Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2815/QĐ-UBND

Huế, ngày 13 tháng 12 năm 2006

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN KINH TẾ TẬP THỂ TỈNH THỪA THIÊN HUẾ GIAI ĐOẠN 2006 - 2010

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH THỪA THIÊN HUẾ

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Luật Hợp tác xã ngày 26/11/2003 và Nghị định số 177/2004/NĐ-CP ngày 12/10/2004 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Hợp tác xã năm 2003;

Căn cứ Nghị định số 88/2005/NĐ-CP ngày 11/7/2005 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển Hợp tác xã;

Căn cứ Quyết định số 272/2005/QĐ-TTg ngày 31/10/2005 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt kế hoạch phát triển kinh tế tập thể 5 năm (2006-2010);

Xét đề nghị của Sở Kế hoạch và Đầu tư tại Tờ trình số 182/KHĐT-ĐKKD ngày 13/11/2006,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án Phát triển kinh tế tập thể tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2006-2010 (dưới đây viết tắt là Đề án) với những nội dung chủ yếu sau:

I. QUAN ĐIỂM PHÁT TRIỂN

1. Thực hiện chính sách khuyến khích, tạo điều kiện phát triển vững chắc kinh tế tập thể (KTTT) góp phần tăng trưởng kinh tế của tỉnh, thu hút nhiều lao động.

2. Phát triển KTTT trên khắp địa bàn toàn tỉnh với các lĩnh vực, ngành nghề có lợi thế, với nhiều hình thức hợp tác đa dạng mà nòng cốt là Hợp tác xã (HTX).

3. Khơi dậy ý thức tự vươn lên của các tổ chức KTTT, đồng thời có sự hỗ trợ của Nhà nước tạo điều kiện cho khu vực kinh tế này phát triển đích thực, có hiệu quả.

II. MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN

1. Mục tiêu tổng quát:

- Phát triển kinh tế tập thể với tốc độ tăng trưởng hợp lý và bền vững; phấn đấu cùng với kinh tế nhà nước giữ vai trò nền tảng trong nền kinh tế của tỉnh.

- Phát triển số lượng, coi trọng củng cố nâng cao hiệu quả, mở rộng hoạt động của KTTT theo đúng các quy định của pháp luật hiện hành.

- Tạo việc làm và tăng thu nhập ổn định cho xã viên.

2. Mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể:

- Tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm từ 4,5 - 5%; tỷ trọng GDP khu vực kinh tế tập thể (bao gồm cả kinh tế của các thành viên) chiếm khoảng 13,8% GDP của tỉnh; thu nhập bình quân của người lao động đến năm 2010 tăng gấp đôi so với năm 2005.

- Số lượng HTX tăng bình quân 7,2%/năm; số lượng tổ hợp tác tăng bình quân 3,2%/năm; thành lập 2-3 Liên hiệp HTX; đến năm 2010 có 70% HTX đạt loại khá.

- Lao động tăng bình quân hàng năm trong khu vực HTX 1%, tổ hợp tác 7%.

- Đến năm 2010, tỷ lệ cán bộ quản lý HTX có trình độ đại học đạt 15%; trình độ trung cấp đạt 40%. Đến năm 2008, 100% kế toán trưởng HTX có bằng trung cấp trở lên.

III. ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN

1. Định hướng phát triển theo ngành

a. Trong lĩnh vực dịch vụ:

- Củng cố và phát triển các HTX thương mại, du lịch, dịch vụ; phát triển mạng lưới siêu thị, các trung tâm giới thiệu sản phẩm của HTX, HTX thương mại ở các trung tâm cụm xã.

- Phát triển mô hình HTX đầu tư, kinh doanh, khai thác và quản lý chợ; HTX vệ sinh môi trường; tổ hợp tác, HTX giáo dục, y tế, văn hóa...

- Khuyến khích HTX tham gia hoạt động kinh doanh xuất nhập khẩu.

- Nâng cao hiệu quả hoạt động của các HTX vận tải và quỹ tín dụng nhân dân. Thành lập mới các quỹ tín dụng nhân dân ở những nơi có nhu cầu.

b. Trong lĩnh vực xây dựng và tiểu thủ công nghiệp:

- Kiện toàn và nâng cao năng lực các HTX khai thác, sản xuất vật liệu xây dựng, thi công xây lắp;

- Phát triển loại hình HTX dịch vụ - công nghiệp;

- Gắn đổi mới phát triển các cơ sở KTTT với các chương trình khuyến công, công nghiệp hóa nông nghiệp và nông thôn, làm hạt nhân phát triển công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp tại các cụm công nghiệp, làng nghề.

- Chú trọng thúc đẩy phát triển HTX hoạt động theo hướng đa dạng hóa sản phẩm hàng thủ công mỹ nghệ.

- Bồi dưỡng nâng cao kiến thức, kỹ năng cho đội ngũ cán bộ quản lý và cán bộ kỹ thuật, năng lực tài chính, đổi mới máy móc thiết bị và công nghệ.

c. Trong nông, lâm, ngư, nghiệp:

- Tiếp tục xây dựng, phát triển các tổ hợp tác, HTX theo mô hình kinh doanh đa ngành; sử dụng đất đai theo hướng hiệu quả thông qua chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi.

- Khuyến khích và tạo điều kiện liên kết hợp nhất các HTX theo ngành hoặc địa bàn có quy mô, năng lực hoạt động cao hơn.

- Xây dựng mô hình HTX liên kết giữa đánh bắt với chế biến, cung cấp dịch vụ thủy sản. Quan tâm phát triển các tổ hợp tác, HTX nuôi trồng thủy sản, HTX dịch vụ nuôi trồng, HTX chế biến thủy sản.

2. Định hướng phát triển theo vùng

a. Đối với khu vực nông thôn:

- Phát triển các ngành nghề truyền thống và những ngành nghề mới để giải quyết việc làm, chuyển dịch cơ cấu kinh tế ngay trong nội bộ vùng.

- Phát triển các tổ hợp tác, HTX dịch vụ nông nghiệp tổng hợp, kinh tế trang trại và HTX kinh doanh tổng hợp, quỹ tín dụng nhân dân, HTX xây dựng, kinh doanh khai thác và quản lý chợ nông thôn theo hướng liên kết giữa sản xuất với thị trường.

b. Trên địa bàn thành phố, thị trấn:

- Chú trọng xây dựng các HTX thương mại, dịch vụ nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng và dịch vụ đa dạng của các tầng lớp dân cư khác nhau.

- Phát triển các HTX theo hướng quy mô lớn hoặc liên hiệp HTX, sử dụng công nghệ hiện đại và sản xuất tập trung; các HTX cung ứng sản phẩm đầu vào cho các khu, cụm tiểu thủ công nghiệp và làng nghề.

IV. CÁC GIẢI PHÁP CHỦ YÉU

1. Giải pháp về vốn:

Thông qua đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất, hạ tầng phát triển làng nghề, phát triển hạ tầng nuôi trồng thủy sản, các chương trình mục tiêu của tỉnh và chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình xóa đói giảm nghèo, khuyến nông, khuyến công, khuyến ngư, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho sản xuất, đào tạo nghề, các chương trình xã hội nhằm phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, tạo điều kiện và tiền đề cho KTTT phát triển.

Trong những năm tới cần tiếp tục lồng ghép các nguồn vốn đầu tư (cả trong nước và nước ngoài); bố trí một phần vốn ngân sách cho đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật và tuyên truyền, vận động phát triển KTTT (khoảng 600 triệu đồng/năm).

2. Quản lý nhà nước về KTTT:

- Kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về KTTT, rà soát phân công nhiệm vụ giữa các sở, ngành và các địa phương; nâng cao vai trò, trách nhiệm của chính quyền địa phương trong nhiệm vụ quản lý KTTT. Ở các Sở có ít nhất 01 cán bộ chuyên trách, ở các huyện có từ 1- 2 cán bộ theo dõi về KTTT. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có kế hoạch xây dựng Chi cục phát triển HTX đủ mạnh để hỗ trợ cho HTX nông nghiệp phát triển.

- Xây dựng quy chế phối hợp hoạt động giữa các ngành, các cấp; các quy định về quản lý, chế độ thông tin và tiêu chí đánh giá KTTT.

- Đưa chỉ tiêu phát triển KTTT vào kế hoạch kinh tế xã hội, kế hoạch phát triển ngành.

3. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thay đổi nhận thức:

- Phổ biến, tuyên truyền và hướng dẫn thực hiện Luật HTX năm 2003, các Nghị định, Thông tư hướng dẫn thi hành Luật nhằm tạo chuyển biến về nhận thức đối với các vấn đề liên quan đến phát triển KTTT.

- Các phương tiện thông tin đại chúng tăng thời lượng và nội dung tuyên truyền các mô hình thành công, các HTX làm ăn có hiệu quả; phổ biến những kiến thức cơ bản và tình hình phát triển KTTT trên địa bàn.

- Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng, phổ biến các nội dung, kế hoạch phát triển KTTT; tổ chức hội thảo, hội nghị trao đổi kinh nghiệm, giới thiệu các mô hình hợp tác hiệu quả để nhân rộng.

4. Xây dựng cơ sở hạ tầng, tạo lập thị trường và mô hình điểm:

- Hình thành và phát triển kết cấu hạ tầng thương mại nhằm tạo điều kiện cho hoạt động trao đổi mua bán hàng hóa, như: chợ, trung tâm thương mại (bán buôn, bán lẻ hàng hóa), mạng lưới các cửa hàng phù hợp.

- Tạo lập mối liên kết giữa lưu thông hàng hóa với sản xuất, đặc biệt là với sản xuất nông nghiệp. Phát triển các phương thức đại lý mua bán hàng hóa và cung cấp các dịch vụ, vật tư theo hợp đồng ổn định, lâu dài.

- Chỉ đạo việc phối hợp, liên kết giữa các doanh nghiệp, HTX, tổ chức tín dụng với hộ nông dân trong việc tiêu thụ nông sản thông qua hợp đồng.

- Xây dựng HTX với thành viên đa dạng (thể nhân và pháp nhân) trở thành đầu mối chủ yếu trong việc ký kết hợp đồng mua bán và làm đại lý mua bán với doanh nghiệp kinh doanh hàng nông sản và vật tư nông nghiệp trên thị trường nông thôn để thực hiện tiêu thụ phần lớn nông sản cho nông dân và cung ứng những vật tư quan trọng cho sản xuất nông nghiệp.

- Xây dựng các mô hình điểm về HTX sản xuất kinh doanh có hiệu quả làm cơ sở nhân rộng và thu hút người lao động gia nhập HTX.

5. Các giải pháp nâng cao năng lực hoạt động của HTX:

- Hướng dẫn các HTX rà soát, bổ sung, xây dựng điều lệ HTX và đăng ký kinh doanh theo các Nghị định của Chính phủ.

- Sáp nhập các HTX kinh doanh cùng một ngành nghề hoặc hợp nhất hai hoặc ba HTX thành một liên hiệp HTX mới có quy mô lớn hơn để có đủ vốn, nhân lực và tăng thêm thị phần, tạo điều kiện cho việc kinh doanh dịch vụ và phát triển ngành nghề mới.

- Đẩy mạnh liên doanh liên kết giữa các HTX với nhau và giữa các HTX với các thành phần kinh tế khác.

- Thực hiện đóng bảo hiểm xã hội và trả lương hợp lý cho từng chức danh theo quy định của pháp luật.

- Xử lý dứt điểm, rõ ràng các vấn đề liên quan đến công nợ và tài sản do HTX quản lý.

6. Thực hiện chính sách của Nhà nước đối với HTX theo Nghị định 88/NĐ- CP ngày 11/7/2005 của Chính phủ như: thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển HTX, chính sách thuế, đất đai....

V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Kế hoạch và Đầu tư:

- Xây dựng chính sách khuyến khích phát triển KTTT.

- Tổng hợp kế hoạch phát triển KTTT, chú trọng kế hoạch đào tạo bồi dưỡng cán bộ quản lý HTX. Lồng ghép các nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu tạo điều kiện cho KTTT phát triển.

2. Sở Tài chính:

- Hàng năm cân đối, bố trí kinh phí thuộc ngân sách nhà nước để thực hiện kế hoạch phát triển HTX, trước hết cho đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật.

- Xây dựng Đề án thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển HTX. Hướng dẫn chính sách tài chính đối với hoạt động HTX.

- Chỉ đạo xử lý dứt điểm nợ tồn đọng của HTX nông nghiệp theo Quyết định số 146/2001/QĐ-TTg ngày 02/10/2001 của Thủ tướng Chính phủ.

3. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

- Cụ thể hóa các chính sách phát triển các loại hình HTX nông nghiệp ở nông thôn.

- Củng cố kiện toàn Chi cục phát triển HTX nông nghiệp - nông thôn, giao thêm nhiệm vụ hỗ trợ cho các HTX nông nghiệp;

- Quy hoạch lại đồng ruộng sau dồn điền đổi thửa để sử dụng đất đai có hiệu quả.

- Rà soát, xây dựng tiêu chí đánh giá các HTX.

4. Sở Thuỷ sản:

- Chỉ đạo xây dựng các mô hình HTX nuôi trồng, dịch vụ, đánh bắt và chế biến thuỷ sản ở những nơi có điều kiện với quy mô thích hợp.

- Xây dựng kế hoạch đào tạo chuyên môn kỹ thuật, kiến thức về luật pháp trong quản lý, khai thác, nuôi trồng, chế biến thuỷ sản.

5. Sở Công nghiệp:

- Chỉ đạo các huyện, thành phố quy hoạch chi tiết các tiểu khu công nghiệp, làng nghề.

- Phối hợp các địa phương, các ngành huy động nguồn vốn đầu tư đồng bộ hạ tầng các tiểu khu công nghiệp, làng nghề đã được quy hoạch. Hỗ trợ xúc tiến đầu tư - thương mại tại các tiểu khu đó.

6. Các Sở: Thương mại, Du lịch, Giao thông vận tải, Xây dựng:

- Thiết lập hệ thống thông tin quản lý HTX thuộc ngành, lĩnh vực quản lý để hỗ trợ cho HTX và phục vụ việc quản lý.

- Hướng dẫn cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển HTX; cung cấp thông tin, tiếp thị, hướng dẫn các hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại, ứng dụng, chuyển giao công nghệ thuộc lĩnh vực ngành phụ trách.

7. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội:

- Hướng dẫn thực hiện bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với các chức danh quản lý HTX, xã viên và người lao động làm việc cho HTX.

- Xây dựng đề án đào tạo nghề, lao động chuyên môn kỹ thuật cho khu vực KTTT.

8. Sở Tài nguyên và Môi trường:

- Hướng dẫn và đẩy mạnh công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, hướng dẫn việc giao đất, cho thuê đất đối với các HTX.

- Hoàn chỉnh xong công tác dồn điền đổi thửa đất nông nghiệp.

- Giám sát chặt chẽ vấn đề ô nhiễm môi trường, hướng dẫn, giúp đỡ các HTX tuân thủ pháp luật về môi trường.

9. Sở Khoa học và Công nghệ:

- Hướng dẫn thực hiện các chính sách khuyến khích, hỗ trợ các HTX tham gia hệ thống quản lý chất lượng (ISO, ...), đăng ký nhãn hiệu sản phẩm hàng hóa, đăng ký thương hiệu, sở hữu trí tuệ.

- Đôn đốc, hướng dẫn việc chuyển giao công nghệ, ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất kinh doanh trong các HTX.

10. Chi nhánh Ngân hàng nhà nước tỉnh:

- Tổ chức tuyên truyền trong toàn ngành, xem KTTT là khách hàng tiềm năng, cần có chính sách cho vay linh hoạt, kịp thời.

- Củng cố các Quỹ tín dụng nhân dân đã có và xây dựng một số quỹ tín dụng nhân dân mới.

11. UBND các huyện và thành phố Huế:

- Xây dựng kế hoạch phát triển KTTT 5 năm 2006-2010 của các huyện và thành phố Huế. Lồng ghép các nguồn vốn, nâng cao năng lực cho HTX, tổ hợp tác. Huy động mọi nguồn lực đầu tư đồng bộ hạ tầng các tiểu khu công nghiệp làng nghề.

- Tuyên truyền vận động phát triển KTTT. Nâng cao nhận thức cộng đồng về phát triển KTTT. Hỗ trợ tìm đầu ra cho các sản phẩm của HTX.

12. Liên minh HTX tỉnh

- Tuyên truyền thực hiện các Nghị quyết của Đảng, Luật HTX, Quyết định 272 và các Nghị định của Chính phủ, các văn bản quy phạm pháp luật.

- Tổng kết, nhân điển hình tiên tiến, phát động phong trào thi đua trong các HTX; tìm kiếm, huy động các nguồn lực; trực tiếp hoặc tham gia tổ chức triển khai các lớp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý HTX.

- Mở rộng quan hệ đối ngoại để tranh thủ về vốn, thị trường xuất khẩu, quảng cáo và giới thiệu sản phẩm, đào tạo và bồi dưỡng cán bộ.

- Nâng cao vai trò hoạt động của Trung tâm tư vấn hỗ trợ HTX. Đẩy mạnh công tác tư vấn hỗ trợ, xúc tiến thương mại.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các Sở, Ban, ngành cấp tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện và thành phố Huế chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Nguyễn Xuân Lý