ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 467/QĐ-UBND | Đà Lạt, ngày 04 tháng 3 năm 2009 |
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH LÂM ĐỒNG
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;
Căn cứ Luật Phòng, Chống bạo lực gia đình số 02/2007/QH12 ngày 21/11/2007 của Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
Thực hiện Chỉ thị số 16/2008/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 30/5/2008 về việc tổ chức triển khai thi hành Luật Phòng, Chống bạo lực gia đình;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tại Văn bản số 11/TTr-VHTTDL ngày 11/02/2009,
QUYẾT ĐỊNH:
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
HÀNH ĐỘNG PHÒNG, CHỐNG BẠO LỰC GIA ĐÌNH GIAI ĐOẠN 2009 – 2015 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LÂM ĐỒNG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 467/QĐ-UBND ngày 04 tháng 3 năm 2009 của UBND tỉnh Lâm Đồng)
Đặt vấn đề
Bạo lực gia đình đã và đang xảy ra ở mọi nơi, trong mọi tầng lớp nhân dân bất kể sự khác nhau về giai cấp, về chủng tộc, tuổi tác, tôn giáo hay dân tộc. Bạo lực gia đình (BLGĐ) đã trở thành nguyên nhân chủ yếu làm tổn hại sức khỏe tinh thần của phụ nữ, trẻ em, người cao tuổi và là sự vi phạm thô bạo quyền con người. Trên thế giới hiện nay, cứ 3 phụ nữ thì có 1 người bị đánh, bị cưỡng ép tình dục hoặc bị hành hạ và đa số thủ phạm đều là người trong gia đình.
Ở Việt Nam, BLGĐ không còn là một chủ đề mới, trái lại trong những năm gần đây, bạo lực trong gia đình có xu hướng gia tăng, ảnh hưởng trực tiếp đến hạnh phúc và sự bền vững của nhiều gia đình Việt Nam và gây những hậu quả nghiêm trọng đối với đời sống kinh tế, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Chính vì vậy, bạo lực trong gia đình đang là vấn đề bức xúc được Đảng, Nhà nước và toàn xã hội quan tâm giải quyết. Hoạt động phòng chống bạo lực gia đình đã được các cơ quan, tổ chức xã hội và các gia đình hưởng ứng, bước đầu thu được kết quả đáng khích lệ. Cơ quan quản lý Nhà nước về gia đình đã và đang tiến hành nghiên cứu và thực hiện các giải pháp tích cực nhằm góp phần ngăn ngừa tệ nạn xã hội, tình trạng bạo lực trong gia đình thông qua cuộc vận động xây dựng gia đình văn hóa, thôn, buôn, khu phố văn hóa.
Nhằm thể chế hóa đường lối chủ trương của Đảng và thể chế hóa quan điểm bình đẳng trong gia đình. Ngày 21/11/2007, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình được Quốc hội khóa XII nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ban hành và có hiệu lực kể từ ngày 01/7/2008. Điều này cho thấy BLGĐ không chỉ còn là chuyện riêng của mỗi gia đình mà đã trở thành vấn đề chung của toàn xã hội.
Căn cứ pháp lý
Đảng và Nhà nước đã ban hành các chính sách và văn bản pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình (PCBLGĐ):
Chỉ thị số 49-CT/TW ngày 21/02/2005 của Ban Bí thư về xây dựng gia đình thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Quyết định số 106/2005/QĐ-TTg ngày 16/5/2005 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược xây dựng gia đình Việt Nam giai đoạn 2005-2010
Luật Phòng, chống bạo lực gia đình được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XII, kỳ họp thứ 2 thông qua ngày 21/11/2007, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2008. Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch được giao “chịu trách nhiệm thực hiện quản lý Nhà nước về PCBLGĐ”. Nhiệm vụ cụ thể liên quan đến công tác xây dựng chương trình, kế hoạch phòng chống bạo lực gia đình của ngành được quy định như sau:
1. Xây dựng và trình cơ quan có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền văn bản quy phạm pháp luật, chương trình, kế hoạch về PCBLGĐ;
2. Chủ trì, phối hợp với các ngành chức năng tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật, chương trình, kế hoạch về PCBLGĐ”.
Chỉ thị số 16/2008/CT-TTg ngày 30/5/2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc tổ chức triển khai thi hành Luật Phòng, Chống bạo lực gia đình
Quyết định số 4415/QĐ-BVHTTDL ngày 16/10/2008 về việc Ban hành kế hoạch hành động Phòng, Chống bạo lực gia đình giai đoạn 2008 – 2015.
Quyết định số 1074/QĐ-UBND ngày 24/3/2006 của UBND tỉnh Lâm Đồng về việc Ban hành kế hoạch triển khai Chiến lược xây dựng gia đình Việt Nam giai đoạn 2006 - 2010 tỉnh Lâm Đồng.
Quyết định số 2244/QĐ-UBND ngày 21/8/2008 của UBND tỉnh Lâm Đồng về việc phê duyệt Đề án Phòng chống bạo lực trong gia đình, phòng chống sự xâm nhập của tệ nạn xã hội vào gia đình giai đoạn 2008 – 2011 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.
Thực trạng bạo lực gia đình
Trong những năm qua cơ quan quản lý Nhà nước ở các cấp đã có nhiều cố gắng để ngăn chặn và loại trừ các hành vi BLGĐ. Nhiều văn bản pháp luật đã được ban hành nhằm bảo vệ sự an toàn của mỗi thành viên gia đình. Song song với điều đó là những cuộc vận động tuyên truyền có quy mô rộng lớn về việc xây dựng gia đình văn hoá - những gia đình kiểu mẫu, bình đẳng và không có bạo lực. Bước tiến quan trọng trong cuộc chiến PCBLGĐ ở Việt Nam là Luật PCBLGĐ được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua tháng 11 năm 2007.
Theo các số liệu ghi nhận được trên thực tế, phụ nữ bị chồng ngược đãi chiếm tỷ lệ lớn hơn là người chồng bị ngược đãi. Chính vì vậy mà vấn đề bạo lực gia đình thường đựơc gắn với bạo lực đối với phụ nữ. Bạo lực đối với phụ nữ trong gia đình tồn tại ở các hình thức trực tiếp và gián tiếp, cả về thể chất và tinh thần. Bạo lực về thể chất gồm đánh đập, ngược đãi, hành hạ, gây thương tích, thậm chí giết vợ; bạo lực về tinh thần gồm những hành vi hành hạ tâm lý, những lời sỉ nhục, đe dọa, khủng bố tinh thần… hoặc thờ ơ, vô trách nhiệm với vợ; lạm dụng tình dục: cưỡng bức, ép buộc phụ nữ làm những việc liên quan đến tình dục trái với mong muốn của họ; và cấm đoán, hạn chế các hoạt động của vợ trong các mối quan hệ cộng đồng, xã hội, đặc biệt nghiêm cấm vợ tìm kiếm sự độc lập về kinh tế. Những hành động trên gây ảnh hưởng không nhỏ tới sức khoẻ và tình cảm của người phụ nữ và mức độ bạo lực cũng là một trong những thước đo về sự bất bình đẳng giới.
Theo báo cáo của Công an tỉnh Lâm Đồng cho thấy từ năm 2000 đến năm 2007 đã có 19 vụ bạo lực gia đình dẫn đến chết người. Riêng năm 2007, trong số 53 vụ giết người trên phạm vi toàn tỉnh thì có 03 vụ do người thân trong gia đình giết hại lẫn nhau.
Theo báo cáo của Toà án nhân dân tỉnh Lâm Đồng từ năm 2000 đến năm 2007, các toà án địa phương trong toàn tỉnh đã thụ lý và giải quyết sơ thẩm 7892 vụ án về lĩnh vực hôn nhân và gia đình, trong đó có tới 3050 vụ án liên quan đến bạo lực gia đình, hành vi đánh đập ngược đãi, chiếm 38,4% trong tất cả các nguyên nhân dẫn đến ly hôn. ( Trong đó có 1319 vụ ly hôn trong tổng số 3050 vụ án về hôn nhân gia đình chiếm tỷ lệ 43,2%).
Trên thực tế, không phải lúc nào pháp luật cũng có thể can thiệp sâu vào vấn đề bạo lực gia đình. Nhiều người vẫn ngộ nhận hoặc lẫn lộn bạo lực gia đình với cuộc sống riêng tư của gia đình. Họ cho rằng vợ chồng có thể cãi cọ, đánh nhau để dàn xếp mâu thuẫn gia đình và người ngoài không có quyền can thiệp vào cuộc sống riêng tư của gia đình họ.
Trong thời gian qua, các địa phương đã có nhiều biện pháp tích cực PCBLGĐ. Tuy nhiên, hoạt động can thiệp ở một số địa phương chưa có hiệu quả cao. Chẳng hạn, hoạt động hoà giải tập trung chủ yếu đối với bạo lực về thể chất. Sự can thiệp của cơ quan hành pháp còn bị động và chậm. Việc phối hợp hoạt động ở một số địa phương còn chưa tốt, kế hoạch không cụ thể và không có sự phân công rõ ràng...
Về nhận thức, nhiều cán bộ còn coi BLGĐ là chuyện riêng của từng gia đình. Về kỹ năng, phần lớn chưa được trang bị phương pháp, kỹ năng chuyên môn cần thiết cho công tác hòa giải, tư vấn... Nhiều cán bộ y tế cơ sở chưa được tập huấn về kỹ năng sàng lọc, phát hiện nạn nhân bạo lực, chưa đủ kiến thức để tư vấn cho nạn nhân. Việc kiểm tra, cập nhật thông tin còn yếu. Thống kê về BLGĐ chưa trở thành một nhiệm vụ của một cơ quan cụ thể, gây khó khăn cho việc xây dựng chương trình hành động PCBLGĐ ở các cấp. Đặc biệt, hiện nay còn thiếu những dữ liệu cơ bản làm cơ sở để đánh giá việc can thiệp phòng chống BLGĐ cũng như giám sát các hoạt động PCBLGĐ.
Thực trạng bạo lực gia đình nghiêm trọng cùng với những khó khăn trong các mặt công tác nêu trên đòi hỏi phải có một kế hoạch hành động tích cực và cụ thể của cơ quan quản lý Nhà nước về PCBLGĐ nhằm ngăn ngừa và giảm thiểu tình trạng BLGĐ hiện nay.
1. Mục tiêu tổng quát
Triển khai có hiệu quả Luật Phòng, chống bạo lực gia đình đảm bảo công tác quản lý Nhà nước về phòng, chống bạo lực gia đình được thực hiện đồng bộ, đúng quy định.
2. Mục tiêu cụ thể
2.1. Triển khai các văn bản quy phạm pháp luật về PCBLGĐ.
- Ngành VHTTDL chủ trì, phối hợp với các ngành liên quan tham mưu UBND tỉnh các kế hoạch, đề án triển khai thực hiện Luật PCBLGĐ, Chỉ thị số 16/2008/CT-TTg ngày 30/5/2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc tổ chức triển khai thi hành Luật PCBLGĐ.
- Các văn bản hướng dẫn của Trung ương, Bộ văn hóa, Thể thao và Du lịch và các Bộ, ngành liên quan.
2.2. Nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) về PCBLGĐ;
- 100% cán bộ ngành VHTTDL phụ trách công tác gia đình các cấp được tập huấn công tác quản lý Nhà nước về PCBLGĐ hằng năm;
- 50% đến 70% cán bộ làm công tác gia đình được tập huấn về tư vấn PCBLGĐ hàng năm.
- Nhân bản và phát hành bộ tài liệu tập huấn về PCBLGĐ cho cán bộ của ngành VHTTDL và các ngành liên quan sử dụng.
2.3. Thiết lập, vận hành cơ chế PCBLGĐ và trợ giúp nạn nhân BLGĐ có hiệu quả.
- Cơ chế phối hợp giữa các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể được thiết lập vào năm 2009 và được vận hành thường xuyên, có hiệu quả trong những năm tiếp theo;
- Cơ sở dữ liệu, thống kê về BLGĐ được thiết lập và cập nhật thường xuyên;
- 6 tháng một lần, các cấp có báo cáo về tình hình PCBLGĐ ở địa phương mình gửi cấp trên;
- Mỗi năm có thêm 10% - 20% nạn nhân được sự hỗ trợ, tư vấn từ các cơ sở trợ giúp BLGĐ (cơ sở hỗ trợ nạn nhân BLGĐ, cơ sở tư vấn về PCBLGĐ, cơ sở khám chữa bệnh, cơ sở bảo trợ xã hội, địa chỉ tin cậy);
- Mỗi năm có thêm 15% đến 30% những người thực hiện hành vi BLGĐ tham gia các hoạt động tư vấn và giáo dục;
- Đến năm 2015, tại tỉnh có 1 cơ sở tư vấn về PCBLGD và 1 cơ sở hỗ trợ nạn nhân BLGĐ.
II. Giải pháp và các hoạt động.
Giải pháp 1: Truyền thông vận động nâng cao nhận thức, chuyển đổi hành vi về PCBLGĐ
1.1. Truyền thông - Vận động
Tiến hành tổ chức các hoạt động truyền thông vận động (thông qua hội nghị, hội thảo, đào tạo và các hoạt động truyền thông khác cho cán bộ lãnh đạo Đảng, chính quyền, đoàn thể và cộng đồng dân cư...) nhằm tăng cường sự cam kết ủng hộ của các cấp uỷ Đảng, chính quyền, các đại biểu dân cử, các ngành, đoàn thể, các tổ chức xã hội và những người có uy tín trong cộng đồng vào công tác PCBLGĐ và tăng cường đầu tư nguồn lực cho các hoạt động này. Vận động sự tham gia tích cực, tự nguyện của các đơn vị và cá nhân.
Thông qua các Câu lạc bộ Gia đình, tổ chức các hoạt động văn hóa và thể thao để phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, phê phán hành vi BLGĐ, thực hiện bình đẳng giới và tôn trọng các quyền cơ bản của phụ nữ, trẻ em, người cao tuổi và các thành viên khác trong gia đình. Việc này đặc biệt có ý nghĩa đối với vùng sâu, vùng xa nơi người dân hạn chế trong việc tiếp cận các phương tiện truyền thông đại chúng. Những hoạt động này được lồng ghép trong đề án truyền thông và sẽ được các CLBGĐ thường xuyên tổ chức.
Việc tập huấn cho cán bộ làm công tác tuyên truyền của các cấp, ngành được thực hiện theo hình thức tập huấn cho đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên truyền các cấp, ngành.
1.2. Xây dựng kế hoạch truyền thông PCBLGĐ giai đoạn 2010-2020
Ngành VHTTDL chủ trì, phối hợp với các ngành liên quan xây dựng đề án truyền thông chuyển đổi hành vi về PCBLGĐ để đảm bảo hoạt động trong lĩnh vực này diễn ra thường xuyên và có tính hệ thống trong nhiều năm nhằm:
+ Nâng cao nhận thức và sự hiểu biết của người dân và cán bộ các cấp về BLGĐ và pháp luật của Nhà nước về phòng và xử lý vấn đề BLGĐ theo cách tiếp cận quyền con người, góp phần thay đổi hành vi theo hướng tích cực, tiến bộ thông qua các hoạt động thông tin cổ động trực quan của các ngành chức năng và cơ quan thông tin đại chúng.
+ Tạo sự đồng thuận và ủng hộ của các cấp lãnh đạo Đảng, chính quyền, các tổ chức xã hội, những người có uy tín trong cộng đồng, đối với công tác PCBLGĐ.
+ Phối hợp chặt chẽ với mạng lưới các đội lưu động tổ chức các hoạt động văn hóa thông tin ở tỉnh, huyện và xã, các hoạt động biểu diễn văn nghệ lưu động, các buổi trình diễn ca nhạc và các sự kiện khác tập trung vào chủ đề PCBLGĐ.
1.3. Xây dựng và nhân bản các tài liệu truyền thông (tờ rơi, pano, áp phích, cẩm nang hướng dẫn...) cho cán bộ tham gia công tác PCBLGĐ.
- Nội dung của tài liệu truyền thông nhằm giúp mọi người hiểu được BLGĐ là hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm quyền con người, ảnh hưởng tiêu cực của BLGĐ tới sự phát triển bền vững của cá nhân, gia đình và xã hội; loại trừ BLGĐ là trách nhiệm của toàn xã hội, cộng đồng.
- Các tài liệu này cũng giúp người bị bạo lực và người gây ra bạo lực hiểu được quyền và nghĩa vụ của họ, chi tiết hóa các biện pháp hỗ trợ dành cho nạn nhân của bạo lực trong gia đình, các chế tài cụ thể áp dụng đối với người gây bạo lực... đặc biệt nhấn mạnh đến vai trò và trách nhiệm của nam giới trong việc tham gia PCBLGĐ.
- Các thông điệp truyền thông sẽ được xác định cho từng nhóm đối tượng như: nhóm cán bộ lãnh đạo; nhóm cán bộ trong các ngành Y tế, Tư pháp và thi hành luật pháp, các tổ chức quần chúng và nhóm người dân.
Các tài liệu truyền thông sẽ được cấp phát đến mọi tầng lớp nhân dân để truyền tải hiệu quả nhất những thông điệp và thông tin quan trọng đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
1.4. Đồng thời với việc xây dựng đề án truyền thông về PCBLGĐ, ngành VHTTDL phối hợp với các cơ quan truyền thông đại chúng để phổ biến rộng rãi các thông tin liên quan đến pháp luật, chính sách của Nhà nước về PCBLGĐ; xây dựng, phát sóng, và phát thanh các chương trình chuyên mục (tọa đàm, phim tài liệu và phóng sự); tổ chức các hoạt động văn hóa quần chúng như các cuộc thi về sản phẩm truyền thông xuất sắc, các tiểu phẩm về PCBLGĐ, triển lãm tranh, ảnh, tranh cổ động; nhằm truyền tải thông điệp PCBLGĐ đến đông đảo người dân.
Tổ chức các chiến dịch truyền thông PCBLGĐ vào những ngày có sự kiện như ngày Gia đình Việt Nam 28/6, ngày Quốc tế phòng, chống phân biệt đối xử với Phụ nữ 25/11...
Các cơ quan truyền thông đại chúng đảm bảo mạng lưới cán bộ chuyên môn làm công tác tuyên truyền được tập huấn các kiến thức về PCBLGĐ, và kỹ năng vận động, truyền thông về vấn đề nhạy cảm, biết sử dụng tốt các kết quả nghiên cứu về PCBLGĐ để cung cấp thông tin đầy đủ cho các đối tượng.
Giải pháp 2: Triển khai các văn bản pháp luật về PCBLGĐ
2.1. Triển khai các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành liên quan đến gia đình và phòng chống BLGĐ.
2.2. Xây dựng và triển khai các đề án, kế hoạch trong lĩnh vực PCBLGĐ.
2.3. Phối hợp với các ngành liên quan xây dựng và ban hành các kế hoạch, hướng dẫn liên tịch;
2.4. Tham mưu UBND tỉnh ban hành Chương trình hành động PCBLGĐ tỉnh Lâm Đồng.
Giải pháp 3: Nâng cao năng lực cho cán bộ tham gia PCBLGĐ
3.1. Tổ chức tập huấn cho cán bộ tham gia PCBLGĐ các cấp
Tổ chức các khóa tập huấn cho cán bộ ở tất cả các cấp của ngành VHTTDL để họ trở thành đầu mối thực hiện quản lý Nhà nước về PCBLGĐ và tham gia trực tiếp vào hoạt động PCBLGĐ hiệu quả. Tập huấn sẽ được coi là bắt buộc đối với tất cả cán bộ phụ trách công tác gia đình, kể cả cán bộ đương nhiệm và cán bộ mới của ngành VHTTDL.
Tập huấn sẽ giúp các học viên hiểu được các nội dung và kiến thức cơ bản về BLGĐ và bình đẳng giới, đặc biệt giúp họ có thể từ bỏ những định kiến về giới và các quan niệm sai về bạo lực đối với phụ nữ. Tập huấn cũng đề cập đến việc hướng dẫn thực hiện có hiệu quả các văn bản pháp luật hiện hành, các nghị định và thông tư liên quan tới chức năng quản lý Nhà nước về PCBLGĐ. Nâng cao những kỹ năng và phương pháp để các học viên học cách xử lý kịp thời, đồng bộ và hiệu quả các vụ BLGĐ cũng như có thể tham gia tư vấn về gia đình và PCBLGĐ ở cơ sở, và thực hiện công tác giám sát, quản lý hoạt động PCBLGĐ.
Các cán bộ ngành VHTTDL phụ trách công tác gia đình các cấp, trên cơ sở các tiêu chí tuyển chọn, sẽ được chọn tham dự tập huấn về PCBLGĐ, tư vấn về gia đình và PCBLGĐ, để có thể thực hiện tốt nhiệm vụ của họ tại cơ sở.
Ngoài việc triển khai tập huấn cho cán bộ ngành VHTTDL, phối hợp với các cơ quan, tổ chức liên quan xây dựng và triển khai chương trình tập huấn cho cán bộ các ngành như Tư pháp, Công an, chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội các kiến thức về PCBLGĐ và kỹ năng giúp đỡ, tư vấn cho nạn nhân bị BLGĐ.
3.2. Xây dựng và thực hiện kế hoạch giám sát hỗ trợ cho hoạt động của các học viên sau những khoá tập huấn
Tiến hành các hoạt động giám sát hỗ trợ thường xuyên cho hoạt động của cán bộ ở các cấp, các ngành nhằm đảm bảo họ có thể sử dụng được những kiến thức thu được từ tập huấn và áp dụng kiến thức vào thực tế.
Giải pháp 4: Xây dựng cơ sở dữ liệu về BLGĐ và PCBLGĐ
4.1. Xây dựng cơ sở dữ liệu, thống kê về bạo lực gia đình
- Cơ sở dữ liệu, thống kê về BLGĐ cần phải được xây dựng trước hết ở cấp cơ sở, thông qua việc thu thập thông tin ban đầu các hành vi BLGĐ và những vấn đề có liên quan, căn cứ vào các mục tiêu của chương trình hành động. Cụ thể, số lượng các loại hành vi BLGĐ căn cứ theo quy định ở Luật PCBLGĐ, số nạn nhân được phát hiện và trợ giúp, số vụ BLGĐ được xử lý đúng pháp luật, cơ cấu ngân sách chi cho công tác PCBLGĐ ở địa phương, số lượng cán bộ ngành VHTTDL được tập huấn về PCBLGĐ...
- Thông tin ban đầu về thực trạng BLGĐ và các biện pháp PCBLGĐ ở cơ sở cần được gắn với hoạt động thu thập thông tin về lĩnh vực bình đẳng giới cũng như một số lĩnh vực phát triển kinh tế-xã hội khác ở địa phương.
- Việc thống kê ở cấp cơ sở sẽ do cán bộ ngành VHTTDL thực hiện, trên cơ sở phối hợp với cán bộ Tư pháp và Công an địa phương.
- Trang thiết bị cần thiết cho cán bộ ở địa phương phụ trách công tác thu thập, lưu trữ số liệu PCBLGĐ. Ít nhất mỗi huyện có 1 máy tính để lưu giữ thông tin bằng nguồn ngân sách của địa phương.
4.2 Xây dựng cơ chế cập nhật thông tin
- Xây dựng cơ chế để bổ sung thường xuyên các thông tin cần thiết phục vụ cho việc xây dựng kế hoạch ở địa phương về PCBLGĐ.
- Thực hiện việc thống kê thường xuyên các thông tin về BLGĐ, và các chỉ báo kinh tế-xã hội có liên quan ở cấp cơ sở.
Công bố hàng năm số liệu thống kê về số lượng, loại hình, các nguyên nhân và các khía cạnh khác liên quan đến BLGĐ.
4.3 Hướng dẫn thu thập và phân tích thông tin
- Xây dựng chương trình cập nhật thông tin về PCBLGĐ và triển khai chương trình nhập dữ liệu ban đầu về PCBLGĐ ở các cấp.
- Báo cáo thường xuyên về thực trạng BLGĐ.
- Tổ chức tập huấn cho cán bộ trong ngành VHTTDL về chương trình nhập dữ liệu PCBLGĐ, bảo đảm 100% cán bộ phụ trách công tác PCBLGĐ được tập huấn.
- Tham gia tập huấn về chương trình phân tích và xử lý thông tin liên quan đến PCBLGĐ. Số lượng: 100% cán bộ phụ trách công tác PCBLGĐ.
- Phân tích, đánh giá và báo cáo về thực trạng BLGĐ và hiệu quả của các biện pháp can thiệp.
Giải pháp 5: Củng cố và xây dựng mạng lưới trợ giúp nạn nhân BLGĐ
5.1. Nhân rộng mô hình PCBLGĐ tại cơ sở
a) Củng cố mô hình PCBLGĐ thử nghiệm
- Rà soát các hoạt động của mô hình thử nghiệm tại Phường 2 – Đà Lạt
- Bổ sung, hoàn thiện các hoạt động của mô hình.
b) Triển khai các hoạt động của mô hình PCBLGĐ
Mô hình PCBLGĐ được triển khai thành 3 giai đoạn:
- Giai đoạn 1 (2008 – 2009): Triển khai 12/12 huyện, thị, thành phố, mỗi huyện chọn 01 xã để triển khai mô hình.
- Giai đoạn 2 (2010 – 2012): Mở rộng thêm mỗi huyện chọn 02 xã triển khai mô hình.
- Giai đoạn 3 (2013 – 2015): Mỗi huyện, bằng nguồn ngân sách địa phương, mở rộng mô hình ra 50% số xã trong địa bàn.
5.2. Xây dựng cơ sở tư vấn về PCBLGĐ
- Xây dựng và hỗ trợ xây dựng cơ sở tư vấn về PCBLGD.
- Hình thành đội ngũ tư vấn về PCBLGĐ, xây dựng cam kết với những người khi tham gia tư vấn PCBLGĐ;
- Xây dựng đường dây tư vấn qua điện thoại và tư vấn qua các phương tiện thông tin đại chúng.
5.3. Xây dựng cơ sở hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình
- Xây dựng và hỗ trợ xây dựng cơ sở hỗ trợ nạn nhân BLGD.
- Lồng ghép các hoạt động tư vấn cho nạn nhân và người gây bạo lực;
5.4. Xây dựng mạng lưới địa chỉ tin cậy tại cộng đồng
- Phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội, chính quyền địa phương hình thành, phát triển mạng lưới hỗ trợ nạn nhân: “Địa chỉ tin cậy tại cộng đồng”; xây dựng cam kết giữa các thành viên trong mạng lưới và giữa mạng lưới với chính quyền địa phương về hỗ trợ nạn nhân BLGĐ. Đến năm 2015 có 50% xã trong toàn tỉnh có mạng lưới địa chỉ tin cậy.
- Tăng cường năng lực, kỹ năng tư vấn cho các thành viên trong mạng lưới;
- Hình thành đường dây nóng, báo nhanh, xử lý, ngăn chặn kịp thời những hành vi BLGĐ. Đến năm 2015, có 50% số xã trên toàn tỉnh có đường dây nóng. Mỗi địa chỉ tin cậy có đường dây nóng về PCBLGĐ
Giải pháp 6: Xây dựng, lồng ghép nội dung PCBLGĐ vào phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa
6.1. Lồng ghép nội dung PCBLGĐ vào tiêu chí bình xét gia đình văn hóa, thôn buôn văn hóa, khu phố văn hóa
Xây dựng gia đình văn hóa có tiêu chí: vợ chồng bình đẳng, tôn trọng nhau, không có hành vi bạo lực. Nuôi con khỏe, dạy con ngoan, đối xử công bằng với các con, không trọng nam khinh nữ, có tinh thần đoàn kết, tương trợ trong cộng đồng dân cư nơi mình sống, tích cực tham gia vào việc vận động, hòa giải những xích mích, bất đồng nhằm giảm thiểu những mầm mống của BLGĐ.
Xây dựng thôn, buôn, khu phố văn hóa có tiêu chí: Các gia đình thực hiện tốt pháp luật của Nhà nước, trong đó có Luật phòng, chống BLGĐ, đưa nội dung PCBLGĐ vào việc xây dựng và thực hiện quy ước, hương ước của địa phương, thông báo cho cộng đồng dân cư về những hành vi BLGĐ và tạo dư luận xã hội lên án những hành vi bạo lực đó, giải quyết tốt những mối bất hòa trong các gia đình.
Xây dựng đơn vị văn hóa có tiêu chí: các gia đình thành viên thực hiện tốt pháp luật của Nhà nước, trong đó có Luật phòng, chống BLGĐ, tham gia và tạo điều kiện giải quyết tốt những mối bất hòa trong các gia đình, tổ chức các hoạt động nhằm khuyến khích, biểu dương những gia đình văn hóa.
6.2. Lồng ghép nội dung PCBLGĐ vào nội dung sinh hoạt thường xuyên của gia đình văn hóa, làng văn hóa, đơn vị văn hóa
Tiêu chí gia đình văn hóa được các gia đình văn hóa thực hiện và trở thành nếp sống thường ngày của các thành viên để tạo nên môi trường văn hóa lành mạnh trong mỗi gia đình.
Chính quyền các cấp cần bổ sung, nâng cao những tiêu chí về thực hiện Luật PCBLGĐ đối với thôn buôn khu phố văn hóa cho phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội của mỗi địa phương, đồng thời tổ chức khen thưởng, biểu dương các gia đình điển hình, tiên tiến không vi phạm luật PCBLGĐ.
1. Nguồn lực
1.1. Ngân sách Nhà nước: Căn cứ vào nguồn kinh phí thực hiện Kế hoạch, đề án PCBLGĐ (Kế hoạch, đề án được HĐND thông qua, UBND phê duyệt).
1.2. Ngân sách vận động: thông qua các dự án, chương trình hợp tác với các tổ chức chính trị - xã hội và cá nhân…
2. Tổ chức thực hiện
2.1. Đề nghị Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các thành viên:
a) Xây dựng kế hoạch tuyên truyền, giáo dục, khuyến khích, động viên hội viên và nhân dân chấp hành pháp luật về: Phòng, Chống bạo lực gia đình; Luật hôn nhân và gia đình; Bình đẳng giới; phòng chống ma túy mại dâm và các tệ nạn xã hội khác.
b) Phối hợp các cơ quan liên quan kiến nghị các biện pháp và tổ chức thực hiện pháp luật về: luật phòng, chống bạo lực gia đình; luật hôn nhân và gia đình; bình đẳng giới; phòng chống ma túy mại dâm và các tệ nạn xã hội khác, chăm sóc, hỗ trợ và bảo vệ nạn nhân bạo lực gia đình.
c) Tham gia giám sát việc thực hiện luật về phòng, chống bạo lực gia đình.
2.2. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch
a) Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành có liên quan và UBND các huyện, thị, thành phố trực thuộc tỉnh tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch hành động phòng, chống bạo lực gia đình.
b) Chủ trì, phối hợp với Sở Công an, Sở Tư pháp, Sở Thông tin - Truyền thông, Đài PTTH tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về hôn nhân và gia đình, phòng chống bạo lực gia đình trên các phương tiện thông tin đại chúng.
c) Tổ chức kiểm tra, giám sát để đấu tranh với những hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực gia đình; vận động xã hội đấu tranh, phê phán các hành vi thiếu trách nhiệm đối với gia đình; chủ động phối hợp giải quyết các vấn đề xã hội như: bạo hành, bất bình đẳng giới trong gia đình, phòng chống bạo lực gia đình. Thông qua công tác này, cần kịp thời biểu dương, khen thưởng những gia đình điển hình, những địa phương, đơn vị thực hiện tốt công tác về gia đình.
d) Có kế hoạch giám sát định kỳ hoặc đột xuất đảm bảo quản lý và theo dõi tiến độ thực hiện các mục tiêu, các chỉ đạo đồng thời có trách nhiệm theo dõi kiểm tra, giám sát toàn bộ hoạt động của đề án theo kế hoạch được phê duyệt.
2.3. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội:
a) Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành thực hiện có hiệu quả các chương trình xóa đói giảm nghèo; hỗ trợ việc làm; đào tạo nghề cho thanh niên phù hợp với từng vùng kinh tế. Đề xuất các chính sách, chế độ hỗ trợ gia đình chính sách xã hội, gia đình có hoàn cảnh khó khăn, gia đình dân tộc thiểu số thông qua chương trình đào tạo nghề, giải quyết việc làm để phấn đấu tự vươn lên ổn định cuộc sống.
b) Chủ trì, phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch triển khai thực hiện Luật Bình đẳng giới nhằm nâng cao nhận thức của cá nhân, gia đình và xã hội về giới và các vấn đề liên quan.
c) Hướng dẫn, tổ chức thực hiện giúp đỡ nạn nhân bạo lực gia đình tại các cơ sở bảo trợ xã hội.
2.4. Sở Y tế:
a) Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành tổ chức tốt việc khám chữa bệnh cho người nghèo và các chương trình phòng, chống dịch, các bệnh xã hội ở vùng sâu, vùng xa và vùng đặc biệt khó khăn.
b) Củng cố và hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở để cung cấp tại chỗ các dịch vụ y tế, đặc biệt là các cơ sở điều trị, phục hồi sức khỏe tinh thần cho nạn nhân của bạo lực gia đình.
c) Xây dựng và triển khai thực hiện quy chế về tiếp nhận, chăm sóc y tế đối với bệnh nhân là nạn nhân của bạo lực gia đình tại các cơ sở khám chữa bệnh.
2.5. Sở Thông tin - Truyền thông và các cơ quan thông tin đại chúng:
a) Sở Thông tin - Truyền thông có trách nhiệm chỉ đạo các cơ quan thông tin đại chúng thông tin, tuyên truyền chính sách, pháp luật về phòng chống bạo lực gia đình.
b) Xây dựng các chuyên trang, chuyên mục về gia đình và bạo lực gia đình nhằm phê phán những hành vi đồng thời biểu dương các cá nhân và tập thể tham gia thực hiện tốt PCBLGĐ.
2.6. Sở Tư pháp, Tòa án Nhân dân tỉnh, Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh, Công an tỉnh:
a) Sở Tư pháp, Tòa án Nhân dân tỉnh, Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh, Công an tỉnh trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của đơn vị chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tuyên truyền chính sách, pháp luật về phòng chống bạo lực trong gia đình, tệ nạn xã hội, thực hiện việc hướng dẫn, giúp đỡ, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của nạn nhân bạo lực gia đình.
b) Chủ động phòng ngừa, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình, tệ nạn xã hội. Thực hiện nhiệm vụ thống kê về phòng chống bạo lực gia đình và tệ nạn xã hội.
2.7. UBND các huyện, thị xã Bảo Lộc và thành phố Đà Lạt:
a) Chỉ đạo các đơn vị chuyên môn đưa các mục tiêu về xây dựng gia đình, phòng chống bạo lực gia đình vào kế hoạch phát triển kinh tế xã hội dài hạn và ngắn hạn ở địa phương.
b) Xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch phòng chống bạo lực trong gia đình phù hợp với kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Tổng hợp báo cáo định kỳ hàng năm với UBND tỉnh (Thông qua Sở Văn hóa, Thể thao & Du lịch) để tổng hợp báo cáo Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch.
3. Quản lý, giám sát, đánh giá các hoạt động
3.1. Kiểm tra, giám sát
a) Kiểm tra, giám sát định kỳ
- Định kỳ 3 tháng 1 lần, ban chỉ đạo cấp xã tiến hành kiểm tra, giám sát hoạt động của mô hình trên địa bàn và báo cáo với cơ quan quản lý cấp trên.
- Định kỳ 6 tháng 1 lần, ngành VHTTDL tiến hành kiểm tra, giám sát hoạt động của mô hình và báo cáo UBND tỉnh và Bộ.
b) Kiểm tra, giám sát không định kỳ
Tiến hành kiểm tra đột xuất hoạt động của các mô hình.
3.2. Đánh giá giữa kỳ
Các hoạt động của Kế hoạch sẽ được đánh giá giữa kỳ vào năm 2012.
3.3. Tổng kết, đánh giá và đề xuất thực hiện trong giai đoạn tiếp theo
Năm 2015, Kế hoạch sẽ được đánh giá độc lập và tiến hành tổng kết giai đoạn 2009 – 2015, đề xuất giải pháp trong giai đoạn tiếp theo.
3.4. Chế độ báo cáo
- Định kỳ (3 tháng, 6 tháng, năm, báo cáo giữa kỳ và cuối kỳ) các địa phương báo cáo về tình hình thực hiện Kế hoạch hành động PCBLGĐ;
- Hình thành và duy trì các kênh thông tin, báo cáo từ các địa phương tới cơ quan thường trực (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) tổng hợp để báo cáo UBND tỉnh và Bộ theo quy định.
4. Lộ trình thực hiện
4.1. Giai đoạn 1 (2009-2010) Tập trung vào các hoạt động sau:
- Xây dựng và nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ trực tiếp tham gia công tác PCBLGĐ từ tỉnh tới cơ sở;
- Xây dựng Đề án truyền thông chuyển đổi hành vi PCBLGĐ; phối hợp với các ngành tăng cường các hoạt động tuyên truyền phổ biến Luật PCBLGĐ và các văn bản hướng dẫn thi hành luật;
- Xây dựng cơ sở dữ liệu về PCBLGĐ.
- Triển khai mô hình PCBLGĐ ở các huyện, thị, thành phố.
- Xây dựng thí điểm cơ sở hỗ trợ nạn nhân, cơ sở tư vấn PCBLGĐ, mạng lưới “Địa chỉ tin cậy” tại cộng đồng.
4.2. Giai đoạn 2 (2011- 2015) tập trung vào các hoạt động sau:
- Nhân rộng mô hình PCBLGĐ trên phạm vi toàn tỉnh;
- Triển khai các hoạt động của Đề án truyền thông chuyển đổi hành vi PCBLGĐ trên phạm vi toàn tỉnh;
- Củng cố và nhân rộng cơ sở hỗ trợ nạn nhân BLGĐ, cơ sở tư vấn PCBLGĐ và mạng lưới “Địa chỉ tin cậy”;
- Củng cố và duy trì thu thập dữ liệu về PCBLGĐ và xây dựng mạng lưới PCBLGĐ./-
- 1 Quyết định 1923/QĐ-UBND năm 2014 về Kế hoạch hành động phòng, chống bạo lực gia đình trên địa bàn tỉnh Bình Định đến năm 2020
- 2 Quyết định 03/2013/QĐ-UBND về Quy chế phối hợp liên ngành trong công tác phòng, chống bạo lực gia đình trên địa bàn tỉnh Bến Tre
- 3 Quyết định 60/QĐ-UBND năm 2010 về kế hoạch hành động thực hiện Phòng, chống bạo lực gia đình giai đoạn 2010-2015 do tỉnh Tây Ninh ban hành
- 4 Quyết định 2762/QĐ-UBND năm 2009 về kế hoạch hành động phòng, chống bạo lực gia đình tỉnh Sơn La giai đoạn 2009 - 2015
- 5 Quyết định 55/2009/QĐ-UBND ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện công tác phòng, chống bạo lực gia đình giai đoạn 2009- 2015 trên địa bàn tỉnh Long An do Ủy ban nhân dân tỉnh Long An ban hành
- 6 Quyết định 334/QĐ-UBND năm 2009 về kế hoạch hành động phòng, chống bạo lực gia đình của tỉnh Vĩnh Long giai đoạn 2009 - 2015
- 7 Quyết định 4415/QĐ-BVHTTDL về kế hoạch hành động phòng, chống bạo lực gia đình của giai đoạn 2008- 2015 do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành
- 8 Quyết định 2244/QĐ-UBND năm 2008 về phê duyệt Đề án Phòng chống bạo lực trong gia đình, phòng chống sự xâm nhập của tệ nạn xã hội vào gia đình giai đoạn 2008 – 2011 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng
- 9 Chỉ thị 16/2008/CT-TTg về tổ chức triển khai thi hành luật phòng, chống bạo lực gia đình do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 10 Luật phòng, chống bạo lực gia đình 2007
- 11 Luật Bình đẳng giới 2006
- 12 Quyết định 106/2005/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược xây dựng Gia đình Việt Nam giai đoạn 2005 - 2010 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 13 Chỉ thị 49-CT/TW năm 2005 về xây dựng gia đình thời kỳ công nghiệp, hiện đại hoá đất nước do Ban Chấp hành Trung ương ban hành
- 14 Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban Nhân dân 2003
- 15 Luật Hôn nhân và Gia đình 2000
- 1 Quyết định 1923/QĐ-UBND năm 2014 về Kế hoạch hành động phòng, chống bạo lực gia đình trên địa bàn tỉnh Bình Định đến năm 2020
- 2 Quyết định 03/2013/QĐ-UBND về Quy chế phối hợp liên ngành trong công tác phòng, chống bạo lực gia đình trên địa bàn tỉnh Bến Tre
- 3 Quyết định 60/QĐ-UBND năm 2010 về kế hoạch hành động thực hiện Phòng, chống bạo lực gia đình giai đoạn 2010-2015 do tỉnh Tây Ninh ban hành
- 4 Quyết định 2762/QĐ-UBND năm 2009 về kế hoạch hành động phòng, chống bạo lực gia đình tỉnh Sơn La giai đoạn 2009 - 2015
- 5 Quyết định 55/2009/QĐ-UBND ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện công tác phòng, chống bạo lực gia đình giai đoạn 2009- 2015 trên địa bàn tỉnh Long An do Ủy ban nhân dân tỉnh Long An ban hành
- 6 Quyết định 334/QĐ-UBND năm 2009 về kế hoạch hành động phòng, chống bạo lực gia đình của tỉnh Vĩnh Long giai đoạn 2009 - 2015