BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 40/1998/QĐ-BNN/VP | Hà Nội, ngày 2 tháng 3 năm 1998 |
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY CHẾ LÀM VIỆC CỦA BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
- Căn cứ Nghị định số 73/CP ngày 1 tháng 11 năm 1995 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
- Theo đề nghị của ông Chánh Văn phòng Bộ ,
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1.- Nay ban hành kèm theo quyết định này Quy chế làm việc của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Điều 2.- Bản Quy chế này thay thế Quy định tạm thời về quy chế làm việc của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành kèm theo Quyết định số 116 NN-VP/QĐ ngày 2 tháng 2 năm 1996
Điều 3.- Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký. Các ông Chánh Văn phòng và Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.
Nơi nhận : | KT. BỘ TRƯỞNG BỘ NN & PTNT |
QUY CHẾ LÀM VIỆC
CỦA BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
(ban hành kèm theo Quyết định số 40/1998/QĐ-BNN/VP ngày 2 tháng 3 năm 1998 của Bộ NN&PTNT)
NGUYÊN TẮC CHUNG.
Điều 1.- Quy chế làm việc của Bộ phải đảm bảo các yêu cầu sau đây
1. Quán xuyến toàn bộ hoạt động của Bộ theo nhiệm vụ được Chính phủ giao, bảo đảm thực hiện đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước, quy chế làm việc của Chính phủ.
2. Bảo đảm công tác quản lý nhà nước của Bộ sâu sát, nhậy bén, thông suốt, có hiệu lực, đề ra các quyết định chính xác và kịp thời.
3. Làm rõ nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm các cá nhân, trong việc ra quyết định cũng như kết quả thực hiện các quyết định đó.
4. Đưa các hoạt động điều hành của Bộ vào kỷ cương, phát huy trí tuệ của tập thể, giữ gìn đoàn kết nội bộ
BAN CÁN SỰ
Điều 2.- Ban cán sự Đảng chịu trách nhiệm lãnh đạo toàn ngành thực hiện đúng các Chỉ thị, Nghị quyết, chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Thành viên Ban cán sự Đảng do Bộ Chính trị bổ nhiệm.
Điều 3.- Phạm vi giải quyết công việc của Ban cán sự Đảng :
1. Thảo luận để quán triệt và có biện pháp lãnh đạo thực hiện các nghị quyết, quyết định của Ban chấp hành trung ương Đảng, Bộ Chính trị trong các đơn vị trực thuộc Bộ và phối hợp với các địa phương để thực hiện trong toàn ngành;
2. Thảo luận và góp ý các văn bản dự thảo của Đảng và Chính phủ về các vấn đề quan trọng cấp trên yêu cầu, trong đó chú ý thảo luận về chủ trương, đường lối, chính sách công tác về nông nghiệp và phát triển nông thôn để đề xuất với trên quyết định ban hành;
3. Thảo luận những vấn đề quan trọng do Bộ trưởng quyết định hay trình cấp trên quyết định như phương hướng chiến lược, các chính sách và mục tiêu kế hoạch quy hoạch nhằm phát triển công tác của ngành, các dự án luật-pháp lệnh và các văn bản quan trọng trong công tác quản lý nhà nước của ngành; phương hướng và các dự án lớn về hợp tác quốc tế; xem xét để có kết luận báo cáo cấp trên về những phát hiện có sai trái trong việc thực hiện các chủ trưởng chính sách của Đảng và Chính phủ trong ngành;
4. Thảo luận và kiến nghị những vấn đề về tổ chức và cán bộ do Bộ trưởng trình cấp trên quyết định, những vấn đề thuộc thẩm quyền Bộ trưởng quyết định về tổ chức, cán bộ (cấp vụ và tương đương, thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ, cán bộ khoa học đầu đàn), phân cấp quản lý, quy hoạch đào tạo bồi dưỡng cán bộ
Điều 4.- Ban cán sự Đảng làm việc theo chế độ tập thể lãnh đạo, phân công cá nhân phụ trách, quyết định theo đa số; báo cáo công tác và chịu sự lãnh đạo trực tiếp của Bộ Chính trị. Trường hợp ý kiến của đa số trong Ban cán sự còn khác với ý kiến của Bộ trưởng-Bí thư Ban cán sự thì Bộ trưỏng ra quyết định tổ chức thực hiện nghị quyết của Ban cán sự và đồng thời Bí thư Ban cán sự báo cáo lên cấp trên xem xét cho ý kiến. Nếu vấn đề thuộc cấp trên quyết định thì Bộ trưởng-Bí thư Ban cán sự báo cáo lên cấp trên đầy đủ, kể cả những ý kiến còn khác nhau.
Ban cán sự Đảng của Bộ họp thường kỳ hàng tháng để giải quyết các công việc do các thành viên Ban cán sự Đảng đề nghị và Bộ trưởng-Bí thư Ban cán sự quyết định chương trình họp. Những trường hợp họp đột xuất sẽ do Bộ trưởng-Bí thư Ban cán sự quyết định. Các quy định về chế độ làm việc, quan hệ phối hợp với các tổ chức Đảng, đoàn thể ở trung ương và địa phương, phân công công tác ... sẽ có quy chế hoạt động riêng.
PHẠM VI GIẢI QUYẾT CÔNG VIỆC CỦA LÃNH ĐẠO BỘ.
Điều 5.- Bộ trưởng chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ về toàn bộ công việc thuộc chức năng, thẩm quyền của mình, kể cả khi đã phân công hoặc uỷ nhiệm cho Thứ trưởng. Bộ trưởng giải quyết công việc trong phạm vi sau :
a/ Các vấn đề thuộc thẩm quyền của Bộ được quy định trong Hiến pháp, Luật Tổ chức Chính phủ và các văn bản pháp luật khác;
b/ Giải quyết hoặc xem xét để trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giải quyết các đề nghị của Bộ về những lĩnh vực thuộc ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
c/ Tham gia giải quyết các công việc chung của tập thể Chính phủ;
d/ Tham gia ý kiến với Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân tỉnh-thành phố thuộc trung ương để xử lý các vấn đề thuộc thẩm quyền cơ quan đó nhưng có liên quan đến chức năng quản lý nhà nước thuộc lĩnh vực Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
đ/ Được Thủ tướng uỷ quyền giải quyết một số công việc cụ thể;
e/ Các công việc do Ban cán sự Đảng phân công.
Điều 6.- Giúp việc cho Bộ trưởng có Thứ trưởng thường trực và các Thứ trưởng khác, được Bộ trưởng phân công chỉ đạo một số mặt công tác, một số địa bàn quan trọng hoặc những công việc đột xuất khác và chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng về nhiệm vụ được phân công.
Thứ trưởng thường trực ngoài nhiệm vụ cụ thể được Bộ trưởng phân công, có nhiệm vụ phối hợp hoạt động giữa các Thứ trưởng, chỉ đạo hoạt động của cơ quan Bộ, thay mặt Bộ trưởng giải quyết công việc của Bộ trưởng khi Bộ trưởng vắng mặt, giải quyết công việc của Thứ trưởng khác khi người đó vắng mặt, được ký thay một số văn bản thuộc thẩm quyền của Bộ trưởng (quy định ở Điều 24). Trường hợp Thứ trưởng thường trực đi vắng, Bộ trưởng tạm thời chỉ định một Thứ trưởng khác làm nhiệm vụ thường trực.
Trường hợp cần có sự phối hợp quản lý thống nhất trong toàn ngành hoặc một số trường hợp khi xét thấy cần thiết, Bộ trưởng trực tiếp chỉ đạo, điều hành một số công việc thuộc các lĩnh vực đã phân công các Thứ trưởng phụ trách. Văn phòng có trách nhiệm tập hợp báo cáo với Thứ trưởng phụ trách về các quyết định hoặc ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng và các công việc có mối liên quan giữa các Thứ trưởng.
Điều 7.- Đối với những vấn đề thuộc về chủ trương hoặc có tính chất nguyên tắc vượt quá thẩm quyền của mình, những vấn đề nhậy cảm dễ gây tác động đến tình hình kinh tế - xã hội của đất nước, ký kết văn bản hợp tác với nước ngoài, Thứ trưởng phụ trách phải báo cáo xin ý kiến Bộ trưởng trước khi chỉ đạo triển khai thực hiện.
Khi xẩy ra thiên tai, dịch hại hay các vấn đề đột xuất khác, Thứ trưởng phụ trách các lĩnh vực phải nắm chắc tình hình, kiểm tra chặt chẽ, xử lý kịp thời những vấn đề đặt ra thuộc thẩm quyền của mình, kịp thời báo cáo Bộ trưởng để chỉ đạo giải quyết có hiệu quả và báo cáo Chính phủ.
Điều 8.- Khi giải quyết việc có liên quan đến Thứ trưởng khác thì Thứ trưởng phụ trách chủ động bàn bạc vơí Thứ trưởng có liên quan trước khi quyết định. Trường hợp không nhất trí với nhau, Thứ trưởng phụ trách báo cáo ngay để Bộ trưởng quyết định, nhất thiết không để tình trạng giải quyết công việc chậm trễ, chồng chéo hoặc có các quyết định khác nhau.
Điều 9.- Bộ trưởng và các Thứ trưởng có chế độ sinh hoạt tập thể để trao đổi ý kiến giúp Bộ trưởng giải quyết kịp thời các công việc lớn như: Xử lý những công việc quan trọng theo đề nghị của các Thứ trưởng, xem xét nội dung các đề án làm việc với các ngành hoặc trình Chính phủ, bàn và quyết định những vấn đề thuộc thẩm quyền mà Bộ trưởng thấy cần trao đổi với các Thứ trưởng.
Thứ bẩy hàng tuần, Văn phòng Bộ có trách nhiệm báo cáo bằng văn bản kết quả giải quyết công việc trong tuần và chương trình công tác tuần sau của Lãnh đạo Bộ.
PHẠM VI GIẢI QUYẾT CÔNG VIỆC CỦA THỦ TRƯỞNG CÁC ĐƠN VỊ THUỘC BỘ
Điều 10.- Phạm vi giải quyết công việc của các Vụ trưởng, Cục trưởng, Chánh Thanh tra, Thủ trưởng các cơ quan trực thuộc Bộ.
1. Thủ trưởng các Vụ, Cục, Thanh tra và các đơn vị trực thuộc Bộ giải quyết các công việc :
a/ Thuộc thẩm quyền của đơn vị đã được quy định tại các văn bản pháp luật về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của đơn vị
b/ Các công việc thuộc chương trình công tác của Bộ được Lãnh đạo Bộ phân công;
c/ Tham gia ý kiến về các đề án, chương trình của Bộ có liên quan đến phạm vi quản lý của đơn vị, các công việc được Lãnh đạo Bộ giao;
2. Thủ trưởng các đơn vị phải đề cao trách nhiệm trước Bộ trưởng, không đùn đẩy công việc thuộc chức năng của mình cho đơn vị khác, không xử lý các công việc thuộc thẩm quyền của đơn vị khác. Trường hợp công việc được Lãnh đạo Bộ giao không phù hợp với chức trách của đơn vị, phải kịp thời phản ảnh để Lãnh đạo Bộ điều chỉnh.
3. Trường hợp công việc được giao phải phối hợp với các đơn vị khác tham gia giải quyết, cần chủ động liên hệ xin ý kiến bằng văn bản hoặc hội ý thống nhất, tập hợp trình Bộ. Trường hợp không thống nhất ý kiến, phải báo cáo đầy đủ các ý kiến khác nhau để Lãnh đạo Bộ quyết định.
4. Lãnh đạo đơn vị phải bố trí trực trong tất cả các ngày làm việc. Thủ trưởng cơ quan đi công tác nước ngoài, phải báo cáo xin phép Lãnh đạo Bộ.
5. Thực hiện nghiêm túc chế độ thông tin báo cáo (hàng tuần, hàng tháng, hàng quý, nửa năm, cả năm và báo cáo đột xuất) cho Lãnh đạo Bộ kịp thời nắm tính hình để chỉ đạo có hiệu quả.
Điều 11.- Chánh Văn phòng Bộ giải quyết các công việc :
1/ Tổng hợp trình Bộ trưởng thông qua các chương trình công tác của Bộ, theo dõi đôn đốc các đơn vị thuộc Bộ thực hiện các chương trình đó; chuẩn bị các báo cáo kiểm điểm công tác định kỳ của Bộ và dự thảo các báo cáo khác theo sự phân công của Bộ trưởng;
2/ Giúp Bộ trưởng điều phối hoạt động của Bộ, Lãnh đạo Bộ, các cơ quan thuộc Bộ;
3/ Theo dõi đôn đốc các đơn vị thuộc Bộ chuẩn bị các đề án, tổ chức thẩm tra các đề án bảo đảm yêu cầu về tiến độ, thủ tục, nội dung và tính khả thi của các đề án trước khi trình Bộ trưởng phê duyệt hay ký trình cấp trên phê duyệt;
4/ Quản lý thống nhất việc tiếp nhận văn bản đến và ban hành các văn bản của Bộ;
5/ Thống nhất quản lý và sử dụng mạng thông tin Bộ, ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại vào công tác thông tin giữa Bộ với Chính phủ và các đơn vị trong ngành;
6/ Bảo đảm các điều kiện vật chất kỹ thuật cho các hoạt động chung của Bộ và Lãnh đạo Bộ; Tổ chức phục vụ các cuộc họp của Bộ, các buổi làm việc của Lãnh đạo Bộ;
7/ Quản lý nhà nước, chủ trì việc tổ chức và theo dõi công tác xuất bản, triển lãm, báo chí - tuyên truyền, thi đua - khen thưởng của Bộ; thực hiện nhiệm vụ thường trực Hội đồng Thi đua Khen thưởng của Bộ; Chánh Văn phòng là người phát ngôn báo chí của Bộ;
8/ Quản lý công tác pháp chế của Bộ : giúp Bộ trưởng thực hiện việc quản lý nhà nước bằng pháp luật trong ngành; tổ chức thực hiện công tác xây dựng pháp luật, thẩm định, rà soát , hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật; phổ biến giáo dục pháp luật; kiểm tra việc thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật trong ngành; trực tiếp quản lý Phòng Pháp chế của Bộ;
9/ Tổ chức việc công bố, truyền đạt, theo dõi và kiểm tra các đơn vị thuộc Bộ thực hiện các quyết định của Bộ trưởng; giúp Bộ trưởng duy trì thực hiện quy chế làm việc của Bộ.
10/ Giải quyết một số công việc cụ thể theo sự uỷ nhiệm của Bộ trưởng.
QUAN HỆ CÔNG TÁC CỦA LÃNH ĐẠO BỘ VỚI CÁC CƠ QUAN ĐẢNG, NHÀ NƯỚC, CÁC ĐỊA PHƯƠNG, CÁC ĐOÀN THỂ QUẦN CHÚNG
Điều 12.- Bộ trưởng phải báo cáo Chính phủ. Đối với những công việc đột xuất, cấp thiết phải xin ý kiến của Thủ tướng thì Bộ trưởng trực tiếp đến làm việc hoặc uỷ nhiệm cho Thứ trưởng phụ trách lĩnh vực đi thay và phải phát biểu đúng ý kiến của Bộ trưởng
Điều 13.- Lãnh đạo Bộ và các cơ quan chức năng của Bộ thường xuyên, chủ động tăng cường mối quan hệ hợp tác phối hợp chặt chẽ với các ngành, các ban, các đoàn thể, các hội quần chúng ở trung ương để thực hiện tốt nhiệm vụ. Đối với Ban Kinh tế trung ương, Bộ có quan hệ chặt chẽ, kịp thời phản ảnh các kết quả hoạt động, khó khăn trở ngại, các ý kiến đề xuất về chủ trương, cơ chế, chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn để trình Bộ Chính trị.
Khi công việc khẩn trương, Bộ trưởng, Thứ trưởng cần trực tiếp đến làm việc với các ngành, các Ban, các đoàn thể để phối hợp công việc được kịp thời
Điều 14.- Bộ tham gia ý kiến với tỉnh, thành phố về xây dựng bộ máy quản lý ngành. Những công việc liên quan đến địa phương, Bộ chủ động bàn bạc, trao đổi với địa phương để thống nhất ý kiến trước khi có các quyết định chính thức.
Điều 15.- Khi có văn bản của địa phương gửi về Bộ yêu cầu giải quyết công việc, Văn phòng kịp thời trình Lãnh đạo Bộ để xem xét quyết định và thông báo lại cho các địa phương trong phạm vi 15 ngày kể từ ngày văn bản đến Bộ, trong đó ưu tiên giải quyết các vấn đề liên quan đến miền núi, dân tộc và những vấn đề cấp bách về sản xuất và đời sống nhân dân.
Điều 16.- Lãnh đạo Bộ làm việc với lãnh đạo các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các ngành trung ương thực hiện theo quy chế làm việc của Chính phủ.
Điều 17.- Theo yêu cầu của thời vụ sản xuất, Bộ có thể kết họp chung hoặc họp từng vùng với các địa phương để thống nhất các chủ trương và biện pháp. Để nắm được chính xác tình hình thực tế và giải quyết công việc được chính xác, kịp thời, Lãnh đạo Bộ dành 1/4 - 1/3 thời gian đi công tác địa phương và cơ sở.
Điều 18.- Lãnh đạo Bộ thường xuyên quan hệ chặt chẽ với Đảng uỷ cơ quan Bộ, Đảng uỷ khối, Công đoàn ngành, phát huy vai trò của tổ chức Đảng, đoàn thể trong việc lãnh đạo, giáo dục, động viên cán bộ công nhân viên chức đoàn kết phấn đấu thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của ngành.
Lãnh đạo Bộ và Đảng uỷ cơ quan Bộ, Đảng uỷ khối phối hợp tổ chức học tập quán triệt các nghị quyết lớn của Trung ương Đảng hoặc các đợt sinh hoạt chính trị quan trọng trong Đảng.
Lãnh đạo Bộ tạo mọi điều kiện để Đảng uỷ và Công đoàn, Đoàn Thanh niên cơ quan Bộ hoạt động thuận lợi.
QUY ĐỊNH VỀ CÁC MẶT CÔNG TÁC CỤ THỂ
1/ Công tác quản lý và ban hành văn bản.
Điều 19.- Các loại công văn giấy tờ gửi đến Bộ phải qua văn thư hành chính vào sổ và để Văn phòng xử lý trình Lãnh ddạo Bộ giải quyết hoặc chuyển cho các cơ quan chức năng của Bộ giải quyết theo chế độ quản lý công văn giấy tờ Nhà nước quy định.
Điều 20.- Hàng ngày Bộ, Thứ trưởng dành 30 phút đầu giờ sáng, chiều để Văn phòng trình ký, giải quyết công văn giấy tờ và xin ý kiến về các công việc cần thiết.
Những công văn giấy tờ cần thiết phải ký ngay thì Văn phòng xem xét và trực tiếp trình ký để giải quyết kịp thời công việc chung.
Các văn bản của Thủ trưởng các Bộ Ngành và Bí thư / Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân các tỉnh-thành phố trực thuộc trung ương gửi về Bộ, có nội dung liên quan đến chủ trương, chính sách , các dự án quan trọng, đều phải trình Bộ trưởng cho ý kiến chỉ đạo.
Điều 21.- Văn bản do các đơn vị dự thảo trình Lãnh đạo Bộ ký và ban hành nhân danh Bộ, phải thực hiện đúng theo quy định của Bộ về quản lý công văn giấy tờ, tập trung về Chánh Văn phòng Bộ để soát xét, trình ký và cho phát hành. Văn bản quy phạm pháp luật do Bộ ban hành, trước khi trình ký, phải được Phòng Pháp chế thẩm tra.
Khi công văn đã đựoc lãnh đạo Bộ ký, nhưng xét thấy có vấn đề cần xin ý kiến thì Chánh Văn phòng trực tiếp báo cáo với đồng chí Lãnh đạo Bộ đã ký văn bản đó trước khi phát hành.
Điều 22.- Các đơn vị không trình và Lãnh đạo Bộ không ký các văn bản pháp quy tại nhà riêng. Lãnh đạo Bộ không ký các văn bản chưa được Chánh Văn phòng kiểm tra và ký trình.
Điều 23.- Trong trường hợp đột xuất và cần thiết, nếu Lãnh đạo Bộ đã trực tiếp phê duyệt công văn giấy tờ hoặc chỉ thị trực tiếp bằng lời về các vấn đề thuộc quyền hạn của Bộ tại đơn vị, yêu cầu Thủ trưởng đơn vị thông báo lại cho Văn phòng biết để làm thủ tục hành chính và thông báo cho các Vụ, Cục liên quan thực hiện. Đối với các vấn đề thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan cấp trên hoặc các ngành, các địa phương... Lãnh đạo Bộ giao cho Cục, Vụ chuẩn bị văn bản để Bộ trình cấp trên hoặc gửi các ngành, các địa phương giải quyết.
Sau các cuộc họp, làm việc do Lãnh đạo Bộ chủ trì, nếu thấy cần thiết, Văn phòng sẽ thông báo bằng văn bản các ý kiến kết luận của Lãnh đạo Bộ để các đơn vị biết và tổ chức triển khai thực hiện.
Điều 24.- Thẩm quyền ban hành văn bản của Lãnh đạo Bộ
* Bộ trưởng duyệt và ký để trình cấp trên hoặc ban hành :
- Các văn bản quy phạm pháp luật do Bộ ban hành;
- Chỉ thị của Bộ về chỉ đạo công tác chung của toàn ngành;
- Các dự án về quy hoạch, kế hoạch, ngân sách gửi Thủ tướng Chính phủ; các chỉ tiêu kế hoạch giao cho các địa phương;
- Văn bản đề nghị Thủ tướng Chính phủ về điều động, đề bạt, nâng lương, nghỉ hưu, kỷ luật đối với Thứ trưởng và cấp tương đương;
- Các quyết định đề bạt, điều động, khen thưởng, đi học, đi công tác nước ngoài, kỷ luật đối với lãnh đạo cấp trưởng các đơn vị trực thuộc Bộ;
- Các văn bản của Bộ gửi Ban chấp hành trung ương Đảng, Chủ tịch Nước, Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Thủ trưởng các Bộ Ngành, Chủ tịch các tỉnh-thành phố thuộc trung ương, có liên quan đến chủ trương, chính sách, tài chính, tổ chức bộ máy, các dự án quan trọng, đều phải được đồng chí Thứ trưởng phụ trách khối duyệt, ký vào bản thảo và trình Bộ trưởng ký chính thức. Riêng đối với các văn bản có nội dung quan trọng phải xin ý kiến của tất cả các đồng chí Thứ trưởng vào bản thảo trước khi trình Bộ trưởng ký chính thức.
Trong một số trường hợp, Bộ trưởng uỷ quyền cho Thứ trưởng ký thay các văn bản quy phạm pháp luật và một số văn bản thuộc thẩm quyền của Bộ trưởng nói trên.
* Thẩm quyền ký thay Bộ trưởng : Thứ trưởng phụ trách khối duyệt và ký thay Bộ trưởng những văn bản thuộc lĩnh vực mình phụ trách hoặc những văn bản được Bộ trưởng uỷ nhiệm. Nếu Thứ trưởng phụ trách khối đi vắng, mà việc cần giải quyết ngay thì Thứ trưởng thường trực giải quyết và Văn phòng thông báo lại.
Những vấn đề đã có Nghị quyết của Ban cán sự hoặc có ý kiến của Bộ trưởng mà Thứ trưởng phụ trách ký thay, sau đó phát hiện vấn đề đó sai thì Bí thư Ban cán sự và Bộ trưởng chịu trách nhiệm. Những vấn đề mà Bộ trưởng và Thứ trưởng phụ trách có ý kiến khác nhau, Thứ trưởng ký theo yêu cầu của Bộ trưởng thì Bộ trưởng chịu trách nhiệm . Thứ trưởng ký sai phải chịu trách nhiệm cá nhân trước pháp luật và trước Bộ trưởng về quyết định của mình.
Điều 25.- Thẩm quyền ký thừa lệnh và ký thừa uỷ quyền các văn bản của Bộ :
Thủ trưởng các Vụ, Cục, Thanh tra, Văn phòng Bộ được quyền ký thừa lệnh hay ký thừa uỷ quyền Bộ trưởng trong các văn bản phát hành nhân danh Bộ. Các văn bản ký thừa lênh phải được Lãnh đạo Bộ phê duyệt. Ký thừa uỷ quyền Bộ trưởng phải có văn bản uỷ quyền hợp lệ
Điều 26.- Văn phòng không phát hành những văn bản trái với ý kiến, quyết định của Bộ trưởng, trái với văn bản hiện hành của Chính phủ và những văn bản Lãnh đạo Bộ ký không khớp nhau, những văn bản chưa đầy đủ thủ tục kiểm tra hành chính của Văn phòng. Nếu văn bản đã phát hành có sai sót cần sửa lại thì phải có văn bản đính chính do cùng một đồng chí Lãnh đạo Bộ ký.
Các văn bản ký thay, ký thừa lệnh, ký thừa uỷ quyền Bộ trưởng, đều phải gửi 01 bản cho Bộ trưởng để báo cáo. Văn phòng có nhiệm vụ hàng tuần tổng hợp danh mục và thống kê phân loại các văn bản do Bộ phát hành để báo cáo Bộ trưởng và Lãnh đạo Bộ.
Các Vụ không được dùng dấu Bộ trong các văn bản nhân danh đơn vị mình.
Văn phòng Bộ tổ chức việc lưu trữ, bảo mật các hồ sơ và văn bản nhận được và văn bản Bộ ban hành theo đúng quy định của Pháp lệnh Lưu trữ tài liệu quốc gia, Pháp lệnh Bảo vệ bí mật Nhà nước và các văn bản pháp luật khác.
2/ Chương trình làm việc, họp, hội nghị
Điều 27.- Bộ trưởng quyết định nội dung, thời gian và thành phần các hội nghị lớn và quan trọng của ngành.
Đối với các hội nghị khác do Bộ triệu tập, Thứ trưởng chủ trì phải báo cáo về nội dung, thời gian và thành phần để Bộ trưởng duyệt trước khi triệu tập. Sau hội nghị phải báo cáo lại kết quả với Bộ trưởng. Các hội nghị Bộ triệu tập Lãnh đạo địa phương, đơn vị, nhất thiết phải có Lãnh đạo Bộ chủ trì.
Hội nghị về lĩnh vực nào thì Vụ, Cục quản lý lĩnh vực đó phải chuẩn bị nội dung yêu cầu, xin ý kiến đồng chí Lãnh đạo Bộ phụ trách trước 20 ngày.
Điều 28.- Hàng tháng, Bộ tổ chức họp giao ban với Thủ trưởng các Vụ, Cục và các đơn vị trực thuộc để kiểm điểm triển khai công việc. Ngoài sinh hoạt định kỳ, khi có vấn đề cần thiết, Bộ trưởng sẽ quyết định họp bất thường, thành phần, nội dung cụ thể và thời gian họp do Bộ trưởng quyết định, các Thứ trưởng có trách nhiệm tham dự đầy đủ.
Điều 29.- Tuỳ theo tính chất công việc của từng khối, hàng tháng / quý, Lãnh đạo Bộ phụ trách các khối họp với Thủ trưởng các đơn vị để trực tiếp nghe báo cáo tình hình và bàn chương trình công tác tháng / quý sau.
Điều 30.- Các đồng chí Lãnh đạo Bộ phải có chương trình làm việc cụ thể dựa theo chương trình chung của Bộ, hoặc công việc được Bộ trưởng giao. Các Thứ trưởng lập chương trình công tác tuần sau vào sáng thứ bẩy, phù hợp với chương trình của Bộ trưởng và phối hợp với chương trình của các Thứ trưởng khác.
Điều 31.- Khi Lãnh đạo Bộ có chương trình làm việc với thủ trưởng các đơn vị (có lịch gửi trước) các đơn vị không được bố trí hội họp ảnh hưởng đến lịch chung của Bộ và phải phân công Lãnh đạo đến làm việc với Lãnh đạo Bộ theo lịch đã thông báo trước, người đi họp thay phát biểu ý kiến coi như ý kiến của Thủ trưởng đơn vị.
Những việc Lãnh đạo Bộ thấy cần thiết mời đích danh tên lãnh đạo đơn vị, thì đồng chí được mời phải thu xếp đến làm việc để công việc đạt được kết quả. Trong trường hợp đột xuất, khi Bộ cần hỏi ý kiến gấp, nếu lãnh đạo đơn vị đi vắng, có thể cử chuyên viên phụ trách lĩnh vực đi thay, nhưng khi về phải báo cáo ngay với Lãnh đạo đơn vị các quyết định của Bộ để triển khai thực hiện.
Điều 32.- Trước thứ 6 hàng tuần, các đơn vị gửi đăng ký nội dung cần làm việc với Lãnh đạo Bộ về Phòng Tổng hợp thuộc Văn phòng Bộ để Văn phòng kịp sắp xếp lịch làm việc tuần sau của Lãnh đạo Bộ. Trường hợp các đơn vị có công việc cấp thiết đột xuất phải trực tiếp báo cáo với Lãnh đạo Bộ, thì báo cho Văn phòng bố trí thời gian để Lãnh đạo Bộ làm việc với đơn vị, tuyệt đối không để chậm trễ công việc, ảnh hưởng đến việc hoàn thành nhiệm vụ.
3/ Tiếp và làm việc với khách nước ngoài.
Điều 33.- Trong việc tiếp và làm việc với khách nước ngoài, Vụ Hợp tác Quốc tế là đầu mối liên hệ, chuẩn bị đầy đủ nội dung và thành phần tham gia theo đúng thể lệ của Nhà nước về thủ tục đối ngoại và quy định của Bộ về lĩnh vực hợp tác với nước ngoài; phối hợp với Văn phòng để sắp xếp chương trình của Lãnh đạo Bộ và bố trí nơi tiếp và làm việc cho phù hợp.
4/ Tiếp dân, thanh tra, giải quyết các khiếu nại, tố cáo.
Điều 34.- Bộ uỷ nhiệm Chánh Thanh tra thực hiện chế độ tiếp dân, cán bộ công nhân viên chức trong ngành khi có yêu cầu. Căn cứ nội dung khiếu nại tố cáo, Thanh tra phối hợp với các cơ quan liên quan có trách nhiệm trong Bộ để giải quyết. Việc tiếp dân thực hiện theo Quy chế tiếp dân của Chính phủ ban hành. Trong trường hợp cần Lãnh đạo Bộ tiếp, Chánh Thanh tra chuẩn bị nội dung cụ thể và thông báo để Văn phòng sắp xếp chương trình làm việc. Cùng dự tiếp dân với Lãnh đạo Bộ có Lãnh đạo Thanh tra Bộ, Vụ Tổ chức Cán bộ, Văn phòng Bộ, trường hợp cần thiết sẽ mời các cơ quan liên quan cùng dự. Sau khi Lãnh đạo Bộ tiếp, Thanh tra Bộ thông báo bằng văn bản ý kiến của Lãnh đạo Bộ gửi cho các đơn vị, cá nhân có liên quan thực hiện và trả lời đương sự.
Điều 35.- Thủ trưởng các đơn vị có trách nhiệm chỉ đạo, kiểm tra việc thực hiện các quy định của Nhà nước, của Bộ; phát hiện và báo cáo kịp thời với Bộ những ưu khuyết điểm, những nhân tố tích cực cần phát huy, những khó khăn, trở ngại cần giải quyết, những vấn đề về cơ chế, chính sách cần sửa đối, bổ sung; không ngừng cải tiến công tác, ngăn ngừa các biểu hiện vi phạm pháp luật, ngăn chặn tệ quan liêu, cửa quyền, thiếu trách nhiệm của cơ quan và nhân viên nhà nước.
5/ Chế độ thông tin báo cáo.
Điều 36.- Các đơn vị phải thực hiện đầy đủ chế độ thông tin và báo cáo định kỳ và đột xuất với Bộ (có quy chế cụ thể). Thủ trưởng các đơn vị phải trực tiếp xem xét, ký gửi các báo cáo về Bộ, chú trọng các vấn đề cần quan tâm và đề xuất ý kiến giải quyết các vấn đề ấy.
Tận dụng mọi phương tiện để gửi báo cáo nhanh nhất về Bộ : qua mạng máy tính (gửi về hộp thư của Phòng Tổng hợp), qua Fax, qua dịch vụ bưu chính viễn thông.
Căn cứ quy định của Nhà nước, nhu cầu công tác, khả năng thông tin, Chánh Văn phòng quyết định các loại thông tin được trao đổi trên mạng máy tính của Bộ và trao đổi với các mạng thông tin khác.
6/ Chế độ chi tiêu hành chính.
Điều 37.- Hàng năm căn cứ vào nguồn kinh phí hành chính được cấp, Bộ định mức khoán chi tiêu cho các đơn vị để chủ động hoạt động. Mọi chi tiêu hành chính khác tập trung vào Thứ trưởng thường trực giải quyết theo chế độ, nguyên tắc của Nhà nước quy định.
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 38.- Bản quy định này chỉ đề cập những vấn đề chủ yếu. Căn cứ vào quy định này các đơn vị xây dựng các quy định cụ thể có liên quan đến chức năng nhiệm vụ của đơn vị cho phù hợp. Trong quá trình tổ chức chỉ đạo sẽ hoàn chỉnh hoặc bổ sung thêm, từng bước đưa công tác quản lý của Bộ đi vào nền nếp, phù hợp với yêu cầu đổi mới trong tổ chức lãnh đạo và chỉ đạo.
- 1 Quyết định 54/2004/QĐ-BNN về Quy chế làm việc của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
- 2 Quyết định 97/2007/QĐ-BNN công bố Danh mục văn bản quy phạm pháp luật do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành tính đến ngày 30 tháng 10 năm 2007 hết hiệu lực thi hành
- 3 Quyết định 97/2007/QĐ-BNN công bố Danh mục văn bản quy phạm pháp luật do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành tính đến ngày 30 tháng 10 năm 2007 hết hiệu lực thi hành
- 1 Quyết định 374/QĐ-BNN-VP năm 2008 về Quy chế làm việc của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
- 2 Quyết định 14/2007/QĐ-BNN Bãi bỏ Quy chế làm việc của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kèm theo Quyết định 54/2004/QĐ-BNN do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn ban hành
- 3 Nghị định 73-CP năm 1995 về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
- 4 Luật Tổ chức Chính phủ 1992
- 5 Hiến pháp năm 1992
- 1 Quyết định 374/QĐ-BNN-VP năm 2008 về Quy chế làm việc của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
- 2 Quyết định 14/2007/QĐ-BNN Bãi bỏ Quy chế làm việc của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kèm theo Quyết định 54/2004/QĐ-BNN do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn ban hành