Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH THUẬN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số : 39/2000/QĐ/CTUBBT

Phan Thiết, ngày 15 tháng 8 năm 2000

 

QUYẾT ĐỊNH

V/V BAN HÀNH BẢN QUY ĐỊNH VỀ CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN, TỔ CHỨC BỘ MÁY, CÔNG CHỨC VÀ MỐI QUAN HỆ CÔNG TÁC CỦA CHI CỤC KIỂM LÂM BÌNH THUẬN.

CHỦ TỊCH UBND TỈNH BÌNH THUẬN

- Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND (sửa đổi) đã được Quốc hội Nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, khóa IX, kỳ họp thứ 5 thông qua ngày 21/6/1994;

- Căn cứ Nghị định số 39/CP ngày 18/5/1994 của Chính phủ về hệ thống tổ chức và nhiệm vụ quyền hạn của Kiểm lâm; Thông tư số 07/TCLĐ ngày 08/8/1994 của Bộ Lâm nghiệp (nay là Bộ Nông nghiệp-PTNT) hướng dẫn thực hiện Nghị định số 39/CP ngày 18/5/1994 của Chính phủ về hệ thống tổ chức và nhiệm vụ, quyền hạn của Kiểm lâm; Quyết định số 245/1998/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện trách nhiệm quản lý Nhà nước của các cấp về rừng và đất lâm nghiệp;

- Xét đề nghị của Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Bình Thuận tại Tờ trình số 371 TH/KL ngày 02/8/2000 và Trưởng Ban Tổ chức chính quyền Tỉnh,

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1: Nay ban hành kèm theo Quyết định "bản quy định vị trí chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy, công chức và mối quan hệ công tác cuả Chi cục Kiểm lâm Bình Thuận"

Điều 2: Các ông Chánh Văn phòng UBND Tỉnh, Trưởng Ban Tổ chức chính quyền Tỉnh, Chi cục Kiểm lâm Bình Thuận, Thủ trưởng các cơ quan có liên quan căn cứ Quyết định thi hành.

Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành./-

 

 

Nơi nhận:
- Ban TVTU (b/c)
- TT.HĐND Tỉnh (b/c)
- Như Điều 2.
- Lưu VP/UB

Q. CHỦ TỊCH UBND TỈNH BÌNH THUẬN




Trần Khán

 

BẢN QUY ĐỊNH

CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN TỔ CHỨC BỘ MÁY, MỐI QUAN HỆ CÔNG TÁC CỦA CHI CỤC KIỂM LÂM BÌNH THUẬN.
Ban hành theo quyết định số 39/2000/QĐ/CTUBBT ngày 15/8/2000 của Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận

Điều 1: Vị trí - chức năng:

1.1/ Chi cục Kiểm lâm Bình Thuận là cơ quan chuyên môn thuộc UBND Tỉnh, giúp UBND Tỉnh thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về quản lý rừng và bảo vệ rừng; đồng thời là cơ quan thừa hành pháp luật về quản lý rừng và bảo vệ rừng trên địa bàn Tỉnh.

1.2/ Chi cục Kiểm lâm chịu sự quản lý trực tiếp và toàn diện của UBND Tỉnh; đồng thời chịu sự chỉ đạo, hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ của Chi cục Kiểm lâm thuộc Bộ Nông nghiệp-PTNT. Chi cục Kiểm lâm có tư cách pháp nhân, con dấu và tài khoản riêng theo quy định hiện hành của Nhà nước.

Điều 2: Nhiệm vụ và quyền hạn

2.1/ Chịu trách nhiệm trong việc giúp UBND Tỉnh nắm tình hình và quản lý tài nguyên rừng, việc quản lý rừng, bảo vệ rừng ở địa phương. Đề xuất với UBND Tỉnh kế hoạch, biện pháp tổ chức chỉ đạo thực hiên việc quản lý, bảo vệ có hiệu quả tài nguyên rừng và lâm sản trên địa bàn Tỉnh.

2.2/ Tổ chức thực hiện các chính sách, chế độ, thể lệ, quy chế, quy tắc của Nhà nước về quản lý, bảo vệ rừng, quản lý lâm sản trên địa bàn Tỉnh.

2.3/ Trực tiếp chỉ đạo các Hạt Kiểm lâm huyện, thành phố; các Trạm, Đội Kiểm lâm cơ động trực thuộc Chi cục thực hiện công tác quản lý, bảo vệ, tuần tra rừng; thanh tra, kiểm tra, xử lý theo thẩm quyền các vi phạm về quản lý rừng và quản lý lâm sản trên địa bàn Tỉnh.

 2.4/ Thực hiện trách nhiệm kiểm tra giám sát việc thi hành pháp luật về quản lý bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn Tỉnh. Trong trường hợp đặc biệt, tổ chức phối hợp với lực lượng quân đội, công an trên địa bàn để tuần tra, truy quét bọn lâm tặc, bảo vệ rừng và phòng chống cháy rừng, theo dõi diễn biến tài nguyên rừng.

2.5/ Tổ chức thực hiện công tác tuyên truyền giáo dục về quản lý, bảo vệ rừng và vận động nhân dân bảo vệ, phát triển rừng. Hướng dẫn việc xây dựng lực lượng và hoạt động của lực lượng quần chúng bảo vệ rừng ở cơ sở.

2.6/ Quản lý về tổ chức, biên chế, kinh phí; trang bị, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ và xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật cho lực lượng kiểm lâm

2.7/ Phát hiện và đề xuất với Chủ tịch UBND Tỉnh xử lý những trường hợp vi phạm các quy định khác của Nhà nước và UBND Tỉnh về quản lý và bảo vệ rừng.

2.8/ Phối hợp với UBND huyện, thành phố xây dựng phương án, kế hoạch quản lý rừng, bảo vệ rừng trên địa bàn huyện, thành phố và chỉ đạo thực hiện các phương án, kế hoạch đó.

2.9/ Thực hiện một số nhiệm vụ khác theo yêu cầu của UBND Tỉnh.

Điều 3 : Tổ chức bộ máy và biên chế:

 3.1/ Chi cục Kiểm lâm do một Chi cục trưởng lãnh đạo theo chế độ thủ trưởng. Chi cục trưởng là người chịu trách nhiệm trước Pháp luật và UBND Tỉnh về mọi hoạt động của Chi cục.

Giúp việc cho Chi cục có các Phó Chi cục trưởng được Chi cục trưởng phân công phụ trách từng phần công việc cụ thể, chịu trách nhiệm trước Chi cục trưởng và liên đới chịu trách nhiệm trước Pháp luật về phần được phân công.

Việc bổ nhiệm, miễn nhiệm chức danh Chi cục trưởng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Tỉnh được thực hiện theo phân công, phân cấp về quản lý cán bộ, công chức hiện hành của UBND Tỉnh.

Ngoài ra giúp việc cho Chi cục trưởng còn có đội ngũ công chức chuyên môn nghiệp vụ và nhân viên hành chính, phục vụ khác được bố trí vào làm việc tại từng bộ phận cụ thể của Chi cục. Việc tuyển dụng, quản lý đội ngũ công chức chuyên môn nghiệp vụ và nhân viên hành chính, phục vụ nói trên được thực hiện theo đúng các quy định hiện hành của Nhà nước và UBND Tỉnh vể tuyển dụng, quản lý công chức.

3.2/ Tổ chức cấu thành Chi cục Kiểm lâm bao gồm:

1/ Phòng Pháp chế - Thanh tra.

2/ Phòng quản lý - bảo vệ rừng.

3/ Phòng Tổng hợp.

4/ Đội kiểm lâm cơ động.

5/ Các Trạm kiểm soát lâm sản. (Tại thời điểm ban hành quyết định này có các Trạm kiểm soát lâm sản Sông Dinh và Trạm kiểm soát lâm sản Trà Tân).

Nhiệm vụ cụ thể của các Phòng, Đội, Trạm trực thuộc Chi cụcKiểm lâm do Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm quy định. các Phòng, Đội, Trạm nói trên có Trưởng phòng, Phó trưởng phòng, Đội trưởng, Phó đội trưởng, Trạm trưởng, Phó trạm trưởng phần giúp Chi cục trưởng quản lý công chức và thực hiện các nhiệm vụ của Phòng, Đội, Trạm. Việc bổ nhiệm, miễn nhiệm các chức danh nói trên thực hiện theo phân công, phân cấp quản lý cán bộ, công chức hiện hành của UBND Tỉnh.

3.3/ Các đơn vị trực thuộc Chi cụcKiểm lâm : Tại thời điển ban hành bản quy định này có các đơn vị sau đây:

1/ Hạt Kiểm lâm Tuy Phong.

2/ Hạt Kiểm lâm Bắc Bình.

3/ Hạt Kiểm lâm Khu lê Hồng Phong.

4/ Hạt Kiểm lâm Hàm Thuận Bắc.

5/ Hạt Kiểm lâm Phan Thiết.

6/ Hạt Kiểm lâm Hàm Thuận Nam.

7/ Hạt Kiểm lâm Hàm Tân.

8/ Hạt Kiểm lâm Tánh Linh.

9/ Hạt Kiểm lâm Đức Linh.

10/ Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Núi Tà Cú.

11/ Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Biển Lạc-Núi Ông.

Các đơn vị trực thuộc Chi cục Kiểm lâm là những đơn vị độc lập, có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng theo quy định hiện hành của Nhà nước. Việc thành lập, sát nhập, giải thể các đơn vị trực thuộc Chi cục Kiểm lâm do Chủ tịch UBND Tỉnh quyết định theo đề nghị của Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm và Trưởng Ban Tổ chức chính quyền Tỉnh.

3.4/ Biên chế của Chi cục Kiểm lâm là biên chế hành chính sự nghiệp (thuộc ngành quản lý Nhà nước) được UBND Tỉnh (qua Ban Tổ chức chính quyền Tỉnh) phân bổ hằng năm căn cứ vào yêu cầu nhiệm vụ của Chi cục.

Điều 4 : Các loại chức danh công chức của Chi cục Kiểm lâm:

- Chuyên viên chính

- Chuyên viên

- Kiểm lâm chính.

- Kiểm lâm viên.

- Kiểm lâm viên sơ cấp.

- Thanh tra viên.

- Cán sự.

- Kế toán viên.

- Nhân viên hành chính (Văn thư, thủ quỹ, đánh máy, lái xe...)

Tiêu chuẩn các ngạch công chức nói trên thực hiện theo tiêu chuẩn nghiệp vụ các ngạch công chức hiện hành của Nhà nước. Số lượng, cơ cấu các loại công chức của Chi cục được UBND Tỉnh quy định trên cơ sở yêu cầu nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức bộ máy và số lượng biên chế cụ thể của Chi cục.

Điều 5: Mối quan hệ công tác

5.1/ Đối với UBND Tỉnh:

Chi cục Kiểm lâm chịu sự chỉ đạo trực tiếp và toàn diện của UBND Tỉnh. Chi cục trưởng có trách nhiệm báo cáo tình hình hoạt động của Chi cục theo định kỳ và đột xuất theo yêu cầu của UBND Tỉnh trên các lĩnh vực công tác được giao.

 5.2/ Đối với Chi cục Kiểm lâm thuộc Bộ Nông nghiệp-và PTNT:

Chi cụcKiểm Bình Thuận chiụ sự chỉ đạo, hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ của Chi cục Kiểm lâm thuộc Bộ Nông nghiệp và PTNT ; Đồng thời tổ chức thực hiện đầy đủ sự hướng dẫn, chỉ đạo chuyên môn của Chi cục Kiểm lâm cũng thực hiện việc báo cáo định kỳ hoặc đột xuất theo yêu cầu của Cục Kiểm thuộc Bộ Nông nghiệp và PTNT.

Trong trường hợp sự chỉ đạo của Cục Kiểm lâm thuộc Bộ Nông nghiệp và PTNT khác với sự chỉ đaọ của UBND Tỉnh thì chấp hành theo UBND Tỉnh và được báo cáo với Cục Kiểm lâm thuộc Bộ Nông nghiệp và PTNT.

5.3/ Đối với các Sở, cơ quan ngang Sở, đơn vị thuộc UBND Tỉnh:

Chi cục Kiểm lâm thực hiện mối quan hệ phối hợp với các Sở, cơ quan ngang Sở, đơn vị thuộc UBND Tỉnh trong phạm vi thực hiện những nhiệm vụ được UBND Tỉnh phân công. Chi cục chịu sự hướng dẫn về chuyên môn nghiệp vụ chuyên ngành của các Sở, cơ quan ngang Sở, đơn vị trực thuộc UBND Tỉnh liên quan đến các hoạt động của Chi cục; Đồng thời Chi cục có quyền đề nghị các Sở, cơ quan ngang Sở, đơn vị thuộc UBND Tỉnh báo cáo hoặc thực hiện theo đúng hướng dẫn của Chi cục đối với những công việc thuộc chức năng, nhiệm vụ của Chi cục.

5.4/ Đối với Sở Nông nghiệp-PTNT:

Chi cục Kiểm lâm ngoài trách nhiệm phối chung như các Sở, cơ quan ngang Sở và đơn vị trực thuộc UBND Tỉnh còn có trách nhiệm phối hợp với Sở Nông nghiệp-PTNT để thực hiện chức năng, nhiệm vụ quản lý Nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp theo quy định hiện hành của Nhà nước và của UBND Tỉnh.

5.5/ Đối với UBND các huyện, thành phố thuộc Tỉnh

Chi cục có trách nhiệm phối với UBND các huyện, thành phố trong việc thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về tài nguyên rừng và về rừng cũng như lãnh đạo, chỉ đạo hạt kiểm lâm và các đơn vị khác của Chi cục đóng trên địa bàn; đồng thời thực hiện sự hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ cho UBND các huyện, thành phố trong việc quản lý Nhà nước về tài nguyên rừng và về rừng theo chức năng nhiệm vụ được giao.

5.6/ Đối với các đơn vị trực thuộc Chi cục:

Chi cục Kiểm lâm thực hiện chức năng quản lý, chỉ đạo, hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ và kiểm tra các hoạt động của các đơn vị trực thuộc theo chức năng, nhiệm vụ được giao.

5.7/ Đối với các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế có các hoạt động sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực lâm nghiệp:

Chi cục Kiểm lâm thực hiện chức năng quản lý Nhà nước chuyên ngành đối với các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế có các hoạt động sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực lâm nghiệp theo đúng quy định hiện hành của Nhà nước.

Điều 6 : Điều khoản thi hành

Bản quy định có hiệu lực thi hành kể từ ngày UBND Tỉnh quyết định ban hành. Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm có trách nhiệm tổ chức thực hiện tốt những nội dung của bản quy định này.

Trong quá trình thực hiện nếu có gì vướng mắc cần bổ sung, sửa đổi thì Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm có văn bản trình UBND Tỉnh xem xét, quyết định.