ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 37/2021/QĐ-UBND | Phú Yên, ngày 16 tháng 9 năm 2021 |
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH KHUNG GIÁ CÁC LOẠI RỪNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH PHÚ YÊN
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH PHÚ YÊN
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 18 tháng 6 năm 2020;
Căn cứ Luật Lâm nghiệp ngày 15 tháng 11 năm 2017; Căn cứ Luật Giá ngày 20 tháng 6 năm 2012;
Căn cứ Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16 tháng 11 năm 2018 của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp;
Căn cứ Nghị định số 149/2016/NĐ-CP ngày 11 tháng 11 năm 2016 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 177/2013/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giá;
Căn cứ Thông tư số 32/2018/TT-BNNPTNT ngày 16 tháng 11 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định phương pháp định giá rừng; khung giá rừng;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 133/TTr-SNN ngày 17 tháng 6 năm 2021 về việc Ban hành khung giá các loại rừng trên địa bàn tỉnh Phú Yên.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng
1. Quyết định này quy định khung giá các loại rừng trên địa bàn tỉnh Phú Yên, gồm: Rừng tự nhiên, rừng trồng là rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất và rừng ngoài quy hoạch lâm nghiệp.
2. Quyết định này được áp dụng đối với cơ quan nhà nước, đơn vị, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong nước, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức, cá nhân nước ngoài liên quan đến việc xác định và áp dụng giá các loại rừng trên địa bàn tỉnh Phú Yên
Điều 2. Khung giá các loại rừng
1. Khung giá rừng được xác định bằng phương pháp định giá chung đối với rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất và rừng ngoài quy hoạch lâm nghiệp thuộc sở hữu toàn dân theo quy định tại Thông tư số 32/2018/TTBNNPTNT ngày 16/11/2018 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quy định phương pháp định giá rừng; khung giá rừng và các quy định của pháp luật khác có liên quan.
2. Khung giá rừng trên địa bàn tỉnh Phú Yên ban hành kèm theo các phụ lục. Phụ lục 1: Khung giá các loại rừng tự nhiên các huyện, thị xã, thành phố. Phụ lục 2: Khung giá các loại rừng trồng các huyện, thị xã, thành phố.
3. Khung giá được áp dụng trong các trường hợp quy định tại Điều 91 của Luật Lâm nghiệp.
Điều 3. Trách nhiệm của các sở, ngành, UBND cấp huyện và chủ rừng
1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:
a) Chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính hướng dẫn triển khai đến các địa phương, đơn vị quy định khung giá các loại rừng trên địa bàn tỉnh để áp dụng theo đúng quy định của pháp luật;
b) Tham mưu UBND tỉnh thành lập Hội đồng định giá rừng của tỉnh để thực hiện nhiệm vụ xác định giá giao rừng, giá cho thuê quyền sử dụng rừng của các tổ chức kinh tế, giá bồi thường khi Nhà nước thu hồi rừng, trình UBND tỉnh phê duyệt để thực hiện;
c) Tổng hợp những khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét giải quyết.
2. Sở Tài chính: Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn, triển khai đến các địa phương, đơn vị quy định khung giá các loại rừng trên địa bàn tỉnh để áp dụng theo đúng quy định của pháp luật.
3. Sở Tài nguyên và Môi trường: Chủ trì phối hợp với các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện hoàn thiện hồ sơ giao đất, cho thuê đất đối với trường hợp đã giao rừng, cho thuê rừng, trình UBND tỉnh quyết định giao đất và cấp giấy chứng nhận theo quy định của pháp luật về đất đai.
4. Cục Thuế tỉnh:
a) Tiếp nhận, xác định nghĩa vụ tài chính đối với hồ sơ đề nghị giao rừng, cho thuê rừng của các tổ chức do các cơ quan chức năng gửi đến.
b) Chỉ đạo hướng dẫn các Chi cục thuế xác định nghĩa vụ tài chính đối với hồ sơ đề nghị giao rừng, cho thuê rừng của hộ gia đình, cá nhân do cơ quan chức năng có liên quan gửi đến.
5. UBND cấp huyện:
a) Chỉ đạo các cơ quan chức năng và UBND cấp xã tổ chức tiếp nhận, giải quyết hồ sơ đề nghị giao rừng, cho thuê rừng của hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng dân cư theo đúng trình tự, thủ tục; triển khai thực hiện các quyết định giao rừng, cho thuê rừng, nghĩa vụ tài chính của hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng dân cư theo quy định của pháp luật có liên quan.
b) Thực hiện thẩm quyền về giao rừng, cho thuê rừng; quyết định giá cho thuê rừng và ký hợp đồng thuê rừng đối với hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng dân cư trên địa bàn cấp huyện trên cơ sở quy định khung giá các loại rừng trên địa bàn tỉnh đã được ban hành; thu hồi quyết định giao rừng, cho thuê rừng đối với hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng dân cư theo quy định của pháp luật.
c) Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong việc tổ chức triển khai quyết định giao rừng, cho thuê rừng của UBND tỉnh đối với tổ chức trên địa bàn.
d) Theo dõi, kiểm tra việc thực hiện mục tiêu, nội dung, tiến độ dự án đầu tư có liên quan đến bảo vệ và phát triển rừng của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư đã được cấp có thẩm quyền giao rừng, cho thuê rừng.
e) Chỉ đạo việc lưu trữ, theo dõi hồ sơ giao rừng, cho thuê rừng của hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng dẫn cư; báo cáo định kỳ hàng năm về tình hình giao rừng, cho thuê rừng của hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng dân cư trên địa bàn quản lý về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp chung trong toàn tỉnh.
6. Chủ rừng: Là tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư được Nhà nước giao rừng, cho thuê rừng; giao đất, cho thuê đất để trồng rừng; tự phục hồi, phát triển rừng; nhận chuyển nhượng, tặng cho, thừa kế rừng theo quy định của pháp luật triển khai thực đúng quy định pháp luật.
Điều 4. Điều khoản thi hành
1. Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày 26 tháng 9 năm 2021.
2. Khung giá rừng được xem xét điều chỉnh trong trường hợp có biến động tăng hoặc giảm trên 20% so với giá quy định hiện hành liên tục trong thời gian sáu (6) tháng trở lên; trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, các sở, ngành, địa phương, các tổ chức, cá nhân kịp thời phản ánh qua Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp, đề xuất sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.
3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các Sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, Công Thương; Cục trưởng Cục Thuế tỉnh; Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh; Giám đốc Kho bạc Nhà nước tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố; Thủ trưởng các sở, ngành, địa phương và các tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư có liên quan căn cứ Quyết định thi hành./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |