Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ CẦN THƠ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2657/QĐ-UBND

Cần Thơ, ngày 27 tháng 9 năm 2010

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN MẠNG LƯỚI BÁN BUÔN, MẠNG LƯỚI BÁN LẺ TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ ĐẾN NĂM 2020

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11
năm 2003;

Căn cứ Luật Thương mại ngày 14 tháng 6 năm 2005;

Căn cứ Nghị quyết số 45-NQ/TW ngày 17 tháng 02 năm 2006 của Bộ Chính trị
về xây dựng và phát triển thành phố Cần Thơ trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước;

Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 16 tháng 11 năm 2007 của Chính phủ
về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội; Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11 tháng 01 năm 2008 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 16 tháng 11 năm 2007 của Chính phủ về lập,
phê duyệt và quản lý Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội;

Căn cứ Quyết định số 21/2007/QĐ-TTg ngày 08 tháng 02 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội thành phố Cần Thơ thời kỳ 2006 - 2010;

Căn cứ Quyết định số 27/2007/QĐ-TTg ngày 15 tháng 02 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án phát triển thương mại trong nước đến năm 2010
và định hướng đến năm 2020;

Căn cứ Công văn số 7441/BCT-TTTN ngày 22 tháng 8 năm 2008 của Bộ Công Thương về việc lập Quy hoạch mạng lưới cơ sở bán buôn, bán lẻ tại địa phương;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Công Thương tại Tờ trình số 51/TTr-SCT ngày 14 tháng 9 năm 2010,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch phát triển mạng lưới bán buôn, mạng lưới bán lẻ trên địa bàn thành phố đến năm 2020, với các nội dung cơ bản sau đây:

1. Vị trí địa lý: địa bàn thành phố Cần Thơ.

2. Quan điểm phát triển:

Quy hoạch phát triển mạng lưới bán buôn, mạng lưới bán lẻ trên địa bàn thành phố là yêu cầu tất yếu của quá trình phát triển kinh tế - xã hội nói chung và phát triển ngành Thương mại nói riêng, đồng thời còn là bước cụ thể hóa nhằm thực hiện mục tiêu tổ chức lại hoạt động thương mại của thành phố theo hướng văn minh và hiện đại để chủ động hội nhập kinh tế quốc tế.

3. Mục tiêu phát triển:

a) Mục tiêu tổng quát:

Phát triển mạng lưới bán buôn, mạng lưới bán lẻ phù hợp với qui hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch phát triển thương mại, quy hoạch đô thị, quy hoạch giao thông và các qui hoạch khác của thành phố trong thời kỳ từ nay đến năm 2020, đáp ứng nhu cầu của sản xuất, tiêu dùng, phục vụ và tác động tích cực đến các quá trình phát triển kinh tế - xã hội của thành phố nói chung và tăng trưởng của ngành Thương mại nói riêng, làm căn cứ pháp lý để cấp phép cho đầu tư nước ngoài vào ngành Thương mại của thành phố theo cam kết gia nhập WTO của nước ta.

b) Mục tiêu cụ thể:

Phát triển mạng lưới bán buôn, mạng lưới bán lẻ trên địa bàn thành phố vừa đảm bảo phục vụ cho nhu cầu mua bán của dân cư, vừa đảm bảo tính liên kết của hệ thống phân phối với nhiều kênh phân phối, nhiều phương thức kinh doanh, nhiều thành phần tham gia và ít khâu nấc, tạo điều kiện cho hoạt động lưu thông hàng hóa được mở rộng và gắn kết với các tỉnh, thành phố khác trong cả nước; gắn kết với thị trường khu vực và thế giới.

4. Nội dung Quy hoạch:

- Phần I: Những điều kiện và yếu tố phát triển dịch vụ bán buôn, dịch vụ bán lẻ của thành phố Cần Thơ.

- Phần II: Hiện trạng phát triển mạng lưới bán buôn, mạng lưới bán lẻ trên địa bàn thành phố Cần Thơ.

- Phần III: Phương hướng phát triển và phân bố mạng lưới bán buôn, mạng lưới bán lẻ trên địa bàn thành phố Cần Thơ đến năm 2020.

- Phần IV: Các giải pháp và tổ chức thực hiện Quy hoạch.

5. Định hướng phát triển mạng lưới bán buôn, mạng lưới bán lẻ trên địa bàn thành phố đến năm 2020:

a) Định hướng phát triển các hệ thống thị trường hàng hóa trên địa bàn:

Căn cứ sự biến động của hệ thống phân phối hàng hóa trên cơ sở của quá trình hình thành và phát triển giao lưu hàng hóa, phát triển sản xuất và tiêu dùng với những đặc thù của mỗi vùng, khu vực, địa phương; đặc thù của sự phân công và hợp tác lao động trong vùng, của quá trình phát triển hệ thống giao thông và những điều kiện cơ sở hạ tầng khác; đồng thời, căn cứ vào qui hoạch phát triển kinh tế - xã hội thành phố Cần Thơ trong thời kỳ đến năm 2020.

- Thị trường hàng công nghiệp tiêu dùng:

+ Địa bàn thành thị;

+ Địa bàn nông thôn.

- Thị trường tư liệu sản xuất:

+ Phát triển đa dạng các hình thức bán buôn theo hướng khuyến khích đấu thầu mua sắm với sản phẩm chủ yếu, khối lựơng lớn và cung ứng hàng hoá trực tiếp để giảm chi phí;

+ Phát triển các trung tâm giao dịch nguyên, phụ liệu cho từng ngành sản phẩm.

- Thị trường hàng nông sản: thị trường hàng nông sản với các loại hình: Chợ truyền thống, chợ trung tâm bán buôn, chợ đấu giá, hợp đồng thu mua nông sản, thị trư­ờng giao sau, trung tâm xuất, nhập khẩu hàng nông sản.

- Phát triển các dạng thị trường chung:

+ Hội chợ;

+ Triển lãm, triển lãm - bán hàng;

+ Khu thương mại - dịch vụ tổng hợp quy mô lớn;

+ Chợ thời vụ; chợ tuần; chợ năm;

+ Khu trưng bày hàng mẫu và đặt hàng;

+ Sàn giao dịch hàng hóa.

b) Định hướng phát triển cơ cấu của mạng lưới bán buôn, bán lẻ:

- Định hướng phát triển cơ cấu của mạng lưới bán buôn theo loại hình dịch vụ;

- Định hướng phát triển cơ cấu của mạng lưới bán lẻ theo loại hình dịch vụ;

- Định hướng phát triển cơ cấu mạng lưới thương mại theo các mô hình tổ chức kinh doanh của các doanh nghiệp thương mại;

- Định hướng phát triển cơ cấu mạng lưới thương mại theo các thành phần kinh tế hoạt động thương mại trên địa bàn thành phố:

+ Phương hướng phát triển thương mại Nhà nước: thực hiện chủ trương của Nhà nước về đổi mới tổ chức hoạt động của của doanh nghiệp Nhà nước trong kinh doanh thương mại với phương hướng phát triển cơ bản là hướng đến thực hiện vai trò nòng cốt trong một số kênh, một số hệ thống phân phối của một số ngành hàng thuộc diện quan trọng và đặc thù, tập trung vào những hoạt động mà các thành phần kinh tế khác chưa có điều kiện kinh doanh.

+ Phương hướng phát triển thương mại tư nhân: tạo mọi điều kiện thuận lợi cho sự thành lập và hoạt động của các doanh nghiệp tư nhân, công ty TNHH, công ty cổ phần ở các khu thương mại trung tâm, trung tâm thương mại, trung tâm mua sắm, trung tâm bán buôn, chợ đầu mối bán buôn...

+ Phương hướng thu hút đầu tư nước ngoài vào ngành thương mại: thu hút đầu tư nước ngoài vào ngành Thương mại thành phố Cần Thơ tập trung vào các Tập đoàn, công ty phân phối bán buôn, bán lẻ hàng đầu thế giới của các nước: Đức, Mỹ, Anh, Pháp, Hà Lan, Nhật Bản,…

+ Thành lập và nâng cao vai trò, hiệu quả hoạt động của hiệp hội các doanh nghiệp thương mại Cần Thơ.

- Định hướng phát triển dịch vụ phụ trợ cho mạng lưới Thương mại.

c) Định hướng phân bố mạng lưới bán buôn, mạng lưới bán lẻ trên địa bàn thành phố.

d) Định hướng phát triển công nghệ cao cho dịch vụ bán buôn, bán lẻ.

đ) Định hướng về vốn đầu tư phát triển mạng lưới bán buôn, bán lẻ.

e) Định hướng phát triển nguồn nhân lực cho dịch vụ bán buôn, bán lẻ.

g) Định hướng tổ chức quản lý mạng lưới bán buôn, bán lẻ.

6. Những giải pháp và chính sách thực hiện:

a) Các giải pháp và chính sách thu hút vốn đầu tư phát triển mạng lưới bán buôn, mạng lưới bán lẻ:

- Giải pháp thu hút vốn trong nước;

- Giải pháp thu hút vốn nước ngoài.

b) Giải pháp phát triển nguồn nhân lực cho dịch vụ bán buôn, dịch vụ bán lẻ của thành phố:

- Khuyến khích thu hút các nhà quản trị kinh doanh trong và ngoài nước vào ngành Thương mại;

- Đào tạo, bồi dưỡng nhân lực trong ngành Thương mại của thành phố Cần Thơ.

c) Giải pháp tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với phát triển mạng lưới bán buôn, mạng lưới bán lẻ trên địa bàn thành phố:

- Khuyến khích phát triển các loại hình tổ chức thương mại truyền thống và hiện đại:

+ Hoàn thiện hệ thống tài chính cho các doanh nghiệp thương mại vừa và nhỏ để giải quyết các vấn đề khó khăn về vốn;

+ Kiện toàn hệ thống dịch vụ để cung cấp dịch vụ thông tin, bồi dưỡng nhân tài cho các doanh nghiệp thương mại vừa và nhỏ;

+ Tăng cường công tác chỉ đạo phát triển doanh nghiệp thương mại vừa và nhỏ của Cần Thơ.

- Tăng cường năng lực quản lý nhà nước đối với mạng lưới thương mại trên địa bàn thành phố.

d) Giải pháp phát triển nhu cầu sử dụng dịch vụ bán buôn, dịch vụ bán lẻ hiện đại của thành phố:

Tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng để các doanh nghiệp thương mại và người tiêu dùng hiểu rõ các lợi ích của mình khi sử dụng các dịch vụ bán buôn, bán lẻ hiện đại (chủng loại đa dạng, số lượng hàng lớn, giá rẽ, hàng hóa chất lượng,
an toàn vệ sinh, thực phẩm, bảo hành, giao hàng tận nơi, khuyến mãi…).

đ) Giải pháp tăng cường công tác đảm bảo vệ sinh môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm đối với mạng lưới bán buôn, bán lẻ.

e) Đẩy mạnh quá trình liên kết giữa thị trường thành phố Cần Thơ với các thị trường trong và ngoài nước:

- Thúc đẩy và nâng cao hiệu quả liên kết giữa thị trường thành phố Cần Thơ với thị trường các địa phương khác trong nước;

- Thúc đẩy liên kết giữa thị trường thành phố Cần Thơ với các thị trường ngoài nước có tính chiến lược.

Điều 2. Giao Sở Công Thương là cơ quan quản lý và công bố Quy hoạch; chủ trì, phối hợp với các sở, ban ngành thành phố, Ủy ban nhân dân quận, huyện triển khai thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm, các chương trình nhánh, đề án, dự án cụ thể phù hợp với nội dung đã được phê duyệt; phối hợp các sở, ngành và các đơn vị có liên quan xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện.

Điều 3. Giám đốc sở, thủ trưởng cơ quan, ban, ngành thành phố và Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, huyện có trách nhiệm phối hợp Sở Công Thương tổ chức thực hiện Quy hoạch phát triển mạng lưới bán buôn, mạng lưới bán lẻ trên địa bàn thành phố đến năm 2020 nhằm bảo đảm sự thống nhất với Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội thành phố Cần Thơ đến năm 2020 với các quy hoạch ngành, lĩnh vực khác.

Trong quá trình thực hiện, Giám đốc Sở Công Thương có trách nhiệm kiểm tra, theo dõi để báo cáo và đề xuất giải pháp điều chỉnh, bổ sung kịp thời, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương trình Ủy ban nhân dân thành phố xem xét, quyết định.

Điều 4. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố, Giám đốc Sở Công Thương, giám đốc sở, thủ trưởng cơ quan, ban ngành thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, huyện có trách nhiệm thi hành Quyết định này kể từ ngày ký./.

 

 

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Hữu Lợi