ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 34/2005/QĐ-UB | Bình Dương, ngày 01 tháng 03 năm 2005 |
ỦY BAN NHÂN DÂN
- Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26/11/2003.
- Xét đề nghị của sở Nông nghiệp-Phát triển nông thôn tại tờ trình số 775/TT-NN ngày 16/12/2004.
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1: Ban hành Qui định tạm thời về kiểm soát giết mổ gia súc, gia cầm; Qui định tạm thời về xử lý thịt, phủ tạng các loại sản phẩm động vật không đạt tiêu chuẩn vệ sinh thú y trên địa bàn tỉnh Bình Dương như sau :
- Có bản quy định cụ thể kèm theo.
Điều 2: Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc sở Nông nghiệp-Phát triển nông thôn, Chi cục trưởng Chi cục Thú y, Thủ trưởng các sở, ngành có liên quan, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã Thủ Dầu Một chịu trách nhiệm thi hành quyết định này kể từ ngày ký./.
Nơi nhận : | TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
KIỂM SOÁT GIẾT MỔ TRÂU, BÒ, DÊ, CỪU
(Ban hành kèm theo Quyết định số 34/2005/QDT-UB ngày 01/03/2005 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương)
Để đảm bảo yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng thịt, ngăn, ngừa dịch bệnh lây lan cho người và động vật, tất cả các loại gia súc đưa vào lò giết mổ trước và sau khi giết mổ phải do bác sỹ, kỹ thuật viên kiểm dịch động vật đã được đào tạo về chuyên môn nghiệp vụ kiểm tra vệ sinh thú y và trong quá trình kiểm tra phải tuân theo quy trình như sau:
I. KIỂM TRA VIỆC THỰC HIỆN CÁC TIÊU CHUẨN VỆ SINH THÚ Y ĐỐI VỚI NGƯỜI GIẾT MỔ VÀ CƠ SỞ GIẾT MỔ
1. Kiểm tra giấy khám sức khoẻ định kỳ của người giết mổ.
2. Kiểm tra ý thức hoạt động một cách vệ sinh của người giết mổ như mặc trang phục bảo hộ trong khi làm việc, vệ sinh tiệt trùng dụng cụ giết mổ thường xuyên, không đứng lên bệ giết mổ mổ gia súc...
3. Kiểm tra việc vệ sinh, tiêu độc nhà xưởng, trang thiết bị và dụng cụ cơ sở giết mổ trước và sau khi giết mổ.
II. KIỂM TRA GIA SÚC TRƯỚC KHI GIẾT MỔ
1. Kiểm tra giấy chứng nhận hợp lệ của gia súc.
2. Kiểm tra tình trạng sức khỏe và vệ sinh đối với động vật đưa vào giết mổ
Kiểm tra tình trạng sức khoẻ của gia súc trong từng ô chuồng.
Kiểm tra tình trạng sức khoẻ của từng con gia súc, cho gia súc di chuyển 2 lần qua đường dẫn giữa 2 ô chuồng để kiểm tra; nếu con nào nghi ngờ thì tách riêng để kiểm tra các dấu hiệu lâm sàng, đánh dấu và áp dụng các biện pháp xử lý như giết mổ sau cùng hoặc giết mổ ở khu vực riêng hoặc không được phép giết mổ hoặc nuôi nhốt cách ly để theo dõi tiếp. Chú ý phát hiện bệnh nhiệt thán, chướng hơi dạ cỏ.
Kiểm tra độ sạch của gia súc: Đối với những gia súc quá bẩn (dính phân hoặc đất ... quá nhiều) thì cần được vệ sinh trước khi giết mổ hoặc để lại giết mổ sau cùng hoặc ở khu vực riêng.
Chỉ cho giết mổ gia súc khoẻ mạnh, sạch và được nghỉ ngơi từ 6- 24 giờ trước khi giết mổ, cho nhịn ăn, cho uống nước đầy đủ.
Tái kiểm tra lâm sàng sau 24 giờ đối với số gia súc tồn chuồng.
III. KIỂM TRA GIA SÚC SAU KHI GIẾT MỔ
Phủ tạng của con nào phải để liền với thân thịt của con đó hoặc có biện pháp đánh dấu để tránh nhầm lẫn. Bác sỹ, kỹ thuật viên kiểm dịch động vật kiểm tra theo trình tự:
1. Khám đầu
Kiểm tra bề mặt ngoài, mắt niêm mạc miệng, xem có dấu hiệu bệnh lý như bệnh tích Lở mồm Long móng (LMLM), hoại tử. Kiểm ra cơ nhai và cơ lưỡi để phát hiện hạt gạo.
Kiểm tra hạch lâm ba mang tai, dưới hàm và sau hầu để phát hiện bệnh tích bệnh Lao hay các ổ áp xe: xem hình thái thể tích màu sắc bên ngoài của hạch; bổ đôi hạch xem màu sắc, mặt cắt và độ rắn, mềm của hạch lâm ba, khi cắt hạch có chảy nước ra hay không, có xung huyết, có suất huyết, có mủ hay không. Chú ý quan sát về những biến đổi bệnh lý trên mặt cắt. Mỗi hạch cắt tối thiểu 2 lát cắt.
2. Khám phủ tạng
Khám phổi
Quan sát hình thái màu sắc, tổ chức của thuỳ phổi.
Sờ nắn toàn bộ lá phổi, cắt ngang lá phổi xem màu sắc của mặt cắt. Chú ý phát hiện bệnh tích của viêm phổi, lao, sán lá gan, kén nước...
Kiểm tra hạch lâm ba phế quản phổi trái, phải và hạch trung thất.
Khám tim
Quan sát hình thái, tổ chức, màu sắc cơ tim, mỡ vành tim, tình trạng tích nước của màng bao tim, các dấu hiệu bệnh lý như viêm màng bao tim, xuất huyết hay ký sinh trùng.
Bổ dọc quả tim quan sát màu sắc mặt trong tim, độ đàn hồi của cơ tim, biến đổi của van nhĩ thất, các dấu hiệu bệnh lý như xuất huyết, ký sinh trùng ở cơ tim.
Khám gan
Quan sát hình thái thể tích, rìa gan, màu sắc bên ngoài của gan.
Cắt tổ chức gan kiểm tra màu sắc bên trong của tổ chức gan, độ rắn mềm của gan, bề mặt mặt cắt. Kiểm tra xem có các ổ áp xe, nhiễm ký sinh trùng như kén nước hoặc gạo bò, sán lá gan. Nếu cần thiết cắt ống dẫn mật để kiểm tra.
Kiểm tra hạch lâm ba.
Khám lách
Quan sát hình thái, thể tích, màu sắc tính chất của lách.
Cắt dọc lách quan sát màu sắc và các tổ chức của lách .
Khám thận
Quan sát hình thái, thể tích, màu sắc của thận, các điểm xuất huyết trên bề mặt thận.
Nếu nghi ngờ thì bổ dọc thận xem các tổ chức của thận và bể thận.
Khám dạ dày, ruột
Khám dạ dày để kiểm tra các vết loét, xung huyết, xuất huyết ở niêm mạc dạ dày.
Khám ruột để kiểm tra các hạt lao ruột, xung huyết, xuất huyết ở niêm mạc ruột, nốt loét ở thành ruột.
Kiểm tra hạch lam ba ở màng treo ruột.
3. Khám thân thịt
Kiểm tra màu sắc của tổ chức mỡ, cơ, chú ý phát hiện xuất huyết.
Kiểm tra xoang ngực, xoang bụng: quan sát màu sắc, xem có dấu hiệu bất thường như tụ máu... hay có dấu hiệu bệnh lý như viêm phổi dính xoang ngực, viêm ruột dính xoang bụng, ổ áp xe, tình trạng tích nước.
Kiểm tra độ sạch của thân thịt: xem thân thịt có tạp nhiễm chất chứa đường tiêu hoá và các tạp chất khác.
Cắt ngang thớ cơ mông để kiểm tra các đặc điểm cảm quan của thịt như: màu sắc, mùi vị và độ đàn hồi... của thịt. Kiểm tra phát hiện ký sinh trùng như gạo bò, nhục bào tử trùng... trong tổ chức cơ.
Kiểm tra hạch lâm ba trước vai, trước đùi.
4. Xử lý trong trường hợp nghi ngờ
Trường hợp nghi ngờ, bác sĩ, kỹ thuật viên kiểm dịch lấy mẫu gửi về phòng thí nghiệm để xét nghiệm. Thân thịt và phủ tạng nghi ngờ cần phải được tách riêng và bảo quản lạnh trong khi chờ kết quả xét nghiệm.
5. Dán tem vệ sinh thú y
Thịt, phủ tạng đảm bảo đủ tiêu chuẩn vệ sinh thú y thì phải được đóng dấu, lăn dấu hoặc dán tem vệ sinh thú y.
XỬ LÝ THỊT, PHỦ TẠNG VÀ CÁC LỌAI SẢN PHẨM ĐỘNG VẬT KHÔNG ĐẠT TIÊU CHUẨN VỆ SINH THÚ Y
(Ban hành kèm theo Quyết định số 34/2005/QĐ-UB ngày 01/03/2005 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương)
I. Phân loại thịt, phủ tạng và các sản phẩm động vật khác không đạt tiêu chuẩn thú y
1. Thịt, phủ tạng và các động vật khác tạp nhiễm phân, đất hoặc chất chứa đường ruột...
2. Thịt kém phẩm chất do có màu sắc (màu vàng hoặc bị tụ huyết không phải do bệnh truyền nhiễm), mùi vị (mùi nước tiểu, phân, mùi thuốc thú y...) khác thường
3. Thịt và phủ tạng của con vật bị mắc bệnh, đặc biệt các bệnh truyền nhiễm, lây sang người.
II. Các phương pháp xử lý đối với thịt và phủ tạng không đạt tiêu chuẩn vệ sinh thú y (VSTY)
Biện pháp xử lý đối với thịt và phủ tạng không đạt tiêu chuẩn VSTY căn cứ vào việc quan sát, sờ nắn, cắt và việc kiểm tra trước khi giết mổ và kết quả xét nghiệm của phòng thí nghiệm. Các biện pháp xử lý chủ yếu như sau:
1. Thịt và phủ tạng không đạt tiêu chuẩn VSTY được sử dụng làm thực phẩm cho con người
Với điều kiện là thịt phải được xử lý bằng biện pháp cơ giới như rửa sạch, cắt gọt hoặc bằng nhiệt dưới sự giám sát của bác sỹ, kiểm dịch viên động vật. Biện pháp này thường áp dụng với trường hợp thịt động vật bị bệnh cục bộ hoặc bị tạp nhiễm, kém phẩm chất. Sau khi được xử lý, thịt và phủ tạng phải đạt tiêu chuẩn VSTY.
1.1. Xử lý bằng biện pháp cơ giới như rửa sạch hoặc cắt gọt
Biện pháp này thường được áp dụng đối với trường hợp thịt và phủ tạng bị tạp nhiễm phân, đất, chất chứa đường ruột hoặc các trường hợp thân thịt, phủ tạng có bệnh tích cục bộ.
1.2. Xử lý nhiệt bằng cách luộc chín:
1.2.1. Đối với thịt gia súc trước khi luộc phải cắt thành từng miếng, dày không quá 8cm, nặng không quá 2kg và luộc sôi trong 2 giờ.
1.2.2. Đối với thịt gia cầm phải bổ dọc theo sống lưng luộc sôi 30 phút.
2. Thịt và phủ tạng không đạt tiêu chuẩn vệ sinh để sử dụng làm thực phẩm cho con người
Thịt phải được xử lý và chế biến thành thức ăn gia súc hoặc phải huỷ bằng hóa chất và nhiệt. Biện pháp này thường áp dụng đối với con vật bị nhiễm toàn thân.
2.1. Thịt và phủ tạng (không dùng lông và dạ dày) dùng để chế biến thức ăn cho gia súc hoặc cắt từng miếng nhỏ, luộc sôi 6 giờ, để nguội ép lấy mỡ. Mỡ phải nhuộm màu để tránh lẫn với mỡ cho con người tiêu dùng.
2.2. Thịt và phủ tạng của gia súc, gia cầm không đạt tiêu chuẩn VSTY, nếu không dùng chế biến được, phải được để trong thùng kín có khoá và được rạch nát trộn với crezin hoặc dầu hoả hoặc vôi bột, đem chôn ở khu vực quy định hoặc đốt trong lò thiêu nhiệt độ cao.
III. Biện pháp xử lý đối với thịt, phủ tạng và các sản phẩm tạp nhiễm kém phẩm chất
1. Biện pháp xử lý đối với thịt, phủ tạng và các sản phẩm tạp nhiễm
Áp dụng biện pháp rửa sạch đối với thịt, phủ tạng và các sản phẩm khác bị tạp nhiễm nhẹ như dính phân, đất hoặc các chất chứa đường ruột... Trường hợp tạp nhiễm nặng hơn, áp dụng biện pháp cắt bỏ phần tạp nhiễm, rửa sạch và xử lý nhiệt.
2. Biện pháp xử lý đối với thịt kém phẩm chất
2.1. Mỡ dưới da, mỡ trong tổ chức cơ có màu vàng do những nguyên nhân khác (loại trừ những bệnh truyền nhiễm) thì toàn bộ thịt và phủ tạng phải luộc chín. Sau khi luộc chín nếu có mùi khác thường thì toàn bộ thịt và phủ tạng phải huỷ bỏ.
2.2. Thịt có mùi khác thường (mùi nước tiểu, mùi phân, mùi thuốc tiêm, mùi thối...) thì toàn bộ thịt và phủ tạng phải luộc chín, nếu sau khi luộc chín vẫn còn mùi thì toàn bộ thịt và phủ tạng phải huỷ bỏ.
2.3. Toàn bộ thân thịt bị tụ huyết nặng nhưng không phải nguyên nhân do bệnh truyền nhiễm thì toàn bộ phải luộc chín, nếu toàn bộ tổ chức cơ, tổ chức khác tụ huyết nặng thì toàn bộ thịt và phủ tạng phải huỷ bỏ.
1. Biện pháp xử lý thịt, phủ tạng và các sản phẩm khác trong một số bệnh truyền nhiễm gia súc
1.1. Bệnh nhiệt thán (Anthrax):
Khi giết mổ thấy gia súc mắc bệnh hoặc nghi mắc bệnh Nhiệt thán thì phải ngừng ngay việc giết mổ và lấy bệnh phẩm để xét nghiệm, thịt và phủ tạng của gia súc nghi mắc bệnh phải được đựng trong thùng kín. Những thân thịt, phủ tạng của gia súc trước đó không tiếp xúc với thân thịt, phủ tạng mắc bệnh hoặc không mắc bệnh phải được chuyển ra khỏi lò mổ, không phải xử lý kỹ thuật.
Nếu xác định đúng bệnh thì toàn bộ thịt, phủ tạng, da lông, xương, sừng, móng ... đều phải thiêu huỷ.
Thịt, phủ tạng của những con gia súc khác tiếp xúc với gia súc khác mắc bệnh trong quá trình giết mổ đều phải luộc chín. Nếu quá 6 giờ kể từ khi phát hiện bệnh mà không luộc chín thì thịt, phủ tạng, da, xương... đều phải thiêu huỷ.
Khu vực giết mổ và dụng cụ giết mổ phải tiêu độc bằng dung dịch xút hoặc formol 5%, quần áo của cán bộ công nhân trong khu vực giết mổ phải khử trùng. Công nhân trực tiếp giết mổ gia súc mắc bệnh phải được cơ quan Y tế khám bệnh và theo dõi sức khoẻ trong vòng 6 ngày.
1.2. Bệnh Ung khí thán (Ganggraena emphysematosa)
Sau khi giết mổ phát hiện trâu, bò mắc bệnh hoặc nghi mắc bệnh Ung khí thán thì phải ngưng giết mổ. Toàn bộ thịt, phủ tạng, da lông, xương, sừng, móng... đều phải được thiêu huỷ. Khu vực giết mổ và dụng cụ giết mổ gia súc phải được tiêu độc bằng dung dịch xút hoặc formol 5%.
1.3. Bệnh Tỵ thư (Glanders)
Khi giết mổ phát hiện gia súc mắc bệnh hoặc nghi mắc bệnh Bệnh Tỵ thư toàn bộ thịt, phủ tạng, da, lông, xương, sừng, móng ... đều phải được thiêu huỷ.
Thịt, phủ tạng của những gia súc khác bị lây nhiễm do tiếp xúc với gia súc mắc bệnh trong quá trình giết mổ phải được luộc chín.
Khu vực giết mổ và dụng cụ giết mổ phải được tiêu độc bằng dung dịch xút hoặc formol 5%. Quần áo làm việc của công nhân phải được khử trùng. Công nhân giết mổ gia súc mắc bệnh phải được cơ quan Y tế khám bệnh và theo dõi sức khoẻ trong vòng 15 ngày.
1.4. Bệnh Lao (Turberculosis)
Sau khi giết mổ gia súc, gia cầm phát hiện thấy có bệnh tích của bệnh Lao ở phủ tạng, các hạch lam ba hoặc các bệnh tích Lao lấm tấm như hạt kê ở xoang ngực, xoang bụng thì toàn bộ thịt, phủ tạng phải huỷ bỏ.
Nếu chỉ phát hiện thấy bệnh tích Lao ở từng bộ phận của cơ thể (một vài hạch lam ba hoặc ở buồng vú hoặc ở phổi) thì cắt huỷ bỏ bộ phận có bệnh tích, phần thân thịt, phủ tạng không có bệnh tích phải được luộc chín.
Đối với lợn, nếu chỉ phát hiện thấy bệnh tích Lao ở các hạch lam ba vùng đầu và bụng thì toàn bộ vùng đầu và bụng phải được huỷ bỏ, thân thịt và phủ tạng không có bệnh tích phải được luộc chín.
1.5. Bệnh sảy thai truyền nhiễm (Brucellosis)
Gia súc trước khi giết mổ có triệu chứng lâm sàng và kiểm tra huyết thanh có triệu chứng dương tính đối với bệnh sảy thai truyền nhiễm và sau khi giết mổ phát hiện có bệnh tích rõ rệt, thì thịt, phủ tạng và các cơ quan sinh dục phải huỷ bỏ.
Gia súc trước khi giết mổ kiểm tra huyết thanh có triệu chứng dương tính đối với bệnh Sảy thai truyền nhiễm nhưng không có triệu chứng lâm sàng và sau khi giết mổ không có bệnh tích thì thịt không phải xử lý kỹ thuật: thịt của dê, cừu phải được luộc chín; phủ tạng và các cơ quan sinh dục phải huỷ bỏ.
Gia súc mắc bệnh này phải được giết mổ ở khu vực riêng, không tiếp xúc với gia súc khoẻ, công nhân giết mổ không được có vết thương, xây xát trên da tay, chân.
Sau khi giết mổ, cơ sở giết mổ phải dược tiêu độc bằng dung dịch xút 3% hoặc với nước vôi 5-10%. Công nhân trực tiếp giết mổ gia súc phải đựơc cơ quan Y tế khám sức khoẻ, theo dõi trong vòng 15 ngày.
1.6. Bệnh xoắn khuẩn (Leptospirosis)
Sau khi giết mổ gia súc phát hiện thấy có bệnh tích rõ rệt, thịt và tổ chức mỡ có màu vàng, để ở nơi râm mát sau 24 giờ mà không thay đổi, thì toàn bộ thịt và phủ tạng phải huỷ bỏ.
Nếu sau 24 giờ, màu vàng nhạt dần thì thịt phải được luộc chín, phủ tạng phải được huỷ bỏ. Thịt sau khi luộc chín phải được kiểm tra mùi của thịt, nếu vẫn có mùi khét thì phải huỷ bỏ.
1.7. Bệnh Lỡ mồm long móng (Foot anh Mounth disease)
Sau khi giết mổ gia súc phát hiện thấy có bệnh tích của bệnh sốt Lỡ mồm long móng thì toàn bộ thịt , phủ tạng của gia súc mắc bệnh đều phải được luộc chín. Cấm xuất ra khỏi lò mổ thịt, phủ tạng của gia súc mắc bệnh ở dạng tươi sống. Thịt và phủ tạng của gia súc khoẻ bị nhiễm trong quá trình giết mổ đều phải luộc chín. Lò mổ phải được tiêu độc bằng dung dịch xút hoặc formol 3% .
1.8. Bệnh Xạ khuẩn (Actinomycosis)
Sau khi giết mổ gia súc nếu phát hiện có bệnh tích ở từng phần thì phải kiểm tra tòan bộ thân thịt, phủ tạng và các hạch lam ba. Nếu chỉ có bệnh tích ở xương hàm, các cơ và các hạch lam ba ở đầu thì phần đầu phải cắt, huỷ bỏ; thịt và phủ tạng không có bệnh tích không phải xử lý kỹ thuật. Nếu thịt và phủ tạng có bệnh tích thì toàn bộ thịt và phủ tạng phải huỷ bỏ.
1.9. Bệnh Tụ huyết trùng lợn (Pasteurllosis), bệnh Đóng dấu lợn (Swine erysipelas), bệnh Dịch tả lợn (Classical swine fever)
Lợn sau khi được giết mổ nếu phát hiện có bệnh tích rõ rệt của những bệnh Tụ huyết trùng lợn, bệnh Đóng dấu lợn, bệnh Dịch tả lợn: toàn thân thịt có tụ huyết xuất huyết thì thịt và phủ tạng đều phải được huỷ bỏ.
Nếu chỉ phát hiện thấy bệnh tích ở thể nhẹ, đồng thời thân thịt không có hiện tựơng tụ huyết, xuất huyết thì phải được luộc chín, phủ tạng phải huỷ bỏ.
1.10. Bệnh Dịch tả trâu bò (Rinderpest)
Trâu bò sau khi được giết mổ nếu phát hiện có bệnh tích rõ rệt của bệnh Dịch tả: toàn bộ thân thịt, phủ tạng, da, xương, móng ... đều phải huỷ bỏ.
Thịt và phủ tạng của những con gia súc khác bị lây nhiễm trong khi giết mổ phải luộc chín.
Phải đình chỉ ngay việc giết mổ và tiến hành tiêu độc cơ sở bằng dung dịch xút hoặc formol 3%.
1.11. Bệnh Uốn ván (Tetanus)
Trường hợp gia súc có dấu hiệu lâm sàng của bệnh và khi giết mổ có dấu hiệu bệnh tích rõ rệt thì thịt và phủ tạng phải huỷ bỏ.
Trường hợp gia súc không có dấu hiệu lâm sàng nhưng khi giết mổ phát hiện có bệnh tích thì huỷ bỏ phần bệnh tích, thịt và phủ tạng không có bệnh tích phải được luộc chín. Nếu phát hiện nhiều nơi có bệnh tích, thịt có màu đỏ sẫm thì toàn bộ thịt và phủ tạng phải huỷ bỏ.
1.12. Bệnh Suyễn lợn (Mycoplasma pneumonia of swine)
Sau khi giết mổ, nếu có bệnh tích rõ rệt thì toàn bộ phổi phải huỷ bỏ, thịt và các phủ tạng khác không phải xử lý. Nếu phát hiện ghép với các bệnh khác như đóng dấu, Tụ huyết trùng, dịch tả thì phải căn cứ vào bệnh tích của bệnh ghép mà quyết định xử lý theo quy định đối với từng loại bệnh.
1.13. Bệnh Giả dại (Aujeszky’s disease)
Sau khi giết mổ, có bệnh tích rõ rệt thì toàn bộ thịt và phủ tạng phải hủy bỏ, nếu bệnh tích không rõ hoặc có bệnh tích nghi ngờ thì toàn bộ thịt và phủ tạng phải luộc chín. Nơi giết mổ gia súc phải được tiêu độc bằng dung dịch xút 3%.
1.14. Bệnh Viêm teo mũi truyền nhiễm (Atrophica rhinitis of swine)
Sau khi được giết mổ, nếu nghi gia súc bị mắc bệnh thì phải kiểm tra kỹ phần đầu: bổ dọc theo sống mũi xem thành vách ngăn và các ống cuốn hốc mũi. Nếu có bệnh tích rõ rệt thì toàn bộ phần đầu, khí quản phải được luộc chín, thịt và phủ tạng khác không phải xử lý.
1.15. Bệnh do Salmonella (Salmonellosis)
Nếu phát hiện gia súc bị tiêu chảy thì phải nghi ngờ do Salmonella. Sau khi giết mổ nếu có bệnh tích rõ rệt thì thịt và phủ tạng phải huỷ bỏ.
1.16. Bệnh Viêm màng não tuỷ do virus trên heo ( Teschen disease)
Sau khi giết mổ, nếu có bệnh tích của bệnh Viêm màng não tuỷ do virus thì thịt và phủ tạng phải luộc chín.
1.17. Bệnh lưỡi xanh (Blue tongue)
Phụ thuộc vào loại và mức độ phát triển của bệnh tích lẫn tình trạng thân thịt. Sau khi giết mổ, nếu có bệnh tích rõ rệt, xuất hiện ở nhiều cơ quan và phủ tạng, gia súc còi cọc thì thịt và phủ tạng phải huỷ bỏ; nếu bệnh tích nhẹ hơn thì thịt phủ tạng phải được luộc chín.
1.18. Bệnh viêm não dạng thể xốp ở bò (Bovine spongiform encephalopathy- BSE)
Gia súc bị bệnh viêm não dạng thể xốp (BSE) thì phải huỷ bỏ toàn bộ con gia súc đó.
1.19. Bệnh Tụ huyết trùng ở trâu bò heo, dê, cừu (Pasteurellosis)
Gia súc sau khi giết mổ nếu có bệnh tích rõ rệt và kết quả kiểm tra vi trùng dương tính thì toàn bộ phủ tạng, máu phải huỷ bỏ, thịt phải luộc chín.
2. Biện pháp xử thịt, phủ tạng và các sản phẩm khác trong một số bệnh ký sinh trùng của gia súc
2.1. Bệnh giun xoắn (Trichinellosis)
Lợn sau khi được giết mổ, kiểm tra cơ hoành, nếu phát hiện trong 24 lát cắt của cơ hoành có 1 ấu trùng thì toàn bộ thịt, phủ tạng phải huỷ bỏ, mỡ lá ,mỡ dưới da rán mỡ dùng cho người.
2.2. Bệnh Gạo bò (Bovine cysticercosis) và Gạo lợn (Swine cysticercosis)
Gia súc sau khi giết mổ kiểm tra cơ vùng mông, cơ má nếu có ấu trùng gạo thì phải kiểm tra các tổ chức cơ vùng trước vai, dài bụng, cơ tim ... nếu phát hiện trong 40cm2 diện tích mặt cắt ở các bộ phận kiểm tra có từ 1-6 ấu trùng thì thịt, thực quản, tim phải luộc chín, mỡ rán dùng cho người, gan, lá lách, dạ dày không phải xử lý .Nếu phát hiện trong 40 cm2 diện tích mặt cắt ở các bộ phận kiểm tra có từ 6 ấu trùng trở lên thì thịt, thực quản, tim phải huỷ bỏ, mỡ và các phủ tạng khác xử lý giống như trên.
2.3. Bệnh Sán lá gan (Fasciolosis)
Trường hợp gia súc sau khi được giết mổ, phát hiện gan có sán lá gan: nếu số lượng sán lá gan ít, tổ chức gan không bị biến đổi thì cắt huỷ bỏ toàn bộ ống dẫn mật , tổ chức gan không phải xử lý ; Nếu số lượng sán lá gan nhiều, tổ chức gan bị biến đổi như có khối u hoặc bị sơ gan thì toàn bộ gan phải huỷ bỏ.
2.4. Bệnh Bào tử trùng ở thịt (Sarcocystosis) :
Trường hợp gia súc sau khi được giết mổ nếu phát hiện ở tổ chức cơ (đặc biệt ở vùng thực quản trâu, bò) có ấu trùng: nếu số lượng ấu trùng ít (1-2 ấu trùng trong 40cm2 diện tích mặt cắt ở các bộ phận kiểm tra) thì thịt và phủ tạng không phải xử lý. Nếu số lượng ấu trùng nhiều (có trên 2 ấu trùng trong 40cm2 diện tích mặt cắt ở các bộ phận kiểm tra) và các tổ chức cơ đều có ấu trùng thì toàn bộ thịt và phủ tạng phải luộc chín.
3. Một số bệnh truyền nhiễm gia cầm
Bệnh Lao gà (Avian turberculosis)
Sau khi kiểm tra phát hiện thấy có bệnh tích lao ở phủ tạng, nếu con gia cầm mắc bệnh béo thì phải luộc chín, phủ tạng phải huỷ bỏ. Trường hợp nếu gia cầm quá gầy hoặc toàn bộ phủ tạng đều có bệnh tích thì thịt và phủ tạng phải huỷ bỏ hoàn toàn.
Bệnh thương hàn gà (Avian salmonellosis)
Nếu sau khi giết mổ phát hiện thấy gia cầm mắc bệnh này thì toàn bộ thịt và phủ tạng phải được huỷ bỏ.
Bệnh Phó thương hàn gà (Avian parasalmonellosis)
Cách xử lý như bệnh thương hàn.
Bệnh Tân thành gà (Newcastle disease)
Sau khi giết mổ phát hiện phủ tạng có bệnh tích, thịt không có biến đổi thì phải luộc chín, phủ tạng phải huỷ bỏ.
Nếu toàn bộ phủ tạng đều có bệnh tích, thịt có biến đổi thì toàn bộ thịt và phủ tạng đều phải huỷ bỏ.
Bệnh Tụ huyết trùng (Pasteurellosis)
Sau khi giết mổ, nếu phát hiện gia cầm mắc bệnh này thì máu và phủ tạng phải huỷ bỏ, thịt phải luộc chín.
Bệnh Đậu gà (Fowl pox)
Trước khi giết mổ, phát hiện gia cầm mắc bệnh Đậu thì phải giết mổ ở khu vực riêng. Sau khi giết mổ, phát hiện gia cầm mắc bệnh Đậu ở phần đầu thì toàn bộ phận đầu phải huỷ bỏ, các phần khác không phải xử lý. Nếu bộ phận phủ tạng có bệnh tích thì phải huỷ bỏ, bộ phận phủ tạng khác phải luộc chín.
Bệnh Viêm thanh khí quản truyền nhiễm (Avian infectious laryngottracheitis) và Viêm khí quản truyền nhiễm (Avian ifectious bronchitis)
Nếu sau khi giết mổ chỉ phát hiện thấy bệnh tích ở vùng họng, khí quản thì thịt phải luộc chín, phủ tạng phải hủy bỏ.
Bệnh U khối (Avian leucosis)
Sau khi giết mổ phát hiện thấy gia cầm mắc bệnh u khối. Nếu thịt bị biến màu, nhão thì toàn bộ thịt và phủ tạng phải huỷ bỏ. Nếu thịt không bị biến màu, nhão thì phủ tạng có bệnh tích phải huỷ bỏ, thịt phải luộc chín.
Bệnh Marek (Marek’s disease), Gumboro (Infectiuos Bursal Disease- IBD) và Cúm gia cầm (Avian influenza)
Khi giết mổ phát hiện có bệnh tích rõ rệt thì toàn bộ thịt và phủ tạng huỷ bỏ, lông phải thiêu huỷ. Phải tiêu độc nơi giết mổ bằng dung dịch formol 3% và dụng cụ giết mổ bằng dung dịch chloramin 3%.
4. Biện pháp xử lý dối với thịt, phủ tạng và một số sản phẩm khác trong một số bệnh truyền nhiễm, ký sinh trùng của thỏ
4.1. Bệnh Tụ huyết trùng (Pasteurllosis)
Sau khi giết mổ phát hiện thỏ bị bệnh Tụ huyết trùng thì xử lý tuỳ theo biến đổi bệnh tích từng thể bệnh :
4.1.1. Thể cấp tính: Thịt không có bệnh tích phải luộc chín, phủ tạng phải huỷ bỏ, da, lông không phải xử lý.
4.1.2. Thể á cấp tính: Thịt, phủ tạng có bệnh tích phải huỷ bỏ, phần còn lại phải luộc chín, nếu trong đó có chứa bọc mủ thì toàn bộ thịt và phủ tạng phải huỷ bỏ. nếu viêm phổi hóa mủ, viêm tổ chức liên kết dưới da thì thịt và phủ tạng đều phải huỷ bỏ.
4.2. Bệnh Bồ đào trùng (do Staphylococus gây ra)
Sau khi giết mổ, phát hiện thỏ mắc bệnh ở thể bại huyết cấp tính, viêm đầu vú thì toàn bộ thịt và phủ tạng phải huỷ bỏ. Nếu ở thể mãn tính viêm bầu vú thì thịt có bệnh tích phải huỷ bỏ, phần còn lại không có bệnh tích phải luộc chín. Nếu viêm tổ chức dưới da thì cắt bỏ 4 chân có bệnh tích, thịt ở các bộ phận khác không có bệnh tích thì phải luộc chín.
4.3. Bệnh Listeriosis (do Listeria monocytogens gây ra)
Sau khi giết mổ phát hiện thỏ còi cọc, viêm gan và có điểm hoại tử ở nhu mô thì thịt phải luộc chín, đầu và phủ tạng phải huỷ bỏ.
4.4. Bệnh thương hàn (Salmonellosis)
Nếu thỏ mắc bệnh này thì phủ tạng phải huỷ bỏ, thịt phải luộc chín.
4.5. Bệnh Phó thương hàn (Parasalmonellosis)
Nếu thỏ mắc bệnh này thì phủ tạng phải huỷ bỏ, thịt phải luộc chín.
4.6. Bệnh Lao (Tubercilosis)
Nếu chỉ phát hiện bệnh tích lao ở bộ phận phủ tạng thì cắt bỏ bộ phận phủ tạng còn bệnh tích, thịt không phải xử lý. Nếu phát hiện bệnh lao ở toàn thân hoặc thỏ gầy yếu thì toàn bộ thịt và phủ tạng phải huỷ bỏ.
4.7. Bệnh Giả lao (Pseudotubrculosis)
Sau khi giết mổ phát hiện phủ tạng có bệnh tích thì thịt và phủ tạng phải huỷ bỏ.
4.8. Bệnh Hoại tử (Necrobacilosis)
Nếu phát hiện thấy bộ phận phủ tạng hoặc thịt có bệnh tích thì cắt bỏ bộ phận có bệnh tích, bộ phận khác không có bệnh tích phải luộc chín. Nếu toàn thân có bệnh tích thì toàn bộ thịt và phủ tạng phải huỷ bỏ.
4.9. Bệnh Cầu trùng (Cocidiosis)
Sau khi giết mổ phát hiện thấy thỏ mắc bệnh Cầu trùng thì toàn bộ phủ tạng phải huỷ bỏ, thịt không phải xử lý.
- 1 Quyết định 238/QĐ-UBND năm 2015 Bãi bỏ văn bản do Ủy ban nhân dân tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành từ năm 1997 đến năm 2013 không còn phù hợp với pháp luật hiện hành và tình hình thực tế địa phương do Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương ban hành
- 2 Quyết định 470/QĐ-UBND năm 2019 công bố kết quả hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương trong kỳ hệ thống hóa 2014-2018
- 3 Quyết định 470/QĐ-UBND năm 2019 công bố kết quả hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương trong kỳ hệ thống hóa 2014-2018
- 1 Quyết định 2393/QĐ-UBND năm 2015 Quy chế phối hợp trong công tác quản lý nhà nước về giết mổ, vận chuyển, sơ chế, chế biến, bảo quản, kinh doanh gia súc, gia cầm và sản phẩm gia súc, gia cầm thành phố Hà Nội
- 2 Quyết định 07/2015/QĐ-UBND điều chỉnh Quy định quản lý giết mổ, kinh doanh, vận chuyển gia súc, gia cầm và sản phẩm gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh kèm theo Quyết định 30/2014/QĐ-UBND
- 3 Chỉ thị 04/CT-UBND năm 2015 về chấn chỉnh và tập trung chỉ đạo, thực hiện tốt công tác kiểm soát giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh Nghệ An
- 4 Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban Nhân dân 2003
- 1 Quyết định 2393/QĐ-UBND năm 2015 Quy chế phối hợp trong công tác quản lý nhà nước về giết mổ, vận chuyển, sơ chế, chế biến, bảo quản, kinh doanh gia súc, gia cầm và sản phẩm gia súc, gia cầm thành phố Hà Nội
- 2 Quyết định 07/2015/QĐ-UBND điều chỉnh Quy định quản lý giết mổ, kinh doanh, vận chuyển gia súc, gia cầm và sản phẩm gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh kèm theo Quyết định 30/2014/QĐ-UBND
- 3 Chỉ thị 04/CT-UBND năm 2015 về chấn chỉnh và tập trung chỉ đạo, thực hiện tốt công tác kiểm soát giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh Nghệ An