Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 40/2004/QĐ-UB

Hà Nội, ngày 15 tháng 03 năm 2004 

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC THU PHÍ XÂY DỰNG CÔNG TRÌNH TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HÀ NỘI

UỶ BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI

Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân;
Căn cứ Pháp lệnh phí và lệ phí số 38/2001/PL-UBTVQH10 ngày 28/08/2001 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội;
Căn cứ Nghị định 57/2002/NĐ-CP ngày 03/06/2002 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh phí và lệ phí;
Căn cứ Nghị định số 106/2003/NĐ-CP ngày 23/9/2003 của Chính phủ quy định về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phí, lệ phí;
Căn cứ Thông tư số 63/2002/TT-BTC ngày 24/07/2002 của Bộ Tài chính Hướng dẫn thực hiện các quy định pháp luật về phí và lệ phí;
Căn cứ Thông tư số 71/2003/TT-BTC ngày 30/07/2003 của Bộ Tài chính Hướng dẫn về phí thuộc thẩm quyền quyết định của Hội đồng nhân dân Tỉnh, Thành phố trực thuộc Trung ương;
Căn cứ Thông tư số 06/2004/TT-BTC ngày 4/2/2004 của Bộ Tài chính Hướng dẫn thực hiện Nghị định số 106/2003/NĐ-CP ngày 23/9/2003 của Chính phủ quy định về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phí, lệ phí;
Căn cứ Nghị quyết số 49/2003/NQ-HĐ ngày 18/12/2003 của Hội đồng nhân dân thành phố khoá 12 kỳ họp thứ 11;
Xét đề nghị của liên ngành Tài chính - Thuế - Kho bạc nhà nước - Sở Xây dựng tại Tờ trình số 95982/ TTr - LN ngày 31/12/2003,

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1.

1.1.Đối tượng nộp phí: Các chủ đầu tư xây dựng, cải tạo các công trình để sản xuất, kinh doanh hoặc làm nhà ở trên địa bàn Thành phố Hà Nội đều phải nộp phí xây dựng.

1.2. Đối tượng không phải nộp phí: Chủ đầu tư xây dựng, cải tạo các công trình trực tiếp bảo vệ an ninh, quốc phòng; các công trình tôn giáo; các công trình xây dựng trong lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hoá, thể thao được hưởng chính sách xã hội hoá theo Nghị định số 73/1999/NĐ-CP ngày 19/08/1999 của Chính phủ; các trường hợp thuộc Điều ước Quốc tế mà Việt Nam đã ký kết hoặc gia nhập có quy định không thu phí.

Điều 2 : Mức thu phí được quy định cụ thể như sau:

1- Nhà ở do tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng để ở, cam kết không sử dụng vào mục đích kinh doanh, dịch vụ.

- Đối với nhà ở xây dựng tại các quận: mức thu được tính bằng 0,5% vốn xây dựng công trình.

- Đối với nhà ở xây dựng tại các huyện: Mức thu được tính bằng 0,2% vốn xây dựng công trình.

2- Các công trình được sử dụng để làm văn phòng, trụ sở làm việc, các công trình khác của cơ sở sản xuất.

- Đối với các công trình có vốn xây dựng thuộc dự án nhóm A: mức thu được tính bằng 0,5% vốn xây dựng công trình.

- Đối với các công trình có vốn xây dựng thuộc dự án nhóm B,C: mức thu được tính bằng 0,7% vốn xây dựng công trình.

3- Các công trình kinh doanh dịch vụ như: khách sạn; văn phòng cho thuê; cửa hàng mua bán vật tư và hàng hoá phục vụ sản xuất, tiêu dùng; nhà ở để bán và cho thuê...

- Đối với các công trình có vốn xây dựng thuộc dự án nhóm A: mức thu được tính bằng 0,5% vốn xây dựng công trình.

- Đối với các công trình có vốn xây dựng thuộc dự án nhóm B: mức thu được tính bằng 1% vốn xây dựng công trình.

- Đối với các công trình có vốn xây dựng thuộc dự án nhóm C: mức thu được tính bằng 2% vốn xây dựng công trình.

* Vốn xây dựng công trình được quy định tại khoản 1,2, 3 của điều này để thu phí xây dựng chỉ tính giá trị xây dựng, không bao gồm giá trị thiết bị lắp đặt.

- Trường hợp công trình có nhiều chức năng, thì căn cứ vào các chức năng chính của công trình để áp dụng mức thu cho phù hợp.

- Đối với các công trình do thay đổi chức năng hoặc mục đích sử dụng dẫn đến mức thu phí xây dựng công trình của công trình đó tăng lên thì Chủ đầu tư phải nộp bổ sung phần chênh lệch giữa hai mức thu và không được hoàn lại phần chênh lệch nếu việc thay đổi tính chất sử dụng công trình có mức thu thấp hơn mức đã nộp.

Điều 3. Đơn vị thu phí :

+ Sở Xây dựng thu đối với các trường hợp do Sở Xây dựng cấp giấy phép xây dựng hoặc thẩm định thiết kế kỹ thuật - tổng dự toán công trình.

+ Uỷ ban nhân dân các quận, huyện: thu đối với trường hợp do Uỷ ban nhân dân quận, huyện cấp giấy phép xây dựng hoặc thẩm định thiết kế kỹ thuật - tổng dự toán công trình và các trường hợp xây dựng khác trên địa bàn quận, huyện.

+ Riêng thẩm quyền thu phí xây dựng của UBND phường, xã, thị trấn giao cho liên ngành thống nhất trình UBND Thành phố khi Luật xây dựng có hiệu lực thi hành.

Các đơn vị thu phí có trách nhiệm niêm yết hoặc thông báo công khai mức thu phí tại địa điểm thu phí. Khi thu tiền phí phải cấp chứng từ thu phí cho đối tượng nộp phí theo quy định.

Điều 4. Quản lý, sử dụng tiền phí thu được :

Đơn vị thu phí nộp Ngân sách 90% và được để lại 10% tổng số phí thu được và phải quản lý, sử dụng số tiền phí được để lại theo đúng hướng dẫn tại mục C phần III Thông tư số 63/2002/TT-BTC ngày 24/07/2002 của Bộ Tài chính.

Điều 5. Chứng từ thu phí :

Đơn vị thu phí sử dụng biên lai thu phí do Cục Thuế phát hành.

Điều 6. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 3690/QĐ-UB ngày 24/09/1997 của Uỷ ban nhân dân Thành phố quy định về phụ thu phí xây dựng công trình tại Thành phố Hà Nội.

Các trường hợp vi phạm sẽ bị xử lý theo Nghị định số 106/2003/NĐ-CP ngày 23/9/2003 của Chính phủ và Thông tư số 06/2004/TT-BTC ngày 4/2/2004 của Bộ Tài chính quy định về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phí, lệ phí.

Điều 7. Chánh Văn phòng Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân Thành phố; Giám đốc các Sở: Tài chính và Xây dựng; Cục trưởng Cục Thuế Hà Nội; Giám đốc Kho bạc Nhà nước Hà Nội; Chủ tich Uỷ ban nhân dân các quận, huyện và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
K/T CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
 
 
 
 
Vũ Văn Ninh