Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẾN TRE
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 301/2001/QĐ-UB

Bến Tre, ngày 18 tháng 01 năm 2001

 

QUYẾT ĐỊNH

V/V BAN HÀNH CÁC QUYĐỊNH VỀ ĐIỀU KIỆN AN TOÀN PHÒNG CHÁY CHỮA CHÁY KHU DÂN CƯ

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH

- Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và UBND (sửa đổi) ngày 21/6/1994;

- Căn cứ Pháp lệnh quy định việc quản lý của Nhà nước đối với công tác PCCC, được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nước Việt Nam dân chủ cộng hoà (nay là nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam) thông qua ngày 27/9/1961;

- Căn cứ Chỉ thị 237/TTg ngày 19/4/1996 của Thủ tướng Chính phủ về “Tăng cường các biện pháp thực hiện công tác PCCC”;

- Căn cứ Nghị định số 29/1998/NĐ-CP ngày 11/5/1998 của Chính phủ về việc ban hành quy chế thực hiện dân chủ ở xã;

Theo đề nghị của Giám đốc Công an tỉnh Bến Tre,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Nay ban hành các quy định về điều kiện an toàn phòng cháy chữa cháy (PCCC) ở khu dân cư, được áp dụng trong phạm vi toàn tỉnh Bến Tre, nội dung bao gồm:

1- Các điều kiện chung về an toàn PCCC khu dân cư (tiêu chuẩn khu dân cư an toàn PCCC).

2- Điều kiện an toàn PCCC đối với các doanh nghiệp nằm trong khu dân cư.

3- Điều kiện an toàn PCCC đối với hộ gia đình (tiêu chuẩn gia đình an toàn PCCC)

4- Quy chế dân chủ trong công tác PCCC khu dân cư.

Điều 2. Công an tỉnh Bến Tre có hướng dẫn thực hiện cụ thể các nội dung và điều kiện an toàn PCCC khu dân cư.

Điều 3. Các ông (bà) Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Thủ trưởng các sở, ban ngành, đoàn thể tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, Chủ tịch UBND các thị trấn, xã, phường, các doanh nghiệp…chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký./.

 

 

 

TM.UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH
KT.CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Trịnh Văn Y

 

QUY ĐỊNH

CÁC ĐIỀU KHOẢN CHUNG VỀ AN TOÀN PCCC KHU DÂN CƯ (TIÊU CHUẨN KHU DÂN CƯ AN TOÀN PCCC)
(Ban hành kèm theo Quyết định số 301//QĐ-UB ngày 18 tháng 01 năm 2001 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Bến Tre)

1- Có quy định về chức trách nhiệm vụ của cấp chính quyền sở tại, tổ dân phố, đội dân phòng, của cơ quan, đơn vị đóng ở khu dân cư và các cá nhân trong việc thực hiện công tác PCCC.

2- Có nội quy, quy định về PCCC khu dân cư và phổ biến quán triệt tới mọi người trong khu dân cư để thực hiện; có tổ chức tuyên truyền về PCCC và có tổ chức kiểm tra việc thực hiện các nội quy, quy định, giải pháp, biện pháp và các nhiệm vụ công tác PCCC.

3- Có hệ thống điện đảm bảo an toàn PCCC.

4- Có các kế hoạch công tác PCCC nói chung và có các giải pháp, biện pháp chống cháy lan, thoát nạn khi có cháy.

5- Có phương án chữa cháy tại chỗ, phương án huy động lực lượng cứu người, tài sản, chống cháy lan.

6- Có lực lượng PCCC tại chỗ và được huấn luyện về nghiệp vụ PCCC cần thiết.

7- Có trang bị phương tiện chữa cháy và có nguồn nước dự trữ để chữa cháy chung cho khu dân cư.

8- Có tổ chức vận dụng thực hiện phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” trong công tác PCCC. Có tổ chức xây dựng “Gia đình an toàn PCCC”.

9- Có hồ sơ theo dõi, quản lý công tác PCCC khu dân cư./.

QUY ĐỊNH

ĐIỀU KIỆN AN TOÀN PCCC ĐỐI VỚI DOANH NGHIỆP NẰM TRONG KHU DÂN CƯ
(Ban hành kèm theo Quyết định số 301/QĐ-UB ngày 18 tháng 01 năm 2001 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Bến Tre)

1- Doanh nghiệp có nhà, công trình thuộc diện phải thực hiện thủ tục thoả thuận về thiết kế và thiết bị PCCC theo quy định quản lý của Nhà nước về PCCC trong đầu tư xây dựng thì phải có bản thoả thuận về thiết kế và thiết bị PCCC do cơ quan PCCC có thẩm quyền cấp trước khi thi công xây dựng.

Đối với doanh nghiệp có nhà, công trình chưa thuộc diện phải thoả thuận về thiết kế và thiết bị PCCC thì phải đảm bảo các yêu cầu về PCCC theo đúng tiêu chuẩn, quy định và phù hợp với tính chất hoạt động của doanh nghiệp.

2- Có nội quy, quy định về an toàn phòng cháy chữa cháy, có các biển cấm, biển báo, biển chỉ dẫn và sơ đồ chỉ dẫn về phòng cháy chữa cháy phù hợp với tính chất hoạt động của doanh nghiệp và phổ biến quán triệt tới mọi người trong doanh nghiệp biết để thực hiện.

3- Có quy định cụ thể về chức trách nhiệm vụ đối với tổ chức, bộ phận và cá nhân trong công tác phòng cháy và chữa cháy; có kế hoạch phòng cháy chữa cháy trong từng thời gian và có quy định về chế độ kiểm tra, quản lý chất cháy, nổ, nguồn lửa, nguồn nhiệt, có các giải pháp, biện pháp đảm bảo an toàn phòng cháy và chữa cháy và tổ chức thực hiện.

4- Có đầy đủ quy trình thao tác kỹ thuật và điều kiện kỹ thuật đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy trong sản xuất, vận hành dây chuyền công nghệ, máy móc thiết bị có nguy hiểm cháy, nổ cũng như trong bảo quản vận chuyển, sử dụng hàng hoá vật tư là các chất dễ cháy.

5- Có đủ phương tiện chữa cháy và phương tiện cứu người trong đám cháy và các điều kiện khác phục vụ cho chữa cháy theo quy định và luôn đảm bảo sẵn sàng để chữa cháy và cứu người.

6- Có lực lượng hoặc đội phòng cháy chữa cháy đáp ứng yêu cầu đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy tại doanh nghiệp.

7- Có phương án chữa cháy, cứu người, cứu tài sản khi có cháy xảy ra và thường xuyên tổ chức thực tập các phương án đó.

8- Có đầu tư kinh phí cho hoạt động phòng cháy chữa cháy tại doanh nghiệp.

9- Có hồ sơ theo dõi, quản lý công tác phòng cháy chữa cháy của doanh nghiệp./.

QUY ĐỊNH

ĐIỀU KIỆN AN TOÀN PCCC ĐỐI VỚI HỘ GIA ĐÌNH (TIÊU CHUẨN GIA ĐÌNH AN TOÀN PCCC)
(Ban hành kèm theo Quyết định số 301/QĐ-UB ngày 18 tháng 01 năm 2001 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Bến Tre)

1- Nơi đun nấu, nơi sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, nơi thờ cúng và khi sử dụng lửa, nhiệt, đèn dầu, hút thuốc, sử dụng các thiết bị sinh lửa, sinh nhiệt khác đảm bảo an toàn không gây cháy nhà và đồ vật.

2- Hệ thống điện, các thiết bị tiêu thụ điện và khi sử dụng hệ thống, thiết bị điện phải đảm bảo an toàn PCCC.

3- Loại trừ hoặc từng bước loại trừ, thay thế vật liệu làm nhà từ vật liệu dễ cháy bằng vật liệu khó cháy hoặc không cháy.

4- Bố trí đồ dùng, trang thiết bị, hàng hoá, vật tư ngăn nắp, gọn gàng, cách xa nguồn lửa và thiết bị dụng cụ sinh lửa, sinh nhiệt, đảm bảo chống bén cháy.

5- Không tàng trữ xăng, dầu và các chất đặc biệt nguy hiểm cháy khác ở trong nhà.

6- Có chế độ tự kiểm tra an toàn phòng cháy chữa cháy trong gia đình.

7- Có dự kiến các tình huống cháy có thể xảy ra: chuẩn bị dụng cụ, phương tiện chữa cháy, chuẩn bị nước và dụng cụ khác vừa phục vụ cho sinh hoạt vừa có thể phục vụ cho chữa cháy khi cần thiết, luôn sẵn sàng chữa cháy, biết cách thao tác, sử dụng các phương tiện, dụng cụ đó để chữa cháy, biết cách xử lý khi có cháy và biết những biện pháp chữa cháy thông thường.

8- Có biện pháp, phương án thoát nạn khi có cháy và có biện pháp phương án chống cháy lan từ nhà mình sang nhà khác.

9- Sẵn sàng trợ giúp hàng xóm láng giềng khi có cháy và tích cực tham gia vào các hoạt động PCCC chung của tổ dân phố và của phường, xã./.

QUY CHẾ DÂN CHỦ

TRONG CÔNG TÁC PCCC KHU DÂN CƯ
(Ban hành kèm theo Quyết định số 301/QĐ-UB ngày 18 tháng 01 năm 2001 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Bến Tre)

Chương I

NHỮNG QUYĐỊNH CHUNG

Điều 1. Việc đề ra và thực hiện quy chế dân chủ trong công tác PCCC khu dân cư nhằm phát huy quyền làm chủ, sức sáng tạo, động viên sức mạnh vật chất và tinh thần to lớn của các hộ gia đình và người dân trong việc đề ra và tổ chức thực hiện các nội quy, quy định, các kế hoạch, chủ trương, biện pháp PCCC ở khu dân cư, góp phần bảo vệ tính mạng của con người và tài sản của cộng đồng.

Điều 2. Đi đôi với việc phát huy quyền làm chủ của người dân trong khu dân cư, phải nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của chính quyền sở tại, công an phường, xã, đội dân phòng, tổ trưởng cụm dân cư trong việc tổ chức thực hiện công tác PCCC ở khu dân cư, làm cho mọi người dân biết, bàn bạc và quyết định những biện pháp cần làm đảm bảo an toàn PCCC, coi đó là lợi ích thiết thực của cá nhân, của gia đình và của cộng đồng.

Điều 3. Dân chủ trong khuôn khổ hiến pháp và pháp luật, quyền đi đôi với nghĩa vụ, dân chủ đi đôi với trật tự, kỷ cương, kiên quyết xử lý những hành vi lợi dụng dân chủ để vi phạm quy định an toàn PCCC, tạo nên nguy cơ cháy hoặc gây cháy.

Chương II

NỘI DUNG CÔNG VIỆC NGƯỜI DÂN CẦN BIẾT, CẦN BÀN, CẦN LÀM, CẦN KIỂM TRA TRONG CÔNG TÁC PCCC KHU DÂN CƯ

Điều 4. Những việc về PCCC người dân cần biết:

1- Những nội dung cơ bản trong các văn bản pháp luật về PCCC: Pháp lệnh PCCC, Nghị định 220/CP, Nghị định 49/CP, Chỉ thị 237/TTg, Quyết định 369/TTg… (chủ yếu là những phần về nghĩa vụ, trách nhiệm và quyền lợi của cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, người dân trong việc PCCC).

2- Điều kiện an toàn PCCC đối với hộ gia đình (Tiêu chuẩn gia đình an toàn PCCC).

3- Điều kiện an toàn PCCC đối với khu dân cư (Tiêu chuẩn khu dân cư an toàn PCCC).

4- Điều kiện an toàn PCCC đối với cơ sở đóng trên địa bàn khu dân cư (Tiêu chuẩn cơ sở an toàn PCCC).

5- Nội quy, quy định an toàn PCCC khu dân cư.

6- Những vấn đề không đảm bảo an toàn PCCC khu dân cư:

+ Nguy cơ xảy cháy từ việc đun nấu, thờ cúng, sản xuất kinh doanh dịch vụ có sử dụng đến lửa, nhiệt và biện pháp giải quyết khắc phục.

+ Nguy cơ xảy cháy từ hệ thống điện và từ sử dụng các thiết bị tiêu thụ điện và biện pháp giải quyết khắc phục.

+ Nguy cơ xảy cháy từ các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có nhiều nguy hiểm cháy như xăng dầu, khí đốt hoá lỏng…và biện pháp giải quyết khắc phục.

+ Nguy cơ cháy lan, cháy lớn và địa điểm khu vực có thể xảy ra cháy lan, cháy lơn và biện pháp giải quyết khắc phục.

+ Tình trạng thiếu nước chữa cháy và biện pháp giải quyết khắc phục.

+ Tình trạng khó khăn về đường sá phục vụ cho xe chữa cháy và biện pháp giải quyết khắc phục.

Các tình trạng không đảm bảo an toàn PCCC khác và biện pháp giải quyết khắc phục.

7- Chương trình kế hoạch PCCC dài hạn, ngắn hạn.

8- Phương án PCCC khu dân cư, phương án huy động lực lượng phương tiện cứu người, cứu tài sản và chữa cháy.

9- Những kiến thức phổ thông về PCCC và kiến thức PCCC phù hợp với đặc điểm của khu dân cư.

10- Kết quả thanh tra, kiểm tra an toàn PCCC của cơ quan quản lý Nhà nước về PCCC, của chính quyền các cấp, của tổ trưởng cụm dân cư hay của các đại diện cụm dân cư.

11- Kết quả khắc phục những sơ hở, thiếu sót về PCCC và hình thức, biện pháp xử lý những trường hợp vi phạm quy định an toàn PCCC.

12- Tình hình trang bị phương tiện, dụng cụ PCCC trong khu dân cư, hộ gia đình, nguồn nước chữa cháy.

13- Tình hình, kết quả hoạt động của đội dân phòng.

14- Việc sử dụng nguồn kinh phí, công sức, vật chất do người dân đóng góp cho công tác PCCC khu dân cư.

15- Tình hình, thực trạng ý thức PCCC và việc chấp hành nội quy, quy ước PCCC của người dân trong khu dân cư.

16- Những nội dung khác có liên quan đến công tác PCCC cần phải thông báo.

Điều 5. Những việc về PCCC người dân cần bàn:

1- Bàn tham gia góp ý xây dựng kế hoạch, chương trình công tác và phương án PCCC khu dân cư.

2- Bàn, thống nhất cách khắc phục và thời hạn khắc phục những thiếu sót trong việc PCCC, tình trạng mất an toàn PCCC.

3- Bàn, thống nhất nội quy, quy định, quy ước, cam kết PCCC.

4- Bàn cách quản lý nguồn lửa nơi đun nấu, nơi thắp hương thờ cúng, việc sử dụng điện đảm bảo an toàn, việc thoát nạn khi xảy ra cháy…

5- Bàn, thống nhất thực hiện các biện pháp chống cháy lan, việc dỡ bỏ những trường hợp cơi nới trái phép gây cháy lan, lấn chiếm đường của xe chữa cháy.

6- Bàn, thống nhất việc tự trang bị phương tiện dụng cụ chữa cháy, giải quyết và quản lý nguồn nước chữa cháy.

7- Bàn, thống nhất chủ trương, hình thức, mức đóng góp công sức, vật chất cho công tác PCCC.

8- Bàn thống nhất tham gia vào các hoạt động PCCC chung của phường, xã.

9- Bàn, thống nhất việc thành lập các đội dân phòng, thành lập tổ đại diện của khu dân cư và tổ chức hoạt động.

Điều 6. Những việc về PCCC người dân cần làm:

1- Thực hiện nghiêm nội quy, quy định, quy ước, cam kết PCCC và các chủ trương, kế hoạch phương án PCCC khu dân cư.

2- Thực hiện đầy đủ và có kết quả các công việc đã bàn và thống nhất chung.

3- Thực hiện đầy đủ những quy định về nhiệm vụ của cá nhân trong công tác phòng cháy.

4- Kiến nghị đề xuất với chính quyền địa phương về các biện pháp PCCC.

5- Tham gia vào các hoạt động PCCC ở khu dân cư và ở phường, xã.

Điều 7. Những việc về PCCC người dân cần kiểm tra:

1- Tự kiểm tra tại gia đình mình để phát hiện và khắc phục những sơ hở, thiếu sót có thể gây cháy và các vấn đề khác về PCCC.

2- Đôn đốc, giám sát các gia đình xung quanh thực hiện nội quy, quy định, quy ước, cam kết PCCC, quản lý nguồn lửa, nguồn nhiệt, hệ thống thiết bị điện và các chất dễ cháy.

3- Kiểm tra, giám sát hoạt động của chính quyền sở tại trong việc triển khai thực hiện các kế hoạch, chương trình công tác, biện pháp và phương án PCCC.

4- Kiểm tra hoạt động của đội dân phòng, tổ đại diện cụm dân cư.

5- Kiểm tra dụng cụ chữa cháy và nguồn nước chữa cháy của gia đình và của đội dân phòng ở khu dân cư.

6- Kiểm tra việc sử dụng kinh phí PCCC, công sức, vật chất do nhân dân đóng góp.

7- Kiểm tra các vấn đề khác mà dân đã bàn, thống nhất làm và kết quả làm.

Chương III

HÌNH THỨC TỔ CHỨC VÀ TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC CẤP, CÁC NGÀNH TRONG VIỆC TRIỂN KHAI QUY CHẾ THỰC HIỆN DÂN CHỦ TRONG CÔNG TÁC PCCC TRONG KHU DÂN CƯ

Điều 8: Hình thức tổ chức để dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra:

1- Hình thức tổ chức để dân biết:

1.1- Tổ chức họp dân (có thể là các đại diện của các hộ gia đình) để thông báo, phổ biến.

1.2- Phát triển hệ thống truyền thanh.

1.3- Niêm yết công khai tại những địa điểm quy định cho việc thông tin, thông báo.

1.4- Soạn thảo thành tài liệu gửi đến từng hộ gia đình.

2- Hình thức tổ chức cho dân bàn:

Tương tự như tổ chức để dân biết.

3- Hình thức tổ chức để dân làm:

3.1- Xây dựng thành chương trình hành động, định rõ nội dung cần làm, thời gian thực hiện và thông báo cho từng hộ gia đình thực hiện.

3.2- Phát động phong trào PCCC trong từng thời điểm phù hợp như mùa hanh khô, mùa nắng nóng “Ngày PCCC toàn dân”… để mọi người dân trong khu dân cư tham gia.

4- Hình thức tổ chức để dân kiểm tra:

4.1- Thành lập ban, tổ đại diện nhân dân của khu dân cư (ngoài một số người là đại diện của các hộ gia đình còn có sự tham gia của đại diện UBND xã, phường, thị trấn, trưởng thôn, ấp, bản và trưởng cụm dân cư, công an phường, thị trấn v.v…).

4.2- Xây dựng nội dung, chương trình, kế hoạch kiểm tra, thông báo cho nhân dân nắm được và tổ chức kiểm tra.

4.3- Đối chiếu những việc đã đề ra và kết quả thực hiện.

4.4- Tập hợp tình hình nhận xét đánh giá kết quả và đề xuất kiến nghị sau khi kiểm tra.

4.5- Tổ chức phúc tra.

Điều 9. Trách nhiệm của các cấp, các ngành trong việc tổ chức để dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra trong công tác PCCC khu dân cư.

1- Lực lượng cảnh sát PCCC phối hợp cùng công an quận, huyện, thị xã (cấp huyện) chuẩn bị nội dung biên soạn tài liệu và chỉ đạo hướng dẫn về nghiệp vụ PCCC. Khi tổ chức họp dân để phổ biến cho người dân biết những nội dung về PCCC và tổ chức cho người dân bàn về PCCC thì lực lượng cảnh sát PCCC và công an cấp huyện trực tiếp hướng dẫn.

2- Chính quyền phường, xã, thị trấn (cấp xã) quyết định thời gian, địa điểm, hình thức triển khai quy chế dân chủ trong công tác PCCC, chủ trì triển khai, chỉ đạo công an cấp xã và lực lượng dân phòng tổ chức thực hiện.

3- Công an cấp xã huy động nhân dân tham gia thực hiện và trực tiếp triển khai các bước dưới sự chủ trì, chỉ đạo của chính quyền địa phương và sự hướng dẫn nghiệp vụ của lực lượng cảnh sát PCCC và công an cấp huyện.

4- Chính quyền cấp xã tổ chức kiểm tra đôn đốc việc thực hiện và tổ chức sơ kết, tổng kết việc thực hiện.

Chương IV

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 10. UBND cấp phường, xã, thị trấn có kế hoạch tổ chức chỉ đạo các trưởng khóm, ấp, khu phố, cụm dân cư xây dựng, quản lý và duy trì hoạt động của đội dân phòng đạt hiệu quả thiết thực.

Điều 11. UBND cấp xã, phường, thị trấn có kế hoạch tổ chức chỉ đạo các khóm, ấp, khu phố, cụm dân cư thực hiện tốt quy chế dân chủ trong công tác PCCC ở khu dân cư./.