Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẮC KẠN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
---------

Số: 3808/2009/QĐ-UBND

Bắc Kạn, ngày 16 tháng 12 năm 2009

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT CHƯƠNG TRÌNH PHÁT TRIỂN DƯỢC LIỆU TỈNH BẮC KẠN GIAI ĐOẠN TỪ NĂM 2010 ĐẾN NĂM 2015 VÀ TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2020

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BẮC KẠN

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân ngày 26/11/2003;
Căn cứ Luật Dược ngày 14/6/2005;
Căn cứ Quyết định số: 222/2003/QĐ-TTg ngày 03/11/2003 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt chính sách Quốc gia về y dược học cổ truyền;
Căn cứ Quyết định số: 43/2007/QĐ-TTg ngày 29/3/2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án Phát triển công nghiệp dược và xây dựng mô hình hệ thống cung ứng thuốc của Việt Nam giai đoạn 2007 - 2015 và tầm nhìn đến năm 2020;
Căn cứ Quyết định số: 751/QĐ-UBND ngày 19/4/2006 của UBND tỉnh Bắc Kạn về việc phê duyệt Kế hoạch thực hiện chính sách Quốc gia về y dược học cổ truyền tỉnh Bắc Kạn đến năm 2010;
Xét đề nghị của Hội Đông y tỉnh tại Tờ trình số: 127/TTr-HĐY ngày 18/11/2009,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Chương trình Phát triển dược liệu tỉnh Bắc Kạn giai đoạn từ năm 2010 đến năm 2015 và tầm nhìn đến năm 2020 (kèm theo Quyết định này).

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký ban hành.

Điều 3. Các ông (bà) Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các Sở; Thủ trưởng các ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã và Thủ trưởng các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Triệu Đức Lân

 

CHƯƠNG TRÌNH

PHÁT TRIỂN DƯỢC LIỆU TỈNH BẮC KẠN GIAI ĐOẠN TỪ NĂM 2010 ĐẾN NĂM 2015 VÀ TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2020
(Ban hành kèm theo Quyết định số 3808/2009/QĐ-UBND ngày 16/12/2009 của UBND tỉnh Bắc Kạn)

I. THỰC TRẠNG NGUỒN TÀI NGUYÊN DƯỢC LIỆU CỦA TỈNH BẮC KẠN

Bắc Kạn là một tỉnh miền núi vùng cao, địa hình phức tạp, đa dạng, đất đai chủ yếu là đất Feralis giàu mùn, tầng canh tác khá dày, nhìn chung rất thuận lợi cho việc trồng cây lâu năm, trong đó có cây thuốc.

Hiện nay, đất chưa sử dụng trong toàn tỉnh còn khá lớn (43,2%, khoảng 201.000 ha), chủ yếu là đồi trọc, đồi rừng tái sinh, tập trung ở các huyện Ngân sơn, Ba Bể, Na Rì; độ che phủ rừng của Bắc Kạn còn tới gần 60%.

Nguồn tài nguyên từ rừng ngoài sản phẩm chủ yếu là gỗ còn có phần lớn nguồn sản phẩm phi gỗ khá cao, trong đó có nguồn Dược liệu tự nhiên rất phong phú và đa dạng. Theo số liệu điều tra sơ bộ của Viện Dược liệu Việt Nam, tỉnh Bắc Kạn có trên 1.000 loài cây thuốc, nhiều loài có giá trị kinh tế cao như: Bình vôi, Hà thủ ô, Ba kích, Cát sâm, Kê huyết đằng… nhưng do nhiều nguyên nhân khác nhau mà nguồn tài nguyên này đang bị cạn kiệt, nhiều loài cây không còn khả năng tái sinh, dược liệu khai thác được sử dụng tại chỗ còn ít, toàn tỉnh chỉ có một số phòng chẩn trị y học cổ truyền tư nhân, một số trạm xá có sử dụng dược liệu địa phương, còn đa phần sử dụng thuốc nhập nội. Một số lương y gia truyền ngoài vấn đề khai thác để sử dụng có tiến hành việc bảo vệ và phát triển Dược liệu nhưng chỉ ở phạm vi nhỏ lẻ. Tình trạng khai thác tràn lan để bán ra ngoài tỉnh và xuất khẩu là rất phổ biến, dẫn tới nguồn tài nguyên này ngày càng bị cạn kiệt, nhiều loài không còn khả năng phục hồi. Việc quản lý dược liệu chưa có cơ quan chức năng với biện pháp thực hiện cụ thể nên vừa làm thất thoát tài nguyên, vừa làm thất thoát thuế. Lãnh đạo cơ quan chuyên môn các cấp ở địa phương chưa thực sự quan tâm đến việc bảo tồn và phát triển dược liệu trong khi vấn đề bảo tồn nguồn gen cây thuốc quý hiếm vốn đã khó và việc phát triển cây thuốc để làm kinh tế cũng chưa được khuyến khích, đầu tư.

Hiện nay, việc sử dụng dược liệu (cây con làm thuốc) trong chăm sóc sức khoẻ (thuốc, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm) đã được các doanh nghiệp dược đầu tư sản xuất và bắt đầu có nhu cầu nhu cầu lớn. Một số cơ quan chức năng Trung ương cũng đã quan tâm, khuyến khích sử dụng nguồn dược liệu ở các địa phương. Các loài Dược liệu có thế mạnh ở tỉnh Bắc Kạn như: Ba kích, Hà thủ ô, Bình vôi, Bảy lá một hoa, Cát sâm… mặc dù đã bị suy giảm nghiêm trọng nhưng có thể được hồi phục, tái sinh và phát triển, góp phần xoá đói giảm nghèo, nếu như chúng ta biết tận dụng thế mạnh về rừng, đất rừng, đất chưa sử dụng, có chính sách hỗ trợ hợp lý để phát triển những loài cây thuốc bản địa có sẵn ở địa phương.

Nhìn chung, vấn đề bảo tồn và phát triển dược liệu cần được các cấp chính quyền và các ngành có liên quan quan tâm, chỉ đạo thực hiện bằng những hành động cụ thể, thiết thực.

Thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước nói chung và tỉnh ta nói riêng trong lĩnh vực phát triển kinh tế, xã hội, việc phê duyệt và triển khai chương trình phát triển dược liệu tỉnh Bắc Kạn từ nay đến năm 2015 và tầm nhìn đến năm 2020 là nhiệm vụ chung của các ngành, các cấp trong tỉnh, góp phần xoá đói giảm nghèo, cải tạo môi trường và phát triển bền vững.

II. MỤC TIÊU CỦA CHƯƠNG TRÌNH

A. MỤC TIÊU CHUNG

1. Bảo tồn gắn với phát triển một số loài cây thuốc bản địa có giá trị cao:

Nghiên cứu các biện pháp bảo tồn, khai thác và sử dụng hợp lý các nguồn tài nguyên dược liệu bản địa có giá trị y học cao vì đây là nguồn tài nguyên dược liệu có thế mạnh trên thị trường trong và ngoài nước.

Đ­ưa ch­ương trình nuôi trồng một số loài cây D­ược liệu có giá trị kinh tế cao vào nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, nhằm tạo thêm việc làm để tăng thu nhập cho nông dân, nông thôn góp phần xoá đói giảm nghèo, cải tạo môi trường và phát triển bền vững.

2. Nghiên cứu ứng dụng một số đề tài khoa học trong lĩnh vực Y d­ược học cổ truyền đã được thừa kế, đáp ứng nhu cầu bảo vệ chăm sóc sức khoẻ nhân dân, tiến tới sản xuất thuốc thành phẩm mang thư­ơng hiệu Bắc Kạn.

B. MỤC TIÊU CỤ THỂ

1. Mục tiêu đến năm 2015:

- Triển khai và đánh giá được hiệu quả kinh tế - xã hội của Dự án "Bảo tồn, phát triển cây thuốc cổ truyền và trồng thử nghiệm một số loài cây dược liệu có giá trị cao để sản xuất hàng hoá".

- Nghiên cứu xây dựng và ban hành quy chế về "Quản lý khai thác, kinh doanh, sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên dược liệu".

- Nghiên cứu xây dựng chính sách hỗ trợ nông dân tham gia trồng cây dược liệu (giống, phân bón), khuyến khích nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với đất đai canh tác.

- Nghiên cứu xây dựng quy hoạch tổng thể vùng trồng dược liệu của tỉnh Bắc Kạn với diện tích từ 150 đến 200 ha với 10 - 12 loài cây có giá trị kinh tế cao tại địa bàn hai huyện: huyện Chợ mới, huyện Ngân sơn và một số địa phương của tỉnh.

- Phấn đấu giá trị kinh tế từ nguồn phát triển dược liệu trong toàn tỉnh đến hết năm 2015 là từ 7 tỷ đến 8 tỷ/năm trở lên.

2. Mục tiêu đến năm 2020:

- Xây dựng đ­ược cơ cấu cây trồng một số loài d­ược liệu theo vùng và xây dựng mô hình trồng dư­ợc liệu tại một số địa phương trong tỉnh, hàng năm đưa chương trình dược liệu vào kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.

- Sản xuất một số thuốc thành phẩm chăm sóc sức khoẻ mang th­ương hiệu Bắc Kạn để phục vụ sức khoẻ cho cán bộ, nhân dân trong và ngoài tỉnh.

- Đánh giá bước đầu hiệu quả chương trình phát triển dược liệu của tỉnh, phấn đấu đưa giá trị cây dược liệu đạt khoảng 12 tỷ đồng/năm.

III. CÁC NHIỆM VỤ CHỦ YẾU

1. Nhiệm vụ từ nay đến năm 2015

1.1. Nghiên cứu, xây dựng và triển khai Dự án về Bảo tồn phát triển cây thuốc cổ truyền bản địa, nhằm lưu giữ nguồn gien cây thuốc quý hiếm đặc hữu của tỉnh tại một số hộ gia đình. Đây sẽ là nơi vừa bảo tồn, vừa phát triển và cung cấp giống cho phát triển nhân rộng tại cộng đồng.

Nghiên cứu các loài cây thuốc quý hiếm tại địa phương có giá trị chữa bệnh cao hoặc có giá trị kinh tế cao đưa vào Vườn bảo tồn các cây thuốc đặc hữu của tỉnh.

Nghiên cứu và phát triển các loài cây thuốc quý hiếm có giá trị kinh tế cao trên thị trường, nhân giống và phát triển nhân rộng tại cộng đồng, trước mắt tập trung vào những loài cây thuốc như: Ba kích, Hà thủ ô, Đinh lăng… đang có nhu cầu tiêu thụ lớn.

Điều tra khảo sát và nghiên cứu môi trường sinh thái của loài cây Gừng gió tại xã Liêm Thuỷ, huyện Na Rì, đề xuất hướng bảo tồn và phát triển nhân rộng để làm nguyên liệu sản xuất thử nghiệm một loại gia vị bảo quản thực phẩm (thịt gia súc, gia cầm) đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Nghiên cứu, xây dựng và triển khai Dự án về Bảo tồn và phát triển loài tắc kè - một loại dược liệu quý, giá trị chữa bệnh cao có nguy cơ tuyệt chủng tại các đảo ở hồ Ba bể, nhằm nghiên cứu khả năng phát triển để khôi phục lại số lượng loài bò sát này.

1.2. Tổ chức thực hiện một số dự án về nuôi trồng một số loài cây dược liệu đang có nhu cầu lớn trên thị trường tại một số địa phương trong tỉnh.

Nghiên cứu trồng đại trà một số loài cây có giá trị y tế cao như: Ba kích, Hà thủ ô, Cốt khí củ, Dong riềng đỏ, Sâm cau, Gối hạc để đánh giá hiệu quả kinh tế và khả năng thích ứng của các loài cây này trên các vùng sinh thái khác nhau. Phấn đấu trồng đại trà 2 loài cây Ba kích, Hà thủ ô, mỗi loài từ 100 - 200 ha trên đất tận dụng, đất chưa sử dụng và một số các loài khác từ 5 - 10 ha.

Vận động các hộ gia đình có điều kiện về đất đai và nhân lực trồng một số loài dược liệu đang có nhu cầu lớn trên thị trường như: Đinh lăng, Mạch môn, Cát sâm, Nhân trần, Giảo cổ lam… với diện tích tổng thể từ 10 - 20 ha, có chính sách hỗ trợ giống và phân bón cho các hộ gia đình này, tạo điều kiện để họ phát triển kinh tế chuyển đổi cơ cấu cây trồng.

1.3. Xây dựng và ban hành Quy chế về "Quản lý khai thác, kinh doanh và sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên dược liệu" của tỉnh, nhằm đưa các hoạt động khai thác, vận chuyển và buôn bán dược liệu tại các địa phương trong tỉnh đúng quy định. Ngăn chặn có hiệu quả tình trạng khai thác huỷ diệt và buôn bán dược liệu quý hiếm ra nước ngoài.

1.4. Nghiên cứu xây dựng quy hoạch vùng trồng dược liệu của tỉnh Bắc Kạn, căn cứ vào tính đặc thù của từng địa phương về đất đai, khí hậu, thời tiết, chú trọng khai thác và sử dụng các loại đất phi nông nghiệp, đất rừng chưa được sử dụng để triển khai chương trình trồng dược liệu. Nghiên cứu các loài cây dược liệu phù hợp với khí hậu thổ nhưỡng để trồng, vừa tận dụng đất mà vẫn phát huy hiệu quả kinh tế. Đặc biệt chú trọng vùng nguyên liệu cho các loài cây dược liệu: Ba kích, Hà thủ ô, Đinh lăng, Đương quy…..

1.5. Phối hợp với Công ty IMC (Công ty tư vấn Y Dược Quốc tế) xây dựng vùng nguyên liệu sạch theo tiêu chí GAP để cung cấp nguyên liệu cho Công ty và thị trường.

1.6. Phối hợp với các Bệnh viện, Viện chuyên ngành, các doanh nghiệp dược nghiên cứu sản xuất thử nghiệm một số sản phẩm chăm sóc sức khoẻ có nguồn gốc dược liệu của tỉnh Bắc Kạn.

Phối hợp với Công ty cổ phần Trapaco nghiên cứu sản xuất thử nghiệm thuốc thành phẩm Ban tra BK hỗ trợ bệnh điều trị thiếu máu cơ tim từ cây Ban lá dính và một số dược liệu quý khác của tỉnh.

Phối hợp với Viện dược liệu Việt Nam nghiên cứu thử nghiệm sản xuất thuốc thành phẩm Bổ thận tráng dương Bắc Kạn từ nguồn dược liệu Sâm cau, một dược liệu quý của tỉnh, có tác dụng hỗ trợ và tăng cường sức đề kháng của cơ thể và nâng cao sức khoẻ.

Phối hợp với Công ty IMC nghiên cứu thử nghiệm một số sản phẩm thực phẩm chức năng có nguồn gốc dược liệu tỉnh Bắc Kạn, trước mắt ưu tiên nghiên cứu sản xuất các sản phẩm chức năng bổ dưỡng và hỗ trợ điều trị các bệnh suy dinh dưỡng trẻ em, hội chứng dạ dày và đường ruột, các chứng hư khớp xương ở người cao tuổi.

1.7. Xây dựng chương trình dạy nghề trồng dược liệu phù hợp với quy hoạch vùng nguyên liệu của tỉnh để áp dụng tại các Trung tâm dạy nghề ở các địa phương.

2. Nhiệm vụ từ năm 2016 - 2020:

1.1. Sơ kết đánh giá hiệu quả của chương trình đối với sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, đặc biệt chú ý đánh giá đúng thực chất các dự án, đề tài nghiên cứu khoa học về bảo tồn, phát triển cây thuốc cổ truyền và trồng một số loài cây thuốc có giá trị kinh tế cao để sản xuất hàng hoá.

2.2. Đánh giá hiệu quả các dự án sản xuất thử nghiệm thuốc thành phẩm có nguồn gốc dược liệu của tỉnh nếu đạt yêu cầu thì liên doanh với doanh nghiệp dược Trung ương để chuyển sang sản xuất thuốc thành phẩm.

2.3. Tổ chức triển khai mô hình trồng dược liệu theo tiêu chí GAP (thực hành tốt trồng cây thuốc) và theo quy hoạch để cung cấp nguyên liệu sạch cho các doanh nghiệp Dược, góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.

IV. CHÍNH SÁCH VÀ CÁC GIẢI PHÁP CHỦ YẾU

1. Thống nhất quan điểm chỉ đạo:

Nghiên cứu thừa kế, ứng dụng Y Dược học cổ truyền, nghiên cứu kết hợp với Y Dư­ợc học hiện đại trong chăm sóc sức khoẻ nhân dân là lựa chọn ư­u tiên, đúng với quan điểm của Đảng và Nhà n­ước, của ngành y tế.

Xác định chủ trương bảo vệ và sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên d­ược liệu và trồng d­ược liệu là một chủ tr­ương đúng, đáp ứng nhu cầu thị trường góp phần xây dựng cơ cấu cây trồng vật nuôi trong định hư­ớng phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, tận dụng thế mạnh về tài nguyên, nhân lực, vật lực của địa phư­ơng trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội.

2. Cơ chế chính sách và giải pháp:

a) Giải pháp về chính sách:

- Có chính sách hỗ trợ các dự án về trồng dược liệu (giống, phân bón…) khuyến khích nông dân tham gia và chuyển đổi cơ cấu cây trồng.

- Có chính sách ­ưu đãi khuyến khích các tổ chức, cá nhân nghiên cứu và sử dụng nguồn tài nguyên dược liệu tự nhiên của tỉnh trong công tác chăm sóc sức khoẻ cho người dân địa phương.

- Có chính sách ­ưu đãi hợp lý đối với các tổ chức cá nhân trong tỉnh có những đóng góp lớn trong việc cống hiến bản quyền cây thuốc, trong nghiên cứu kế thừa và bảo tồn nguồn tài nguyên d­ược liệu, trong bao tiêu sản phẩm.

- Có chính sách cho vay ưu đãi đối với các dự án triển khai trong lãnh vực nuôi trồng cây con làm thuốc để phát triển kinh tế gia đình.

b) Giải pháp về tổ chức, quản lý:

- Thành lập Ban chỉ đạo chương trình phát triển dược liệu, chỉ đạo và giám sát quá trình thực hiện.

- Thành lập các cơ sở y tế (công lập hoặc dân lập) thực hiện chức năng nghiên cứu kế thừa và ứng dụng các kinh nghiệm, các bài thuốc y học cổ truyền của địa phương trong chăm sóc sức khoẻ nhân dân.

- Thành lập thêm các Tổ chức Xã hội nghề nghiệp như­: Hội D­ược liệu để cùng với Hội Đông y, Sở Y tế và các ngành liên quan tổ chức và quản lý mạng lưới nuôi trồng, sản xuất chế biến, kinh doanh d­ược liệu.

c) Giải pháp về nguồn lực (tài lực, nhân lực):

- Hàng năm dành một khoản ngân sách hỗ trợ các đề tài, dự án khoa học công nghệ nghiên cứu về lãnh vực nuôi trồng và phát triển nguồn tài nguyên dược liệu, nghiên cứu sản xuất thử nghiệm các sản phẩm chăm sóc sức khoẻ có nguồn gốc dược liệu địa phương, có chính sách hỗ trợ hoặc cho vay ưu đãi đối với các hộ gia đình trong chuyển đổi cây trồng là dược liệu, trợ cư­ớc trợ giá, đào tạo nghề nuôi trồng dư­ợc liệu.

- Đào tạo bổ sung và đào tạo mới kiến thức cho một số cán bộ hội viên Hội Dược liệu và cán bộ khuyến nông khuyến lâm về nuôi trồng và sơ chế dược liệu.

- Vận động và thu hút các nguồn tài trợ từ các tổ chức phi Chính phủ và các tập đoàn, Công ty dược phẩm để giúp đỡ chương trình phát triển dược liệu.

V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Thành lập Ban chỉ đạo:

Thành lập Ban chỉ đạo triển khai thực hiện "Chương trình phát triển d­ược liệu từ nay đến năm 2015 và tầm nhìn đến năm 2020".

Tr­ưởng ban chỉ đạo là Chủ tịch hoặc Phó chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh. Sở Nông nghiệp là cơ quan Thường trực, các sở ban ngành, các tổ chức xã hội nghề nghiệp liên quan là Uỷ viên.

Ban chỉ đạo có nhiệm vụ chỉ đạo điều hành toàn bộ chương trình phát triển dược liệu của tỉnh, nghiên cứu và phê duyệt các biện pháp tổ chức thực hiện và các chính sách hỗ trợ do các cấp, các ngành đề xuất, các đề tài, Dự án khoa học công nghệ liên quan đến chương trình phát triển dược liệu, phấn đấu đưa chương trình phát triển dược liệu tham gia vào sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.

2. Trách nhiệm của các ngành, các cấp, các tổ chức đoàn thể và xã hội:

2.1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

Là cơ quan thường trực Ban chỉ đạo triển khai thực hiện "Chương trình phát triển d­ược liệu từ nay đến năm 2015 và tầm nhìn đến năm 2020", có nhiệm vụ:

- Chủ trì, phối hợp với Hội Đông y tỉnh, Hội Dược liệu tỉnh trong việc xây dựng các Dự án nuôi trồng và chế biến d­ược liệu từ nay đến năm 2015 và tầm nhìn đến năm 2020 trình Hội Đồng khoa học chuyên ngành thẩm định và Uỷ ban nhân dân tỉnh tỉnh phê duyệt.

- Nghiên cứu xây dựng quy hoạch vùng chuyên canh, xen canh cây con làm thuốc có gắn với chế biến.

- Tham mưu với Uỷ ban nhân dân tỉnh ban hành các cơ chế chính sách hỗ trợ chương trình phát triển dược liệu của tỉnh để chương trình phát triển dược liệu tham gia vào sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

- Định kỳ hàng năm có báo cáo kết quả triển khai thực hiện và tổ chức sơ tổng kết các hoạt động của Ban chỉ đạo.

2.2. Sở Y tế: Chủ trì phối hợp với Hội Dược liệu, Hội Đông y chỉ đạo các cơ sở Y tế xây dựng các đề tài nghiên cứu ứng dụng các bài thuốc y học cổ truyền trong chăm sóc sức khoẻ trình Hội Đồng khoa học tỉnh phê duyệt và triển khai thực hiện, trong đó ưu tiên nghiên cứu sử dụng các cây thuốc, bài thuốc của địa phương đã thừa kế được.

2.3. Hội Đông y tỉnh:

- Phối hợp với cơ quan thường trực và các ngành liên quan:

+ Xây dựng quy hoạch vùng nuôi trồng dược liệu và xây dựng các Dự án về bảo tồn, tổ chức nuôi trồng dược liệu phục vụ chương trình phát triển dược liệu từ nay đến năm 2015 và tầm nhìn đến năm 2020, đặc biệt là chương trình phát triển dược liệu sạch để cung ứng cho các cơ sở thực hành tốt sản xuất thuốc theo tiêu chuẩn của WTO để xuất khẩu.

+ Tổ chức cung cấp đủ giống đảm bảo chất lượng cho các Dự án nuôi trồng các loài dược liệu, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hái và sơ chế đảm bảo kỹ thuật.

+ Tổ chức ký hợp đồng sản xuất và bao tiêu kịp thời các sản phẩm do các cơ sở và hộ gia đình nuôi trồng, giá cả hợp lý để khuyến khích tái sản xuất và tăng thêm thu nhập.

- Phối hợp với Sở Y tế nghiên cứu xây dựng các Đề tài Dự án sản xuất thử nghiệm các sản phẩm chăm sóc sức khoẻ có nguồn gốc dược liệu của tỉnh.

- Phối hợp với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội xây dựng chương trình nuôi trồng dược liệu để áp dụng tại các cơ sở dạy nghề.

2.4. Sở Khoa học - Công nghệ: Nghiên cứu và ưu tiên triển khai các Đề tài, Dự án về lĩnh vực y dược học cổ truyền, nuôi trồng dược liệu và bảo tồn nguồn gen quý hiếm do Sở Y tế, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Hội Đông y tỉnh xây dựng.

2.5. Sở Lao động, Thương binh và Xã hội: Có kế hoạch và kinh phí cho chương trình đào tạo nghề nuôi trồng dược liệu do Hội Đông y tỉnh và các địa phương đề xuất.

2.6. Sở Kế hoạch và Đầu tư:

- Phối hợp cùng Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài nguyên - Môi trường, Hội Đông y tỉnh xây dựng quy hoạch vùng nuôi trồng dược liệu, đưa chương trình phát triển dược liệu vào định hướng phát triển kinh tế xã hội trong tỉnh và phân bổ kinh phí hỗ trợ hàng năm.

- Nghiên cứu tham mưu trình Uỷ ban nhân dân tỉnh bổ xung các chỉ tiêu về phát triển dược liệu vào kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của tỉnh bắt đầu từ năm 2011 đến năm 2015.

2.7. Sở Tài chính: Nghiên cứu việc bố trí kinh phí trong dự toán ngân sách hàng năm của các sở, ban, ngành, địa phương đề xuất đối với chương trình phát triển Dược liệu.

2.8. Sở Tài nguyên - Môi trường:

Phối hợp với Sở Kế hoạch và đầu tư, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Hội Đông y xây dựng quy hoạch vùng nuôi trồng dược liệu trình UBND tỉnh phê duyệt, nghiên cứu đề xuất quỹ đất cho chương trình.

 2.9. Các sở, ngành có liên quan khác: Giúp đỡ và tạo điều kiện thuận lợi tổ chức thực hiện chương trình để đạt hiệu quả cao, không áp dụng các chính sách thu thuế tài nguyên và kinh doanh đối với chương trình phát triển Dược liệu của tỉnh.

2.10. Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

- Tham mưu về cơ chế vay vốn, tạo điều kiện thuận lợi về vay vốn cho các Dự án phát triển Dược liệu của tỉnh.

- Thường xuyên kiểm tra việc sử dụng các nguồn vốn vay với mục đích phát triển Dược liệu đối với các tổ chức, cá nhân thực hiện Dự án.

2.11. Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể và các tổ chức xã hội liên quan: Giúp đỡ cơ quan Thường trực trong việc tuyên truyền vận động các hộ nông dân, hộ gia đình tích cực tham gia chương trình phát triển dược liệu, để chương trình đảm bảo tính khả thi, góp phần thực hiện thắng lợi sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

2.12. Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã:

a) Tạo điều kiện cho tổ chức thực hiện các Đề tài, Dự án khoa học công nghệ về phát triển tài nguyên cây thuốc trên địa bàn huyện, thị xã, đặc biệt là các Dự án trồng cây thuốc trên đất lâm nghiệp, đất chưa sử dụng và đất ruộng một vụ đạt hiệu quả thấp.

b) Chỉ đạo các phòng ban chức năng lập kế hoạch phát triển dược liệu và đề xuất các biện pháp tổ chức thực hiện từng loại cây trồng cụ thể phù hợp với địa phương mình.

c) Chỉ đạo Phòng Y tế, Hội Đông y tuyên truyền vận động nhân dân khôi phục phong trào trồng và sử dụng cây thuốc gia đình để phòng và chữa bệnh tại cộng đồng, việc trồng cây thuốc gia đình cần gắn liền với việc phát triển kinh tế, cải tạo môi trường và xoá đói giảm nghèo của từng địa phương.

d) Chỉ đạo các xã (phường, thị trấn) vận động các hộ gia đình tham gia chương trình phát triển dược liệu của tỉnh, đề xuất các biện pháp hỗ trợ đối với các hộ gia đình tham gia chương trình, chuyển đổi cơ cấu cây trồng của địa phương.

e) Thường xuyên liên hệ với Ban chỉ đạo, đề xuất tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện với Thường trực Ban chỉ đạo.

g) Tổ chức kiểm tra đánh giá kết quả hàng năm, báo cáo với Ban chỉ đạo.