thôn

1

TP Việt Trì

234

197

37

390.000

91.260.000

2

Thị xã Phú Thọ

60

37

23

390.000

23.400.000

3

Huyện Đoan Hùng

27

8

19

390.000

10.530.000

4

Huyện Thanh Ba

31

12

19

390.000

12.090.000

5

Huyện Phù Ninh

37

21

16

390.000

14.430.000

6

Huyện Lâm Thao

69

21

48

390.000

26.910.000

 

Tổng

458

296

162

 

178.620.000
(65,2 tỷ/năm)

 

Bảng 5.2 Dự toán kinh phí xử lý rác thải sinh hoạt tại cơ sở xử lý của các huyện

TT

Tên huyện, thành, thị

Khối lượng rác thải được thu gom, xử lý năm 2020 (tấn/ngày)

Đơn giá
(đồng/tấn)

Chi phí xử lý
(đồng/ngày)

Tổng

Đô thị

Nông thôn

1

Huyện Hạ Hòa

22

10

12

237.789

5.251.524

2

Huyện Yên Lập

25

8

17

66.904

1.667.454

3

Huyện Cẩm Khê

25

7

18

66.904

1.671.225

4

Huyện Tam Nông

21

5

16

237.789

4.907.100

5

Huyện Thanh Sơn

33

22

11

66.904

7.777.203

6

Huyện Thanh Thủy

46

7

39

237.789

10.933.270

7

Huyện Tân Sơn

10

0

10

66.904

2.307.163

 

Tổng

182

59

123

 

34.514.939
(12,6 tỷ/năm)

 

Bảng 5.3 Dự toán kinh phí vận chuyển rác thải sinh hoạt của các huyện, thành, thị

STT

Tên huyện, thành, thị

Khối lượng rác thải được thu gom, xử lý (tấn/ngày)

Đơn giá
(đồng/tấn)

Chi phí vận chuyển
(đồng/ngày)

Ghi chú
(Vận chuyển bằng xe chở rác chuyên dụng dưới 10 tấn)

Tổng

Đô thị

Nông thôn

1

TP Việt Trì

234

197

37

193.674

45.319.716

Cự ly vận chuyển 40-45 km

2

Thị xã Phú Thọ

60

37

23

133.568

8.014.080

Cự ly vận chuyển 20 km

3

Huyện Đoan Hùng

27

8

19

133.568

3.599.306

Cự ly vận chuyển 20 km

4

Huyện Hạ Hòa

22

10

12

133.568

2.949.823

Cự ly vận chuyển 20 km

5

Huyện Thanh Ba

31

12

19

133.568

4.186.590

Cự ly vận chuyển 20 km

6

Huyện Phù Ninh

37

21

16

133.568

4.945.052

Cự ly vận chuyển 20 km

7

Huyện Yên Lập

25

8

17

133.568

3.328.926

Cự ly vận chuyển 20 km

8

Huyện Cẩm Khê

25

7

18

133.568

3.336.455

Cự ly vận chuyển 20 km

9

Huyện Tam Nông

21

5

16

133.568

2.756.358

Cự ly vận chuyển 20 km

10

Huyện Lâm Thao

69

21

48

184.324

12.718.356

Cự ly vận chuyển 35-40 km

11

Huyện Thanh Sơn

33

22

11

133.568

4.368.518

Cự ly vận chuyển 20 km

12

Huyện Thanh Thủy

46

7

39

133.568

6.141.306

Cự ly vận chuyển 20 km

13

Huyện Tân Sơn

10

0

10

133.568

1.295.952

Cự ly vận chuyển 20 km

 

Tổng

639

354

284

 

102.960.438
(37,6 tỷ/năm)