Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH KHÁNH HÒA
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3532/QĐ-UBND

Khánh Hòa, ngày 16 tháng 11 năm 2018

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY CHẾ HOẠT ĐỘNG VÙNG SẢN XUẤT VÀ KIỂM ĐỊNH TÔM GIỐNG TẬP TRUNG NINH VÂN

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH KHÁNH HÒA

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Nghị định số 59/2005/NĐ-CP ngày 04 tháng 5 năm 2005 của Chính phủ về điều kiện sản xuất, kinh doanh một số ngành nghề thủy sản; Nghị định số 14/2009/NĐ-CP ngày 13 tháng 02 năm 2009 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 59/2005/NĐ-CP ngày 04 tháng 5 năm 2005 của Chính phủ về điều kiện sản xuất, kinh doanh một số ngành nghề thủy sản;

Căn cứ Quyết định số 2194/QĐ-TTg ngày 25 tháng 12 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án phát triển giống cây nông, lâm nghiệp, giống vật nuôi và giống thủy sản đến năm 2020;

Căn cứ Quyết định số 1771/QĐ-BNN-TCTS ngày 27 tháng 7 năm 2012 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc phê duyệt quy hoạch hệ thống nghiên cứu, sản xuất và cung ứng giống thủy sản đến năm 2020;

Căn cứ Thông tư số 26/2013/TT-BNNPTNT ngày 22 tháng 5 năm 2013 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về quản lý giống thủy sản; Thông tư số 11/2014/TT-BNNPTNT ngày 01 tháng 4 năm 2014 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sửa đổi, bổ sung Phụ lục 4 ban hành kèm theo Thông tư số 26/2013/TT-BNNPTNT ngày 22 tháng 5 năm 2013 về quản lý giống thủy sản;

Căn cứ Quyết định số 566/QĐ-UBND ngày 10 tháng 3 năm 2015 của Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa về việc phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình đầu tư cơ sở hạ tầng vùng sản xuất và kiểm định tôm giống tập trung Ninh Vân;

Căn cứ Quyết định số 2646/QĐ-UBND ngày 08 tháng 9 năm 2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa về việc phê duyệt Đề án kêu gọi đầu tư vào vùng sản xuất và kiểm định tôm giống tập trung Ninh Vân;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Văn bản số 3127/SNN-CRSD ngày 30 tháng 10 năm 2018,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế hoạt động vùng sản xuất và kiểm định tôm giống tập trung Ninh Vân.

Điều 2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm kiểm tra, theo dõi tình hình triển khai thực hiện; kịp thời phản ánh những khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện về Ủy ban nhân dân tỉnh để xem xét, giải quyết.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 4. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc các Sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng; Chủ tịch Ủy ban nhân dân thị xã Ninh Hòa và Thủ trưởng các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này kể từ ngày ký./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Đào Công Thiên

 

QUY CHẾ

HOẠT ĐỘNG VÙNG SẢN XUẤT VÀ KIỂM ĐỊNH TÔM GIỐNG TẬP TRUNG NINH VÂN
(Ban hành kèm theo Quyết định số 3532/QĐ-UBND ngày 16 tháng 11 năm 2018 của Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa)

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Quy chế này quy định về hoạt động sản xuất, kinh doanh, quản lý chất lượng và kiểm định tôm giống trong vùng sản xuất và kiểm định tôm giống tập trung Ninh Vân; khai thác sử dụng và hoạt động quản lý cơ sở hạ tầng do Nhà nước đầu tư xây dựng.

2. Đối tượng áp dụng là tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động sản xuất, kinh doanh tôm giống và tổ chức quản lý, sử dụng cơ sở hạ tầng trong vùng sản xuất và kiểm định tôm giống tập trung Ninh Vân.

Điều 2. Giải thích từ ngữ

Trong Quy chế này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Cơ sở sản xuất tôm giống là cơ sở có hoạt động sinh sản giống bằng phương pháp nhân tạo.

2. Cơ sở kinh doanh tôm giống là cơ sở hoạt động mua bán, di nhập, vận chuyển, ương dưỡng và thuần dưỡng tôm giống.

3. Chất thải trong sản xuất kinh doanh tôm giống là các chất thải ra trong quá trình sản xuất, kinh doanh tôm giống dưới dạng chất rắn, chất lỏng và chất khí.

4. Cơ sở hạ tầng trong vùng sản xuất và kiểm định tôm giống tập trung Ninh Vân là các công trình, hạng mục do Nhà nước đầu tư xây dựng nhằm phục vụ cho hoạt động sản xuất tôm giống và các hoạt động khác có liên quan.

5. Dịch vụ công cộng và tiện ích chung trong vùng sản xuất và kiểm định tôm giống tập trung là dịch vụ bảo vệ, giữ gìn an ninh trật tự; thông tin liên lạc; cấp điện; cấp nước, thoát nước; vệ sinh môi trường, xử lý nước thải, chất thải; phòng cháy, chữa cháy; duy tu, bảo dưỡng, khai thác các công trình hạ tầng kỹ thuật và các dịch vụ tiện ích khác (nếu có).

6. Đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là Trung tâm Quản lý Khai thác các công trình thủy sản Khánh Hòa được giao nhiệm vụ quản lý, vận hành và bảo dưỡng hạ tầng kỹ thuật đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách; chịu trách nhiệm thu hồi vốn đầu tư hạ tầng kỹ thuật cho ngân sách nhà nước.

Chương II

QUY ĐỊNH QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG SẢN XUẤT, KINH DOANH TÔM GIỐNG VÀ CÁC HOẠT ĐỘNG KHÁC

Điều 3. Quản lý, sử dụng cơ sở hạ tầng

1. Cơ sở sản xuất, kinh doanh tôm giống và các hoạt động khác có liên quan trong vùng sản xuất và kiểm định tôm giống tập trung phải thực hiện ký kết hợp đồng thuê cơ sở hạ tầng theo quy định.

2. Cơ sở hạ tầng gồm: Giao thông đến dự án; giao thông nội vùng dự án; hệ thống cấp, thoát nước biển, nước ngọt cho sản xuất giống và sinh hoạt; kênh thoát nước; ao trữ nước ngọt; ao xử lý nước thải; hệ thống cấp điện tổng thể và chiếu sáng; nhà làm việc của Ban quản lý; nhà kiểm định; nhà ở của cán bộ, công nhân viên và các công trình khác phục vụ cho khu quản lý như: Gara ô tô, xe máy, nhà trực, cổng, tường rào, sân, đường nội bộ... Kinh phí thực hiện duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa, nạo vét..., được sử dụng từ nguồn thu cho thuê cơ sở hạ tầng của đơn vị sự nghiệp công lập được giao quản lý, vận hành.

3. Cơ sở sản xuất, kinh doanh phải chấp hành các quy định về quản lý, bảo vệ cơ sở hạ tầng; không tác động xấu dẫn đến hư hỏng và phải chịu trách nhiệm khắc phục, sửa chữa nếu để xảy ra hư hỏng do các cơ sở sản xuất, kinh doanh của mình gây ra.

4. Giá dịch vụ công cộng và tiện ích chung, chi phí thu hồi vốn đầu tư cơ sở hạ tầng do Trung tâm Quản lý Khai thác các công trình thủy sản Khánh Hòa xây dựng phương án giá, trình Sở Tài chính chủ trì, phối hợp cùng với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thẩm định, trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt, ban hành để triển khai thực hiện.

Điều 4. Quy định xây dựng công trình, cơ sở vật chất phục vụ sản xuất và các hoạt động khác

1. Các công trình xây dựng cơ sở sản xuất, kinh doanh của các tổ chức, cá nhân đều phải có sự cho phép của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền; không được tự ý xây dựng, mở rộng vượt phạm vi diện tích được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp hoặc cho thuê.

2. Cơ sở hạ tầng và các hạng mục công trình phục vụ cho sản xuất, kinh doanh tôm giống phải tuân thủ theo QCVN 01 - 81:2011/BNNPTNT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia cơ sở sản xuất, kinh doanh thủy sản giống - Điều kiện vệ sinh thú y và các quy định hiện hành.

3. Trước khi xây dựng hoặc sửa chữa, cải tạo các cơ sở sản xuất, kinh doanh phải thực hiện các thủ tục theo quy định; gửi thông báo bằng văn bản đến Trung tâm Quản lý Khai thác các công trình thủy sản Khánh Hòa được biết, tổng hợp, theo dõi, giám sát và báo cáo cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Điều 5. Quy định về quản lý và bảo vệ môi trường

1. Các cơ sở hoạt động sản xuất, kinh doanh tôm giống và các hoạt động khác trong vùng sản xuất phải thực hiện đầy đủ các thủ tục và nghĩa vụ môi trường theo quy định.

2. Quản lý và xử lý nước thải

a) Cơ sở hoạt động sản xuất, kinh doanh, ương, dưỡng giống thủy sản và các hoạt động khác có liên quan phải thực hiện thu gom nước thải phát sinh trong quá trình hoạt động để đấu nối vào hệ thống thu gom nước thải chung của vùng sản xuất và kiểm định giống tập trung Ninh Vân, không để nước chảy tràn trên bề mặt ra môi trường gây ứ đọng, ngập úng. Trước khi đấu nối phải lập hồ sơ gửi Trung tâm Quản lý Khai thác các công trình thủy sản Khánh Hòa xem xét, chấp thuận.

b) Các chỉ tiêu môi trường nước cấp phải tuân thủ theo QCVN 01- 81:2011/BNNPTNT: Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia cơ sở sản xuất, kinh doanh thủy sản giống - Điều kiện vệ sinh thú y; nguồn nước thải có các thông số môi trường tuân thủ theo QCVN 62-MT:2016/BTNMT: Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải chăn nuôi; có kế hoạch quan trắc, giám sát chất lượng nước định kỳ và đột xuất.

c) Các cơ sở hoạt động sản xuất, kinh doanh, ương dưỡng giống và các hoạt động khác có liên quan phải chấp hành việc thu mẫu nước thải theo kế hoạch, định kỳ hoặc đột xuất của cơ quan chức năng để thực hiện phân tích, kiểm nghiệm, kiểm soát chất lượng nước thải trước khi thải ra môi trường.

3. Quản lý và xử lý chất thải rắn, chất thải nguy hại

a) Bùn thải hình thành trong quá trình nuôi từ các ao, bể chứa lắng không được xả trực tiếp ra môi trường; cơ sở sản xuất, kinh doanh phải thực hiện thu gom, xử lý đạt yêu cầu theo quy định trước khi thải ra môi trường.

b) Chất thải rắn thông thường như: Bao bì, vỏ chai, vỏ thuốc và các vật dụng khác; chất thải nguy hại; chất thải hữu cơ trong quá trình sản xuất phải được thu gom, phân loại và xử lý theo đúng quy định. Đối với các loại chất thải cần phải được xử lý theo đúng quy trình quy định mà cơ sở không tự xử lý được thì phải ký hợp đồng với các đơn vị có chức năng xử lý.

Điều 6. Quy định về bảo vệ an ninh - trật tự, phòng, chống cháy nổ

1. Các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương tổ chức triển khai thực hiện hoạt động tuần tra, kiểm soát bảo vệ an ninh - trật tự, an toàn giao thông trong vùng sản xuất; tổ chức, cá nhân có trách nhiệm giữ gìn an ninh trật tự trong phạm vi sản xuất của cơ sở; đồng thời tích cực hợp tác với các cơ quan chức năng để bảo vệ an ninh trật tự tại khu vực.

2. Các cơ sở sản xuất, kinh doanh, tổ chức, cá nhân liên quan thực hiện các quy định về phòng, chống cháy nổ; xây dựng phương án và trang bị đầy đủ phương tiện phòng chống cháy nổ theo quy định; chủ động xử lý tình huống khi có sự cố cháy nổ xảy ra trong phạm vi sản xuất, hoạt động của cơ sở mình.

Điều 7. Quy định về kiểm tra, giám sát các hoạt động khác

1. Trung tâm Quản lý Khai thác các công trình thủy sản Khánh Hòa thực hiện công tác kiểm tra, giám sát chung các hoạt động trong vùng sản xuất; đồng thời phối hợp với các đơn vị có liên quan để giải quyết các vấn đề phát sinh và xử lý các hành vi vi phạm quy định.

2. Các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền tiến hành kiểm tra theo kế hoạch hoặc đột xuất. Khi kiểm tra bên trong trại sản xuất, cán bộ kiểm tra phải đảm bảo các điều kiện về an toàn sinh học, không di chuyển sang cơ sở khác khi phát hiện có dấu hiệu các bệnh truyền nhiễm trên đối tượng giống tại cơ sở kiểm tra trước đó.

3. Các tổ chức, cá nhân trước khi tiến hành các hoạt động nghiên cứu, khảo nghiệm, thử nghiệm, kiểm định chất lượng... trong vùng sản xuất phải báo cáo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (thông qua Trung tâm) biết về nội dung, kế hoạch, chương trình làm việc của đơn vị để thuận tiện trong công tác quản lý, phối hợp khi cần thiết.

4. Các cơ sở hoạt động sản xuất, kinh doanh giống và các hoạt động khác có liên quan khi tiến hành sang nhượng, chuyển nhượng cơ sở vật chất, trại sản xuất hoặc thay đổi tên doanh nghiệp phải thực hiện các thủ tục theo quy định và thông báo đến Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (thông qua Trung tâm) để biết, theo dõi và quản lý.

Chương III

TRÁCH NHIỆM CỦA CƠ QUAN QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC

Điều 8. Trách nhiệm của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

1. Phối hợp cùng với các sở, ngành có liên quan, Ủy ban nhân dân thị xã Ninh Hòa trong kiểm tra, thẩm định hồ sơ của các tổ chức, cá nhân có nhu cầu đầu tư vào vùng sản xuất và đảm bảo phù hợp với đề án được duyệt.

2. Tổ chức thanh tra, kiểm tra, giám sát và quản lý chặt chẽ các hoạt động sản xuất, kinh doanh, kiểm soát chất lượng tôm giống; xử lý kịp thời các hành vi vi phạm về giống thủy sản theo quy định.

3. Chủ trì thẩm định các công trình, hạng mục thuộc lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn theo phân cấp, ủy quyền tại Quyết định số 12/2016/QĐ-UBND ngày 17 tháng 6 năm 2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh; phối hợp với Sở Xây dựng trong công tác kiểm tra, giám sát, quản lý chất lượng công trình xây dựng theo phân cấp, ủy quyền tại Quyết định số 03/2017/QĐ-UBND ngày 04 tháng 4 năm 2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh.

Điều 9. Trách nhiệm của các sở, ngành có liên quan

1. Sở Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn, thực hiện thủ tục đầu tư cơ sở sản xuất, kinh doanh theo quy định của Luật Đầu tư năm 2014; tham mưu trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư; thực hiện các thủ tục cấp mới, điều chỉnh, thu hồi giấy chứng nhận đầu tư và ký quỹ thực hiện dự án theo quy định.

2. Sở Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn, thực hiện các hồ sơ, thủ tục về đất đai, môi trường; chủ trì cấp, điều chỉnh, thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, công trình và các tài sản khác gắn liền với đất theo quy định của pháp luật.

3. Sở Xây dựng hướng dẫn các thủ tục xây dựng; chủ trì cấp giấy phép xây dựng cho các công trình đầu tư theo thẩm quyền; phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm tra, giám sát, quản lý chất lượng công trình xây dựng theo phân cấp, ủy quyền tại Quyết định số 03/2017/QĐ-UBND ngày 04 tháng 4 năm 2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh.

4. Sở Tài chính hướng dẫn Trung tâm Quản lý Khai thác các công trình thủy sản Khánh Hòa xây dựng đơn giá thuê cơ sở hạ tầng, giá dịch vụ công cộng và tiện ích chung trong vùng sản xuất; thẩm định và trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt; đồng thời hướng dẫn trong công tác hạch toán, sử dụng nguồn thu theo quy định.

5. Ủy ban nhân dân thị xã Ninh Hòa

a) Tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức cộng đồng trong việc bảo vệ môi trường và đảm bảo an ninh trật tự tại khu vực.

b) Phối hợp với các sở, ngành trong công tác kiểm tra, thanh tra bảo vệ môi trường; giải quyết, xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh theo đúng thẩm quyền, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất kinh doanh giống thủy sản đạt hiệu quả và đúng quy định của pháp luật.

6. Các sở, ngành, đơn vị khác có liên quan

Có trách nhiệm phối hợp thực hiện chức năng quản lý nhà nước theo lĩnh vực phụ trách đối với các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh trong vùng sản xuất và kiểm định tôm giống Ninh Vân.

Chương IV

TRÁCH NHIỆM CỦA CƠ SỞ SẢN XUẤT, KINH DOANH

Điều 10. Trách nhiệm của cơ sở sản xuất, kinh doanh tôm giống

1. Thực hiện đúng các quy định về sản xuất, kinh doanh tôm giống của Nhà nước và theo Quy chế này.

2. Nộp đầy đủ các khoản thuế, phí, giá thuê cơ sở hạ tầng, giá dịch vụ công cộng, tiện ích chung trong vùng sản xuất và các chi phí khác theo quy định hiện hành.

3. Chịu trách nhiệm về chất lượng tôm giống do cơ sở sản xuất và kinh doanh; chỉ được đưa vào lưu thông đàn tôm giống sau khi đã được cơ quan nhà nước kiểm tra, kiểm định và bảo đảm chất lượng.

4. Chấp hành sự kiểm tra, giám sát và xử lý của cơ quan quản lý nhà nước trong quy trình sản xuất, kiểm định tôm giống; cung cấp hồ sơ, tài liệu và hợp tác chặt chẽ với cơ quan có thẩm quyền trong kiểm tra, thanh tra về tôm giống.

5. Thực hiện các quy định về bảo vệ môi trường; hợp tác tốt với các cơ quan chức năng trong việc đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn giao thông, phòng, chống cháy nổ và phòng, chống thiên tai.

6. Khi thực hiện chuyển quyền sử dụng hoặc sang nhượng, chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh phải thực hiện các thủ tục theo quy định pháp luật hiện hành.

7. Chủ động trong công tác phòng tránh, ngăn ngừa dịch bệnh lây lan (nếu xảy ra). Khi phát hiện tôm giống hoặc tôm bố mẹ bị nhiễm bệnh, không được xả trực tiếp ra kênh, ra môi trường tự nhiên mà phải báo cho Trung tâm để xử lý theo quy trình; chi phí thực hiện do cơ sở sản xuất, kinh doanh chi trả. Và tổ chức thu gom, xử lý vật nuôi bị chết theo quy định về xử lý chất thải.

Chương V

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 11. Trách nhiệm thi hành

1. Các sở, ngành, Ủy ban nhân dân thị xã Ninh Hòa và các đơn vị khác có liên quan có trách nhiệm tổ chức thực hiện Quy chế này.

2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm theo dõi, kiểm tra và đôn đốc việc triển khai thực hiện theo Quy chế này.

3. Các nội dung quản lý nhà nước chưa được nêu trong Quy chế này, căn cứ vào thẩm quyền các sở, ngành và Ủy ban nhân dân thị xã Ninh Hòa có trách nhiệm hướng dẫn và chủ trì giải quyết theo quy định của pháp luật hiện hành.

4. Trong quá trình thực hiện nếu phát sinh khó khăn, vướng mắc vượt thẩm quyền hoặc những vấn đề chưa phù hợp cần sửa đổi, bổ sung, yêu cầu các sở, ngành, Ủy ban nhân dân thị xã Ninh Hòa và tổ chức, cá nhân có liên quan phản ánh kịp thời về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tế./.