ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 3811/QĐ-UBND | Thanh Hóa, ngày 30 tháng 09 năm 2015 |
PHÊ DUYỆT “KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN BÓNG ĐÁ THANH HÓA ĐẾN NĂM 2020, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2025”
CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH THANH HÓA
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Quyết định số 419/QĐ-TTg ngày 08 tháng 3 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt “Chiến lược phát triển bóng đá Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”;
Căn cứ Chỉ thị số 97/CT-BVHTTDL ngày 13/5/2013 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc tổ chức triển khai, thực hiện “Chiến lược phát triển bóng đá Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”;
Xét đề nghị của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tại Tờ trình số 2187/TTr-SVHTTDL ngày 08/9/2015,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt kèm theo quyết định này “Kế hoạch phát triển bóng đá Thanh Hóa đến năm 2020, định hướng đến năm 2025”.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Chánh Văn phòng UBND tỉnh; giám đốc các sở: Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Giáo dục và Đào tạo, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng; thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan; chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.
| KT. CHỦ TỊCH |
PHÁT TRIỂN BÓNG ĐÁ THANH HÓA ĐẾN NĂM 2020, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2025
(Kèm theo Quyết định số: 3811/QĐ-UBND ngày 30/9/2015 của Chủ tịch UBND tỉnh)
Thực hiện Quyết định số 419/QĐ-TTg ngày 08/3/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chiến lược phát triển bóng đá Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” và Chỉ thị số 97/CT-BVHTTDL ngày 13/5/2013 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc tổ chức triển khai, thực hiện “Chiến lược phát triển bóng đá Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”; Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa ban hành “Kế hoạch phát triển bóng đá Thanh Hóa đến năm 2020, định hướng đến năm 2025”, gồm các nội dung sau:
1. Mục đích
- Nhằm triển khai có hiệu quả “Chiến lược phát triển bóng đá Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.
- Thông qua triển khai Chiến lược phát triển bóng đá, góp phần thúc đẩy bóng đá phong trào và bóng đá chuyên nghiệp tỉnh nhà phát triển lên tầm cao mới trong thời kỳ hội nhập và phát triển.
2. Yêu cầu
- Bám sát mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ và các giải pháp của Chiến lược để xây dựng kế hoạch triển khai, thực hiện phù hợp với tình hình thực tế của tỉnh nhà, đảm bảo phát triển bóng đá toàn diện và bền vững.
- Gắn việc triển khai kế hoạch thực hiện Chiến lược với kế hoạch thực hiện nhiệm vụ chính trị của ngành, địa phương, đơn vị; tăng cường công tác xã hội hóa để huy động các nguồn lực hợp pháp triển khai, thực hiện kế hoạch.
1. Mục tiêu chung
- Phát triển bóng đá theo hướng toàn diện và bền vững; chú trọng phát triển bóng đá phong trào; nâng cao thành tích đội tuyển bóng đá, từng bước chuyên nghiệp hóa bóng đá, đưa bóng đá tỉnh Thanh Hóa phát triển, trở thành một trong những trung tâm bóng đá mạnh của cả nước.
- Phát triển Câu lạc bộ (CLB) bóng đá theo hướng chuyên nghiệp; hoàn thiện hệ thống tuyển chọn, đào tạo tài năng bóng đá; gắn kết các tuyến vận động viên kế cận, nhằm hình thành lực lượng VĐV bóng đá có chất lượng cao, đáp ứng sự phát triển của bóng đá chuyên nghiệp.
- Phát triển cơ sở vật chất, kỹ thuật phục vụ hoạt động bóng đá, đảm bảo sân bãi đáp ứng nhu cầu tập luyện bóng đá của nhân dân; xây dựng sân vận động tỉnh đủ tiêu chuẩn, đăng cai tổ chức các giải bóng đá cấp quốc gia, quốc tế.
- Tăng cường công tác xã hội hóa các hoạt động bóng đá; hình thành và mở rộng thị trường kinh doanh, dịch vụ bóng đá, thị trường chuyển nhượng cầu thủ bóng đá; các hình thức xổ số bóng đá nhằm tăng nguồn thu, đảm bảo sự phát triển bền vững của bóng đá.
2. Mục tiêu cụ thể
2.1. Giai đoạn 2015 - 2020:
a. Về bóng đá phong trào:
- Phát triển CLB bóng đá phong trào đạt 350 đến 400 CLB; đào tạo từ 10 đến 15 trọng tài, trợ lý trọng tài có chứng chỉ của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam; từ 70 đến 100 huấn luyện viên, hướng dẫn viên bóng đá cơ sở.
- Xây dựng hệ thống thi đấu từ tỉnh đến cơ sở; hàng năm tổ chức và hướng dẫn, chỉ đạo tổ chức từ 2 đến 3 giải bóng đá phong trào cấp tỉnh, 15 - 20 giải cấp huyện và 300 đến 350 giải cấp cơ sở.
- Triển khai thí điểm (giai đoạn 1) bóng đá học đường trong 15% đến 20% số trường học trong tỉnh (từ 226 đến 302 trường tiểu học, THCS và THPT trên tổng số 1.510 trường).
b. Về bóng đá chuyên nghiệp:
- Xây dựng CLB bóng đá chuyên nghiệp theo quy định của Luật Thể dục thể thao, đảm bảo hoạt động theo quy định của Quy chế bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam. Đội tuyển Bóng đá tỉnh Thanh Hóa giữ vững vị trí trong tốp 5 giải vô địch quốc gia (V.League) hàng năm, có ít nhất 1 lần vô địch; có 60% - 70% cầu thủ đội tuyển là người Thanh Hóa do CLB đào tạo; có năng lực chuyên môn, có ý chí quyết tâm trong tập luyện và thi đấu, khát khao chiến thắng vì màu cờ, sắc áo quê hương.
- Trung tâm Đào tạo Bóng đá trẻ tuyển chọn, đào tạo tập trung các đội U13, U15, U17 và U21, với số lượng từ 120 đến 150 VĐV/năm; đào tạo 300 đến 350 VĐV năng khiếu nghiệp dư tại các trung tâm huyện, thị xã, thành phố; có 50% số đội trẻ tham gia giải được vào vòng chung kết các giải quốc gia.
c. Về cơ sở vật chất:
- Kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư Dự án Sân Vận động trung tâm theo tinh thần Quyết định số 3442/QĐ-UBND ngày 19/10/2011 của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa về việc phê duyệt phương án thiết kế kiến trúc công trình sân vận động trung tâm tại Khu Liên hợp thể thao (LHTT) tỉnh.
- Triển khai xây dựng cơ sở vật chất Trung tâm Đào tạo VĐV bóng đá trẻ có 2 đến 4 sân tập luyện, kết hợp xây dựng nhà ở cho VĐV các đội tại Khu LHTT tỉnh.
- Nâng cấp từ 2 đến 4 sân vận động vệ tinh cấp huyện, thuộc 8 trung tâm TDTT, gồm: Thị xã Sầm Sơn, thị xã Bỉm Sơn, huyện Ngọc Lặc, huyện Hoằng Hóa, huyện Thọ Xuân, huyện Vĩnh Lộc, huyện Tĩnh Gia và thành phố Thanh Hóa (theo Quyết định 3916/QĐ-UBND ngày 30/11/2011 của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển sự nghiệp TDTT tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020), đủ tiêu chuẩn tổ chức các giải quốc gia. Trước mắt, tập trung nâng cấp sân vận động tỉnh (mặt sân, khán đài và các hạng mục phục vụ tổ chức thi đấu) đủ tiêu chuẩn tổ chức các giải quốc gia và nâng cấp mặt sân vận động huyện Quảng Xương, đảm bảo cho tập luyện của đội tuyển và các đội trẻ.
- Có 85% đến 90% các huyện, 70% đến 75% (445 - 477) các xã, phường, thị trấn có sân vận động hoạt động thể dục thể thao nói chung và hoạt động bóng đá nói riêng; 70% số trường chuyên nghiệp trên địa bàn tỉnh (11/17 trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp) có sân tập luyện và thi đấu bóng đá.
- Thành lập Quỹ phát triển bóng đá Thanh Hóa; phát triển các hình thức dịch vụ bóng đá; đẩy mạnh công tác xã hội hóa, huy động nguồn lực phát triển bóng đá, đảm bảo kinh phí cho hoạt động bóng đá.
2.2. Định hướng đến 2025
- Về bóng đá phong trào:
+ Phát triển sâu, rộng phong trào bóng đá trong toàn tỉnh, phấn đấu số CLB bóng đá phong trào đến năm 2025 đạt 450 đến 500 CLB.
+ Triển khai chương trình bóng đá học đường (giai đoạn 2), đến năm 2025 có 35% đến 40% số trường học trong tỉnh triển khai, thực hiện.
- Về bóng đá chuyên nghiệp:
+ CLB Bóng đá Thanh Hóa vững mạnh về tổ chức, tài chính, đảm bảo kinh phí hoạt động.
+ Phấn đấu Đội tuyển bóng đá tỉnh Thanh Hóa đứng trong tốp 3 tại giải vô địch quốc gia (V.League), có từ 1 đến 2 lần vô địch; có từ 70% đến 80% cầu thủ do Thanh Hóa đào tạo trong đội hình thi đấu.
+ Đào tạo vận động viên bóng đá trẻ (U13 - U21) đến năm 2025 đạt số lượng 150 đến 200 VĐV; đào tạo 400 - 450 VĐV năng khiếu tại các trung tâm huyện, thị xã, thành phố; có 50% số đội tham gia giải lọt vào vòng chung kết toàn quốc.
- Về cơ sở vật chất:
+ Sân vận động được xây mới; Trung tâm Đào tạo Bóng đá trẻ chuyển về Khu LHTT tỉnh có nhà ở, sân tập và cơ sở vật chất đầy đủ.
+ Có 90% đến 95% cấp huyện, 75 đến 80% (477 - 509) các xã, phường, thị trấn có sân vận động hoạt động thể dục thể thao; 75% số trường chuyên nghiệp trên địa bàn tỉnh (13/17 trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp) có sân tập luyện và thi đấu bóng đá.
+ Quỹ phát triển bóng đá Thanh Hóa hoạt động có hiệu quả; công tác xã hội hóa, các hoạt động kinh doanh, dịch vụ ổn định, đảm bảo kinh phí cho hoạt động bóng đá.
3. Các nhiệm vụ trọng tâm
3.1. Giai đoạn 2015 - 2020:
a. Về phát triển bóng đá phong trào:
- Nâng cao chất lượng công tác quản lý Nhà nước đối với bóng đá; kiện toàn, nâng cao hiệu quả của Liên đoàn Bóng đá Thanh Hóa, các hội bóng đá, CLB bóng đá cấp huyện, các tổ chức cơ sở và CLB bóng đá Thanh Hóa; triển khai, thực hiện có hiệu quả công tác phòng chống tiêu cực trong hoạt động bóng đá; tổ chức thi đấu các giải bóng đá lành mạnh, có chất lượng chuyên môn cao.
- Xây dựng chương trình và triển khai thí điểm phát triển bóng đá học đường (giai đoạn 1) trong các trường tiểu học, THCS và THPT.
b. Về bóng đá chuyên nghiệp:
- Hoàn thiện bộ máy tổ chức và cơ chế điều hành bóng đá chuyên nghiệp tại CLB Bóng đá Thanh Hóa theo Quy chế bóng đá chuyên nghiệp; hoàn thiện văn bản quản lý, các chính sách đặc thù trong lĩnh vực bóng đá.
- Xây dựng đội tuyển bóng đá có chiến thuật (lối đá) phù hợp, có phong cách của người Thanh Hóa; từng bước xây dựng đội bóng nòng cốt là VĐV người Thanh Hóa do CLB đào tạo.
- Phát triển Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ: Xây dựng kế hoạch tuyển chọn, đào tạo theo quy chuẩn; biên chế đủ cán bộ quản lý có kinh nghiệm, năng động, trách nhiệm; đội ngũ huấn luyện viên đủ trình độ, đảm bảo công tác tuyển chọn, huấn luyện, đào tạo; ổn định nơi ăn, ở, sinh hoạt và sân bãi, dụng cụ tập luyện, theo hướng đào tạo tập trung.
- Tổ chức các đội năng khiếu nghiệp dư tại các huyện, thị xã, thành phố; thử nghiệm và đưa vào áp dụng quy trình tuyển chọn, đào tạo, đánh giá trình độ của vận động viên bóng đá từ năng khiếu đến đội tuyển; xây dựng cơ sở dữ liệu về bóng đá tỉnh Thanh Hóa.
- Xây dựng các đề án, phương án huy động kinh phí từ nguồn tài trợ, quảng cáo, kinh doanh dịch vụ, bản quyền cho hoạt động bóng đá; thành lập quỹ phát triển bóng đá Thanh Hóa.
c. Về cơ sở vật chất:
- Xây dựng Trung tâm đào tạo VĐV bóng đá trẻ có 2 sân tập luyện và nhà ăn, nhà ở cho VĐV các đội. Trang bị phòng tập có đầy đủ dụng cụ huấn luyện, tập luyện; phòng y tế phục vụ chăm sóc sức khỏe và chữa trị chấn thương cho VĐV tại Khu Liên hợp thể thao tỉnh.
- Nâng cấp sân vận động tỉnh: Khán đài mái che từ 1200 đến 1500 chỗ ngồi, lắp đặt ghế ngồi khán đài A, B; các phòng chức năng theo quy định của Quy chế bóng đá chuyên nghiệp; nâng cấp mặt sân cỏ đảm bảo tiêu chuẩn chuyên môn;
- Nâng cấp từ 2 đến 4 sân vận động vệ tinh cấp huyện đạt tiêu chuẩn tổ chức các giải quốc gia, đảm bảo tập luyện cho các đội tuyển của CLB (Quảng Xương, Thiệu Hóa, Thọ Xuân, Tĩnh Gia).
d. Các chương trình, dự án, trọng điểm:
- Kế hoạch phát triển bóng đá phong trào tỉnh Thanh Hóa.
- Đề án phát triển bóng đá học đường giai đoạn 2015 - 2020 tỉnh Thanh Hóa (giai đoạn 1).
- Kế hoạch đào tạo và phát triển bóng đá Thanh Hóa hàng năm.
- Dự án xây dựng cơ sở vật chất Trung tâm đào tạo VĐV bóng đá trẻ tỉnh Thanh Hóa.
- Đề án thành lập Quỹ phát triển bóng đá Thanh Hóa.
- Kế hoạch tổng kết 6 năm thực hiện Kế hoạch giai đoạn 2015 - 2020 và xây dựng Kế hoạch phát triển bóng đá Thanh Hóa giai đoạn 2021 - 2025;
(Có phụ lục số 01 kèm theo).
3.2. Định hướng đến năm 2025
a. Về phát triển bóng đá phong trào:
- Nâng cao chất lượng, phát triển rộng rãi, đều khắp và duy trì thường xuyên đối với bóng đá phong trào trong các đối tượng quần chúng nhân dân và lực lượng vũ trang;
- Triển khai Đề án phát triển bóng đá học đường trong 35% - 40% các trường phổ thông trong tỉnh.
b. Về bóng đá chuyên nghiệp:
- Nâng cao hiệu quả cơ chế quản lý, điều hành bóng đá chuyên nghiệp tại Câu lạc bộ bóng đá Thanh Hóa theo Quy chế bóng đá chuyên nghiệp.
- Đội tuyển bóng đá Thanh Hóa tham gia thi đấu giải mang đậm bản sắc xứ Thanh, nòng cốt là VĐV người Thanh Hóa do CLB đào tạo.
- Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ hoạt động có chất lượng; hàng năm tuyển chọn, đào tạo tập trung các đội U13, U15, U17, U19 và U21; áp dụng quy trình tuyển chọn, đào tạo, đánh giá trình độ của vận động viên bóng đá từ năng khiếu đến đội tuyển; tiếp tục củng cố, xây dựng cơ sở dữ liệu về bóng đá tỉnh Thanh Hóa; tổ chức các lớp năng khiếu nghiệp dư tại các huyện, thị xã, thành phố.
c. Về cơ sở vật chất:
- Xây dựng sân vận động mới, có sức chứa 30.000 chỗ ngồi, đảm bảo đúng tiêu chuẩn quốc tế và quy định tổ chức thi đấu của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam, đủ sức đăng cai tổ chức các trận thi đấu bóng đá quốc tế.
- Chỉ đạo, hỗ trợ nâng cấp từ 4 đến 6 sân vận động cấp huyện đủ tiêu chuẩn tổ chức các giải trẻ quốc gia làm sân vệ tinh cho sân vận động tỉnh.
d. Các chương trình, dự án, trọng điểm:
Các chương trình, dự án giai đoạn 2021 - 2025 dựa trên cơ sở tổng kết, đánh giá kết quả triển khai giai đoạn trước:
- Đề án phát triển bóng đá học đường giai đoạn 2021 - 2025 tỉnh Thanh Hóa (giai đoạn 2).
- Đề án thành lập Học viện Bóng đá Thanh Hóa, trên cơ sở Trung tâm Đào tạo bóng đá trẻ.
4. Các giải pháp chủ yếu để thực hiện kế hoạch
4.1. Phát triển bóng đá phong trào
a. Phát triển bóng đá trong trường học:
- Xây dựng, triển khai dự án phát triển bóng đá học đường, gắn phát triển bóng đá học đường với công tác giáo dục thể chất nội, ngoại khóa cho học sinh, sinh viên.
- Phát triển mạng lưới các câu lạc bộ bóng đá trường học thuộc các trường trong hệ thống giáo dục, trước mắt tập trung vào các trường trọng điểm, trường đạt chuẩn quốc gia.
- Tổ chức các lớp bóng đá năng khiếu nghiệp dư tại các trường tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông có điều kiện về cơ sở vật chất.
- Triển khai, nâng cao chất lượng hệ thống giải bóng đá học sinh phổ thông các bậc học hàng năm, theo kỳ thi học sinh giỏi TDTT và chương trình Hội khỏe Phù Đổng.
- Từng bước tiêu chuẩn hóa hệ thống cơ sở vật chất, sân bãi phục vụ hoạt động bóng đá học đường.
b. Phát triển bóng đá quần chúng và lực lượng vũ trang:
- Phát triển các câu lạc bộ bóng đá cơ sở ở phường, xã, làng, bản, thôn, xóm, khu dân cư, doanh nghiệp, đơn vị vũ trang, các tổ chức đoàn thể, định hướng, hỗ trợ phát triển môn Futsal, bóng đá bãi biển và bóng đá đường phố.
- Hình thành hệ thống thi đấu bóng đá phong trào có sự hỗ trợ chuyên môn của Liên đoàn Bóng đá Thanh Hóa, các phòng văn hóa - thông tin, các trung tâm VHTDTT và chính quyền địa phương, các cơ quan, đoàn thể các cấp.
4.2. Nâng cao hiệu quả CLB bóng đá chuyên nghiệp
a. Tổ chức, bộ máy và hoạt động của CLB bóng đá chuyên nghiệp
- Hoàn thiện hệ thống thiết chế, văn bản pháp quy theo quy định tại Luật TDTT Việt Nam và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp Việt Nam.
- Tổ chức bộ máy và hoạt động chuyên môn của CLB bóng đá chuyên nghiệp thực hiện theo quy định tại Quy chế bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam.
b. Công tác giáo dục chính trị, tư tưởng:
- Tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, phẩm chất đạo đức, ý thức tổ chức kỷ luật, tinh thần trách nhiệm trong tập luyện, trong thi đấu, tình yêu quê hương, đất nước cho đội ngũ cán bộ, HLV, VĐV quyết tâm rèn luyện, thi đấu, đem vinh quang về cho quê hương.
- Củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ chức Đảng, các tổ chức đoàn thể chính trị trong CLB; quản lý, giáo dục cho đội ngũ cán bộ, HLV, VĐV, người lao động được quán triệt và nhận thức sâu sắc các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và nội quy, quy chế sinh hoạt của CLB.
- Tạo điều kiện cho cán bộ, HLV, VĐV được tham gia học tập, bồi dưỡng về chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ, văn hóa, ngoại ngữ, tin học, đảm bảo yếu tố phát triển toàn diện, tạo nền tảng vững chắc cho tiếp thu kỹ, chiến thuật bóng đá hiện đại đáp ứng yêu cầu phát triển thành tích thi đấu.
- Thực hiện tốt chế độ chính sách, thực hiện dân chủ, công bằng, công khai, minh bạch trong mọi hoạt động bóng đá, tạo niềm tin cho các HLV, VĐV hăng say tập luyện, thi đấu đạt kết quả cao.
c. Nâng cao chất lượng và thành tích của Đội tuyển bóng đá Thanh Hóa
- Tăng cường đầu tư nguồn lực, cơ chế, chính sách cho đội tuyển; bố trí cán bộ, HLV có kinh nghiệm, hiểu biết về bóng đá, có trách nhiệm, có uy tín, có trình độ chuyên môn cao, có tâm, có đức cho công tác quản lý và huấn luyện.
- Hàng năm, triển khai kịp thời, có chất lượng các kế hoạch chuyên môn, chuẩn bị tốt lực lượng cho đội tuyển bóng đá tham dự thi đấu các giải: Giải tập huấn, giải Cup quốc gia, giải vô địch quốc gia và các giải quốc tế.
- Xây dựng, định hình hệ thống chiến thuật, phong cách thi đấu hiện đại cho đội tuyển bóng đá phù hợp với đặc điểm thể lực, tính cách và truyền thống của người Thanh Hóa.
- Đổi mới công tác quản lý cầu thủ; xây dựng các quy định, quy chế hoạt động phù hợp, nhằm nâng cao ý thức tự giác, chấp hành kỷ luật; tổ chức ký kết hợp đồng cầu thủ chuyên nghiệp với các điều khoản phù hợp, chặt chẽ, đúng luật, trên cơ sở thỏa thuận, đảm bảo lợi ích của các bên tham gia; ưu tiên cầu thủ người Thanh Hóa do CLB đào tạo.
- Chăm lo, giải quyết các quyền và lợi ích hợp pháp, các chế độ, chính sách của huấn luyện viên, cầu thủ đội tuyển; có chính sách khuyến khích các tài năng bóng đá người Thanh Hóa đang tập luyện, thi đấu ở nước ngoài, tỉnh ngoài trở về tham gia thi đấu cho Đội tuyển bóng đá Thanh Hóa.
d. Đổi mới công tác quản lý, tuyển chọn, đào tạo VĐV bóng đá trẻ
- Củng cố, nâng cao chất lượng đào tạo của Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ, đảm bảo đủ kinh phí, cơ sở vật chất, sân bãi huấn luyện; bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý có năng lực, trình độ và uy tín; sàng lọc, tuyển chọn đội ngũ huấn luyện viên có trình độ, năng lực, kinh nghiệm huấn luyện, có trách nhiệm, nhiệt tình và có tâm huyết với công tác đào tạo.
- Nghiên cứu, áp dụng bộ tiêu chí đánh giá năng khiếu bóng đá (các độ tuổi từ 7 - 11 tuổi và từ 12 - 15 tuổi), làm căn cứ để tổ chức kiểm tra, tuyển chọn năng khiếu bóng đá trên phạm vi toàn tỉnh, kịp thời phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng, phát triển tài năng bóng đá.
- Đảm bảo cơ sở vật chất, sân bãi, dụng cụ tập luyện; chế độ chăm sóc sức khỏe, chế độ dinh dưỡng và tiền công tập luyện theo quy định; đảm bảo vận động viên được học văn hóa, học ngoại ngữ, tham gia các hoạt động, sinh hoạt cộng đồng.
- Hoàn thiện hệ thống đào tạo bóng đá trẻ lứa tuổi U11, U13, U15, U17, U19, U21, đảm bảo vận động viên bóng đá trẻ được thi đấu tối thiểu 15 đến 20 trận mỗi năm; đa dạng hóa các phương thức đào tạo vận động viên bóng đá; khuyến khích các tổ chức kinh tế, tư nhân tham gia thành lập các trung tâm đào tạo và cung cấp vận động viên cho CLB, đội bóng đá.
- Tổ chức các lớp năng khiếu nghiệp dư các lứa tuổi (từ 7 đến 11 tuổi) theo hình thức CLB bóng đá Thanh Hóa chủ trì, phối hợp với Liên đoàn bóng đá, hợp đồng với các trường học, các trung tâm VH - TDTT, trung tâm TDTT, các CLB bóng đá thuộc các huyện, thị xã, thành phố có phong trào bóng đá mạnh, như: TP Thanh Hóa, thị xã Sầm Sơn, huyện Quảng Xương, huyện Thiệu Hóa, huyện Thường Xuân, huyện Thọ Xuân, huyện Nông Cống.
đ. Phát triển hệ thống cơ sở vật chất phục vụ hoạt động bóng đá
- Kết hợp giữa đầu tư của Nhà nước với đầu tư của doanh nghiệp, tổ chức xã hội, CLB và đóng góp của nhân dân trong việc xây dựng cơ sở vật chất, các điều kiện kỹ thuật phục vụ yêu cầu phát triển của bóng đá; từng bước tiêu chuẩn hóa các công trình, trang thiết bị phục vụ huấn luyện và thi đấu bóng đá trên phạm vi toàn tỉnh.
- Xây dựng sân vận động hiện đại, theo tiêu chuẩn quốc tế, có sức chứa 30.000 chỗ ngồi; Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ tại Khu liên hợp thể thao tỉnh (xã Quảng Đông, xã Quảng Thành, TP. Thanh Hóa) có từ 2 đến 4 sân tập; có nhà tập thể lực và đầy đủ trang thiết bị tập luyện; có phòng y sinh phục vụ chăm sóc sức khỏe và chữa trị chấn thương; có nhà ăn, nhà ở đầy đủ tiện nghi cho vận động viên.
- Định hướng, khuyến khích phát triển các cơ sở đào tạo, cơ sở hoạt động bóng đá mang tính dịch vụ do các tổ chức, doanh nghiệp, tư nhân đầu tư. Khuyến khích các doanh nghiệp, tư nhân tham gia xây dựng các sân bóng đá hoạt động theo hình thức kinh doanh dịch vụ.
- Hình thành, phát triển mạng lưới các sân vận động quy mô nhỏ, sân bóng đá đơn giản tại các trường đại học, cao đẳng, các trường phổ thông, các phường, xã, khu công nghiệp; các xã, thị trấn, gắn với việc xây dựng nông thôn mới.
e. Phát triển nguồn nhân lực quản lý, điều hành bóng đá
- Xây dựng tiêu chuẩn và cơ chế lựa chọn, bố trí cán bộ quản lý, điều hành hoạt động bóng đá có đủ năng lực, trình độ và phẩm chất đạo đức, phù hợp với yêu cầu phát triển bóng đá trong từng giai đoạn.
- Thường xuyên đào tạo, gửi đi đào tạo, bồi dưỡng, trang bị đầy đủ các kiến thức, kỹ năng, phương pháp huấn luyện hiện đại cho đội ngũ huấn luyện viên, trợ lý huấn luyện viên bóng đá; bác sỹ y học thể thao, chuyên gia phục hồi chức năng, chuyên gia dinh dưỡng; từng bước bồi dưỡng, nâng cao trình độ huấn luyện viên, đáp ứng các quy định chung của FIFA, AFC và VFF.
- Phát triển số lượng trọng tài, cán bộ giám sát bóng đá được Liên đoàn bóng đá Việt Nam đào tạo, công nhận. Tăng cường lựa chọn, cử các huấn luyện viên, trọng tài, giám sát tham gia các khóa đào tạo của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam, Liên đoàn Bóng đá châu Á, nhằm hình thành một đội ngũ HLV, trọng tài, giám sát có đạo đức, chuyên môn tốt, đáp ứng yêu cầu của VFF và AFC.
f. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, y học thể thao trong quản lý, huấn luyện bóng đá.
- Hiện đại hóa Trung tâm đào tạo bóng đá, ứng dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào huấn luyện bóng đá; trang bị các thiết bị công nghệ hỗ trợ huấn luyện và đánh giá trình độ vận động viên bóng đá.
- Xây dựng cơ sở dữ liệu về cán bộ, trọng tài, huấn luyện viên, vận động viên và đối tượng năng khiếu bóng đá.
- Ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý bóng đá và trong công tác huấn luyện vận động viên. Triển khai các đề tài nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ, y học thể thao vào công tác huấn luyện bóng đá.
- Khuyến khích các cơ sở huấn luyện bóng đá ứng dụng khoa học công nghệ, đầu tư các trang thiết bị hiện đại phục vụ công tác đào tạo, huấn luyện vận động viên bóng đá.
- Phát triển lực lượng bác sỹ thể thao, cán bộ y học thể thao tại trung tâm đào tạo, huấn luyện bóng đá và câu lạc bộ bóng đá chuyên nghiệp.
g. Đổi mới cơ chế và nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý bóng đá.
- Ban hành các quy định về quản lý huấn luyện viên, vận động viên; triển khai thực hiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, văn bản quản lý chuyên môn đối với hoạt động bóng đá; đẩy mạnh các hoạt động phối hợp liên ngành trong giám sát, kiểm tra, xử lý các hành vi tiêu cực trong bóng đá.
- Xây dựng chế độ, chính sách phù hợp với đặc thù nghề nghiệp bóng đá nhằm động viên phát triển tài năng, thu hút nhân tài trong lĩnh vực bóng đá.
- Xây dựng, ban hành chính sách ưu tiên, khuyến khích phát triển bóng đá thông qua chính sách thuế, đất đai, tín dụng, nhằm thu hút đầu tư và các chính sách khen thưởng, đãi ngộ đối với huấn luyện viên, vận động viên bóng đá.
- Tăng cường quản lý Nhà nước về bóng đá, đảm bảo vai trò quản lý, điều hành đối với hoạt động bóng đá; củng cố các cơ quan quản lý các cấp về bóng đá, hội cổ động viên bóng đá.
- Xây dựng mối quan hệ phối hợp, cộng đồng trách nhiệm giữa cơ quan quản lý bóng đá với cơ quan truyền thông, diễn đàn của người hâm mộ bóng đá để đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, đấu tranh phòng, chống các hành vi tiêu cực trong bóng đá.
- Tăng cường quản lý và định hướng hoạt động của hội cổ động viên bóng đá; phát huy vai trò của hội cổ động viên trong xây dựng văn hóa cổ động bóng đá tích cực và lành mạnh.
h. Mở rộng hoạt động hợp tác về bóng đá.
- Phát triển các quan hệ hợp tác với các nước, các địa phương có nền bóng đá phát triển; tích cực khai thác, phát huy sự ủng hộ của các tổ chức bóng đá quốc tế, các tổ chức bóng đá trong nước đối với công tác quản lý, đào tạo cán bộ, huấn luyện viên, vận động viên và trọng tài bóng đá.
- Phát huy vai trò của Liên đoàn bóng đá Thanh Hóa, Câu lạc bộ bóng đá Thanh Hóa trong các tổ chức bóng đá quốc gia; cử các cán bộ tham gia Ban Chấp hành Liên đoàn bóng đá Việt Nam.
- Hỗ trợ các câu lạc bộ bóng đá phong trào tại các địa phương trong tỉnh có phong trào bóng đá mạnh, đặc biệt là trong liên doanh, liên kết xây dựng trung tâm đào tạo, các lớp đào tạo bóng đá trẻ.
- Tham gia đầy đủ các giải thi đấu cấp quốc gia, các giải mời, giải tập huấn; tích cực đăng cai tổ chức các giải thi đấu bóng đá quốc gia, tiến tới đăng cai các giải bóng đá quốc tế.
i. Về tài chính
- Xây dựng chiến lược tiếp thị toàn diện, nâng cao giá trị thương hiệu của câu lạc bộ bóng đá, đội tuyển bóng đá tỉnh; các giải bóng đá trong hệ thống thi đấu bóng đá toàn tỉnh.
- Khai thác các hình thức quảng cáo trong toàn tỉnh; các dự án kinh tế; các nguồn tài trợ, nhằm tăng nguồn thu cho phát triển bóng đá.
- Tranh thủ sự hỗ trợ tài chính của các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế nhằm thực hiện các mục tiêu phát triển bóng đá.
- Tăng cường khai thác bản quyền liên quan tới hoạt động bóng đá trên truyền hình, các phương tiện truyền thông đa phương tiện, radio, internet.
- Tăng cường tổ chức các hoạt động thi đấu, giao lưu bóng đá, tăng nguồn thu từ tổ chức sự kiện bóng đá.
- Phát huy hiệu quả khai thác, sử dụng cơ sở vật chất, trang thiết bị công trình được Nhà nước giao để phục vụ các hoạt động phát triển bóng đá Thanh Hóa.
- Huy động các nguồn lực xã hội để thành lập Quỹ phát triển bóng đá Thanh Hóa.
5. Kinh phí thực hiện kế hoạch
- Tổng kinh phí thực hiện Kế hoạch phát triển bóng đá Thanh Hóa đến năm 2020, định hướng đến năm 2025 là: 2.065.450, trong đó:
+ Nguồn ngân sách nhà nước là: 359.500 triệu đồng.
+ Nguồn huy động xã hội hóa là: 1.705.950 triệu đồng
(Có phụ lục số 02 kèm theo).
- Kinh phí thực hiện các chương trình, dự án, đề án, kế hoạch khác trong Kế hoạch: Thực hiện theo quyết định phê duyệt của Chủ tịch UBND tỉnh.
1. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các cấp, các ngành tổ chức triển khai thực hiện “Kế hoạch phát triển bóng đá Thanh Hóa đến năm 2020, định hướng đến năm 2025”; hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, tổng hợp tình hình và kết quả thực hiện kế hoạch, định kỳ báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh theo quy định; tổ chức sơ kết vào cuối năm 2017 và tổng kết vào cuối năm 2020; tổ chức triển khai các đề án, dự án có liên quan.
2. Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Liên đoàn bóng đá Thanh Hóa xây dựng Đề án phát triển bóng đá học đường giai đoạn 2015 - 2020; mở các lớp phổ thông năng khiếu thể thao để đào tạo lực lượng vận động viên học sinh, duy trì các giải bóng đá học sinh và Hội khỏe Phù Đổng hàng năm.
3. Sở Kế hoạch và Đầu tư, căn cứ nội dung Kế hoạch được duyệt, phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các đơn vị có liên quan, bố trí nguồn vốn đầu tư cho các dự án, đề án để triển khai, thực hiện theo quy định.
4. Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan, tham mưu, trình cấp có thẩm quyền bố trí kinh phí thực hiện Kế hoạch; hướng dẫn các sở, ban, ngành, địa phương sử dụng kinh phí đúng mục đích, hiệu quả.
5. Sở Tài nguyên và Môi trường, căn cứ nội dung Kế hoạch được duyệt, phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các đơn vị có liên quan, quy hoạch quỹ đất cho các trung tâm TDTT các cấp đảm bảo đúng quy định.
6. Sở Xây dựng, căn cứ nội dung Kế hoạch được duyệt, phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các ngành có liên quan hướng dẫn các đơn vị, địa phương về trình tự, thủ tục đầu tư các dự án, công trình TDTT, đảm bảo tiêu chuẩn quy định, phù hợp với điều kiện của từng địa phương, đơn vị.
7. CLB bóng đá FLC Thanh Hóa, căn cứ nội dung Kế hoạch được duyệt, huy động nguồn lực từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, đảm bảo kinh phí cho Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ hoạt động và đội tuyển bóng đá tham gia thi đấu các giải quốc gia, quốc tế đạt kết quả cao.
8. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố, trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các đơn vị có liên quan trong việc thống nhất thực hiện các mục tiêu của Kế hoạch này với việc thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương, cơ sở.
Trong quá trình triển khai thực hiện kế hoạch, nếu có vấn đề vướng mắc, phát sinh, các ngành, địa phương, đơn vị kịp thời thông tin, phản ánh về Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch để tổng hợp, đề xuất, báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh xem xét, quyết định cho phù hợp với tình hình thực tế của bóng đá Thanh Hóa./.
CÁC VĂN BẢN, KẾ HOẠCH, ĐỀ ÁN, DỰ ÁN BAN HÀNH KÈM THEO KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN BÓNG ĐÁ THANH HÓA ĐẾN NĂM 2020, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2025
(Kèm theo Kế hoạch số: 3811/KH-UBND ngày 30/9/2015 của Chủ tịch UBND tỉnh)
TT | NHIỆM VỤ | SẢN PHẨM HOÀN THÀNH | ĐƠN VỊ CHỦ TRÌ | ĐƠN VỊ PHỐI HỢP | THỜI GIAN TRIỂN KHAI | KINH PHÍ THỰC HIỆN |
1 | - Kế hoạch phát triển bóng đá phong trào tỉnh Thanh Hóa: Xây dựng và phát triển phong trào bóng đá lớn mạnh về mọi mặt; xây dựng hệ thống thi đấu bóng đá từ tỉnh đến cơ sở; thành lập nhiều CLB bóng đá phong trào; đào tạo đội ngũ HDV, HLV và trọng tài bóng đá phong trào. | Quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh | Sở VHTT&DL | - Liên đoàn bóng đá Thanh Hóa. - Các địa phương trong tỉnh | Hàng năm | Theo kế hoạch được phê duyệt |
2 | - Đề án phát triển bóng đá học đường giai đoạn 2015 - 2020 (giai đoạn 1): Phát triển bóng đá trong trường phổ thông trong chương trình giáo dục thể chất kết hợp với tổ chức lớp năng khiếu bóng đá; phát triển phong trào bóng đá trong hệ thống giáo dục chuyên nghiệp gắn với phong trào thanh niên và hoạt động ngoại khóa. | Quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh | Sở GD & ĐT | - Sở VHTT&DL - Sở Tài chính - Liên đoàn bóng đá Thanh Hóa. - Các địa phương trong tỉnh. | Hàng năm | Theo đề án được phê duyệt |
3 | - Kế hoạch đào tạo và phát triển bóng đá Thanh Hóa: Xây dựng kế hoạch đào tạo VĐV bóng đá trẻ tham gia thi đấu giải theo hệ thống thi đấu của Liên đoàn bóng đá Việt Nam; đảm bảo đủ nguồn VĐV kế cận cung cấp cho đội tuyển tỉnh ổn định lực lượng phát triển bền vững. | Quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh | Sở VHTT&DL | - Sở Tài chính - CLB bóng đá FLC Thanh Hóa - Các đơn vị liên quan | Hàng năm | Theo Kế hoạch được phê duyệt |
4 | Đề án phát triển bóng đá chuyên nghiệp Thanh Hóa | Quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh | Sở VHTT&DL | - Sở Tài chính - CLB bóng đá FLC Thanh Hóa | 2016 | Theo Kế hoạch được phê duyệt |
5 | - Dự án xây dựng cơ sở vật chất Trung tâm đào tạo VĐV bóng đá trẻ tỉnh Thanh Hóa: Xây dựng sân tập, nhà tập, nhà ở và các công trình thuộc hệ thống cơ sở vật chất Trung tâm đào tạo VĐV bóng đá trẻ. | Quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh | Sở VHTT&DL | - Sở Tài chính - Sở Xây dựng - UBND TP. Thanh Hóa - Các đơn vị liên quan. | 2016 - 2020 | Theo Dự án được phê duyệt |
6 | Dự án xây dựng sân vận động tỉnh theo Quyết định số 3442/QĐ-UBND ngày 19/10/2011 của UBND tỉnh Thanh Hóa về việc phê duyệt phương án thiết kế kiến trúc công trình sân vận động tại Khu liên hợp thể thao tỉnh. | Quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh | Sở Xây dựng | - Sở VHTT&DL - Sở Tài chính - UBND TP Thanh Hóa - Các đơn vị liên quan. | 2016 - 2020 | Theo Dự án được phê duyệt |
7 | - Đề án thành lập quỹ phát triển bóng đá Thanh Hóa: Thành lập quỹ phát triển bóng đá Thanh Hóa trên cơ sở huy động mọi nguồn lực trong và ngoài tỉnh, nhằm tạo nguồn kinh phí ổn định cho phát triển bóng đá Thanh Hóa. | Quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh | Sở VHTT&DL | - Sở Tài chính - Sở Nội vụ - Sở Tư pháp - Các đơn vị liên quan | 2016 | Theo Đề án được phê duyệt |
8 | - Kế hoạch Sơ kết giai đoạn 2015 - 2017: Sơ kết, đánh giá kết quả thực hiện phát triển phong trào bóng đá, CLB bóng đá chuyên nghiệp và xây dựng cơ sở vật chất giai đoạn 2015 - 2017 làm cơ sở để chỉ đạo triển khai thực hiện kế hoạch giai đoạn 2015 - 2020 đạt kết quả cao. | Quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh | Sở VHTT&DL | - Các ngành, đơn vị liên quan. - Liên đoàn bóng đá Thanh Hóa | 12/2017 | Theo Kế hoạch được phê duyệt |
9 | - Kế hoạch Tổng kết giai đoạn 2015 - 2020: Tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện phát triển phong trào bóng đá, CLB bóng đá chuyên nghiệp và xây dựng cơ sở vật chất giai đoạn 2015 - 2020 làm cơ sở để xây dựng kế hoạch giai đoạn 2021 - 2025. | Quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh | Sở VHTT&DL | - Các ngành, đơn vị liên quan. - Liên đoàn bóng đá TH | 10/2019 | Theo Kế hoạch được phê duyệt |
10 | - Xây dựng kế hoạch phát triển bóng đá Thanh Hóa giai đoạn 2021 - 2025: Căn cứ kết quả đạt được của giai đoạn 2015 - 2020 để xây dựng kế hoạch phù hợp, sát thực, đảm bảo khả thi cao. | Quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh | Sở VHTT&DL | - Sở KH-ĐT - Sở TC - Liên đoàn bóng đá TH - Các đơn vị liên quan | 6/2021 | Theo Kế hoạch được phê duyệt |
11 | - Đề án phát triển bóng đá học đường giai đoạn 2 (2021 - 2025): Căn cứ kết quả thực hiện giai đoạn 1, xây dựng đề án phát triển phù hợp, đảm bảo tính khả thi cao. | Quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh | Sở GD & ĐT | -Sở VHTT&DL - Sở TC - Liên đoàn bóng đá TH - Các địa phương trong tỉnh. | 2/2021 | Theo Đề án được phê duyệt |
12 | - Kế hoạch tổng kết 10 triển khai thực hiện “Kế hoạch phát triển bóng đá Thanh Hóa giai đoạn 2015 - 2020, định hướng đến năm 2025”. | Quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh | Sở VHTT&DL | - Các ngành, đơn vị liên quan. - Liên đoàn bóng đá Thanh Hóa | 10/2024 | Theo Kế hoạch được phê duyệt |
KINH PHÍ THỰC HIỆN KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN BÓNG ĐÁ THANH HÓA ĐẾN NĂM 2020, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2025
(Kèm theo Kế hoạch số: 3811/KH-UBND ngày 30/9/2015 của Chủ tịch UBND tỉnh)
TT | NỘI DUNG NHIỆM VỤ | TỔNG KINH PHÍ (triệu đồng) | NGUỒN (triệu đồng) | |
NGÂN SÁCH | XÃ HỘI HÓA | |||
1 | Quản lý nhà nước: | 750 | 750 |
|
- Công tác quản lý, chỉ đạo | 200 | 200 |
| |
- Thanh tra, kiểm tra | 300 | 300 |
| |
- Sơ kết, tổng kết | 250 | 250 |
| |
2 | Phát triển bóng đá phong trào | 9.700 | 3.750 | 5.950 |
- Phát triển nguồn nhân lực | 900 | 600 | 300 | |
- Tuyên truyền | 300 | 150 | 150 | |
- Tổ chức thi đấu các giải bóng đá | 2.500 |
| 2.500 | |
- Phát triển bóng đá học đường | 6.000 | 3.000 | 3.000 | |
3 | Phát triển bóng đá chuyên nghiệp | 360.000 | 170.000 | 190.000 |
- Năm 2015 | 70.000 | 55.000 (tính cả 10 tỷ xử lý tồn đọng 2011-2013) | 15.000 | |
- Năm 2016 | 60.000 | 30.000 | 30.000 | |
- Năm 2017 | 60.000 | 30.000 | 30.000 | |
- Năm 2018 | 60.000 | 25.000 | 35.000 | |
- Năm 2019 | 60.000 | 15.000 | 45.000 | |
- Năm 2020 | 60.000 | 15.000 | 45.000 | |
4 | Xây dựng cơ sở vật chất | 1.695.000 | 185.000 | 1.510.000 |
- Xây dựng Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ | 150.000 | 150.000 |
| |
- Xây dựng sân vận động trung tâm Khu Liên hợp thể thao | 1.500.000 |
| 1.500.000 | |
- Nâng cấp sân vận động tỉnh | 25.000 | 25.000 |
| |
- Nâng cấp từ 2 đến 4 sân vận động cấp huyện (5 tỷ đồng/sân) | 20.000 | 10.000 | 10.000 | |
5 | Kinh phí thực hiện các chương trình, dự án, đề án, kế hoạch | Theo phê duyệt của Chủ tịch UBND tỉnh. |
|
|
6 | Tổng cộng: | 2.065.450 | 359.500 | 1.705.950 |
* GIAI ĐOẠN 2021 - 2025: Dự toán kinh phí theo nhiệm vụ, kế hoạch được phê duyệt, trên cơ sở Kế hoạch phát triển bóng đá giai đoạn 2021 - 2025.
- 1 Nghị quyết 154/2019/NQ-HĐND về phát triển bóng đá Hà Tĩnh đến năm 2030
- 2 Quyết định 740/QĐ-UBND năm 2018 về phê duyệt Đề án phát triển bóng đá nam tỉnh Bắc Ninh
- 3 Quyết định 2700/QĐ-UBND năm 2016 phê duyệt Điều lệ Liên đoàn Bóng đá Thanh Hóa
- 4 Luật Doanh nghiệp 2014
- 5 Quyết định 1449/QĐ-UBND năm 2013 phê duyệt “Chiến lược phát triển Bóng đá tỉnh Lâm Đồng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”
- 6 Chỉ thị 97/CT-BVHTTDL tổ chức thực hiện Chiến lược phát triển bóng đá Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 do Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch ban hành
- 7 Quyết định 419/QĐ-TTg năm 2013 phê duyệt "Chiến lược phát triển bóng đá Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030" do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 8 Quyết định 3916/QĐ-UBND năm 2011 phê duyệt Quy hoạch phát triển sự nghiệp thể dục thể thao tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020
- 9 Quyết định 05/2011/QĐ-UBND phê duyệt Đề án Phát triển bóng đá tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đến năm 2013
- 10 Nghị quyết 21/2010/NQ-HĐND phê chuẩn đề án phát triển bóng đá tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giai đoạn 2011 - 2013
- 11 Luật Thể dục, Thể thao 2006
- 12 Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban Nhân dân 2003
- 1 Nghị quyết 21/2010/NQ-HĐND phê chuẩn đề án phát triển bóng đá tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giai đoạn 2011 - 2013
- 2 Quyết định 1449/QĐ-UBND năm 2013 phê duyệt “Chiến lược phát triển Bóng đá tỉnh Lâm Đồng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”
- 3 Quyết định 05/2011/QĐ-UBND phê duyệt Đề án Phát triển bóng đá tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đến năm 2013
- 4 Quyết định 2700/QĐ-UBND năm 2016 phê duyệt Điều lệ Liên đoàn Bóng đá Thanh Hóa
- 5 Quyết định 740/QĐ-UBND năm 2018 về phê duyệt Đề án phát triển bóng đá nam tỉnh Bắc Ninh
- 6 Nghị quyết 154/2019/NQ-HĐND về phát triển bóng đá Hà Tĩnh đến năm 2030
- 7 Kế hoạch 90/KH-UBND năm 2021 thực hiện “Chiến lược phát triển bóng đá Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” tỉnh Đồng Tháp