Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 4012/QĐ-UBND

Quảng Ninh, ngày 30 tháng 11 năm 2016

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT ĐIỀU CHỈNH QUY HOẠCH QUẢN LÝ CHẤT THẢI RẮN TỈNH QUẢNG NINH ĐẾN NĂM 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NINH

n cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương số 77/2015/QH13 ngày 19/6/2015;

Căn cứ Luật Quy hoạch đô thị số 30/2009/QH12 ngày 17/6/2009; Luật Xây dựng số 50/2014/QH13 ngày 18/06/2014;

Căn cứ Luật Bảo vệ Môi trường số 55/2014/QH13 ngày 23/06/2014;

Căn cứ Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo số 82/2015/QH13 ngày 25/06/2015;

Căn cứ Nghị định 59/2007/NĐ-CP ngày 09/04/2007 của Chính phủ về quản lý chất thải rắn; Nghị định 38/2015/NĐ-CP ngày 24/4/2015 của Chính phủ về quản lý chất thải và phế liệu;

Căn cứ Nghị định 130/2013/NĐ-CP ngày 16/10/2013 của Chính phủ về sản xuất và cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích;

Căn cứ Nghị định số 19/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường;

Căn cứ Nghị định số 44/2015/NĐ-CP ngày 06/5/2015 của Chính phủ: Quy định chi tiết một số nội dung về quy hoạch xây dựng;

Căn cứ Nghị định số 40/2016/NĐ-CP ngày 15/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài nguyên, môi trường biển đảo;

Căn cứ Quyết định số 2093/QĐ-UBND ngày 22/7/2015 của UBND tỉnh “V/v phê duyệt nhiệm vụ, dự toán chi phí điều chỉnh Quy hoạch quản lý chất thải rắn tỉnh Quảng Ninh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”;

Xét đề nghị của Sở Xây dựng tại Tờ trình số 492/TTr-SXD ngày 16/11/2016 “V/v đề nghị phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch quản lý chất thải rắn tỉnh Quảng Ninh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch quản lý chất thải rắn (CTR) tỉnh Quảng Ninh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, với những nội dung sau:

1. Phạm vi nghiên cứu quy hoạch:

- Phạm vi nghiên cứu: Gồm toàn bộ ranh giới hành chính của tỉnh Quảng Ninh với tổng diện tích tự nhiên khoảng 6.102,3 km2.

- Phạm vi lập điều chỉnh quy hoạch: Gồm toàn bộ hệ thống quản lý chất thải rắn trên địa bàn các đô thị, khu công nghiệp và khu dân cư nông thôn tập trung của tỉnh Quảng Ninh, bao gồm: Chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn công nghiệp, chất thải rắn y tế (các loại chất thải ngành than không nằm trong nội dung của quy hoạch này). Nghiên cứu quy hoạch vị trí đổ thải cho hoạt động nạo vét luồng lạch trên địa bàn tỉnh.

2. Quan điểm quy hoạch:

- Quản lý tổng hợp chất thải rắn là một trong những ưu tiên của công tác bảo vệ môi trường, góp phần kiểm soát ô nhiễm, hướng tới phát triển đô thị bền vững.

- Quy hoạch quản lý chất thải rắn phải gắn liền với quy hoạch phát triển kinh tế xã hội và các quy hoạch phát triển khác.

- Quản lý chất thải rắn phải được thực hiện theo phương thức tổng hợp, lấy phòng ngừa, giảm thiểu phát sinh và phân loại chất thải tại nguồn là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu, xem chất thải là tài nguyên từ đó đưa ra giải pháp tổng thể trong quy hoạch xử lý chất thải bao gồm: Tái sử dụng, tái chế để giảm khối lượng chất thải phải xử lý.

- Quản lý tổng hợp chất thải rắn là trách nhiệm chung của toàn xã hội, trong đó Nhà nước có vai trò chủ đạo, đẩy mạnh xã hội hóa, huy động tối đa mọi nguồn lực và tăng cường đầu tư cho công tác quản lý chất thải rắn.

- Quản lý chất thải rắn không khép kín theo địa giới hành chính, đảm bảo sự tối ưu về kinh tế, kỹ thuật, sự an toàn về xã hội và môi trường và tuân thủ theo nguyên tắc “người gây ô nhiễm phải trả tiền”.

- Phấn đấu tới năm 2030 đạt 100% các loại CTR phát sinh được thu gom, tái sử dụng, tái chế và xử lý triệt để bằng những công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường và phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh Quảng Ninh, hạn chế khối lượng chất thải rắn phải chôn lấp đến mức thấp nhất.

3. Mục tiêu quy hoạch:

3.1. Mục tiêu tổng quát:

- Đảm bảo phát triển ổn định, bền vững của tỉnh Quảng Ninh thông qua giảm phát sinh chất thải, tăng cường tái chế, tái sử dụng có hiệu quả các loại chất thải đô thị.

- Xây dựng hệ thống quản lý chất thải rắn hiện đại, theo đó chất thải rắn được phân loại tại nguồn, thu gom, tái sử dụng, tái chế và xử lý triệt để bằng những công nghệ phù hợp, hạn chế tối đa lượng chất thải phải chôn lấp nhằm tiết kiệm tài nguyên đất và hạn chế gây ô nhiễm môi trường. Chất thải rắn nguy hại được quản lý và xử lý triệt để theo các phương thức phù hợp.

- Nâng cao nhận thức của cộng đồng về quản lý tổng hợp chất thải rắn, hình thành lối sống thân thiện với môi trường. Thiết lập các điều kiện cần thiết về cơ sở hạ tầng, tài chính và nguồn nhân lực cho quản lý tổng hợp chất thải rắn.

3.2. Mục tiêu cụ thể:

- Đến năm 2020:

+ 95% chất thải sinh hoạt đô thị phát sinh được thu gom và xử lý hợp vệ sinh, trong đó tái chế, tái sử dụng chiếm 75-80%.

+ 90% tổng lượng chất thải công nghiệp không nguy hại và nguy hại phát sinh được thu gom và xử lý an toàn đảm bảo môi trường, trong đó trên 75% được tái sử dụng và tái chế.

+ 80% chất thải rắn xây dựng được thu gom và xử lý, trong đó 50% được thu hồi để tái sử dụng hoặc tái chế.

+ 100% lượng chất thải rắn y tế không nguy hại và nguy hại phát sinh tại các cơ sở y tế, bệnh viện được thu gom và xử lý an toàn đảm bảo môi trường.

+ 75% chất thải phát sinh tại các điểm dân cư nông thôn được thu gom và xử lý, trong đó 50% được tái sử dụng và tái chế.

- Đến năm 2030:

+ 100% chất thải sinh hoạt đô thị phát sinh được thu gom và xử lý hợp vệ sinh, trong đó tái chế, tái sử dụng chiếm 90%;

+ 100% chất thải rắn công nghiệp được thu gom và xử lý an toàn trong đó trên 75% được tái sử dụng và tái chế.

+ 95% chất thải rắn xây dựng được thu gom và xử lý, trong đó 60% được thu hồi để tái sử dụng hoặc tái chế.

+ 100% bùn bể phốt của các đô thị từ loại II trở lên và 50% của các đô thị còn lại được thu gom và xử lý đảm bảo môi trường.

+ 100% lượng chất thải rắn phát sinh tại các điểm dân cư nông thôn được thu gom và xử lý đảm bảo môi trường.

4. Nội dung quy hoạch:

4.1. Dự báo khối lượng chất thải rắn phát sinh:

- Đến năm 2020: Khối lượng CTR sinh hoạt phát sinh khoảng 640.000 tấn/năm, khối lượng CTR công nghiệp phát sinh khoảng 971.000 tấn/năm, khối lượng CTR y tế phát sinh khoảng 3.900 tấn/năm, khối lượng CTR xây dựng phát sinh khoảng 307.000 tấn/năm, khối lượng phân bùn bể tự hoại và bùn thải hệ thống thoát nước phát sinh khoảng 80.000 tấn/năm.

- Đến năm 2030: Khối lượng CTR sinh hoạt phát sinh khoảng 862.000 tấn/năm, khối lượng CTR công nghiệp phát sinh khoảng 1.585.000 tấn/năm, khối lượng CTR y tế phát sinh khoảng 4.550 tấn/năm, khối lượng CTR xây dựng phát sinh khoảng 211.000 tấn/năm, khối lượng phân bùn bể tự hoại và bùn thải hệ thống thoát nước phát sinh khoảng 100.000 tấn/năm.

- Đến năm 2050: Khối lượng CTR sinh hoạt phát sinh khoảng 1.331.000 tấn/năm, khối lượng CTR công nghiệp phát sinh khoảng 2.550.000 tấn/năm, khối lượng CTR y tế phát sinh khoảng 6.800 tấn/năm, khối lượng CTR xây dựng phát sinh khoảng 315.000 tấn/năm, khối lượng phân bùn bể tự hoại và bùn thải hệ thống thoát nước phát sinh khoảng 128.000 tấn/năm.

Tổng lượng chất thải rắn các loại phát sinh trên địa bàn tỉnh theo các giai đoạn (chi tiết tại Phụ lục 1).

4.2. Thu gom, vận chuyển chất thải rắn:

a. Chất thải rắn sinh hoạt:

- Vận chuyển trực tiếp: Các phương tiện thu gom cỡ nhỏ sẽ thu gom chất thải tại các khu vực và vận chuyển thẳng đến địa điểm đổ thải cuối cùng.

- Vận chuyển trung chuyển: Phương tiện thu gom cỡ nhỏ thu gom chất thải tại các khu vực và vận chuyển đến trạm trung chuyển. Ở trạm trung chuyển, chất thải được chuyển vào các container cỡ lớn nhờ thiết bị nén ép, container lại được vận chuyển đến địa điểm đổ thải cuối cùng bằng xe tải cỡ lớn.

- Tại các điểm dân cư nông thôn: Chất thải rắn được các tổ thu gom tiến hành thu gom hàng ngày hoặc cách ngày và được chuyển đến điểm tập kết của mỗi xã. Tại đây chất thải rắn sẽ được các xe chuyên dụng chuyển đến bãi chôn lấp chung của huyện hoặc trạm xử lý bằng công nghệ đốt.

b. Chất thải rắn công nghiệp:

- Việc thu gom tập trung các loại chất thải rắn công nghiệp được tiến hành theo 2 giai đoạn:

+ Giai đoạn thu gom sơ cấp: chất thải rắn công nghiệp thu gom từ các công đoạn sản xuất của từng nhà máy được vận chuyển đến khu vực chứa chất thải của nhà máy, và phải đổ đúng vào các thiết bị lưu chứa chất thải rắn công nghiệp đã được chỉ định. Sau đó sau mỗi ca làm việc, mỗi ngày thì phải vận chuyển chất thải rắn từ các điểm tập kết của các nhà máy, cơ sở sản xuất đến các điểm tập kết, trạm trung chuyển của các KCN/CCN trong đó chất thải rắn được phân loại tập trung một lần nữa cũng như xử lý cơ học.

+ Giai đoạn thu gom thứ cấp: Vận chuyển chất thải rắn từ các trạm trung chuyển đến khu vực xử lý sao cho mỗi loại chất thải rắn được vận chuyển đến một khu vực xử lý riêng.

- Vận chuyển, xử lý:

+ Chất thải rắn công nghiệp thông thường phát sinh từ các KCN sẽ được xử lý chung với CTR sinh hoạt tại các khu xử lý chất thải của từng đô thị;

+ Chất thải công nghiệp nguy hại sẽ được thu gom vận chuyển đến khu xử lý chất thải công nghiệp được quy hoạch tại Trung tâm xử lý chất thải rắn Vũ Oai-Hòa Bình, huyện Hoành Bồ và khu xử lý Dương Huy, thành phố Cẩm Phả và các địa điểm xử lý được xây dựng trên địa bàn.

c. Chất thải rắn y tế:

Trong giai đoạn đến năm 2030, tỉnh Quảng Ninh sẽ áp dụng 02 mô hình xử lý chất thải rắn y tế nguy hại như sau:

- Mô hình xử lý theo cụm cơ sở y tế: Dự kiến trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh sẽ chia thành các cụm xử lý chất thải rắn y tế lây nhiễm như sau:

+ Cụm xử lý 01: Các cơ sở y tế thuộc điểm xử lý Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển, bao gồm: Bệnh viện đa khoa Việt Nam - Thụy Điển, Bệnh viện Sản Nhi, Bệnh viện Bãi Cháy, Trung tâm y tế thành phố Uông Bí và các Trạm y tế trực thuộc, Trung tâm y tế thị xã Quảng Yên và các Trạm y tế trực thuộc, Trung tâm y tế thị xã Đông Triều và các Trạm y tế trực thuộc, Trung tâm y tế huyện Hoành Bồ và các Trạm y tế trực thuộc.

+ Cụm xử lý 02: Các cơ sở y tế thuộc điểm xử lý Bệnh viện đa khoa khu vực Cẩm Phả, bao gồm: Bệnh viện đa khoa khu vực Cẩm Phả, Bệnh viện đa khoa tỉnh, Bệnh viện Y học cổ truyền, Bệnh viện Điều dưỡng và Phục hồi chức năng, Bệnh viện bảo vệ sức khỏe Tâm thần, Bệnh viện đa khoa Cẩm Phả, Trung tâm y tế Hạ Long với 02 phòng khám đa khoa và các Trạm y tế trực thuộc, Trung tâm y tế Cẩm Phả và các Trạm y tế trực thuộc, Trung tâm y tế huyện Vân Đồn và các Trạm y tế trực thuộc, Trung tâm Phòng chống bệnh xã hội, Trung tâm phòng chống HIV/AIDS.

+ Cụm xử lý 03: Các cơ sở y tế thuộc điểm xử lý Trung tâm y tế huyện Tiên Yên, bao gồm: Trung tâm y tế huyện Tiên Yên và các Trạm y tế trực thuộc, Trung tâm y tế huyện Ba Chẽ và các Trạm y tế trực thuộc, Trung tâm y tế huyện Bình Liêu và các Trạm y tế trực thuộc.

+ Cụm xử lý 04: Các cơ sở y tế thuộc điểm xử lý Trung tâm y tế huyện Hải Hà, bao gồm: Trung tâm y tế huyện Hải Hà và các Trạm y tế trực thuộc, Trung tâm y tế thành phố Móng Cái và các Trạm y tế trực thuộc, Trung tâm y tế huyện Đầm Hà và các Trạm y tế trực thuộc.

- Mô hình xử lý tập trung: Đối với chất thải rắn y tế cùng các loại chất thải rắn nguy hại khác (trừ chất thải rắn nguy hại lây nhiễm) được thu gom và tập trung lại để xử lý tại nhà máy xử lý rác tập trung tại Trung tâm xử lý chất thải rắn, trồng cây ăn quả, rau sạch chất lượng cao và công viên cây xanh tại 2 xã Vũ Oai và Hòa Bình, huyện Hoành Bồ, tỉnh Quảng Ninh.

d. Chất thải rắn xây dựng:

Áp dụng 2 phương thức thu gom và vận chuyển chất thải rắn xây dựng: Các chủ đầu tư hay nhà thầu xây dựng tự chịu trách nhiệm thu gom, phân loại và vận chuyển chất thải rắn xây dựng hoặc công tác thu gom, phân loại, vận chuyển chất thải rắn xây dựng sẽ do các đơn vị chuyên trách đảm nhiệm.

Chất thải rắn xây dựng sau khi được phân loại, phần chất thải không thể thu hồi, tái chế sẽ được vận chuyển đến các bãi chôn lấp của các khu xử lý chất thải rắn thông thường.

đ. Phân bùn bể tự hoại và bùn thải hệ thống thoát nước:

Thiết bị thu gom phân bùn bể tự hoại bao gồm các xe hút chân không kết hợp với các xe hút chân không đẩy tay loại nhỏ nhằm tiếp cận các địa điểm nằm trong các ngõ nhỏ để cung cấp dịch vụ thông hút đến tất cả các hộ gia đình.

Phân bùn bể tự hoại được vận chuyển đến các khu xử lý chất thải rắn có công nghệ ủ sinh học rác thải hữu cơ, việc bổ sung xử lý phối trộn rác thải hữu cơ với phân bùn bể tự hoại sẽ góp phần tăng chất lượng mùn hữu cơ để sử dụng cho cây trồng.

Bùn cặn từ hệ thống thoát nước và các trạm/nhà máy xử lý nước thải sau khi tách nước (làm khô) được vận chuyển đến các bãi chôn lấp trong các khu xử lý chất thải rắn của các đô thị.

e. Chất thải rắn vùng Vịnh và các xã đảo:

- Chất thải rắn vùng Vịnh:

+ Xã hội hóa hoạt động thu gom, xử lý chất thải rắn trên Vịnh tạo cơ chế thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân, đặc biệt đối với các doanh nghiệp kinh doanh vận chuyển khách du lịch có năng lực tham gia đầu tư trang thiết bị, nhân lực vào công tác bảo vệ môi trường vịnh Hạ Long.

+ Chất thải rắn sinh hoạt của khu dân cư và trên vùng biển thuộc Vịnh sẽ được thu gom và vận chuyển về xử lý tại các khu xử lý chất thải rắn trên bờ.

- Quản lý chất thải rắn các xã đảo:

Công tác thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn tại khu vực các xã đảo sẽ được thực hiện riêng cho từng đảo. Định hướng công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt cho các xã đảo đến năm 2030 là công nghệ đốt (quy mô công suất từ 500 ÷ 700 kg/giờ) kết hợp với chôn lấp hợp vệ sinh bùn thải và tro thải.

4.3. Quy hoạch vị trí các khu tiếp nhận và xử lý bùn nạo vét luồng giao thông thủy trên địa bàn tỉnh:

Các loại bùn nạo vét chủ yếu từ hai nguồn: Từ luồng lạch sông và từ nạo vét, duy tu luồng ra vào các cảng biển. Dự báo khối lượng bùn nạo vét hàng năm khoảng 8,5 triệu m3/năm, thành phần bùn nạo vét chủ yếu là cát hạt mịn.

Định hướng chung đến năm 2030:

- Đối với bùn thải nạo vét luồng lạch, hoạt động nạo vét này sẽ được nhiều thành phần kinh tế tư nhân tham gia đăng ký và tận thu theo hình thức xã hội hóa hoặc lưu chứa tạm thời tại khu xử lý gần nhất trước khi bán hoặc cho các khu vực dự án hạ tầng có nhu cầu tiếp nhận vật liệu từ hoạt động nạo vét để san lấp mặt bằng cùng với chất thải xây dựng.

- Đối với bùn thải nạo vét sát bờ, vận chuyển về khu xử lý chất thải rắn thông thường tại địa phương gần nhất. Tận dụng các moong khai thác than lộ thiên sau khi ngừng khai thác để tiếp nhận bùn nạo vét.

- Đối với bùn nạo vét tại khu vực xa bờ, không có khả năng tái sử dụng, đưa đổ tạm thời ra khu vực đảo Long Châu (đến 2020).

4.4. Quy hoạch vị trí các khu xử lý chất thải rắn:

Việc lựa chọn vị trí các khu xử lý chất thải rắn cho các đô thị dựa trên quan điểm các khu xử lý chất thải rắn được lựa chọn theo hướng liên đô thị, với các cấp độ phục vụ gồm: vùng tỉnh, vùng huyện, liên đô thị sao cho phạm vi phục vụ có sự liên kết giữa các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh với nhau, không phân chia ranh giới hành chính.

Căn cứ vào các nguyên tắc lựa chọn vị trí và những định hướng quy hoạch khu xử lý của các đô thị trong tỉnh, quy hoạch các khu xử lý chất thải rắn đô thị gồm 04 khu xử lý cấp liên đô thị tại Hoành Bồ, Uông Bí, Tiên Yên, Móng Cái; các khu xử lý cấp đô thị phục vụ cho các đô thị riêng lẻ và các khu xử lý cho các xã đảo trên địa bàn tỉnh.

Danh sách các khu xử lý chất thải rắn tỉnh Quảng Ninh (chi tiết kèm theo Phụ lục 2).

4.5. Các loại hình công nghệ xử lý chất thải rắn:

a. Công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt: Phối hợp sử dụng các loại hình công nghệ xử lý chất thải rắn như sau:

- Công nghệ chôn lấp hợp vệ sinh: Áp dụng tại các khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt của từng đô thị. Công nghệ này sẽ xử lý các loại chất thải rắn sinh hoạt không nguy hại và các thành phần bị thải loại từ các công nghệ xử lý khác (ủ sinh học, đốt, đóng rắn...).

- Công nghệ ủ sinh học: Áp dụng xử lý các thành phần hữu cơ trong chất thải rắn của đô thị. Dự kiến loại hình công nghệ này sẽ được đưa vào đầu tư tại các đô thị có khả năng sử dụng sản phẩm cho nông nghiệp địa phương như Đầm Hà, Ba Chẽ, Bình Liêu, Tiên Yên, Hải Hà, Quảng Yên..

- Công nghệ đốt chất thải sinh hoạt: Dự kiến loại hình công nghệ này sẽ được đưa vào đầu tư tại Khu xử lý tại 02 xã Vũ Oai và Hòa Bình, huyện Hoành Bồ; khu xử lý Khe Giang, thành phố Uông Bí, áp dụng công nghệ đốt kết hợp tái chế, chôn lấp. Ưu tiên đầu tư công nghệ đốt rác thu hồi năng lượng để phát điện.

b. Công nghệ xử lý chất thải rắn công nghiệp:

- Công nghệ đốt: Xử lý hầu hết các loại chất thải nguy hại.

- Công nghệ chôn lấp an toàn: Chôn lấp vĩnh viễn chất thải nguy hại (CTNH) sau khi được xử lý sơ bộ bằng cô đặc và đóng rắn.

- Các công nghệ phụ trợ: Phân loại và xử lý cơ học nhằm xử lý sơ bộ và tái chế chất thải rắn. Xử lý hóa - lý giảm thiểu khả năng nguy hại của chất thải đối với môi trường và thu hồi, tái chế một số loại chất thải rắn.

- Một số biện pháp xử lý kết hợp với tái chế có thể sử dụng:

+ Đồng xử lý trong lò nung xi măng.

+ Tái chế dầu thải.

+ Xử lý chất thải điện tử.

+ Phá dỡ, tái chế ắc quy chì thải.

c. Công nghệ xử lý chất thải y tế:

Các cơ sở xử lý chất thải rắn y tế trên địa bàn tỉnh có thể áp dụng các phương pháp xử lý và tiêu hủy chất thải y tế nguy hại sau:

- Khử khuẩn bằng nhiệt ướt (autoclave).

- Khử khuẩn bằng vi sóng.

- Thiêu đốt ở nhiệt độ cao tại các khu xử lý tập trung.

4.6. Lộ trình đóng cửa các bãi chôn lấp chất thải rắn trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh:

Khi khối lượng chất thải rắn chôn lấp đạt dung tích lớn nhất theo thiết kế kỹ thuật thì cần đóng cửa bãi chôn lấp. Đơn vị quản lý bãi chôn lấp tại các địa phương cần xây dựng kế hoạch đóng cửa bãi chôn lấp và gửi công văn đến cơ quan quản lý nhà nước về môi trường để thông báo thời gian đóng cửa bãi chôn lấp theo quy định.

Lộ trình đóng cửa các bãi chôn lấp chất thải rắn được thể hiện chi tiết tại Phụ lục 3.

5. Nguồn vốn đầu tư:

5.1. Nhu cầu vốn đầu tư: Ước tính tổng nhu cầu vốn đầu tư triển khai quy hoạch là 1.803,0 tỷ đồng. Trong đó:

- Giai đoạn đến năm 2020 khoảng 988 tỷ đồng.

- Giai đoạn 2021 - 2030 khoảng 815 tỷ đồng.

5.2. Nguồn vốn đầu tư:

- Vốn đầu tư của ngân sách tỉnh.

- Vốn quỹ bảo vệ môi trường.

- Vốn đầu tư của các đơn vị tư nhân.

- Vốn vay ODA, vốn viện trợ không hoàn lại của các nước hay các tổ chức quốc tế.

Điều 2. Tổ chức thực hiện:

1. Sở Xây dựng.

- Tổ chức công bố quy hoạch; tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo các Sở, ngành địa phương thực hiện quy hoạch này đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050.

- Thẩm định quy hoạch xây dựng các khu xử lý CTR, kiểm tra, giám sát việc xây dựng theo quy hoạch.

- Chủ trì phối hợp với các sở, ngành xây dựng Quy chế quản lý CTR cho toàn tỉnh làm cơ sở cho quản lý nhà nước.

- Chủ trì phối hợp với Sở Tài nguyên Môi trường hướng dẫn UBND các địa phương về các tiêu chuẩn, điều kiện kỹ thuật lựa chọn địa điểm và xây dựng các trạm trung chuyển CTR cho các điểm dân cư nông thôn.

- Phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ để nghiên cứu công nghệ xử lý các loại chất thải theo hướng thân thiện môi trường và tái sử dụng.

2. Các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố:

- Căn cứ theo chức năng, nhiệm vụ được giao, phối hợp với Sở Xây dựng, thực hiện Quy hoạch.

- Tổ chức thực hiện các dự án đầu tư xây dựng khu xử lý chất thải rắn trên địa bàn theo quy định hiện hành và theo đúng quy hoạch được duyệt.

- Khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn tại các địa phương.

- UBND các huyện, thị xã, thành phố rà soát lựa chọn, phê duyệt địa điểm chôn lấp chất thải rắn xây dựng, bùn thải không nguy hại.

- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân về bảo vệ môi trường, thực hiện phân loại chất thải rắn tại nguồn, trước mắt thực hiện thí điểm tại thành phố Uông Bí, các xã đảo; các trụ sở cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, trường học, cơ sở y tế,... để tạo thói quen, sau khi đánh giá sẽ nhân rộng mô hình theo lộ trình thực tế.

Điều 3. Các ông (bà): Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Sở Xây dựng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố; Thủ trưởng các sở, ban, ngành và đơn vị liên quan căn cứ quyết định thi hành./.

 

 

Nơi nhận:
- TT Tỉnh ủy, TT HĐND tỉnh;
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- Như Điều 3;
- TTTT, Đài PTTH tỉnh, Báo QN;
- V0-5, Các CVNCTH VPUBND tỉnh;
- Lưu: VT, XD;
40bQĐ 11-18

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Nguyễn Đức Long

 

PHỤ LỤC 1:

DỰ BÁO KHỐI LƯỢNG CTR PHÁT SINH TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NINH
(Kèm theo Quyết định số: 4012/QĐ-UBND ngày 30/11/2016 của UBND tỉnh)

1. Dự báo khối lượng CTR sinh hoạt đô thị, dịch vụ - thương mại, nông thôn phát sinh và thu gom:

TT

Địa phương

Năm 2020

Năm 2030

Năm 2050

Phát sinh (Tấn/năm)

Thu gom (Tấn/năm)

Phát sinh (Tấn/năm)

Thu gom (Tấn/năm)

Phát sinh (Tấn/năm)

Thu gom (Tấn/năm)

1

Tp. Hạ Long

179.309

179.309

236.823

236.823

413.019

413.012

2

Tp. Móng Cái

69.906

63.880

91.674

91.382

142.350

142.350

3

Tp. Cẩm Phả

94.915

93.902

138.145

137.900

176.224

175.782

4

Tp. Uông Bí

60.768

60.381

70.080

70.080

91.586

91.586

5

Tx. Đông Triều

60.619

51.894

74.438

73.343

98.096

97.171

6

Tx. Quảng Yên

52.937

45.854

70.525

69.310

103.540

101.581

7

H. Ba Chẽ

7.614

6.302

11.345

11.191

18.803

18.803

8

H. Tiên Yên

17.870

15.821

20.543

20.225

23.939

23.556

9

H. Bình Liêu

9.431

8.065

11.256

11.098

14.452

14.394

10

H. Hoành Bồ

16.084

13.387

25.141

24.791

51.955

51.955

11

H. Hải Hà

27.397

23.790

43.669

43.319

85.498

85.498

12

H. Đầm Hà

9.841

7.895

13.403

13.157

18.855

18.801

13

H. Vân Đồn

31.003

27.296

52.626

52.301

89.089

89.089

14

H. Cô Tô

1.820

1.666

2.599

2.570

3.620

3.600

 

Tổng

639.514

599.442

862.267

857.490

1.331.026

1.327.178

2. Dự báo khối lượng chất thải rắn phát sinh tại các khu công nghiệp của tỉnh Quảng Ninh

TT

Khu công nghiệp

Địa phương

KL CTR phát sinh năm 2020 (tấn/năm)

KL CTR phát sinh năm 2030 (tấn/năm)

KL CTR phát sinh năm 2050 (tấn/năm)

1

KCN Cái Lân

TP. Hạ Long

55.038,4

80.300,0

80.300,0

2

KCN Việt Hưng

TP. Hạ Long

27.466,3

43.946,0

54.932,5

3

KCN Hải Yên

TP. Móng Cái

16.644,0

43.800,0

54.750,0

4

KCN Đông Triều

TP. Đông Triều

13.687,5

21.900,0

27.375,0

5

KCN Đông Mai

TX. Quảng Yên

14.600,0

23.360,0

29.200,0

6

KCN- Đô thị thông minh

TX. Quảng Yên

118.625,0

189.800,0

237.250,0

7

KCN Đầm Nhà Mạc

TX. Quảng Yên

491.198,8

785.918,0

982.397,5

8

KCN Tiên Yên

H. Tiên Yên

0

21.900,0

27.375,0

9

KCN Hoành Bồ

H. Hoành Bồ

9.946,3

15.914,0

19.892,5

10

KCN - Cảng biển Hải Hà

H. Hải Hà

159.687,5

255.500,0

910.310,0

11

KCN dịch vụ hỗ trợ ngành hàng không, trung tâm logistics

H. Vân Đồn

63.875,0

102.200,0

127.750,0

Tổng Cộng

 

970.768,6

1.584.538,0

2.551.532,5

3. Dự báo khối lượng chất thải rắn phát sinh tại các cụm công nghiệp của tỉnh Quảng Ninh

TT

Cụm công nghiệp

Địa điểm

KL CTR phát sinh năm 2020 (tấn/năm)

KL CTR phát sinh năm 2030 (tấn/năm)

KL CTR phát sinh năm 2050 (tấn/năm)

1

CCN Hà Khánh

Tp.Hạ Long

4338,0

7.305,8

9.132,3

2

CCN Dương Huy

Tp. Cẩm Phả

912,5

6.570,0

8.212,5

3

CCN Quang Hanh

Tp. Cẩm Phả

2691,9

7.227,0

9.033,8

4

CCN Cẩm Thịnh

Tp. Cẩm Phả

912,5

7.300,0

9.125,0

5

CCN Tây Móng Cái

Tp. Móng Cái

1825,0

7.300,0

9.125,0

6

CCN liên phường Phương Đông - Phương Nam

Tp. Uông Bí

2281,3

10.950,0

13.687,5

7

CCN Bắc Sơn

Tp. Uông Bí

 

1.916,3

3.832,5

8

CCN Kim Sen

Tx. Đông Triều

6458,7

10.333,9

12.917,4

9

CCN Tràng An

Tx. Đông Triều

1825,0

4.562,5

9.125,0

10

CCN An Sinh

Tx. Đông Triều

 

4.562,5

9.125,0

11

CCN Đông Mai

Tx. Quảng Yên

912,5

2.336,0

2.920,0

12

CCN Nam Sơn

H. Ba Chẽ

4338,9

6.942,3

8.677,9

13

CCN Đạp Thanh

H. Ba Chẽ

 

4562,5

9.125,0

14

CCN Đồng Tâm

H. Bình Liêu

912,5

5.110,0

6.387,5

15

CCN TT. Bình Liêu

H. Bình Liêu

 

684,4

1.368,8

16

CCN Hoành Bồ

H. Hoành Bồ

5051,6

10.944,2

13.680,2

17

CCN Quảng Đức

H. Hải Hà

912,5

4.380,0

5.475,0

18

CCN Đông Đầm Hà

H. Đầm Hà

912,5

2.920,0

3.650,0

19

CCN Tây Đầm Hà

H. Đầm Hà

 

4.562,5

9.125,0

Tổng cộng

 

34.285,4

110.469,8

153.725,2

4. Dự báo khối lượng chất thải rắn y tế phát sinh và thu gom trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh

Địa phương

Năm 2020

Năm 2030

Năm 2050

Phát sinh (tấn/năm)

Thu gom (tấn/năm)

Phát sinh (tấn/năm)

Thu gom (tấn/năm)

Phát sinh (tấn/năm)

Thu gom (tấn/năm)

TP. Hạ Long

1.683

1.683

1.816

1.816

2.216

2.216

TP Móng Cái

91

91

110

110

158

158

TP. Cẩm Phả

575

575

735

735

1.247

1.247

TP. Uông Bí

883

883

1.020

1.020

1.360

1.360

TX. Đông Triều

146

146

164

164

208

208

TX. Quảng Yên

128

128

164

164

272

272

H. Ba Chẽ

22

22

44

44

176

176

H. Tiên Yên

73

73

110

110

247

247

H. Bình Liêu

22

22

44

44

176

176

H. Hoành Bồ

73

73

91

91

142

142

H. Hải Hà

44

44

73

73

203

203

H. Đầm Hà

29

29

44

44

98

98

H. Vân Đồn

73

73

110

110

247

247

H. Cô Tô

18

18

26

26

49

49

Tổng cộng

3.860

3.860

4.551

4.551

6.799

6.799

5. Dự báo khối lượng chất thải xây dựng phát sinh và thu gom trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh

Địa phương

Năm 2020

Năm 2030

Năm 2050

Phát sinh (tấn/năm)

Thu gom (tấn/năm)

Phát sinh (tấn/năm)

Thu gom (tấn/năm)

Phát sinh (tấn/năm)

Thu gom (tấn/năm)

TP. Hạ Long

38.690

38.690

51.100

51.100

89.118

89.118

TP Móng Cái

191.623

18.204

23.543

23.543

35.588

35.588

TP. Cẩm Phả

24.090

24.090

36.500

36.500

47.129

47.129

TP. Uông Bí

15.330

15.330

17.520

17.520

22.896

22.896

TX. Đông Triều

7.300

6.935

24.090

24.090

29.149

29.149

TX. Quảng Yên

11.067

10.513

20.236

20.236

30.080

30.080

H. Ba Chẽ

548

520

1.278

1.214

1.741

1.741

H. Tiên Yên

2.190

2.081

4.745

4.745

5.570

5.570

H. Bình Liêu

1.205

1.144

1.278

1.278

1.424

1.424

H. Hoành Bồ

2.190

2.081

2.847

2.847

4.811

4.811

H. Hải Hà

3.650

3.650

9.125

9.125

21.374

21.374

H. Đầm Hà

748

711

3.212

3.212

3.650

3.650

H. Vân Đồn

8.030

8.030

14.783

14.783

22.272

22.272

H. Cô Tô

128

128

292

292

365

365

Tổng cộng

306.789

132.107

210.549

210.485

315.167

315.167

6. Dự báo khối lượng phân bùn bể tự hoại bùn cặn từ hệ thống thoát nước phát sinh, thu gom trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh

Địa phương

Năm 2020

Năm 2030

Năm 2050

Phát sinh (tấn/năm)

Thu gom (tấn/năm)

Phát sinh (tấn/năm)

Thu gom (tấn/năm)

Phát sinh (tấn/năm)

Thu gom (tấn/năm)

TP. Hạ Long

15.574

14.017

20.220

18.968

29.534

27.351

TP. Móng Cái

9.391

8.452

11.322

10.663

14.695

13.698

TP. Cẩm Phả

11.805

10.625

14.443

13.548

17.045

15.892

TP. Uông Bí

7.512

6.761

8.426

7.935

9.931

9.290

TX. Đông Triều

9.110

8.199

11.585

10.911

13.002

12.186

TX. Quảng Yên

6.905

6.215

9.732

9.165

12.488

11.646

H. Ba Chẽ

1.213

1.092

1.595

1.505

1.919

1.797

H. Tiên Yên

2.733

2.460

2.960

2.794

3.249

3.054

H. Bình Liêu

1.503

1.353

1.594

1.505

1.696

1.597

H. Hoành Bồ

2.733

2.460

3.553

3.354

4.927

4.591

H. Hải Hà

4.555

4.100

5.694

5.374

8.485

7.886

H. Đầm Hà

1.658

1.492

2.004

1.892

2.158

2.030

H. Vân Đồn

5.011

4.509

6.839

6.425

8.936

8.313

H. Cô Tô

283

255

364

344

416

390

Tổng cộng

79.986

71.990

100.331

94.383

128.481

119.721

 

PHỤ LỤC 2:

DANH SÁCH CÁC KHU XỬ LÝ CTR TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NINH
(Kèm theo Quyết định số: 4012/QĐ-UBND ngày 30/11/2016 của UBND tỉnh)

TT

Các khu xử lý

Diện tích (ha)

Định hướng quy hoạch

Cấp độ và phạm vi phục vụ

Công nghệ xử lý

I

Cấp vùng

1

Khu xử lý chất thải rắn Khe Giang, xã Thượng Yên Công, thành phố Uông Bí.

32

Xây dựng mới

Đang hoạt động

Vùng tỉnh các đô thị phía Tây tỉnh QN (Uông Bí, Quảng Yên)

Xử lý CTRSH;

Công nghệ đốt,

giai đoạn 1:100 tấn/ngày,

giai đoạn 2:200 tấn/ngày.

2

Khu xử lý chất thải rắn Dương Huy, thành phố Cẩm Phả.

8,7

Đang hoạt động

Vùng Tỉnh

Xử lý chất thải công nghiệp nguy hại, tái chế dầu thải.

3

Nhà máy xử lý chất thải tại khu 9, phường Mông Dương, thành phố Cẩm Phả

8,9

Xây dựng mới

Thành phố Cẩm Phả và các khu vực lân cận

Xử lý chất thải nguy hại bằng công nghệ đốt.

Xử lý nước thải nhiễm dầu.

Tái chế dầu thải.

4

Nhà máy xử lý chất thải

9

Xây dựng mới

Thị xã Đông Triều và các khu vực lân cận

Xử lý chất thải nguy hại bằng công nghệ đốt.

Xử lý nước thải nhiễm dầu.

Tái chế dầu thải.

5

Nhà máy xử lý rác thải tại thôn Trung Lương, xã Tràng Lương, thị xã Đông Triều

15,24

Xây dựng mới

Thị xã Đông Triều và vùng lân cận

Xử lý CTRSH

Dây chuyền công nghệ đốt đồng bộ, hiện đại;

Nhà máy gồm 4 dây chuyền với công suất 100 tấn/ngày, có tính đến mở rộng công suất lên 200 tấn/ngày hoặc cao hơn

6

Trung tâm XL CTR, trồng cây ăn quả, rau sạch chất lượng cao và công viên cây xanh tại xã Vũ Oai và Hòa Bình, huyện Hoành Bồ

178,33

Xây dựng mới

Hạ Long, Cẩm Phả, Hoành Bồ, Vân đồn, Quảng Yên

Xử lý CTRSH, CTYTNH

Công nghệ đốt, chế biến thành phần vi sinh, chôn lấp.

CS: 580 đến 900 tấn/ngày.

Xử lý bùn cặn, bùn bể tự hoại

7

Khu xử lý chất thải rắn xã Đông Hải, huyện Tiên Yên

38,30

Xây dựng mới

Huyện Tiên Yên, Đầm Hà, Bình Liêu, Ba Chẽ

Xử lý CTRSH và CTR công nghiệp

Xử lý bùn cặn, bùn bể tự hoại

Công nghệ: tái chế, tái sử dụng, sx phân vi sinh và BCL HVS

8

Khu xử lý chất thải rắn Quảng Nghĩa, thành phố Móng Cái.

21,83

Xây dựng mới

Tp. Móng Cái, huyện Hải Hà, và khu vực lân cận

Xử lý CTRSH+CTRCN không nguy hại;

Xử lý CTYT NH

Xử lý bùn cặn, bàn bể tự hoại

Tái chế CTXD

II

Cấp đô thị

9

Khu xử lý chất thải rắn Trường Xuân, xã Đồng Tiến, huyện Cô Tô

4.42

Xây dựng mới

Xã Đồng tiến, thị trấn Cô Tô

Xử lý CTRSH

10

Khu xử lý chất thải rắn riêng cho các xã đảo: Thanh Lân, Minh Châu - Quan Lạn, Ngọc Vừng, …

Chưa xác định

Xây dựng mới

Các xã đảo

Xử lý CTRSH

 

PHỤ LỤC 3:

LỘ TRÌNH ĐÓNG CỬA CÁC BÃI CHÔN LẤP CHẤT THẢI RẮN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NINH
(Kèm theo Quyết định số 4012/QĐ-UBND ngày 30/11/2016 của UBND tỉnh)

TT

Tên BCL/KXL

Năm đóng cửa

Cơ sở đóng cửa/ Ghi chú

1

BCL Hà Khẩu - phường Hà Khẩu, thành phố Hạ Long

11/2016

Theo chỉ đạo của UBND tỉnh (CV 5195/UBND-MT ngày 25/8/2016) phải đóng cửa và chuyển về KXLCTR Hoành Bồ

2

BCL Đèo Sen - phường Hà Khánh, thành phố Hạ Long

11/2016

3

BCL Quang Hanh - Khu 7, phường Quang Hanh, thành phố Cẩm Phả

11/2016

4

BCL khu Đoàn Kết - Vỉa 9A, phường Mạo Khê, thị xã Đông Triều

2017

Sau khi KXLCTR Trung Lương, xã Tràng Lương, thị xã Đông Triều hoàn thiện xây dựng các hạng mục của nhà máy sẽ chuyển về theo quy hoạch

5

BCL Vô Ngại - xã Vô Ngại, huyện Bình Liêu

2020

Hiện BCL có diện tích 5ha, mới hoạt động từ năm 2015, công suất tiếp nhận 8T/ngày nên có thể kéo dài đến 2020, sau khi đóng cửa sẽ chuyển về KXL CTR xã Đông Hải, huyện Tiên Yên

6

BCL thôn Cống To - xã Tiên Lãng, huyện Tiên Yên

2020

Sau khi KXL CTR xã Đông Hải, huyện Tiên Yên được XD theo QH đề xuất (hiện tại chưa triển khai XD)

7

BCL Đồng Tâm - xã Dực Yên, huyện Đầm Hà

2020

8

KXL CTR thôn Khe Hố - xã Nam Sơn, huyện Ba Chẽ

2020

Hiện KXL có diện tích 1,2ha, đốt với công suất 6 tấn/ngày, vận hành từ 2013. Vì vậy, có thể kéo dài đến 2020 sẽ đóng cửa để xử lý tập trung tại KXL CTR xã Đông Hải, huyện Tiên Yên

9

BCL Cầu Cao - thôn Đài Làng, xã Vạn Yên, huyện Vân Đồn

Sau 2020

Hiện đang nâng cấp hoạt động BCL Cầu Cao kéo dài sau 2020 (theo NQ số 240/2016/NQ-HĐND ngày 18/4/2016, CTR khu kinh tế Vân Đồn sẽ đưa về Hoành Bồ)

10

BCL khu I, thị trấn Trới, huyện Hoành Bồ

11/2016

Theo chỉ đạo của UBND tỉnh (CV 5195/UBND-MT ngày 25/8/2016) phải đóng cửa và chuyển về KXL CTR Hoành Bồ vì diện tích BCL chỉ có 1 ha không thể kéo dài thêm

11

BCL Voòng Xi - khu 4, thị trấn Cô Tô, huyện Cô Tô

Đầu năm 2017

Theo quy hoạch sẽ đóng bãi để chuyển về KXL thôn Trường Xuân, xã Đồng Tiến, huyện Cô Tô khi KXL xây dựng xong và đưa vào vận hành (hiện KXL đang thi công xây dựng, công nghệ đốt)