Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THÁI BÌNH

--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 3005/QĐ-UBND

Thái Bình, ngày 20 tháng 12 năm 2012

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN QUY HOẠCH, XÂY DỰNG VÀ QUẢN LÝ SỬ DỤNG NGHĨA TRANG NHÂN DÂN THEO MÔ HÌNH NÔNG THÔN MỚI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THÁI BÌNH

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH THÁI BÌNH

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Nghị định số 35/2008/NĐ-CP ngày 25/3/2008 của Chính phủ về xây dựng, quản lý và sử dụng nghĩa trang;

Căn cứ Quyết định số 800/QĐ-TTg ngày 4 tháng 6 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020;

Căn cứ Quyết định số 2285/QĐ-UBND ngày 25/9/2009 của Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình về việc phê duyệt Đề án quy hoạch xây dựng nông thôn mới tỉnh Thái Bình;

Căn cứ Quyết định số 1868/QĐ-UBND ngày 14/8/2012 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc phê duyệt đề cương Đề án xây dựng, quản lý và sử dụng nghĩa trang nhân dân theo mô hình nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Thái Bình;

Căn cứ Quyết định số 17/2012/QĐ-UBND ngày 20/11/2012 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc Ban hành quy định về nếp sống văn hóa trên địa bàn tỉnh Thái Bình;

Xét đề nghị của Sở Xây dựng tại Tờ trình số 77/TTr-SXD ngày 27/11/2012 về việc phê duyệt đề án: Quy hoạch, xây dựng và quản lý sử dụng nghĩa trang nhân dân theo mô hình nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Thái Bình,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án quy hoạch, xây dựng và quản lý sử dụng nghĩa trang nhân dân theo mô hình nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Thái Bình, với các nội dung chủ yếu sau:

I. Mục tiêu của đề án:

- Xác định các giải pháp chủ yếu, làm căn cứ để mỗi xã triển khai lựa chọn địa điểm phù hợp lập quy hoạch chi tiết xây dựng và quản lý nghĩa trang nhân dân phù hợp với dân số, diện tích đất tự nhiên, điều kiện kinh tế - xã hội.

- Từng bước đưa công tác quy hoạch, xây dựng và quản lý sử dụng nghĩa trang tại các xã vào nền nếp, nhằm tiết kiệm đất, thuận lợi cho việc phân vùng sản xuất, cải thiện điều kiện môi trường, tạo cảnh quan môi trường nông thôn.

II. Định hướng quy hoạch, xây dựng và quản lý sử dụng nghĩa trang nhân dân:

1. Yêu cầu:

- Mỗi xã quy hoạch tối đa không quá 3 nghĩa trang với bán kính phục vụ 2-3 km bảo đảm tuân thủ Quyết định số 2285/QĐ-UBND ngày 25/9/2009 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc phê duyệt Đề án quy hoạch xây dựng nông thôn mới tỉnh Thái Bình. Trong đó giữ nguyên và mở rộng các nghĩa trang hiện có phù hợp với quy hoạch chung xây dựng nông thôn mới tỉnh Thái Bình.

- Nghĩa trang mới phải được quy hoạch chi tiết, phân khu rõ ràng, đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, tạo sự ngăn cách với đất nông nghiệp, có trồng cây xanh cách ly; trước mắt có điểm thu gom và xử lý (đốt tại nghĩa trang) chất thải rắn như gỗ quan tài, các vật dụng của người quá cố và tiến tới có hệ thống thu gom xử lý nước thải.

- Việc an táng người qua đời phải phù hợp với tín ngưỡng, phong tục, tập quán, truyền thống văn hóa, nếp sống văn minh hiện đại và được thực hiện trong các nghĩa trang, trường hợp an táng trong các khuôn viên nhà thờ, nhà chùa, thánh thất tôn giáo phải bảo đảm vệ sinh môi trường và được sự chấp thuận của chính quyền địa phương theo phân cấp của Ủy ban nhân dân tỉnh.

- Có kế hoạch sớm di chuyển các mộ lẻ nằm rải rác giữa cánh đồng và gần khu dân cư về nghĩa trang tập trung.

- Khuyến khích quy hoạch các nghĩa trang tập trung phục vụ cho nhiều địa phương khác nhau và các nghĩa trang có sử dụng hình thức an táng mới văn minh, hiện đại nhằm tiết kiệm đất, kinh phí xây dựng và giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

2. Định hướng quy hoạch xây dựng nghĩa trang nhân dân

a) Một số chỉ tiêu kỹ thuật về quy hoạch, xây dựng nghĩa trang nhân dân:

- Quy hoạch xây dựng nghĩa trang nhân dân mới tại vị trí yên tĩnh, cao ráo, không sạt lở.

- Khoảng cách an toàn vệ sinh môi trường tối thiểu từ nghĩa trang hung táng tới khu dân cư và các công trình công cộng là 500 m khi chưa có hệ thống thu gom và xử lý nước thải và 300 m đối với nghĩa trang có hệ thống thu gom xử lý nước thải từ mộ hung táng.

- Khoảng cách an toàn vệ sinh môi trường tối thiểu đối với nghĩa trang cát táng tới khu dân cư và các công trình công cộng là 100 m.

- Khoảng cách an toàn vệ sinh môi trường tối thiểu đối với nghĩa trang hung táng đến khu khai thác nước sinh hoạt tập trung là 2 km.

- Khoảng cách an toàn vệ sinh môi trường tối thiểu từ nghĩa trang đến mép nước gần nhất của mặt nước (sông, hồ, biển) không dùng cho mục đích nước sinh hoạt:

+ Đối với nghĩa trang hung táng là 200 m.

+ Đối với nghĩa trang cát táng là 100 m.

- Khoảng cách tối thiểu về an toàn giao thông và vệ sinh môi trường từ nghĩa trang tới đường giao thông đối với Quốc lộ, tỉnh lộ là 200 m, đối với đường huyện, đường trục xã là 100 m và phải có cây xanh cách ly.

- Xung quanh nghĩa trang phải xây dựng hệ thống thoát nước, không để nghĩa trang bị úng ngập cũng như tránh rò rỉ nước của nghĩa trang ra khu vực xung quanh.

- Khu vực xử lý nước thấm ra từ nghĩa trang phải bố trí phía hạ lưu (nơi có địa hình thấp nhất của nghĩa trang).

b) Xác định các hình thức táng tại nghĩa trang nhân dân:

- Giai đoạn trước mắt (từ năm 2012 đến trước năm 2020): Hình thức chôn cất theo phong tục truyền thống, chủ yếu là mai táng.

- Giai đoạn tiếp theo: Thời kỳ đầu gồm hình thức mai táng và hỏa táng, sau đó hình thức hỏa táng là mục tiêu chính; thực hiện việc quy hoạch, xây dựng Đài hoa táng và Công viên vĩnh hằng.

c) Phân khu chức năng trong nghĩa trang:

Nghĩa trang nhân dân được quy hoạch gồm 2 phân khu: Khu hung táng và khu cát táng (đối với địa phương có nhu cầu chôn cất 1 lần thì phân thành 3 phân khu).

Để khắc phục tâm lý chôn cất tại xã khác, đối với nghĩa trang lớn mang tính liên vùng, liên xã khi quy hoạch tổng thể mặt bằng các khu chôn cất có thể bố trí các khu lô mộ cho từng xã riêng biệt.

d) Kiến trúc mộ:

Nghiên cứu tiêu chuẩn hoá một số loại mộ phổ biến nhằm đồng nhất kiến trúc mộ với hình thức đơn giản nhưng trang trọng phù hợp với điều kiện kinh tế của người dân.

đ) Diện tích đất tối đa cho mỗi phần mộ:

Tuân thủ theo Điều 14 Quy định về thực hiện nếp sống văn hóa trên địa bàn tỉnh (Ban hành kèm theo Quyết định số 17/2012/QĐ-UBND ngày 20/11/2012 của Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình).

e) Bố trí giao thông trong nghĩa trang:

- Trục giao thông chính từ cổng vào nhà tiếp linh rộng 7 m.

- Đường giữa các lô mộ (đường phân lô) rộng 3,5 m.

- Lối đi bên trong các lô mộ (đường phân nhóm) rộng 1,2 m.

- Khoảng cách lối đi giữa hai hàng mộ liên tiếp là 0,8 m.

- Khoảng cách giữa 2 mộ liên tiếp cùng hàng là 0,5 m.

f) Mật độ xây dựng trong nghĩa trang nhân dân:

- Khu vực hung táng, chôn cất một lần: Diện tích đất chôn cất tối đa 70%, diện tích đất giao thông tối thiểu 10%, diện tích đất cây xanh tối thiểu 15%, diện tích đất cho công trình phụ trợ tối thiểu 5%.

- Khu vực cát táng: Diện tích đất chôn cất tối đa 60%, diện tích đất giao thông tối thiểu 15%, diện tích đất cây xanh tối thiểu 15%, diện tích đất cho công trình phụ trợ tối thiểu 10%.

3. Định hướng các công trình chủ yếu cần xây dựng trong giai đoạn đầu (5 năm) trong nghĩa trang nhân dân:

a) Nhà tiếp linh:

Bố trí xây dựng nhà tiếp linh hình vuông 4 mái trên trục trung tâm của nghĩa trang tại phần cuối của khu cát táng với diện tích xây dựng từ 49 m2 (7 x 7) m đến 81 m2 (9 x 9) m.

b) Giao thông:

- Xây dựng đường bê tông trục giao thông chính từ cổng vào nhà tiếp linh và đường phân khu giữa khu hung táng và khu cát táng;

- Xây dựng đường bê tông hoặc lát gạch lối đi bên trong các lô mộ (đường phân nhóm), lối đi giữa hai hàng mộ liên tiếp (diện tích xây dựng được xác định cho từng năm căn cứ vào dự báo số lượng mộ cát táng trong 1 năm).

c) Khu xử lý rác thải: Xây dựng lò đốt rác với diện tích 5 m2.

d) Cây xanh:

- Trồng cây xung quanh nghĩa trang bằng cây bụi với chiều cao 2-3 m tạo môi trường và ngăn trâu bò vào phá hoại nghĩa trang.

- Cây xanh bóng mát tại trục trung tâm từ cổng vào đến nhà tiếp linh.

4. Một số công tác tăng cường tổ chức và quản lý nghĩa trang:

Xây dựng và ban hành quy chế quản lý nghĩa trang nhân dân tại mỗi địa phương gồm các nội dung chủ yếu sau:

- Sử dụng đất trong nghĩa trang nhân dân.

- Lưu trữ hồ sơ quản lý nghĩa trang nhân dân.

- Phương pháp xác định vị trí các phần mộ.

- Chính sách xã hội đối với các đối tượng đặc biệt.

- Các hành vi bị cấm.

- Các giải pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

III. Tổ chức thực hiện

1. Sở Xây dựng:

- Tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh về tình hình quy hoạch và xây dựng hệ thống nghĩa trang trên địa bàn tỉnh.

- Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh các nội dung về quản lý nhà nước về nghĩa trang.

- Tổng hợp, hướng dẫn Ủy ban nhân dân cấp huyện, xã tổ chức lập quy hoạch xây dựng nghĩa trang, kế hoạch xây dựng, cải tạo, đóng cửa và di chuyển nghĩa trang các cấp trên địa bàn tỉnh.

- Hướng dẫn, kiểm tra việc quản lý, khai thác sử dụng nghĩa trang và đinh kỳ hàng năm tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh và Bộ Xây dựng.

2. Sở Tài nguyên và Môi trường:

- Tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh giao đất xây dựng nghĩa trang.

- Hướng dẫn chủ đầu tư lập báo cáo đánh giá tác động môi trường theo quy định, trình cấp có thẩm quyền thẩm định và phê duyệt.

- Phối hợp với Sở Y tế, Phòng Cảnh sát môi trường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện Luật Bảo vệ môi trường của các nghĩa trang.

3. Sở Tài chính:

- Hướng dẫn việc sử dụng vốn ngân sách trong đầu tư xây dựng, cải tạo mở rộng, di chuyển nghĩa trang, chi phí quản lý nghĩa trang, nguồn thu dịch vụ nghĩa trang.

- Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt phương án khai thác kinh doanh đối với các nghĩa trang do tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng làm cơ sở cho tổ chức, cá nhân quyết định giá dịch vụ nghĩa trang theo khung giá được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt.

4. Sở Lao động Thương binh và Xã hội:

- Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt Quy chế quản lý nghĩa trang quy mô cấp I được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước.

- Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh thỏa thuận Quy chế quản lý nghĩa trang quy mô cấp I của cá nhân, tổ chức đầu tư.

- Chủ trì, phối hợp các sở, ngành liên quan, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã xây dựng các chế độ, chính sách xã hội, trình tự, thủ tục và thẩm quyền giải quyết đối với các đối tượng đặc biệt, đối tượng chính sách trong việc an táng khi chết và trình Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành.

5. Sở Kế hoạch và Đầu tư:

- Lập kế hoạch vốn đầu tư xây dựng mới hoặc nâng cấp sửa chữa nghĩa trang được đầu tư từ nguồn vốn ngân sách theo quyết định của Ủy ban nhân dân tỉnh.

- Trình Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành quy định về xã hội hóa đầu tư xây dựng nghĩa trang, xây dựng danh mục các dự án xây dựng nghĩa trang xã hội hóa, kêu gọi đầu tư.

6. Sở Y tế:

Hướng dẫn việc bảo đảm yêu cầu về an toàn, vệ sinh phòng dịch, vệ sinh môi trường của nghĩa trang theo quy định của Bộ Y tế.

7. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Sở Thông tin và Truyền thông; các cơ quan phát thanh, truyền hình, báo chí:

Thường xuyên tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện các quy định về xây dựng quản lý nghĩa trang, các hình thức an táng văn minh, tiết kiệm đất, bảo vệ môi trường.

8. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố:

Ủy ban nhân dân huyện, thành phố làm chủ đầu tư hoặc giao Ủy ban nhân dân các xã, phường có đủ năng lực thực hiện các công tác quản lý nghĩa trang gồm:

- Làm chủ đầu tư xây dựng công trình nghĩa trang được đầu tư từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước.

- Lập kế hoạch tổ chức xây dựng, cải tạo, đóng cửa, di chuyển nghĩa trang và phần mộ riêng lẻ của các nghĩa trang trên địa bàn huyện, thành phố.

- Tổ chức thẩm định, phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng nghĩa trang trên địa bàn huyện, thành phố.

- Phê duyệt quy chế quản lý nghĩa trang được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước.

- Thỏa thuận quy chế quản lý nghĩa trang của tổ chức cá nhân đầu tư xây dựng nghĩa trang theo phân cấp trên địa bàn và quản lý, giám sát, kiểm tra việc thực hiện quy chế quản lý nghĩa trang các cấp.

- Phê duyệt giá dịch vụ nghĩa trang do đơn vị quản lý nghĩa trang cung cấp đối với các nghĩa trang được đầu tư xây dựng từ nguồn vốn ngân sách trên địa bàn.

- Thực hiện các chế độ, chính sách xã hội đối với các đối tượng đặc biệt, đối tượng chính sách trong việc an táng khi chết theo quy định của Ủy ban nhân dân tỉnh.

- Báo cáo Sở Xây dựng và Ủy ban nhân dân tỉnh hàng năm về các nội dung công tác quản lý nghĩa trang.

9. Ủy ban nhân dân cấp xã:

- Tổ chức lập quy hoạch chi tiết xây dựng và quy chế quản lý nghĩa trang nhân dân trên địa bàn.

- Quản lý nghĩa trang trên địa bàn xã, cụm xã theo sự phân công của Ủy ban nhân dân huyện.

- Tổ chức kiểm tra, xử lý các vi phạm về quản lý sử dụng nghĩa trang trên địa bàn mình quản lý theo quy định của pháp luật.

- Xây dựng và trình Ủy ban nhân dân huyện phê duyệt giá dịch vụ nghĩa trang đối với các nghĩa trang được đầu tư xây dựng từ nguồn vốn ngân sách trên địa bàn.

Điều 2. Sở Xây dựng có trách nhiệm quản lý và tổ chức thực hiện Đề án theo đúng quy định hiện hành của Nhà nước.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; các Giám đốc sở: Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Lao động Thương binh và Xã hội, Y tế, Văn hóa Thể thao và Du lịch, Thông tin và Truyền thông; Giám đốc Đài Phát thanh và Truyền hình Thái Bình; Giám đốc Kho bạc Nhà nước tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thành phố; Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn; Thủ trưởng Sở, ngành, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- L.Đ VPUBND tỉnh;
- Lưu: VT, XDCB, TH.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
CHỦ TỊCH




Phạm Văn Sinh