Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

UBND THÀNH PHỐ HÀ NỘI
BAN CHỈ ĐẠO CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3973/QĐ-BCĐCTMTQG

Hà Nội, ngày 30 tháng 06 năm 2017

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY CHẾ HOẠT ĐỘNG CỦA BAN CHỈ ĐẠO CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA THÀNH PHỐ HÀ NỘI GIAI ĐOẠN 2016-2020

TRƯỞNG BAN CHỈ ĐẠO CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA THÀNH PHỐ HÀ NỘI GIAI ĐOẠN 2016-2020

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;

Căn cứ Quyết định số 2270/QĐ-UBND ngày 14/4/2017 của UBND Thành phố về việc thành lập Ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia thành phố Hà Nội giai đoạn 2016-2020;

Xét đề nghị của Sở Kế hoạch và Đầu tư tại Văn bản số 3483/KH&ĐT-THQH ngày 09/6/2017,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia thành phố Hà Nội giai đoạn 2016-2020.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.

Điều 3. Chánh văn phòng UBND Thành phố, các thành viên Ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia thành phố Hà Nội giai đoạn 2016-2020, Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã, Thủ trưởng các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Văn phòng Chính phủ;
- Các Bộ: KHĐT, TC, NN&PTNT, LĐTB&XH;
- Ủy ban Dân tộc;
- Thường trực Thành ủy;
- Chủ tịch UBND Thành phố;
- Các PCT UBND Thành phố;
- VPUB: PCVP TV.Dũng, NN.Sơn, NN.Kỳ, KT, KGVX, TKBT, TH;
- Lưu: VT, KT.

TRƯỞNG BAN




CHỦ TỊCH UBND THÀNH PHỐ
Nguyễn Đức Chung

 

QUY CHẾ

HOẠT ĐỘNG CỦA BAN CHỈ ĐẠO CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA THÀNH PHỐ HÀ NỘI GIAI ĐOẠN 2016-2020
(Ban hành kèm theo Quyết định số 3973/QĐ-BCĐCTMTQG ngày 30 tháng 6 năm 2017 của Ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia thành phố Hà Nội giai đoạn 2016-2020)

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng

1. Phạm vi điều chỉnh: Quy chế này quy định về trách nhiệm, quyền hạn; chế độ làm việc, quan hệ công tác của Ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia thành phố Hà Nội giai đoạn 2016-2020 (sau đây gọi tắt là Ban Chỉ đạo).

2. Đối tượng áp dụng: Quy chế này áp dụng cho Ban Chỉ đạo và các thành viên Ban Chỉ đạo.

Điều 2. Các thành viên Ban Chỉ đạo có trách nhiệm tham gia đầy đủ các hoạt động của Ban Chỉ đạo và thực hiện nhiệm vụ do Trưởng Ban Chỉ đạo phân công.

Điều 3. Thường trực Ban Chỉ đạo gồm Trưởng Ban, các Phó trưởng Ban và các ủy viên thường trực thuộc các cơ quan: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Ban Dân tộc Thành phố, Văn phòng UBND Thành phố, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính.

Chương II

NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN CỦA BAN CHỈ ĐẠO

Điều 4. Nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Chỉ đạo và Thường trực Ban Chỉ đạo

1. Nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Chỉ đạo thực hiện theo quy định tại Điều 3 Quyết định số 2270/QĐ-UBND ngày 14 tháng 4 năm 2017 của UBND Thành phố.

2. Nhiệm vụ, quyền hạn của Thường trực Ban Chỉ đạo

a) Thay mặt Ban Chỉ đạo xử lý, giải quyết các vấn đề có liên quan trong quá trình chỉ đạo thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020 trên địa bàn thành phố Hà Nội; xử lý các vấn đề phát sinh trong trường hợp không tổ chức họp Ban Chỉ đạo.

b) Tổng hợp báo cáo liên quan đến quản lý, điều hành thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020 trên địa bàn thành phố Hà Nội trình Ban Chỉ đạo và Ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020.

c) Xây dựng kế hoạch công tác hằng năm của Ban Chỉ đạo.

d) Kiến nghị Ban Chỉ đạo giải quyết các đề xuất của các thành viên Ban Chỉ đạo.

Điều 5. Nhiệm vụ, quyền hạn của Trưởng Ban Chỉ đạo

Lãnh đạo, điều hành hoạt động của Ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia thành phố Hà Nội giai đoạn 2016-2020:

a) Chỉ đạo xây dựng, tổ chức thực hiện kế hoạch công tác của Ban Chỉ đạo; phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên Ban Chỉ đạo.

b) Chủ trì và kết luận các cuộc họp của Ban Chỉ đạo để triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020 trên địa bàn thành phố Hà Nội.

c) Quyết định những vấn đề thuộc phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Chỉ đạo.

Điều 6. Nhiệm vụ, quyền hạn của các Phó trưởng Ban Chỉ đạo

1. Phó trưởng Ban Chỉ đạo - Ông Nguyễn Văn Sửu - Phó Chủ tịch Thường trực UBND Thành phố

a) Chịu trách nhiệm trước Trưởng Ban Chỉ đạo về việc thực hiện nhiệm vụ được phân công.

b) Giúp Trưởng Ban Chỉ đạo trực tiếp điều hành các hoạt động của Ban Chỉ đạo trong việc chỉ đạo triển khai, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020 trên địa bàn thành phố Hà Nội.

c) Chủ trì tổ chức các cuộc họp định kỳ và đột xuất theo sự phân công của Trưởng Ban Chỉ đạo.

2. Phó trưởng Ban Chỉ đạo - Ông Ngô Văn Quý - Phó chủ tịch UBND Thành phố

a) Chịu trách nhiệm trước Trưởng Ban Chỉ đạo về việc thực hiện nhiệm vụ được phân công.

b) Giúp Trưởng Ban Chỉ đạo trực tiếp điều hành các hoạt động của Ban Chỉ đạo trong việc chỉ đạo triển khai, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 trên địa bàn thành phố Hà Nội.

c) Chủ trì tổ chức các cuộc họp định kỳ và đột xuất theo sự phân công của Trưởng Ban Chỉ đạo.

3. Phó trưởng Ban Chỉ đạo - Ông Nguyễn Doãn Toản - Phó chủ tịch UBND Thành phố

a) Chịu trách nhiệm trước Trưởng Ban Chỉ đạo về việc thực hiện nhiệm vụ được phân công.

b) Giúp Trưởng Ban Chỉ đạo chỉ đạo việc quản lý chung các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020 trên địa bàn thành phố Hà Nội; theo dõi, chỉ đạo công tác tổng hợp kế hoạch và nguồn vốn thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.

c) Chủ trì tổ chức các cuộc họp định kỳ và đột xuất theo sự phân công của Trưởng Ban Chỉ đạo.

Điều 7. Nhiệm vụ, quyền hạn của các Ủy viên Thường trực Ban Chỉ đạo

1. Nhiệm vụ, quyền hạn chung của Ủy viên Thường trực Ban Chỉ đạo

a) Chịu trách nhiệm trước Trưởng Ban Chỉ đạo, Phó trưởng Ban Chỉ đạo về việc thực hiện các nhiệm vụ được phân công.

b) Tham mưu triển khai thực hiện đúng các chính sách, quy định của Trung ương và thành phố Hà Nội; đề xuất cơ chế, chính sách triển khai, thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020 trên địa bàn thành phố Hà Nội theo chức năng, nhiệm vụ của sở, ngành, đơn vị.

c) Theo dõi, giám sát và đánh giá kết quả thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020 theo nhiệm vụ được phân công.

d) Triển khai các nhiệm vụ, hoạt động do Trưởng Ban Chỉ đạo, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo phân công về quản lý, điều hành các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020 trên địa bàn thành phố Hà Nội.

2. Nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của Ủy viên Thường trực Ban Chỉ đạo

a) Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

- Giúp Trưởng Ban Chỉ đạo, Phó trưởng Ban Chỉ đạo phụ trách Chương trình trực tiếp điều phối các hoạt động của Ban Chỉ đạo trong việc triển khai, thực hiện các nhiệm vụ thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020 trên địa bàn thành phố Hà Nội.

- Đề xuất UBND Thành phố, Trưởng Ban Chỉ đạo, Phó trưởng Ban Chỉ đạo phụ trách Chương trình ban hành (hoặc kiến nghị Trung ương ban hành) điều chỉnh, bổ sung cơ chế, chính sách để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020 trên địa bàn thành phố Hà Nội.

- Kiểm tra, báo cáo Trưởng Ban Chỉ đạo, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo phụ trách Chương trình về sự phối hợp giữa các sở, ngành, địa phương và các tổ chức có liên quan trong việc tổ chức thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020 trên địa bàn thành phố Hà Nội.

- Thực hiện chế độ báo cáo trực tiếp với Trưởng Ban Chỉ đạo, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo phụ trách Chương trình về kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020 trên địa bàn thành phố Hà Nội.

b) Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội

- Giúp Trưởng Ban Chỉ đạo, Phó trưởng Ban Chỉ đạo phụ trách Chương trình trực tiếp điều phối các hoạt động của Ban Chỉ đạo trong việc triển khai, thực hiện các nhiệm vụ thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 trên địa bàn thành phố Hà Nội.

- Đề xuất UBND Thành phố, Trưởng Ban Chỉ đạo, Phó trưởng Ban Chỉ đạo phụ trách Chương trình ban hành (hoặc kiến nghị Trung ương ban hành) điều chỉnh, bổ sung cơ chế chính sách để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 trên địa bàn thành phố Hà Nội.

- Kiểm tra, báo cáo Trưởng Ban Chỉ đạo, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo phụ trách Chương trình về sự phối hợp giữa các sở, ngành, địa phương và các tổ chức có liên quan trong việc tổ chức thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 trên địa bàn thành phố Hà Nội.

- Thực hiện chế độ báo cáo trực tiếp với Trưởng Ban Chỉ đạo, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo phụ trách Chương trình về kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 trên địa bàn thành phố Hà Nội.

c) Trưởng Ban Dân tộc Thành phố

- Giúp Trưởng Ban Chỉ đạo, Phó trưởng Ban Chỉ đạo phụ trách Chương trình trực tiếp điều phối các hoạt động của Ban Chỉ đạo trong việc triển khai, thực hiện các nhiệm vụ thuộc Chương trình 135 (dự án thành phần thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020) và Kế hoạch số 138/KH-UBND ngày 15 tháng 7 năm 2016 của UBND Thành phố về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi của thành phố Hà Nội giai đoạn 2016-2020.

- Đề xuất UBND Thành phố, Trưởng Ban Chỉ đạo, Phó trưởng Ban Chỉ đạo phụ trách Chương trình ban hành (hoặc kiến nghị Trung ương ban hành) điều chỉnh, bổ sung cơ chế chính sách để thực hiện Chương trình 135 trên địa bàn thành phố Hà Nội.

- Thực hiện chế độ báo cáo trực tiếp với Trưởng Ban Chỉ đạo, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo phụ trách Chương trình về kết quả thực hiện Chương trình 135 và Kế hoạch số 138/KH-UBND ngày 15 tháng 7 năm 2016 của UBND Thành phố.

d) Chánh Văn phòng UBND Thành phố giúp việc trực tiếp Trưởng Ban Chỉ đạo và các Phó Trưởng Ban Chỉ đạo về tổng hợp các đề xuất, kế hoạch hoạt động và lịch làm việc của Ban Chỉ đạo; tổ chức các buổi họp định kỳ, đột xuất theo chỉ đạo của Trưởng Ban Chỉ đạo.

e) Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư

- Tham mưu triển khai thực hiện Quyết định số 41/2016/QĐ-TTg ngày 10 tháng 10 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế quản lý, điều hành thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn thành phố Hà Nội.

- Đề xuất UBND Thành phố, Trưởng Ban Chỉ đạo, Phó trưởng Ban Chỉ đạo ban hành (hoặc kiến nghị Trung ương ban hành) điều chỉnh, bổ sung cơ chế, chính sách quản lý và sử dụng nguồn vốn đầu tư công thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020 trên địa bàn thành phố Hà Nội.

- Giúp Trưởng Ban Chỉ đạo, Phó trưởng Ban Chỉ đạo theo dõi, quản lý chung các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020 trên địa bàn thành phố Hà Nội; tổng hợp chung kế hoạch và nguồn vốn (bao gồm nguồn vốn đầu tư công, nguồn vốn sự nghiệp và các nguồn vốn huy động hợp pháp khác) thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia báo cáo UBND Thành phố, Trưởng Ban Chỉ đạo, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo.

- Đề xuất các giải pháp, chính sách huy động các nguồn vốn thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020 trên địa bàn thành phố Hà Nội.

g) Giám đốc Sở Tài chính

- Đề xuất UBND Thành phố, Trưởng Ban Chỉ đạo, Phó trưởng Ban Chỉ đạo ban hành (hoặc kiến nghị Trung ương ban hành) điều chỉnh, bổ sung cơ chế tài chính quản lý nguồn vốn ngân sách nhà nước thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020 trên địa bàn thành phố Hà Nội.

- Giúp Trưởng Ban Chỉ đạo, Phó trưởng Ban Chỉ đạo về tổng hợp nguồn kinh phí sự nghiệp thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016 - 2020 trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Điều 8. Nhiệm vụ, quyền hạn của ủy viên Ban Chỉ đạo

1. Ủy viên thuộc các sở, ban, ngành trực thuộc Thành phố

a) Chịu trách nhiệm trước Trưởng Ban Chỉ đạo, Phó trưởng Ban Chỉ đạo về những nhiệm vụ được phân công.

b) Phối hợp với các thành viên Ban Chỉ đạo trong thực hiện các nhiệm vụ do Trưởng Ban Chỉ đạo phân công. Trường hợp ủy viên Ban Chỉ đạo là Phó Thủ trưởng cơ quan thì có trách nhiệm tham mưu giúp Thủ trưởng cơ quan triển khai các nhiệm vụ, hoạt động do Trưởng Ban Chỉ đạo, Phó trưởng Ban Chỉ đạo phân công.

c) Đề xuất, kiến nghị với UBND Thành phố, Trưởng Ban Chỉ đạo, Phó trưởng Ban Chỉ đạo các cơ chế, chính sách để thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia thuộc ngành, lĩnh vực và chức năng, quyền hạn của sở, ban, ngành.

2. Các ủy viên được mời tham gia Ban Chỉ đạo

a) Chịu trách nhiệm trước Trưởng Ban Chỉ đạo, Phó trưởng Ban Chỉ đạo về những nhiệm vụ được phân công.

b) Phối hợp với các thành viên Ban Chỉ đạo trong tổ chức giám sát việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.

c) Đề xuất với Trưởng Ban Chỉ đạo, Phó trưởng Ban Chỉ đạo các giải pháp theo dõi, giám sát và các giải pháp nâng cao hiệu quả thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.

Chương III

CHẾ ĐỘ LÀM VIỆC VÀ QUAN HỆ CÔNG TÁC CỦA BAN CHỈ ĐẠO

Điều 9. Nguyên tắc làm việc của Ban Chỉ đạo

1. Ban Chỉ đạo làm việc theo nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể thảo luận, Trưởng Ban Chỉ đạo kết luận và chỉ đạo thực hiện.

2. Ban Chỉ đạo sử dụng bộ máy của các cơ quan có các thành viên tham gia Ban Chỉ đạo để hoạt động và theo quy định tại khoản 3 Điều 4 Quyết định số 2270/QĐ-UBND ngày 14 tháng 4 năm 2017 của UBND Thành phố.

Điều 10. Chế độ làm việc

1. Ban Chỉ đạo làm việc thông qua các phiên họp định kỳ 6 tháng và hằng năm hoặc đột xuất theo quyết định của Trưởng Ban Chỉ đạo; thông qua lấy ý kiến các thành viên Ban Chỉ đạo bằng văn bản.

a) Nội dung cuộc họp, thành phần tham dự cuộc họp và thời điểm tổ chức cuộc họp của Ban Chỉ đạo do Trưởng Ban Chỉ đạo hoặc Phó trưởng Ban Chỉ đạo (khi Trưởng Ban Chỉ đạo ủy quyền) quyết định.

b) Cuộc họp của Ban Chỉ đạo phải được thông báo bằng văn bản về nội dung (tài liệu kèm theo), thời gian và địa điểm trước ít nhất 03 ngày làm việc. Các thành viên Ban Chỉ đạo có trách nhiệm nghiên cứu văn bản, chuẩn bị ý kiến thảo luận, bố trí thời gian tham dự đầy đủ các phiên họp của Ban Chỉ đạo khi được triệu tập.

c) Kết luận của Trưởng Ban Chỉ đạo được thể hiện bằng thông báo của Văn phòng UBND Thành phố.

d) Trường hợp không tổ chức được cuộc họp, có thể thông báo và xin ý kiến các thành viên Ban Chỉ đạo bằng văn bản.

e) Thường trực Ban Chỉ đạo cho ý kiến sau cùng trong trường hợp có nhiều ý kiến khác nhau giữa các thành viên Ban Chỉ đạo về cùng một vấn đề trong thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.

2. Ban Chỉ đạo hoạt động theo kế hoạch công tác và phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên để tổ chức thực hiện.

Điều 11. Mối quan hệ công tác

1. Quan hệ công tác giữa các thành viên với Trưởng Ban Chỉ đạo: Các thành viên Ban Chỉ đạo tham gia các hoạt động chung của Ban Chỉ đạo và thực hiện nhiệm vụ do Trưởng Ban Chỉ đạo phân công.

2. Quan hệ công tác giữa các thành viên Ban Chỉ đạo: Các thành viên Ban Chỉ đạo có trách nhiệm phối hợp trong việc theo dõi, chỉ đạo triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, các chính sách về giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới tại các quận, huyện, thị xã theo chức năng, nhiệm vụ được phân công.

3. Quan hệ giữa thành viên Ban Chỉ đạo với Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã: các thành viên Ban Chỉ đạo có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra thực hiện các nội dung, nhiệm vụ và kế hoạch triển khai từng chương trình, dự án thành phần thuộc chương trình và các chính sách về giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới theo chức năng, nhiệm vụ được phân công.

Chương IV

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 12. Trách nhiệm của Giám đốc các sở, ban, ngành Thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã

1. Tạo điều kiện để Ban Chỉ đạo hướng dẫn, kiểm tra và tiến hành các hoạt động có liên quan đến việc thực hiện các nội dung, kế hoạch, nhiệm vụ của các chương trình mục tiêu quốc gia.

2. Định kỳ 6 tháng và hằng năm, báo cáo Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo: Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và Ban Dân tộc Thành phố về đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ thuộc từng chương trình mục tiêu quốc gia của sở, ban, ngành, địa phương mình; những khó khăn, vướng mắc và kiến nghị giải pháp tháo gỡ.

3. Sở Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, tham mưu Trưởng Ban Chỉ đạo báo cáo Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020 trên địa bàn thành phố Hà Nội; những khó khăn, vướng mắc và kiến nghị giải pháp tháo gỡ theo quy định tại khoản 2 Điều 12 Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020.

Điều 13. Trách nhiệm kiểm tra, theo dõi, đôn đốc thực hiện

1. Thường trực Ban Chỉ đạo chịu trách nhiệm theo dõi, kiểm tra, đôn đốc thực hiện Quy chế này.

2. Trường hợp cần bổ sung, sửa đổi Quy chế, trên cơ sở đề xuất của các thành viên Ban Chỉ đạo, các Phó trưởng Ban Chỉ đạo báo cáo Trưởng Ban Chỉ đạo xem xét, quyết định./.