Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

 

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

 

Số : 343-TTg

Hà Nội, ngày 14 tháng 12 năm 1971

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH CHẾ ĐỘ BÁO CÁO THỐNG KÊ VỀ KẾ TOÁN ĐỊNH KỲ CHÍNH THỨC CỦA CÁC ĐƠN VỊ CUNG ỨNG VẬT TƯ KỸ THUẬT

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ nghị định số 27-CP ngày 22-2-1962 của Hội đồng Chính phủ quy định các nguyên tắc về việc lập và ban hành các chế độ biểu mẫu và phương án điều tra thống kê.
Căn cứ nghị quyết số 02-CP ngày 2-1-1971 của Hội đồng Chính phủ về việc tổ chức lại hệ thống thông tin kinh tế (phần nói riêng về hệ thống thông tin thống kê và kế toán).
Để đáp ứng yêu cầu của công tác kế hoạch hóa, cải tiến công tác quản lý trong các đơn vị cung ứng vật tư kỹ thuật.
Theo đề nghị của ông Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, ông Bộ trưởng Bộ Tài chính và ông Bộ trưởng Bộ Vật tư.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. - Nay ban hành kèm theo quyết định này chế độ báo cáo thống kê và kế toán định kỳ chính thức tháng, quý, 6 tháng, 9 tháng và năm của đơn vị cung ứng vật tư kỹ thuật đã hạch toán độc lập (gọi tắt là đơn vị cung ứng) do Trung ương và địa phương quản lý.

Điều 2. - Chế độ báo cáo nói ở điều 1 sẽ áp dụng thống nhất từ ngày 1 tháng 1 năm 1972.

Điều 3. - Các văn bản quy định về chế độ biểu mẫu báo cáo thống kê và kế toán định kỳ chính thức của đơn vị cung ứng ban hành trước đây trái với chế độ này đều không còn hiệu lực.

Điều 4. - Tổng cục Thống kê căn cứ quyết định này và tùy theo yêu cầu chỉ đạo của Trung ương Đảng và Chính phủ trong từng thời kỳ mà quy định (hoặc bổ sung) nội dung của biểu mẫu báo cáo theo phương châm tinh giản, thiết thực và có hiệu lực. Trước khi quy định, Tổng cục Thống kê cần trao đổi ý kiến với Ủy ban Kế hoạch Nhà nước, Bộ Tài chính và Bộ Vật tư.

Điều 5. - Thủ trưởng các đơn vị cung ứng như: cục, tổng công ty, công ty hoặc kho, trạm cung ứng tương đương công ty thuộc các Bộ, các ngành, các địa phương có trách nhiệm tổ chức thực hiện chế độ báo cáo này, phải kiểm tra, xem xét, ký tên, đóng dấu vào các báo cáo và chịu trách nhiệm về sự chính xác của số liệu, về sự kịp thời của báo cáo.

Thủ trưởng các đơn vị cung ứng, kế toán trưởng và các cán bộ, nhân viên giúp việc làm báo cáo thống kê, kế toán không thi hành hoặc thi hành sai chế độ, thể lệ đã quy định sẽ bị thi hành kỷ luật theo đúng điều 5 của Điều lệ về kỷ luật lao động trong các xí nghiệp, cơ quan Nhà nước đã ban hành kèm theo nghị định số 195 - CP ngày 31 - 12 - 1964 của Hội đồng Chính phủ, trong trường hợp nghiêm trọng, có thể bị truy tố trước pháp luật.

Điều 6. Các ông Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan ngang Bộ, cơ quan trực thuộc Hội đồng Chính phủ và các ông Chủ tịch Ủy ban hành chính khu tự trị, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc các đơn vị cung ứng thuộc phạm vi mình quản lý thực hiện nghiêm chỉnh chế độ báo cáo này.

Điều 7. - Ông Bộ trưởng Phủ Thủ tướng, ông Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê và ông Bộ trưởng Bộ Tài chính có trách nhiệm hướng dẫn và theo dõi việc thi hành quyết định này.

 

KT. THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
PHÓ THỦ TƯỚNG




Lê Thanh Nghị

 

CHẾ ĐỘ

BÁO CÁO THỐNG KÊ VÀ KẾ TOÁN ĐỊNH KỲ CHÍNH THỨC CỦA CÁC ĐƠN VỊ CUNG ỨNG VẬT TƯ KỸ THUẬT.
(Ban hành kèm theo quyết định số 343-TTg ngày 14-12-1971 của Thủ tướng Chính phủ)

I - Ý NGHĨA MỤC ĐÍCH

Chế độ báo cáo thống kê và kế toán định kỳ chính thức này áp dụng cho các đơn vị cung ứng vật tư kỹ thuật đã hạch toán độc lập (gọi tắt là đơn vị cung ứng) nhằm mục đích:

1. Kiểm tra một cách có hệ thống và toàn diện tình hình thực hiện kế hoạch cung ứng, tài vụ, lao động và tiền lương, v.v… của đơn vị cung ứng thuộc các ngành, các cấp.

2. Thu thập những số liệu cần thiết cho việc phân tích hoạt động kinh tế của đơn vị cung ứng và của các tổ chức quản lý cung ứng cấp trên.

3. Làm căn cứ cho việc xây dựng, bảo vệ, điều chỉnh và xét duyệt các chĩ tiêu nhập, cung ứng dự trữ vật tư kỹ thuật, các chỉ tiêu kế hoạch tài vụ, lao động tiền lương và các chỉ tiêu kế hoạch khác.

4. Cải tiến và từng bước thống nhất công tác hạch toán ở các đơn vị cung ứng làm cho các chỉ tiêu, biểu mẫu báo cáo không trùng lắp, nặng nề, thuận tiện cho công tác cơ khí hóa tính toán, nhằm đảm bảo cung cấp những nguồn tin chính xác, kịp thời cho công tác thông tin kinh tế.

II. NỘI DUNG

Nội dung chế độ báo cáo thống kê và kế toán định kỳ chính thức gồm 2 phần:

A. Báo cáo số liệu:

a) Báo cáo của các đơn vị cung ứng đã hạch toán độc lập do trung ương quản lý.

b) Báo cáo của các đơn vị cung ứng đã hạch toán độc lập do địa phương quản lý.

Hệ thống báo cáo bằng số liệu gồm những chỉ tiêu, biểu mẫu sau đây:

1. Cung ứng vật tư kỹ thuật cho các đơn vị sử dụng và các đơn vị sử dụng trọng điểm.

2. Xuất vật tư kỹ thuật.

3. Nhập vật tư kỹ thuật.

4. Tồn kho vật tư kỹ thuật.

5. Nhập, xuất, tồn kho vật tư kỹ thuật.

6. Lao động trong danh sách.

7. Tiền lương của lao động trong danh sách.

8. Tăng giảm lao động.

9. Sử dụng thời gian lao động.

10. Năng suất lao động.

11. Tai nạn lao động.

12. Chất lượng công nhân kỹ thuật.

13. Chất lượng cán bộ khoa học kỹ thuật, nghiệp vụ chuyên môn.

14. Mạng lưới cung ứng.

15. Nhà kho, bãi

16. Thiết bị máy móc phục vụ cung ứng.

17. Nhập, xuất, tồn kho nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu sử dụng nội bộ.

18. Khối lượng vận tải vật tư kỹ thuật.

19. Thực hiện định mức tiêu hao xăng, dầu cho vận tải.

20. Bảng tổng kết tài sản.

21. Vốn cơ bản.

22. Tăng giảm tài sản cố định và quỹ khấu hao.

23. Tài sản thừa, thiếu, tổn thất.

24. Chi phí lưu thông.

25. Lãi, lỗ.

26. Quỹ xí nghiệp.

27. Các khoản thanh toán với ngân sách.

28. Công, nợ phải thanh toán.

29. Kinh phí sự nghiệp và kinh phí chuyên dùng.

30. Thu, chi tiền mặt.

31. Thực hiện vốn đầu tư xây dựng cơ bản.

32. Công trình hoàn thành, giá trị tài sản cố định và năng lực mới tăng.

33. Chi phí thực tế công trình tự làm.

Việc phân loại các kỳ hạn của từng chỉ tiêu, biểu mẫu báo cáo do Tổng cục Thống kê quy định.

B. Báo cáo phân tích bằng lời văn.

Giải thích rõ số liệu, các nguyên nhân hoàn thành hoặc không hoàn thành kế hoạch, nêu lên những nhận định tình hình trong kỳ báo cáo, những khó khăn, thuận lợi, những tồn tại cũng như những khả năng tiềm tàng cần phát huy và triển vọng thực hiện kế hoạch trong kỳ tới.

III - THỜI HẠN NHẬN BÁO CÁO

Tất cả báo cáo thống kê và kế toán định kỳ chính thức của các đơn vị cung ứng gửi lên cấp trên đều là báo cáo mật và tối mật của Nhà nước. Các báo cáo gửi đi phải được bảo vệ theo đúng chế độ Nhà nước quy định.

Thời hạn nhận báo cáo quy định như sau:

- Báo cáo tháng của tất cả các đơn vị cung ứng phải có ở nơi nhận từ 3 đến 6 ngày sau khi kết thúc tháng báo cáo.

- Báo cáo quý, 6 tháng, 9 tháng phải có ở nơi nhận từ 7 đến 15 ngày sau khi kết thúc kỳ báo cáo.

- Báo cáo năm phải có ở nơi nhận từ 15 đến 30 ngày sau khi kết thúc năm báo cáo.

- Báo cáo của các đơn vị cung ứng trọng điểm phải có ở nơi nhận sớm hơn thời hạn trên.

Thời gian nhận báo cáo cụ thể của từng biểu và của từng cấp do Tổng cục Thống kê quy định.

Riêng đối với các công ty cung ứng vật tư nông nghiệp, ngoài việc báo cáo tháng, quý, 6 tháng, 9 tháng, năm, cần phải báo cáo cho các cơ quan quản lý cấp trên tình hình cung ứng vật tư theo thời vụ nông nghiệp. Các báo cáo theo thời vụ do Tổng cục Thống kê bàn với Ủy ban Nông nghiệp trung ương rồi quy định cụ thể.

IV - TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Các ngành ở trung ương và các Ủy ban hành chính tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cần có kế hoạch phổ biến chế độ báo cáo này, cùng các quy định cụ thể về chế độ, nội dung biểu mẫu của Tổng cục Thống kê cho các đơn vị cung ứng quán triệt chấp hành, nếu cần sửa đổi, bổ sung nội dung biểu mẫu báo cáo, thì báo cho Tổng cục Thống kê biết để Tổng cục Thống kê nghiên cứu, trao đổi ý kiến với các Bộ, ngành có liên quan và ra văn bản sửa đổi bổ sung.

Các ngành ở trung ương và các Ủy ban hành chính tỉnh, thành phố phải hướng dẫn và đôn đốc các đơn vị cung ứng tổ chức thực hiện chế độ ghi chép ban đầu của Nhà nước đã ban hành, đồng thời tổ chức tốt việc thông tin trong nội bộ đơn vị cung ứng theo nghị quyết số 02-CP ngày 2-1-1971 của Hội đồng Chính phủ để phục vụ yêu cầu quản lý và chỉ đạo của đơn vị cung ứng và có cơ sở số liệu chính xác, kịp thời để thực hiện chế độ báo cáo này. Thông qua việc thực hiện chế độ báo cáo này, các ngành và các Ủy ban haàh chính tỉnh, thành phố cần chấn chỉnh tổ chức và công tác thống kê, kế toán ở cơ sở cho phù hợp với nhiệm vụ mới.