Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG TRỊ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3231/QĐ-UBND

Quảng Trị, ngày 28 tháng 12 năm 2023

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT NHIỆM VỤ QUY HOẠCH XÂY DỰNG VÙNG HUYỆN HƯỚNG HÓA ĐẾN NĂM 2040, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2050

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG TRỊ

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;

Căn cứ Luật Xây dựng ngày 18/06/2014; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 Luật có liên quan đến quy hoạch ngày 20/11/2018; Luật Xây dựng sửa đổi ngày 17/6/2020;

Căn cứ Nghị định số 44/2015/NĐ-CP ngày 06/05/2015 của Chính phủ về quy định chi tiết một số nội dung về quy hoạch xây dựng; Nghị định số 72/2019/NĐ-CP ngày 30/08/2019 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 37/2010/NĐ-CP ngày 07/4/2010 về lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý quy hoạch đô thị và Nghị định số 44/2015/NĐ-CP ngày 06/5/2015 quy định chi tiết một số nội dung về quy hoạch xây dựng; Nghị định số 35/2023/NĐ-CP ngày 20/6/2023 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng;

Căn cứ Thông tư số 04/2022/TT-BXD ngày 24/10/2022 của Bộ Xây dựng quy định về hồ sơ nhiệm vụ và đồ án quy hoạch xây dựng vùng liên huyện, quy hoạch xây dựng vùng huyện, quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng khu chức năng và quy hoạch nông thôn; Thông tư số 01/2021/TT-BXD ngày 19/5/2021 của Bộ Xây dựng ban hành QCVN 01:2021/BXD Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy hoạch xây dựng;

Theo đề nghị của Chánh Văn phòng UBND tỉnh và UBND huyện Hướng Hóa tại Tờ trình số 281/TTr-UBND ngày 21/12/2023, ý kiến của Sở Xây dựng tại Báo cáo thẩm định số 3078/BCTĐ-SXD ngày 15/12/2023.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt nhiệm vụ Quy hoạch xây dựng vùng huyện Hướng Hóa đến năm 2040, định hướng đến năm 2050 với các nội dung chính như sau:

1. Tên đồ án: Quy hoạch xây dựng vùng huyện Hướng Hóa đến năm 2040, định hướng đến năm 2050.

2. Đơn vị tổ chức lập quy hoạch: UBND huyện Hướng Hóa.

3. Tổ chức tư vấn lập nhiệm vụ: Công ty Cổ phần Kiến trúc T’Home.

4. Phạm vi ranh giới, quy mô diện tích và thời hạn lập quy hoạch:

- Khu vực lập quy hoạch bao gồm toàn bộ ranh giới hành chính huyện Hướng Hóa với tổng diện tích tự nhiên 115.235,71 ha, có phạm vi ranh giới như sau:

+ Phía Bắc: Giáp huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình;

+ Phía Nam và phía Tây: Giáp nước CHDCND Lào;

+ Phía Đông: Giáp các huyện Vĩnh Linh, Gio Linh và Đakrông.

- Thời hạn lập quy hoạch: Giai đoạn ngắn hạn đến năm 2030, giai đoạn dài hạn đến năm 2040, định hướng quy hoạch đến năm 2050.

5. Quan điểm và mục tiêu:

- Cụ thể hóa Quy hoạch xây dựng tỉnh Quảng Trị thời kì 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và các quy hoạch chuyên ngành của tỉnh liên quan đến huyện Hướng Hóa.

- Định hướng quy hoạch xây dựng vùng huyện trên cơ sở phát triển bền vững dựa trên các thế mạnh hiện có và vị trí đặc thù làm tiền đề để thúc đẩy quá trình đô thị hóa và tăng trưởng kinh tế của huyện và của tỉnh, đảm bảo an ninh quốc phòng vùng biên giới.

- Khai thác và sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên nhằm tạo ra nguồn lực để phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, phát triển bền vững và bảo vệ môi trường sinh thái; bảo đảm phát triển hài hòa giữa các khu vực cũng như tính đồng bộ về không gian kiến trúc cảnh quan, hệ thống hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật giữa các khu vực trong huyện.

- Làm cơ sở để triển khai các quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn và quy hoạch xây dựng khu chức năng; xác định các chương trình, dự án ưu tiên đầu tư về cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và bảo vệ môi trường.

6. Tính chất, chức năng của vùng:

- Là trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội và an ninh quốc phòng phía Tây của tỉnh Quảng Trị.

- Là vùng kinh tế tổng hợp về nông lâm nghiệp, công nghiệp, thương mại - dịch vụ và du lịch, đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Trị. Ưu tiên phát triển nông lâm nghiệp dựa trên các ưu thế của huyện, phát triển thương mại - dịch vụ, công nghiệp gắn liền với Hành lang kinh tế Đông - Tây của tỉnh Quảng Trị.

- Là vùng có tiềm năng khai thác phát triển thương mại - dịch vụ, du lịch, các loại hình du lịch văn hóa, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng gắn với cảnh quan thiên nhiên...

7. Các chỉ tiêu chính dự kiến của quy hoạch:

a) Dự báo quy mô dân số:

- Đến năm 2030, dân số khoảng 115.500 người; trong đó, dân số đô thị khoảng 40.250 người.

- Đến năm 2040, dân số khoảng 152.000 người; trong đó, dân số đô thị khoảng 57.000 người.

- Đến năm 2050, dân số khoảng 160.000 - 178.000 người; trong đó, dân số đô thị khoảng 65.000 người.

b) Tỷ lệ đô thị hóa:

- Đến năm 2030, tỷ lệ đô thị hóa khoảng 34,8%.

- Đến năm 2040, tỷ lệ đô thị hóa khoảng 37,5%.

c) Dự báo quy mô đất đai:

- Đến năm 2030, đất xây dựng đô thị khoảng 1.006 ha.

- Đến năm 2040, đất xây dựng đô thị khoảng 1.425 ha.

d) Các chỉ tiêu kinh tế - kỹ thuật cơ bản áp dụng:

Các chỉ tiêu kinh tế - kỹ thuật áp dụng trong quy hoạch tuân thủ theo các quy chuẩn, tiêu chuẩn hiện hành về quy hoạch xây dựng.

8. Nội dung yêu cầu nghiên cứu quy hoạch:

a) Phân tích, đánh giá điều kiện tự nhiên, hiện trạng kinh tế - xã hội, hệ thống đô thị và điểm dân cư nông thôn, sử dụng đất đai, hệ thống hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật, môi trường và những yếu tố mang tính đặc thù của vùng.

b) Đánh giá, rà soát việc thực hiện các quy hoạch đang có hiệu lực.

c) Xác định mục tiêu phát triển, tốc độ đô thị hóa, tính chất, tiềm năng và động lực phát triển vùng.

d) Dự báo phát triển kinh tế, dân số, lao động, nhu cầu về đất đai, tỷ lệ đô thị hóa theo các giai đoạn phát triển 10 năm, 20 năm; xác định các chỉ tiêu kỹ thuật theo mục tiêu phát triển.

đ) Định hướng phát triển không gian vùng huyện:

- Đề xuất, lựa chọn mô hình phát triển không gian vùng;

- Xác định các phân vùng để kiểm soát quản lý phát triển;

- Phân bố và xác định quy mô các không gian phát triển: Công nghiệp, nông nghiệp, lâm nghiệp, du lịch, thương mại dịch vụ, bảo tồn; xác định quy mô, tính chất các khu chức năng;

- Xác định mô hình phát triển, cấu trúc hệ thống đô thị và khu vực nông thôn phù hợp với đặc điểm kinh tế, văn hóa, xã hội; phân cấp, phân loại đô thị theo không gian lãnh thổ và quản lý hành chính; xác định quy mô dân số, đất xây dựng đô thị;

- Phân bố và xác định quy mô các hệ thống công trình hạ tầng xã hội gồm: Trung tâm giáo dục, đào tạo, văn hóa, y tế, thể dục, thể thao có quy mô lớn, mang ý nghĩa vùng; trung tâm thương mại, dịch vụ cấp vùng; khu du lịch, vui chơi, giải trí, nghỉ dưỡng và các di tích văn hóa - lịch sử có giá trị;

- Phân bố và xác định quy mô các khu vực bảo tồn, khu vực bảo vệ cảnh quan thiên nhiên trong vùng.

e) Định hướng hệ thống hạ tầng kỹ thuật vùng huyện:

Xác định mạng lưới, vị trí, quy mô các công trình đầu mối hạ tầng kỹ thuật mang tính chất vùng huyện, gồm: Chuẩn bị kỹ thuật, giao thông, hệ thống điện, cung cấp năng lượng, cấp nước, thoát nước và xử lý nước thải, quản lý chất thải rắn, nghĩa trang và hạ tầng viễn thông thụ động.

g) Đánh giá môi trường chiến lược:

- Những vấn đề môi trường có phạm vi tác động lớn;

- Hiện trạng nguồn gây ô nhiễm lớn, các vùng bị suy thoái môi trường, các vùng sinh thái cảnh quan. Xác định các nội dung bảo vệ môi trường ở quy mô cấp vùng;

- Dự báo xu thế các vấn đề môi trường do tác động của việc lập và thực hiện quy hoạch;

- Các biện pháp phòng ngừa, giảm thiểu các vấn đề môi trường.

h) Quy định quản lý theo đồ án quy hoạch xây dựng vùng huyện:

- Phạm vi, ranh giới, quy mô dân số, đất đai vùng quản lý.

- Quy định về các vùng phát triển, các không gian phát triển kinh tế.

- Quy định về quản lý hệ thống đô thị và nông thôn.

- Quy định về vị trí, vai trò, chức năng, quy mô các công trình hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật mang tính chất vùng.

- Quy định về phạm vi bảo vệ, hành lang an toàn đối với các công trình đầu mối, các công trình hạ tầng kỹ thuật chính theo tuyến mang tính chất vùng, liên vùng và các biện pháp bảo vệ môi trường.

- Quy định về bảo tồn các di sản thiên nhiên, các công trình kiến trúc có giá trị, khu danh lam thắng cảnh, khu di tích lịch sử, văn hóa trong vùng.

- Phân công và quy định trách nhiệm quản lý quy hoạch cho các cấp chính quyền địa phương trong vùng theo đồ án quy hoạch xây dựng vùng huyện.

- Các quy định khác theo chức năng đặc thù của vùng.

9. Hồ sơ sản phẩm:

Thực hiện theo quy định tại Thông tư số 04/2022/TT-BXD ngày 24/10/2022 của Bộ Xây dựng quy định về hồ sơ nhiệm vụ và đồ án quy hoạch xây dựng vùng liên huyện, quy hoạch xây dựng vùng huyện, quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng khu chức năng và quy hoạch nông thôn.

10. Tổ chức thực hiện:

- Cơ quan phê duyệt: UBND tỉnh Quảng Trị.

- Cơ quan thẩm định: Sở Xây dựng tỉnh Quảng Trị.

- Cơ quan tổ chức lập quy hoạch: UBND huyện Hướng Hóa.

- Thời gian lập quy hoạch: Không quá 12 tháng kể từ khi nhiệm vụ quy hoạch được phê duyệt.

Điều 2. UBND huyện Hướng Hóa căn cứ nhiệm vụ Quy hoạch xây dựng vùng huyện Hướng Hóa đến năm 2040, định hướng đến năm 2050 được phê duyệt để tổ chức lập đồ án quy hoạch theo các quy định hiện hành.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các Sở: Xây dựng, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thông tin và Truyền thông, Công Thương, Y tế, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Giáo dục và Đào tạo; Trưởng Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh, Chủ tịch UBND huyện Hướng Hóa và Thủ trưởng các đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- CVP, các PVP UBND tỉnh;
- Lưu: VT, KTTDP.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Võ Văn Hưng