Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH CÀ MAU
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 36/2021/QĐ-UBND

Cà Mau, ngày 17 tháng 11 năm 2021

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ PHÂN CẤP THÀNH LẬP, TỔ CHỨC LẠI, GIẢI THỂ ĐƠN VỊ SỰ NGHIỆP CÔNG LẬP THUỘC THẨM QUYỀN CỦA ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH CÀ MAU

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH CÀ MAU

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 18 tháng 6 năm 2020;

Căn cứ điểm d khoản 1 Điều 24 Nghị định số 120/2020/NĐ-CP ngày 07/10/2020 của Chính phủ quy định về thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nội vụ tại Tờ trình số 595/TTr-SNV ngày 26/10/2021, Báo cáo số 330/BC-SNV ngày 15/11/2021.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định về phân cấp thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày 01/12/2021.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Nội vụ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố Cà Mau và các tổ chức, cá nhân có liên quan có trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Minh Luân

 

QUY ĐỊNH

VỀ PHÂN CẤP THÀNH LẬP, TỔ CHỨC LẠI, GIẢI THỂ ĐƠN VỊ SỰ NGHIỆP CÔNG LẬP THUỘC THẨM QUYỀN CỦA ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH CÀ MAU
(Kèm theo Quyết định số: 36/2021/QĐ-UBND ngày 17 tháng 11 năm 2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau)

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Quy định này quy định về phân cấp thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố Cà Mau (sau đây viết tắt là Ủy ban nhân dân cấp huyện).

2. Các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện và tổ chức có liên quan.

Điều 3. Nội dung phân cấp

Phân cấp cho Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định việc thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện được quy định tại khoản 5 Điều 2 Nghị định số 120/2020/NĐ-CP ngày 07/10/2020 của Chính phủ quy định về thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập.

Chương II

TRÌNH TỰ, THỦ TỤC THÀNH LẬP, TỔ CHỨC LẠI, GIẢI THỂ ĐƠN VỊ SỰ NGHIỆP CÔNG LẬP

Điều 4. Đề án, tờ trình thành lập đơn vị sự nghiệp công lập

Đề án, tờ trình thành lập đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện theo quy định tại Điều 8 và Điều 9 Nghị định số 120/2020/NĐ-CP.

Điều 5. Đề án, tờ trình tổ chức lại đơn vị sự nghiệp công lập

1. Nội dung đề án tổ chức lại đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 16 Nghị định số 120/2020/NĐ-CP.

2. Nội dung tờ trình tổ chức lại đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 16 Nghị định số 120/2020/NĐ-CP.

Điều 6. Đề án, tờ trình giải thể đơn vị sự nghiệp công lập

Đề án, tờ trình giải thể đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện theo quy định tại Điều 17 Nghị định số 120/2020/NĐ-CP.

Điều 7. Quy trình xây dựng đề án, thẩm định, quyết định thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập

1. Cơ quan, tổ chức đề nghị thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập phải gửi dự thảo đề án, tờ trình và dự thảo Quyết định của Ủy ban nhân dân cấp huyện đến các cơ quan, tổ chức có liên quan theo quy định của pháp luật để lấy ý kiến tham gia bằng văn bản đối với việc thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập;

2. Sau khi có ý kiến tham gia bằng văn bản của các cơ quan, tổ chức có liên quan, cơ quan, tổ chức đề nghị thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập hoàn thiện và gửi 01 bộ hồ sơ thẩm định thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập đến Phòng Nội vụ cấp huyện để thẩm định; đối với các cơ quan, tổ chức liên quan để phối hợp hoặc để biết thì chỉ ghi tên các cơ quan, tổ chức đó vào mục nơi nhận của văn bản hoặc tờ trình đề nghị thành lập (trường hợp pháp luật chuyên ngành có quy định khác thì thực hiện theo quy định của pháp luật chuyên ngành);

3. Sau khi có văn bản thẩm định của Phòng Nội vụ, cơ quan, tổ chức đề nghị thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập hoàn thiện hồ sơ và trình Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định (qua Phòng Nội vụ);

4. Ủy ban nhân dân cấp huyện căn cứ vào văn bản đề nghị thành lập, văn bản thẩm định để ban hành văn bản thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập. Quyết định thành lập, tổ chức lại, giải thể phải phù hợp với thẩm quyền thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập và quy định của các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan.

Điều 8. Thành phần hồ sơ, thời hạn thẩm định, quyết định thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập

Thành phần hồ sơ, thời hạn thẩm định, quyết định thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện theo quy định tại Điều 11, Điều 15, Điều 18 Nghị định số 120/2020/NĐ-CP.

Chương III

THẨM QUYỀN VÀ TRÁCH NHIỆM

Điều 9. Thẩm quyền và trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp huyện

1. Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định thành lập, tổ chức lại, giải thể và quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện theo quy định của pháp luật.

2. Tự chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập đã được Ủy ban nhân dân tỉnh phân cấp.

Điều 10. Thẩm quyền và trách nhiệm của Phòng Nội vụ

1. Phòng Nội vụ thẩm định việc thành lập, tổ chức lại, giải thể đối với các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc thẩm quyền quyết định của Ủy ban nhân dân cấp huyện.

2. Đối với đơn vị sự nghiệp công lập có quy định của pháp luật chuyên ngành về các tiêu chí, điều kiện hoạt động thì cơ quan thẩm định về các tiêu chí, điều kiện hoạt động này do pháp luật chuyên ngành quy định.

Điều 11. Thẩm quyền và trách nhiệm của cơ quan chuyên môn về ngành, lĩnh vực thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện

Cơ quan chuyên môn về ngành, lĩnh vực thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện đề nghị thành lập các đơn vị hoạt động thuộc ngành, lĩnh vực quy định tại khoản 5 Điều 2 Nghị định số 120/2020/NĐ-CP thuộc thẩm quyền quyết định của Ủy ban nhân dân cấp huyện theo quy định của pháp luật chuyên ngành.

Điều 12. Thẩm quyền và trách nhiệm của Thủ trưởng đơn vị sự nghiệp công lập

Thẩm quyền và trách nhiệm của Thủ trưởng đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện theo quy định tại Điều 25 Nghị định số 120/2020/NĐ-CP.

Chương IV

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 13. Trách nhiệm thi hành

1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm tổ chức triển khai, thực hiện Quy định này trong phạm vi địa phương mình phụ trách.

2. Giao Giám đốc Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp huyện tổ chức triển khai thực hiện Quy định; theo dõi, kiểm tra, đôn đốc Ủy ban nhân dân cấp huyện và cơ quan, đơn vị có liên quan trong quá trình thực hiện Quy định này. Định kỳ hằng năm báo cáo kết quả thực hiện đến Ủy ban nhân dân tỉnh.

Điều 14. Sửa đổi, bổ sung

Trong quá trình thực hiện nếu phát sinh, khó khăn, vướng mắc, các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan, kịp thời phản ánh về Sở Nội vụ để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định./.