Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 31/2004/QĐ-BGTVT

Hà Nội, ngày 21 tháng 12 năm 2004 

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH TIÊU CHUẨN CẤP KỸ THUẬT CẢNG THỦY NỘI ĐỊA, TIÊU CHUẨN BẾN THUỶ NỘI ĐỊA

BỘ TRƯỞNG BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI

Căn cứ Luật Giao thông đường thủy nội địa ngày 15 tháng 6 năm 2004;
Căn cứ Nghị định số 86/2002/NĐ-CP ngày 05 tháng 11 năm 2002 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan ngang bộ;
Căn cứ Nghị định số 34/2003/NĐ-CP ngày 04 tháng 4 năm 2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giao thông vận tải;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và Cục trưởng Cục Đường sông Việt Nam,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này “Tiêu chuẩn cấp kỹ thuật cảng thủy nội địa, tiêu chuẩn bến thuỷ nội địa".

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày đăng công báo.

Điều 3. Cục trưởng Cục Đường sông Việt Nam kiểm tra thực hiện việc áp dụng tiêu chuẩn này trong phạm vi cả nước.

Điều 4. Chánh Văn phòng, Chánh Thanh tra Bộ, Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Vụ trưởng Vụ Vận tải, Cục trưởng Cục Đường sông Việt Nam, Cục trưởng Cục Giám định và quản lý chất lượng công trình giao thông, Giám đốc các Sở Giao thông vận tải, Sở Giao thông công chính, thủ trưởng các cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.

 

 

Đào Đình Bình

(Đã ký)

 

 

 

 

 

 


 

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

TIÊU CHUẨN CẤP KỸ THUẬT CẢNG THỦY NỘI ĐỊA,

Ký số hiệu 22TCN - 326 - 04

BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI

TIÊU CHUẨN BẾN THỦY NỘI ĐỊA

Có hiệu lực từ …

 

(Ban hành kèm theo Quyết định số 31/2004/QĐ-BGTVT ngày 21 tháng12 năm 2004 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải)

TIÊU CHUẨN

CẤP KỸ THUẬT CẢNG THỦY NỘI ĐỊA, TIÊU CHUẨN BẾN THỦY NỘI ĐỊA

PHẦN 1:

QUY ĐỊNH CHUNG

1.1.Tiêu chuẩn này quy định:

- Cấp kỹ thuật, tiêu chuẩn cấp kỹ thuật cảng thủy nội địa và cách tính toán các tiêu chuẩn để xác định cấp kỹ thuật cảng thủy nội địa;

- Tiêu chuẩn  hoạt động của bến thủy nội địa.

1.2. Tiêu chuẩn này được sử dụng trong các trường hợp sau:

- Làm cơ sở cho cơ quan quản lý nhà nước thẩm quyền khi công bố và xác định cấp kỹ thuật cảng thủy nội địa; cấp phép hoạt động bến thủy nội địa ;

- Làm căn cứ cho công tác lập, thẩm định quy hoạch; lập dự án xây dựng mới, nâng cấp các cảng, bến  thủy nội địa.

1.3. Các tổ chức, cá nhân khi lập dự án đầu tư xây dựng, nâng cấp cảng, bến thủy nội địa thì ngoài việc tuân thủ những yêu cầu của Tiêu chuẩn này việc tính toán thiết kế phải thỏa mãn các yêu cầu của các tiêu chuẩn Việt Nam và tiêu chuẩn ngành có liên quan.

1.4. Các thuật ngữ  sử dụng trong Tiêu chuẩn này được hiểu như sau:

- Cảng công cộng là cảng của tổ chức hoặc cá nhân hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực bốc xếp hàng hóa , đón trả hành khách phục vụ nhu cầu công cộng.

- Cảng chuyên dùng là cảng của một hay một số tổ chức kinh tế chỉ dùng để xếp dỡ hàng hóa, vật tư phục vụ cho sản xuất hoặc đóng mới, sửa chữa phương tiện cho chính tổ chức đó.

- Cảng đầu mối, cảng khu vực là cảng mà tên, vị trí, vai trò của cảng đã được xác định trong các quy hoạch cảng, bến thủy nội địa do cơ quan thẩm quyền ban hành.

- Bến thủy nội địa là vị trí độc lập được gia cố bằng cách đóng cọc kè xếp đá, bao cát hoặc kè bờ bằng đá xây để phương tiện neo đậu xếp, dỡ hàng hóa; đón, trả hành khách.

PHẦN 2:

CẤP KỸ THUẬT, TIÊU CHUẨN CẤP KỸ THUẬT CẢNG THỦY NỘI ĐỊA

Tùy theo tính năng, cảng thủy nội địa được chia thành cảng hàng hóa và cảng hành khách. Căn cứ vào vị trí, vai trò và quy mô công trình, các cảng được xác định cấp theo các tiêu chuẩn kỹ thuật quy định tại Bảng A, Bảng B của Tiêu chuẩn này;

2.1. Cấp kỹ thuật,tiêu chuẩn cấp kỹ thuật đối với cảng hàng hóa:

2.1.1. Các cảng hàng hóa (cảng công cộng, cảng chuyên dùng) được xác định cấp kỹ thuật trên cơ sở các tiêu chuẩn:

- Vai trò của cảng đối với phát triển kinh tế vùng, khu vực;

- Cấp kỹ thuật tuyến đường thủy nội địa nơi xây dựng cảng;

- Quy mô công trình cảng và khả năng kết nối với các phương thức vận tải khác;

- Khả năng cho phép loại phương tiện lớn nhất cập cầu cảng;

- Năng lực xếp dỡ hàng hóa thông qua  cảng/năm; mức độ cơ giới hóa xếp dỡ và  khả năng xếp dỡ kiện hàng trọng lượng tối đa.

2.1.2. Cấp kỹ thuật và tiêu chuẩn  cấp kỹ thuật cảng hàng hóa: Căn cứ vào các tiêu chuẩn, các cảng hàng hóa được chia thành 4 cấp kỹ thuật  theo Bảng A sau đây:


BẢNG A - TIÊU CHUẨN CẤP KỸ THUẬT CẢNG HÀNG HOÁ

 

STT

Cấp cảng

Vai trò, vị trí

Cấp KT

tuyến ĐTNĐ

Quy mô công trình

Khả năng tiếp nhận PT lớn nhất (T)

Năng lực  xếp dỡ

( TriệuT/năm )

1

2

3

4

5

6

7

1

Cấp I

- Cảng công cộng, đầu mối;

- Cảng Container .

 

Đặc biệt - I

- Bến kết cấu bê tông cốt thép hoặc thép có tổng chiều dài tuyến bến từ 300m trở lên. Có hệ thống kho bãi, nhà xưởng, đường nội bộ bê tông, thiết bị xếp dỡ cơ giới tiên tiến. Có cơ sở dịch vụ đáp ứng được các nhu cầu của phương tiện.

 - Kết nối thuận tiện với các phương thức vận tải khác.

 

 

> 1500

Trên 1.5 triệu T/năm. Cơ giới hóa 100%.

Bốc xếp được kiện hàng đến 50T hoặc Container 40feet.

2

Cấp II

- Cảng công cộng, đầu mối, phù hợp quy hoạch;

- Cảng Container .

Đặc biệt - II

- Bến kết cấu bê tông cốt thép hoặc thép có tổng chiều dài tuyến bến từ 150m trở lên . Có hệ thống kho bãi, nhà xưởng, đường nội bộ bê tông, thiết bị xếp dỡ cơ giới. Có cơ sở dịch vụ;

- Kết nối thuận tiện với các phương thức vận tải khác

 

 

1000-1500

Trên 1triệu T/năm. Cơ giới hóa trên 80%.

Bốc xếp kiện hàng đến 30T hoặc Container 20feet.

3

Cấp III

- Cảng công cộng khu vực, cảng chuyên dùng.

I - IV

- Bến kết cấu bê tông cốt thép hoặc thép có tổng chiều dài tuyến bến từ 75m trở lên .Có nhà điều hành, thiết bị xếp dỡ cơ giới, đường rải đá.

 

400 <1000

Trên  0,5 triệu T/năm. Cơ giới hóa trên 50%.

4

Cấp IV

- Cảng công cộng, chuyên dùng.

Cấp I-IV

- Bến kết cấu bê tông cốt thép hoặc thép có chiều dài nhỏ hơn 75m, có nhà điều hành và đường ra, vào cảng.

< 400

Trên  0,3 triệu T/năm.Cơ giới hóa trên 50%.


2.2. Cấp kỹ thuật, tiêu chuẩn cấp kỹ thuật đối với cảng hành khách:

2.2.1. Các cảng hành khách được xác định cấp trên cơ sở các tiêu chuẩn:

- Vai trò, vị trí của cảng trong mạng lưới vận tải hành khách bằng đường thủy nội địa;

- Cấp kỹ thuật tuyến đường thủy nội địa nơi xây dựng cảng;

- Quy mô công trình, trang thiết bị, cơ sở dịch vụ phục vụ hành khách và khả năng kết nối với các phương thức vận tải khác;

- Năng lực hành khách thông qua cảng trong năm.

- Khả năng cho phép loại  phương tiện lớn nhất cập cầu cảng.

2.2.2. Cấp kỹ thuật và tiêu chuẩn cấp kỹ thuật cảng hành khách: Căn cứ vào các tiêu chuẩn, các cảng hành khách được chia thành 3 cấp theo Bảng B  sau đây:


BẢNG B - TIÊU CHUẨN  CẤP KỸ THUẬT CẢNG HÀNH KHÁCH

 

STT

Cấp Cảng

Vai trò, vị trí

Cấp KT tuyến ĐTNĐ

Quy mô công trình

Khả năng thông qua (HK/Năm)

Cỡ PT lớn nhất (Ghế)

1

2

3

4

5

6

7

1

Cảng khách    cấp I

Cảng đầu mối .

 

Đặc biệt - II

- Bến kết cấu bê tông hoặc thép, có nhà chờ trang bị tiện nghi; có nhà điều hành và khu vực  làm thủ tục của các cơ quan chức năng, cơ sở  dịch vụ đủ điều kiện phục vụ khách nội địa và khách quốc tế;

- Kết nối thuận tiện với các phương thức vận tải khác.

Trên 200.000

Trên 300 ghế

2

Cảng khách cấp II

Cảng khu vực.

Cấp I - IV

- Bến kết cấu bê tông hoặc thép,  có nhà chờ trang bị tiện nghi, nhà điều hành, nhà bán vé, sân đỗ xe ô tô.Thuận tiện giao thông ;

- Có cơ sở dịch vụ.

Trên 100.000

Trên 100 ghế

3

Cảng khách cấp III

Cảng khu vực, địa phương

Cấp I-IV

- Bến kết cấu bê tông hoặc thép, có nhà chờ và khu dịch vụ.

- Thuận tiện giao thông.

Trên 50.000

Trên 50 ghế

 


2.3. Nguyên tắc tính toán, xác định cấp

2.3.1. Cảng thủy nội địa phải đạt đồng thời các tiêu chuẩn quy định của bảng phân cấp mới được áp vào cấp tương ứng.

2.3.2. Năng lực xếp dỡ căn cứ phương án xếp dỡ của cảng ứng với trang thiết bị xếp dỡ khi áp cấp. Đối với cảng hành khách là lượng hành khách thông qua trong năm ở thời điểm áp cấp.

2.3.3. Cỡ phương tiện lớn nhất căn cứ khả năng tiếp nhận loại phương tiện lớn nhất của cầu cảng theo hồ sơ hoàn công khi xây dựng, nâng cấp hoặc kết quả kiểm định của cơ quan tư vấn ở thời điểm áp cấp.

2.3.4. Mức độ cơ giới hóa tính theo tỉ lệ % giữa khối lượng hàng hóa bốc xếp bằng thiết bị cơ giới trên tổng khối lượng hàng hóa xếp dỡ thông qua cảng theo phương án  xếp dỡ khi áp cấp. Khả năng bốc xếp kiện hàng có khối lượng lớn nhất được lấy theo khả  năng tối đa của thiết bị xếp dỡ trên cầu cảng (căn cứ vào hồ sơ thiết bị đã được kiểm định).

PHẦN 3:

TIÊU CHUẨN BẾN THỦY NỘI ĐỊA

Tùy theo công dụng, bến thủy nội địa được chia làm 2 loại: Bến hàng hóa, bến hành khách. Các bến thủy nội địa phải đảm bảo các tiêu chuẩn của từng loại được quy định cụ thể sau đây:

3.1. Tiêu chuẩn bến hàng hóa:

- Phù hợp với quy hoạch khu vực;

- Không nằm trong hành lang bảo vệ luồng và khu vực cấm xây dựng theo các quy định hiện hành; vị trí ổn định, thuận lợi về thủy văn.

- Bố trí đủ cọc neo, đệm chống va và báo hiệu theo quy tắc Báo hiệu ĐTNĐ. Nếu khai thác ban đêm phải có đủ hệ thống đèn chiếu sáng khu vực bốc xếp.

3.2. Tiêu chuẩn bến hành khách:

- Phù hợp với quy hoạch khu vực;

- Vị trí nơi đặt bến có địa hình ổn định, thuận lợi về thủy văn; không nằm trong phạm vi hành lang bảo vệ luồng và các khu vực cấm theo quy định hiện hành.

- Bố trí đủ cọc neo, đệm chống va và báo hiệu theo quy tắc báo hiệu ĐTNĐ; có cầu dẫn cho người  lên xuống thuận tiện, an toàn. Nếu hoạt động ban đêm phải có đèn chiếu sáng khu vực hành khách lên xuống.

- Có nhà chờ, điểm bán vé, khu vệ sinh và đường ra, vào thuận tiện.