Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BẢO HIỂM XÃ HỘI VIỆT NAM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 400/QĐ-BHXH

Hà Nội, ngày 02 tháng 05 năm 2013

 

QUYẾT ĐỊNH

PHƯƠNG PHÁP TRÍCH CHI PHÍ QUẢN LÝ BỘ MÁY, CHI ĐẦU TƯ XÂY DỰNG CƠ BẢN ĐƯỢC THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ GIAO VÀ PHÂN BỔ TIỀN SINH LỜI THỰC THU ĐƯỢC HẰNG NĂM CỦA HOẠT ĐỘNG ĐẦU TƯ VÀO CÁC QUỸ BẢO HIỂM

TỔNG GIÁM ĐỐC BẢO HIỂM XÃ HỘI VIỆT NAM

Căn cứ Luật Bảo hiểm xã hội số 71/2006/QH11 ngày 29 tháng 6 năm 2006;

Căn cứ Luật Bảo hiểm y tế số 25/2008/QH12 ngày 14 tháng 8 năm 2008;

Căn cứ Nghị định số 94/2008/NĐ-CP ngày 22 tháng 8 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bảo hiểm xã hội Việt Nam và Nghị định số 116/2011/NĐ-CP ngày 14 tháng 12 năm 2011 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 94/2008/NĐ-CP ;

Căn cứ Quyết định số 04/2011/QĐ-TTg ngày 20 tháng 01 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ về quản lý tài chính đối với Bảo hiểm xã hội Việt Nam và Thông tư số 134/2011/TT-BTC ngày 30 tháng 9 năm 2011 của Bộ Tài chính quy định chi tiết và hướng dẫn thực hiện một số điều của Quyết định số 04/2011/QĐ-TTg ;

Xét đề nghị của Trưởng Ban Chi,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phạm vi, đối tượng điều chỉnh

1. Quyết định này quy định phương pháp trích chi phí quản lý bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), bao gồm cả chi hoạt động quản lý BHXH, BHYT của BHXH Bộ Quốc phòng, BHXH Công an nhân dân và chi quản lý bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) của ngành Lao động - Thương binh và Xã hội (sau đây gọi chung là chi phí quản lý bộ máy); chi đầu tư xây dựng cơ bản được Thủ tướng Chính phủ giao và phân bổ tiền sinh lời thực thu được hằng năm của hoạt động đầu tư vào các quỹ bảo hiểm được thực hiện tại BHXH Việt Nam.

2. Các nguồn kinh phí không tính vào chi phí quản lý để thực hiện trích nguồn, gồm:

a) Chi lệ phí chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH do ngân sách nhà nước cấp quy định tại Khoản 1, Điều 4 Thông tư số 134/2011/TT-BTC .

b) Nguồn chi phí quản lý bộ máy được hình thành theo quy định tại Khoản 2, Điều 8 Thông tư số 134/2011/TT-BTC gồm: Số tiền lãi thu được từ phần lãi suất cho vay cao hơn mức lãi suất huy động cùng kỳ hạn cao nhất của các Ngân hàng thương mại Nhà nước trên địa bàn thành phố Hà Nội tại thời điểm cho vay để bổ sung dự toán chi quản lý bộ máy và được sử dụng bổ sung quỹ khen thưởng phúc lợi của Ngành; phần để lại từ số thu phí cấp và đổi thẻ BHYT theo quy định tại Thông tư số 19/2010/TT-BTC ngày 03/02/2010 của Bộ Tài chính về việc quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí cấp lại và đổi thẻ BHYT; các nguồn kinh phí khác theo quy định tại Khoản 1, Điều 12 Quyết định số 04/2011/QĐ-TTg (tiền lãi phát sinh trên tài khoản tiền gửi chi quản lý bộ máy; tiền hỗ trợ của ngân sách nhà nước, hỗ trợ của tổ chức cá nhân trong nước và nước ngoài).

3. Các quỹ bảo hiểm gồm: Quỹ BHXH bắt buộc, quỹ BHXH tự nguyện, quỹ BHTN, quỹ BHYT.

Điều 2. Cơ sở trích chi phí quản lý bộ máy và chi đầu tư xây dựng cơ bản

1. Chi phí quản lý bộ máy theo quy định tại Điều 95, Điều 101 và Điều 104 Luật BHXH; Điều 47 Nghị định số 152/2006/NĐ-CP ngày 22/12/2006 của Chính phủ hướng dẫn một số điều của Luật BHXH về BHXH bắt buộc; Điều 31 Nghị định số 190/2007/NĐ-CP ngày 28/12/2007 của Chính phủ hướng dẫn một số điều của Luật BHXH về BHXH tự nguyện; Điều 29 Nghị định số 127/2008/NĐ-CP ngày 12/12/2008 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật BHXH về BHTN; Điều 35 Luật BHYT; Điều 10 Nghị định số 62/2009/NĐ-CP ngày 27/7/2009 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật BHYT.

2. Dự toán chi quản lý bộ máy được Thủ tướng Chính phủ giao hằng năm cho BHXH Việt Nam.

3. Chi đầu tư xây dựng cơ bản theo quy định tại Điều 11 Quyết định số 04/2011/QĐ-TTg.

4. Tổng số thu, chi của từng quỹ bảo hiểm phát sinh hằng năm.

5. Quyết định số 04/2011/QĐ-TTg và Thông tư số 134/2011/TT-BTC .

Điều 3. Nguồn và phương pháp trích chi phí quản lý bộ máy

1. Kết thúc năm tài chính, căn cứ vào dự toán chi quản lý bộ máy được Thủ tướng Chính phủ giao và tổng số thu, chi của từng quỹ bảo hiểm phát sinh trong năm, Bảo hiểm xã hội Việt Nam thực hiện trích chi phí quản lý bộ máy.

2. Chi phí quản lý bộ máy theo dự toán được Thủ tướng Chính phủ giao hằng năm được trích từ các nguồn theo quy định tại Khoản 1, Điều 11 Quyết định số 04/2011/QĐ-TTg, như sau:

a) Tiền sinh lời của hoạt động đầu tư từ quỹ BHXH bắt buộc;

b) Tiền sinh lời của hoạt động đầu tư từ quỹ BHXH tự nguyện;

c) Quỹ BHTN;

d) Quỹ BHYT.

3. Chi phí quản lý bộ máy trích từ từng quỹ bảo hiểm hằng năm được xác định bằng dự toán chi quản lý bộ máy được Thủ tướng Chính phủ giao hằng năm cho Bảo hiểm xã hội Việt Nam nhân với tỷ trọng giữa tổng số thu, chi của từng quỹ bảo hiểm tương ứng và tổng số thu, chi của các quỹ bảo hiểm trong năm.

Chi phí quản lý bộ máy trích từ từng quỹ bảo hiểm

=

Dự toán chi quản lý bộ máy được Thủ tướng Chính phủ giao

x

Tổng số thu, chi của từng quỹ bảo hiểm tương ứng trong năm

Tổng số thu, chi của quỹ BHXH bắt buộc, quỹ BHXH tự nguyện, quỹ BHTN, quỹ BHYT trong năm

Điều 4. Nguồn và phương pháp trích chi đầu tư xây dựng cơ bản

1. Trích nguồn để chi đầu tư xây dựng cơ bản theo quy định tại Điều 11 Quyết định số 04/2011/QĐ-TTg .

2. Chi đầu tư xây dựng cơ bản được trích từ số tiền sinh lời thực thu được hằng năm của hoạt động đầu tư từ các quỹ bảo hiểm bằng dự toán chi đầu tư xây dựng cơ bản được Thủ tướng Chính phủ giao.

Điều 5. Sử dụng tiền sinh lời thực thu được hằng năm

Kết thúc năm tài chính, Bảo hiểm xã hội Việt Nam tổng hợp toàn bộ số tiền sinh lời thực thu được trong năm của hoạt động đầu tư từ các quỹ bảo hiểm và tiền lãi phát sinh trên tài khoản tiền gửi các quỹ bảo hiểm (không bao gồm lãi tiền gửi chi quản lý bộ máy).

Toàn bộ số tiền sinh lời thực thu được hằng năm được phân bổ theo thứ tự như sau:

1. Trích 2% tổng số tiền sinh lời thực thu được trong năm của hoạt động đầu tư từ các quỹ bảo hiểm (không bao gồm tiền lãi phát sinh trên tài khoản tiền gửi thanh toán tại Bảo hiểm xã hội Việt Nam và lãi tài khoản tiền gửi thu, chi tại BHXH các tỉnh) để lập quỹ dự phòng rủi ro để xử lý, bù đắp những rủi ro do nguyên nhân khách quan trong hoạt động đầu tư theo quy định tại Điểm a, Khoản 3, Điều 7 Quyết định số 04/2011/QĐ-TTg .

2. Chi đầu tư xây dựng cơ bản theo mức dự toán được Thủ tướng Chính phủ giao hàng năm

3. Phần còn lại được phân bổ vào các quỹ bảo hiểm theo tỷ lệ kết dư bình quân của từng quỹ tương ứng theo Quy định tại Điều 6 Quy định này và sử dụng như sau:

a) Tiền sinh lời của hoạt động đầu tư từ quỹ BHXH bắt buộc sau khi phân bổ chi phí quản lý BHXH bắt buộc, phần còn lại được bổ sung vào quỹ bảo hiểm xã hội bắt buộc (quỹ hưu trí và tử tuất);

b) Tiền sinh lời của hoạt động đầu tư từ quỹ BHXH tự nguyện sau khi phân bổ chi phí quản lý BHXH tự nguyện, phần còn lại được bổ sung quỹ BHXH tự nguyện;

c) Tiền sinh lời của hoạt động đầu tư từ quỹ bảo BHTN được bổ sung vào quỹ BHTN;

d) Tiền sinh lời của hoạt động đầu tư từ quỹ BHYT được bổ sung vào quỹ BHYT (quỹ dự phòng khám, chữa bệnh BHYT).

Điều 6. Phương pháp phân bổ tiền sinh lời thực thu được hằng năm của hoạt động đầu tư vào các quỹ bảo hiểm

1. Xác định kết dư bình quân của từng quỹ bảo hiểm thực hiện đầu tư tài chính trong năm

a) Kết dư bình quân quỹ BHXH, BHYT trong năm (A)

 

A

=

Tổng số dư các quỹ bảo hiểm đầu năm + Tổng số dư các quỹ bảo hiểm cuối năm

2

b) Kết dư bình quân từng quỹ bảo hiểm trong năm (B)

A

=

Kết dư đầu năm của quỹ tương ứng + Kết dư cuối năm của quỹ tương ứng

2

c) Tỷ trọng kết dư của từng quỹ trong năm (C)

Ghi chú: Kết dư quỹ BHXH, BHYT và kết dư của từng quỹ cuối năm chưa bao gồm lãi đầu tư trong năm phân bổ cho các quỹ.

2. Xác định số lãi đầu tư của từng quỹ (D)

D

=

Tổng số tiền lãi thực thu được trong năm sau khi trích theo quy định tại Khoản 1,2 Điều 5 Quyết định này

x

C

3. Sau khi xác định số tiền lãi thực thu được trong năm từ hoạt động đầu tư của từng quỹ bảo hiểm, thực hiện bổ sung vào các quỹ bảo hiểm như sau:

a) Đối với quỹ BHXH bắt buộc, quỹ BHXH tự nguyện

Số tiền lãi thực thu bổ sung vào từng quỹ bảo hiểm trong năm

=

Số tiền lãi thực thu trong năm từ hoạt động đầu tư của quỹ bảo hiểm tương ứng

-

Chi phí quản lý bộ máy trong năm của quỹ bảo hiểm tương ứng

b) Đối với quỹ BHTN, tiền sinh lời của hoạt động đầu tư từ quỹ BHTN được bổ sung vào quỹ BHTN.

c) Đối với quỹ BHYT tiền sinh lời của hoạt động đầu tư từ quỹ BHYT được bổ sung vào quỹ BHYT (quỹ dự phòng khám, chữa bệnh BHYT).

4. Trường hợp số dư quỹ bảo hiểm cuối năm bị âm thì không đưa số dư quỹ bảo hiểm âm vào xác định kết dư bình quân của quỹ BHXH, BHYT và không thực hiện bổ sung tiền sinh lời hoạt động đầu tư vào quỹ bảo hiểm bị âm theo quy định tại Khoản 1,2,3 nêu trên.

Điều 7. Tổ chức thực hiện

Giao Ban Chi chủ trì phối họp với Ban Kế hoạch - Tài chính, Ban Đầu tư quỹ thực hiện trích chi phí quản lý bộ máy, chi đầu tư xây dựng cơ bản được Thủ tướng Chính phủ giao và phân bổ tiền sinh lời thực thu được hằng năm từ hoạt động đầu tư vào các quỹ bảo hiểm theo đúng các quy định.

Điều 8. Hiệu lực thi hành

1. Quyết định này có hiệu lực từ ngày ký và được thực hiện từ năm tài chính 2012.

2. Thủ trưởng các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 8;
- Hội đồng Quản lý BHXH Việt Nam (để b/c);
- Bộ Tài chính;
- Bộ Lao động TB&XH;
- Bộ Y tế;
- Tổng Giám đốc;
- Các Phó Tổng Giám đốc;
- Lưu: VT, BC (04b).

TỔNG GIÁM ĐỐC




Lê Bạch Hồng