Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH SƠN LA
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2762/QĐ-UBND

Sơn La, ngày 13 tháng 10 năm 2009

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG PHÒNG, CHỐNG BẠO LỰC GIA ĐÌNH TỈNH SƠN LA GIAI ĐOẠN 2009 - 2015

CHỦ TỊCH UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH SƠN LA

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Phòng, chống bạo lực gia đình số 02/2007/QH12 ngày 21 tháng 11 năm 2007 của Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

Căn cứ Nghị định số 08/2009/NĐ-CP ngày 04 tháng 02 năm 2009 của Chính phủ về việc quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình;

Căn cứ Quyết định số 4415/QĐ-BVHTTDL ngày 16 tháng 10 năm 2008 của Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch về việc ban hành Kế hoạch hành động phòng, chống bạo lực gia đình của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch giai đoạn 2008 - 2015;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tại Tờ trình số 987/TTr-VHTT&DL ngày 28 tháng 9 năm 2009,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch hành động phòng, chống bạo lực gia đình của tỉnh Sơn La giai đoạn 2009 - 2015.

Điều 2. Ban Chỉ đạo Triển khai mô hình can thiệp phòng, chống bạo lực gia đình tỉnh chịu trách nhiệm hướng dẫn và tổ chức thực hiện theo đúng nội dung Kế hoạch đề ra.

Điều 3. Chánh Văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh; các Ngành Thành viên Ban Chỉ đạo triển khai mô hình phòng, chống bạo lực gia đình tỉnh; Thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể liên quan và Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký./.

 

 

Nơi nhận:
- Bộ VHTT&DL;
- TT Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh;
- Như Điều 3;
- Lưu: VT.VX(01).50bản

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH THƯỜNG TRỰC




Nguyễn Ngọc Toa

 

KẾ HOẠCH

HÀNH ĐỘNG PHÒNG, CHỐNG BẠO LỰC GIA ĐÌNH TỈNH SƠN LA GIAI ĐOẠN 2009 – 2015
(Ban hành kèm theo QĐ số 2762/QĐ-UBND ngày 13/10/2009 của UBND tỉnh)

Căn cứ Luật Phòng, chống bạo lực gia đình số 02/2007/QH12 ngày 21 tháng 11 năm 2007 của Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

Căn cứ Nghị định số 08/2009/NĐ-CP ngày 04 tháng 02 năm 2009 của Chính phủ về việc Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình;

Thực hiện Chỉ thị số 16/2008/CT-TTg ngày 30 tháng 5 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc tổ chức triển khai thi hành Luật Phòng, chống bạo lực Gia đình;

Thực hiện Quyết định số 4415/QĐ-BVHTTDL ngày 16 tháng 10 năm 2008 của Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch về việc ban hành Kế hoạch hành động phòng, chống bạo lực gia đình của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch giai đoạn 2008 - 2015;

Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La xây dựng Kế hoạch hành động phòng, chống bạo lực gia đình giai đoạn 2009 - 2015, cụ thể như sau:

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu tổng quát

Uỷ ban nhân dân các cấp thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ quản lý nhà nước về phòng, chống bạo lực gia đình; xây dựng kế hoạch, triển khai thực hiện Luật Phòng, chống bạo lực Gia đình nhằm góp phần giảm thiểu tình trạng bạo lực gia đình, đảm bảo trật tự an toàn xã hội, góp phần giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống trong gia đình; xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc và phát triển bền vững.

2. Mục tiêu cụ thể

2.1. Nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ ngành Văn hoá, Thể thao và Du lịch về Phòng, chống bạo lực gia đình, phấn đấu

- Có từ 80% đến 100% cán bộ ngành Văn hoá, Thể thao và Du lịch phụ trách công tác gia đình được tập huấn công tác quản lý nhà nước về phòng, chống bạo lực gia đình hàng năm.

- 50% cán bộ làm công tác gia đình được tập huấn về tư vấn phòng, chống bạo lực gia đình có hiệu quả.

2.2. Thiết lập và vận hành cơ chế phòng, chống bạo lực gia đình và trợ giúp nạn nhân bạo lực gia đình có hiệu quả

- Xây dựng cơ chế phối hợp giữa các cơ quan, ban, ngành đoàn thể và vận hành có hiệu quả.

- Xây dựng cơ sở dữ liệu thống kê về bạo lực gia đình theo hướng dẫn của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch.

- Đến năm 2015, tỉnh Sơn La có ít nhất một cơ sở tư vấn về phòng, chống bạo lực gia đình và một cơ sở Hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình.

- Đến năm 2015, có 30% số xã, phường, thị trấn thiết lập được đường dây nóng và thiết lập được mạng lưới địa chỉ tin cậy.

II. GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

1. Tổ chức triển khai các văn bản quy phạm pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình

Tiếp tục tổ chức triển khai tới toàn thể cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân trên địa bàn toàn tỉnh các văn bản quy phạm pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình bằng nhiều hình thức như: phổ biến trên các phương tiện thông tin đại chúng, các buổi toạ đàm, nói chuyện chuyên đề, sinh hoạt câu lạc bộ, hội thi, hội diễn,v.v…

2. Tuyên truyền vận động nâng cao nhận thức, chuyển đổi hành vi về phòng, chống bạo lực gia đình

Tổ chức kế hoạch truyền thông nhằm chuyển đổi hành vi về phòng, chống bạo lực gia đình để nâng cao nhận thức và sự hiểu biết của người dân, của cán bộ lãnh đạo các cấp về bạo lực gia đình và pháp luật của Nhà nước về phòng, chống bạo lực gia đình và xử lý các hành vi bạo lực gia đình, góp phần thay đổi hành vi theo hướng tích cực.

Kế hoạch truyền thông gồm những nội dung sau:

- Ngành Văn hoá, Thể thao và Du lịch phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng phổ biến rộng rãi các thông tin liên quan đến pháp luật, chính sách của Nhà nước về phòng, chống bạo lực gia đình.

- Tổ chức các chiến dịch truyền thông phòng, chống bạo lực gia đình nhân các sự kiện như: Ngày Gia đình Việt Nam (28/6), Ngày Quốc tế về xoá bỏ bạo lực chống lại phụ nữ (25/11),...

- Tổ chức các hoạt động văn hoá, văn nghệ như: Thông tin lưu động, tủ sách lưu động, in ấn cấp phát tài liệu, tổ chức các cuộc thi về sản phẩm truyền thông xuất sắc, các tiểu phẩm về phòng, chống bạo lực gia đình, triển lãm tranh ảnh, tranh cổ động… nhằm chuyển tải thông điệp phòng, chống bạo lực gia đình đến đông đảo người dân.

- Đưa các nội dung phòng, chống bạo lực gia đình vào các buổi sinh hoạt CLB gia đình trẻ, gia đình không sinh con thứ ba, CLB gia đình phát triển bền vững,…

- Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, Báo Sơn La: Xây dựng, phát hình, phát thanh các chương trình, các chuyên mục về phòng, chống bạo lực gia đình (toạ đàm, phim tài liệu, phóng sự,…).

3. Nâng cao năng lực cho cán bộ ngành văn hoá, thể thao và du lịch về phòng, chống bạo lực gia đình

- Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức biên soạn tài liệu tập huấn về phòng, chống bạo lực gia đình; bình đẳng giới; chính sách và pháp luật của nhà nước về phòng, chống bạo lực gia đình; hướng dẫn kỹ năng làm việc hỗ trợ nạn nhân tại cộng đồng; kỹ năng quản lý, giám sát các hoạt động phòng, chống bạo lực gia đình...; tổ chức các khoá tập huấn cho cán bộ phụ trách công tác gia đình từ tỉnh đến cơ sở; tổ chức các đoàn tham quan, học tập kinh nghiệm các tỉnh bạn cho đội ngũ những người làm công tác phòng chống bạo lực gia đình…

4. Xây dựng cơ sở dữ liệu liên quan đến nội dung phòng, chống bạo lực gia đình

4.1. Xây dựng cơ sở dữ liệu, thống kê về bạo lực gia đình

- Căn cứ hướng dẫn của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, ngành Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh xây dựng cơ sở dữ liệu, thống kê về bạo lực gia đình qua các chỉ báo sau:

+ Số gia đình có nguy cơ cao về bạo lực gia đình;

+ Số nạn nhân được phát hiện và trợ giúp;

+ Số vụ bạo lực gia đình và người gây bạo lực được xử lý đúng pháp luật;

+ Số người gây bạo lực được tư vấn giáo dục (có tiến bộ, chưa có chuyển biến);

+ Số cán bộ được tập huấn về phòng, chống bạo lực gia đình;

+ Ngân sách chi cho phòng, chống bạo lực gia đình,...

- Việc thống kê ở các cơ sở do cán bộ ngành văn hoá, thể thao và du lịch thực hiện trên cơ sở phối hợp với cán bộ tư pháp và công an địa phương. Thời gian: Cấp bản, tiểu khu, tổ dân phố thống kê 01 tháng 01 lần và gửi báo cáo kết quả về UBND xã, phường, thị trấn; Cấp xã, phường, thị trấn thống kê 3 tháng 01 lần và gửi báo cáo kết quả về Ban Chỉ đạo Triển khai mô hình can thiệp phòng, chống bạo lực gia đình huyện, thành phố (qua Cơ quan thường trực: Phòng Văn hoá - Thông tin); Cấp huyện, thành phố thống kê 6 tháng 1 lần và gửi báo cáo kết quả về Ban Chỉ đạo Triển khai mô hình can thiệp phòng, chống bạo lực gia đình cấp tỉnh trước ngày 10/6 và 10/12 hàng năm (qua Cơ quan thường trực: Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch).

- Cung cấp trang thiết bị cần thiết cho cán bộ ở địa phương phụ trách công tác thu thập, lưu trữ số liệu phòng, chống bạo lực gia đình:

+ Cấp tỉnh: 01 máy vi tính (cấp qua sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch - Cơ quan thường trực Ban chỉ đạo triển khai mô hình can thiệp PCBLGĐ tỉnh);

+ Cấp huyện, thành phố: 01 máy vi tính lưu trữ thông tin.

Kinh phí từ nguồn ngân sách địa phương triển khai thi hành Phòng, chống bạo lực gia đình. Thời gian tiến hành: Năm 2010.

4.2. Hướng dẫn thu thập và phân tích thông tin

- Xây dựng bộ biểu mẫu báo cáo về thực trạng bạo lực gia đình. Thời gian thực hiện: Năm 2009.

- Tiếp tục tổ chức tập huấn cho cán bộ trong ngành văn hoá, thể thao và du lịch về chương trình nhập dữ liệu phòng, chống bạo lực gia đình; đảm bảo 80% đến 100% cán bộ phụ trách công tác phòng, chống bạo lực gia đình được tập huấn. Thời gian thực hiện: Năm 2010.

5. Củng cố và xây dựng mạng lưới trợ giúp nạn nhân của bạo lực gia đình

5.1. Xây dựng các mô hình phòng, chống bạo lực gia đình tại cơ sở

Theo 3 giai đoạn:

- Giai đoạn 1 (năm 2009): Tiếp tục triển khai mô hình điểm phòng, chống bạo lực gia đình tại Thị trấn Hát Lót - huyện Mai Sơn do Dự án của Bộ văn hoá, Thể thao và Du lịch hỗ trợ.

- Giai đoạn 2 (từ năm 2010 - đến năm 2012): Tiếp tục triển khai mô hình điểm đã được chọn ở giai đoạn 1:

+ Tỉnh chọn 03 xã của 03 huyện, thành phố triển khai xây dựng mô hình điểm bằng nguồn kinh phí của tỉnh;

+ Mỗi huyện, thành phố chọn 1 xã, phường, thị trấn xây dựng mô hình điểm bằng nguồn kinh phí địa phương mỗi huyện, thành phố.

Đến năm 2011, tiếp tục mở rộng mô hình ra 10% số xã, phường, thị trấn trên địa bàn bằng nguồn kinh phí địa phương.

- Giai đoạn 3 (từ năm 2013 - đến năm 2015): Các huyện, thành phố bằng nguồn ngân sách địa phương tiếp tục mở rộng mô hình, đảm bảo 30% số xã, phường, thị trấn trên địa bàn có mô hình điểm về phòng chống bạo lực gia đình.

Kinh phí xây dựng mô hình điểm của tỉnh sẽ được bố trí từ nguồn kinh phí thực hiện hoạt động của Ban Chỉ đạo Triển khai mô hình can thiệp PCBLGĐ tỉnh.

5.2. Xây dựng cơ sở tư vấn về phòng, chống bạo lực gia đình

- Xây dựng cơ sở tư vấn về phòng, chống bạo lực gia đình.

- Hình thành đội ngũ tư vấn về phòng, chống bạo lực gia đình, xây dựng cam kết với những người khi tham gia tư vấn phòng, chống bạo lực gia đình.

- Xây dựng đường dây tư vấn qua điện thoại và tư vấn qua các phương tiện thông tin đại chúng.

5.3. Xây dựng cơ sở hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình: Thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch.

5.4. Xây dựng mạng lưới địa chỉ tin cậy tại cộng đồng:

- Các xã, phường, thị trấn chỉ đạo phát triển mạng lưới hỗ trợ nạn nhân: Địa chỉ tin cậy tại cộng đồng; xây dựng cam kết giữa các thành viên trong mạng lưới phòng, chống bạo lực gia đình với chính quyền địa phương về hỗ trợ phòng chống bạo lực gia đình.

- Đến năm 2015: có 30% số xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh có mạng lưới địa chỉ tin cậy; hình thành đường dây nóng, báo nhanh, xử lý, ngăn chặn kịp thời những hành vi bạo lực gia đình.

6. Xây dựng, lồng ghép nội dung phòng, chống bạo lực gia đình vào phong trào xây dựng gia đình văn hoá; bản, tổ dân phố văn hoá; đơn vị văn hoá

- Tiếp tục triển khai xây dựng gia đình văn hoá với các tiêu chí: Ông bà, cha mẹ mẫu mực; con cháu hiếu thảo; vợ chồng chung thuỷ, bình đẳng; gia đình hoà thuận, đoàn kết thương yêu giúp đỡ lẫn nhau; nuôi con khoẻ, dạy con ngoan; đoàn kết xóm giềng,....

- Xây dựng bản, tổ dân phố văn hoá với các tiêu chí: không vi phạm pháp luật, không mắc các tệ nạn xã hội; giải quyết tốt những mối bất hoà trong các gia đình...

- Các huyện, thành phố chỉ đạo các xã, phường, thị trấn; các bản, tiểu khu, tổ dân phố tổ chức đưa nội dung phòng, chống bạo lực gia đình vào quy ước, hương ước cộng đồng...

- Xây dựng đơn vị văn hoá có tiêu chí: cán bộ công nhân viên chức thực hiện tốt pháp luật của Nhà nước, trong đó có Luật Phòng, chống bạo lực gia đình...

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị

Thường trực Ban Chỉ đạo Triển khai mô hình can thiệp phòng, chống bạo lực gia đình tỉnh: Chịu trách nhiệm triển khai kế hoạch, phối hợp với các thành viên Ban Chỉ đạo, hướng dẫn các huyện, thành phố thực hiện kế hoạch, xây dựng các mô hình phòng, chống bạo lực gia đình theo hướng dẫn của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch.

Sở Tài chính: Căn cứ kế hoạch, bố trí đảm bảo ngân sách để thực hiện các mục tiêu, hoạt động theo kế hoạch.

Báo Sơn La, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh: Phối hợp các ngành, đoàn thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền về phòng chống bạo lực gia đình và bình đẳng giới với nhiều hình thức phong phú, hiệu quả; tin, bài phản ánh đạt chất lượng.

Các ngành thành viên Ban chỉ đạo triển khai mô hình can thiệp phòng chống bạo lực gia đình, căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của mình, phối hợp với ngành văn hoá, thể thao và du lịch tổ chức thực hiện theo kế hoạch hàng năm.

Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố: Hàng năm, xây dựng kế hoạch, cân đối, bố trí ngân sách, triển khai kế hoạch của địa phương đạt hiệu quả.

2. Kinh phí hoạt động

Kinh phí thực hiện Kế hoạch phòng, chống bạo lực gia đình được bố trí trong dự toán chi ngân sách thường xuyên của địa phương.

Hàng năm, Thường trực Ban Chỉ đạo Triển khai mô hình can thiệp phòng, chống bạo lực gia đình các cấp, do ngành văn hoá, thể thao và du lịch chủ trì, lập dự trù kinh phí theo Kế hoạch hoạt động cụ thể, trình Uỷ ban nhân dân các cấp phê duyệt.

3. Kiểm tra giám sát

- Ban Chỉ đạo Triển khai mô hình can thiệp phòng, chống bạo lực gia đình cấp xã: Định kỳ 3 tháng 1 lần, tiến hành kiểm tra, giám sát hoạt động của mô hình trên địa bàn và báo cáo với Ban Chỉ đạo triển khai mô hình can thiệp phòng, chống bạo lực gia đình cấp huyện thông qua Phòng Văn hoá - Thông tin.

- Ban Chỉ đạo Triển khai mô hình can thiệp phòng, chống bạo lực gia đình cấp huyện, thành phố: Định kỳ 06 tháng 1 lần, tiến hành kiểm tra, giám sát hoạt động của mô hình, báo cáo về Ban Chỉ đạo Triển khai mô hình can thiệp phòng, chống bạo lực gia đình tỉnh thông qua Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch.

- Định kỳ, 1 năm 1 lần, Ban Chỉ đạo Triển khai mô hình can thiệp phòng, chống bạo lực gia đình cấp tỉnh tiến hành kiểm tra, giám sát hoạt động của mô hình tại các huyện, thành phố.

4. Lộ trình thực hiện

4.1. Giai đoạn 1(2009 - 2010)

- Đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng. Thường trực Ban Chỉ đạo tỉnh chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức thi tìm hiểu Luật Phòng, chống bạo lực gia đình.

- Nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ tham gia công tác phòng, chống bạo lực gia đình:

- Xây dựng cơ sở dữ liệu về phòng, chống bạo lực gia đình.

- Xây dựng mô hình điểm về phòng chống bạo lực gia đình

4.2. Giai đoạn 2 (từ năm 2011 - đến năm 2015)

- Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về Luật Phòng, chống bạo lực gia đình.

- Nhân rộng mô hình phòng, chống bạo lực gia đình ra 30% số xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh.

- Thành lập 01 cơ sở hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình và 01 cơ sở tư vấn phòng, chống bạo lực gia đình.

- Duy trì việc thu thập dữ liệu về phòng, chống bạo lực gia đình.

- Xây dựng mạng lưới cộng tác viên phòng, chống bạo lực gia đình.

Trên đây là Kế hoạch hành động phòng, chống bạo lực gia đình của tỉnh Sơn La giai đoạn 2009 - 2015. Uỷ ban nhân dân tỉnh yêu cầu Ban Chỉ đạo Triển khai mô hình can thiệp phòng, chống bạo lực gia đình tỉnh; các sở, ban ngành, đoàn thể liên quan; Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố tổ chức triển khai thực hiện tốt Kế hoạch; định kỳ báo cáo Tỉnh uỷ, Uỷ ban nhân dân tỉnh và Bộ Văn hoá, Thể Thao và Du lịch theo quy định./.