Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH DAKLAK
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 349/1999/QĐ-UB

Đăk Lăk, ngày 11 tháng 02 năm 1999

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ HỢP ĐỒNG BẢO VỆ RỪNG TRONG CÁC THÁNG MÙA KHÔ HÀNG NĂM

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH DAKLAK

Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân được Quốc hội thông qua ngày 21/6/1994;

Căn cứ Luật bảo vệ và phát triển rừng được Quốc hội thông qua ngày 19/8/1991;

Căn cứ Nghị định số 22/CP ngày 09/3/1995 của Chính phủ ban hành quy định về phòng cháy, chữa cháy rừng;

Căn cứ Chỉ thị số 19/1998/CT-TTg ngày 17/4/1998 của Thủ tướng Chính phủ về các biện pháp cấp bách phòng và chữa cháy rừng, Thông tư số 12/1998/TT- BLĐTBXH ngày 16/10/1998 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn chế độ đối với những người được cấp xã hợp đồng làm công tác bảo vệ rừng trong các tháng mùa khô hàng năm;

Xét đề nghị của ông Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tại Công văn số 20/KL- QLBVR ngày 22/01/1999.

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. Nay ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế hợp đồng bảo vệ rừng trong các tháng mùa khô hàng năm.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Điều 3. Các ông Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm, Giám đốc Sở Tài chính - Vật giá, các sở, ban, ngành liên quan, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, Ủy ban nhân dân cấp xã chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH DAKLAK
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ.CHỦ TỊCH




Lê Văn Quyết

 

QUY CHẾ

HỢP ĐỒNG BẢO VỆ RỪNG TRONG CÁC THÁNG MÙA KHÔ HÀNG NĂM
(Ban hành kèm theo Quyết định số 349/1999/QĐ-UB ngày 11 tháng 02 năm 1999 của Ủy ban nhân dân tỉnh Daklak)

Thi hành Chỉ thị số 19/1998/CT-TTg ngày 17/4/1998 của Thủ tướng Chính phủ về các biện pháp cấp bách phòng và chữa cháy rừng, Thông tư số 12/1998/TT - BLĐTBXH ngày 16/10/1998 của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội hướng dẫn chế độ đối với những người được cấp xã hợp đồng làm công tác bảo vệ rừng trong các tháng mùa khô. Để tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước về rừng, nâng cao vai trò, trách nhiệm của UBND cấp xã, các tổ chức quần chúng và nhân dân trong công tác quản lý bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng.

Ủy ban nhân dân tỉnh Daklak ban hành Quy chế hợp đồng bảo vệ rừng trong các tháng mùa khô hàng năm như sau:

Điều 1. Tất cả diện tích rừng tự nhiên và rừng trồng chưa có chủ quản lý, tổ chức và kinh doanh hiện do UBND xã, phường, thị trấn (gọi chung là xã) quản lý là những vùng rừng xung yếu, trọng điểm dễ xảy ra cháy rừng, mỗi xã được hợp đồng một người để làm công tác chuyên trách bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng trong các tháng của mùa khô hàng năm.

Điều 2. Việc ký hợp đồng bảo vệ rừng, phòng chống cháy rừng do Chủ tịch UBND xã có sự tham gia của cán bộ kiểm lâm phụ trách địa bàn xã. Người được ký hợp đồng bảo vệ rừng, phòng chống cháy rừng phải có hộ khẩu thường trú tại xã, có sức khỏe lao động, có hiểu biết về lâm nghiệp.

Điều 3. Trách nhiệm của UBND xã:

UBND xã trực tiếp ký hợp đồng một người để làm công tác chuyên trách bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng trong các tháng mùa khô đối với diện tích rừng dễ bị cháy trên địa bàn do UBND xã quản lý, đồng thời có trách nhiệm phân công hướng dẫn, kiểm tra người được hợp đồng bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng, thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng.

Khi xảy ra cháy rừng, UBND xã phải huy động, tổ chức lực lượng để chữa cháy kịp thời và báo cáo lên cấp trên để chỉ đạo hướng dẫn việc bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng. Hàng tháng UBND xã tổ chức họp để đánh giá kết quả đã thực hiện được.

Điều 4. Trách nhiệm của người nhận hợp đồng bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng với UBND xã.

Người nhận hợp đồng với xã có trách nhiệm phối hợp với chính quyền xã, thôn, buôn để tổ chức tuyên truyền Luật bảo vệ & phát triển rừng, vận động hướng dẫn nhân dân tham gia bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng, giúp UBND xã ngăn chặn các hành vi phá rừng, lấn chiếm đất rừng, khi phát hiện cháy rừng, phá rừng phải báo cáo kịp thời về UBND xã để có biện pháp ngăn chặn.

Người nhận hợp đồng với xã phải có trách nhiệm tuần tra, canh gác để bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng đối với diện tích rừng trọng điểm dễ bị cháy đã được ký kết hợp đồng bảo vệ với UBND xã, tuyệt đối không để diện tích rừng này xảy ra cháy, phá vào các tháng mùa khô hanh hàng năm, khi phát hiện lửa rừng phải có biện pháp dập tắt kịp thời và báo cáo lên UBND xã, huyện và hạt kiểm lâm sở tại để huy động lực lượng chữa cháy.

Điều 5. Tổ chức thực hiện:

Chi cục Kiểm lâm tỉnh giao cho các Hạt kiểm lâm sở tại thống kê diện tích rừng dễ cháy, xác định số tháng khô hạn dễ xảy ra cháy rừng trong năm, lên sơ đồ rừng cháy và giúp UBND xã ký hợp đồng bảo vệ rừng, tham mưu cho UBND huyện, Chi cục kiểm lâm quản lý theo dõi quá trình thực hiện của các xã, nghiệm thu kết quả thực hiện và cấp phát tiền theo hợp đồng.

Chi cục kiểm lâm lập dự toán kinh phí trình Sở Tài chính - Vật giá cấp phát theo quy định.

Sở Tài chính - Vật giá chuyển tiền vào tài khoản của Chi cục kiểm lâm tỉnh để Chi cục kiểm lâm cấp phát cho Hạt kiểm lâm, Hạt kiểm lâm cấp phát cho xã để xã thanh toán cho người hợp đồng lao động trên cơ sở có báo cáo và biên bản kiểm tra tình hình thực hiện hợp đồng hàng tháng giữa 2 bên.

Chi cục kiểm lâm DakLak chịu trách nhiệm quyết toán kinh phí hợp đồng bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng hàng năm với Sở Tài chính - Vật giá tỉnh.

Điều 6. Chế độ phụ cấp.

Người đang được UBND xã ký hợp đồng bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng trong các tháng cao điểm của mùa khô được hưởng mức phụ cấp 300.000 đồng/tháng. Căn cứ vào tình hình thực tế của tỉnh, địa phương, Chủ tịch UBND xã có thể ký hợp đồng với mức cao hoặc thấp hơn nhưng không vượt quá 10% mức phụ cấp nêu trên.

Điều 7. Các chế độ khác.

Người đang được cấp xã ký hợp đồng làm công tác bảo vệ rừng có thành tích trong việc phòng và chữa cháy rừng thì đề nghị cơ quan chức năng xem xét khen thưởng theo chế độ hiện hành.

Người đang được cấp xã ký hợp đồng làm công tác bảo vệ rừng nếu để xảy ra cháy rừng thì tùy theo mức độ vi phạm mà chấm dứt hợp đồng, xử lý hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

Người đang được cấp xã ký hợp đồng làm công tác bảo vệ rừng nếu bị thương, bị chết trong trường hợp đang làm nhiệm vụ chữa cháy rừng, bảo vệ rừng thì được giải quyết chế độ được quy định tại điểm a, b, c, mục 3, phần 3 Thông tư số 12/1998/TT-BLĐTBXH.

Điều 8. Điều khoản thi hành.

Ủy ban nhân dân tỉnh DakLak giao trách nhiệm cho Chi cục kiểm lâm, Sở Tài chính- Vật giá, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và các ngành liên quan chịu trách nhiệm thực hiện Quy chế này.

Trong quá trình thực hiện, nếu có gặp khó khăn vướng mắc vượt quá thẩm quyền giải quyết thì các ngành, địa phương báo cáo kịp thời về Ủy ban nhân dân tỉnh để xem xét, bổ sung điều chỉnh./.