Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH PHƯỚC
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 34/2011/QĐ-UBND

Bình Phước, ngày 11 tháng 05 năm 2011

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ TRÁCH NHIỆM QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC CỦA CÁC CẤP CHÍNH QUYỀN VÀ TRÁCH NHIỆM, NGHĨA VỤ CỦA CHỦ RỪNG, CHỦ DỰ ÁN ĐƯỢC NHÀ NƯỚC GIAO ĐẤT LÂM NGHIỆP, CHO THUÊ HOẶC LIÊN KẾT THỰC HIỆN DỰ ÁN TRÊN ĐẤT LÂM NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;
Căn cứ Luật Đất đai ngày 26/11/2003;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND năm 2004;
Căn cứ Luật Bảo vệ và Phát triển rừng ngày 03/12/2004;
Căn cứ Nghị định số 23/2006/NĐ-CP ngày 03/3/2006 của Chính phủ về thi hành Luật Bảo vệ và Phát triển rừng;
Căn cứ Nghị định số 181/2004/NĐ-CP ngày 29/10/2004 của Chính phủ về thi hành Luật đất đai;
Căn cứ Quyết định số 186/2006/QĐ-TTg ngày 14/8/2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế quản lý rừng;
Căn cứ Thông tư 99/2006/TT-BNN ngày 06/11/2006 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc hướng dẫn thực hiện một số điều của quy chế quản lý rừng ban hành kèm theo Quyết định số 186/2006/QĐ-TTg ngày 14/8/2006 của Thủ tướng Chính phủ;
Căn cứ Nghị định số 99/2009/NĐ-CP ngày 02/11/2009 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản;
Căn cứ Thông tư số 58/2009/TT-BNNPTNT ngày 09/9/2009 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn việc trồng cao su trên đất lâm nghiệp;
Căn cứ Quyết định số 77/2008/QĐ-UBND ngày 25/11/2008 của UBND tỉnh về việc ban hành quy định về trách nhiệm và xử lý trách nhiệm của chủ rừng, các cơ quan, tổ chức, cá nhân về bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh;
Thực hiện Quyết định số 28/QĐ-UBND ngày 05/01/2010 của UBND tỉnh về việc ban hành quy định về cho thuê đất lâm nghiệp và liên kết với chủ rừng để trồng cao su, trồng rừng nguyên liệu trên địa bàn tỉnh;
Theo đề nghị của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 88/TTr-SNN ngày 13/4/2011,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành quy định về trách nhiệm quản lý nhà nước của các cấp chính quyền và trách nhiệm, nghĩa vụ của chủ rừng, chủ dự án được nhà nước giao đất lâm nghiệp, cho thuê hoặc liên kết thực hiện dự án trên đất lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Điều 2. Các ông (bà) Chánh văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giám đốc Công an tỉnh, Giám đốc Sở Nội vụ; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã; Chủ tịch UBND cấp xã; Thủ trưởng các đơn vị, các chủ rừng, chủ đầu tư liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký./.

 

 

Nơi nhận:
- Bộ NN&PTNT;
- Bộ TN-MT;
- Cục kiểm tra văn bản-Bộ Tư pháp;
- TT.TU, TT.HĐND tỉnh;
- Chủ tịch, các P.CT;
- Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh;
- Sở Tư pháp;
- Trung tâm công báo tỉnh;
- Như điều 2;
- LĐVP, CV: SX;
- Lưu: VT (Hoàn-qd64-2011).

CHỦ TỊCH




Trương Tấn Thiệu

 

QUY ĐỊNH

VỀ TRÁCH NHIỆM QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC CỦA CÁC CẤP CHÍNH QUYỀN VÀ TRÁCH NHIỆM, NGHĨA VỤ CỦA CHỦ RỪNG, CHỦ DỰ ÁN ĐƯỢC NHÀ NƯỚC GIAO ĐẤT LÂM NGHIỆP, CHO THUÊ HOẶC LIÊN KẾT THỰC HIỆN DỰ ÁN TRÊN ĐẤT LÂM NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH
(Ban hành kèm theo Quyết định số 34/2010/QĐ-UBND ngày 11/5/2010 của UBND tỉnh)

Chương 1.

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Quy định này quy định trách nhiệm quản lý nhà nước về đất lâm nghiệp của các cấp: UBND các huyện, thị; UBND xã, phường, thị trấn; ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh; trách nhiệm, nghĩa vụ của chủ rừng, chủ Dự án.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. UBND các huyện, thị; UBND xã, phường, thị trấn; ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh, huyện thực hiện trách nhiệm quản lý nhà nước về đất lâm nghiệp.

2. Đơn vị chủ rừng, bao gồm:

a) Công ty, Ban quản lý rừng được nhà nước giao rừng và đất lâm nghiệp để quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.

b) Các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình được nhà nước giao đất, cho thuê đất lâm nghiệp hoặc liên kết thực hiện Dự án trồng rừng, cây công nghiệp, quản lý bảo vệ rừng trên diện tích đất lâm nghiệp.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

1. Đất lâm nghiệp: là phân nhóm của nhóm đất nông nghiệp, bao gồm đất rừng sản xuất, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng. Trong quy định này chỉ áp dụng đối với đất rừng sản xuất, bao gồm diện tích đất có rừng và đất không có rừng.

2. Cấp chính quyền: bao gồm UBND các huyện, thị; UBND xã, phường, thị trấn; ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh, huyện.

3. Chủ đầu tư (chủ Dự án): bao gồm các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình được nhà nước giao đất, cho thuê đất lâm nghiệp hoặc liên kết thực hiện Dự án trồng rừng, cây công nghiệp, quản lý bảo vệ rừng trên diện tích đất lâm nghiệp.

4. Thời điểm Phương án hoặc Dự án được phê duyệt: được tính từ ngày quyết định phê duyệt Phương án hoặc Dự án của cấp có thẩm quyền có hiệu lực thi hành.

Điều 4. Nguyên tắc sử dụng đất lâm nghiệp

1. Đúng quy hoạch, kế hoạch và đúng mục đích sử dụng đất.

2. Sử dụng đất tiết kiệm, có hiệu quả, bảo vệ môi trường, cảnh quan sinh thái, không làm ảnh hưởng đến lợi ích của đối tượng sử dụng đất kế bên; không làm hư hại đến tài nguyên rừng kế bên khu vực sử dụng đất.

3. Đối tượng sử dụng đất có trách nhiệm thực hiện đầy đủ quyền, nghĩa vụ của mình trong thời gian được giao, cho thuê đất hoặc liên kết thực hiện Dự án trên đất lâm nghiệp theo quy định này, Quyết định số 28/QĐ-UBND ngày 05/01/2010 của UBND tỉnh và Luật đất đai, Luật bảo vệ và phát triển rừng, các quy định khác của Bộ, ngành có liên quan.

Điều 5. Hành vi bị nghiêm cấm

1. Lấn chiếm đất lâm nghiệp trái phép; không sử dụng, sử dụng đất không đúng mục đích theo Phương án, Dự án đã được phê duyệt, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được công bố.

2. Hủy hoại đất, thực hiện không đúng quy định về quyền và nghĩa vụ của đối tượng sử dụng đất.

3. Lợi dụng chức vụ quyền hạn thực hiện sai việc quản lý nhà nước về đất lâm nghiệp.

4. Chặt phá rừng, khai thác rừng trái phép.

5. Săn, bắn, bắt, bẫy, nuôi nhốt, giết mổ động vật rừng trái phép.

6. Thu thập mẫu vật trái phép trong rừng.

7. Hủy hoại trái phép tài nguyên rừng, hệ sinh thái rừng.

8. Vi phạm các quy định về phòng, trừ sinh vật hại rừng.

10. Lấn, chiếm, chuyển mục đích sử dụng rừng trái phép.

11. Khai thác trái phép cảnh quan, môi trường và các dịch vụ lâm nghiệp.

12. Vận chuyển, chế biến, quảng cáo, kinh doanh, sử dụng, tiêu thụ, tàng trữ, xuất khẩu, nhập khẩu thực vật rừng, động vật rừng trái với quy định của pháp luật.

13. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái quy định về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.

14. Chăn thả gia súc trong rừng mới trồng, rừng non.

15. Khai thác trái phép tài nguyên sinh vật, tài nguyên khoáng sản và các tài nguyên thiên nhiên khác; làm thay đổi cảnh quan thiên nhiên, diễn biến tự nhiên của rừng; làm ảnh hưởng xấu đến đời sống tự nhiên của các loài sinh vật rừng; mang trái phép hóa chất độc hại, chất nổ, chất dễ cháy vào rừng.

16. Giao rừng, cho thuê rừng, chuyển đổi, chuyển nhượng, thừa kế, tặng cho, thế chấp, bảo lãnh, góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng rừng, giá trị rừng sản xuất là rừng trồng trái pháp luật.

17. Phá hoại các công trình phục vụ việc bảo vệ và phát triển rừng.

18. Các hành vi khác xâm hại đến tài nguyên rừng, hệ sinh thái rừng.

Chương 2.

TRÁCH NHIỆM QUẢN LÝ RỪNG VÀ ĐẤT LÂM NGHIỆP

Điều 6. Trách nhiệm của đơn vị chủ rừng

1. Trước khi Dự án hoặc Phương án được phê duyệt

a) Chủ rừng cho trách nhiệm quản lý, bảo vệ toàn bộ diện tích rừng và đất lâm nghiệp thuộc lâm phần đơn vị quản lý, nội dung quản lý bảo vệ theo khoản 1 điều 3 Quyết định số 77/2008/QĐ-UBND của UBND tỉnh và luật bảo vệ và phát triển rừng, các quy định khác có liên quan.

b) Chủ rừng không thực hiện quản lý bảo vệ rừng khi các chủ đầu tư chưa hoàn thiện hồ sơ Dự án, để xảy ra mất rừng, lấn chiếm trái phép đất lâm nghiệp thì tùy theo mức độ vi phạm mà có thể áp dụng xử phạt vi phạm hành chính hoặc chuyển sang truy cứu trách nhiệm hình sự.

c) Hướng dẫn các chủ đầu tư triển khai thực hiện các bước chuẩn bị cho Dự án nếu được UBND tỉnh và các ngành chức năng có thẩm quyền chấp thuận.

2. Sau khi chủ đầu tư hoàn thiện trình tự, thủ tục hồ sơ Dự án

Tính từ thời điểm hồ sơ Dự án hoặc Phương án được các cấp có thẩm quyền phê duyệt, chủ rừng có trách nhiệm:

a) Nhận hồ sơ Dự án hoặc Phương án đã được phê duyệt từ cấp có thẩm quyền, đồng thời có trách nhiệm gửi toàn bộ hồ sơ có liên quan đến Dự án hoặc Phương án cho UBND huyện, xã nơi thực hiện để biết và thực hiện trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra trong quá trình thực hiện.

b) Bàn giao nguyên trạng về vị trí, ranh giới, hiện trạng ngoài thực địa cho các chủ đầu tư (được thể hiện bằng ranh giới, cột mốc rõ ràng ngoài thực địa), trường hợp vị trí, ranh giới, hiện trạng ngoài thực địa không còn phù hợp theo hồ sơ Dự án hoặc Phương án đã được phê duyệt thì đơn vị chủ rừng chịu trách nhiệm theo nội dung tại khoản 1 điều này.

c) Hướng dẫn, phối hợp chủ đầu tư triển khai thực hiện các bước tiếp theo của Dự án theo quy định của UBND tỉnh tại cùng thời điểm.

d) Kiểm tra, giám sát chủ đầu tư, hướng dẫn chủ đầu tư thực hiện đúng theo kế hoạch, quy hoạch và mục đích sử dụng rừng và đất lâm nghiệp theo Dự án đã được phê duyệt. Trường hợp chủ đầu tư thực hiện không đúng theo Dự án được phê duyệt, tùy theo mức độ vi phạm mà đề nghị UBND tỉnh, các ngành chức năng xử phạt vi phạm hoặc ra quyết định thu hồi Dự án.

Điều 7. Trách nhiệm của chủ đầu tư

1. Trước khi hoàn thiện trình tự, thủ tục hồ sơ Dự án

Tính từ thời điểm được UBND tỉnh thuận quy hoạch vị trí, diện tích đến khi Phương án hoặc Dự án được phê duyệt, chủ đầu tư có trách nhiệm:

a) Phối hợp với đơn vị chủ rừng tổ chức quản lý bảo vệ toàn bộ diện tích rừng và đất lâm nghiệp trong khu vực quy hoạch, nếu để xảy ra mất rừng, lấn chiếm trái phép đất lâm nghiệp, tác động làm thay đổi trạng thái rừng và đất lâm nghiệp khi chưa được cấp thẩm quyền chấp thuận thì tùy theo mức độ vi phạm mà có thể áp dụng xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật.

b) Liên hệ, phối hợp với chủ rừng, đơn vị tư vấn có chức năng thực hiện các trình tự, thủ tục của Dự án theo quy định của UBND tỉnh tại cùng thời điểm, thời gian hoàn thiện hồ sơ trong vòng 12 tháng kể từ ngày thuận chủ trương.

c) Triển khai thực hiện trước các bước chuẩn bị cho Dự án khi được UBND tỉnh và các ngành chức năng có thẩm quyền chấp thuận.

2. Sau khi hoàn thiện trình tự, thủ tục hồ sơ Dự án

Tính từ thời điểm Dự án hoặc Phương án được UBND tỉnh và cấp có thẩm quyền phê duyệt, chủ đầu tư có trách nhiệm:

a) Tiếp nhận nguyên trạng vị trí, ranh giới, hiện trạng rừng và đất lâm nghiệp khu vực quy hoạch từ đơn vị chủ rừng, nếu vị trí, ranh giới, hiện trạng rừng và đất lâm nghiệp không phù hợp theo Dự án được phê duyệt thì có thể không tiếp nhận bàn giao từ đơn vị chủ rừng, lập báo cáo trình UBND tỉnh và các ngành chức năng xem xét, xử lý trách nhiệm theo khoản 2 Điều 5 quy định này.

b) Tổ chức, phối hợp với chủ rừng, Hạt Kiểm lâm sở tại, UBND xã, UBND huyện quản lý toàn bộ diện tích rừng và đất lâm nghiệp, để xảy ra mất rừng, xâm canh lấn chiếm trái phép đất lâm nghiệp, tác động làm thay đổi trạng thái rừng và đất lâm nghiệp khi chưa được cấp thẩm quyền chấp thuận thì tùy theo mức độ vi phạm mà có thể áp dụng xử phạt vi phạm hành chính hoặc chuyển sang truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

c) Triển khai thực hiện các bước tiếp theo của Dự án theo quy định của UBND tỉnh tại cùng thời điểm, chịu sự kiểm tra, giám sát và hướng dẫn thực hiện của chủ rừng, Hạt Kiểm lâm sở tại. Trường hợp thực hiện không đúng theo Dự án được phê duyệt, thời gian thực hiện Dự án quá 24 tháng, sang nhượng đất trái phép, hủy hoại đất tùy theo mức độ vi phạm mà áp dụng xử phạt vi phạm hành chính, thu hồi Dự án hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

d) Định kỳ vào ngày 20 hàng tháng có báo cáo tiến độ thực hiện Dự án, công tác quản lý bảo vệ đất lâm nghiệp với chủ rừng.

Điều 8. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn

1. Trách nhiệm về quản lý diện tích rừng và đất lâm nghiệp được nhà nước giao, cho thuê, liên doanh cho các chủ đầu tư thực hiện Dự án trồng rừng, cây công nghiệp thực hiện theo Điều 5 Quyết định số 77/2008/QĐ-UBND của UBND tỉnh.

2. Phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời việc chuyển quyền sử dụng đất trái phép, chuyển mục đích sử dụng đất trái phép; phát hiện và áp dụng các biện pháp ngăn chặn kịp thời việc xây dựng các công trình trên đất lấn, chiếm, đất sử dụng không đúng mục đích ở địa phương và buộc đối tượng vi phạm khôi phục lại tình trạng của đất trước khi vi phạm.

3. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã, phường, thị trấn chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện khi để xảy ra mất rừng, cháy rừng, diện tích rừng và đất lâm nghiệp bị xâm canh lấn chiếm trái phép, thực hiện không đúng theo quy hoạch, kế hoạch và Dự án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt ở địa phương.

Điều 9. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân huyện, thị xã

1. Trách nhiệm về quản lý diện tích rừng và đất lâm nghiệp được nhà nước giao, cho thuê, liên doanh cho các chủ đầu tư thực hiện Dự án trồng rừng, cây công nghiệp thực hiện theo Điều 4 Quyết định số 77/2008/QĐ-UBND của UBND tỉnh.

2. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện, thị xã chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh khi để xảy ra mất rừng, cháy rừng, diện tích rừng và đất lâm nghiệp bị xâm canh lấn chiếm trái phép, thực hiện không đúng theo quy hoạch, kế hoạch và Dự án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt ở địa phương.

Điều 10. Trách nhiệm của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn

Trách nhiệm về quản lý diện tích rừng và đất lâm nghiệp được nhà nước giao, cho thuê, liên doanh cho các chủ đầu tư thực hiện Dự án trồng rừng, cây công nghiệp thực hiện theo Điều 6 Quyết định số 77/2008/QĐ-UBND của UBND tỉnh.

Chương 3.

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 11. Điều khoản thi hành

1. Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Sở Tài nguyên và Môi trường; Chủ tịch UBND huyện, thị xã; đơn vị chủ rừng, chủ Dự án; Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn chịu trách nhiệm hướng dẫn thi hành quy định này. Trong quá trình thực hiện nếu có những khó khăn, vướng mắc đề nghị các tổ chức, cá nhân kịp thời phản ánh bằng văn bản gửi UBND tỉnh xem xét, điều chỉnh cho phù hợp với quy định.

2. Giao UBND các huyện, UBND các xã có đất lâm nghiệp, các đơn vị chủ rừng niêm yết, công khai trụ sở và thường xuyên tuyên truyền cho toàn thể tổ chức, nhân dân biết./.