Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HÀ NAM
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 409/QĐ-UBND

Hà Nam, ngày 26 tháng 4 năm 2014

 

QUYẾT ĐỊNH

V/V PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN CHĂN NUÔI BÒ SỮA TỈNH HÀ NAM ĐẾN NĂM 2015

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH HÀ NAM

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Quyết định số 10/2008/QĐ-TTg ngày 16/01/2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược phát triển chăn nuôi đến 2020;

Căn cứ Quyết định số 899/QĐ-TTg ngày 10 tháng 6 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc Phê duyệt đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững;

Căn cứ Quyết định 394/QĐ-BCT ngày 28/6/2010 của Bộ Công thương về việc phê duyệt quy hoạch ngành công nghiệp chế biến sữa đến 2020, tầm nhìn 2025;

Theo các Quyết định của Ủy ban nhân dân tỉnh về cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích đầu tư các xã xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011-2015: Quyết định số 15/2011/QĐ- UBND ngày 24/5/2011; Quyết định số 04/2012/QĐ-UBND ngày 30/3/2012; Quyết định số 06/2013/QĐ-UBND ngày 21/01/2013;…

Xét đề nghị của Sở Kế hoạch và Đầu tư tại Tờ trình số 321/TTr-SKH ngày 24 tháng 4 năm 2014,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Đề án “Phát triển chăn nuôi bò sữa tỉnh Hà Nam đến năm 2015”.

Điều 2. Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành có liên quan, Ủy ban nhân dân các huyện xây dựng kế hoạch cụ thể hàng năm để thực hiện Đề án đúng với quy định hiện hành.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày ký.

Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc các Sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Khoa học và Công nghệ, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chi nhánh Hà Nam; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các xã: Mộc Bắc, Nguyên Lý và Thủ trưởng các Sở, ngành, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- TT Tỉnh uỷ (để b/c);
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Như điều 3;
- Lưu VT, NN.
C-NN/2014

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH
CHỦ TỊCH




Mai Tiến Dũng

 

ĐỀ ÁN

PHÁT TRIỂN CHĂN NUÔI BÒ SỮA TỈNH HÀ NAM ĐẾN NĂM 2015
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 409/QĐ-UBND ngày 26 tháng 4 năm 2014 của Ủy ban nhân dân tỉnh)

1. Tên Đề án: Đề án phát triển chăn nuôi bò sữa tỉnh Hà Nam đến năm 2015.

2. Quan điểm, mục tiêu:

1. Quan điểm:

- Phát triển chăn nuôi bò sữa theo hướng quy mô lớn, hiệu quả, bán công nghiệp theo nhóm hộ tập trung, có sự liên kết chặt chẽ giữa hộ chăn nuôi + Ngân hàng + doanh nghiệp + chính quyền các cấp và liên kết giữa hộ chăn nuôi bò sữa với các hộ trồng cỏ nhằm chuyển đổi cơ cấu kinh tế, lao động trong nông nghiệp, tăng giá trị sản xuất và tăng thu nhập cho nông dân;

- Phát triển chăn nuôi bò sữa tại các xã ven sông Hồng, ven sông Châu Giang, không khuyến khích phát triển chăn nuôi bò sữa trong khu dân cư.

- Xây dựng cơ chế chính sách khuyến khích phát triển đàn bò sữa bền vững theo quy hoạch với các giải pháp thực hiện hiệu quả, khả thi cao.

2. Mục tiêu:

a) Đến 2015:

+ Đàn bò sữa có khoảng 2.200 con (chưa tính trang trại của Công ty TNHH FrieslandCampina Hà Nam khoảng 800 con).

+ Sản lượng sữa tươi đến năm 2015 đạt trên 7.000 tấn. Giá trị sản lượng đạt 110 tỷ đồng trở lên;

- Xây dựng 02 xã: Mộc Bắc (huyện Duy Tiên) và Nguyên Lý (huyện Lý Nhân) thành trung tâm phát triển bò sữa của tỉnh; phấn đấu đến 2015 xã Mộc Bắc có trên 1.000 bò sữa, xã Nguyên Lý có trên 400 con bò sữa;

b) Định hướng đến năm 2020:

- Toàn tỉnh có khoảng 7.000 con bò sữa; sản lượng sữa khoảng 25.000 đến 30.000 tấn; giá trị đạt 400 tỷ đồng, chiếm 5% giá trị sản xuất nông nghiệp;

- 75% số hộ chăn nuôi bò sữa có hệ thống xử lý chất thải hoặc có phương án tận dụng chất thải nhằm mục tiêu giảm ô nhiễm môi trường.

3. Nhiệm vụ:

3.1. Phát triển đàn bò trong các hộ nông dân:

a) Phát triển đàn bò ở các hộ, nhóm hộ:

- Triển khai ở các hộ, nhóm hộ có nguyện vọng, có điều kiện (tài chính, tiếp thu kỹ thuật chăn nuôi, nhân lực…) theo tiêu chí và liên kết các hộ khác để trồng cỏ, trồng ngô làm thức ăn cho bò sữa.

b) Phát triển đàn bò ở trang trại của Công ty TNHH FrieslandCampina Hà Nam:

Xã Mộc Bắc lựa chọn 8 hộ có khả năng nuôi 50 đến 70 con bò sữa/hộ tham gia thực hiện Dự án đầu tư vùng chăn nuôi bò sữa bền vững của Công ty.

3.2. Phát triển đồng cỏ và diện tích chuồng trại: Với diện tích trồng cỏ tăng thêm 117 ha và diện tích chuồng trại khoảng 3,6 ha.

Nhiệm vụ phát triển đàn bò sữa đến 2015

Huyện

Thực hiện đến 02/2014

Phát triển năm 2014

Phát triển năm 2015

Đến 2015

Số hộ

Số lượng (con)

Số hộ tham gia mới

Số lượng mua mới, mua thêm

Số lượng bê sữa được đẻ ra

cộng

Số hộ tham gia mới

Số lượng mua mới, mua thêm

Số lượng bê sữa được đẻ ra

cộng

Tổng số

H.Duy Tiên

62

370

30

330

45

375

40

500

130

630

1.375

Tr.đó Mộc Bắc

47

329

20

220

40

260

30

350

100

450

1.039

H.Lý Nhân

2

15

12

170

20

190

20

230

70

300

505

Tr.đó Nguyên Lý

2

15

10

150

15

165

15

180

50

230

410

H.Kim Bảng

49

161

2

35

20

55

3

40

30

70

286

Toàn tỉnh

113

546

44

535

85

620

63

770

230

1.000

2.166

4. Giải pháp, cơ chế:

4.1. Quy hoạch vùng phát triển chăn nuôi bò sữa:

a) Nội dung:

- Thực hiện rà soát, bổ sung quy hoạch vùng phát triển chăn nuôi bò sữa ở 3 huyện Duy Tiên, Lý Nhân, Kim Bảng, trong đó 2014 – 2015 tập trung ở 2 huyện Duy Tiên, Lý Nhân với 02 xã trọng điểm là Mộc Bắc và Nguyên Lý.

- Sau năm 2015 phát triển chăn nuôi bò sữa ở các xã ven sông Hồng và sông Châu Giang;

- Các địa phương không thuộc vùng quy hoạch phát triển bò sữa, sẽ tập trung phát triển các vùng nguyên liệu làm thức ăn cho vùng chăn nuôi bò sữa.

b) Giải pháp thực hiện: Nhà nước hỗ trợ các xã xây dựng quy hoạch phát triển chăn nuôi bò sữa với quy mô mỗi hộ tối thiểu nuôi 10 con bò sữa phát triển nuôi được đến 50 con bò sữa/hộ ngoài đê sông Hồng, sông Châu Giang và có tối thiểu 30% đất trồng cỏ (phần còn lại chuyển đất lúa sang trồng cỏ), trong đó có quy hoạch hạ tầng: đường trục; hệ thống chuồng nuôi bò sữa, vắt sữa; đường điện, nước, thoát nước thải, bioga…; có thiết kế mẫu hệ thống chuồng chăn nuôi, vắt sữa. Quy hoạch có sự tham gia của các địa phương trước khi phê duyệt.

c) Đơn vị thực hiện: Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp thực hiện.

4.2. Phát triển đàn bò cao sản:

a) Mục tiêu: Nhân nhanh đàn bò sữa với kỹ thuật tiên tiến, sản lượng sữa cao, cụ thể:

- Hướng dẫn nông hộ trực tiếp chọn, mua bò sữa đã được thuần hóa;

- Xây dựng và duy trì công tác thụ tinh nhân tạo cho đàn bò sữa của tỉnh; Hỗ trợ, khuyến khích các hộ nuôi bò sữa phối giống bằng nguồn tinh phân biệt giới tính cao sản để chủ động tăng đàn bò sữa giống tốt, năng suất cho sữa cao.

b) Giải pháp: Nhà nước hỗ trợ kinh phí phát triển đàn bò giống cao sản:

- Ủy ban nhân dân các huyện phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để hướng dẫn các hộ tham quan, chọn bò sữa, hướng dẫn kỹ thuật, giá cả, quy trình chăn nuôi.

- Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đầu tư trang thiết bị mua tinh phân biệt giới tính, bảo quản (nếu có), phối giống, giám sát, báo cáo kết quả, theo dõi đàn bò.

- Khi trang trại mẫu của Công ty TNHH FrieslandCampina Hà Nam vận hành dự án thì việc bảo quản tinh được thực hiện ở trang trại mẫu của Công ty. Việc mua sắm thiết bị bảo quản, tinh, thụ tinh…chỉ thực hiện từng bước và phải được Ủy ban nhân dân tỉnh chấp thuận theo kế hoạch cụ thể.

Việc phối giống được xã hội hóa, do yêu cầu của người chăn nuôi thì Nhà nước hỗ trợ cho hộ chăn nuôi khi có kết quả phối giống bò cao sản.

c) Đơn vị thực hiện: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Khoa học và Công nghệ, Công ty TNHH FrieslandCampina Hà Nam.

(Chi tiết theo phụ lục kèm theo)

4.3. Về vốn:

- Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT chi nhánh Hà Nam cho các hộ vay tối đa 70% số tiền mua bò sữa với lãi suất cho vay thời điểm hiện tại: trung, dài hạn tối đa 11%/năm; ngắn hạn tối đa 8%/năm; thời hạn cho vay theo khả năng hoàn vốn của dự án; thủ tục cho vay đơn giản, nhanh chóng, không thu bất kỳ khoản lệ phí nào của hộ mua bò. Thế chấp bằng vật nuôi, chuồng trại, thiết bị sản xuất, quyền sử dụng đất.

- Tỉnh hỗ trợ một phần tiền lãi vay Ngân hàng (tương đương 15 tháng đầu tiên phải trả lãi ngân hàng) để mua bò giống; tối đa 5 triệu đồng/con.

- Kinh phí dự kiến: 6.525 triệu đồng (năm 2014: 2.675 triệu đồng, năm 2015: 3.850 triệu đồng).

(Chi tiết theo phụ lục đính kèm)

4.4. Về thức ăn cho bò sữa:

a) Mục tiêu: Đảm bảo khẩu phần thức ăn hỗn hợp chất lượng cao cho bò sữa nhằm nâng cao sản lượng và chất lượng sữa; giảm giá thức ăn và đáp ứng đủ thức ăn thô xanh cho bò sữa (nhất là thời điểm 3 tháng mùa khô:11,12 và tháng 1 năm sau).

b) Nội dung:

- Mở rộng diện tích thâm canh, sử dụng giống ngô, cỏ mới có năng suất, chất lượng cao; Khuyến khích các hộ chuyển đổi đất trồng lúa, màu sang trồng cỏ, trồng ngô làm thức ăn cho bò sữa;

- Khuyến khích sử dụng thức ăn tinh hỗn hợp công nghiệp từ các nhà máy đến thẳng hộ, trang trại chăn nuôi không qua đại lý để hạ giá thành sản phẩm chăn nuôi.

c) Cơ chế chính sách:

- Hỗ trợ 03 triệu đồng/máy thái cỏ/hộ hoặc hỗ trợ 3 triệu đồng/máy vắt sữa/hộ;

- Hỗ trợ kinh phí dồn đổi ruộng đất để xây dựng chuồng trại, công trình phụ trợ, trồng cỏ, ngô cho bò (đảm bảo ít nhất có 5 sào/khu vực tập trung trồng cỏ): khoảng 40.000 đồng/sào (01triệu đồng/ha theo Quyết định 15/2011/QĐ-UBND ngày 24/5/2011 của UBND tỉnh).

- Hỗ trợ (01lần) đời sống hộ nông dân chuyển đổi trồng lúa sang trồng cỏ: 150.000 đồng/sào.

- Hỗ trợ một phần giống cỏ và đào tạo, chuyển giao kỹ thuật trồng cỏ: do Công ty TNHH Friesland Campina Hà Nam;

(Chi tiết theo phụ lục kèm theo)

d) Đơn vị thực hiện: Ủy ban nhân dân các xã chủ trì, phối hợp thực hiện.

4.5. Công tác thú y, phòng chống dịch bệnh:

a) Mục tiêu: Kiểm soát tình hình dịch tễ ở đàn bò sữa, đảm bảo an toàn dịch bệnh và sức khỏe cho đàn bò. Bảo vệ sức khỏe người chăn nuôi và an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng.

b) Nội dung: Tỉnh hỗ trợ (Tài liệu Quy trình chăn nuôi bò sữa tiên tiến phù hợp với điều kiện của tỉnh; Tổ chức các lớp tập huấn; Giám sát dịch bệnh ; Tổ chức tiêm phòng; Hướng dẫn kỹ thuật chuồng trại, chăm sóc, VSAT TP…).

c) Đơn vị thực hiện: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp thực hiện.

(Chi tiết theo phụ lục kèm theo)

4.6. Xử lý môi trường:

a) Mục tiêu: Phát triển đàn bò bền vững, giảm thiểu ô nhiễm môi trường và tái sử dụng nguồn năng lượng, phân bón từ chất thải chăn nuôi bò sữa.

b) Nội dung: Xây dựng mô hình chuyển giao kỹ thuật, tư vấn cho các hộ chăn nuôi trong việc tận dụng các chất thải chăn nuôi nhằm mục tiêu tận dụng để đem lại hiệu quả kinh tế và góp phần vào việc bảo vệ môi trường như: các kỹ thuật ủ phân khô để bón cho đồng cỏ, làm hầm biogas. Hỗ trợ một phần kinh phí cho các hộ, trang trại xây dựng hầm biogas.

c) Cơ chế chính sách: Nhà nước hỗ trợ (Xây dựng mô hình xử lý chất thải cho các hộ dân nuôi bò sữa; chuyển giao công nghệ và xử lý môi trường hợp lý; Hỗ trợ 50% kinh phí xây dựng hầm biogas, tối đa không quá 10 triệu đồng/(hộ, nhóm hộ) nuôi từ 10 con trở lên; Chuyển giao kỹ thuật+hóa chất để các hộ ủ phân bã làm phân bón cho cỏ và cây trồng khác.

d) Đơn vị thực hiện: Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp thực hiện.

(Chi tiết theo phụ lục kèm theo)

4.7. Tiêu thụ sản phẩm:

- Khuyến khích các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đầu tư xây dựng các điểm thu mua sữa (sản lượng sữa bình quân 1.000 kg/ngày trở lên); Giá thu mua sát thị trường.

- Xây dựng chương trình “Sữa học đường” nhằm mục tiêu đưa sản phẩm sữa tươi Hà Nam đến với học sinh toàn tỉnh; chú trọng vùng sâu, vùng xa, vùng trẻ em có tỷ lệ suy dinh dưỡng cao.

4.8. Phát triển cơ sở hạ tầng:

a) Nội dung: Hỗ trợ phát triển hạ tầng ngoài hàng rào các khu chăn nuôi tập trung.

b) Cơ chế chính sách:

- Hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng: Hỗ trợ đường trục khu vực trang trại chăn nuôi tập trung với quy mô ≥ 3m: 200 tấn xi măng/km + 100 triệu đồng/km để mua đá, cát. Các hộ dân lo các chi phí còn lại và tự làm.

- Ưu tiên hỗ trợ và phát triển các hạ tầng và dịch vụ khác ở khu vực chăn nuôi: Nước, điện, các dịch vụ kỹ thuật khác và thu mua sản phẩm:

+ Về điện: Giao trách nhiệm ngành điện xây dựng đường trục khu trang trại chăn nuôi tập trung để hộ chăn nuôi có điện sản xuất theo tiến độ.

+ Về nước sạch:

Các nhà máy nước Mộc Nam, Nguyên Lý xây dựng đường trục cấp nước khu trang trại chăn nuôi tập trung để nông hộ có nước cho bò uống. Ngân sách tỉnh hỗ trợ doanh nghiệp 60% kinh phí xây lắp đường ống cấp nước.

Xây dựng đường ống cấp nước: Ngân sách nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp 60% kinh phí xây lắp đường ống cấp nước đến hàng rào khu chăn nuôi tập trung.

Đối với nước rửa chuồng, nước trồng trọt: sử dụng nước mặt và nước ngầm, do các hộ tự lo.

c) Đơn vị thực hiện: Các Sở, ngành, đơn vị liên quan; UBND các xã hướng dẫn, chỉ đạo các hộ, nhóm hộ chăn nuôi đối ứng các chi phí còn lại và tự làm.

(Chi tiết theo phụ lục kèm theo)

4.9. Về đất đai:

- Khuyến khích các hộ, nhóm hộ chăn nuôi thuê quyền sử dụng đất của các hộ được giao đất nông nghiệp, thời gian thuê do 2 bên thỏa thuận; hoặc chuyển đổi đất nông nghiệp của mình (hộ, nhóm hộ chăn nuôi) được giao với hộ khác hoặc với đất công ích của xã ở khu vực quy hoạch chăn nuôi;

- Hộ, nhóm hộ trang trại, khu chăn nuôi tập trung lập Đề án thuê đất để nuôi bò sữa, trồng cỏ làm thức ăn cho bò. Ủy ban nhân dân huyện cho thuê và giao đất (không bồi thường, giải phóng mặt bằng), thời gian thuê 20 năm.

4.10. Các hộ, nhóm hộ phát triển đàn bò sữa mới từ 10 con trở lên tại các xã quy hoạch ngoài khu dân cư được hưởng cơ chế của tỉnh như khu chăn nuôi bò sữa của xã Mộc Bắc, xã Nguyên Lý (trừ kinh phí quy hoạch và kinh phí hỗ trợ xây dựng hạ tầng).

5. Dự kiến kinh phí thực hiện 160.800 triệu đồng (Một trăm sáu mươi tỷ tám trăm triệu đồng), trong đó:

- Vốn hộ chăn nuôi: 142.776,0 triệu đồng;

- Ngân sách nhà nước: 18.024,0 triệu đồng: Từ nguồn sự nghiệp kinh tế, sự nghiệp khoa học công nghệ, vốn CTMTQG XD NTM, ngân sách tập trung…

(Chi tiết theo phụ lục kèm theo)

6. Địa điểm thực hiện: Trên địa bàn tỉnh, trọng tâm ở các xã Mộc Bắc, huyện Duy Tiên; xã Nguyên Lý, huyện Lý Nhân.

7. Thời gian thực hiện: năm 2014 đến năm 2015.

8. Tổ chức thực hiện

8.1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Xây dựng kế hoạch cụ thể thực hiện Đề án phát triển đàn bò sữa tỉnh Hà Nam giai đoạn đến 2015. Chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân các huyện, các Sở, ngành có liên quan:

- Thường xuyên giám sát tình hình phát triển và phòng, chống dịch bệnh trên đàn bò sữa; kịp thời tham mưu, đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.

- Tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật chuồng trại, chăm sóc, nuôi dưỡng, thụ tinh nhân tạo, xây dựng các mô hình chăn nuôi bò sữa hiệu quả theo hướng an toàn sinh học và đảm bảo an toàn thực phẩm; triển khai, sơ kết, tổng kết, báo cáo đúng tiến độ.

- Tăng cường các hoạt động khuyến nông, xúc tiến thương mại, nghiên cứu khảo sát thị trường... giúp người chăn nuôi định hướng sản xuất ổn định.

8.2. Sở Kế hoạch và Đầu tư:

- Nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách khuyến khích chăn nuôi bò sữa.

- Chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính cân đối, đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh bố trí kế hoạch vốn hàng năm, đảm bảo thực hiện mục tiêu của Đề án.

8.3. Sở Tài chính:

- Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh bố trí kinh phí thực hiện dự án, đảm bảo thực hiện có hiệu quả Đề án.

- Chủ trì, phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành các văn bản hướng dẫn nghiệm thu, thanh toán nguồn kinh phí theo quy định hiện hành.

8.4. Sở Xây dựng:

Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành, các huyện: Duy Tiên, Lý Nhân khảo sát toàn bộ diện tích đất ngoài đê sông Hồng của xã Mộc Bắc (huyện Duy Tiên), xã Nguyên Lý (huyện Lý Nhân) để xây dựng quy hoạch phát triển chăn nuôi bò sữa và thiết kế mẫu chuồng trại chăn nuôi, vắt sữa.

8.5. Sở Khoa học và Công nghệ

Tham mưu đề xuất các đề tài nghiên cứu khoa học phục vụ cho phát triển chăn nuôi bò sữa, nhằm nâng cao năng suất, chất lượng con giống bò sữa; cải tiến kỹ thuật về giống, chăm sóc, nuôi dưỡng, thú y; bố trí kinh phí hỗ trợ và xử lý môi trường trong nguồn sự nghiệp khoa học công nghệ hàng năm…;

8.6. Sở Tài nguyên và Môi trường:

- Chủ trì, phối hợp, hướng dẫn các địa phương dồn đổi diện tích đất trồng lúa, màu hiệu quả thấp sang chuyên canh trồng cỏ, ngô cung cấp thức ăn cho bò sữa thực hiện Đề án.

- Phối hợp các Sở, ngành, đơn vị liên quan xây dựng mô hình mẫu xử lý chất thải, bảo vệ môi trường chăn nuôi và môi trường sống. Hướng dẫn dồn đổi ruộng đất và quản lý đất đai.

8.7. Sở Thông tin và Truyền thông:

Chủ động phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các Sở, Ngành liên quan tuyên truyền, phổ biến sâu rộng đến người dân: các chính sách pháp luật của Nhà nước về chăn nuôi, bảo vệ môi trường trong chăn nuôi bò sữa; các cơ chế, chính sách đầu tư mới của tỉnh nhằm khuyến khích các hộ nông dân đầu tư chăn nuôi; tuyên truyền, vận động các tổ chức thành viên và hội viên thực hiện tốt Đề án.

8.8. Sở Công thương:

- Thông tin về thị trường tiêu thụ sữa trong nước và xuất khẩu.

- Tăng cường xúc tiến thương mại, triển khai các chính sách khuyến khích, hỗ trợ theo hướng tăng cường mối liên kết kinh tế giữa doanh nghiệp và người chăn nuôi bò sữa nhằm làm tăng giá trị sữa thông qua chế biến.

8.9. Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chi nhánh Hà Nam:

Tạo điều kiện cho các hộ mua bò sữa vay vốn mua bò sữa với lãi suất ưu đãi, thấp nhất; thời hạn cho vay theo khả năng hoàn vốn của dự án, thủ tục đơn giản, nhanh chóng, không thu bất kỳ khoản lệ phí nào của hộ mua bò.

8.10. Ủy ban nhân dân các huyện:

- Phối hợp với các Sở, ngành liên quan xây dựng quy hoạch phát triển chăn nuôi bò sữa, xây dựng kế hoạch hàng năm, chỉ đạo các xã quy hoạch chăn nuôi bò sữa triển khai tổ chức thực hiện có hiệu quả Đề án.

- Cho thuê đất, giao đất tạo điều kiện cho các hộ thực hiện Đề án phát triển chăn nuôi bò sữa của tỉnh.

8.11. Ủy ban nhân dân các xã:

- Rà soát, bổ sung quy hoạch trang trại, khu chăn nuôi tập trung, quy hoạch sử dụng đất trồng cỏ, quy hoạch chuyển đổi đất lúa, màu hiệu quả thấp sang trồng cỏ kết hợp với quy hoạch phát triển chăn nuôi và khu trang trại chăn nuôi tập trung. Xây dựng kế hoạch thực hiện Đề án hàng năm.

- Tổ chức phổ biến, công khai quy hoạch chăn nuôi bò sữa đã được phê duyệt, đồng thời chịu trách nhiệm quản lý quy hoạch, kế hoạch phát triển chăn nuôi bò sữa trên địa bàn, nhằm đảm bảo phát triển ổn định, kiểm soát dịch bệnh và bảo vệ môi trường. Tổ chức và duy trì hoạt động đội ngũ thú y cơ sở có hiệu quả.

- Lựa chọn các hộ có đủ điều kiện, thành lập và phê duyệt các nhóm hộ chăn nuôi bò sữa thực hiện Đề án.

- Riêng xã Mộc Bắc ngoài các nhiệm vụ trên đồng thời lựa chọn 8 hộ có khả năng nuôi 50 đến 70 con bò sữa tham gia thực hiện Dự án đầu tư vùng chăn nuôi bò sữa bền vững của Công ty TNHH FrieslandCampina Hà Nam trên địa bàn.

8.12. Hội Nông dân, Hội Phụ nữ tỉnh:

Đề nghị Hội Nông dân, Hội Phụ nữ tỉnh tuyên truyền, vận động các hội viên của Hội tích cực tham gia thực hiện Đề án.

8.13. Hộ nông dân tham gia Đề án:

Tự nguyện, chịu trách nhiệm, trực tiếp lựa chọn và quyết định mua bò sữa, chăm sóc theo quy trình sản xuất sữa sạch; Lập dự án vay vốn mua bò, thuê đất để xây dựng chuồng trại và trồng cỏ, trồng ngô chăn nuôi bò sữa./.