Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH THUẬN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3039/QĐ-UBND

Bình Thuận, ngày 07 tháng 12 năm 2020

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC GIAO DỰ TOÁN THU, CHI NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NĂM 2021

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BÌNH THUẬN

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015 và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức Chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước ngày 25 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Quyết định số 1950/QĐ-TTg ngày 28 tháng 11 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc giao dự toán ngân sách nhà nước năm 2021;

Căn cứ Quyết định số 2044/QĐ-BTC ngày 03 tháng 12 năm 2020 của Bộ Tài chính về việc giao dự toán thu, chi ngân sách nhà nước năm 2021;

Căn cứ Nghị quyết số 38/NQ-HĐND ngày 03 tháng 12 năm 2020 của Hội đồng nhân dân tỉnh về việc dự toán thu ngân sách nhà nước trên địa bàn, chi ngân sách địa phương; phương án phân bổ ngân sách tỉnh năm 2021;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Tài chính.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Giao dự toán thu, chi ngân sách nhà nước năm 2021 cho các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố theo các biểu đính kèm.

Điều 2. Căn cứ dự toán thu, chi ngân sách nhà nước năm 2021 được giao, Thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể có trách nhiệm giao dự toán thu, chi cho các đơn vị trực thuộc bảo đảm khớp đúng với dự toán Ủy ban nhân dân tỉnh đã giao cả về tổng mức và chi tiết theo từng lĩnh vực; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố có trách nhiệm trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định dự toán thu, chi ngân sách nhà nước năm 2021 và tổ chức thực hiện theo đúng quy định của Luật Ngân sách nhà nước.

Đồng thời căn cứ dự toán thu, chi ngân sách nhà nước được giao, Thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể và các địa phương xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể, điều hành tổ chức thực hiện tốt dự toán được giao. Cụ thể:

1. Tiếp tục thực hiện các quy định hiện hành về chính sách tạo nguồn để cải cách tiền lương trong năm 2021 từ một phần nguồn thu được để lại theo chế độ của các cơ quan, đơn vị; tiết kiệm 10% chi thường xuyên (trừ các khoản tiền lương, phụ cấp theo lương, khoản có tính chất lương và các khoản chi cho con người theo chế độ); nguồn thực hiện cải cách tiền lương đến hết năm 2020 còn dư chuyển sang (nếu có). Đồng thời, dành 70% nguồn tăng thu thực hiện của ngân sách địa phương so với dự toán được Hội đồng nhân dân tỉnh giao năm 2020, 50% phần kinh phí dành ra từ giảm chi hỗ trợ hoạt động thường xuyên trong lĩnh vực hành chính và hỗ trợ các đơn vị sự nghiệp công lập của ngân sách địa phương năm 2021 để tạo nguồn cải cách tiền lương trong năm 2021 và tích lũy cho giai đoạn 2021 - 2025.

Đối với nguồn tăng thu ngân sách địa phương (không kể tăng thu tiền sử dụng đất, thu xổ số kiến thiết), loại trừ thêm một số khoản thu gắn với nhiệm vụ chi cụ thể, gồm: Thu tiền thuê đất một lần được nhà đầu tư ứng trước để bồi thường, giải phóng mặt bằng và thu từ xử lý tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị được cơ quan có thẩm quyền quyết định sử dụng để chi đầu tư theo quy định; thu tiền bảo vệ và phát triển đất trồng lúa; phí tham quan các khu di tích, di sản thế giới; phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản; phí bảo vệ môi trường đối với nước thải; thu từ quỹ đất công ích, thu hoa lợi, công sản tại xã và thu tiền cho thuê, cho thuê mua, bán nhà thuộc sở hữu nhà nước.

2. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố chủ động bố trí ngân sách địa phương, nguồn kinh phí ngân sách tỉnh hỗ trợ và nguồn cải cách tiền lương của địa phương sau khi đã bảo đảm nhu cầu cải cách tiền lương để thực hiện các chế độ, chính sách an sinh xã hội do Trung ương ban hành theo quy định. Căn cứ kết quả thực hiện, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố có báo cáo gửi Sở Tài chính tổng hợp, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh báo cáo Bộ Tài chính theo đúng quy định.

Trường hợp các huyện, thị xã, thành phố có khó khăn về nguồn kinh phí khi thực hiện cải cách tiền lương, yêu cầu Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh (thông qua Sở Tài chính tổng hợp) để xem xét, giải quyết.

3. Trong điều hành tài chính - ngân sách nhà nước năm 2021, trường hợp nguồn thu cân đối ngân sách địa phương giảm lớn so với dự toán được cấp có thẩm quyền giao do nguyên nhân khách quan, phải chủ động sử dụng các nguồn lực hợp pháp của mình, rà soát, sắp xếp, cắt giảm các nhiệm vụ chi để đảm bảo cân đối theo dự toán đã được Hội đồng nhân dân tỉnh quyết định, Ủy ban nhân dân tỉnh giao.

4. Giao Sở Tài chính tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh bố trí chi trả nợ lãi các khoản vay của chính quyền địa phương trong dự toán chi ngân sách địa phương; bố trí chi trả nợ gốc theo đúng quy định của Luật Ngân sách nhà nước từ nguồn bội thu ngân sách địa phương, tăng thu, tiết kiệm chi, kết dư và vay mới trong năm.

5. Các sở, ngành khi tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định ban hành các chế độ, chính sách, nhiệm vụ chi có tính chất đặc thù do Hội đồng nhân dân tỉnh quyết định theo quy định, phải có báo cáo đánh giá tác động đến ngân sách địa phương và có giải pháp bảo đảm nguồn tài chính thực hiện trong phạm vi dự toán chi ngân sách địa phương được giao hằng năm và nguồn tài chính khác để thực hiện.

Điều 3. Quyết định có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 4. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Tài chính, Cục trưởng Cục Thuế tỉnh, Giám đốc Kho bạc Nhà nước tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố, Thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể và các đơn vị có liên quan căn cứ Quyết định thi hành./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 4; 
- Văn phòng Chính phủ;
- Bộ Tài chính;
- Cục Kiểm tra văn bản (Bộ Tư pháp);
- Thường trực Tỉnh ủy;
- Thường trực HĐND tỉnh;
- Chủ tịch, các PCT và các Ủy viên UBND tỉnh;
- Lưu: VT, TH. Hùng(03)

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Nguyễn Ngọc Hai