Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 2997/NN-PTLN-QĐ

Hà Nội, ngày 18 tháng 11 năm 1997

 

QUYẾT ĐỊNH

CỦA BỘ TRƯỞNG BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN SỐ 2997/NN-PTLN-QĐ NGÀY 18 THÁNG 11 NĂM 1997 VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY ĐỊNH TẠM THỜI VỀ NHẬP GỖ CAMPUCHIA

BỘ TRƯỞNG BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN

Căn cứ Nghị định số 73/CP ngày 1-11-1995 của Chính phủ về quy định nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Căn cứ Văn bản 525/KTTH ngày 30-1-1996 của Chính phủ về việc nhập gỗ từ Campuchia; Văn bản 273/KTTH-tym ngày 14-8-1997 của Văn phòng Chính phủ về việc nhập gỗ Camphuchia;
Theo đề nghị của ông Cục trưởng Cục Phát triển lâm nghiệp.

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. Nay ban hành “Quy định tạm thời về nhập khẩu gỗ Camphuchia” kèm theo Quyết định này.

Điều 2. Quyết định có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ban hành. Những quy định trước đây không phù hợp với quy định tạm thời ban hành kèm theo Quyết định này đều bãi bỏ.

Điều 3. Các ông Chánh Văn phòng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Cục trưởng Cục Phát triển lâm nghiệp, kiểm lâm, Thủ trưởng các Cục, Vụ liên quan, Tổng giám đốc Tổng công ty lâm sản Việt Nam, Giám đốc các doanh nghiệp được phép nhập gỗ Campuchia, Giám đốc các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

Nguyễn Văn Đẳng

(Đã ký)

 

QUY ĐỊNH

TẠM THỜI VỀ NHẬP KHẨU GỖ CAMPHUCHIA
(Ban hành theo Quyết định số 2997/NN-PTLN-QĐ ngày 18-11-1997 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)

I. QUY ĐỊNH CHUNG

1. Tất cả những lô gỗ nhập từ Campuchia đều phải thực hiện theo đúng quy định là có công thư của Đồng chí Thủ tướng Chính phủ Hoàng gia Campuchia cho phép xuất bán cho Việt Nam và chỉ sau khi được Thủ tướng Chính phủ cho phép mới được làm thủ tục nhập khẩu. Đồng thời gỗ các loại đều phải nhập qua đường sông, không đi đường bộ, trừ trường hợp đặc biệt do Chính phủ Hoàng gia Campuchia đề nghị. Trên cơ sở đó Chính phủ Việt Nam xem xét từng trường hợp cụ thể, nếu được thì phải nộp phí đường bộ.

2. Về tổ chức nhập khẩu gỗ Campuchia

Chính phủ đã quy định giao cho các Bộ và Uỷ ban nhân dân các tỉnh chịu trách nhiệm lựa chọn một số công ty kinh doanh lâm sản Trung ương và địa phương có đủ khả năng và uy tín để nhập gỗ Campuchia. Trên cơ sở đề nghị và lựa chọn của các Bộ và tỉnh, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tổng hợp trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.

Các Bộ và các tỉnh sau đây có trách nhiệm lựa chọn và đề nghị.

- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

- Bộ Thương mại.

- Uỷ ban nhân dân các tỉnh Bình Phước, Bình Dương, Tây Ninh, Đồng Nai, Gia Lai, Đắc Lắc, An Giang, Kiên Giang, thành phố Hồ Chí Minh.

Mỗi Bộ, tỉnh chỉ được lựa chọn đề xuất một doanh nghiệp và doanh nghiệp tham gia nhập khẩu có thể thay đổi nếu tỉnh yêu cầu.

Các căn cứ để lựa chọn doanh nghiệp nhập gỗ Campuchia:

a) Có quyết định thành lập doanh nghiệp theo quy định của pháp luật.

b) Có giấy phép kinh doanh xuất nhập khẩu đúng ngành hàng của Bộ Thương mại.

c) Có giấy phép chế biến gỗ và lâm sản khác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

d) Có đủ khả năng tài chính để thực hiện việc nhập gỗ.

3. Cửa khẩu nhập gỗ

Nhập tại các cửa khẩu quy định của Chính phủ Việt Nam, theo thoả thuận hai nước đã ký tại Hiệp định về quy chế biên giới ký ngày 20-7-1983. Trường hợp cần nhập khẩu gỗ qua các cửa khẩu biên giới khác phải báo cáo Chính phủ Việt Nam xem xét cho phép và nhất thiết phải có sự đồng ý của Chính phủ Campuchia. Việc giao nhận gỗ giữa các doanh nghiệp Việt Nam và các đối tác Campuchia chỉ được thực hiện tại các cửa khẩu quy định trên của Chính phủ Việt Nam.

Tuyệt đối không đưa người và phương tiện khai thác, vận chuyển sang lãnh thổ Campuchia. Ngoài ra các doanh nghiệp được nhập gỗ từ Campuchia vào các cảng biển Việt Nam.

4. Việc mua bán và thanh toán tiền gỗ nhập khẩu từ Campuchia phải thực hiện theo đúng thông lệ thương mại quốc tế, không được ứng tiền trước.

5. Về giao thông vận tải và thu phí giao thông

Thực hiện theo quy định của Bộ Giao thông vận tải về tải trọng và những quy định trong xử lý quá khổ, quá tải. Về thu phí giao thông thực hiện theo quy định của hai Bộ Giao thông vận tải và Bộ Tài chính.

6. Về khối lượng nhập khẩu

Thực hiện đúng quy định theo ý kiến chỉ đạo giải quyết của Thủ tướng Chính phủ và đúng theo từng văn bản cho phép nhập của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Sai số cho phép trong đó tính khối lượng là ±10% đối với gỗ tròn và ± 5% đối với gỗ chế biến, gỗ xẻ. Nếu quá quy định cho phép phải xử lý theo Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính ngày 6-7-1995 của Uỷ ban thường vụ Quốc hội; Nghị định 01/CP ngày 3-1-1996 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thương mại và do Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh có cửa khẩu xử lý. Nếu vượt quá thẩm quyền của tỉnh theo quy định vể xử phạt hành chính thì Uỷ ban nhân dân tỉnh phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định.

7. Về quy cách gỗ nhập khẩu

Là gỗ phía Campuchia đã quy định theo các quy cách do phía Campuchia xác định trong hồ sơ lý lịch gỗ hợp pháp và đã được cơ quan hữu trách Nhà nước Campuchia cho phép xuất khẩu.

II. VỀ THỦ TỤC NHẬP KHẨU VÀ KIỂM TRA GỖ NHẬP KHẨU

1. Sau khi có văn bản cho phép xuất khẩu - nhập khẩu gỗ của hai Chính phủ, các doanh nghiệp được phép nhận gỗ theo quy định tại mục I-2 trên khi làm thủ tục xin nhập khẩu gỗ Campuchia phải có các văn bản sau:

1.1. Công văn xin nhập khẩu gỗ của doanh nghiệp và văn bản đề nghị của Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố (nếu doanh nghiệp thuộc tỉnh - thành phố quản lý).

1.2. Giấy phép kinh doanh xuất nhập khẩu đúng ngành hàng do Bộ Thương mại cấp; giấy phép chế biến gỗ và lâm sản khác do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp.

1.3. Hợp đồng kinh tế mua bán gỗ đúng quy định.

2. Các doanh nghiệp nhập khẩu gỗ Campuchia khi làm thủ tục nhập khẩu tại Hải quan cửa khẩu Việt Nam, phải có đầy đủ các giấy tờ sau xuất trình tại Hải quan cửa khẩu.

2.1. Văn bản cho phép nhập khẩu ghi rõ số lượng, loại gỗ của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

2.2. Xác nhận hoàn thành thủ tục xuất của Hải quan cửa khẩu Campuchia.

2.3. Lý lịch gỗ do phía Campuchia lập. Riêng đối với gỗ cao su tròn do đo tính khối lượng bằng Ster không cần phải có lý lịch gỗ.

2.4. Tờ khai hàng nhập khẩu của doanh nghiệp Việt Nam theo hướng dẫn của cơ quan hải quan.

2.5. Hợp đồng kinh tế mua bán gỗ.

2.6. Văn bản xác nhận về kiểm dịch thực vật.

3. Kiểm tra gỗ nhập khẩu khi qua biên giới. Tất cả gỗ nhập khẩu khi qua biên giới, phải chịu sự kiểm tra của tổ kiểm tra liên ngành tỉnh có cửa khẩu. Thành viên tổ kiểm tra bao gồm đại diện Chi cục Kiểm lâm, Công an, Hải quan, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và do Kiểm lâm tỉnh làm tổ trưởng. Biện pháp kiểm tra, thời hạn kiểm tra, xử lý sau kiểm tra... về kiểm tra gỗ nhập khẩu từ Campuchia do Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh có cửa khẩu quyết định.

4. Trách nhiệm của Uỷ ban nhân dân các tỉnh.

Uỷ ban nhân dân các tỉnh theo chức năng nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao, tổ chức chỉ đạo và quản lý nhập khẩu gỗ Campuchia chặt chẽ theo các quy định nêu trên.

III. CÁC QUY ĐỊNH KHÁC KHÔNG PHÙ HỢP VỚI QUY ĐỊNH TẠM THỜI NÀY ĐỀU BÃI BỎ