Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH KHÁNH HÒA
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3646/QĐ-UBND

Khánh Hòa, ngày 28 tháng 11 năm 2016

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH KẾ HOẠCH TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG GIAI ĐOẠN 2016-2020 THEO QUYẾT ĐỊNH SỐ 1722/QĐ-TTG NGÀY 02/9/2016 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH KHÁNH HÒA

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH KHÁNH HÒA

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Quyết định số 1722/QĐ-TTg ngày 02 tháng 9 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020;

Căn cứ Quyết định số 41/2016/QĐ-TTg ngày 10 tháng 10 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế quản lý, điều hành thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tại Tờ trình số 267/TTr-SLĐTBXH ngày 28 tháng 10 năm 2016,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 theo Quyết định số 1722/QĐ-TTg ngày 02 tháng 9 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa (kèm theo Quyết định này).

Điều 2. Các cơ quan, đơn vị có liên quan theo nhiệm vụ, trách nhiệm được giao tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch đảm bảo đạt mục tiêu, tiến độ đã đề ra.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc các sở, Thủ trưởng các cơ quan trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và Thủ trưởng các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này kể từ ngày ký./.

 

 

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Duy Bắc

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG GIAI ĐOẠN 2016-2020 THEO QUYẾT ĐỊNH SỐ 1722/QĐ-TTG NGÀY 02/9/2016 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH KHÁNH HÒA
(Kèm theo Quyết định số 3646/QĐ-UBND ngày 28 tháng 11 năm 2016 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa)

Thực hiện Quyết định số 1722/QĐ-TTg ngày 02 tháng 9 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020; Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện, cụ thể như sau:

I. Mục tiêu

1. Mục tiêu tổng quát

Thực hiện đầy đủ và có hiệu quả các dự án của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa, góp phần thúc đẩy hoàn thành mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đã đề ra.

2. Mục tiêu cụ thể

- Góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh trong giai đoạn 2016-2020 bình quân từ 1,5 đến 2%/năm. Phấn đấu đến cuối năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh còn dưới 2%.

- Cải thiện sinh kế, nâng cao chất lượng cuộc sống của người nghèo, bảo đảm thu nhập bình quân đầu người của hộ nghèo đến cuối năm 2020 gấp 1,5 lần so với cuối năm 2015.

- Thực hiện đồng bộ và có hiệu quả các giải pháp, chính sách giảm nghèo để cải thiện điều kiện sống và tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản của người nghèo.

- Cơ sở hạ tầng ở các xã, thôn đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh được đầu tư đồng bộ theo tiêu chí nông thôn mới, trước hết là hạ tầng thiết yếu như giao thông, trường học, trạm y tế, thủy lợi nhỏ, nước sinh hoạt; thúc đẩy phát triển sản xuất, tiếp cận thị trường cho người dân ở các xã, thôn đặc biệt khó khăn.

II. Chỉ tiêu thực hiện

1. Dự án 1 (Chương trình 30a)

Đề xuất với Trung ương bổ sung hai huyện miền núi Khánh Sơn, Khánh Vĩnh vào danh mục các huyện nghèo thuộc diện được đầu tư của Chương trình 30a và 04 xã vùng bãi ngang ven biển của huyện Vạn Ninh (Đại Lãnh, Vạn Thạnh, Vạn Phước, Vạn Khánh) vào danh sách xã bãi ngang ven biển đặc biệt khó khăn.

2. Dự án 2 (Chương trình 135)

- Đến cuối năm 2020, có ít nhất 02 xã và 02 thôn đặc biệt khó khăn thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn.

- Đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng cho 05 xã đặc biệt khó khăn và 08 thôn đặc biệt khó khăn đồng bộ theo tiêu chí nông thôn mới. Đến năm 2020, cơ sở hạ tầng của các xã, thôn đặc biệt khó khăn về cơ bản đáp ứng được nhu cầu sản xuất và dân sinh của người dân.

- Hỗ trợ phát triển sản xuất cho ít nhất 825 hộ nghèo, hộ cận nghèo thuộc các xã, thôn đặc biệt khó khăn (bình quân 165 hộ/năm), trong đó có ít nhất 600 hộ thoát nghèo sau khi được hỗ trợ.

- Hỗ trợ xây dựng 25 mô hình giảm nghèo ở các xã đặc biệt khó khăn (mỗi xã 01 mô hình/năm) với ít nhất 250 hộ nghèo, hộ cận nghèo tham gia, trong đó có ít nhất 200 hộ thoát nghèo sau khi tham gia mô hình.

- Nâng cao năng lực cho ít nhất 1.000 hộ nghèo, hộ cận nghèo ở các xã, thôn đặc biệt khó khăn.

- 100% cán bộ cấp xã, thôn được đào tạo nâng cao năng lực.

3. Dự án 3: Hỗ trợ sản xuất, tăng thu nhập, đa dạng hóa sinh kế, giảm nghèo dựa vào cộng đồng, nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững

- Lồng ghép với Chương trình xây dựng nông thôn mới để hỗ trợ sản xuất cho 1.600 hộ nghèo, hộ cận nghèo, trong đó có ít nhất 1.200 hộ thoát nghèo sau khi được hỗ trợ.

- Lồng ghép với Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi để hỗ trợ sản xuất cho 2.450 hộ nghèo, hộ cận nghèo, trong đó có ít nhất 2.000 hộ thoát nghèo sau khi được hỗ trợ.

- Hỗ trợ sản xuất cho 950 hộ nghèo, hộ cận nghèo ở các xã còn lại, trong đó có ít nhất 800 hộ thoát nghèo sau khi được hỗ trợ.

- Hỗ trợ xây dựng các mô hình giảm nghèo ở khu vực thành thị với tổng số hộ nghèo, hộ cận nghèo tham gia là 1.500 hộ, trong đó có ít nhất 1.200 hộ thoát nghèo sau khi tham gia mô hình.

4. Dự án 4: Truyền thông và giảm nghèo về thông tin

- Tăng cường các hoạt động truyền thông, nâng cao nhận thức về giảm nghèo; xây dựng được website về giảm nghèo của tỉnh.

- Hỗ trợ phương tiện nghe - xem cho khoảng 1.000 hộ nghèo, hộ cận nghèo ở xã đặc biệt khó khăn, xã thuộc khu vực miền núi vùng khó khăn, xã nghèo vùng bãi ngang ven biển và hải đảo.

5. Dự án 5: Nâng cao năng lực và giám sát đánh giá

- 100% cán bộ làm công tác giảm nghèo cấp xã (bao gồm: Cán bộ lao động - thương binh xã hội; cộng tác viên công tác xã hội cấp xã; Trưởng thôn; cán bộ các hội, đoàn thể, mặt trận cấp xã) được tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ làm công tác giảm nghèo.

- Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý giảm nghèo, xây dựng cơ sở dữ liệu về hộ nghèo, hộ cận nghèo của tỉnh.

- Triển khai giám sát, đánh giá chặt chẽ, khoa học nhằm đảm bảo đánh giá đúng kết quả giảm nghèo và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho giảm nghèo.

III. Phạm vi: Kế hoạch được triển khai thực hiện trên phạm vi toàn tỉnh.

IV. Thời gian thực hiện: Từ năm 2016 đến cuối năm 2020.

V. Các nội dung thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 theo Quyết định số 1722/QĐ-TTg ngày 02 tháng 9 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa

1. Dự án 1: Chương trình 30a (bao gồm: Hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng các huyện nghèo; hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo; hỗ trợ phát triển sản xuất trên địa bàn các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo; hỗ trợ xuất khẩu lao động)

Hiện nay, tỉnh Khánh Hòa không có huyện nghèo thuộc Chương trình 30a và không có xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo. Do đó, trước mắt, chưa bố trí vốn để thực hiện Dự án 1.

Giao Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Ban Dân tộc, Ủy ban nhân dân các huyện Khánh Sơn, Khánh Vĩnh, Vạn Ninh chủ động làm việc với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét bổ sung hai huyện Khánh Sơn, Khánh Vĩnh vào danh mục các huyện được hưởng cơ chế của Chương trình 30a và bổ sung danh mục các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển của tỉnh vào danh mục đầu tư.

2. Dự án 2: Chương trình 135 (bao gồm: Hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu, các thôn, bản đặc biệt khó khăn; hỗ trợ phát triển sản xuất cho các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu, các thôn, bản đặc biệt khó khăn; nâng cao năng lực cho cán bộ, người dân)

2.1. Địa bàn thực hiện Dự án 2: Thực hiện theo Quyết định số 204/QĐ-TTg ngày 01 tháng 02 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 75/QĐ-UBDT ngày 29 tháng 02 năm 2016 của Ủy ban Dân tộc, gồm:

- Xã đặc biệt khó khăn (05 xã): Xã Ba Cụm Nam; xã Thành Sơn; xã Giang Ly; xã Sơn Thái; xã Sơn Tân.

- Thôn đặc biệt khó khăn (08 thôn): Thôn Tà Mơ (xã Khánh Thành); thôn Văn Sơn (xã Cam Phước Tây); thôn Suối Rua (xã Cam Thịnh Tây); thôn Suối Lau 1, thôn Suối Lau 2, thôn Suối Lau 3 (xã Suối Cát); thôn Suối Sâu (xã Ninh Tân); thôn Sông Búng (xã Ninh Tây).

2.2. Nội dung thực hiện Dự án 2:

a) Tiểu dự án 1:

Hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng cho các xã, thôn đặc biệt khó khăn thuộc địa bàn thực hiện dự án. Mức hỗ trợ 01 tỷ đồng/xã/năm và 200 triệu đồng/thôn/năm thực hiện theo quy định tại Quyết định số 101/2009/QĐ-TTg ngày 05 tháng 8 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ.

b) Tiểu dự án 2:

- Hỗ trợ phát triển sản xuất cho hộ nghèo, hộ cận nghèo ở các xã, thôn đặc biệt khó khăn thuộc địa bàn dự án. Mức hỗ trợ 300 triệu đồng/xã/năm và 50 triệu đồng/thôn/năm theo quy định tại Quyết định số 101/2009/QĐ-TTg ngày 05 tháng 8 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ.

- Hỗ trợ nhân rộng mô hình giảm nghèo: Hỗ trợ mỗi xã 01 mô hình/năm. Mỗi mô hình có ít nhất 10 hộ nghèo, hộ cận nghèo tham gia. Mức hỗ trợ cho mỗi mô hình là 75 triệu đồng/mô hình (gồm: Hỗ trợ trực tiếp cho hộ 07 triệu đồng/hộ và chi phí vận hành mô hình 05 triệu đồng/mô hình) theo quy định tại Thông tư liên tịch số 68/2013/TTLT-BTC-BLĐTBXH ngày 21 tháng 5 năm 2013 của Bộ Tài chính - Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

c) Tiểu dự án 3: Hỗ trợ nâng cao năng lực cho cộng đồng và cán bộ cơ sở các xã, thôn đặc biệt khó khăn thuộc địa bàn dự án. Mức hỗ trợ 60 triệu đồng/xã/năm và 15 triệu đồng/thôn/năm theo quy định tại Quyết định số 101/2009/QĐ-TTg ngày 05 tháng 8 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ.

2.3. Dự kiến kinh phí thực hiện Dự án 2:

Tổng kinh phí thực hiện Dự án 2 là 46,48 tỷ đồng từ nguồn ngân sách tỉnh; trong đó: Vốn đầu tư: 33 tỷ đồng; vốn sự nghiệp: 13,48 tỷ đồng.

2.4. Tổ chức thực hiện Dự án 2:

- Ban Dân tộc (cơ quan thường trực Chương trình 135) chủ trì triển khai thực hiện Tiểu dự án 1 và Tiểu dự án 3.

- Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì thực hiện hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc Tiểu dự án 2.

- Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì thực hiện hoạt động nhân rộng mô hình giảm nghèo thuộc Tiểu dự án 2.

3. Dự án 3: Hỗ trợ sản xuất, tăng thu nhập, đa dạng hóa sinh kế, giảm nghèo dựa vào cộng đồng, nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững

3.1. Địa bàn thực hiện Dự án 3: Các xã, phường, thị trấn ngoài Chương trình 135, trong đó ưu tiên cho các xã nghèo trọng điểm, các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, các xã vùng bãi ngang ven biển, xã đảo, các xã đăng ký đạt chuẩn nông thôn mới.

3.2. Nội dung thực hiện Dự án 3:

a) Hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm, ngư, diêm nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa gồm: Hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, phân bón, thức ăn gia súc; hỗ trợ máy móc, thiết bị, vật tư, dụng cụ sản xuất; hỗ trợ chi phí làm chuồng trại chăn nuôi, ao nuôi, lồng bè, kho chứa, bạt; hỗ trợ chi phí tiêm phòng gia súc; hỗ trợ chi phí tập huấn kỹ thuật, hướng dẫn cách làm ăn.

Cụ thể như sau:

- Đối với 31 xã đăng ký đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2016-2020: Lồng ghép nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất của Chương trình xây dựng nông thôn mới để hỗ trợ cho 1.600 hộ nghèo, hộ cận nghèo (bình quân 10 hộ/xã/năm). Mức hỗ trợ thực hiện theo quy định của Chương trình xây dựng nông thôn mới.

- Đối với 40 xã, phường, thị trấn thuộc Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi: Lồng ghép nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất của Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi để hỗ trợ cho 2.450 hộ nghèo, hộ cận nghèo (bình quân 10 hộ/xã/năm). Mức hỗ trợ thực hiện theo quy định của Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

- Đối với 19 xã còn lại: Ngân sách tỉnh bố trí kinh phí để thực hiện hỗ trợ phát triển sản xuất cho 950 hộ nghèo, hộ cận nghèo (bình quân 10 hộ/xã/năm). Mức hỗ trợ vận dụng mức của Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

b) Hỗ trợ nhân rộng các mô hình giảm nghèo bền vững hỗ trợ cho hộ nghèo, hộ cận nghèo ở 43 phường, thị trấn để thực hiện giảm nghèo ở khu vực thành thị: Hỗ trợ mỗi phường, thị trấn 01 mô hình/năm. Mỗi mô hình có 07 hộ nghèo, hộ cận nghèo tham gia. Mức hỗ trợ mỗi mô hình là 40 triệu đồng (gồm: Hỗ trợ trực tiếp cho hộ là 35 triệu đồng; chi phí vận hành mô hình là 5 triệu đồng) theo quy định tại Thông tư liên tịch số 68/2013/TTLT-BTC- BLĐTBXH ngày 21 tháng 5 năm 2013 của Bộ Tài chính - Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

3.3. Dự kiến kinh phí thực hiện Dự án 3:

Tổng kinh phí thực hiện Dự án 3 là 57 tỷ đồng, trong đó:

- Ngân sách tỉnh bố trí 18,1 tỷ đồng;

- Lồng ghép với nguồn vốn hỗ trợ sản xuất của Chương trình xây dựng nông thôn mới: 15,5 tỷ đồng;

- Lồng ghép với nguồn vốn hỗ trợ sản xuất của Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi: 23,4 tỷ đồng;

- Huy động thêm nguồn vốn của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, nguồn hỗ trợ của các cơ quan, doanh nghiệp nhận đỡ đầu các xã miền núi để thực hiện hỗ trợ phát triển sản xuất cho hộ nghèo, hộ cận nghèo.

3.4. Tổ chức thực hiện Dự án 3:

- Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là cơ quan chủ trì triển khai thực hiện chung Dự án 3; trực tiếp triển khai hoạt động hỗ trợ sản xuất đối với 31 xã đăng ký đạt chuẩn nông thôn mới.

- Ban Dân tộc chủ trì, phối hợp với các ngành liên quan và các địa phương thực hiện hỗ trợ sản xuất cho 40 xã, phường, thị trấn thuộc Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

- Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì thực hiện hỗ trợ sản xuất cho 19 xã ngoài các xã đăng ký đạt chuẩn nông thôn mới và các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; chủ trì thực hiện hoạt động nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững đối với 43 phường, thị trấn ở khu vực thành thị.

4. Dự án 4: Truyền thông và giảm nghèo về thông tin

4.1. Địa bàn thực hiện Dự án 4:

Dự án được triển khai trên địa bàn toàn tỉnh.

4.2. Nội dung thực hiện Dự án 4:

a) Truyền thông về giảm nghèo:

- Xây dựng và tổ chức thực hiện các hoạt động truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng về giảm nghèo theo phương pháp tiếp cận đo lường nghèo đa chiều và Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 (tổ chức sản xuất các sản phẩm truyền thông; thực hiện các chương trình, các đợt truyền thông...);

- Tuyên truyền, giáo dục ý chí tự lực tự cường vươn lên thoát nghèo;

- Phát triển, tăng cường hoạt động của website về giảm nghèo để tạo diễn đàn và chia sẻ thông tin.

Kinh phí thực hiện: 200 triệu đồng/năm.

b) Giảm nghèo về thông tin:

- Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ thông tin, truyền thông ở cơ sở. Kinh phí thực hiện: 50 triệu đồng/năm.

- Hỗ trợ sản xuất, biên tập, phát hành, phát sóng, lưu trữ, quảng bá, phục vụ người đọc các ấn phẩm truyền thông (bao gồm: Sách; các chương trình phát thanh, truyền hình, ấn phẩm truyền thông) phổ biến chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước, phổ biến các kinh nghiệm sản xuất, các gương điển hình trong sản xuất, hoạt động xã hội, kiến thức về khoa học kỹ thuật. Kinh phí thực hiện: 100 triệu đồng/năm.

- Hỗ trợ phương tiện nghe, xem cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo tại các xã đảo, xã đặc biệt khó khăn, xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi từ nguồn kinh phí lồng ghép với Đề án truyền hình số mặt đất và nguồn xã hội hóa.

4.3. Dự kiến kinh phí thực hiện Dự án 4:

Tổng kinh phí thực hiện dự án là: 3,75 tỷ đồng; trong đó:

- Ngân sách tỉnh bố trí 1,75 tỷ đồng (gồm: Hoạt động truyền thông về giảm nghèo là 01 tỷ đồng; hoạt động giảm nghèo về thông tin là 750 triệu đồng).

- Lồng ghép với các chương trình về tăng cường thông tin và xã hội hóa việc thực hiện hỗ trợ phương tiện nghe, xem cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo ở các xã đảo, xã đặc biệt khó khăn, xã miền núi dự kiến khoảng 3 tỷ đồng.

4.4. Tổ chức thực hiện Dự án 4:

- Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì thực hiện các hoạt động truyền thông về giảm nghèo.

- Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì thực hiện các hoạt động giảm nghèo về thông tin.

5. Dự án 5: Nâng cao năng lực và giám sát, đánh giá

5.1. Địa bàn thực hiện Dự án 5: Dự án được triển khai trên phạm vi toàn tỉnh.

5.2. Nội dung thực hiện Dự án 5:

a) Đào tạo, tập huấn bồi dưỡng, nâng cao nghiệp vụ chuyên môn và kỹ năng giảm nghèo cho đội ngũ cán bộ làm công tác giảm nghèo các cấp, nhất là ở cấp cơ sở. Đối tượng đào tạo, tập huấn gồm: Thành viên Ban Chỉ đạo Giảm nghèo các cấp; cán bộ lao động - thương binh xã hội; cộng tác viên công tác xã hội cấp xã; cán bộ các hội, đoàn thể; các Thôn trưởng, Tổ trưởng dân phố. Tổng số cán bộ được đào tạo, tập huấn là 2.000 người/năm.

b) Định kỳ tổ chức kiểm tra, giám sát, đánh giá tình hình thực hiện các chính sách, dự án, hoạt động giảm nghèo.

c) Xây dựng cơ sở dữ liệu về hộ nghèo và thường xuyên cập nhật, thu thập và xử lý thông tin ở các cấp, quản lý hộ nghèo bằng phần mềm. Báo cáo tổng hợp phân tích đánh giá tình hình thực hiện đề án giảm nghèo theo biểu mẫu thống nhất.

d) Thực hiện điều tra, rà soát, lập danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ thoát nghèo hàng năm. Tổng điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo vào cuối năm 2018 và cuối năm 2020.

5.3. Dự kiến kinh phí thực hiện Dự án 5:

Tổng kinh phí thực hiện dự án là 05 tỷ đồng, bình quân 01 tỷ đồng/năm từ nguồn ngân sách tỉnh, gồm:

- Kinh phí thực hiện hoạt động đào tạo, tập huấn cán bộ làm công tác giảm nghèo các cấp: 250 triệu đồng/năm;

- Kinh phí kiểm tra, giám sát, đánh giá: 50 triệu đồng/năm;

- Kinh phí xây dựng cơ sở dữ liệu hộ nghèo, hộ cận nghèo, cập nhật thông tin vào phần mềm quản lý hộ nghèo: 200 triệu đồng/năm;

- Kinh phí điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo hàng năm: 500 triệu đồng/năm.

5.4. Tổ chức thực hiện Dự án 5: Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan triển khai tổ chức thực hiện.

6. Quản lý Chương trình

Bố trí kinh phí để quản lý Chương trình theo quy định tại Thông tư liên tịch số 68/2013/TTLT-BTC-BLĐTBXH ngày 21 tháng 5 năm 2013 của Bộ Tài chính - Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

VI. Kinh phí thực hiện

Trên cơ sở các nội dung hoạt động của các dự án thuộc Kế hoạch này, hàng năm, các cơ quan chủ trì các dự án, tiểu dự án xây dựng kế hoạch thực hiện cụ thể gửi về Sở Lao động - Thương binh và Xã hội để tổng hợp, báo cáo Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính tổng hợp chung vào kinh phí thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia bố trí trong dự toán ngân sách nhà nước hàng năm của tỉnh để trình Hội đồng nhân dân tỉnh quyết định.

VII. Cơ chế thực hiện và tổ chức thực hiện

1. Cơ chế thực hiện

a) Xây dựng kế hoạch hàng năm:

Trên cơ sở các nội dung, nhiệm vụ được phân công tại Kế hoạch này, hàng năm, các cơ quan chủ trì các dự án xây dựng kế hoạch cụ thể để triển khai thực hiện. Kế hoạch triển khai được gửi về Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tổng hợp vào thời điểm xây dựng dự toán ngân sách hàng năm, báo cáo Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt và bố trí vốn.

b) Bố trí vốn thực hiện:

Trên cơ sở các kế hoạch triển khai thực hiện các dự án được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính bố trí vốn để thực hiện kế hoạch trong dự toán ngân sách nhà nước hàng năm của các cơ quan chủ trì thực hiện các dự án.

c) Cơ chế huy động vốn:

Trong quá trình triển khai thực hiện Kế hoạch, các cơ quan chủ trì thực hiện dự án tích cực, chủ động huy động các nguồn vốn từ xã hội (doanh nghiệp, các tổ chức quốc tế, cộng đồng,...) để hỗ trợ nguồn lực thực hiện Kế hoạch.

d) Chế độ báo cáo

- Định kỳ 6 tháng, hằng năm báo cáo tình hình thực hiện Kế hoạch cho Ủy ban nhân dân tỉnh (qua Sở Lao động - Thương binh và Xã hội để tổng hợp). Thời gian gửi báo cáo: 6 tháng đầu năm vào ngày 31 tháng 5; cả năm vào ngày 30 tháng 11 hằng năm;

- Sở Lao động - Thương binh và Xã hội là cơ quan thường trực chịu trách nhiệm tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh định kỳ 6 tháng vào ngày 20 tháng 6 và cả năm vào ngày 20 tháng 12 hằng năm.

đ) Chế độ kiểm tra, giám sát:

- Định kỳ 6 tháng, Ban Chỉ đạo Giảm nghèo của tỉnh tổ chức kiểm tra việc thực hiện các dự án của Kế hoạch này đối với các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố.

- Giao Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh tiến hành giám sát việc thực hiện các dự án đảm bảo đúng đối tượng, đúng chế độ, công khai, minh bạch.

- Hàng năm, Ban Chỉ đạo Giảm nghèo của tỉnh tiến hành sơ kết kết quả thực hiện Kế hoạch. Tổ chức đánh giá giữa kỳ vào cuối năm 2018 và đánh giá tổng kết vào cuối năm 2020.

2. Tổ chức thực hiện

2.1. Ban Chỉ đạo Giảm nghèo bền vững tỉnh tổ chức chỉ đạo, triển khai thực hiện các nội dung của Kế hoạch. Tổng hợp, đánh giá kết quả thực hiện, kịp thời tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh các điều chỉnh, bổ sung phù hợp với tình hình thực tế.

2.2. Căn cứ theo các nhiệm vụ, nội dung được giao trong Kế hoạch, các cơ quan chủ trì các dự án xây dựng kế hoạch chi tiết hàng năm trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt để triển khai thực hiện.

2.3. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội:

- Là cơ quan thường trực của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 có trách nhiệm giúp Ban Chỉ đạo chương trình mục tiêu giảm nghèo tỉnh hướng dẫn triển khai thực hiện Kế hoạch; chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan xây dựng kế hoạch hằng năm để thực hiện.

- Chủ trì tổ chức thực hiện các dự án, hoạt động được giao theo nội dung của Kế hoạch này.

- Đôn đốc, kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện Kế hoạch của các sở, ngành, đơn vị, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố.

2.4. Ban Dân tộc tỉnh:

- Chủ trì thực hiện các dự án, hoạt động được giao theo nội dung của Kế hoạch này.

- Chủ trì thực hiện lồng ghép Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi với giảm nghèo để thực hiện Dự án 3.

- Chủ trì, phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội xây dựng Kế hoạch hỗ trợ giảm nghèo cho các xã nghèo trọng điểm ở khu vực miền núi, gửi các cơ quan, doanh nghiệp, đơn vị đỡ đầu để thực hiện hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm và hiệu quả.

2.5. Sở Kế hoạch và Đầu tư:

- Chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, Ban Dân tộc trong việc bố trí vốn đầu tư hàng năm thực hiện Tiểu dự án 1 của Dự án 2 (Chương trình 135); hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện đầu tư cơ sở hạ tầng ở các xã, thôn đặc biệt khó khăn theo quy định hiện hành.

- Phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, các ngành liên quan tổng hợp, đánh giá tình hình thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh.

2.6. Sở Tài chính:

- Chủ trì thẩm định, tham mưu trình Ủy ban nhân dân tỉnh bố trí vốn sự nghiệp hàng năm để triển khai thực hiện Kế hoạch.

- Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư thẩm định và bố trí vốn đầu tư để thực hiện Tiểu dự án 1 của Dự án 2 (Chương trình 135).

- Chủ trì, phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn việc quản lý, sử dụng, thanh quyết toán kinh phí bố trí thực hiện Kế hoạch.

2.7. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

- Chủ trì thực hiện các dự án, hoạt động được giao theo nội dung của Kế hoạch này.

- Chủ trì tổ chức lồng ghép nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc Chương trình xây dựng nông thôn mới để thực hiện Dự án 3 hỗ trợ sản xuất cho hộ nghèo, hộ cận nghèo.

2.8. Sở Thông tin và Truyền thông:

- Chủ trì thực hiện hoạt động giảm nghèo về thông tin thuộc Dự án 4 của Kế hoạch này.

- Chủ trì thực hiện các hoạt động hỗ trợ phương tiện nghe, xem cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo thuộc xã đảo, xã đặc biệt khó khăn, xã miền núi.

2.9. Các sở, ban, ngành có liên quan chủ động phối hợp triển khai thực hiện các dự án, hoạt động của Kế hoạch này thuộc phạm vi ngành, đơn vị mình quản lý.

2.10. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố:

- Phối hợp với các sở, ban, ngành có liên quan tổ chức triển khai thực hiện các dự án của Kế hoạch này trên địa bàn quản lý.

- Chỉ đạo các phòng, ban có liên quan, Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn xây dựng kế hoạch chi tiết triển khai thực hiện các dự án trên địa bàn quản lý.

- Bố trí thêm ngân sách địa phương (ngân sách huyện, ngân sách xã) để đối ứng triển khai thực hiện có hiệu quả các dự án, hoạt động của Kế hoạch này.

- Chủ động kêu gọi, huy động thêm các nguồn lực xã hội hóa để hỗ trợ triển khai thực hiện Kế hoạch.

- Rà soát, thống kê, lập danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo theo hướng dẫn của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, chịu trách nhiệm về tính chính xác của số liệu và danh sách của địa phương.

Trên đây là Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững theo Quyết định số 1722/QĐ-TTg ngày 02 tháng 9 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa, Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả.

Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, đề nghị các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh (thông qua Sở Lao động - Thương binh và Xã hội) để hướng dẫn, giải quyết./.