Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THANH HÓA
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3301/2015/QĐ-UBND

Thanh Hóa, ngày 31 tháng 8 năm 2015

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH CƠ CHẾ, CHÍNH SÁCH KHUYẾN KHÍCH XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI TỈNH THANH HÓA, GIAI ĐOẠN 2016 – 2020

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH THANH HÓA

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Luật Ngân sách Nhà nước ngày 16 tháng 12 năm 2002;

Căn cứ Quyết định số 800/QĐ-TTg ngày 04/6/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020;

Căn cứ Quyết định số 695/QĐ-TTg ngày 08/6/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc sửa đổi nguyên tắc, cơ chế hỗ trợ vốn thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020;

Căn cứ Nghị quyết số 126/2015/NQ-HĐND ngày 17/7/2015 của Hội đồng nhân dân tỉnh Thanh Hóa khóa XVI, kỳ họp thứ 13 về cơ chế, chính sách khuyến khích xây dựng nông thôn mới tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2016 - 2020;

Xét đề nghị của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 170/TTr-SNN&PTNT ngày 19/8/2015 về việc ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích xây dựng nông thôn mới tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2016 - 2020,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích xây dựng nông thôn mới tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2016 - 2020, với những nội dung sau:

1. Hỗ trợ đầu tư các công trình: Trụ sở xã, Trạm y tế xã, Trung tâm văn hóa - thể thao xã

a) Đối tượng hỗ trợ:

Các xã nằm trong danh sách các xã đăng ký và có khả năng phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới trong giai đoạn 2016 - 2020 được Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt.

b) Điều kiện hỗ trợ:

- Các công trình: Trụ sở, Trạm y tế, Trung tâm văn hóa - thể thao xã phải phù hợp với điều kiện về xây mới và nâng cấp, cải tạo như sau:

+ Đối với công trình Trụ sở xã:

Xây dựng mới: Đối với các xã chưa có trụ sở xã hoặc đã có nhưng đang là nhà cấp IV, đã xuống cấp nghiêm trọng, không đảm bảo an toàn; hoặc đã đầu tư xây dựng kiên cố nhưng diện tích sàn xây dựng dưới 300m2.

Nâng cấp, cải tạo: Đối với các xã đã có trụ sở làm việc kiên cố với diện tích sàn xây dựng từ 300 - 600m2, nay cần xây dựng bổ sung một số hạng mục để đạt chuẩn.

+ Đối với công trình Trạm y tế xã:

Xây dựng mới: Đối với các xã chưa có trạm y tế xã, hoặc đã có nhưng đang là nhà cấp IV, đã xuống cấp nghiêm trọng, không đảm bảo an toàn; hoặc đã đầu tư xây dựng kiên cố nhưng diện tích sàn xây dựng dưới 150m2, chưa đáp ứng nhu cầu khám và chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân.

Nâng cấp, cải tạo: Đối với các xã đã đầu tư xây dựng kiên cố với diện tích sàn xây dựng từ 150 - 300m2, cần đầu tư thêm một số hạng mục để đạt chuẩn.

+ Đối với Trung tâm văn hóa - thể thao xã: Hỗ trợ đầu tư xây dựng mới đối với các xã chưa có, hoặc đã có trung tâm văn hóa - thể thao xã nhưng đã hư hỏng, xuống cấp không thể sử dụng được cần phải xây dựng mới đồng bộ cả nhà văn hóa đa năng và sân thể thao phổ thông.

- Các công trình xây mới, nâng cấp nêu trên phải nằm trong quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt, sau khi được hỗ trợ đầu tư phải đạt chuẩn theo tiêu chí nông thôn mới.

- Có cam kết vốn đối ứng của Ủy ban nhân dân xã, được Ủy ban nhân dân huyện thẩm định và đồng ý đưa vào danh sách đề nghị tỉnh hỗ trợ.

c) Nguyên tắc hỗ trợ:

Các công trình được hỗ trợ đầu tư phải phù hợp với điều kiện nêu tại mục a và mục b nêu trên; trong giai đoạn 2016 - 2020 mỗi xã chỉ được hỗ trợ 01 công trình do xã tự lựa chọn trong các công trình: Trụ sở xã, Trạm y tế xã, Trung tâm văn hóa - thể thao xã; ưu tiên hỗ trợ trước cho các xã có khả năng sớm đạt chuẩn nông thôn mới.

d) Mức hỗ trợ:

- Công trình Trụ sở xã:

+ Đối với các xã thuộc huyện 30a, xã 135, xã bãi ngang ven biển: Hỗ trợ 4,5 tỷ đồng/công trình xây dựng mới; 1,3 tỷ đồng/công trình nâng cấp, cải tạo.

+ Đối với các xã miền núi ngoài các xã thuộc huyện 30a, xã 135: Hỗ trợ 4 tỷ đồng/công trình xây mới; 1,2 tỷ đồng/công trình nâng cấp, cải tạo.

+ Đối với các xã còn lại: Hỗ trợ 3,5 tỷ đồng/công trình xây mới; 1 tỷ đồng/công trình nâng cấp, cải tạo.

- Công trình Trạm y tế xã:

+ Đối với các xã thuộc huyện 30a, xã 135, xã bãi ngang ven biển: Hỗ trợ 2,2 tỷ đồng/công trình xây dựng mới; 650 triệu đồng/công trình nâng cấp, cải tạo.

+ Đối với các xã miền núi ngoài các xã thuộc huyện 30a, xã 135: Hỗ trợ 2 tỷ đồng/công trình xây dựng mới; 600 triệu đồng/công trình nâng cấp, cải tạo.

+ Đối với các xã còn lại: Hỗ trợ 1,8 tỷ đồng/công trình xây mới; 550 triệu đồng/công trình nâng cấp, cải tạo.

- Công trình Trung tâm văn hóa - thể thao xã:

+ Đối với các xã thuộc huyện 30a, xã 135, xã bãi ngang ven biển: Hỗ trợ 4,5 tỷ đồng/công trình xây mới.

+ Đối với các xã miền núi ngoài các xã thuộc huyện 30a, xã 135: Hỗ trợ 4 tỷ đồng/công trình xây mới.

+ Đối với các xã còn lại: Hỗ trợ 3,5 tỷ đồng/công trình xây mới.

e) Trình tự, thủ tục hỗ trợ:

- Hàng năm, căn cứ vào khả năng huy động và tự cân đối nguồn vốn của xã; căn cứ Đề án, Kế hoạch đầu tư cơ sở hạ tầng của xã đã được Ủy ban nhân dân huyện phê duyệt, các xã lập tờ trình đề nghị hạng mục công trình được hưởng chính sách trong năm và cam kết vốn đối ứng gửi Ủy ban nhân dân huyện.

- Ủy ban nhân dân huyện trên cơ sở tờ trình và danh mục công trình, dự án đề nghị đầu tư trong năm tới của các xã trên địa bàn, tiến hành thẩm định nguồn vốn đối ứng cho từng công trình của các xã, lập danh sách các công trình đề nghị hỗ trợ theo thứ tự ưu tiên (kèm theo báo cáo kết quả thẩm định vốn đối ứng của từng công trình); danh sách công trình đề nghị hỗ trợ của huyện gồm các nội dung: sự cần thiết phải đầu tư, tên chủ đầu tư, dự kiến quy mô đầu tư (theo thiết kế mẫu được cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành), dự kiến địa điểm xây dựng (đánh giá sơ bộ về hiện trạng và xác định nhu cầu sử dụng đất), dự kiến tổng mức đầu tư, xác định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn gửi Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới tỉnh trước ngày 25 tháng 6 hàng năm để tổng hợp.

- Trên cơ sở danh mục công trình đề nghị của Ủy ban nhân dân huyện và thông báo kế hoạch vốn của Trung ương, của tỉnh hỗ trợ cho Chương trình MTQG về xây dựng nông thôn mới, Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới tỉnh lập danh mục công trình và kế hoạch vốn hỗ trợ cho từng công trình gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư thẩm định. Căn cứ kết quả thẩm định của Sở Kế hoạch và Đầu tư, Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới tỉnh tổng hợp trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt danh mục và giao kế hoạch vốn hỗ trợ cho các địa phương.

f) Cơ chế đầu tư:

Thực hiện theo quy định tại Điểm 4, mục VI, Điều 1 Quyết định số 800/QĐ-TTg ngày 04/6/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình MTQG xây dựng NTM giai đoạn 2010 - 2020; Quyết định số 498/QĐ-TTg ngày 21/3/2013 của Thủ tướng Chính phủ về bổ sung cơ chế đầu tư Chương trình MTQG xây dựng NTM giai đoạn 2010 - 2020; Điều 10, Văn bản hợp nhất số 01/VBHN-BNNPTNT ngày 14/01/2014 của Bộ Nông nghiệp và PTNT hợp nhất Thông tư liên tịch hướng dẫn một số nội dung thực hiện Quyết định số 800/QĐ-TTg ngày 04/6/2010 của Thủ tướng chính phủ về phê duyệt Chương trình MTQG xây dựng NTM giai đoạn 2010 - 2020.

g) Cơ chế phân bổ vốn

Nguồn vốn thực hiện hằng năm được lấy từ nguồn ngân sách Trung ương hỗ trợ và nguồn vốn đối ứng của tỉnh, được phân bổ theo nguyên tắc:

- Vốn Trung ương hỗ trợ được phân bổ theo mức Trung ương quy định cho các loại xã;

- Vốn đối ứng của tỉnh bố trí bổ sung phần còn lại để đảm bảo mỗi xã hoàn thành xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020 được hỗ trợ 01 công trình theo mức hỗ trợ quy định tại chính sách này.

2. Hỗ trợ xã; thôn, bản miền núi đạt chuẩn nông thôn mới

a) Đối tượng hỗ trợ:

- Các xã đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020 được Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định công nhận.

- Các thôn, bản đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020 thuộc những xã miền núi chưa đạt chuẩn nông thôn mới, được Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện quyết định công nhận.

b) Mức hỗ trợ:

- Đối với xã đạt chuẩn nông thôn mới: Hỗ trợ 1 tỷ đồng/xã;

- Đối với thôn, bản đạt chuẩn nông thôn mới thuộc xã miền núi: Hỗ trợ 100 triệu đồng/thôn, bản.

c) Trình tự, thủ tục hỗ trợ

- Đối với xã đạt chuẩn nông thôn mới: Căn cứ Quyết định công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới tỉnh phối hợp với Sở Tài chính trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh phân bổ kinh phí hỗ trợ.

- Đối với thôn, bản đạt chuẩn nông thôn mới thuộc xã miền núi:

+ Trước ngày 30 tháng 01 hàng năm, Ủy ban nhân dân huyện tổng hợp danh sách các thôn, bản được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới kèm theo các Quyết định công nhận gửi Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới tỉnh.

+ Trên cơ sở đề nghị của Ủy ban nhân dân huyện, Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới tỉnh phối hợp với Sở Tài chính trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh phân bổ kinh phí hỗ trợ.

d) Sử dụng kinh phí được hỗ trợ:

- Kinh phí hỗ trợ được sử dụng để bổ sung vào nguồn xây dựng mới và duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí về kết cấu hạ tầng được đầu tư từ nguồn vốn ngân sách.

- Giao Ủy ban nhân dân huyện chỉ đạo Ủy ban nhân dân xã, Ban Phát triển thôn, bản quản lý, sử dụng kinh phí đảm bảo theo đúng cơ chế quản lý nguồn vốn, cơ chế đầu tư của Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới.

3. Thời gian thực hiện

Từ năm 2016 đến năm 2020.

4. Nguồn kinh phí thực hiện chính sách

- Kinh phí hỗ trợ đầu tư các công trình Trụ sở xã, Trạm y tế và Trung tâm văn hóa - thể thao xã: Từ nguồn ngân sách Trung ương và ngân sách tỉnh hỗ trợ cho Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới.

- Kinh phí hỗ trợ các xã; thôn, bản miền núi đạt chuẩn nông thôn mới: Từ nguồn ngân sách tỉnh hỗ trợ cho Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới.

Điều 2. Tổ chức thực hiện

1. Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới tỉnh

- Chủ trì phối hợp với các địa phương rà soát, tổng hợp danh sách các xã đăng ký và có khả năng đạt chuẩn nông thôn mới hằng năm và cả giai đoạn trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt để ưu tiên nguồn lực và tập trung chỉ đạo.

- Trên cơ sở đề nghị của các huyện và nguồn vốn ngân sách Trung ương, tỉnh bố trí cho chương trình xây dựng nông thôn mới hàng năm, chủ trì phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính đề xuất Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh phân bổ vốn hỗ trợ cho các địa phương.

- Đôn đốc, theo dõi, kiểm tra việc thực hiện cơ chế, chính sách, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh theo yêu cầu.

2. Sở Kế hoạch và Đầu tư

Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan hướng dẫn, đề xuất lồng ghép các nguồn vốn từ các chương trình, dự án để đầu tư xây dựng nông thôn mới.

3. Sở Tài chính

- Chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới tỉnh và các cơ quan liên quan tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh trình Hội đồng nhân dân tỉnh bố trí kinh phí thực hiện chính sách xây dựng nông thôn mới.

- Theo dõi, hướng dẫn việc quản lý, sử dụng, thanh quyết toán kinh phí hỗ trợ xây dựng nông thôn mới theo quy định.

4. Sở Xây dựng

Rà soát, điều chỉnh, bổ sung các thiết kế mẫu cho phù hợp với điều kiện thực tế; theo dõi chất lượng thi công các công trình được hỗ trợ theo chính sách.

5. Các Sở, ban, ngành cấp tỉnh

- Rà soát, đánh giá các tiêu chí xây dựng nông thôn mới thuộc các xã đăng ký đạt chuẩn nông thôn mới theo lĩnh vực quản lý.

- Xây dựng kế hoạch lồng ghép các chương trình, dự án, chính sách do ngành quản lý phù hợp với mục tiêu xây dựng nông thôn mới của tỉnh.

6. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố

- Phổ biến cho các xã trên địa bàn nắm rõ các nội dung của cơ chế, chính sách này. Thực hiện đúng các quy định về tiêu chí, trình tự, thủ tục, hồ sơ xét, công nhận, tổ chức công bố thôn, bản đạt chuẩn NTM và về trình tự, thủ tục hỗ trợ; hướng dẫn, kiểm tra, giám sát các xã, thôn, bản quản lý, sử dụng nguồn kinh phí được hỗ trợ đúng mục đích, đảm bảo tiến độ, chất lượng, hiệu quả. Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh và pháp luật trong việc sử dụng kinh phí được hỗ trợ của các đối tượng.

- Huy động các nguồn vốn đầu tư trên địa bàn để lồng ghép thực hiện chính sách.

- Định kỳ 6 tháng, năm, báo cáo tiến độ thực hiện công trình và giải ngân nguồn vốn được hỗ trợ gửi Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới tỉnh để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh.

7. Ủy ban nhân dân các xã

- Sử dụng đúng mục đích, hiệu quả, công khai, dân chủ nguồn vốn hỗ trợ.

- Đảm bảo nguồn vốn đối ứng để thực hiện xây dựng công trình.

- Xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện đảm bảo tiến độ.

- Quản lý, sử dụng, thanh quyết toán nguồn kinh phí hỗ trợ theo đúng quy định hiện hành.

8. Ban Phát triển thôn, bản

- Xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới đảm bảo tiến độ.

- Sử dụng đúng mục đích, hiệu quả, đảm bảo công khai, dân chủ nguồn vốn được hỗ trợ.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký.

Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc các sở, ban, ngành cấp tỉnh, Chánh Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và Thủ trưởng các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Nguyễn Đình Xứng