BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 332/2000/QĐ-BGTVT | Hà Nội, ngày 17 tháng 02 năm 2000 |
VỀ VIỆC BAN HÀNH "QUY CHẾ TẠM THỜI QUẢN LÝ, KHAI THÁC, ĐẢM BẢO ATGT ĐƯỜNG LÁNG - HOÀ LẠC
BỘ TRƯỞNG BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
Căn cứ Pháp lệnh bảo vệ công trình giao thông ngày 2/12/1994;
Căn cứ Nghị định số 22/CP ngày 22/3/1994 của Chính phủ về nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm quản lý Nhà nước và cơ cấu tổ chức bộ máy của Bộ Giao thông vận tải;
Căn cứ Nghị định số 36/CP ngày 29/5/1995 của Chính phủ về bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ và trật tự an toàn giao thông đô thị;
Để quản lý, khai thác có hiệu quả, đảm bảo an toàn giao thông, an toàn công trình đường Láng - Hoà Lạc;
Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam và Vụ trưởng Vụ Pháp chế- Vận tải.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1: Nay ban hành kèm theo Quyết định này" Quy chế tạm thời về quản lý, khai thác, bảo đảm an toàn giao thông đường Láng - Hoà Lạc".
Điều 2: Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ký. Cục Đường bộ Việt Nam có trách nhiệm tổ chức chỉ đạo và kiểm tra việc thực hiện Quyết định này.
Điều 3: Các ông: Chánh văn phòng Bộ, Vụ trưởng,Thủ trưởng các cơ quan có liên quan khác thuộc Bộ, Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam, Giám đốc Sở Giao thông công chính Hà Nội, Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Tây, chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
| KT. BỘ TRƯỞNG BỘ GTVT |
QUẢN LÝ, KHAI THÁC, ĐẢM BẢO AN TOÀN GIAO THÔNG ĐƯỜNG LÁNG - HOÀ LẠC
(Ban hành kèm theo QĐ số: 332/2000 QĐ-BGTVT ngày 17 / 02 /2000 của Bộ trưởng Bộ GTVT)
Điều 1: Đường Láng - Hoà Lạc được đầu tư xây dựng theo Quyết định số 471/TTg ngày 13/7/1996 của Thủ tướng Chính phủ với tiêu chuẩn đường cao tốc 6 làn xe, rộng 35,5m được xây dựng theo hai giai đoạn. Giai đoạn 1 có nền rộng 12m, mặt đường 2 làn xe cơ giới, lề gia cố mỗi bên 2m (tiêu chuẩn nền, mặt đường của đường cấp III đồng bằng theo tiêu chuẩn thiết kế đường ô tô TCVN 4408 - 85), vai nền đường bên phải xây dựng trong giai đoạn 1 chính là vai nền đường bên phải của đường cao tốc trong tương lai.
Điều 2: Quy chế này quy định việc quản lý, sử dụng, khai thác đường Láng - Hoà Lạc áp dụng khi tuyến đường được xây dựng xong giai đoạn 1 tương ứng tiêu chuẩn về bề rộng nền, mặt đường của đường cấp III đồng bằng.
Các cơ quan quản lý Nhà nước, các đơn vị có liên quan, mọi đối tượng tham gia giao thông trên đường Láng - Hoà Lạc và nhân dân ven đường đều phải thực hiện nghiêm chỉnh Quy chế này.
Điều 4: Trong Quy chế này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. " Làn xe" là phạm vi giới hạn giữa hai vạch sơn (liền hoặc đứt khúc) hoặc giữa vạch sơn và dải phân cách mà phương tiện được phép đi theo hướng quy định.
Đối với đoạn đường có hai làn xe cơ giới cho một chiều ( từ Km 0 đến Km 2 + 174 thuộc địa phận Thành phố Hà Nội) thì làn xe cơ giới phía bên phải theo hướng xe chạy là làn xe cơ giới số 1(sau đây gọi là làn số 1), làn bên trái làn số 1 là làn xe cơ giới số 2. "Làn xe thô sơ" là làn quy định dành cho xe thô sơ và nằm ở phía bên phải làn số 1.
2. " Dải phân cách giữa" (từ Km o đến Km 2 + 174) là dải được xây bao bằng bó vỉa bê tông xi măng, trên có lớp phủ hoặc trồng cây, trồng cỏ để phân cách giữa hai chiều đi và về của phương tiện.
3. "Hành lang bảo vệ đường" là phạm vi quy định hai bên đường nhằm mục đích giữ gìn sự bền vững cho công trình, bảo vệ an toàn cho khai thác vận tải và khu dân cư tập trung dọc đường.
4. "Đường ngang" là đường giao cắt cùng mức với đường Láng - Hoà Lạc.
5. "Đường gom" là đường để tập trung phương tiện giao thông hoặc người, súc vật đi theo quy định tới các cầu chui để đi qua dưới đường Láng - Hoà Lạc nhằm giảm xung đột tại vị trí giao cắt cùng mức với đường Láng - Hoà Lạc, bao gồm đường gom dân sinh cho người, xe thô sơ và đường gom cơ giới địa phương cho xe cơ giới địa phương.
6. "Cầu chui dân sinh" tĩnh không 2,5m và "Cầu chui cho xe cơ giới địa phương" tĩnh không 3,2m là cầu phục vụ cho người, xe thô sơ và xe cơ giới khu vực hai bên đường qua lại để tránh việc đi giao ngay trên mặt đường Láng - Hoà Lạc.
7. " Xe cơ giới" là các loại xe có gắn động cơ như: xe tải, xe ca, xe con, xe chuyên dụng, xe lam, xe máy...
8. " Xe thô sơ" là các loại xe không có động cơ như: xe đạp, xe thồ, xe súc vật kéo, xe đạp lôi, xe ba gác, xe xích lô.
 
Điều 5: Quy định sử dụng làn xe cơ giới
1. Làn xe cơ giới chỉ dành cho các loại xe có động cơ hoạt động theo một chiều quy định.
2. Các loại xe cơ giới chỉ được chạy trong làn xe quy định, không được để bánh xe chạy đè lên vạch sơn kẻ dọc phân làn, trừ trường hợp vượt hoặc rẽ. Sau khi vượt, xe lại phải trở về làn xe quy định.
3. Đối với đoạn đường từ Km 0 đến Km 2 +174 là đường thành phố cấp 2 có 2 làn xe cơ giới cho 1 chiều, tất cả các loại xe tải, xe ca, xe chở container, xe chuyên dụng và các loại xe gắn động cơ có tốc độ chậm như xe máy, xe lam... chỉ được đi vào làn bên phải của hướng đi(làn số 1), không được đi sang làn số 2(làn bên trái làn số 1), trừ trường hợp vượt.
Làn xe số 2 chỉ dành cho xe con có tốc độ lớn hơn và để cho các loại xe khác vượt nhau khi có đủ điều kiện.
4. Khi xe cơ giới chạy trên đường bị hư hỏng thì người điều khiển phương tiện phải tìm biện pháp đưa xe ngay vào sát mép đường đồng thời phát tín hiệu dừng xe. Sau đó phải khẩn trương sửa chữa hoặc kéo xe đi để nhanh chóng giải phóng làn xe cơ giới và thô sơ, tuyệt đối không làm ảnh hưởng đến lưu thông, trật tự an toàn giao thông.
5. Tốc độ xe cơ giới chạy tối đa trên đường ngoài khu vực thành phố, thị xã, thị tứ không quá 80 Km/giờ và phải tuân theo quy định của biển báo tốc độ trên đường.
Điều 6: Quy định sử dụng làn xe thô sơ
1. Từ Km 0 đến Km 2 + 174: Người đi bộ phải đi trên vỉa hè; Xe thô sơ đi trong làn xe được xác định giữa vạch sơn dọc tuyến trên mặt đường phân định làn xe cơ giới với bó vỉa hè đường.
2. Đối với đoạn đường không có làn xe thô sơ chỉ có lề gia cố(Km 2 + 174 đến Km 30 + 030) thì các loại xe thô sơ, người đi bộ được đi trên phần lề gia cố bê tông nhựa(coi như làn xe thô sơ). Giữa làn xe cơ giới và lề gia cố có vạch sơn phân định(mép mặt đường); Nghiêm cấm các phương tiện cơ giới đi vào hoặc dừng, đỗ trong làn xe thô sơ.
Điều 7: Quy định sử dụng đường ngang
1. Tại các điểm có mở dải phân cách giữa để tạo thành đường ngang và tại phạm vi các nút giao, cho phép các loại phương tiện cơ giới, xe thô sơ và người đi bộ được đi ngang qua đường nhưng phải tuân thủ các biển báo, tín hiệu chỉ dẫn giao thông trên đường.
2. Xe cơ giới muốn quay đầu phải đến đúng vị trí quy định(có biển chỉ dẫn).
3. Người đi bộ và người chăn dắt súc vật khi sang đường phải đi đúng đường quy định như đường gom, cầu chui dân sinh, vạch sơn;
4. Khi qua đường ngang phải quan sát, nếu bảo đảm an toàn mới được sang đường.
Điều 8: Hệ thống báo hiệu đường bộ.
1. Hệ thống biển báo, biển chỉ dẫn, cột KM... phải có đầy đủ trên đường. Đặc biệt tại các điểm tập trung dân cư, khu công nghiệp, trường học... phải có biển báo hiệu, các vạch sơn phân chia làn, sơn báo hiệu trên đường phải rõ ràng bằng chất liệu phản quang. Tại đỉnh các cột tiêu cần gắn tấm phản quang hoặc sơn phản quang.
2. Mọi đối tượng tham gia giao thông trên đường Láng - Hoà Lạc đều phải tuân theo các quy định về biển báo, biển chỉ dẫn, vạch sơn và tín hiệu của người điều khiển giao thông trên đường.
3. Người điều khiển các loại xe cơ giới phải chủ động giảm tốc độ khi có biển báo có khu thị tứ, khu đông dân cư, các đường ngang ...
Điều 9: Mọi người điều khiển phương tiện đi trên các đường ngang đều phải nhường quyền ưu tiên cho phương tiện đi trên đường Láng - Hoà Lạc (trừ các phương tiện được quyền ưu tiên theo quy định). Người điều kiển phương tiện đi trên đường ngang phải dừng hẳn lại và quan sát thấy đảm bảo an toàn, mới được hoà vào dòng phương tiện trên đường Láng - Hoà Lạc.
Điều 10: Quy định an toàn trên làn xe cơ giới và làn xe thô sơ
1. Người điều khiển các loại xe ca, xe buýt không được tự ý dừng đón, trả khách trên làn xe cơ giới. Phải dừng, đỗ đúng nơi quy định (có biển chỉ dẫn) ngoài làn xe cơ giới.
2. Cấm các loại xe đi ngược chiều trên làn xe quy định. Cấm xe thô sơ đi vào làn xe cơ giới và ngược lại.
3. Cấm dùng làn xe thô sơ và lề đường làm nơi để vật liệu xây dựng, bày hàng quán, họp chợ và các hành vi khác làm ảnh hưởng đến trật tự an toàn giao thông.
4. Cấm thả rông trâu, bò và súc vật khác trên đường.
5. Cấm phơi rơm rạ hoặc bất cứ thứ gì trên đường, trên dải phân cách giữa, trên lề đường và các công trình, thiết bị cầu đường khác.
6. Cấm lợi dụng dải phân cách giữa, cột tiêu, biển báo, lề đường và công trình cầu, đường khác để làm nơi quảng cáo, trưng bày hàng hoá, che lấp hoặc làm mất mỹ quan các công trình bảo đảm an toàn giao thông.
7. Nghiêm cấm dùng mặt đường Láng - Hoà Lạc để đua xe trái phép, tập lái ôtô, xe đạp, xe máy.
Điều 11: Bảo vệ cầu đường, thiết bị bảo đảm an toàn giao thông và môi trường.
1. Nghiêm cấm bất cứ hành vi nào làm hư hỏng các công trình cầu, đường và các thiết bị an toàn giao thông trên đường. Nếu có hành vi trộm cắp, tự ý tháo dỡ, làm hư hỏng, giảm tuổi thọ, hạn chế tác dụng của các công trình cầu đường và các thiết bị an toàn giao thông sẽ bị sử lý theo theo quy định của pháp luật.
2. Nghiêm cấm hành vi tự ý phá dải phân cách giữa để làm lối đi tuỳ tiện. Không được tự ý nhảy qua dải phân cách để sang đường. Nếu thấy vị trí dải phân cách bố trí chưa hợp lý thì phải đề nghị với cơ quan quản lý cầu đường có thẩm quyền để giải quyết việc đóng, mở.
3. Môi trường giao thông cần được giữ gìn, giảm bớt sự ô nhiễm. Nghiêm cấm lái xe ôtô vận chuyển vật liệu, đất, đá, phế thải... để rơi vãi trên đường.
Điều 12: Hành lang bảo vệ đường Láng - Hoà Lạc
1. Phạm vi hành lang bảo vệ đường bộ theo quy định tại Nghị định 172/1999/NĐ - CP ngày 17/12/1999 của Chính Phủ, theo hướng Láng - Hoà Lạc phía phải tuyến là 20m kể từ chân nền đường đắp hoặc từ mép đỉnh của mái đường đào, riêng hành lang bảo vệ đường phía bên trái tuyến được tính từ chân nền đường đắp hoặc từ mép đỉnh của mái đường đào(giai đoạn 1) tới mốc hành lang bảo vệ của đường cao tốc Láng - Hoà Lạc sau khi được xây dựng hoàn chỉnh(xong giai đoạn 2).
2. Hành lang bảo vệ đường bộ qua khu đô thị đã được cơ quan có thẩm quyền duyệt quy hoạch là bề rộng vỉa hè đường phố.
3. Trong phạm vi hành lang bảo vệ đường Láng - Hoà Lạc
- Thực hiện nghiêm chỉnh các quy định trong Nghị định 172/1999/NĐ - CP của Chính phủ.
- Không được xây dựng nhà cửa, lều quán, kho tàng, công trình tạm thời hay vĩnh cửu.
QUY ĐỊNH VỀ TRÁCH NHIỆM QUẢN LÝ
Điều 13: Các cơ quan quản lý Nhà nước chuyên ngành, các cấp chính quyền địa phương (xã, phường, quận, huyện, thị xã, tỉnh, thành phố) nơi có đường Láng - Hoà Lạc đi qua, tuỳ theo chức năng, nhiệm vụ của mình có trách nhiệm quản lý, kiểm tra, giám sát và sử lý mọi tổ chức, cá nhân vi phạm quy chế theo quy định của pháp luật
Điều 14: Các đơn vị quản lý cầu đường trực tiếp quản lý đường Láng - Hoà Lạc có trách nhiệm :
1. Quản lý, bảo vệ tốt hệ thống cầu, đường và các thiết bị an toàn giao thông đã được xây dựng, lắp đặt hoàn chỉnh(bao gồm cả mốc lộ giới, các cầu chui dân sinh và cầu chui cho xe cơ giới địa phương). Phải dựa trên hồ sơ hoàn công đối chiếu với thực tế để quản lý.
2. Kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất các công trình, đặc biệt cầu, cống, phát hiện hư hỏng, mất mát để có biện pháp sửa chữa. Phải cập nhật trên sổ sách hoặc trên máy vi tính những lần kiểm tra này.
3. Phải thực hiện nghiêm túc chế độ sửa chữa, duy tu, bảo dưỡng thường xuyên.
4. Duy trì đều đặn chế độ tuần đường nhằm kịp thời phát hiện các hành vi vi phạm quy chế. Phải có biện pháp đình chỉ ngay các hoạt động gây tổn hại đến công trình, an toàn giao thông, gây ô nhiễm môi trường trên đường Láng - Hoà Lạc.
5. Kiểm tra chặt chẽ tất cả các xe quá khổ, quá tải thông qua các trạm cân tải trọng xe. Xử lý kịp thời các lái xe vi phạm theo quy định của pháp luật.
6. Thực hiện thu phí cầu đường tại trạm thu phí theo quyết định của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền. Yêu cầu trạm thu phí có biện pháp thích hợp, tạo thuận lợi cho người tham gia giao thông, tận thu, không bỏ sót. Kiên quyết sử lý các hiện tượng tiêu cực phát sinh. Việc thu phí không được gây ùn tắc giao thông.
7. Phối hợp với các cơ quan chức năng của tỉnh Hà Tây, Thành phố Hà Nội trong việc tuyên truyền, phổ biến giáo dục mọi người thực hiện các quy định của pháp luật và quy chế về an toàn giao thông trên đường Láng - Hoà Lạc.
Điều 15: Các đơn vị quản lý đường bộ có trách nhiệm phối hợp với Cảnh sát giao thông, chính quyền các địa phương ven đường Láng - Hoà Lạc để đảm bảo việc quản lý khai thác đường Láng - Hoà Lạc theo đúng Quy chế này và các quy định của pháp luật có liên quan.Cụ thể là:
1. Phối hợp với Cảnh sát giao thông trong việc tổ chức điều khiển, hướng dẫn giao thông trên đường; Tuần tra , kiểm soát, phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm quy định về trật tự an toàn giao thông; Đặc biệt hiện tượng xe đi ngược chiều quy định, xe chạy quá tốc độ quy định ở những nơi cần giảm tốc độ, xe đỗ tuỳ tiện, xe thiếu thiết bị an toàn; Giải quyết các sự cố ảnh hưởng đến trật tự an toàn giao thông để đảm bảo không ảnh hưởng đến lưu thông như: Tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông, đặc biệt tại các khu công nghiệp lớn, trường học, nhà thờ , nơi tập trung đông người qua lại.
2. Phối hợp với các cấp chính quyền địa phương trong việc tuyên truyền, vận động, nhắc nhở, giáo dục nhân dân địa phương thực hiện đúng quy chế nhằm sử dụng, khai thác đường Láng - Hoà Lạc có hiệu quả đồng thời đảm bảo an toàn giao thông cho mọi đối tượng, phòng ngừa và hạn chế tai nạn trên đường; Thực hiện các biện pháp bảo vệ công trình,các thiết bị trên đường; Quản lý tốt các đường gom và hành lang bảo vệ đường Láng - Hoà Lạc; Bảo vệ cảnh quan, vệ sinh môi trường; Xử lý kịp thời các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật.
Điều 16: Tổ chức, cá nhân có thành tích trong công tác quản lý, bảo vệ công trình giao thông, bảo đảm an toàn giao thông trên đường Láng - Hoà Lạc được khen thưởng theo chế độ chung của Nhà nước.
Điều 17: Tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm các quy định của Quy chế này thì bị xử lý theo quy định tại các Nghị định 49/CP ngày 26 tháng 7 năm 1995, Nghị định bổ sung số 78/1998/NĐ-CP ngày 26/9/1998 của Chính phủ. Trong trường hợp vi phạm nghiêm trọng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
(Phần phụ lục kèm theo có trích một số quy định về xử phạt hành chính đối với những hành vi vi phạm và mức sử phạt theo Nghị định 49/CP, Nghị định số 78/1998/NĐ-CP và Nghị định số 172/1999/NĐ-CP).
- 1 Quyết định 650/QĐ-BGTVT năm 2012 công bố Danh mục văn bản quy phạm pháp luật về giao thông vận tải hết hiệu lực thi hành 6 tháng cuối năm 2011 do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành
- 2 Quyết định 1291/QĐ-BGTVT năm 2014 công bố kết quả hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Giao thông vận tải đến hết ngày 31/01/2014
- 3 Quyết định 1291/QĐ-BGTVT năm 2014 công bố kết quả hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Giao thông vận tải đến hết ngày 31/01/2014
- 1 Quyết định 855/QĐ-TTg năm 2002 về việc phê duyệt Định hướng quy hoạch chung xây dựng tuyến đường Láng - Hoà Lạc đến năm 2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 2 Nghị định 172/1999/NĐ-CP Hướng dẫn Pháp lệnh Bảo vệ công trình giao thông đối với công trình giao thông đường bộ
- 3 Nghị định 78/1998/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 49/CP về xử phạt hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông đường bộ và trật tự an toàn giao thông đô thị
- 4 Nghị định 49-CP năm 1995 quy định xử phạt hành chính về hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông đường bộ và trật tự an toàn giao thông đô thị
- 5 Nghị định 36-CP năm 1995 về việc bảo đảm an toàn giao thông đường bộ và trật tự an toàn giao thông đô thị
- 6 Pháp lệnh Bảo vệ công trình giao thông năm 1994
- 1 Quyết định 855/QĐ-TTg năm 2002 về việc phê duyệt Định hướng quy hoạch chung xây dựng tuyến đường Láng - Hoà Lạc đến năm 2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 2 Quyết định 650/QĐ-BGTVT năm 2012 công bố Danh mục văn bản quy phạm pháp luật về giao thông vận tải hết hiệu lực thi hành 6 tháng cuối năm 2011 do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành
- 3 Quyết định 1291/QĐ-BGTVT năm 2014 công bố kết quả hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Giao thông vận tải đến hết ngày 31/01/2014