Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐỒNG NAI
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2975/QĐ-UBND

Đồng Nai, ngày 11 tháng 11 năm 2011

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT MẠNG LƯỚI QUAN TRẮC MÔI TRƯỜNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐỒNG NAI GIAI ĐOẠN 2011 - 2015, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2020

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG NAI

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường ngày 29/11/2005;

Căn cứ Nghị quyết số 125/2008/NQ-HĐND ngày 05/12/2008 của HĐND tỉnh Đồng Nai về việc thông qua Đề án Bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020;

Căn cứ Nghị quyết số 195/2010/NQ-HĐND ngày 09/12/2010 của HĐND tỉnh Đồng Nai về việc điều chỉnh, bổ sung một số điều Nghị quyết số 125/2008/NQ-HĐND ngày 05/12/2008 của HĐND tỉnh về việc thông qua Đề án Bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020;

Căn cứ Quyết định số 54/2011/QĐ-UBND ngày 01/9/2011 của UBND tỉnh Đồng Nai về việc ban hành Chương trình Bảo vệ môi trường tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2011 - 2015;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tại Tờ trình số 700/TTr-STNMT ngày 28/10/2011,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này là Mạng lưới quan trắc môi trường tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2011 - 2015, định hướng đến 2020.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Giao trách nhiệm cho Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành liên quan triển khai thực hiện. Trong quá trình triển khai thực hiện có khó khăn, vướng mắc kịp thời báo cáo, đề xuất UBND tỉnh chỉ đạo giải quyết.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, Giám đốc các Sở, ngành, Thủ trưởng các đơn vị có liên quan, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã Long Khánh và thành phố Biên Hòa và các tổ chức, cá nhân có liên quan trên địa bàn tỉnh Đồng Nai chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Bộ Tài nguyên và Môi trường;
- Thường trực Tỉnh ủy;
- Thường trực HĐND tỉnh;
- Chủ tịch và các Phó Chủ tịch UBND tỉnh;
- Trung tâm Công báo;
- Chánh, Phó Văn phòng CNN;
Lưu: VT, TH, CNN.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Phan Thị Mỹ Thanh

 

MẠNG LƯỚI QUAN TRẮC MÔI TRƯỜNG TỈNH ĐỒNG NAI GIAI ĐOẠN 2011 - 2015, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN 2020

(Ban hành kèm theo Quyết định số 2975 /QĐ-UBND ngày 11/11/2011 của UBND tỉnh Đồng Nai)

1. Về phạm vi, đối tượng quan trắc

Mạng lưới quan trắc môi trường tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2011 - 2015, định hướng đến 2020 thực hiện quan trắc các thành phần: nước mặt lục địa, nước dưới đất, không khí và đất trên địa bàn Thành phố Biên Hòa, Thị xã Long Khánh và các huyện: Tân Phú, Định Quán, Thống Nhất, Trảng Bom, Vĩnh Cửu, Xuân Lộc, Cẩm Mỹ, Long Thành, Nhơn Trạch.

2. Về mục tiêu, nguyên tắc và yêu cầu của việc xây dựng mạng lưới

2.1. Mục tiêu

a. Mục tiêu tổng quát:

- Xây dựng mạng lưới quan trắc chất lượng môi trường nước mặt, nước dưới đất, không khí và môi trường đất có cơ sở khoa học và phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương.

- Xây dựng chương trình quan trắc môi trường trên địa bàn tỉnh Đồng Nai bảo đảm thống nhất, đồng bộ, tiên tiến đáp ứng nhu cầu cung cấp dữ liệu cơ bản về các thành phần môi trường, phục vụ có hiệu quả cho công tác quy hoạch môi trường, xử lý, khắc phục và cảnh báo ô nhiễm môi trường. Tiến tới đáp ứng nhu cầu đồng bộ dữ liệu quan trắc và kết nối với mạng lưới quan trắc Quốc gia.

b. Mục tiêu cụ thể:

- Giai đoạn 2011 - 2015:

+ Đánh giá, rà soát, chỉnh sửa, bổ sung, đề xuất về vị trí, tần suất, thông số quan trắc các thành phần môi trường phù hợp với tình hình phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh, đáp ứng các quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường về quan trắc.

+ Tăng cường thực hiện công tác bảo đảm chất lượng và kiểm soát chất lượng (QA/QC) trong tất cả các bước của quy trình quan trắc gồm đo đạc, thu mẫu, phân tích, kiểm tra dữ liệu, lưu trữ, quản lý kết quả quan trắc, đảm bảo dữ liệu có độ tin cậy cao, kết nối được vào mạng lưới quan trắc Quốc gia.

+ Hoàn thiện quy trình quan trắc môi trường tỉnh Đồng Nai theo hướng tự động liên tục kết hợp với quan trắc thủ công đối với giai đoạn 2011-2015 và định hướng đến năm 2020 theo các quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

- Giai đoạn 2016 - 2020:

+ Tiếp tục nâng cao công tác bảo đảm chất lượng và kiểm soát chất lượng trong các hoạt động quan trắc.

+ Tiếp tục đầu tư và vận hành đồng bộ trang thiết bị quan trắc; tăng cường đầu tư các trạm quan trắc liên tục tự động phục vụ việc theo dõi diễn biến chất lượng môi trường.

2.2. Nguyên tắc thiết kế mạng lưới quan trắc

- Mạng lưới quan trắc gắn liền với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh, tuân thủ các quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường về quan trắc, đáp ứng được yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước.

- Mạng lưới quan trắc tiếp tục khai thác và kế thừa mạng lưới quan trắc của tỉnh qua các năm nhằm đảm bảo tính liên tục của hệ thống cơ sở dữ liệu quan trắc. Đồng thời tiếp tục rà soát, điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp và gắn kết chặt chẽ với mạng lưới quan trắc quốc gia đã được phê duyệt.

- Mạng lưới quan trắc tập trung vào phục vụ cho nhu cầu phát triển kinh tế xã hội.

- Mạng lưới quan trắc có tính mở và động, thích nghi với những yêu cầu và xu thế phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.

2.3. Về yêu cầu

- Đảm bảo tính khoa học, tiên tiến.

- Đảm bảo tính khả thi và phù hợp với nguồn lực để triển khai thực hiện nhiệm vụ một cách có hiệu quả.

- Đảm bảo thu thập, thông tin đầy đủ, chính xác về tình hình chất lượng môi trường trên địa bàn tỉnh.

- Tuân thủ theo các quy định, hướng dẫn, quy chuẩn, tiêu chuẩn và các cơ sở pháp lý cho việc quy hoạch mạng lưới.

- Tránh trùng lặp với các chương trình quan trắc môi trường của Trung ương trên địa bàn tỉnh.

- Các điểm quan trắc phải có tính đại diện cao, phản ánh hiện trạng khu vực quan trắc.

3. Về kiểu/loại quan trắc

Quan trắc môi trường tỉnh Đồng Nai là quan trắc nền và quan trắc tác động.

4. Về mạng lưới quan trắc

4.1. Mạng lưới quan trắc môi trường nước mặt lục địa:

- Giai đoạn 2011 - 2015: 130 vị trí.

- Giai đoạn 2016 - 2020: 130 vị trí.

4.2. Mạng lưới quan trắc nước dưới đất:

- Giai đoạn 2011 - 2015: 126 công trình, trong đó: Thành phố Biên Hòa 14 công trình, Thị xã Long Khánh 9 công trình, huyện Tân Phú 8 công trình, huyện Định Quán 9 công trình, huyện Thống Nhất 6 công trình, huyện Trảng Bom 13 công trình, huyện Vĩnh Cửu 10 công trình, huyện Xuân Lộc 7 công trình, huyện Cẩm Mỹ 17 công trình, huyện Long Thành 16 công trình, huyện Nhơn Trạch 17 công trình.

- Giai đoạn 2016 - 2020: 126 công trình, trong đó: Thành phố Biên Hòa 14 công trình, Thị xã Long Khánh 9 công trình, huyện Tân Phú 8 công trình, huyện Định Quán 9 công trình, huyện Thống Nhất 6 công trình, huyện Trảng Bom 13 công trình, huyện Vĩnh Cửu 10 công trình, huyện Xuân Lộc 7 công trình, huyện Cẩm Mỹ 17 công trình, huyện Long Thành 16 công trình, huyện Nhơn Trạch 17 công trình.

4.3. Mạng lưới quan trắc môi trường không khí:

- Giai đoạn 2011 - 2015: Tổng cộng 92 vị trí quan trắc, trong đó: Khu vực nền 01 vị trí, khu vực xung quanh các KCN 48 vị trí, khu vực đô thị 25 vị trí, khu vực giao thông 9 vị trí, khu vực xử lý chất thải rắn 9 vị trí.

- Giai đoạn 2016 – 2020: Tổng cộng 95 vị trí quan trắc, trong đó: Khu vực xung quanh các KCN 48 vị trí, khu vực đô thị 25 vị trí, khu vực giao thông 13 vị trí, khu vực xử lý chất thải rắn 9 vị trí.

4.4. Mạng lưới quan trắc môi trường đất:

- Giai đoạn 2011 - 2015: Tổng cộng 62 vị trí quan trắc, trong đó: Khu vực đất nền 4 vị trí, khu vực đất nông nghiệp 27 vị trí, khu vực đất dân sinh 3 vị trí, đất khu vực xử lý chất thải rắn 9 vị trí, khu vực đất công nghiệp 19 vị trí.

- Giai đoạn 2016 - 2020: Tổng cộng 71 vị trí quan trắc, trong đó: Khu vực đất nền 4 vị trí, khu vực đất nông nghiệp 27 vị trí, khu vực đất dân sinh 4 vị trí, đất khu vực xử lý chất thải rắn 9 vị trí, khu vực đất công nghiệp 27 vị trí.

5. Về trang thiết bị quan trắc

5.1. Giai đoạn 2011 - 2015:

Đầu tư xây dựng 04 trạm quan trắc tự động liên tục chất lượng môi trường nước mặt, 03 trạm quan trắc tự động liên tục chất lượng không khí và 01 xe quan trắc không khí tự động liên tục.

5.2. Giai đoạn 2016 - 2020:

Đầu tư xây dựng 10 trạm quan trắc tự động liên tục chất lượng môi trường nước mặt, 06 trạm quan trắc tự động liên tục chất lượng không khí và 01 xe quan trắc khí tự động liên tục.

6. Về nguồn nhân lực

6.1. Bổ sung nguồn nhân lực thực hiện nhiệm vụ quan trắc môi trường:

Để đảm bảo nguồn nhân lực thực hiện mạng lưới quan trắc môi trường đến năm 2020, cần có kế hoạch bổ sung nguồn nhân lực, đặc biệt là các viên chức có trình độ chuyên môn phù hợp thực hiện nhiệm vụ quan trắc.

6.2. Đào tạo nguồn nhân lực:

- Tổ chức các lớp tập huấn chuyên môn về công tác quan trắc môi trường. Các nội dung cần đào tạo: Kỹ năng lấy mẫu và phân tích mẫu; an toàn lao động; quản lý, phân tích dữ liệu; cập nhật và truy suất thông tin.

- Hướng dẫn chương trình đảm bảo chất lượng và kiểm soát chất lượng (QA/QC) trong quan trắc môi trường.

- Mở rộng và tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực quan trắc tài nguyên và môi trường.

- Ngoài ra, cần đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, phát triển và ứng dụng các công nghệ tiên tiến, nhất là công nghệ quan trắc, xử lý, phân tích, đánh giá và cung cấp thông tin, dữ liệu điều tra cơ bản tài nguyên và môi trường.

7. Về nguồn kinh phí thực hiện

Kinh phí tổ chức thực hiện chương trình quan trắc môi trường và đầu tư các trang thiết bị quan trắc được lấy từ nguồn sự nghiệp môi trường hàng năm của tỉnh và huy động thêm nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương và các nguồn vốn khác.

8. Về tổ chức thực hiện

8.1. Sở Tài nguyên và Môi trường:

- Chủ trì thực hiện các nội dung của mạng lưới quan trắc; theo dõi diễn biến chất lượng môi trường của tỉnh để kịp thời đề xuất UBND tỉnh các giải pháp tổ chức thực hiện, ngăn ngừa ô nhiễm, đảm bảo chất lượng môi trường của tỉnh đạt các tiêu chuẩn và quy chuẩn môi trường Việt Nam.

- Cung cấp thông tin, dữ liệu quan trắc môi trường cho các đơn vị có nhu cầu, đồng thời công khai các dữ liệu quan trắc phục vụ cộng đồng dân cư.

- Định kỳ hàng năm tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh kết quả thực hiện.

8.2. Các Sở, ban ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố:

Phối hợp với Sở Tài Nguyên và Môi trường thực hiện một số vấn đề liên quan trong quá trình thưc hiện các nội dung của công tác quan trắc.

(Đính kèm:

- Phụ lục 1: Mạng lưới quan trắc chất lượng môi trường nước mặt lục địa tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2011 - 2015, định hướng đến 2020;

- Phụ lục 2: Mạng lưới quan trắc động thái nước dưới đất tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2011 - 2015, định hướng đến 2020;

- Phụ lục 3: Mạng lưới quan trắc chất lượng môi trường không khí tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2011 - 2015, định hướng đến 2020;

- Phụ lục 4: Mạng lưới quan trắc chất lượng môi trường đất tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2011 - 2015, định hướng đến 2020)./.