Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH KIÊN GIANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3214/QĐ-UBND

Kiên Giang, ngày 31 tháng 12 năm 2020

 

QUYẾT ĐỊNH

V/V PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN NUÔI BIỂN THEO HƯỚNG BỀN VỮNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH KIÊN GIANG ĐẾN NĂM 2030.

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH KIÊN GIANG

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;

Căn cứ Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22/11/2019;

Căn cứ Luật Thủy sản ngày 21/11/2017;

Căn cứ Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045;

Căn cứ Nghị định số 26/2019/NĐ-CP ngày 08/3/2019 của Chính phủ về việc quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản;

Căn cứ Quyết định số 41/QĐ-UBND ngày 09/01/2017 của Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang về việc phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch phát triển nông nghiệp- nông thôn gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp tỉnh Kiên Giang đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030;

n cứ Quyết định số 428/QĐ-UBND ngày 25/02/2019 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh về việc phê duyệt đề cương và dự toán chi tiết Đề án “Phát triển nuôi biển theo hướng bền vững trên địa bàn tỉnh Kiên Giang đến năm 2030”;

Theo đề nghị của Sở Nông nghiệp và PTNT tại Tờ trình số 640/TTr-SNNPTNT ngày 21/12/2020.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án Phát triển nuôi biển theo hướng bền vững trên địa bàn tỉnh Kiên Giang đến năm 2030 (đính kèm Đề án), với các nội dung chính như sau:

I. Quan điểm, định hướng, mục tiêu phát triển nuôi biển

1. Quan điểm phát triển

Phát triển nuôi biển trên địa bàn tỉnh Kiên Giang phù hợp với Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; phù hợp với Chiến lược phát triển ngành thủy sản; Đề án phát triển nuôi biển của cả nước; quy hoạch không gian biển quốc gia; các quy hoạch của địa phương theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; gắn kết hoạt động nuôi biển với bảo vệ chủ quyền quốc gia và quốc phòng - an ninh trên các vùng biển, hải đảo.

Khai thác tiềm năng và sử dụng hợp lý, có hiệu quả mặt nước nuôi biển nhằm chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp, tăng quy mô, năng suất, sản lượng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; tạo việc làm, nâng cao thu nhập của cộng đồng cư dân ven biển, hải đảo; giảm áp lực khai thác thủy sản ven bờ.

Phát triển nuôi biển thành một lĩnh vực sản xuất quy mô công nghiệp tạo khối lượng sản phẩm lớn phục vụ xuất khẩu, du lịch và tiêu thụ nội địa. Chuyển đổi các mô hình nuôi biển quy mô nhỏ, công nghệ lạc hậu sang nuôi biển công nghiệp, quy mô lớn với công nghệ hiện đại và bền vững.

Phát triển nuôi biển phải chú trọng các hình thức liên kết, hợp tác giữa sản xuất nguyên liệu với chế biến và tiêu thụ; nâng cao vai trò tham gia quản lý của cộng đồng, vai trò của các Hội, Hiệp hội ngành nghề trong sản xuất thủy sản.

Phát triển nuôi biển đảm bảo hài hòa trong mối quan hệ liên ngành của địa phương; đảm bảo an toàn dịch bệnh gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, đồng thời góp phần bảo vệ và tái tạo nguồn lợi thủy sản, bảo tồn đa dạng sinh học.

2. Định hướng phát triển

Tập trung đầu tư phát triển nuôi thủy sản lồng bè trên biển, nuôi nhuyễn thể vùng bãi triều, ven biển theo chiều sâu, nuôi biển công nghiệp, ứng dụng công nghệ cao và nuôi sinh thái. Chú trọng an toàn vệ sinh thực phẩm thủy sản, bảo vệ môi trường sinh thái, nguồn lợi thủy sản, kết hợp với tham quan du lịch.

Hình thành các vùng nuôi biển tập trung có quy mô diện tích lớn phù hợp với thị trường, tạo sản lượng hàng hóa lớn phục vụ xuất khẩu và tiêu thụ trong nước, gắn với truy xuất nguồn gốc, xây dựng thương hiệu thủy sản uy tín, chất lượng cao. Chú trọng đầu tư xây dựng các khu sản xuất giống hải sản ứng dụng công nghệ cao phục vụ nuôi biển.

Thu hút, khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư nuôi thủy sản lồng bè và nhuyễn thể hai mảnh vỏ với những đối tượng có giá trị kinh tế cao; đẩy nhanh việc ứng dụng khoa học công nghệ trong lĩnh vực sản xuất giống, thức ăn, phòng trị bệnh, công nghệ lồng nuôi biển, công nghệ chế biến và bảo quản sau thu hoạch để nâng cao sản lượng, chất lượng sản phẩm thủy sản, giảm thiểu ô nhiễm môi trường vùng nuôi.

Phát triển nuôi đa loài theo tiếp cận IMTA (Integrated Multi - Trophic Aquaculture) là một giải pháp công nghệ bền vững và tiên tiến nhằm cải thiện chất lượng môi trường nước và giảm nguy cơ dịch bệnh. Tập trung phát triển các loài nuôi lồng bè có khả năng thích nghi môi trường tốt, kháng bệnh cao, có giá trị kinh tế như: cá mú, cá chim vây vàng, cá hồng mỹ, cá cam, cá bớp, cá chẽm, tôm hùm đá (tôm hùm xanh), ghẹ; nuôi bãi triều như: sò huyết, sò lông, nghêu, hến biển, vẹm xanh, hàu; phát triển trồng rong, tảo biển. Các đối tượng nuôi biển chủ lực: cá mú, cá chim vây vàng, cá bóp, cá chẽm; sò huyết, sò lông.

Nuôi cá lồng bè từng bước tăng tỷ trọng sử dụng thức ăn công nghiệp giảm áp lực khai thác nguồn lợi hải sản tự nhiên làm thức ăn trong quá trình nuôi, nhằm bảo vệ nguồn lợi và giảm thiểu ô nhiễm môi trường nước.

Hình thành mô hình quản lý cộng đồng gắn với sinh kế người dân địa phương. Trong đó phát huy vai trò của các cơ sở nuôi là hạt nhân, điều phối, thống nhất các hoạt động quản lý về môi trường, dịch bệnh, mùa vụ nuôi, con giống, thức ăn,...

Tiếp tục đầu tư xây dựng, nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng nuôi biển đồng bộ, gắn kết các ngành công nghiệp phụ trợ, dịch vụ hậu cần nghề cá, nhằm thúc đẩy tăng trưởng, nâng cao hiệu quả nuôi biển và chế biến, tiêu thụ.

Phát triển nuôi biển theo chuỗi giá trị; tăng cường sự liên kết chặt chẽ giữa các cơ sở nuôi với nhà cung cấp đầu vào, với các thương lái, cơ sở thu mua, doanh nghiệp chế biến thủy sản; liên kết với các viện, trường; liên kết với các ngân hàng để tiếp cận nguồn vốn tín dụng hoặc các nguồn vốn ưu đãi, hỗ trợ theo chính sách.

3. Mục tiêu phát triển

3.1 Mục tiêu chung

Phát huy tiềm năng, lợi thế nhằm thúc đẩy nghề nuôi biển phát triển nhanh theo hướng công nghiệp, hiện đại; đảm bảo môi trường sinh thái gắn với phát triển du lịch và đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng biển và hải đảo; góp phần tích cực tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh, tạo sức cạnh tranh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế biển, tăng thu nhập cho người dân.

3.2 Mục tiêu cụ thể

a) Đến năm 2025

- Số lượng lồng nuôi biển là 7.500 lồng, trong đó nuôi cá lồng truyền thống là 4.700 lồng, nuôi cá lồng công nghệ cao là 1.900 lồng, nuôi thủy sản khác là 900 lồng;

- Diện tích mặt nước nuôi lồng là 7.000 ha (nuôi trai ngọc 100 ha), thể tích nuôi lồng là 2.984 nghìn m3. Diện tích nuôi nhuyễn thể là 24.000 ha;

- Sản lượng nuôi biển đạt 113.530 tấn, trong đó nuôi lồng bè là 29.870 tấn, nuôi nhuyễn thể là 83.660 tấn; sản lượng ngọc trai đạt 260.000 viên;

- Giá trị sản xuất (giá hiện hành) đạt 7.546 tỷ đồng; giá trị sản xuất (giá so sánh 2010) đạt 5.163 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2020 - 2025 là 24,2%/năm;

- Thu hút lao động vào lĩnh vực nuôi biển là 18.510 người.

b) Đến năm 2030

- Số lượng lồng nuôi biển là 14.000 lồng, trong đó nuôi cá lồng truyền thống là 5.300 lồng, nuôi cá lồng công nghệ cao là 6.600 lồng, nuôi thủy sản khác là 2.100 lồng;

- Diện tích mặt nước nuôi lồng là 16.000 ha (nuôi trai ngọc 200 ha), thể tích nuôi lồng là 9.310 nghìn m3. Diện tích nuôi nhuyễn thể là 25.000 ha;

- Sản lượng nuôi biển đạt 207.190 tấn, trong đó nuôi lồng bè là 105.720 tấn, nuôi nhuyễn thể là 101.470 tấn; sản lượng ngọc trai đạt 520.000 viên;

- Giá trị sản xuất (giá hiện hành) đạt 19.487; giá trị sản xuất (giá so sánh 2010) đạt 15.295 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2026 - 2030 là 24,3%/năm;

- Thu hút lao động vào lĩnh vực nuôi biển là 47.680 người.

4. Phân vùng phát triển nuôi biển theo phương án chọn

4.1 Tiêu chí khu nuôi lồng bè và nhuyễn thể

- Khu nuôi lồng bè tuân thủ theo Nghị định số 26/2019/NĐ-CP ngày 08/3/2019 của Chính phủ về quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản và một số tiêu chí khác như sau:

- Khu nuôi nằm trong vùng quy hoạch phát triển nuôi trồng thủy sản của tỉnh hoặc được cơ quan có thẩm quyền cho phép; lồng bè phải được đặt ở những khu vực không bị ô nhiễm có chất nước phù hợp với đối tượng thủy sản nuôi; nơi đặt lồng bè phải thoáng, có dòng chảy thẳng và liên tục; tránh nơi tập trung đông dân cư và tàu thuyền qua lại nhiều; tránh nơi gần bến cảng, nơi có sóng và gió lớn, nơi có nhiều rong và cây cỏ thủy sinh;

- Khung lồng, phao, lưới, đăng quầng phải làm bằng vật liệu không gây ô nhiễm môi trường, không gây độc hại cho thủy sản nuôi và không để thủy sản nuôi sống thoát ra môi trường; có thiết bị cảnh báo cho hoạt động giao thông thủy; nơi chứa rác thải phải riêng biệt với nơi chứa, nơi xử lý thủy sản chết, không làm ảnh hưởng đến môi trường; cơ sở nuôi trồng thủy sản có khu sinh hoạt, vệ sinh phải bảo đảm nước thải, chất thải sinh hoạt không làm ảnh hưởng đến khu vực nuôi.

- Diện tích đặt lồng bè nuôi không quá 5% diện tích mặt nước nuôi. Nơi đặt lồng bè nuôi có độ sâu lúc nước thủy triều thấp nhất tối thiểu là 05 m đối với lồng bè nuôi truyền thống, tối thiểu là 06 m đối với lồng bè nuôi công nghiệp (lồng vuông hoặc lồng tròn đường kính tối đa 12 m) Và tối thiểu là 12 m đối với lồng bè nuôi công nghiệp (có đường kính trên 12 m); có lưu tốc dòng chảy thích hợp từ 0,2 - 0,6 m/s; độ mặn thích hợp từ 20 ‰ trở lên;

- Khu vực nuôi nhuyễn thể không bị ô nhiễm, có chất nước phù hợp với đối tượng thủy sản nuôi; không được phát triển nuôi trên các khu vực bãi giống tự nhiên được bảo tồn, bảo vệ; khu đặt lồng bè và nhuyễn thể tuyệt đối không chồng lấn với hành lang an toàn luồng tàu, luồng cảng, bãi neo đậu tàu đánh cá, tàu khách, tàu vận tải và các công trình công cộng theo quy định; khu nuôi lồng bè thuận tiện cho việc vận chuyển vật tư, giống, thức ăn, tiêu thụ sản phẩm,...

- Khu nuôi lồng bè và nhuyễn thể đảm bảo không chồng lấn các khu vực quy hoạch bảo tồn biển, khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản và các quy hoạch chuyên ngành khác trên địa bàn tỉnh Kiên Giang.

4.2 Phân vùng nuôi biển

- Vùng hải đảo: bao gồm các huyện đảo Phú Quốc, Kiên Hải, xã đảo Tiên Hải- TP Hà Tiên, các xã đảo Sơn Hải, Hòn Nghệ- huyện Kiên Lương. Phát triển nuôi cá lồng bè như: cá mú, cá bóp, cá chim vây vàng, cá chẽm,... nuôi thủy sản khác như: tôm hùm xanh, tôm tít, ghẹ, trai ngọc,....

- Vùng ven biển: bao gồm thành phố Hà Tiên, các huyện Kiên Lương, Hòn Đất, An Minh, An Biên. Phát triển nuôi các đối tượng nhuyễn thể như: sò huyết, sò lông, hến biển, vẹm xanh, hàu...

II. Giải pháp thực hiện

1. Giải pháp về đất đai, mặt nước nuôi biển

- Sau khi Đề án được duyệt, rà soát đưa khu vực biển được định hướng phát triển nuôi biển vào quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch tỉnh trong thời kỳ 2021 - 2030.

- Tổ chức giao khu vực biển, cấp phép nuôi trồng thủy sản trên biển cho tổ chức, cá nhân theo Luật Thủy sản năm 2017, Nghị định số 26/2019/NĐ-CP của Chính phủ và các quy định khác có liên quan để tạo hành lang pháp lý cho các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động nuôi biển..

- Ưu tiên giao, cho thuê các tổ chức, cá nhân nuôi biển trong khu bố trí nuôi biển, đồng thời có năng lực về vốn, kỹ thuật; người dân địa phương là đối tượng chuyển đổi nghề khai thác thủy sản ven bờ sang nuôi trồng thủy sản; các hộ nuôi liên kết sản xuất theo mô hình hợp tác xã, mô hình liên kết theo chuỗi giá trị nuôi biển; các tổ chức, cá nhân đầu tư nuôi biển ứng dụng công nghệ cao.

2. Giải pháp về cơ chế chính sách

Đây là giải pháp cốt yếu đối với phát triển nuôi biển bền vững; trước mắt cần sớm triển khai, thực hiện kịp thời các cơ chế chính sách của Trung ương đã ban hành. Cụ thể hóa các chính sách trong từng điều kiện cụ thể, giải quyết căn bản các vấn đề thực tiễn, gắn với tổ chức lại sản xuất, đưa nghề nuôi biển phát triển theo hướng bền vững. Bên cạnh việc triển khai thực hiện các chính sách của Trung ương, tỉnh cần ban hành những chính sách đặc thù nhằm tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh sản xuất, đặc biệt là chính sách hấp dẫn thu hút các nhà đầu tư có tiềm lực tài chính vào khu nuôi biển ứng dụng nghệ cao.

a) Chính sách về tín dụng

- Cần có mức vay, thời hạn vay, lãi suất vay ưu đãi, phù hợp với chu trình sản xuất. Trong giai đoạn từ nay đến 2025, cần có các chính sách tín dụng ưu tiên, ưu đãi, các chính sách bảo hiểm cho nuôi biển.

- Tổ chức triển khai tốt Nghị định số 55/2015/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách tín dụng đối với nông nghiệp, nông thôn. Ngành nông nghiệp và PTNT phối hợp các ngân hàng thương mại tư vấn cho tổ chức và cá nhân xây dựng phương án vay vốn và sử dụng vốn phục vụ phát triển sản xuất kinh doanh. Tạo điều kiện thuận lợi để các chủ thể trong nông nghiệp, nông thôn được vay vốn đủ, kịp thời theo yêu cầu của phát triển sản xuất kinh doanh.

b) Chính sách hỗ trợ phát triển nuôi thủy sản

Triển khai thực hiện tốt và đồng bộ một số chính sách hỗ trợ phát triển thủy sản của Trung ương và địa phương, gồm:

- Nghị định số 02/2017/NĐ-CP của Chính phủ về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh; Quyết định số 1632/QĐ-UBND ngày 03/8/2017 của Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang về quy định về mức hỗ trợ trong sản xuất nông nghiệp vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh trên địa bàn tỉnh Kiên Giang.

- Quyết định số 01/2012/QĐ-TTg ngày 09/01/2012 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ việc áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt trong nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản; trong đó, ngân sách nhà nước hỗ trợ gần đến 50% tổng vốn đầu tư xây dựng hệ thống thủy lợi, trạm bơm, điện, giao thông, hệ thống xử lý chất thải, hệ thống cấp thoát nước của vùng sản xuất tập trung để phù hợp với yêu cầu kỹ thuật VietGAP phục vụ nuôi tôm nước lợ (hạ tầng đầu mối cho các vùng nuôi thâm canh, bán thâm canh).

- Thông tư số 19/2018/TT-BNNPTNT ngày 15/11/2018 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về việc hướng dẫn bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản. Từ các cơ sở trên, tỉnh sẽ xem xét, xây dựng chính sách hỗ trợ ngư dân chuyển đổi nghề, đặc biệt là ngư dân khai thác thủy sản ven bờ chuyển đổi sang nuôi trồng thủy sản.

- Kiến nghị Chính phủ tháo gỡ các tồn tại của chính sách liên quan tới phát triển nuôi biển, nhất là việc sớm ban hành các Nghị định sửa đổi, thay thế Nghị định số 51/2014/NĐ-CP ngày 21/5/2014 của Chính phủ về quy định việc giao các khu vực biển nhất định cho các tổ chức, cá nhân sử dụng tài nguyên biển và Nghị định số 67/2014/NĐ-CP ngày 07/7/2014 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản.

c) Về chính sách về đầu tư

Triển khai thực hiện tốt Nghị định số 57/2018/NĐ-CP ngày 17/4/2018 của Chính phủ về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; Nghị định số 15/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 của Chính phủ vế đầu tư theo hình thức đối tác công tư. Kêu gọi các nhà đầu tư kinh doanh hạ tầng kỹ thuật trong từng tiểu vùng để phát triển sản xuất; Quyết định số 103/2000/QĐ-TTg ngày 25/8/2000 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách khuyến khích phát triển giống thủy sản.

d) Chính sách phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

Triển khai thực hiện tốt và đồng bộ một số chính sách hỗ trợ phát triển thủy sản của Trung ương và địa phương, gồm:

- Luật Công nghệ cao ngày 13/11/2008.

- Quyết định số 49/2010/QĐ-TTg ngày 19/7/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển và danh mục sản phẩm công nghệ cao được khuyến khích phát triển.

- Quyết định số 1895/QĐ-TTg ngày 17/12/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thuộc Chương trình Quốc gia phát triển công nghệ cao đến năm 2020.

- Quyết định số 01/2012/QĐ-TTg ngày 09/01/2012 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ việc áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt trong nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản.

- Thông tư liên tịch số 11/2012/TTLT-BNNPTNT-BTC-BKHDT ngày 16/10/2013 của Bộ Nông nghiệp và PTNT, Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch và Đầu tư về hướng dẫn chế độ quản lý, sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước chi cho Đề án phát triển giống cây nông, lâm nghiệp, giống vật nuôi và giống thủy sản đến năm 2020.

- Thông tư liên tịch số 42/2013/TTLT-BNNPTNT-BTC-BKHĐT ngày 16/10/2013 của Bộ Nông nghiệp và PTNT, Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch và Đầu tư về hướng dẫn thực hiện Quyết định số 01/2012/QĐ-TTg ngày 09/01/2012 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ việc áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt trong nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản.

- Nghị quyết số 332/2020/NQ-HĐND ngày 20/7/2020 của Hội đồng nhân dân tỉnh Kiên Giang quy định về chính sách khuyến khích đầu tư phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao giai đoạn 2020-2025 trên địa bàn tỉnh Kiên Giang.

3. Giải pháp về vốn đầu tư

Tổng nhu cầu vốn đầu tư phát triển nuôi biển trên địa bàn tỉnh Kiên Giang thời kỳ 2021 -2030 dự kiến cần 12.688 tỷ đồng. Cơ cấu nguồn vốn: vốn ngân sách Trung ương chiếm 0,16%, vốn ngân sách địa phương chiếm 0,85%; vốn thu hút từ các thành phần kinh tế chiếm 98,99%. Cơ cấu vốn phân theo các đối tượng nuôi: nuôi lồng bè là 11.931 tỷ đồng, chiếm 94%; nuôi nhuyễn thể là 757 tỷ đồng, chiếm 6%.

- Nguồn vốn ngân sách nhà nước: tổng nguồn vốn là 128 tỷ đồng (giai đoạn 2021 - 2025 là 76 tỷ đồng, giai đoạn 2026 - 2030 là 52 tỷ đồng), trong đó bao gồm nguồn vốn đầu tư phát triển và vốn sự nghiệp.

Nguồn vốn đầu tư phát triển: sử dụng đầu tư xây dự cơ sở hạ tầng, tổng nguồn vốn ngân sách đầu tư phát triển là 75 tỷ đồng.

Nguồn vốn sự nghiệp (vốn địa phương): thực hiện đầu tư cơ sở vật chất, tăng cường năng lực ngành; vốn cho nghiên cứu các đề tài khoa học công nghệ (đối với nguồn vốn này, thực hiện theo Quyết định số 01/2012/QĐ-TTg ngày 09/01/2012 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ việc áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt trong nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản). Tổng nguồn vốn từ ngân sách địa phương là 53 tỷ đồng.

Tranh thủ nguồn vốn Trung ương hỗ trợ cho các chương trình phát triển nuôi trồng; Chương trình phát triển giống thủy sản theo Quyết định số 2194/QĐ-TTg; ngân sách địa phương sẽ ưu tiên bố trí để thực hiện đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nuôi biển, đầu tư cơ sở vật chất, tăng cường năng lực ngành và các đề tài nghiên cứu về khoa học công nghệ liên quan đến nuôi biển.

- Vốn huy động từ thành phần kinh tế: đầu tư hạ tầng kỹ thuật (hệ thống giao thông, điện) thiết yếu cho các khu nuôi nội bộ bằng hình thức thu hút các nhà đầu tư hoặc đối tác công tư (PPP); đầu tư khu sản xuất giống tập trung,... Vốn các thành phần kinh tế bao gồm vốn tự có của tổ chức, cá nhân, FDI thông qua nguồn vốn tự có, vốn vay tín dụng, vay thương mại đầu tư phát triển nuôi trồng thủy sản theo chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn của Chính phủ. Ngoài ra, tích cực tranh thủ nguồn vốn các tổ chức phi Chính phủ thực hiện trợ giúp kỹ thuật, tư vấn, đào tạo nâng cao năng lực, xây dựng mô hình, chuyển giao quy trình công nghệ,... Tổng nguồn vốn huy động từ thành phần kinh tế là 12.560 tỷ đồng.

Vốn huy động từ các thành phần kinh tế (bao gồm vốn tự có và vốn vay tín dụng): thực hiện chính sách khuyến khích đầu tư theo quy định của pháp luật để thu hút vốn của các thành phần kinh tế bao gồm hộ cá thể và doanh nghiệp trên địa bàn.

Vốn vay tín dụng: triển khai thực hiện theo khoản 1, 2, Điều 4 Quyết định số 126/2005/QĐ-TTg, ngày 01/06/2005 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách khuyến khích phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển và hải đảo; Nghị định số 55/2015/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách tín dụng đối với nông nghiệp, nông thôn.

Chủ động tìm kiếm, phối hợp với các nguồn tín dụng phát triển nước ngoài, như Quỹ Xuất khẩu thủy sản Na Uy, Quỹ Aqua- Spark (Hà Lan), Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB),...

4. Giải pháp về phát triển nguồn nhân lực

- Để phát triển nguồn nhân lực đáp ứng với quy trình và công nghệ nuôi tiên tiến thì cần đào tạo, tập huấn để có đủ số lượng và đảm bảo chất lượng lao động. Tăng cường đầu tư, liên kết, mở rộng quy mô các cơ sở đào tạo nghề về lĩnh vực nuôi trồng thủy sản.

- Nhu cầu lao động phổ thông lành nghề đáp ứng cho nuôi biển tỉnh Kiên Giang đến năm 2025 là 18.510 người, đến năm 2030, nhu cầu lao động cần 47.680 người. Vì vậy, cần đẩy mạnh các hình thức đào tạo, tập huấn (gồm đào tạo ngắn hạn, bồi dưỡng, tập huấn) về quản lý và kỹ thuật cho lao động trên địa bàn các địa phương nuôi biển để cập nhật nhanh các tiến bộ kỹ thuật.

- Ngoài ra, cần đào tạo lao động kỹ thuật có trình độ trung cấp, cao đẳng và đại học cho nuôi trồng thủy sản. Nhu cầu khoảng 500 lồng cần 01 kỹ sư nuôi trồng thủy sản quản lý, đến năm 2025 cần khoảng 15 kỹ sư nuôi trồng thủy sản, đến năm 2030 cần 28 kỹ sư nuôi trồng thủy sản. Số lượng cán bộ có trình độ dưới đại học và đại học có thể tính theo tỷ lệ sau: đào tạo 1 đại học, 3 cao đẳng và 6 trung cấp (có nghĩa là đào tạo theo mô hình 1/3/6). Đến năm 2025, toàn vùng cần 15 kỹ sư, 45 cao đẳng và 90 trung cấp về nuôi trồng thủy sản; đến năm 2030, toàn vùng cần 28 kỹ sư, 84 cao đẳng và 168 trung cấp về nuôi trồng thủy sản.

- Cần có chính sách thu hút nhân tài, chuyên gia giỏi trong và ngoài nước trong lĩnh vực nuôi biển về làm việc trong các khu nuôi tập trung với nhiều hình thức ngắn hạn, dài hạn, chuyển giao công nghệ.

- Tiếp tục triển khai thực hiện tốt Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020 theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ; Quyết định số 971/QĐ-TTg ngày 01/7/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020 nhằm đào tạo lao động nông thôn được học nghề trong độ tuổi lao động; cán bộ công chức chuyên môn ở xã.

- Đào tạo nghề theo Thông tư số 05/2012/TT-BNNPTNT ngày 18/01/2012 về ban hành tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia đối với các nghề thuộc nhóm nghề nông nghiệp; triển khai thực hiện Quyết định số 229/QĐ-UBND ngày 29/01/2019 của Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang về việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn và đào tạo theo Kế hoạch số 106/KH-UBND ngày 11/11/2014 của UBND tỉnh trên địa bàn tỉnh Kiên Giang.

- Phối hợp chặt chẽ với Hiệp hội nuôi biển, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - Chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh (VCCI-HCM) Và Tổng Cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội), tiến hành thực hiện Dự án về đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho nuôi trồng thủy sản do Hiệp hội Giới chủ Na Uy (NHO) tài trợ, trên cơ sở Thỏa thuận hợp tác về nâng cao chất lượng đào tạo nghề nuôi biển công nghiệp giữa VSA và VCCI- HCM 2020-2024 đã được ký kết.

- Phối hợp giữa Global GAP, GAA, ASC và các tổ chức quốc tế khác đào tạo về áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế và đạt các chứng nhận quốc tế theo yêu cầu của thị trường.

5. Giải pháp chuyển đổi nghề khai thác thủy sản ven bờ sang nuôi biển

- Tập hợp danh sách các hộ ngư dân có nhu cầu chuyển đổi nghề sang nuôi thủy thủy sản lồng bè, nhuyễn thể. Nghiên cứu bố trí các hộ khai thác thủy sản thủy sản ven bờ được chuyển đổi theo sang nuôi trồng thủy sản.

- Tập huấn để chuyển giao kỹ thuật nuôi thủy sản theo các mô hình nuôi cụ thể dựa trên nguyện vọng, khả năng của ngư dân và phù hợp với hiện trạng nuôi thủy sản ở địa phương.

- Thành lập các hội, nhóm, các tổ hợp tác/ hợp tác xã với sự liên kết chặt chẽ phát huy vai trò gắn kết, chia sẻ giúp đỡ các hội viên không những về mặt kỹ thuật mà còn về thị trường tiêu thụ sản phẩm, lựa chọn đúng đối tượng và điều chỉnh số lượng sản xuất theo nhu cầu thị trường.

- Ngoài ra, tỉnh cần hỗ trợ đào tạo nghề và tư vấn việc làm cho người lao động, trong đó có cả vấn đề sinh kế thay thế và chuyển giao kỹ thuật.

- Nghiên cứu đề xuất một số mô hình quản lý phát triển thủy sản bền vững theo cộng đồng trên cơ sở sử dụng tối ưu nguồn lợi thủy sản của địa phương và năng lực cộng đồng cho sự phát triển kinh tế và chất lượng sống của dân cư ven biển.

- Thiết lập một số chương trình hoạt động hỗ trợ việc chuyển đổi cơ cấu nghề khai thác hải sản ven bờ. Xây dựng kế hoạch và triển khai các hoạt động thu thập thông tin về bảo tồn nguồn lợi thủy sinh, kiểm soát lực lượng khai thác lực lượng khai thác ở các địa bàn trọng điểm nghề cá của tỉnh.

6. Giải pháp về khoa học công nghệ, khuyến ngư

a) Khoa học, công nghệ

- Phối hợp với các ngành, địa phương, doanh nghiệp, nhà khoa học nghiên cứu và chuyển giao ứng dụng công nghệ cao phù hợp với điều kiện của địa phương nhằm đa dạng hóa các đối tượng nuôi trong tỉnh.

- Nghiên cứu đề xuất, đặt hàng các nhiệm vụ khoa học công nghệ nhằm hoàn thiện quy trình nuôi cá lồng bè công nghệ cao, sử dụng hoàn toàn bằng thức ăn công nghiệp nhằm giảm áp lực khai thác nguồn cá tươi sống tự nhiên làm thức ăn; khuyến cáo người nuôi tăng tỷ trọng sử dụng thức ăn công nghiệp giảm thiểu được ô nhiễm môi trường nước trong quá trình nuôi.

- Phối hợp với các ngành, địa phương xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu cho các đối tượng nuôi biển có giá trị kinh tế góp phần nâng cao giá trị sản phẩm thủy sản cho xuất khẩu và tiêu thụ nội địa.

- Tổ chức triển khai các đề tài đã được đề xuất trong đề án theo đúng trình tự, thủ tục theo quy định. Ngoài ra, ưu tiên các hướng nghiên cứu mới, có triển vọng về sản xuất giống và nuôi biển sẽ được hỗ trợ bằng cơ chế, chính sách.

- Đối với cơ sở giống hải sản: cơ sở giống ứng dụng công nghệ RAS tiên tiến; công nghệ gen, nguôi cấy mô, lưu trữ, lai tạo và phát triển giống mới; Kết nối với các trung tâm giống hải sản nước ngoài trong việc cung cấp nguồn gen hải sản.

- Đối với cá biển: cơ sở nuôi cá biển sử dụng lồng nổi HDPE cải tiến, đường kính 20-30 m, có khả năng tự chìm, có xà lan cung cấp thức ăn; cơ sở nuôi cá biển khơi, sử dụng tàu ương giống nuôi biển cỡ lớn bằng thép, kết hợp với hệ thống các lồng nổi HDPE; cơ sở nuôi cá biển sâu, giá trị cao, các lồng chìm sử dụng lưới kim loại và vật liệu thân thiện môi trường khác; cơ sở nuôi cá biển sinh thái sử dụng thức ăn sinh thái từ bột ấu trùng ruồi lính đen, đậu nành hoặc vi tảo.

- Đối với nhuyễn thể hai mảnh vỏ: cơ sở nuôi hàu Thái Bình Dương, vẹm xanh sử dụng phao nổi là ống nhựa HDPE, cơ giới hóa khâu thu hoạch bằng tàu chuyên dụng; cơ sở nuôi sò, nghêu vùng ven biển cần kiểm soát nguồn nước.

- Đối với giáp xác biển: cơ sở ương giống tôm hùm, tôm tít sử dụng công nghệ RAS; cơ sở nuôi tôm hùm thương phẩm kết hợp với công nghệ RAS và nuôi biển hở; liên doanh sản xuất giống tôm hùm, tôm tít.

- Khuyến khích các dự án, công trình (du lịch, năng lượng,...) trên biển kết hợp tận dụng diện tích biển của dự án, công trình có tiềm năng, lợi thế để phát triển nuôi biển.

b) Công tác khuyến ngư

- Xây dựng các mô hình trình diễn kỹ thuật để người nuôi đến tham quan, học tập, trao đổi kinh nghiệm. Tổ chức hội nghị tổng kết, đánh giá và nhân rộng các mô hình trên để tuyên truyền, giới thiệu những kinh nghiệm hay, cách làm giỏi, những gương điển hình tiên tiến trong phát triển nuôi lồng bè và nhuyễn thể.

- Tổ chức chuyển giao tiến bộ kỹ thuật và hướng dẫn người nuôi ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ nuôi lồng bè mới để nâng cao hiệu quả gắn với bảo vệ môi trường sinh thái.

- Thông qua công tác khuyến ngư, định kỳ mở các lớp bồi dưỡng ngắn hạn về kỹ thuật và chuyển giao kỹ thuật nuôi thủy sản lồng bè và nhuyễn thể cho người sản xuất. Tổ chức tham quan học hỏi những mô hình sản xuất tiên tiến, có hiệu quả nhằm giúp người dân bổ sung kiến thức và kinh nghiệm thực tiễn cho nuôi biển.

- Tổ chức các khóa học, hội thảo chuyên đề về tác động của môi trường và dịch bệnh đến sản xuất, để người dân nâng cao ý thức bảo vệ môi trường. Ngoài ra, cần có các hoạt động tuyên truyền thông qua các phương tiện thông tin đại chúng về phân biệt, chọn lựa các loại con giống tốt xấu; các thông tin về thị trường, giá cả của các mặt hàng thủy sản cho người sản xuất.

7. Giải pháp về thị trường tiêu thụ và xúc tiến thương mại

- Giữ vững cơ cấu các thị trường xuất khẩu thủy sản truyền thống: Nhật Bản, Mỹ và EU. Tiếp tục mở rộng thị trường các vùng Đông Âu, Bắc Âu, Trung Đông, Châu Phi, Bắc Mỹ, Nam Mỹ và Châu Á.

- Đổi mới phương thức thực hiện xúc tiến thương mại và phát triển thị trường phù hợp với Chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu, theo hướng các hiệp hội và doanh nghiệp là chủ thể trực tiếp tổ chức thực hiện, nhà nước giữ vai trò xây dựng cơ chế, chính sách và hỗ trợ các hoạt động.

- Phát triển hệ thống phân phối sản phẩm tươi sống, mở rộng thị trường nội địa thông qua việc chú trọng xây dựng môi liên kết, hợp tác kinh doanh với các nhà phân phối lớn, các hệ thống siêu thị và các tổ chức dịch vụ ở thị trường trong nước, đặc biệt là thị trường Thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh lân cận.

- Tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại trực tiếp hoặc gián tiếp, tích cực tham gia các hội chợ triển lãm trong nước và quốc tế, nhanh chóng xây dựng và quảng bá thương hiệu sản phẩm nuôi biển trên các kênh thông tin (sàn thương mại điện tử thủy sản, trang web, fan page,...) nhằm hướng đến xuất khẩu các mặt hàng nuôi biển.

- Mở rộng hệ thống cung cấp thông tin, cập nhật nhanh chóng thông tin về thị trường, giá cả, nhằm tạo thuận lợi trong giao dịch mua, bán, hạn chế việc người nuôi bị ép giá vì phần lớn hiện nay tiêu thụ sản phẩm nuôi lồng bè phần lớn đều thông qua thương lái. Các ban ngành chức năng hỗ trợ doanh nghiệp, Hợp tác xã và người nuôi thông qua việc dự báo về thị trường thủy sản trên các mặt: giá cả và chủng loại sản phẩm, nhu cầu và xu hướng tiêu thụ, biến động thị trường và yêu cầu chất lượng sản phẩm để kịp thời cung cấp cho doanh nghiệp và người sản xuất.

- Hình thành các chuỗi giá trị cho từng ngành hàng nuôi biển chủ lực của tỉnh, và phát triển doanh nghiệp quy mô lớn, có năng lực chuyên nghiệp cao về thu hoạch và tiêu thụ hải sản nuôi, tránh các hiện tượng tiêu cực như cạnh tranh nội bộ trong bán hàng, ép giá của hệ thống nậu vựa thủy sản nhỏ lẻ.

8. Giải pháp về hậu cần dịch vụ

a) Con giống

- Khuyến khích các thành phần kinh tế trong và ngoài nước đầu tư nghiên cứu, chọn tạo, sản xuất giống, hình thành ngành công nghiệp sản xuất giống, ứng dụng công nghệ sản xuất giống mới để sản xuất và cung cấp cho người nuôi các loại giống hải sản có giá trị kinh tế cao, sạch bệnh và được thị trường ưa chuộng (cá biển, nhuyễn thể, tôm hùm xanh,...). Đẩy mạnh công tác kiểm dịch con giống trước khi nhập vào địa phương quản lý chặt chẽ, đảm bảo chất lượng giống sạch bệnh trước khi thả nuôi.

- Khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng cơ sở sản xuất giống nuôi biển, thực hiện xã hội hóa trong sản xuất giống. Sớm triển khai xây dựng các khu sản xuất giống nuôi biển tập trung theo danh mục dự án đề xuất.

- Thực hiện nghiêm việc quản lý giống thủy sản theo Thông tư số 26/2018/TT-BNNPTNT ngày 15/11/2018 cua Bộ Nông nghiệp và PTNT quy định về quản lý giống thủy sản, thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường thủy sản.

b) Thức ăn, sản phẩm xử lý môi trường thủy sản

- Quản lý chặt chẽ các cơ sở sản xuất và các nguồn nhập vào tỉnh để thức ăn, sản phẩm xử lý môi trường thủy sản đưa vào sản xuất đảm bảo chất lượng ghi trên nhãn mác và không quá hạn sử dụng.

- Hướng dẫn người nuôi phân biệt các chủng loại, thành phần để có thể lựa chọn thức ăn, sản phẩm xử lý môi trường thủy sản đảm bảo chất lượng thông qua các lớp huấn, hội thảo.

- Các cơ sở nuôi lồng bè hướng đến việc sử dụng 100% thức ăn công nghiệp, hạn chế tối đa nguồn cá tạp từ khai thác thủy sản để nuôi cá lồng bè trên biển; kiểm soát nghiêm ngặt để hạn chế lượng thức ăn dư thừa nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

- Thực hiện nghiêm việc quản lý thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường thủy sản theo Thông tư số 26/2018/TT-BNNPTNT ngày 15/11/2018 của Bộ Nông nghiệp và PTNT quy định về quản lý giống thủy sản, thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường thủy sản.

9. Giải pháp về hạ tầng kỹ thuật cơ bản phục vụ nuôi biển

- Lắp đặt hệ thống phao tiêu, đèn báo ranh giới khu vực nuôi lồng bè nhằm xác định vị trí đặt bè cụ thể, để người nuôi lồng bè biết giới hạn tuyến luồng giao thông và vị trí bè của các tổ chức, cá nhân nuôi được ổn định và đảm bảo an toàn giao thông đường thủy.

- Khuyến khích tăng cường nghiên cứu và hướng dẫn người dân sử dụng các thiết bị công nghệ hiện đại như pin năng lượng mặt trời, điện gió,... nhằm tiết kiệm chi phí và đảm bảo vệ sinh môi trường.

- Đưa công tác quản lý cảng cá, bến cá, bến neo đậu tàu thuyền vào hệ thống quy hoạch. Nâng cấp hệ thống giao thông bộ vào các cảng cá, bến cá, đảm bảo yêu cầu đi lại và vận chuyển sản phẩm, hàng hóa của người dân địa phương.

- Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có nguồn lực lớn về vốn, công nghệ, lao động thuê diện tích mặt đất, mặt nước lâu dài trên các đảo liền kề các khu nuôi thủy sản lồng bè tập trung để làm cơ sở hạ tầng, dịch vụ như: cầu cảng, khu văn phòng, khu lắp ráp hệ thống lồng bè, nhà ở công nhân, kho chứa trang thiết bị, vật tư nuôi biển,...

- Đối với các trang trại có quy mô nuôi biển lớn cần trang bị sà lan để lắp ráp hệ thống lồng bè; trang bị tàu chuyên dụng để lắp đặt những thiết bị cần thiết như: cần cẩu thủy lực, tời thủy lực; trang bị xuồng cao tốc, xuồng nhỏ để phục vụ các hoạt động sản xuất hàng ngày của trang trại.

- Đầu tư xây dựng, nâng cấp các cảng cá kết hợp công tác hậu cần, logistic cho nuôi biển trên địa bàn tỉnh ở các cảng cá Nam Du, Hòn Ngang, An Thói, Thổ Châu, Gành Dầu, Ba Hòn. Đồng thời xây dựng một số kho ngoại quan để bảo quản sản phẩm sau thu hoạch ở Nam Du, An Thới.

10. Giải pháp về bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu

- Công tác bảo vệ môi trường là một trong những hoạt động được ưu tiên hàng đầu. Trong vấn đề bảo vệ môi trường, nguồn lợi thủy sản có thể phát triển các hình thức tổ chức sản xuất như tổ tự quản hoặc hợp tác xã thủy sản với mô hình quản lý dựa vào cộng đồng. Bên cạnh đó, công tác bảo vệ môi trường, nguồn lợi cần có sự phối hợp đồng bộ giữa các cấp, các ngành liên quan.

- Rà soát, xây dựng hoàn thiện các Trạm quan trắc môi trường tự động để giám sát và theo dõi các yếu tố chất lượng môi trường nước tại các vùng nuôi trọng điểm để thông tin kịp thời cho người nuôi.

- Tăng cường năng lực chuyên môn, đầu tư thiết bị và kinh phí cho công tác giám sát chất lượng môi trường nước, lấy mẫu nước kiểm tra định kỳ và thông tin kịp thời cho người nuôi để có biện pháp khắc phục và xử lý kịp thời.

- Kết hợp nghiên cứu các loại thức ăn công nghiệp có hệ số chuyển hóa thức ăn (FCR) thấp, chi phí vừa phải, tiến tới tăng sử dụng thức ăn viên và giảm dần thức ăn tươi sống, giảm thiểu tối đa ô nhiễm môi trường. Đó cũng là tiền đề để thực hiện, áp dụng các mô hình cho ăn tự động, tiên tiến cho khu nuôi.

- Xử lý các tổ chức, cá nhân không tuân theo các quy định và hướng dẫn của cơ quan chức năng. Các dự án đầu tư lồng bè phải có báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc bản cam kết bảo vệ môi trường theo đúng quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.

11. Giải pháp về tổ chức quản lý và sản xuất

- Hiện tại một số khu vực có nuôi thủy sản lồng bè, nhưng sẽ không bố trí nuôi sau năm 2020, do không đáp ứng tiêu chí vùng nuôi. Đối với các khu vực này không được phát triển, mở rộng và có lộ trình di dời đến các khu vực bố trí nuôi phù hợp theo Đề án được duyệt.

- Tổ chức lại sản xuất nhất là các ngành hàng chủ lực (cá biển, sò huyết) theo hướng khép kín từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ; gắn với đổi mới phương thức hoạt động của các thành phần kinh tế, xây dựng mối hợp tác, liên kết đa dạng, bền vững trong sản xuất, phục vụ sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, hình thành chuỗi giá trị và thực hiện chia sẻ lợi ích giữa các thành phần kinh tế cùng tham gia.

- Tăng cường quản lý nhà nước về con giống, thức ăn và vệ sinh thú y thủy sản; cơ cấu mùa vụ và thời vụ thả nuôi; quy trình kỹ thuật nuôi; chất lượng, an toàn vệ sinh sản phẩm và môi trường nuôi...bảo đảm phát triển bền vững.

- Thí điểm xây dựng mô hình quản lý dựa vào cộng đồng khu vực nuôi lồng bè dưới hình thức tổ tự quản, hợp tác xã, để cùng giám sát, quản lý về con giống, dịch bệnh, môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm thủy sản, thông tin thị trường, giá cả sản phẩm nuôi trong vùng nuôi biển.

- Thu hút doanh nghiệp phát triển nuôi biển có quy mô lớn, có năng lực về vốn, ứng dụng công nghệ cao tại các vùng nuôi biển tập trung trên địa bàn tỉnh.

- Khuyến khích các mô hình liên kết giữa người nuôi với doanh nghiệp chế biến xuất khẩu, các doanh nghiệp cung cấp thuốc, hóa chất, thức ăn; các tổ chức tín dụng ngân hàng. Đồng thời liên kết chặt chẽ giữa 4 nhà: Nhà nước- nhà nuôi thủy sản - nhà chế biến, xuất khẩu và nhà khoa học.

- Tăng cường kết nối với các ngành kinh tế biển khác (như dầu khí, năng lượng biển, vận tải biển, du lịch,...) và các lực lượng quốc phòng, an ninh để phát triển nuôi biển công nghiệp, gắn với bảo vệ chủ quyền biển đảo.

- Phối hợp với các công ty du lịch xây dựng mô hình đa dạng các trại nuôi biển hiện đại kết hợp du lịch biển tại những vùng có điều kiện. Mô hình khách sạn và nhà hàng kết hợp nuôi biển công nghiệp bằng tàu 2 - 3 thân composit, để nâng cao tính chuyên nghiệp của việc nuôi biển với các phương thức du lịch kiểu mới.

- Mô hình tái sử dụng và chuyển đổi công năng các dàn khoan dầu khí đã khai thác hết sang mục đích nuôi biển công nghiệp kết hợp du lịch biển khơi.

III. Tổ chức thực hiện

1. Sở Nông nghiệp và PTNT

- Chủ trì, phối hợp với các sở, ban ngành, UBND các huyện, thành phố có liên quan để công bố và tổ chức thực hiện, giám sát, đánh giá việc thực hiện Đề án phát triển nuôi biển theo hướng bền vững trên địa bàn tỉnh Kiên Giang đến năm 2030; định kỳ tổng hợp báo cáo UBND tỉnh xem xét, quyết định điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tế.

- Tham mưu, đề xuất tổ chức thực hiện cấp phép nuôi biển cho tổ chức, cá nhân Việt Nam trong phạm vi quản lý. Xây dựng và hoàn thiện mạng lưới quan trắc, cảnh báo môi trường, phòng chống dịch bệnh trong vùng nuôi biển.

- Thực hiện việc sắp xếp lồng bè, công tác đăng ký, đăng kiểm lồng bè theo quy định.

2. Sở Tài nguyên và Môi trường

- Chủ trì, phối hợp với các ngành có liên tham mưu UBND tỉnh và hướng dẫn UBND cấp huyện giao khu vực biển cho tổ chức, cá nhân người Việt Nam sử dụng vào mục đích nuôi biển trong phạm vi quản lý.

- Tổ chức thanh, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, kiểm tra chặt chẽ nguồn nước xả thải ra biển; kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật hiện hành.

- Tổ chức thực hiện quy định của pháp luật về tài nguyên và môi trường, đồng thời thực hiện các lĩnh vực khác có liên quan đến biển, đảo.

- Phối hợp cùng Sở Nông nghiệp và PTNT xây dựng và hoàn thiện mạng lưới quan trắc, cảnh báo môi trường.

3. Sở Giao thông vận tải

- Tổ chức tuyên truyền cho các hộ nuôi lồng bè hiểu rõ và chấp hành tốt các quy định về an toàn giao thông đường thủy. Yêu cầu chủ cơ sở nuôi lồng bè phải cam kết thực hiện tốt các quy định về an toàn giao thông đường thủy.

- Phân định luồng lạch giao thông, đặt biển hiệu quy định rõ ràng, thực hiện việc kiểm tra và xử lý nghiêm việc lấn chiếm hành lang an toàn giao thông đường thủy.

4. Sở Khoa học và Công nghệ

Phối hợp với các Sở, ban ngành, địa phương, đơn vị có liên quan tổ chức triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ về khoa học và công nghệ để thực hiện các giải pháp đã đề xuất trong Đề án.

5. Các Sở: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính

Trên cơ sở Đề án được phê duyệt, tổng hợp nhu cầu kinh phí thực hiện Đề án tham mưu UBND tỉnh cân đối, bố trí hoặc kiến nghị Trung ương bố trí theo quy định hiện hành.

6. Các Sở, ban ngành có liên quan: theo chức năng và nhiệm vụ được giao, có trách nhiệm phối hợp để tổ chức thực hiện các nội dung của Đề án.

7. UBND các huyện, thành phố liên quan

- Phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT trong quản lý, tổ chức thực hiện thẩm định hồ sơ, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân làm các thủ tục cấp phép nuôi trồng thủy sản theo quy định hiện hành.

- Tổ chức, hướng dẫn thành lập các tổ tự quản, hợp tác xã theo mô hình nuôi lồng bè, nhuyễn thể quản lý cộng đồng và đồng quản lý nguồn lợi thủy sản, nhằm bảo vệ môi trường nuôi, phòng chống dịch bệnh, kịp thời xử lý các tình huống khi đối tượng nuôi bị thiệt hại, giảm thiểu rủi ro và hạn chế thiệt hại cho người nuôi.

Điều 2. Giao Sở Nông nghiệp và PTNT chủ trì, phối hợp với các sở, ban ngành có liên quan; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tổ chức công bố và triển khai thực hiện Đề án Phát triển nuôi biển theo hướng bền vững trên địa bàn tỉnh Kiên Giang đến năm 2030.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Thủ trưởng các Sở, ngành: Nông nghiệp và PTNT, Tài nguyên và Môi trường, Khoa học và Công nghệ, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Giao thông vận tải, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố; Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Bộ Nông nghiệp và PTNT;
- Tổng cục Thủy sản;
- CT và các PCT. UBND tỉnh;
- Các sở, ban ngành tỉnh (Đảng, CQ, ĐT và DNNN);
- LĐVP, Phòng: KT, TH;
- Lưu: VT, tvhung.

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Thanh Nhàn