Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NGÃI
---------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 36/2007/QĐ-UBND

Quảng Ngãi, ngày 24 tháng 12 năm 2007

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUI ĐỊNH QUẢN LÝ THU THUẾ ĐỐI VỚI HOẠT ĐỘNG KINH DOANH VẬN TẢI BẰNG Ô TÔ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NGÃI

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NGÃI

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Quản lý thuế số 78/2006/QH11 ngày 29/11/2006;

Căn cứ Luật thuế Giá trị gia tăng (GTGT) số 02/1997/QH9 ngày 10/5/1997; Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của Luật thuế GTGT số 07/2003/QH11 ngày 17/6/2003; Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật thuế Tiêu thụ đặc biệt và Luật thuế GTGT số 57/2005/QH11 ngày 29/11/2005;

Căn cứ Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) số 09/2003/QH11 ngày 17/6/2003;

Căn cứ Luật Doanh nghiệp số 60/2005/QH11 ngày 29/11/2005. Căn cứ Luật Hợp tác xã số 18/2003/QH11 ngày 26/11/2003.

Căn cứ Nghị định số 75/2002/NĐ-CP ngày 30/8/2002 của Chính phủ về điều chỉnh mức thuế môn bài; Thông tư số 96/2002/TT-BTC ngày 24/10/2002 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Nghị định 75/2002/NĐ-CP; Thông tư số 113/2002/TT- BTC ngày 16/12/2002 hướng dẫn bổ sung Thông tư 96/2002/TT-BTC; Thông tư số 42/2003/TT-BTC ngày 7/5/2003 hướng dẫn bổ sung, sửa đổi Thông tư 96/2002/TT- BTC;

Căn cứ Thông tư 86/2007/TTLT/BTC-BGTVT ngày 18/7/2007 của liên Bộ Tài chính - Bộ Giao thông vận tải hướng dẫn về mẫu vé xe khách, kê khai giá cước, niêm yết giá cước và kiểm tra thực hiện giá cước vận tải bằng ô tô;

Theo đề nghị của Cục trưởng Cục thuế tỉnh Quảng Ngãi tại Tờ trình số 3085/TT-CT ngày 07/12/2007 và ý kiến tham gia của thành viên UBND tỉnh,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định quản lý thu thuế đối với hoạt động kinh doanh vận tải bằng ô tô trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2008 và thay thế Quyết định số 06/2005/QĐ-UB ngày 13/01/2005 của UBND tỉnh Quảng Ngãi.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các Sở: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Giao thông vận tải; Giám đốc Công an tỉnh; Cục trưởng Cục thuế tỉnh;

Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố; Thủ trưởng các cơ quan và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Nguyễn Xuân Huế

 

QUY ĐỊNH

VỀ QUẢN LÝ THU THUẾ ĐỐI VỚI HOẠT ĐỘNG KINH DOANH VẬN TẢI BẰNG Ô TÔ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NGÃI
 (Ban hành kèm theo Quyết định số 36/2007/QĐ-UBND ngày 24/12/2007 của UBND tỉnh Quảng Ngãi)

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh.

Quy định này quy định về biện pháp quản lý thu thuế áp dụng đối với hoạt động kinh doanh vận tải bằng ô tô trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi.

Các hoạt động kinh doanh vận tải bằng ô tô bao gồm: vận tải khách theo tuyến cố định, vận tải khách bằng xe buýt, vận tải khách bằng taxi, vận tải khách theo hợp đồng, vận tải khách du lịch và vận tải hàng hoá.

Điều 2. Đối tượng áp dụng.

1. Các doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác thành lập theo Luật Doanh nghiệp hoặc Luật Hợp tác xã có hoạt động kinh doanh vận tải bằng ô tô có trụ sở chính hoặc trụ sở chi nhánh đóng trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi (sau đây gọi chung là doanh nghiệp vận tải).

2. Cá nhân có hoạt động kinh doanh vận tải bằng ô tô, bao gồm: nhóm cá nhân kinh doanh, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ chế độ kế toán, hoá đơn, chứng từ; xã viên HTX dịch vụ vận tải là chủ phương tiện, tự chịu trách nhiệm về kết quả kinh doanh, chỉ nộp cho HTX một khoản tiền dịch vụ; cá nhân thuê hoặc nhận khoán phương tiện vận tải của các cơ quan, tổ chức, đơn vị lực lượng vũ trang, doanh nghiệp, tự chịu trách nhiệm về kết quả kinh doanh (sau đây gọi chung là hộ kinh doanh vận tải).

3. Các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan đến quản lý hoạt động kinh doanh vận tải bằng ô tô trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi.

Chương II

QUẢN LÝ THU THUẾ ĐỐI VỚI CƠ SỞ KINH DOANH VẬN TẢI BẰNG Ô TÔ

Điều 3. Trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ thuế của doanh nghiệp vận tải quy định tại khoản 1 Điều 2 Quy định này.

Doanh nghiệp vận tải phải tự khai chính xác, trung thực, đầy đủ các nội dung trong tờ khai thuế và nộp đủ hồ sơ khai thuế cho cơ quan thuế trực tiếp quản lý đúng thời hạn; chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực, đầy đủ của hồ sơ khai thuế; tự tính thuế và nộp đủ số tiền thuế đã tính vào ngân sách nhà nước.

Cơ quan thuế thực hiện ấn định thuế theo quy định trong trường hợp doanh nghiệp vận tải vi phạm pháp luật về thuế. Mức doanh thu quy định tại khoản 2 Điều 4 dưới đây là một trong các căn cứ để cơ quan thuế có thể áp dụng ấn định thuế.

Điều 4. Trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ thuế của hộ kinh doanh vận tải quy định tại khoản 2 Điều 2 Quy định này.

1. Hộ kinh doanh vận tải nộp mức thuế môn bài theo bậc môn bài quy định cho từng loại phương tiện vận tải tại Phụ lục số 01 kèm theo Quy định này. Trường hợp một hộ kinh doanh vận tải sở hữu nhiều phương tiện thì chỉ nộp một mức thuế môn bài theo bậc môn bài, căn cứ xác định bậc môn bài là tổng thu nhập bình quân tháng của các phương tiện vận tải đó cộng lại.

2. Hộ kinh doanh vận tải nộp thuế Giá trị gia tăng (GTGT) và thuế Thu nhập doanh nghiệp (TNDN) theo mức thuế khoán cho từng phương tiện vận tải.

Doanh thu tính mức thuế khoán của từng phương tiện vận tải được xác định bằng doanh thu ấn định bình quân tháng của 01 tấn trọng tải hoặc 01 ghế thiết kế của từng loại phương tiện tại Phụ lục số 02 kèm theo Quy định này nhân (X) với số tấn trọng tải hoặc số ghế thiết kế ghi trên giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của phương tiện đó.

3. Trường hợp hộ kinh doanh vận tải sử dụng hoá đơn, vé xe để cung cấp cho khách hàng, nếu tổng doanh thu trên các hoá đơn, các vé xe trong tháng lớn hơn doanh thu ấn định tính theo Quy định này thì số thuế GTGT, TNDN của tháng đó được xác định theo tổng doanh thu trên các hoá đơn, các vé xe.

Trường hợp doanh thu trên hoá đơn là doanh thu được thực hiện theo hợp đồng vận tải trong nhiều tháng, hộ kinh doanh vận tải phải có hợp đồng vận tải và biên bản thanh lý hợp đồng, trong đó có ghi rõ khối lượng vận tải, thời gian thực hiện... phù hợp với năng lực vận tải của hộ kinh doanh.

4. Trường hợp trong tháng, hộ kinh doanh vận tải nghỉ kinh doanh trọn cả tháng thì được miễn số thuế phải nộp của tháng đó; nếu nghỉ liên tục từ 15 ngày trở lên thì được xét giảm 50% số thuế phải nộp của tháng. Khi nghỉ kinh doanh, hộ kinh doanh vận tải phải gửi văn bản đề nghị miễn (giảm) thuế cho cơ quan thuế trực tiếp quản lý để xem xét giải quyết miễn, giảm thuế.

5. Hộ kinh doanh vận tải khi di chuyển đến địa phương khác, khi gia nhập hoặc rút khỏi HTX dịch vụ vận tải phải hoàn thành nghĩa vụ thuế, có xác nhận của cơ quan thuế quản lý trước đó. Ban Quản trị HTX dịch vụ vận tải có trách nhiệm kiểm tra, đôn đốc việc hoàn thành nghĩa vụ thuế đối với các xã viên mới gia nhập hoặc rút khỏi HTX.

Điều 5. Kê khai, niêm yết giá cước, đăng ký mẫu vé và lưu hành vé xe.

1. Doanh nghiệp vận tải, hộ kinh doanh vận tải phải thực hiện kê khai và gửi hồ sơ kê khai giá cước vận tải ô tô (bao gồm kê khai giá cước lần đầu và kê khai lại giá cước) cho Sở Tài chính, đồng thời gửi đến Sở Giao thông vận tải và Cục thuế tỉnh để phối hợp theo dõi, kiểm tra.

2. Doanh nghiệp vận tải, hộ kinh doanh vận tải phải thực hiện việc niêm yết công khai giá cước vận tải ô tô do đơn vị cung cấp cho khách hàng theo quy định và không được thu cao hơn giá cước niêm yết.

3. Doanh nghiệp vận tải, hộ kinh doanh vận tải hành khách (bao gồm vận tải theo tuyến cố định nội tỉnh, liên tỉnh và xe buýt) phải đăng ký mẫu vé, đăng ký in và đăng ký lưu hành vé xe khách tại Cục thuế tỉnh; thực hiện kê khai, nộp thuế tại cơ quan thuế trực tiếp quản lý, kể cả các cơ sở kinh doanh vận tải có trụ sở chi nhánh đặt tại tỉnh Quảng Ngãi đã đăng ký mẫu vé và được Cục thuế Quảng Ngãi cho phép lưu hành.

Điều 6: Đăng ký quyền sở hữu tài sản phương tiện vận tải.

1. Các doanh nghiệp, hợp tác xã thành lập theo Luật Doanh nghiệp, Luật Hợp tác xã (trừ doanh nghiệp tư nhân) có phương tiện vận tải bằng ô tô (trừ phương tiện thuê hoặc thuê mua tài chính của tổ chức, cá nhân khác theo hợp đồng thuê tài sản hoặc hợp đồng thuê mua tài chính) phải đăng ký quyền sở hữu tài sản của chính doanh nghiệp, hợp tác xã.

Thành viên công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh và cổ đông công ty cổ phần khi góp vốn cho công ty bằng tài sản là phương tiện vận tải bằng ô tô phải chuyển quyền sở hữu tài sản cho công ty.

Các phương tiện vận tải bằng ô tô chưa đăng ký quyền sở hữu tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã hoặc chưa chuyển quyền sở hữu tài sản cho công ty thì chi phí khấu hao tài sản cố định của những phương tiện này không được tính vào chi phí hợp lý khi xác định thu nhập chịu thuế của doanh nghiệp.

2. Hộ gia đình, cá nhân mua xe ô tô của các tổ chức, cá nhân khác để kinh doanh vận tải phải làm thủ tục sang tên trước bạ, đăng ký quyền sở hữu chính chủ và đăng ký kinh doanh vận tải trước khi kinh doanh. Nghiêm cấm các doanh nghiệp thông đồng, thỏa hiệp để hộ gia đình, cá nhân kinh doanh vận tải lợi dụng danh nghĩa doanh nghiệp, công ty để làm thủ tục đăng kiểm hoặc kinh doanh trái phép nhằm trốn thuế.

Chương III

TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC SỞ, NGÀNH VÀ UỶ BAN NHÂN DÂN CÁC CẤP

Điều 7. Trách nhiệm của các Sở, ngành.

1. Sở Giao thông - Vận tải có trách nhiệm cung cấp cho Cục thuế tỉnh thông tin về các đơn vị vận tải đã đăng ký khai thác vận tải bằng ô tô có trụ sở chính (hoặc trụ sở chi nhánh) đóng trên địa bàn tỉnh, về các chính sách hiện hành có liên quan đến hoạt động kinh doanh vận tải bằng ô tô; chỉ đạo Trung tâm đăng kiểm cơ giới đường bộ có biện pháp kiểm soát, yêu cầu chủ phương tiện phải thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế trước khi được kiểm định an toàn kỹ thuật phương tiện theo đề nghị của cơ quan thuế.

2. Sở Kế hoạch - Đầu tư có trách nhiệm cung cấp cho Cục thuế tỉnh thông tin về việc thành lập mới, đăng ký kinh doanh, thay đổi bổ sung nội dung đăng ký kinh doanh, chuyển đổi loại hình doanh nghiệp, sáp nhập, chia, tách, giải thể, phá sản v.v... của các doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh vận tải trên địa bàn tỉnh.

3. Công an tỉnh có trách nhiệm chỉ đạo các đơn vị trực thuộc cung cấp thông tin về đăng ký, quản lý phương tiện vận tải bằng ô tô trên địa bàn tỉnh theo đề nghị của cơ quan thuế; phối hợp kiểm tra hoạt động kinh doanh vận tải khi có yêu cầu của cơ quan thuế hoặc của UBND địa phương.

4. Liên minh HTX tỉnh có trách nhiệm đôn đốc, yêu cầu các HTX vận tải thành viên thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế của HTX và của các xã viên trong HTX; chỉ đạo Ban Quản trị HTX yêu cầu xã viên hoàn thành nghĩa vụ thuế, không còn nợ thuế khi giải quyết các công việc cho xã viên như: giới thiệu đăng kiểm phương tiện, xuất hoá đơn GTGT thanh toán hợp đồng vận tải, kết nạp, chấp nhận xã viên rút khỏi HTX...

Điều 8. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân huyện, thành phố.

1. Chỉ đạo các cơ quan có liên quan tại địa phương phối hợp với cơ quan thuế, hoặc thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành (Thuế, Công an, Giao thông ...) theo đề nghị của cơ quan thuế để tổ chức kiểm tra, xử lý các trường hợp không đăng ký kinh doanh, trốn thuế, nợ thuế và các vi phạm khác trong hoạt động kinh doanh vận tải bằng ô tô trên địa bàn.

2. Chỉ đạo cơ quan chuyên môn cung cấp cho cơ quan thuế thông tin về tình hình đăng ký kinh doanh của các hộ gia đình và cá nhân kinh doanh vận tải trên địa bàn.

Điều 9. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn.

1. Quản lý và thu nộp các khoản thuế của các hộ kinh doanh vận tải trên địa bàn đã được cơ quan thuế uỷ nhiệm thu.

2. Thường xuyên nắm bắt tình hình hoạt động kinh doanh vận tải trên địa bàn để cung cấp thông tin và phối hợp với cơ quan thuế thực hiện các biện pháp quản lý đối tượng, khai thác nguồn thu, cưỡng chế thu thuế nợ đọng và chống thất thu thuế trong lĩnh vực kinh doanh vận tải trên địa bàn.

Điều 10. Trách nhiệm của cơ quan thuế.

1. Trực tiếp quản lý thu hoặc uỷ nhiệm cho UBND xã, phường, thị trấn, cho tổ chức, cá nhân khác thu các khoản thuế của hộ kinh doanh vận tải thuộc đối tượng quy định tại khoản 2, Điều 2 Quy định này.

2. Phối hợp với các Sở, ngành, địa phương trong việc trao đổi, thu thập thông tin về tình hình hoạt động của các tổ chức, cá nhân kinh doanh vận tải trên địa bàn để có biện pháp quản lý thu thuế ; phối hợp với Sở Giao thông - Vận tải thực hiện biện pháp kiểm soát việc chấp hành nghĩa vụ thuế của chủ hộ kinh doanh vận tải khi đưa phương tiện đi kiểm định an toàn kỹ thuật.

3. Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tổ chức triển khai thực hiện thống nhất Quy định này phù hợp với quy định chính sách pháp luật thuế hiện hành. Giám sát, kiểm tra việc triển khai thực hiện; xử lý cán bộ thuế không thực hiện hoặc thực hiện không đúng quy định dẫn đến thất thu thuế hoặc làm thiệt hại cho doanh nghiệp vận tải, hộ kinh doanh vận tải.

Điều 11. Tổ chức thực hiện.

1. Cục thuế chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phổ biến, hướng dẫn Quy định này đến tất cả doanh nghiệp vận tải, hộ kinh doanh vận tải thuộc phạm vi đơn vị quản lý để biết và thực hiện.

2. Các Sở, ngành liên quan, UBND các cấp theo chức năng quản lý của ngành, của địa phương có trách nhiệm chỉ đạo, tổ chức thực hiện hoặc phối hợp thực hiện Quy định này. Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu có vướng mắc kịp thời phản ánh về Cục Thuế tỉnh để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh xem xét giải quyết./.

 

PHỤ LỤC SỐ 01

THU NHẬP ẤN ĐỊNH BÌNH QUÂN THÁNG CỦA 01 PHƯƠNG TIỆN VẬN TẢI
(Ban hành kèm theo Quyết định số 36/2007/QĐ-UBND ngày 24/12/2007 của UBND tỉnh Quảng Ngãi)

TT

Loại hình hoạt động kinh doanh vận tải

Thu nhập ấn định bình quân tháng của 01 phương tiện (đồng)

Bậc môn bài

1

Vận tải hàng hoá

 

 

a

Xe tải thùng

 

 

 

Trọng tải trên 10 tấn

Trên 1.500.000

Bậc 1

 

Trọng tải trên 5 tấn đến 10 tấn

Trên 1.000.000 đến 1.500.000

Bậc 2

 

Trọng tải trên 2 tấn đến 5 tấn

Trên 750.000 đến 1.000.000

Bậc 3

 

Trọng tải từ 2 tấn trở xuống

Trên 500.000 đến 750.000

Bậc 4

b

Xe tải ben

 

 

 

Trọng tải trên 12 tấn

Trên 1.500.000

Bậc 1

 

Trọng tải trên 10 tấn đến 12 tấn

Trên 1.000.000 đến 1.500.000

Bậc 2

 

Trọng tải trên 5 tấn đến 10 tấn

Trên 750.000 đến 1.000.000

Bậc 3

 

Trọng tải trên 2 tấn đến 5 tấn

Trên 500.000 đến 750.000

Bậc 4

 

Trọng tải từ 2 tấn trở xuống

Trên 300.000 đến 500.000

Bậc 5

2

Vận tải hành khách

 

 

 

Trên 50 ghế thiết kế

Trên 1.500.000

Bậc 1

 

Trên 45 ghế đến 50 ghế thiết kế

Trên 1.000.000 đến 1.500.000

Bậc 2

 

Trên 30 ghế đến 45 ghế thiết kế

Trên 750.000 đến 1.000.000

Bậc 3

 

Trên 16 ghế đến 30 ghế thiết kế

Trên 500.000 đến 750.000

Bậc 4

 

Từ 16 ghế thiết kế trở xuống

Trên 300.000 đến 500.000

Bậc 5

 

Riêng vận tải khách theo hợp đồng, vận tải khách bằng taxi, vận tải khách du lịch

Trên 500.000 đến 750.000

Bậc 4

 

PHỤ LỤC SỐ 02

DOANH THU ẤN ĐỊNH BÌNH QUÂN THÁNG CỦA 01 TẤN TRỌNG TẢI HOẶC 01 GHẾ THIẾT KẾ
(Ban hành kèm theo Quyết định số 36/2007/QĐ-UBND ngày 24/12/2007 của UBND tỉnh Quảng Ngãi)

TT

Loại hình hoạt động kinh doanh vận tải

Doanh thu bình quân tháng của 01 tấn trọng tải hoặc 01 ghế thiết kế (đồng)

1

Vận tải hàng hóa

 

a

Xe tải thùng

1.350.000

b

Xe tải ben

900.000

 

Riêng xe tải ben dưới 1 tấn

400.000

2

Vận tải hành khách

 

a

Liên tỉnh (tuyến cố định)

 

 

- Trên 300 km

430.000

 

Riêng xe chất lượng cao

470.000

 

- Từ 300 km trỏ xuống

340.000

b

Nội tỉnh (tuyến cố định)

 

 

- Quảng Ngãi – Ba Tơ

147.000

 

- Quảng Ngãi – Sơn Hà

135.000

 

- Quảng Ngãi – Sơn Linh

122.000

 

- Quảng Ngãi – Trà Bồng

122.000

 

- Quảng Ngãi – Minh Long

73.000

 

- Quảng Ngãi – Sa Huỳnh

150.000

 

- Quảng Ngãi – Đức Phổ

100.000

 

- Quảng Ngãi – Thạch Trụ

75.000

 

- Thạch Trụ – Ba Tơ

73.000

 

- Châu Ổ - Trà Bồng

73.000

 

- Quảng Ngãi – Sơn Tây

135.000

 

- Quảng Ngãi – Tây Trà

122.000

 

- Từ 10 km đến 25 km

50.000

 

- Dưới 10 km

25.000

c

Vận tải khách theo hợp đồng, vận tải khách bằng taxi, vận tải khách du lịch

750.000