Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH VĨNH PHÚC

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3145/QĐ-UBND

Vĩnh Phúc, ngày 17 tháng 11 năm 2021

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT CHƯƠNG TRÌNH XÚC TIẾN ĐẦU TƯ NĂM 2022 CỦA TỈNH VĨNH PHÚC

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH VĨNH PHÚC

Căn cứ Luật tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/06/2015;

Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ số 76/2015/QH13 và Luật Tổ chức chính quyền địa phương số 77/2015/QH13;

Căn cứ Luật Đầu tư số 61/2020/QH14 ngày 17/6/2020;

Căn cứ Nghị định số 31/2021/NĐ-CP ngày 26/3/2021 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư;

Căn cứ Thông tư số 03/2021/TT-BKHĐT ngày 09/04/2021 quy định Biểu mẫu văn bản, báo cáo liên quan đến hoạt động đầu tư tại Việt Nam, đầu tư Việt Nam ra nước ngoài và xúc tiến đầu tư;

Căn cứ Công văn số 6479/BKHĐT-ĐTNN ngày 24/9/2021 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc chương trình XTĐT năm 2022;

Theo đề nghị của Sở Kế hoạch và Đầu tư tại Tờ trình số 145/SKHĐT-KTĐN ngày 21/10/2021.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt kèm theo Quyết định này chương trình xúc tiến đầu tư năm 2022 của tỉnh Vĩnh Phúc.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Thủ trưởng các Sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố thuộc tỉnh; Thủ trưởng các đơn vị và các cá nhân có liên quan căn cứ Quyết định thi hành./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHTỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Vũ Chí Giang

 

CHƯƠNG TRÌNH

XÚC TIẾN ĐẦU TƯ NĂM 2022 CỦA TỈNH VĨNH PHÚC
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 3145/QĐ-UBND ngày 17/11/2021 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc)

I. DỰ KIẾN CHƯƠNG TRÌNH XÚC TIẾN ĐẦU TƯ NĂM 2022

1. Đánh giá sơ bộ hoạt động xúc tiến đầu tư của năm 2021

1.1. Đánh giá sơ bộ về hoạt động xúc tiến đầu tư năm 2021

- Thực hiện công văn số 25/BKHĐT-ĐTNN ngày 05/01/2021 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã phê duyệt Chương trình xúc tiến đầu tư năm 2021 tại Quyết định số 524/QĐ-UBND ngày 05/3/2021. Căn cứ nội dung, Chương trình xúc tiến đầu tư được UBND tỉnh phê duyệt, các cơ quan, đơn vị được giao chủ trì, phối hợp đã tích cực triển khai thực hiện theo kế hoạch. Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch bệnh Covid -19 đang diễn biến phức tạp trên thế giới và trong nước làm ảnh hưởng lớn tới các hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp FDI. Hoạt động xúc tiến đầu tư của tỉnh Vĩnh Phúc đã gặp những khó khăn và hạn chế, chủ yếu tập trung vào các nội dung chính là tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động XTĐT; tổ chức các Hội thảo, hội nghị tuyên truyền XTĐT về tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, từ đó có kế hoạch đầu tư vào lĩnh vực quan tâm, đẩy mạnh hoạt động XTĐT tại chỗ....

- Hoạt động XTĐT năm 2021 của tỉnh phân bổ khá đồng đều từ hoạt động nghiên cứu, đánh giá tiềm năng, thị trường, xu hướng và đối tác đầu tư đến Xây dựng cơ sở dữ liệu, các ấn phẩm, tài liệu phục vụ cho hoạt động XTĐT; Tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu về môi trường, chính sách, tiềm năng và cơ hội đầu tư Hỗ trợ doanh nghiệp và Nhà đầu tư…

- Tài liệu xúc tiến đầu tư được thiết kế theo nhiều mẫu mới sáng tạo theo chuẩn quốc tế, giúp nhà đầu tư nhanh chóng tiếp cận thông tin về dự án đầu tư; video clip xúc tiến đầu tư được hiệu chỉnh cập nhật thường xuyên những dự án mới đã đi vào hoạt động trên địa bàn tỉnh... Bên cạnh đó tỉnh Vĩnh Phúc tăng cường công tác tuyên truyền, giới thiệu môi trường đầu tư của tỉnh đã được đẩy mạnh, tỉnh giao các cơ quan thực hiện xúc tiến đầu tư phối hợp với các cơ quan Truyền thông của trung ương và địa phương: Thời báo Kinh tế Việt Nam (Vietnam Economic Times) đến một số doanh nghiệp trong KCN (CPK, Honda, Piaggio....) để phỏng vấn, ghi hình quảng bá môi trường đầu tư của tỉnh; Xây dựng các kịch bản làm phim phóng sự trên VTV1; Tạp chí Vietnam Business Forum (VCCI), Báo Đầu tư, Báo Vietnam Investment review, Báo Vĩnh Phúc thường xuyên viết bài đưa tin liên quan các hoạt động xúc tiến và hỗ trợ đầu tư của tỉnh. Thường xuyên cung cấp thông tin về chính sách thu hút đầu tư, lĩnh vực thu hút đầu tư, khả năng liên kết, hợp tác của các doanh nghiệp trong tỉnh cho các Bộ, Ngành TW để phục vụ các hội nghị trực tuyến hợp tác xúc tiến đầu tư, thương mại với Nhật Bản, Hàn Quốc, …đồng thời cũng duy trì trao đổi thông tin với các cơ quan hợp tác về kinh tế, thương mại giữa các nước tại Việt Nam (Jetro, Kotra) để kết nối xúc tiến đầu tư.

- Công tác đào tạo, tập huấn, hội nghị, hội thảo đã được UBND tỉnh và các sở, ngành quan tâm thực hiện, tiêu biểu như phối hợp với một số đơn vị thuộc Bộ Công Thương, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức hội nghị trực tuyến phổ biến Luật sửa đổi, bổ sung một số Luật liên quan đến Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp và một số Nghị định liên quan cho đối tượng là cơ quan quản lý nhà nước và đối tượng là nhà đầu tư và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

- Công tác hỗ trợ các tổ chức, doanh nghiệp, nhà đầu tư được thực hiện thường xuyên, liên tục và kịp thời, trong 9 tháng đầu năm tỉnh Vĩnh Phúc đã tiếp đón và làm việc trực tiếp với 17 đoàn các nhà đầu tư, doanh nghiệp, các tổ chức tư vấn đầu tư nước ngoài với 137 lượt người đến thăm, làm việc và tìm hiểu môi trường đầu tư của tỉnh, trong đó có 137 người nước ngoài (bao gồm 15 đoàn Hàn Quốc, 2 đoàn Nhật Bản, 01 đoàn Đài Loan, 01 đoàn khối các nước nói tiếng Anh); làm việc theo hình thức online trực tuyến với 05 đoàn nhà đầu tư đến từ Nhật Bản và châu Âu. Duy trì thường xuyên chương trình “Lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc gặp gỡ với doanh nhân hằng tuần” vào chiều Thứ 6 tại trụ sở UBND tỉnh, kịp thời tháo gỡ những khó khăn vướng mắc của các doanh nghiệp, lắng nghe ý kiến tham vấn, đề xuất của doanh nghiệp về những cơ chế chính sách nhằm cải thiện môi trường đầu tư.

Bên cạnh việc tháo gỡ vướng mắc khó khăn cho doanh nghiệp thông qua Cổng thông tin đối thoại DN-CQ, Hệ thống đường dây nóng, tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức các Đoàn công tác của tỉnh thăm nắm tình hình hoạt động của doanh nghiệp bằng nhiều kênh khác nhau như: Tổ chức đoàn công tác thanh tra, kiểm tra và đánh giá tác động của SARS-CoV-2 đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, kết quả đã đến làm việc trực tiếp với 27 doanh nghiệp đánh giá nguy cơ lấy nhiễm SARS-CoV-2. Sở Kế hoạch và Đầu tư đã tổ chức được một số hội nghị online để hướng dẫn doanh nghiệp sử dụng phần mềm phục vụ cho công tác phòng chống dịch và đánh giá nguy cơ lây nhiễm SARS-CoV-2.

- Về hoạt động xúc tiến du lịch: 9 tháng đầu năm 2021, hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch tập trung tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng như: Báo Văn hóa, Báo Du lịch, Tạp chí Du lịch … Nâng cấp và cập nhật thông tin về tài nguyên văn hóa, du lịch, điểm đến, sản phẩm du lịch, tour tuyến du lịch Vĩnh Phúc, thông tin các doanh nghiệp du lịch, lữ hành, nhà hàng, khách sạn… trên trang thông tin điện tử dulichvinhphuc.gov.vn. Phát triển tiện ích trang điện tử dulichvinhphuc.gov.vn trên phiên bản mobile. Tạo mã quét QR phục vụ nhu cầu tra cứu thông tin du lịch cho du khách. Tạo trang tin tức trên Zalo và ứng dụng mạng xã hội (Facebook, Zalo…) để quảng bá, cung cấp thông tin, hình ảnh về du lịch Vĩnh Phúc.

Xây dựng các ấn phẩm điện tử phục vụ xúc tiến quảng bá du lịch: Cẩm nang du lịch, bản đồ du lịch, tờ gấp, sách ảnh đẹp du lịch Vĩnh Phúc, sách mỏng du lịch Tam Đảo, Tây Thiên…

Tái bản các tài liệu, ấn phẩn du lịch sử dụng song ngữ (tiếng Việt - tiếng Anh) như: Cẩm nang du lịch, bản đồ du lịch, tờ gấp, sách mỏng Tam Đảo, Tây Thiên, sách ảnh đẹp du lịch,…

1.2. Kết quả thu hút đầu tư

- Về thu hút đầu tư: 9 tháng năm 2021 đã thu hút được 48 dự án mới, trong đó có: 29 dự án FDI với tổng vốn đầu tư 874,90 triệu USD và 117,58 triệu USD điều chỉnh tăng vốn, tổng vốn đầu tư cấp mới và tăng vốn đạt 992,48 triệu USD tăng 218,6% so với cùng kỳ năm 2020, bằng 248,12% kế hoạch năm; 19 dự án DDI mới với tổng vốn đầu tư 9.677,54 tỷ đồng, tăng vốn đạt 6.665,41 tỷ đồng, tổng vốn đầu tư cấp mới và tăng vốn đạt 16.342,95 tỷ đồng tăng 128% so với cùng kỳ năm 2020, bằng 291,14% kế hoạch năm.

Lũy kế hết tháng 9/2021, tổng số dự án trên địa bàn tỉnh còn hiệu lực là 1.223 dự án: 427 dự án FDI với tổng vốn 7,1 tỷ USD và 821 dự án DDI với tổng vốn đầu tư 109.728,95 tỷ đồng.

- Về phát triển doanh nghiệp: 9 tháng đầu năm, số lượng các doanh nghiệp thành lập cấp mới cho 1.218 doanh nghiệp và đơn vị trực thuộc; Số vốn đăng ký đạt trên 9.678 tỷ đồng; Đăng ký thay đổi cho 1.242 doanh nghiệp và đơn vị trực thuộc; Thông báo thay đổi cho 654 doanh nghiệp và đơn vị trực thuộc; cấp cho 104 doanh nghiệp chuyển đổi, chia, tách, hợp nhất, sáp nhập; Làm thủ tục giải thể và thông báo giải thể cho 173 doanh nghiệp, đơn vị trực thuộc.

1.3. Về công tác vận động nguồn viện trợ phát triển chính thức (ODA):

Tỉnh đã đề xuất 04 dự án sử dụng vốn vay ODA của một số nhà tài trợ, cụ thể như sau:

- Dự án Quản lý nguồn nước và ngập lụt Vĩnh Phúc, vốn vay WB có tổng mức đầu tư 4.816 tỷ đồng (tương đương 220 triệu USD), trong đó: vốn đối ứng: 1.532 tỷ đồng (tương đương với 70 triệu USD); vốn vay WB: 3.284 tỷ đồng (tương đương với 150 triệu USD). Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án tại Quyết định số 441/QĐ-TTg ngày 25/3/2021; UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án tại Quyết định số 919/QĐ-CT ngày 15/4/2021.

Đến hết tháng 9/2021, dự án giải ngân 301.459 triệu đồng, đạt 37,92% kế hoạch. Trong đó, vốn đối ứng là 195.189 triệu đồng, đạt 73,38% kế hoạch; vốn vay là 106.271 triệu đồng, đạt 20,09% kế hoạch. Lũy kế giải ngân từ đầu dự án đến thời điểm báo cáo là 1.375.147 triệu đồng. Trong đó, vốn đối ứng là 1.024.489 triệu đồng, vốn vay là 350.658 triệu đồng.

- Dự án Chương trình Phát triển các đô thị loại II (các đô thị xanh) - Dự án thành phần tỉnh Vĩnh Phúc, vốn vay ADB: gồm 7 hợp phần với tổng vốn đầu tư với tổng mức đầu tư 2.234,6 tỷ đồng (tương đương 100,21 triệu USD), trong đó: Vốn vay ADB: 1.634,9 tỷ đồng (tương đương 73,31 triệu USD) (bao gồm: Vốn ADF: 934,19 tỷ đồng, tương đương 41,89 triệu USD; Vốn vay ưu đãi OCR: 656,11 tỷ đồng, tương đương 29,42 triệu USD; Vốn viện trợ không hoàn lại: 44,6 tỷ đồng, tương đương 2,0 triệu USD); Vốn đối ứng từ ngân sách tỉnh Vĩnh Phúc: 599,7 tỷ đồng (tương đương 26,9 triệu USD).

Đến hết tháng 9/2021, dự án giải ngân 17.949 triệu đồng, đạt 5,01% kế hoạch. Trong đó, vốn đối ứng là 16.898 triệu đồng, đạt 19,41% kế hoạch; vốn vay là 526 triệu đồng, đạt 0,67% kế hoạch; vốn ODA cấp phát là 526 triệu đồng, đạt 0,34% kế hoạch; vốn ODA viện trợ là 0 triệu đồng, đạt 0% kế hoạch. Lũy kế giải ngân từ đầu dự án đến thời điểm báo cáo là 71.037 triệu đồng. Trong đó, vốn đối ứng là 66.689 triệu đồng, vốn vay là 2.174 triệu đồng, vốn ODA cấp phát là 2.174 triệu đồng, vốn ODA viện trợ là 0 triệu đồng.

- Dự án Cầu Đầm Vạc, vốn vay OFID, với tổng mức đầu tư 612,5 tỷ đồng (tương đương 27,3 triệu USD), trong đó: Vốn vay OFID 489,5 tỷ đồng (tương đương 21,8 triệu USD); Vốn đối ứng: 123,0 tỷ đồng (tương đương 5,5 triệu USD).

Đến hết tháng 9/2021, dự án giải ngân là 111.571 triệu đồng, đạt 38,21% kế hoạch. Trong đó, vốn đối ứng là 27.622 triệu đồng, đạt 92,07% kế hoạch; vốn vay là 83.949 triệu đồng, đạt 32,04% kế hoạch. Lũy kế giải ngân từ đầu dự án đến thời điểm báo cáo là 250.541 triệu đồng. Trong đó, vốn đối ứng là 49.908 triệu đồng, vốn vay là 200.633 triệu đồng.

- Dự án sửa chữa và nâng cao an toàn đập (WB8) tỉnh Vĩnh Phúc, vay vốn WB với tổng mức đầu tư 190,6 tỷ đồng, trong đó: Vốn vay WB 180,25 tỷ đồng (bao gồm: vốn NSTW cấp phát: 108,15 tỷ đồng, vốn tỉnh vay lại: 72,1 tỷ đồng), Vốn đối ứng từ ngân sách tỉnh Vĩnh Phúc: 10,35 tỷ đồng.

Đến hết tháng 9/2021, dự án giải ngân là 13.419 triệu đồng (Đạt 31,1% kế hoạch giao), trong đó: Vốn cấp phát từ NSTW: 7.838 triệu đồng và vốn tỉnh vay lại: 5.226 triệu đồng.

1.5. Hạn chế, bất cập

- Các nội dung cụ thể theo Chương trình xúc tiến đầu tư năm 2021 về cơ bản mới bắt đầu được triển khai đầu quý II/2021 do vậy kết quả chưa thực sự rõ nét, nổi bật.

- Chưa thu hút được nhiều dự án lớn, có hàm lượng công nghệ cao. Các dự án đầu tư thu hút được vẫn chủ yếu là các dự án có quy mô vừa và nhỏ, chất lượng chưa cao, sự tham gia đầu tư theo chuỗi sản xuất của các tập đoàn xuyên quốc gia còn hạn chế; vẫn còn nhiều doanh nghiệp sử dụng công nghệ trung bình, gây ô nhiễm môi trường.

- Hoạt động tuyên truyền, quảng bá và giới thiệu các thông tin, hình ảnh, tiềm năng thế mạnh và môi trường đầu tư của tỉnh còn chưa được sâu rộng, chưa đến được với nhiều nhà đầu tư để nghiên cứu, tìm hiểu cơ hội đầu tư trên địa bàn tỉnh.

- Chất lượng các nguồn vốn đầu tư thu hút được trong thời gian qua vẫn chưa đạt được như kỳ vọng cụ thể về thu hút công nghệ cao, công nghệ nguồn, công nghiệp hỗ trợ, đầu tư phát triển hạ tầng và chuyển giao công nghệ. Chưa thu hút được nhiều nguồn vốn đầu tư từ những nhà đầu tư lớn từ các nước Châu Âu, Mỹ…

- Công tác tuyên truyền, quảng bá chưa thực sự phong phú về hình thức, hấp dẫn về nội dung, quy mô nhỏ hẹp, tần suất tuyên truyền quảng bá thấp,... Chưa tham gia nhiều sự kiện xúc tiến, quảng bá trong nước; chưa tham gia hoạt động xúc tiến quảng bá nước ngoài,...

- Chưa tổ chức thường xuyên đón các đoàn Famtrip đến khảo sát du lịch Vĩnh Phúc.

- Công tác phối hợp với Tổng cục Du lịch, các địa phương, Hiệp hội du lịch, các doanh nghiệp du lịch, lữ hành trên địa bàn tỉnh còn hạn chế.

1.6. Nguyên nhân

- Do tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp trên toàn cầu cũng như tại Việt Nam nói chung và tỉnh Vĩnh Phúc nói riêng, các hoạt động đầu tư, giao thương bị ảnh hưởng nặng nề dẫn đến các hoạt động xúc tiến, kêu gọi, thu hút đầu tư cũng bị hạn chế triển khai và chưa đạt kế hoạch như mục tiêu đã đề ra.

- Luật Đầu tư số 61/2020/QH14 ngày 17/6/2020 mới ban hành và có hiệu lực ngày 01 tháng 01 năm 2021, các Nghị định, Thông tư hướng dẫn thực hiện Luật Đầu tư ban hành chậm khiến cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư có tâm lý lưỡng lự trong việc thực hiện các thủ tục cấp phép đầu tư.

- Đội ngũ cán bộ làm công tác XTĐT của Tỉnh vẫn còn thiếu về nhân lực, tính chuyên nghiệp chưa cao, hạn chế về chuyên môn nghiệp vụ, ngoại ngữ. Nhiều cán bộ phải làm công tác kiêm nhiệm, chưa có điều kiện tham gia vào các chương trình XTĐT của Tỉnh và Trung ương ở nước ngoài nên không có điều kiện để tiếp xúc và học hỏi kinh nghiệm.

2. Quan điểm, mục tiêu và định hướng chương trình xúc tiến đầu tư

2.1. Quan điểm

- Tiếp tục đẩy mạnh thu hút các dự án đầu tư trong nước và nước ngoài phục vụ nhiệm vụ phát triển nền kinh tế của tỉnh theo định hướng mục tiêu kép vừa đẩy lùi dịch bệnh Covid 19 vừa phát triển kinh tế xã hội trong đó ưu tiên chất lượng, hiệu quả các dự án đầu tư vào tỉnh.

- Xây dựng chương trình XTĐT theo hướng trọng tâm, trọng điểm bao gồm các nội dung mang tính chất cụ thể, thiết thực và khả thi trong đó tập trung vào 8 nội dung XTĐT theo đúng Quy chế quản lý Nhà nước đối với hoạt động XTĐT đã được Thủ tướng chính phủ phê duyệt.

- Tăng cường kết hợp hoạt động XTĐT với các hoạt động xúc tiến thương mại, du lịch và hoạt động đối ngoại; với thực hiện các hiệp định thương mại Việt Nam đã ký với các nước.

- Tích cực phối hợp và kết nối với các chương trình XTĐT quốc gia; phối hợp với các cơ quan ban, ngành Trung ương, các cơ quan XTĐT trong và ngoài nước để xây dựng các chương trình XTĐT thực sự có hiệu quả, tránh dàn trải, lãng phí.

- Tổ chức hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch theo hướng tập trung vào các điểm đến, sản phẩm có thế mạnh và thị trường khách du lịch trọng điểm.

- Phát huy sức mạnh tổng hợp của các thị trường, doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước; đẩy mạnh xã hội hóa, huy động mọi nguồn lực cho xúc tiến, quảng bá du lịch.

- Khuyến khích đẩy mạnh liên kết giữa nhà đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài với khu vực doanh nghiệp trong nước, hình thành và phát triển các cụm liên kết ngành theo từng chuỗi giá trị; các cơ hội liên kết giữa Tỉnh với các tỉnh trong vùng, vùng Đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ, vùng thủ đô Hà Nội, cả nước và khu vực; hợp tác, giao thương giữa Việt Nam-Trung Quốc và các nước Asean; khả năng khai thác các Hiệp định thương mại mà Việt Nam đã ký kết (WTO, CPTPP, APTA, EVFTA…).

2.2. Mục tiêu

- Thực hiện theo các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 trong tình hình mới do ảnh hưởng của dịch Covid-19, đẩy mạnh thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, tăng năng suất, hiệu quả và năng lực cạnh tranh; tăng cường xúc tiến, thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng.

- Thu hút và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư vào mục tiêu tăng trưởng kinh tế, phát triển lâu dài và bền vững trên cơ sở bảo vệ và sử dụng hợp lý, tiết kiệm tối đa tài nguyên thiên nhiên gắn với bảo vệ môi trường. Đảm bảo các điều kiện thiết yếu về cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, góp phần ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, giữ vững an ninh - quốc phòng.

- Thu hút vốn đầu tư của các doanh nghiệp trong và ngoài nước vào các KCN, CCN và các ngành, lĩnh vực mà Tỉnh có tiềm năng, thế mạnh như: sản xuất các sản phẩm công nghiệp phụ trợ, chế biến, chế tạo, điện tử; chế biến nông sản thực phẩm; vật liệu xây dựng và các ngành, lĩnh vực sử dụng công nghệ cao, công nghệ nguồn, công nghệ sinh học; sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ sạch; dịch vụ hiện đại, chất lượng cao.

- Nâng cao năng lực cạnh tranh, định vị thương hiệu du lịch Vĩnh Phúc trong vùng, cả nước và thế giới; Thúc đẩy tăng trưởng khách du lịch quốc tế và nội địa về cả số lượng và chất lượng; Góp phần thực hiện mục tiêu phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.

2.3. Định hướng thu hút đầu tư

- Ưu tiên thu hút đầu tư các dự án có phù hợp với tiềm năng và thế mạnh của Tỉnh, phù hợp với quy hoạch và định hướng phát triển chung của quốc gia, của khu vực và của Tỉnh, đảm bảo mục tiêu phát triển lâu dài và bền vững.

- Tập trung ưu tiên thu hút vào các ngành: công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, nông nghiệp công nghệ cao, phát triển các ngành nghề mới trên nền tảng công nghiệp 4.0, các ngành thương mại dịch vụ có lợi thế và giá trị gia tăng cao như dịch vụ chăm sóc sức khoẻ, giáo dục - đào tạo, dịch vụ tài chính quốc tế, logistics và các dịch vụ hiện đại khác, đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng, phát triển đô thị, trung tâm thương mại, khu sinh thái nghỉ dưỡng cao cấp...

 - Ưu tiên thu hút các nhà đầu tư lớn, có tiềm năng trong và ngoài nước; các nhà đầu tư từ các quốc gia thuộc nền kinh tế lớn, có tiềm lực về vốn, công nghệ, trình độ quản lý; các công ty đa quốc gia, các tập đoàn kinh tế lớn trên thế giới. Chú trọng thu hút đầu tư vào các lĩnh vực, dự án có giá trị gia tăng cao, chiếm ít diện tích, thân thiện với môi trường, tạo nguồn thu tốt cho ngân sách Tỉnh; Hạn chế hoặc không tiếp nhận các dự án quy mô nhỏ lẻ, sử dụng diện tích lớn và tiềm ẩn nguy cơ gây môi nhiễm môi trường…

- Thu hút vốn đầu tư nước ngoài trên cơ sở tận dụng và phát huy các cơ hội, lợi thế Hiệp định thương mại tự do đem lại; nắm bắt cơ hội vàng, đón làn sóng đầu tư dịch chuyển, tập trung vào các tập đoàn đa quốc gia lớn, công nghệ cao, hiện đại, thân thiện môi trường. Củng cố các đối tác đầu tư chiến lược (Nhật Bản, Hàn Quốc,....); mở rộng các đối tác đầu tư thuộc khu vực Đông Âu, Mỹ La tinh và Châu Phi…; đẩy mạnh thu hút đầu tư của các đối tác là Hoa Kỳ và Liên minh Châu Âu thông qua các tập đoàn đa quốc gia.

3. Dự kiến chương trình XTĐT của tỉnh năm 2022

- Dự kiến Chương trình xúc tiến đầu tư năm 2022 bao gồm các hoạt động thuộc 08 nhóm nội dung, như sau:

1. Xây dựng hình ảnh, tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu về môi trường, chính sách, tiềm năng, cơ hội và kết nối đầu tư.

2. Hỗ trợ, hướng dẫn, tạo thuận lợi cho hoạt động đầu tư.

3. Xây dựng hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu phục vụ cho hoạt động xúc tiến đầu tư.

4. Xây dựng danh mục dự án thu hút đầu tư.

5. Xây dựng các ấn phẩm, tài liệu phục vụ cho hoạt động xúc tiến đầu tư

6. Đào tạo, tập huấn, tăng cường năng lực về xúc tiến đầu tư

7. Hợp tác trong nước và quốc tế về xúc tiến đầu tư, xúc tiến du lịch.

B. Kinh phí thực hiện: 22.249 triệu đồng (Hai mươi hai tỷ, hai trăm bốn mươi chín triệu đồng). Trong đó: Ngân sách: 21.898 triệu đồng (Hai mươi mốt tỷ, tám trăm chín mươi tám triệu đồng); Khác: 351 triệu đồng Ba trăm năm mươi mốt triệu đồng).

(Nội dung chi tiết theo Phụ lục 1 đính kèm)

II. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Kế hoạch và Đầu tư:

- Đầu mối tham mưu giúp UBND tỉnh thực hiện quản lý hoạt động XTĐT trên địa bàn tỉnh; Tổng hợp, định kỳ báo cáo UBND tỉnh kết quả triển khai thực hiện.

- Chủ trì, phối hợp với Văn phòng UBND tỉnh Vĩnh Phúc, Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh và các đơn vị liên quan triển khai thực hiện các hoạt động xúc tiến đầu tư trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc.

2. Văn phòng UBND tỉnh có nhiệm vụ tổng hợp chương trình xúc tiến đầu tư ra nước ngoài của tỉnh trình UBND tỉnh báo cáo Thường trực Tỉnh ủy phê duyệt.

3. Sở Tài chính cân đối nguồn kinh phí nhà nước để thực hiện cho chương trình xúc tiến đầu tư năm 2022 của tỉnh. Các đơn vị chủ động làm việc với Sở Tài chính trong việc phân khai và sử dụng nguồn kinh phí thực hiện cho chương trình đúng quy định.

4. Các Sở: Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Khoa học và Công nghệ, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Công thương, Ngoại vụ, Văn hóa, Thể thao và Du lịch... theo chức năng và nhiệm vụ chủ động triển khai lồng ghép vào hoạt động của đơn vị thực hiện Chương trình này.

5. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố triển khai thực hiện hoạt động xúc tiến đầu tư theo lĩnh vực địa bàn quản lý. Đồng thời thực hiện cơ chế phối kết hợp chặt chẽ giữa Sở, ngành và địa phương trong quá trình thực hiện.

6. Các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố chủ động xây dựng, đề xuất các dự án bổ sung vào danh mục thu hút đầu tư của tỉnh năm 2022 và các năm tiếp theo gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp trình UBND tỉnh phê duyệt; tổ chức triển khai thực hiện Chương trình Xúc tiến đầu tư năm 2022 theo đúng kế hoạch đã đề ra; định kỳ tháng, quý, năm báo cáo kết quả triển khai thực hiện gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp chung báo cáo UBND tỉnh và Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

III. KIẾN NGHỊ, ĐỀ XUẤT

- Để tiếp tục nâng cao hiệu quả XTĐT trong tình hình dịch bệnh. Đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng các Bộ, ngành hỗ trợ địa phương kết nối các tổ chức, nhà đầu tư nước ngoài thực hiện các hoạt động xúc tiến đầu tư trực tuyến.

- Đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư tăng cường tổ chức các khóa đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực, tính chuyên nghiệp cho cán bộ làm công tác xúc tiến đầu tư đảm bảo cả về chất và lượng cho công tác XTĐT.

- Đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu, xem xét tổ chức chương trình, Hội nghị XTĐT theo vùng (vùng Đồng bằng sông Hồng, vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ...) để công tác XTĐT có hiệu quả hơn.

Phụ lục gửi kèm:

1. Biểu tổng hợp dự kiến chương trình xúc tiến đầu tư năm 2022.

2. Danh mục các dự án kêu gọi đầu tư.