ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 32/2007/QĐ-UBND | Tuyên Quang, ngày 10 tháng 9 năm 2007 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN SỰ NGHIỆP VĂN HÓA THÔNG TIN TỈNH TUYÊN QUANG ĐẾN NĂM 2010, ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN ĐẾN NĂM 2020
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Nghị quyết số 37-NQ/TW ngày 01 tháng 7 năm 2004 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2010;
Căn cứ Nghị quyết số 05/2005/NQ-CP ngày 18 tháng 4 năm 2005 của Chính phủ về đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động giáo dục, y tế, văn hóa và thể dục thể thao;
Căn cứ Nghị định số 53/2006/NĐ-CP ngày 25 tháng 5 năm 2006 của Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển các cơ sở cung ứng dịch vụ ngoài công lập;
Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội;
Căn cứ Quyết định số 219/2005/QĐ-TTg ngày 09 tháng 9 năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chiến lược phát triển thông tin đến năm 2010;
Căn cứ Quyết định số 271/2005/QĐ- TTg ngày 31 tháng 10 năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch phát triển hệ thống thiết chế văn hóa thông tin cơ sở đến năm 2010;
Căn cứ Nghị quyết số 10/2007/NQ-HĐND ngày 17 tháng 7 năm 2007 của Hội đồng nhân dân tỉnh Tuyên Quang khóa XVI, kỳ họp thứ 8 về Quy hoạch phát triển sự nghiệp văn hóa thông tin tỉnh Tuyên Quang đến năm 2010, định hướng phát triển đến năm 2020;
Xét đề nghị của Sở Văn hóa - Thông tin tại Tờ trình số 52/TTr-VHTT ngày 10 tháng 8 năm 2007 và đề nghị của Sở Kế hoạch và Đầu tư tại Tờ trình số 97/TTr-SKH ngày 14 tháng 8 năm 2007 về việc đề nghị phê duyệt Quy hoạch phát triển sự nghiệp văn hóa thông tin tỉnh Tuyên Quang đến năm 2010, định hướng phát triển đến năm 2020,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch phát triển sự nghiệp văn hóa thông tin tỉnh Tuyên Quang đến năm 2010, định hướng phát triển đến năm 2020, với những nội dung cơ bản sau:
1- Quan điểm phát triển
- Xây dựng phát triển sự nghiệp văn hóa, thông tin Tuyên Quang đậm đà bản sắc dân tộc và hiện đại, trên cơ sở bảo tồn, phát huy và kế thừa các giá trị văn hóa truyền thống dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa tiên tiến.
- Bảo đảm sự gắn kết chặt chẽ giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hóa; đẩy nhanh phục hồi, bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích lịch sử, văn hóa, đáp ứng yêu cầu giáo dục truyền thống và phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là phát triển kinh tế du lịch của tỉnh.
- Xã hội hóa các hoạt động văn hóa - thông tin với bước đi thích hợp cho từng loại hình dưới sự quản lý thống nhất của Nhà nước; huy động các nguồn lực trong nhân dân và xã hội đầu tư phát triển sự nghiệp văn hóa - thông tin, hoàn chỉnh các thiết chế văn hóa.
2- Mục tiêu
2.1- Mục tiêu chung
Xây dựng và phát triển sự nghiệp văn hóa, thông tin của tỉnh tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Chú trọng xây dựng và nâng cao chất lượng phong trào văn hóa, thông tin cơ sở; bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử văn hóa, bản sắc văn hóa truyền thống các dân tộc; đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động dịch vụ văn hóa, thông tin. Phấn đấu đến năm 2020, Tuyên Quang là tỉnh có sự nghiệp văn hóa, thông tin phát triển khá trong các tỉnh miền núi phía Bắc; nhân dân có đời sống văn hóa tinh thần lành mạnh, mức hưởng thụ văn hóa được nâng cao.
2.2- Mục tiêu cụ thể
a) Đến năm 2010:
- Đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa - thông tin cấp tỉnh: Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Triển lãm tỉnh, Trung tâm hoạt động thanh thiếu nhi tỉnh; 4 huyện có Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao được đầu tư cơ sở vật chất ban đầu, gồm Chiêm hóa, Hàm Yên, Sơn Dương và Na Hang; hoàn thành đầu tư xây dựng Trung tâm Hội nghị tỉnh, Quảng trường tỉnh.
- 100% xã, phường, thị trấn có thiết chế văn hóa, trong đó trên 57% đạt chuẩn; 80% thôn bản có nhà văn hóa, trong đó trên 19% đạt chuẩn.
- Đạt 0,26 bản báo/người;
- Tách kênh truyền hình địa phương, 97% dân số được phủ sóng phát thanh mặt đất, 93% dân số được phủ sóng truyền hình mặt đất và chương trình VTV2.
- Xuất bản 5 đầu sách/năm, đạt 0,003 bản sách xuất bản/người, sản lượng trang in (13x19) đạt 400 triệu trang/năm; có 8 nhà sách.
- Hoàn thành đầu tư xây dựng Thư viện tỉnh; 100% thư viện huyện được đầu tư xây dựng; 43% số xã có tủ sách trong nhà văn hóa xã; 100% trường học, cơ quan, đơn vị lực lượng vũ trang có tủ sách.
- Hoàn thành đầu tư xây dựng Nhà Bảo tàng tỉnh; hoàn thành phục hồi, tôn tạo 109 di tích cách mạng và kháng chiến, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa phi vật thể vùng căn cứ cách mạng và kháng chiến ATK - Tuyên Quang; điều tra văn hóa phi vật thể 7 dân tộc; xây dựng và bảo tồn 3 làng văn hóa dân tộc.
- Hoàn thành đầu tư cải tạo, nâng cấp Rạp Tháng Tám, duy trì hoạt động 8 đội chiếu bóng lưu động; xem phim đạt 1,01 lần/người.
- Xem nghệ thuật chuyên nghiệp đạt 0,44 lần/người.
- Trên 85% số hộ gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hóa; trên 70% số thôn, xóm, bản, tổ nhân dân đạt danh hiệu thôn, xóm, bản, tổ nhân dân văn hóa.
- 85% cán bộ văn hóa cấp tỉnh, 70% cán bộ phòng văn hóa cấp huyện, 60% cán bộ Trung tâm Văn hóa - Thông tin cấp huyện có trình độ đại học chuyên ngành văn hóa, thông tin; trên 30% cán bộ văn hóa - xã hội cấp xã có trình độ đại học, cao đẳng chuyên ngành văn hóa hoặc chuyên ngành khác (được bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên ngành văn hóa, thông tin).
b) Đến năm 2020:
- Cơ bản thiết chế văn hóa, thông tin cơ sở cấp huyện và cấp xã đạt chuẩn; trên 70% thôn, xóm, bản, tổ nhân dân có nhà văn hóa đạt chuẩn.
- Đạt 0,4 bản báo/người; 100% dân số được phủ sóng phát thanh mặt đất; 100% dân số được phủ sóng truyền hình mặt đất; Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh phát sóng 5 kênh: VTV1, VTV2, VTV3, VTV5 và chương trình của Đài tỉnh.
- Xuất bản trên 10 đầu sách/năm, đạt 0,006 bản sách xuất bản/người; sản lượng trang in (13x19) đạt 500 triệu trang/năm; có 17 nhà sách.
- 100% số xã có tủ sách, nâng cao chất lượng hoạt động của các tủ sách trường học, cơ quan, đơn vị lực lượng vũ trang.
- Cơ bản các di tích lịch sử, văn hóa được xếp hạng; xây dựng và bảo tồn 5 làng văn hóa dân tộc.
- Xem phim đạt trên 1,9 lần/người; xem nghệ thuật chuyên nghiệp đạt 0,6 lần/người.
- Trên 90% số hộ gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hóa, trên 80% số thôn, xóm, bản, tổ nhân dân đạt danh hiệu thôn, xóm, bản, tổ nhân dân văn hóa.
- 90% cán bộ, công chức, viên chức Văn phòng Sở và đơn vị sự nghiệp văn hóa - thông tin cấp tỉnh có trình độ đại học, trong đó 30% có trình độ cao học; 80% cán bộ Phòng văn hóa - thông tin cấp huyện có trình độ đại học, 70 % cán bộ Trung tâm văn hóa - thông tin cấp huyện có trình độ đại học, trong đó 15% có trình độ trên đại học; 70% cán bộ chuyên trách văn hóa - thông tin xã có trình độ đại học, cao đẳng chuyên ngành văn hóa hoặc chuyên ngành khác (được bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên ngành văn hóa, thông tin).
3 - Nội dung quy hoạch
3.1- Phát triển thiết chế văn hóa, thông tin cơ sở:
a) Từ năm 2007 đến năm 2010:
- Đầu tư xây dựng Trung tâm hoạt động thanh thiếu niên tỉnh, Trung tâm Hội nghị tỉnh, Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Triển lãm tỉnh, Quảng trường tỉnh.
- Đầu tư xây dựng Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao huyện Na Hang.
- Xã hội hóa đầu tư xây dựng mới 48 nhà và bổ sung, nâng cấp 32 nhà văn hóa xã. Xây dựng mới 45 nhà và đầu tư nâng cấp 355 nhà văn hóa thôn, bản, tổ nhân dân (thực hiện Quyết định số 468/QĐ-UBND ngày 31/10/2006 UBND tỉnh đã phê duyệt).
b) Từ năm 2011 đến năm 2020:
- Đầu tư Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao: Thị xã Tuyên Quang, huyện Yên Sơn; nâng cấp Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao các huyện: Sơn Dương, Chiêm hóa, Hàm Yên, đảm bảo 100% Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao cấp huyện đạt chuẩn.
- Xã hội hóa đầu tư bổ sung, nâng cấp 60 nhà văn hóa xã, xây dựng mới 408 nhà và nâng cấp 1250 nhà văn hóa thôn, bản.
3.2- Báo chí, phát thanh - truyền hình
a) Báo in:
Từ 2007 đến 2010: Báo Tuyên Quang phát hành 4 kỳ/tuần, số lượng 10.000 bản/kỳ; nâng cấp chất lượng hoạt động Báo Tuyên Quang điện tử. Báo Tân Trào phát hành 12 kỳ/năm, số lượng 1500 bản/kỳ.
Đến năm 2020: Báo Tuyên Quang phát hành 5 kỳ/tuần, số lượng từ 15.000 đến 20.000 bản/kỳ; đa dạng nội dung thông tin trên Báo Tuyên Quang điện tử. Báo Tân Trào tăng 2 kỳ/tháng (24 kỳ/năm), số lượng phát hành trên 2000 bản/kỳ.
b) Phát thanh và Truyền hình:
- Từ năm 2007 đến năm 2010: Đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật để tiếp sóng truyền hình VTV2; xây dựng 57 trạm truyền thanh FM (132/132 xã có trạm truyền thanh FM), phủ sóng phát thanh mặt đất 97% dân số, phủ sóng truyền hình mặt đất 93% dân số. Tăng thời lượng và nâng cao chất lượng chương trình phát thanh tiếng dân tộc trên Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh; phát triển truyền hình cáp khu vực thị xã Tuyên Quang, huyện Yên Sơn.
- Đến năm 2020: Phủ sóng phát thanh, sóng truyền hình mặt đất 100% dân số; 97% dân số thường xuyên được nghe Đài Tiếng nói Việt Nam và Đài tỉnh; 93% dân số thường xuyên được xem truyền hình Trung ương và địa phương. Phát sóng số mặt đất theo quy hoạch của Đài Truyền hình Việt Nam; phát triển truyền hình cáp khu vực huyện Hàm Yên, Chiêm Hóa, Sơn Dương.
3.3- Xuất bản, in, phát hành
a) Xuất bản:
Từ năm 2007 đến năm 2010, xuất bản sách: Bác Hồ ở Tuyên Quang, Địa chí Tuyên Quang; sách về văn hóa truyền thống các dân tộc Tuyên Quang; các di tích, danh lam, thắng cảnh; Làng văn hóa các dân tộc ở Tuyên Quang. Khuyến khích và hỗ trợ các tác giả xuất bản tác phẩm văn học, nghệ thuật phản ánh về đất nước, con người Tuyên Quang. Mỗi năm xuất bản tối thiểu từ 5 đầu sách trở lên, số lượng in và phát hành đạt trên 2500 bản/năm. Đến năm 2020, xuất bản trên 10 đầu sách, với số lượng in và phát hành trên 5000 bản/năm.
b) In:
Cổ phần hóa Xí nghiệp In Tuyên Quang; đầu tư đổi mới công nghệ in tiên tiến, máy gấp báo, máy tách phim màu; tăng sản lượng trang in từ 300 đến 400 triệu trang, nâng cao chất lượng để sản phẩm in đủ sức cạnh tranh trên thị trường; sắp xếp quy hoạch các cơ sở in lưới trên địa bàn tỉnh. Sau năm 2010 đạt sản lượng trên 400 triệu trang in/năm.
c) Phát hành:
- Xã hội hóa phát hành sách, văn hóa phẩm, đến năm 2010 toàn tỉnh phát triển 8 nhà sách: Thị xã Tuyên Quang 3 (Nhà sách Kim Đồng; Nhà sách liên doanh với Tổng công ty Phát hành sách Hà Nội; Nhà sách do các thành phần kinh tế đầu tư tại khu vực Rạp Tháng Tám), mỗi huyện có 1 nhà sách. Đến năm 2020, toàn tỉnh có 17 nhà sách, trong đó: Thành phố Tuyên Quang có 5 nhà sách, mỗi huyện có 2 nhà sách.
- Quy hoạch mạng lưới đại lý phát hành sách, báo, tạp chí: Mỗi phường không quá 10 đại lý; mỗi xã và thị trấn 3 đại lý, tăng cường quản lý Nhà nước đối với phát hành sách và các ấn phẩm văn hóa.
3.4- Thư viện
a) Từ năm 2007 đến năm 2010:
- Đầu tư xây dựng Thư viện tỉnh, Thư viện huyện Chiêm Hóa (từ nguồn Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa), Thư viện huyện Na Hang trong Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao huyện.
- Nối mạng Internet Thư viện tỉnh với Thư viện Quốc gia; 4 thư viện huyện ứng dụng công nghệ thông tin (Yên Sơn, Chiêm Hóa, Hàm Yên, Sơn Dương).
- Số lượng sách nhập mới của các thư viện: Thư viện tỉnh 4000 bản/năm, thư viện các huyện 1000 bản/năm, đến năm 2010 đạt 0,36 bản sách/người. Từng bước hiện đại hóa trang thiết bị cho các thư viện phục vụ công tác thư mục, tra cứu sách, báo.
- Hỗ trợ đầu tư xây dựng 35 tủ sách trong nhà văn hóa xã, gồm: Huyện Sơn Dương 8, huyện Yên Sơn 9, huyện Hàm Yên 5, huyện Chiêm Hóa 7, huyện Na Hang 4, thị xã Tuyên Quang 2; đến năm 2010 toàn tỉnh có 60 xã có tủ sách trong nhà văn hóa xã.
b) Từ năm 2011 đến năm 2020:
- Nối mạng Internet Thư viện tỉnh với thư viện các huyện. Tin học hóa (số hóa) 40% tài liệu quan trọng. Liên kết mạng với thư viện các tỉnh, thành phố trong cả nước.
- Phát triển thư viện điện tử (trong Thư viện tỉnh); Xây dựng Thư viện huyện: Hàm Yên, Yên Sơn (trong Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao huyện), tăng mức nhập sách mới của các thư viện, đạt bình quân 0,43 bản sách/người.
- Hỗ trợ đầu tư xây dựng thư viện xã, toàn tỉnh có 140 tủ sách trong nhà văn hóa xã; khuyến khích xây dựng thư viện cơ quan, trường học, thư viện tư nhân.
3.5- Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa
a) Từ năm 2007 đến năm 2010:
- Hoàn thành đầu tư xây dựng Bảo tàng tỉnh; đẩy nhanh phục hồi, bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị các di tích lịch sử gắn với du lịch sinh thái.
- Cơ bản lập xong hồ sơ các di tích lịch sử cách mạng và kháng chiến; di tích văn hóa trên địa bàn toàn tỉnh; số hóa bản đồ 100% di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn toàn tỉnh.
- Phục hồi, bảo tồn, tôn tạo 109 di tích lịch sử cách mạng và kháng chiến; bảo tồn giá trị văn hóa phi vật thể vùng căn cứ cách mạng và kháng chiến - ATK Tuyên Quang (thực hiện Quyết định số 1483/QĐ-CT ngày 31/10/2005 của Chủ tịch UBND tỉnh). Tổ chức sưu tầm, thu thập, xác minh các tài liệu, tư liệu lịch sử về Tuyên Quang - Thủ đô khu giải phóng, Thủ đô kháng chiến.
- Tổng điều tra văn hóa phi vật thể 7 dân tộc: Tày, Dao, Sán Chay, Sán Dìu, Nùng, Mông, Pà Thẻn tại 45 thôn, bản thuộc các huyện: Na Hang, Chiêm hóa, Hàm Yên, Yên Sơn và Sơn Dương.
- Bảo tồn làng văn hóa gắn với phát triển du lịch, gồm: Làng văn hóa dân tộc Tày, thôn Tân Lập, xã Tân Trào, huyện Sơn Dương; Làng văn hóa dân tộc Cao Lan (Sán Chay), thôn Giếng Tanh, xã Kim Phú, huyện Yên Sơn; Làng văn hóa các dân tộc khu du lịch Suối khoáng Mỹ Lâm.
- Xã hội hóa hoạt động các câu lạc bộ đàn hát dân ca; hỗ trợ đầu tư bảo tồn, phát triển làng nghề truyền thống các dân tộc, khuyến khích ưu đãi nghệ nhân.
- Trưng bày, triển lãm giới thiệu văn hóa truyền thống các dân tộc Tuyên Quang ít nhất 1 lần/năm; tổ chức liên hoan diễn xướng dân gian (hát giao duyên, hát đối, dân ca, dân vũ, nhạc cụ dân tộc), trình diễn trang phục dân tộc ít nhất 1 lần/năm tại Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Triển lãm tỉnh.
b) Từ năm 2011 đến năm 2020:
- 85% di tích lịch sử văn hóa và danh lam, thắng cảnh trên địa bàn tỉnh được xếp hạng, đặt bia ghi sự kiện tất cả các di tích, danh lam, thắng cảnh để quản lý bảo vệ và khai thác phát huy giá trị di tích.
- Bảo tồn và phát triển làng văn hóa gắn với du lịch: Làng văn hóa dân tộc Tày, Bản Ba, xã Trung Hà, huyện Chiêm Hóa; Làng văn hóa dân tộc Tày, thôn Bó Củng, xã Kim Bình, huyện Chiêm Hóa; Làng văn hóa dân tộc Sán Dìu, xã Ninh Lai, huyện Sơn Dương; Làng văn hóa dân tộc Dao tại bản Phia Trang, xã Sơn Phú, huyện Na Hang; Làng văn hóa dân tộc Dao tại thôn Minh Tiến, xã Minh Hương, huyện Hàm Yên.
- Trưng bày, triển lãm giới thiệu văn hóa truyền thống các dân tộc Tuyên Quang tại Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Triển lãm tỉnh ít nhất 2 lần/năm; tổ chức diễn xướng dân gian các dân tộc ít nhất 1 lần/năm.
3.6- Điện ảnh
a) Từ năm 2007 đến năm 2010:
- Liên doanh đầu tư cải tạo, nâng cấp Rạp Tháng Tám, Trung tâm Phát hành phim và Chiếu bóng; nâng cao chất lượng khai thác phim, mở rộng các hoạt động văn hóa, dịch vụ văn hóa đáp ứng nhu cầu văn hóa tinh thần của nhân dân tại thị xã Tuyên Quang và các vùng phụ cận.
- Đầu tư sản xuất phim tài liệu, chủ đề phản ánh truyền thống yêu nước, cách mạng, đất nước, con người, bản sắc văn hóa truyền thống các dân tộc Tuyên Quang để phục vụ nhân dân, giao lưu trao đổi văn hóa, giới thiệu quảng bá du lịch.
- Liên doanh, liên kết đầu tư trang thiết bị in nhân băng đĩa hình cho cơ sở in nhân băng, đĩa hình tại Trung tâm Phát hành Phim và Chiếu bóng. Quy hoạch mạng lưới đại lý bán và cho thuê băng, đĩa hình; xã hội hóa bán và cho thuê băng, đĩa hình; tăng cường quản lý Nhà nước về phát hành băng, đĩa hình.
- Duy trì 8 đội chiếu bóng lưu động, đầu tư trang bị đồng bộ máy chiếu phim 35 ly, máy chiếu video 100 inh và trang thiết bị chuyên dùng cho các đội chiếu bóng lưu động chiếu phim không doanh thu (thực hiện Nghị định số 96/2007/NĐ-CP ngày 06 tháng 6 năm 2007 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Điện ảnh), tuyên truyền chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước trước buổi chiếu.
b) Từ năm 2011 đến năm 2020:
- Điều chỉnh hoạt động của các đội chiếu bóng lưu động phù hợp với xu hướng phát triển của điện ảnh.
- Phát triển dịch vụ điện ảnh.
3.7- Thông tin cổ động, mỹ thuật - nhiếp ảnh, quảng cáo, nhà hàng karaoke
a) Thông tin cổ động:
- Từ năm 2007 đến 2010: Bổ sung đủ biên chế cho các đội Thông tin lưu động theo đề án được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt, trang bị phương tiện xe văn hóa thông tin lưu động của chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa cho 100% đội thông tin, nâng cao khả năng cơ động và chất lượng tuyên truyền cổ động, triển lãm ảnh trên địa bàn toàn tỉnh. Sau năm 2010 cấp trang thiết bị nghe nhìn, máy carmera cho các đội thông tin lưu động.
- Phổ cập dịch vụ Internet theo các chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế, xã hội và nâng cao dân trí; kết nối Internet băng rộng đến tất cả các cơ quan đơn vị, xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh.
- Sau năm 2010 phổ cập dịch vụ viễn thông cố định đến tất cả các hộ gia đình, dịch vụ viễn thông truy cập qua mạng vô tuyến, đạt mật độ thuê bao 60%.
b) Mỹ thuật - nhiếp ảnh:
- Đến năm 2010: Hoàn thành xây dựng nâng cấp bia Chiến thắng Cầu Cả, tại xã Yên Nguyên, huyện Chiêm Hóa; bia Chiến thắng Khe Lau, tại xã Thắng Quân, huyện Yên Sơn; nâng cấp bia Chiến thắng trận địa lôi Km7, tại xã Trung Môn, huyện Yên Sơn (thực hiện Quyết định số 1483/QĐ-CT ngày 31/10/2005 của Chủ tịch UBND tỉnh).
- Tổ chức trại sáng tác mỹ thuật, nhiếp ảnh ít nhất 1 cuộc/năm; hỗ trợ tác giả, nhóm tác giả có hoạt động sáng tạo tác phẩm, công trình nghệ thuật chất lượng cao phản ánh về đời sống, xã hội và con người Tuyên Quang.
c) Quảng cáo, nhà hàng karaoke:
- Quy hoạch quảng cáo giới thiệu sản phẩm trên trục đường tránh thị xã Tuyên Quang (đoạn từ Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đến xã Lưỡng Vượng); Quốc lộ 37 đoạn từ Cầu Chả đến khu du lịch suối khoáng Mỹ Lâm, đoạn từ xã Thái Long qua xã Thượng Ấm; tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp.
Quy hoạch các điểm, cụm quảng cáo trên địa bàn thị xã Tuyên Quang 10 điểm; huyện Sơn Dương, Chiêm hóa, Hàm Yên, Yên Sơn mỗi huyện 5 điểm, Na Hang 7 điểm.
- Quy định quảng cáo sản phẩm và biển hiệu của các cơ sở kinh doanh trên địa bàn toàn tỉnh.
- Quy hoạch nhà hàng karaoke ở xã, phường, cụm dân cư, khu công nghiệp tập trung trên địa bàn (khu công nghiệp - dịch vụ - đô thị Long Bình An; khu du lịch suối khoáng Mỹ Lâm; khu công nghiệp - dịch vụ các huyện), đáp ứng hưởng thụ văn hóa của nhân dân, đồng thời tăng cường sự quản lý của Nhà nước, đảm bảo xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh.
3.8- Nghệ thuật biểu diễn
a) Từ năm 2007 đến năm 2010:
- Duy trì Đoàn Nghệ thuật tỉnh là đơn vị sự nghiệp có thu, hoạt động tổng hợp, nâng cao chất lượng dàn dựng vở, chương trình biểu diễn.
- Củng cố, duy trì và nâng cao chất lượng hoạt động các đội văn nghệ dân gian truyền thống ở các xã Đại Phú (Sơn Dương), Đà Vị, Sơn Phú (Na Hang), Tân An (Chiêm Hóa), Minh Hương (Hàm Yên).
b) Từ năm 2011 đến năm 2020:
- Thành lập Đoàn Nghệ thuật dân gian Tuyên Quang.
- Đoàn Nghệ thuật tỉnh tự bảo đảm 50% kinh phí hoạt động biểu diễn.
- Xã hội hóa hoạt động của các đội văn nghệ quần chúng xã, phường, thị trấn; khuyến khích khai thác, phát triển các tiết mục văn nghệ dân gian truyền thống.
3.9- Đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực
a) Từ năm 2007 đến năm 2010:
- Đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ văn hóa - thông tin từ tỉnh đến cơ sở, đảm bảo cơ cấu đào tạo hợp lý theo từng chuyên ngành; phấn đấu có 85% cán bộ, công chức công tác tại Văn phòng Sở Văn hóa - Thông tin, các đơn vị sự nghiệp trong ngành và các thiết chế văn hóa thông tin cơ sở cấp tỉnh (Bảo tàng, Thư viện, Đoàn Nghệ thuật, Trung tâm Phát hành Phim và Chiếu bóng, Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Triển lãm tỉnh, Trung tâm Văn hóa Thể thao Thanh thiếu nhi, Nhà Văn hóa Liên đoàn Lao động tỉnh) có trình độ đại học trở lên; 70% cán bộ, công chức các Phòng Văn hóa - Thông tin và Thể thao 60% cán bộ, công chức các Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao cấp huyện có trình độ đại học trở lên; trên 30% số xã có cán bộ văn hóa- xã hội có trình độ cao đẳng, đại học chuyên ngành văn hóa hoặc chuyên ngành khác nhưng được bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý văn hóa - thông tin.
- Xây dựng Trường Trung học Văn hóa - Nghệ thuật tỉnh.
b) Từ năm 2011 đến năm 2020:
Phấn đấu 90% cán bộ, công chức của Văn phòng sở, các đơn vị sự nghiệp trong ngành và các thiết chế văn hóa thông tin cơ sở cấp tỉnh (Bảo tàng, Thư viện, Đoàn Nghệ thuật, Trung tâm Phát hành Phim và Chiếu bóng, Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Triển lãm tỉnh, Trung tâm Văn hóa Thể thao thanh thiếu nhi tỉnh, Nhà Văn hóa Liên đoàn Lao động tỉnh) có trình độ đại học trở lên, trong đó 30% có trình độ cao học; đảm bảo cơ cấu đào tạo hợp lý theo từng chuyên ngành; 80% cán bộ, công chức các Phòng Văn hóa - Thông tin và Thể thao, 70% cán bộ, công chức các Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao cấp huyện có trình độ đại học trở lên, trong đó 15% có trình độ trên đại học; 70% số xã có cán bộ văn hóa - xã hội có trình độ cao đẳng, đại học chuyên ngành văn hóa hoặc chuyên ngành khác nhưng được bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý văn hóa - thông tin.
4. Các giải pháp thực hiện
4.1- Đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị
a) Từ năm 2007 đến năm 2010:
- Tập trung đầu tư xây dựng các công trình trọng điểm: Bảo tàng tỉnh, Đoàn Nghệ thuật tỉnh; Trung tâm hoạt động thanh thiếu niên tỉnh; Trung tâm Hội nghị tỉnh; cải tạo, nâng cấp Rạp Tháng Tám, Trung tâm Phát hành phim và Chiếu bóng; Thư viện tỉnh; Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Triển lãm tỉnh; Quảng trường tỉnh; Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao huyện Na Hang.
- Hoàn thành Dự án đầu tư phục hồi, bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sử cách mạng và kháng chiến, bảo tồn giá trị văn hóa phi vật thể vùng căn cứ cách mạng và kháng chiến - ATK; phục dựng chùa Bảo Ninh Sùng Phúc, xã Yên Nguyên, huyện Chiêm Hóa; đầu tư xây dựng các công trình: Bia chiến thắng Khe Lau (xã Thắng Quân, huyện Yên Sơn ); nâng cấp bia chiến thắng Cầu Cả (xã Yên Nguyên, huyện Chiêm Hóa), bia chiến thắng trận địa lôi Km7 (xã Trung Môn, huyện Yên Sơn); chống xuống cấp thành Nhà Mạc (thành Tuyên Quang, thị xã Tuyên Quang).
- Nâng cấp và đầu tư trang thiết bị Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh.
- Nâng cấp Quảng trường Tân Trào, đáp ứng nhu cầu tổ chức Lễ hội cách mạng tại khu vực xã Tân Trào.
b) Từ năm 2011 đến năm 2020:
- Đầu tư xây dựng các Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao thị xã Tuyên Quang, huyện Yên Sơn; nâng cấp Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao huyện: Sơn Dương, Chiêm hóa, Hàm Yên.
- Nâng cấp và đầu tư trang thiết bị Báo Tuyên Quang, Xí nghiệp In; xây dựng Trụ sở làm việc của Hội Văn học Nghệ thuật và Báo Tân Trào.
- Đầu tư nâng cấp công viên Tân Quang, công viên Sông Lô (từ ngã ba Quảng trường đến Cầu Chả). Xây dựng các công viên văn hóa, khu vui chơi giải trí gắn với Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao cấp huyện; đối với cấp xã gắn với nhà văn hóa xã.
- Xây dựng Làng văn hóa các dân tộc gắn với phát triển du lịch.
4.2- Về sử dụng đất đai
- Sử dụng tiết kiệm và hiệu quả quỹ đất 211 ha dành cho phát triển sự nghiệp văn hóa - thông tin đã được Chính phủ phê duyệt tại Nghị quyết số 08/2006/NQ- CP ngày 26 tháng 5 năm 2006 về việc Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2010 tỉnh Tuyên Quang.
- Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Triển lãm tỉnh cần 20.000 m2 trở lên; Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao cấp huyện tối thiểu 2.500 m2; Nhà văn hóa cấp xã diện tích đất sử dụng 1000 m2 trở lên, đối với các xã vùng cao, bảo đảm diện tích tối thiểu từ 700 m2 trở lên; Nhà văn hóa thôn, bản: diện tích đất sử dụng 500m2 trở lên, đối với thôn, bản vùng cao tối thiểu 300 m2, khu vực thị xã tối thiểu 200 m2.
- Đối với các công trình văn hóa, thông tin chưa có hướng dẫn về định mức sử dụng đất, diện tích đất để xây dựng, khi quy hoạch công trình phải phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương và yêu cầu phục vụ của công trình.
4.3- Liên kết, lồng ghép mục tiêu phát triển văn hóa với các lĩnh vực khác
- Gắn kết chặt chẽ giữa phát triển văn hóa với phát triển du lịch, đặc biệt khai thác di tích lịch sử cách mạng và kháng chiến với du lịch sinh thái.
- Lồng ghép xây dựng công trình văn hóa với công trình thể thao, khu vui chơi giải trí của trẻ em tại trung tâm tỉnh, trung tâm cấp huyện, cấp xã và ở cơ sở; xây dựng trạm truyền thanh cơ sở gắn với xây dựng nhà văn hóa xã; phối hợp với Bưu điện tỉnh nâng cao chất lượng hoạt động của các điểm Bưu điện - văn hóa xã.
4.4- Củng cố tổ chức bộ máy, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ
- Kiện toàn, củng cố tổ chức bộ máy của Sở Văn hóa - Thông tin; đơn vị sự nghiệp văn hóa từ tỉnh đến cơ sở theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu quả.
- Chú trọng công tác đào tạo, đào tạo lại và bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ, công chức, người hoạt động văn hóa nghệ thuật; thu hút và đãi ngộ tài năng văn hóa - nghệ thuật.
- Xây dựng Trường Trung học Văn hóa - nghệ thuật tỉnh để đào tạo, bồi dưỡng cán bộ văn hóa - thông tin cơ sở và tài năng nghệ thuật đáp ứng phát triển sự nghiệp văn hóa - thông tin.
4.5- Hệ thống cơ chế chính sách
- Tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách quản lý đáp ứng phát triển sự nghiệp văn hóa, thông tin thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập.
- Tăng ngân sách đầu tư cho sự nghiệp văn hóa theo mức tăng trưởng kinh tế của tỉnh và không thấp hơn mức 1,8% tổng ngân sách hàng năm (Mức đầu tư cho sự nghiệp văn hóa - thông tin được Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX xác định).
- Chú trọng phát hiện và bồi dưỡng tài năng văn hóa - nghệ thuật; xét đề nghị phong tặng danh hiệu nghệ sỹ ưu tú, công nhận nghệ nhân nghề truyền thống tiêu biểu, nghệ nhân văn hóa dân gian tiêu biểu.
- Tiếp tục thực hiện Quy chế tặng giải thưởng Tân Trào đối với tác phẩm văn học - nghệ thuật; khen thưởng kịp thời văn nghệ sĩ, người có công bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa dân gian các dân tộc.
4.6- Nghiên cứu khoa học
- Thực hiện Dự án Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa các dân tộc thiểu số tỉnh Tuyên Quang.
- Hoàn thành biên soạn, xuất bản Địa chí tỉnh Tuyên Quang.
- Hoàn thành các đề tài nghiên cứu khoa học văn hóa truyền thống dân tộc: Tày, Dao, Cao Lan, Sán Dìu, Mông, Pà Thẻn, Nùng, dân tộc Thủy ở Tuyên Quang.
- Hoàn thành các đề tài nghiên cứu, bảo tồn: Nhà ở truyền thống, nghề truyền thống của các dân tộc.
- Hoàn thành đề tài nghiên cứu văn hóa Tuyên Quang thời kỳ đổi mới.
4.7- Đẩy mạnh thực hiện xã hội hóa
- Khuyến khích các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tài trợ đầu tư công trình, hỗ trợ hoạt động của các thiết chế văn hóa; tham gia đầu tư kinh doanh phát triển các dịch vụ văn hóa, rạp chiếu phim, rạp hát; đến năm 2010, huy động các nguồn vốn hợp pháp khác đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa được 24%; giai đoạn 2011 đến 2020 đạt từ 62% trở lên.
- Đẩy mạnh xã hội hóa các hình thức tổ chức hoạt động và sở hữu lợi ích từ hoạt động văn hóa, dịch vụ văn hóa. Chuyển dần các đơn vị sự nghiệp văn hóa thành đơn vị cung cấp dịch vụ và cung cấp các sản phẩm văn hóa theo hướng xã hội hóa tự chịu trách nhiệm về thu, chi tài chính. Huy động xã hội hóa giai đoạn 2006 - 2010 bằng 25% kinh phí hoạt động văn hóa thông tin, đến năm 2020 bằng 35%.
- Đối với cấp xã thực hiện cơ chế Nhà nước và nhân dân cùng làm, địa phương cơ sở chủ động huy động kinh phí xây dựng công trình, trang thiết bị và kinh phí hoạt động.
- Ở thôn, xóm, bản, tổ nhân dân, huy động tổ chức, cá nhân và nhân dân trên địa bàn đóng góp kinh phí xây dựng công trình và tổ chức hoạt động, vùng có hoàn cảnh đặc biệt được hỗ trợ kinh phí xây dựng công trình văn hóa.
5- Nhu cầu về tổng vốn đầu tư: 536.690,0 triệu đồng
5.1- Giai đoạn 2007 - 2010: 382.190,0 triệu đồng
Cơ cấu nguồn vốn gồm:
- Vốn ngân sách Trung ương
- Vốn ngân sách địa phương
- Vốn huy động hợp pháp khác
5.2- Giai đoạn 2011 - 2020: 154.500,0 triệu đồng
Cơ cấu nguồn vốn gồm:
- Vốn ngân sách Trung ương
- Vốn ngân sách địa phương
- Vốn huy động hợp pháp khác
Điều 2. Tổ chức thực hiện
1- Các quy hoạch chi tiết, kế hoạch, chương trình, dự án phát triển sự nghiệp văn hóa thông tin trên địa bàn tỉnh phải phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội và Quy hoạch phát triển sự nghiệp văn hóa thông tin đã được phê duyệt.
2- Sở Văn hóa - Thông tin có trách nhiệm:
- Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân huyện, thị xã và các cơ quan liên quan lập quy hoạch chi tiết, xây dựng các đề án, kế hoạch cụ thể và tổ chức triển khai thực hiện Quyết định này.
- Nghiên cứu, đề xuất với Ủy ban nhân dân tỉnh các giải pháp, cơ chế, chính sách trong quá trình thực hiện; thường xuyên hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra và định kỳ báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh tình hình thực hiện.
3- Các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, các cơ quan, đơn vị liên quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ và địa bàn quản lý có trách nhiệm triển khai thực hiện quy hoạch phát triển sự nghiệp văn hóa thông tin tỉnh Tuyên Quang được phê duyệt tại Quyết định này đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ với quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng của ngành, địa phương.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày, kể từ ngày ký.
Các ông, bà: Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc các sở: Văn hóa - Thông tin, thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thị xã và thủ trưởng các cơ quan, đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH |
- 1 Quyết định 526/QĐ-UBND năm 2012 phê duyệt Quy hoạch phát triển sự nghiệp văn hóa tỉnh Tuyên Quang đến năm 2020
- 2 Quyết định 667/QĐ-UBND năm 2014 Công bố kết quả hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật do Hội dồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang ban hành đến hết ngày 31/12/2013
- 3 Quyết định 667/QĐ-UBND năm 2014 Công bố kết quả hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật do Hội dồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang ban hành đến hết ngày 31/12/2013
- 1 Nghị quyết 14/NQ-HĐND năm 2013 bãi bỏ Nghị quyết 10/2007/NQ-HĐND về quy hoạch phát triển sự nghiệp văn hoá thông tin tỉnh Tuyên Quang đến năm 2010, định hướng phát triển đến năm 2020
- 2 Nghị quyết 89/2008/NQ-HĐND về quy hoạch phát triển sự nghiệp Văn hoá - Thông tin tỉnh Hải Dương đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020
- 3 Nghị quyết 10/2007/NQ-HĐND quy hoạch phát triển sự nghiệp văn hoá thông tin đến năm 2010, định hướng phát triển đến năm 2020 do tỉnh Tuyên Quang ban hành
- 4 Nghị định 96/2007/NĐ-CP Hướng dẫn Luật Điện ảnh
- 5 Quyết định 468/QĐ-UBND năm 2006 phê duyệt quy hoạch phát triển hệ thống thiết chế văn hóa thông tin cơ sở đến năm 2010 do tỉnh Tuyên Quang ban hành
- 6 Nghị định 92/2006/NĐ-CP về việc lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội
- 7 Nghị quyết số 08/2006/NQ-CP về việc quy hoạch sử dụng đất đến năm 2010 tỉnh Tuyên Quang do Chính phủ ban hành
- 8 Nghị định 53/2006/NĐ-CP về chính sách khuyến khích phát triển các cơ sở cung ứng dịch vụ ngoài công lập
- 9 Quyết định 271/2005/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch phát triển hệ thống thiết chế văn hóa thông tin cơ sở đến năm 2010 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 10 Quyết định 219/2005/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển thông tin đến năm 2010 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 11 Nghị quyết số 05/2005/NQ-CP về việc đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động giáo dục, y tế, văn hóa và thể dục, thể thao do Chính Phủ ban hành
- 12 Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban Nhân dân 2003
- 1 Nghị quyết 14/NQ-HĐND năm 2013 bãi bỏ Nghị quyết 10/2007/NQ-HĐND về quy hoạch phát triển sự nghiệp văn hoá thông tin tỉnh Tuyên Quang đến năm 2010, định hướng phát triển đến năm 2020
- 2 Nghị quyết 89/2008/NQ-HĐND về quy hoạch phát triển sự nghiệp Văn hoá - Thông tin tỉnh Hải Dương đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020