Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẾN TRE
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 33/2015/QĐ-UBND

Bến Tre, ngày 30 tháng 11 năm 2015

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY CHẾ TẠO LẬP, QUẢN LÝ, SỬ DỤNG NGUỒN VỐN TỪ NGÂN SÁCH CẤP TỈNH UỶ THÁC QUA CHI NHÁNH NGÂN HÀNG CHÍNH SÁCH XÃ HỘI TỈNH BẾN TRE

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH BẾN TRE

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân ngày 03 tháng 12 năm 2004;

Căn cứ Nghị định số 78/2002/NĐ-CP ngày 04 tháng 10 năm 2002 của Chính phủ về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác;

Căn cứ Nghị định số 61/2015/NĐ-CP ngày 09 tháng 7 năm 2015 của Chính phủ Quy định về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và Quỹ quốc gia về việc làm;

Căn cứ Quyết định số 131/2002/QĐ-TTg ngày 04 tháng 10 năm 2002 của Thủ tướng Chính phủ về thành lập Ngân hàng chính sách xã hội;

Căn cứ Quyết định số 157/2007/QĐ-TTg ngày 27 tháng 9 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với học sinh, sinh viên;

Căn cứ Quyết định số 15/2013/QĐ-TTg ngày 23 tháng 02 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với hộ cận nghèo;

Căn cứ Quyết định số 28/2015/QĐ-TTg ngày 21 tháng 07 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với hộ mới thoát nghèo;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Tài chính tại Tờ trình số 4703/TTr-STC ngày 18 tháng 11 năm 2015,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế tạo lập, quản lý, sử dụng nguồn vốn từ Ngân sách cấp tỉnh uỷ thác qua Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Bến Tre.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký ban hành.

Điều 3. Chánh Văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh, Giám đốc các sở, ngành: Tài chính, Lao động - Thương binh và Xã hội, Kế hoạch và Đầu tư, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Bến Tre, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố; Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Cao Văn Trọng

 

QUY CHẾ

TẠO LẬP, QUẢN LÝ, SỬ DỤNG NGUỒN VỐN TỪ NGÂN SÁCH CẤP TỈNH UỶ THÁC QUA CHI NHÁNH NGÂN HÀNG CHÍNH SÁCH XÃ HỘI TỈNH BẾN TRE
(Ban hành kèm theo Quyết định số 33/2015/QĐ-UBND ngày 30 tháng 11 năm 2015 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Bến Tre)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng

1. Phạm vi điều chỉnh

Quy chế này quy định về việc tạo lập, quản lý và sử dụng nguồn vốn ngân sách cấp tỉnh uỷ thác qua Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Bến Tre (sau đây gọi tắt là Nguồn vốn uỷ thác) để cho vay đối với các đối tượng theo quy định trên địa bàn tỉnh.

2. Đối tượng áp dụng

Các cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan trong việc tạo lập, quản lý và sử dụng Nguồn vốn uỷ thác.

Điều 2. Nguyên tắc quản lý

1. Nguồn vốn uỷ thác được giải ngân, quản lý, sử dụng theo quy định tại Quy chế này và các quy định của pháp luật có liên quan.

2. Việc quản lý, sử dụng Nguồn vốn uỷ thác phải đảm bảo công khai, minh bạch, đúng mục đích.

3. Bảo đảm an toàn và phát triển vốn, nguồn vốn cho vay phải thu hồi được gốc và lãi. Trường hợp cho vay vốn bị rủi ro do nguyên nhân khách quan phải được xử lý đúng theo quy định tại Quy chế này và các văn bản pháp luật liên quan.

Chương II

CÁC QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Điều 3. Tạo lập nguồn vốn

Hàng năm, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh báo cáo kết quả quản lý, sử dụng nguồn vốn cho vay, căn cứ vào mục tiêu về giảm nghèo và tạo việc làm của tỉnh, xây dựng Kế hoạch sử dụng vốn năm tiếp theo gửi Sở Tài chính.

Sở Tài chính phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tham mưu, đề xuất Uỷ ban nhân dân tỉnh bổ sung nguồn vốn từ ngân sách cấp tỉnh.

Uỷ ban nhân dân tỉnh sẽ xem xét và quyết định giao vốn cụ thể theo từng năm hoặc đột xuất (nếu có).

Điều 4. Đối tượng cho vay

1. Hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo (nhưng không quá 3 năm theo quy định).

2. Học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn về kinh tế đang học đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và học nghề; hộ gia đình có từ 03 con trở lên đang học đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và học nghề.

3. Đối tượng được vay giải quyết việc làm.

Điều 5. Cơ chế cho vay

1. Đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo (nhưng không quá 3 năm theo quy định): Thực hiện theo quy định tại Nghị định 78/2002/NĐ-CP ngày 04 tháng 10 năm 2002 của Chính phủ về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác, Quyết định số 15/2013/QĐ-TTg ngày 23 tháng 02 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với hộ cận nghèo, Quyết định số 28/2015/QĐ-TTg ngày 21 tháng 07 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với hộ mới thoát nghèo.

2. Đối với học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn về kinh tế đang học đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và học nghề; hộ gia đình có từ 03 con trở lên đang học đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và học nghề: Thực hiện theo quy định tại Quyết định số 157/2007/QĐ-TTg ngày 27 tháng 9 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với học sinh, sinh viên.

3. Đối với cho vay giải quyết việc làm: Thực hiện theo quy định tại Nghị định số 61/2015/NĐ-CP ngày 09 tháng 7 năm 2015 của Chính phủ Quy định về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và Quỹ quốc gia về việc làm.

Điều 6. Phân phối và sử dụng lãi thu được từ cho vay bằng Nguồn vốn uỷ thác

Định kỳ hàng tháng căn cứ vào số lãi cho vay thu được, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tính toán phân bổ theo thứ tự ưu tiên sau:

1. Bù đắp các chi phí quản lý của Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh: 60% trên lãi thực thu, được chi cho các nội dung sau:

Chi trả hoa hồng cho Tổ tiết kiệm và vay vốn; chi trả phí uỷ thác cho tổ chức chính trị - xã hội nhận uỷ thác; dịch vụ thanh toán, ngân quỹ, chi hoạt động quản lý và công vụ, chi về tài sản, các khoản chi khác (nếu có).

2. Trích lập Quỹ dự phòng rủi ro tín dụng: 25% tính trên lãi thực thu.

Trường hợp rủi ro bất khả kháng mà hộ vay không có khả năng trả nợ, Quỹ dự phòng rủi ro tín dụng được trích lập không đủ thì Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính tham mưu, đề xuất với Uỷ ban nhân dân tỉnh cấp kinh phí bù đắp hoặc giảm trực tiếp vào nguồn vốn uỷ thác của ngân sách tỉnh đã chuyển qua Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội.

3. Trích kinh phí hoạt động và khen thưởng cho Ban đại diện Hội đồng quản trị: 10% lãi thực thu.

4. Trích 5% tính trên lãi thực thu để bảo toàn vốn và được nhập vào gốc vào ngày 31/12 hàng năm.

Điều 7. Xử lý rủi ro tín dụng

1. Phạm vi xử lý nợ bị rủi ro: Các trường hợp bị rủi ro do nguyên nhân khách quan.

2. Nguyên tắc xử lý nợ, biện pháp xử lý nợ, thời điểm xem xét xử lý, hồ sơ pháp lý để xem xét xử lý rủi ro được thực hiện theo quy định hiện hành của Chính phủ, các Bộ, ngành có liên quan về cơ chế xử lý nợ rủi ro tại Ngân hàng Chính sách xã hội và các văn bản hướng dẫn của Ngân hàng Chính sách xã hội. Những trường hợp phải xử lý rủi ro ngoài các cơ chế này, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính xem xét, thẩm định thống nhất bằng văn bản đối với từng trường hợp cụ thể, báo cáo Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định.

3. Thẩm quyền xử lý nợ bị rủi ro

a) Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội nơi cho vay quyết định đối với việc gia hạn nợ; tổng hợp, kiểm tra hồ sơ đề nghị xử lý khoanh nợ, xoá nợ gửi Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

b) Trưởng Ban đại diện Hội đồng quản trị Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh quyết định việc khoanh nợ, xoá nợ gốc và lãi cho khách hàng trên cơ sở đề nghị của Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đối với trường hợp quy mô của đợt xoá nợ không vượt quá số dư Quỹ dự phòng rủi ro tín dụng được tạo lập từ nguồn vốn Uỷ thác.

c) Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh quyết định việc xoá nợ gốc và lãi cho khách hàng trên cơ sở đề nghị của Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh (thông qua Sở Tài chính) đối với trường hợp quy mô của đợt xoá nợ vượt quá số dư Quỹ dự phòng rủi ro tín dụng được tạo lập từ nguồn vốn uỷ thác.

4. Nguồn vốn xử lý nợ bị rủi ro

Nguồn vốn để xoá nợ gốc, lãi cho khách hàng được sử dụng từ Quỹ dự phòng rủi ro tín dụng được trích lập và bù đắp theo quy định tại Điều 6 của Quy chế này.

Chương III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 8. Trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, địa phương

1. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội

a) Ký hợp đồng uỷ thác với Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội đối với nguồn vốn từ ngân sách cấp tỉnh chuyển sang và chịu trách nhiệm quản lý nguồn vốn Uỷ thác này.

b) Phối hợp với Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư kiểm tra tình hình và kết quả cho vay từ nguồn vốn uỷ thác.

c) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thẩm định hồ sơ hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác vay vốn bị rủi ro theo đề nghị của Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội, phúc tra và lập thủ tục xử lý báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

2. Sở Tài chính

a) Hàng năm, căn cứ khả năng cân đối ngân sách cấp tỉnh chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan trình cấp có thẩm quyền bổ sung nguồn vốn uỷ thác cho Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội để cho vay theo Quy chế này.

b) Định kỳ hàng năm chủ trì, phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Kế hoạch và Đầu tư thực hiện kiểm tra tình hình và kết quả sử dụng vốn ngân sách Uỷ thác tại các đối tượng vay khi cần thiết.

c) Kiểm tra việc phân phối, sử dụng lãi thu được theo Điều 6 của Quy chế này.

3. Đề nghị các tổ chức chính trị - xã hội

a) Tuyên truyền, vận động và hướng dẫn thành lập Tổ tiết kiệm và vay vốn để thực hiện uỷ thác cho vay.

b) Tổ chức kiểm tra, giám sát, quản lý hoạt động tín dụng theo văn bản liên tịch và hợp đồng uỷ thác đã ký với Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội.

4. Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh

a) Quản lý và sử dụng vốn uỷ thác theo đúng các quy định của pháp luật và quy định tại Quy chế này, không để 01 đối tượng có thể tiếp cận 02 nguồn vốn (tỉnh, huyện) cùng 1 nguồn ngân sách địa phương.

b) Thực hiện giải ngân, thu hồi nợ; sử dụng vốn thu hồi để cho vay quay vòng;

c) Chủ động và phối hợp với các cơ quan liên quan kiểm tra vốn vay, xử lý nợ theo quy định.

d) Định kỳ hàng năm hoặc đột xuất theo yêu cầu của Ủy ban nhân dân tỉnh có báo cáo kết quả thực hiện cho vay từ nguồn vốn uỷ thác về Uỷ ban nhân dân tỉnh, Sở Tài chính và Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.

5. Uỷ ban nhân dân huyện, thành phố

Chỉ đạo các cơ quan chức năng và Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội cấp huyện thực hiện đúng cơ chế, chính sách cho vay từ nguồn vốn uỷ thác, làm tốt công tác tuyên truyền, vận động và tạo điều kiện để thực hiện chính sách tín dụng đối với Người vay trên địa bàn.

6. Uỷ ban nhân dân cấp xã

a) Chịu trách nhiệm xác nhận đối tượng vay vốn.

b) Phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội, tổ chức chính trị - xã hội, các cơ quan, đơn vị có liên quan kiểm tra việc sử dụng vốn vay, đôn đốc thu hồi nợ đến hạn, nợ quá hạn.

c) Có ý kiến đối với đề nghị của người vay trong trường hợp xin gia hạn nợ, xử lý nợ rủi ro; phối hợp với các cơ quan, đơn vị cấp trên trong việc phúc tra, xác định hộ vay vốn bị rủi ro trên địa bàn./.